Tương Quan Thứ Mười Một

Do Sinh Làm Điều Kiện, Lão Tử và Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não Sanh Khởi (Jāti-paccayā jarā-maranam, soka-parideva-dukkha- domanass’upāyāsā sambhavanti: Sinh duyên Lão, Tử và Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não).

Tương quan cuối cùng là giữa Sinh và Lão, Tử. Công thức của tương quan này là “Do Sinh làm điều kiện nên Lão, Tử sanh khởi”.

Thật không khó hiểu chút nào đối với trường hợp già và chết chịu điều kiện của sinh. Một khi được sinh ra làm người thì sẽ già. Sự già xảy ra hàng ngày và cuối cùng là chết. Như vậy già và chết tùy thuộc vào sinh cho nên chịu điều kiện của sinh.

Theo Chú Giải, già hay suy đồi có hai loại. Loại thứ nhất là đặc tính của tất cả các hiện tượng danh sắc do điều kiện tạo thành hay còn gọi là các pháp hữu vi. Những pháp này trải nghiệm qua ba giai đoạn hiện hữu ngắn ngủi. Giai đoạn đầu tiên là sanh, giai đoạn giữa là trụ hay kéo dài, giai đoạn thứ ba là diệt hay biến mất. Khi chúng ta nói tâm hay thân hiện hữu, chúng ta muốn ám chỉ các hiện tượng danh sắc trải qua ba giai đoạn này. Cả ba giai đoạn hiện hữu xảy ra nhanh chóng là đặc tính của các pháp hữu vi. Điều này có nghĩa là những gì do điều kiện tạo thành đều trải qua ba giai đoạn hiện hữu là sanh, trụ, diệt. Sự kéo dài hay diễn tiến ở giai đoạn trụ chính là loại già thứ nhất. Do đó, lão hay già nua trước hết là đặc tính hay điều kiện của tất cả các pháp hữu vi.

Loại già thứ hai là già hiển nhiên. Đây là sự già của các uẩn suốt trong kiếp sống. Các uẩn trở nên già đi từ giây phút này đến giây phút khác, từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác.

Sư muốn hỏi là quí vị có thể thấy sự già không? Quí vị thấy tuổi già phải không? Già vô hình và những gì quí vị thấy chỉ là hậu quả của già như tuổi già chẳng hạn chứ không phải chính sự già. Già chỉ được nhận biết qua tâm mà thôi.

Khi già quí vị sẽ như thế nào? Thân phần trở nên lệch lạc hay nặng nề hơn. Mắt không còn thấy rõ ràng như ngày xưa. Thính giác trở nên tệ hại và vị giác không còn bén nhạy như trước. Các căn  đều suy đồi. Rồi mất mát luôn tuổi thanh xuân. Có nghĩa là khi già rồi trông không còn tươi mát như thời son trẻ nữa.

Năm ngoái Sư sang Nhật và được một người đệ tử cho xem tấm hình anh chụp Sư cách đây mấy chục năm ở Miến Điện. Khi nhìn bức hình, Sư ngạc nhiên qua đổi. Có thể nào Sư là người trong bức hình không? Sư trông quá trẻ vào lúc đó. Nếu quí vị so sánh bức hình với Sư bây giờ chắc quí vị sẽ nói là hai người khác biệt. Chúng ta thay đổi thật nhiều qua thời gian. Tương tự như vậy, nhìn hình của một minh tinh khi còn trẻ và bây giờ, quí vị cũng sẽ thấy khác biệt rất nhiều. Tất cả đều mất đi nét trẻ trung khi già mà không có một ngoại lệ nào hết. Và còn mất mát về sức lực nữa. Khi già chúng ta dường như cũng quên rất nhiều thứ, không giống như hồi còn trẻ. Mặc dầu Sư dạy và thực tập chánh niệm nhưng Sư cũng thường hay tìm kiếm đồ của Sư. Đó là hậu quả của sự già.

Trong Kinh có đề cập đến trường hợp các bậc cha mẹ không còn được chính con cái yêu thích nữa. Con trai, con gái có thể nói những điều không hay với cha mẹ. Họ nói người già này gây trở ngại hay tương tự như thế. Sư may mắn không rơi vào trường hợp này bởi vì Sư là một vị tăng. Nếu là người thường và có con cái, quí vị có thể gặp trường hợp như vậy.

Rồi già yếu lại đâm ra lẩm cẩm. Khi người ta quá già, họ ứng xử như trẻ con. Điều này xảy đến cho rất nhiều người.

Đó là những dấu hiệu hay triệu chứng của già. Khi thấy những điều này nơi một người, ta biết người đó đã già. Do đó, sự già không thấy được bằng mắt trần nhưng có thể nhận ra do hậu quả của nó. Điều này xảy đến với chúng ta vì chúng ta đã tái sanh làm người.

Kế đến là chết. Ở đây cũng có hai loại chết. Một là đặc tính sanh diệt của tất cả các hiện tượng do điều kiện tạo thành hay pháp hữu vi. Quí vị còn nhớ ba khoảnh khắc thời gian phải không? Sanh khởi, kéo dài, và hoại diệt hay sanh, trụ, diệt. Tâm sanh khởi và hoại diệt rất nhanh. Trong khoảng một cái chớp của sấm sét, có hàng tỉ chập tâm sanh khởi và hoại diệt hay đến rồi đi. Điều này có nghĩa là chúng ta chết hàng tỉ lần trong một giây, chết và tái sinh, chết và tái sinh.

