Nội Dung Chính
BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI
Ôn lại phương pháp thực tập (nương tựa Tam Bảo)
Mười ngày đã trôi qua. Giờ chúng ta hãy kiểm lại những gì quý vị đã tu tập trong mười ngày này.
Quý vị bắt đầu tu tập bằng cách nương tựa Tam Bảo, nghĩa là, nương tựa vào Buddha (Phật), nương tựa vào Dhamma (Pháp), và nương tựa vào Sangha (Tăng). Bằng cách nương tựa như thế quý vị đã không phải chuyển từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác. Trong Vipassana, chỉ có sự chuyển đổi từ đau khổ sang hạnh phúc, từ vô minh sang trí tuệ, từ ràng buộc sang giải thoát. Toàn bộ lời dạy của Đức Phật đều mang tính phổ quát.
Quý vị không nương tựa vào một người nào, tín điều nào, tông phái nào, mà nương tựa vào phẩm chất của sự giác ngộ. Ai khám phá ra con đường dẫn đến sự giác ngộ thì người đó là Buddha (một vị Phật). Con đường Ngài tìm ra là Dhamma. Tất cả những ai tu tập theo con đường này và đạt tới trình độ thánh thiện được gọi là Sangha. Được khích lệ bởi những vị này, ta nương tựa vào Buddha, Dhamma và Sangha để cũng đạt được mục đích là thanh lọc tâm. Thực ra nương tựa chính là nương tựa vào phẩm chất phổ quát của sự giác ngộ mà ta cố gắng phát triển nơi chính mình.
Đồng thời, bất cứ người nào có tiến bộ trên con đường tu tập đều có lòng biết ơn và ý muốn phục vụ người khác mà không đòi hỏi được đền đáp lại điều gì. Hai phẩm chất này nổi bật nơi Ngài Siddhattha Gotama, một vị Phật lịch sử. Ngài đã hoàn toàn giác ngộ do nỗ lực của chính Ngài. Tuy vậy, vì lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, Ngài tìm cách truyền dạy phương pháp Ngài đã tìm được cho mọi người.
Những phẩm chất tương tự sẽ xuất hiện trong tất cả những ai tu tập phương pháp thiền này và những ai đã diệt trừ được phần nào thói quen cố hữu của tính vị kỷ. Sự nương tựa thực thụ, sự bảo vệ thực thụ, là Dhamma mà quý vị tu tập được cho mình. Tuy nhiên, song song với kinh nghiệm về Dhamma, chúng ta hẳn sẽ nhớ ơn Đức Phật Gotama vì Ngài đã tìm ra và giảng dạy phương pháp này. Đồng thời ta cũng nhớ ơn những người với lòng vị tha đã phấn đấu để duy trì phương pháp thiền được tinh khiết như thuở ban sơ trong suốt hai mươi lăm thế kỷ nay.
Với sự hiểu biết này, quý vị quay về nương tựa Tam Bảo.
Bài viết được trích từ cuốn Tóm Lược Pháp Thoại – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF tại đây.
AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TÓM LƯỢC PHÁP THOẠI