BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI MỘT

Tiếp tục tu tập như thế nào khi khoá thiền kết thúc

Tu tập hết ngày này sang ngày khác, chúng ta đã tới ngày cuối của khóa thiền. Khi bắt đầu tu tập, quý vị được yêu cầu hoàn toàn tuân thủ phương pháp và nội quy của khóa thiền. Nếu không tuân thủ theo như vậy, quý vị không thể thử nghiệm phương pháp này một cách công bằng. Bây giờ mười ngày đã qua; quý vị là người chủ của chính mình. Khi trở về nhà, quý vị hãy bình tĩnh xem xét lại những gì đã tu tập nơi đây. Nếu thấy rằng, những gì mình đã học được là thực tiễn, hợp lý, và có lợi cho mình và cho tất cả mọi người thì quý vị nên chấp nhận nó – không phải vì ai yêu cầu quý vị làm như vậy, mà vì quý vị tự nguyện, tự đồng ý; không phải chỉ trong mười ngày, mà trong suốt cả đời mình.

Sự chấp nhận không nên chỉ ở mức độ trí thức hoặc tình cảm. Ta phải chấp nhận Dhamma (Pháp) ở mức độ thực tế bằng cách áp dụng Dhamma, coi Dhamma là một phần của cuộc đời mình, bởi vì chỉ với sự thực hành Dhamma mới đem lại lợi ích thiết thực trong cuộc sống hằng ngày.

Quý vị tham dự khóa thiền này để học cách tu tập Dhamma – làm thế nào để sống một cuộc sống đạo đức, để làm chủ được tâm mình, để thanh lọc tâm. Mỗi tối, quí vị

được nghe một bài giảng nhằm làm sáng tỏ cách tu tập. Hiểu rõ mình đang làm gì và tại sao là điều cần thiết giúp ta không bị phân vân và tu tập sai đường lối. Tuy nhiên, trong khi giảng giải phương pháp này, ta không thể tránh việc phải đề cập tới một vài khía cạnh của lý thuyết. Và vì có nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau tham dự khóa thiền, rất có thể có người thấy vài chỗ trong lý thuyết không thể chấp nhận được. Nếu đúng như vậy, hãy bỏ nó qua một bên. Tu tập Dhamma quan trọng hơn. Không ai phản đối cách sống một cuộc sống không làm hại người khác, phát triển việc làm chủ được tâm mình, giải thoát tâm khỏi những bất tịnh và tạo được tình thương yêu và thiện chí. Sự tu tập này được mọi người chấp nhận, và đây là một khía cạnh có ý nghĩa nhất của Dhamma, bởi vì bất cứ lợi ích nào ta đạt được sẽ không từ những lý thuyết mà do sự tu tập, do áp dụng Dhamma vào cuộc sống của mình.

Trong mười ngày ta chỉ học được những điều cơ bản của phương pháp thiền này; ta không thể trông đợi mình trở nên hoàn hảo về phương pháp một cách mau lẹ đến thế. Nhưng tuy nhiên kinh nghiệm ngắn ngủi này không phải là không có giá trị: quý vị đã khởi sự đi bước đầu tiên, một bước rất quan trọng, mặc dù hành trình còn dài – đúng thế, đây là công việc của cả một đời người.

Một hạt giống Dhamma đã được gieo, và đã bắt đầu nảy mầm thành một cây con. Một người làm vườn giỏi sẽ săn sóc cây con một cách đặc biệt, và nhờ sự săn sóc này, cây con dần dần lớn thành một cây thật lớn với thân to và rễ sâu. Sau đó, thay vì đòi được săn sóc, cây này đem lại lợi ích và phục vụ ta trọn đời.

