BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

Tu tập Vipassana

Sau khi đã định tâm bằng cách quan sát hơi thở tự nhiên, quý vị bắt đầu tu tập Vipassana để có thể phát triển panna – trí tuệ, tuệ giác thấy rõ tự tánh và thanh lọc được tâm. Quý vị bắt đầu tập quan sát những cảm giác tự nhiên trên thân thể từ đầu xuống chân, từ bề mặt rồi đi vào sâu hơn, học cách cảm nhận được cảm giác ở bên ngoài, ở bên trong, ở mọi phần của thân thể.

Quan sát sự thật đúng như thật, không có định kiến nào, để phá tan sự thật bề ngoài và đạt đến sự thật tối hậu – đây là Vipassana. Mục đích việc làm tan rã sự thật bề ngoài là để cho thiền giả thoát khỏi ảo tưởng về “cái Ta”. Ảo tưởng này là cội nguồn của mọi ham muốn, ghét bỏ và đưa tới nhiều khổ đau. Ta có thể chấp nhận về mặt tri thức rằng đây là một ảo tưởng, nhưng sự chấp nhận này không đủ để ta chấm dứt đau khổ. Dù tin vào tôn giáo hoặc triết lý nào đi nữa, ta vẫn còn khổ khi nào thói quen vị kỷ còn tồn tại. Để phá bỏ thói quen này, ta phải thể nghiệm được bản chất không bền vững của hiện tượng tinh thần-thể xác, nó đổi thay không ngừng ngoài tầm kiểm soát của ta. Chỉ với kinh nghiệm này cũng đủ phá vỡ bản ngã, đưa đến sự chấm dứt ham muốn, ghét bỏ và sẽ hết khổ.

Do đó phương pháp thiền này là sự khám phá bằng kinh nghiệm trực tiếp bản chất đích thực của hiện tượng được gọi là “Ta, Của Ta”. Có hai mặt của hiện tượng này: vật chất và tinh thần, thân và tâm (sắc và danh). Thiền giả bắt đầu bằng cách quan sát thực tại của thân. Để thể nghiệm được thực tại này, ta phải cảm nghiệm được thân, nghĩa là, phải ý thức được cảm giác khắp cơ thể. Như vậy, việc quan sát thân – kayanupassana (quán thân) – nhất thiết có liên quan đến quan sát các cảm giác – vedananupassana (quán thọ). Tương tự, ta không thể cảm nghiệm được thực tại của tâm tách rời những gì nảy sinh trong tâm. Như vậy, quan sát tâm – cittanupassana (quán tâm) – nhất thiết có liên quan đến quan sát nội dung của tâm – dhammanupassana (quán pháp).

Điều này không có nghĩa là ta phải quan sát từng ý nghĩ một. Nếu cố làm như thế, quý vị sẽ bắt đầu chìm đắm trong những ý nghĩ. Ta chỉ nên có ý thức về bản chất của tâm trong lúc này, dù sự ham muốn, ghét bỏ, vô minh, và dao động có hiện diện hay không. Đức Phật khám phá ra rằng, bất cứ cái gì nảy sinh trong tâm sẽ có kèm theo một cảm giác. Từ đó, ý thức về cảm giác là cần thiết cho dù thiền giả khảo sát về mặt tinh thần hay vật chất của hiện tượng về ‘Ta’.

Sự khám phá này là đóng góp độc đáo của Đức Phật, là điểm quan trọng chủ yếu trong sự giảng dạy của Ngài. Tại Ấn Độ, trước và cùng thời với Đức Phật, cũng đã có nhiều người giảng dạy và tu tập sila (giới)samadhi (định). Panna (Tuệ) cũng đã có, ít ra là về mặt kính tín hoặc tri thức: những phiền não trong tâm thường được chấp nhận là nguồn gốc của khổ đau, sự ham muốn và ghét bỏ phải được diệt trừ để thanh lọc tâm và đạt được giải thoát. Đức Phật chỉ tìm thấy con đường để thực hiện điều này.

Điều thiếu sót vào thời trước đó là sự hiểu biết về tầm quan trọng của cảm giác. Xưa nay, ta thường nghĩ ta phản ứng với đối tượng bên ngoài của giác quan – hình thể, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm, ý nghĩ. Tuy nhiên, quan sát sự thực trong ta cho thấy giữa đối tượng và phản ứng có một mắt xích không được chú ý, đó là cảm giác. Sự tiếp xúc giữa đối tượng và giác quan tương ứng làm cảm giác nảy sinh; sanna (nhận định, tưởng) đưa ra một sự đánh giá tốt hay xấu, theo đó cảm giác trở nên dễ chịu hoặc khó chịu, và ta phản ứng bằng sự ham muốn hay ghét bỏ.

Tiến trình xảy ra nhanh đến nỗi tâm ý thức chỉ nhận biết được sau khi phản ứng đã được lặp lại nhiều lần và đã gom được sức mạnh đủ để chi phối được tâm. Để đối phó với những phản ứng này, ta phải ý thức được chúng ở ngay nơi chúng khởi sự; chúng phát sinh cùng với cảm giác, do đó ta phải ý thức về những cảm giác. Việc khám phá ra sự kiện này, trước đây chưa ai biết đến, giúp Thái Tử Siddhattha Gotama đạt được sự giác ngộ, và do vậy Ngài luôn luôn nhấn mạnh sự quan trọng của cảm giác. Cảm giác đưa tới phản ứng bằng ham muốn hoặc ghét bỏ, rồi đưa tới khổ. Nhưng cảm giác cũng đưa tới trí tuệ làm ta ngừng phản ứng và bắt đầu thoát khỏi khổ.

Trong Vipassana, bất cứ cách tu tập nào cản trở sự ý thức về cảm giác đều có hại, cho dù đó là sự chú tâm vào lời nói hoặc hình ảnh hoặc chỉ chú tâm vào cử động của cơ thể hoặc những ý nghĩ nảy sinh trong tâm. Quý vị không thể diệt trừ được khổ nếu như không đi đến nơi nó phát xuất, đó là cảm giác.

Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI 

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

* Trích Tóm Lược Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app