Cây Dhamma con này bây giờ cần được săn sóc. Hãy bảo vệ nó để nó không bị người khác chỉ trích bằng cách phân biệt giữa lý thuyết mà vài người có thể chống đối, và cách thực hành mà mọi đều người chấp nhận. Đừng để cho những sự chỉ trích đó làm quý vị ngừng tu tập. Hãy ngồi thiền một giờ vào buổi sáng, và một giờ vào buổi tối. Sự tu tập thường xuyên, hằng ngày này rất cần thiết. Lúc đầu nó có vẻ là một gánh nặng khi mọi người phải dành hai giờ mỗi ngày để tu tập, nhưng quý vị sẽ sớm nhận ra rằng mình tiết kiệm được nhiều thì giờ hơn thay vì phí phạm nó như trong quá khứ. Trước hết, quý vị cần ít thì giờ hơn để ngủ. Thứ hai, quý vị có thể hoàn thành công việc nhanh chóng hơn, bởi vì khả năng làm việc gia tăng. Khi gặp phải khó khăn quý vị sẽ giữ được sự bình tâm, và sẽ lập tức tìm ra giải pháp thỏa đáng. Tới khi đã thấm nhuần phương pháp, quý vị sẽ nhận ra rằng sau khi đã ngồi thiền một tiếng buổi sáng, quý vị có đầy đủ năng lực làm việc suốt ngày mà không bị dao động.

Ban đêm trước khi ngủ, quý vị nên dành năm phút để ý thức mọi cảm giác trên khắp cơ thể. Sáng hôm sau, ngay sau khi thức dậy, lại quan sát cảm giác trong vòng năm phút. Vài phút thiền ngay trước khi ngủ và sau khi thức giấc sẽ rất hữu ích.

Nếu quý vị sống ở chỗ có những thiền giả Vipassana khác, nên ngồi thiền chung với nhau một giờ mỗi tuần. Mỗi năm cần phải tham dự ít nhất là một khóa thiền mười ngày. Sự tu tập hằng ngày giúp quý vị duy trì được những gì thu thập được ở đây, nhưng một khóa thiền bồi dưỡng rất cần thiết để quý vị có thể tu tập sâu hơn; con đường tu tập vẫn còn dài. Nếu quý vị có thể tham dự một khóa thiền có tổ chức như thế này là điều rất tốt. Nếu không, quý vị vẫn có thể tạo một khoá thiền bồi dưỡng cho riêng mình. Khóa thiền tự tu mười ngày ở chỗ nào riêng biệt, có người nấu ăn cho mình. Quý vị đã biết cách tu tập, thời khoá biểu, kỷ luật; quý vị tự tuân theo mhững điều này. Nếu quý vị muốn thông báo trước cho Thiền Sư là sẽ bắt đầu khóa tự tu, tôi sẽ nhớ và gởi metta (tâm từ) của tôi, gởi những giao cảm an lành của tôi tới quý vị; điều này sẽ tạo ra một môi trường thanh tịnh giúp quý vị tu tập hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu không thể thông báo cho Thiền Sư, quý vị không nên mất tự tin. Chính Dhamma sẽ bảo vệ quý vị. Dần dần quý vị phải đạt được trình độ tự lập. Vị Thiền Sư chỉ là người hướng dẫn; quý vị phải tự là người chủ của chính mình. Lúc nào cũng lệ thuộc vào người khác thì không thể giải thoát được.

Thiền hai giờ mỗi ngày và hằng năm một khóa thiền bồi dưỡng mười ngày chỉ là sự cần thiết tối thiểu để duy trì sự tu tập. Nếu có thêm thời giờ rảnh, quý vị nên dùng để

hành thiền. Quý vị có thể tham dự những khóa thiền ngắn một tuần, hoặc vài ngày, ngay cả một ngày. Trong những khóa thiền ngắn như vậy, hãy dành một phần ba thời gian để tập Anapana, và thời gian còn lại cho Vipassana.

Trong lúc thiền hằng ngày, nên dùng phần lớn thời gian để tu tập Vipassana. Chỉ khi nào tâm quý vị bị xáo động hoặc trì trệ, hoặc nếu vì bất cứ lý do nào khiến cho quý vị khó quan sát cảm giác và giữ được sự bình tâm, thì quý vị nên tập Anapana cho tới khi còn thấy cần.

Khi tập Vipassana, nên cẩn thận không chơi trò chơi cảm giác, trở nên khoan khoái với cảm giác dễ chịu và buồn phiền vì cảm giác khó chịu. Nên quan sát mọi cảm giác một cách khách quan. Hãy di chuyển sự chú tâm khắp cơ thể một cách có hệ thống, không ngừng quá lâu tại bất cứ chỗ nào. Tối đa hai phút để quan sát bất cứ chỗ nào, và tối đa năm phút cho trường hợp đặc biệt, nhưng đừng bao giờ để lâu hơn. Nên luôn luôn di chuyển sự chú tâm để duy trì được ý thức về cảm giác ở mọi chỗ trong người. Nếu sự tu tập bắt đầu trở nên máy móc thì hãy thay đổi cách quý vị di chuyển sự chú tâm. Trong mọi trường hợp, phải duy trì được ý thức và sự bình tâm, và quý vị sẽ hưởng được lợi ích tuyệt vời của Vipassana.

Quý vị cũng phải áp dụng phương pháp này khi đang sinh hoạt vận động, chứ không phải chỉ khi nào ngồi nhắm mắt. Khi đang làm việc, quý vị phải hoàn toàn chú tâm vào công việc; coi như mình đang hành thiền vào lúc này. Nhưng nếu có giờ rảnh, dù chỉ năm hay mười phút, hãy dùng thời gian này để ý thức những cảm giác; khi quay lại công việc, quý vị sẽ thấy tươi tỉnh hơn. Tuy nhiên nên cẩn thận, khi quý vị thiền giữa đám đông, với sự hiện diện của người không hành thiền, quý vị nên mở mắt; đừng bao giờ phô trương việc tu tập Dhamma.

Nếu tu tập Vipassana đúng cách, cuộc sống của quý vị sẽ thay đổi tốt hơn. Quý vị nên xem xét sự tiến bộ của mình trên con đường tu tập bằng cách xét lại hạnh kiểm của mình trong những tình huống hằng ngày, xét lại thái độ và cách đối xử với người khác. Thay vì làm tổn thương những người khác, quý vị đã bắt đầu giúp họ chưa? Khi việc trái ý xảy ra, quý vị có giữ được sự bình tâm không? Nếu tiêu cực nảy sinh trong tâm, quý vị ý thức được chúng nhanh đến mức độ nào? Quý vị ý thức nhanh đến mức độ nào đối với các cảm giác đi cùng với sự tiêu cực? Quý vị bắt đầu quan sát các cảm giác ấy nhanh đến chừng nào? Quý vị lấy lại bình tâm, và bắt đầu khởi lên tình thương và lòng từ ái nhanh đến mức độ nào? Hãy tự xét lại mình như thế, và tiếp tục tiến bộ trên con đường tu tập.

Những gì quý vị đạt được ở đây, không những chỉ giữ gìn chúng, mà hãy làm chúng tăng trưởng. Hãy tiếp tục áp dụng Dhamma vào cuộc sống của quý vị. Hãy tận hưởng tất cả những lợi ích của phương pháp này, và sống một cuộc sống hạnh phúc, an lạc, hài hòa, tốt cho mình và cho mọi người.

Một lời khuyến cáo là quý vị có thể tự do nói cho người khác về những gì đã học nơi đây; không bao giờ có một bí mật nào trong Dhamma. Nhưng ở giai đoạn này, không nên cố chỉ dạy người khác phương pháp này. Trước khi làm như thế, ta phải thuần thục trong sự tu tập, và phải được huấn luyện cách giảng dạy. Ngược lại sẽ có nguy cơ làm hại người khác thay vì giúp họ. Nếu người nào nghe quý vị nói và muốn tu tập Vipassana, hãy khuyến khích họ tham dự một khóa thiền được tổ chức như thế này, do một người có khả năng hướng dẫn. Còn bây giờ, hãy tiếp tục tu tập để thấm nhuần Dhamma. Hãy tiếp tục trưởng thành trong Dhamma và quý vị sẽ thấy rằng, chỉ bằng cách làm gương trong lối sống của mình, quý vị tự động lôi cuốn được người khác vào con đường tu tập.

Nguyện cho Dhamma được lan truyền khắp thế gian, vì sự tốt lành và lợi ích của nhiều người.

Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc,

được an lạc, được giải thoát!

Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI 

* Trích Tóm Lược Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app