Loại chết thứ hai là chết quy ước, là kết thúc của một kiếp sống. Nhưng Sư muốn quí vị biết định nghĩa về loại chết này theo kinh điển. Đó là “tình trạng hỏng đi của nối kết các căn trong một sự trở thành”. Định nghĩa không được rõ ràng cho lắm. Nó có nghĩa là tình trạng ngừng nghỉ của nguồn sống liên tục trong một kiếp. Để dễ hiểu, đó là sự chấm dứt của kiếp sống.

Loại chết thứ nhất không hiển nhiên, cho nên chúng ta không sợ hãi. Loại chết thứ hai, chết quy ước, làm chúng ta sợ vì đời sống chấm dứt. Chết như kết thúc của một kiếp người xảy đến vì chúng ta đã sanh ra làm người. Do đó, già và chết là kết quả tất nhiên của tái sanh. Vì thế mới có tương quan là “Do tái sinh làm điều kiện, già và chết sanh khởi”.

Toàn thể Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên chỉ áp dụng cho các chúng sanh hữu tình. Tuy nhiên, tương quan cuối cùng này giữa tái sanh và lão, tử có thể áp dụng cho các chúng sanh vô tình nữa nếu chúng ta coi tái sanh như khởi đầu và lão, tử như kết thúc của các chúng sanh này. Sau khi sanh khởi sẽ suy đồi và cuối cùng hoại diệt.

Như vậy, cái gì sanh khởi sẽ hoại diệt. Đó là định luật thiên nhiên. Định luật này không do Đức Phật hay bất cứ ai sáng tạo ra cả. Vì là định luật thiên nhiên nên mọi thứ đều bị định luật này chi phối không thể vượt qua được. Chúng ta phải hiểu một cách đúng đắn như vậy để không cầu mong điều trái ngược.  Có thể nào có một nơi, một cõi nào   đó có một đời sống vĩnh hằng được không? Sư rất muốn có để tất cả chúng ta đến đấy vui sống đời đời. Nhưng điều này không thể nào có được. Nó ngược lại với định luật thiên nhiên về sanh khởi và hoại diệt. Một khi chấp nhận định luật “có khởi đầu sẽ có chấm dứt” rồi, chúng ta sẽ không còn tin là có một nơi, một cõi mà chúng ta sẽ sống mãi sau khi được tái sanh vào đó.

Chúng ta phải hiểu rõ ràng như vậy để không mong ước sai lầm được tái sanh vào thiên đàng và sống ở đó mãi mãi. Bao lâu có sinh, bấy lâu có già và chết. Già và chết không thể nào tránh được vì chúng là hậu quả tất nhiên của sinh. Đó là lý do tại sao theo Phật Giáo, không có thiên đàng nghĩa là không có một nơi mà chúng sanh tái sanh vào và an hưởng ái dục đời đời. Một nơi như vậy không có chỗ đứng trong Phật Giáo.

Già và chết là hậu quả tất nhiên của sinh. Ngoài ra, còn có những hậu quả khác của sinh nữa.  Đó  là sầu (soka), bi (parideva), khổ (dukkha), ưu (domanassa), và não (upāyāsa). Nếu quí vị biết tiếng Pali, già (jarā) và chết (marana) được ghép thành một chữ và sầu, bi, khổ, ưu, não ghép với nhau thành một chữ khác. Như vậy già chết là một hợp từ và sầu, bi, khổ, ưu, não là một hợp từ khác. Tại sao có hai hợp từ riêng biệt như vậy? Tại sao không hợp lại thành một hợp từ dài? Lý do là vì già và chết là hậu quả không thể tránh khỏi của sinh nhưng sầu, bi, khổ, ưu, não không phải như vậy. Chúng là những hậu quả không tất nhiên của sinh. Đó là lý do tại sao chúng được tách riêng ra thành hai nhóm riêng biệt.

Sầu là gì? Đó là âu sầu do mất mát bà con, của cải, sức khoẻ, giới đức, chánh kiến gây ra. Do đó, sầu là một khổ thọ trong tâm.

Bi là gì? Bi có nghĩa là bi thống hay khóc. Khi con người hối tiếc, họ khóc. Nhất là tại đám ma, quí vị chứng kiến cảnh than khóc và nói chuyện với xác chết. Tiếng than khóc phát xuất từ âu sầu là bi. Do đó, bi là tiếng của sầu.

Khổ thì dễ hiểu. Đó là khổ thân hay cơn đau được kinh nghiệm nơi thân thể tức là khổ thọ về thân.

Ưu là đau nơi tâm. Đau nơi tâm dù ngắn hay dài cũng đều được gọi là ưu. Đây là khổ thọ về tâm.

Cuối cùng là não. Nó được định nghĩa hay giải thích như là tình trạng não nề do chịu đựng quá đáng về tinh thần khi mất mát người thân…Do đó, não là khổ tâm thái quá nhiều hơn là âu sầu. Đây là một hình thức của sân.

Chú giải có một ví dụ về khác biệt giữa sầu, bi và não. Chúng tương tự với nhau chỉ khác về mức độ mà thôi. Sầu được ví như dầu sôi trong chảo. Khi dầu sôi quá, nó không còn nằm trong chảo nhưng bắn tung toé ra ngoài. Bi giống dầu sôi văng tung tóe như thế. Do đó, sầu giữ lại ở bên trong còn bi thể hiện ra ngoài. Não giống như dầu sôi cạn xuống vì lửa quá nóng.

Mặc dầu sầu, bi, khổ, ưu, não được xem là những hậu quả không tất nhiên của sinh, chúng rất là thực đối với chúng ta. Sư nghĩ tất cả chúng ta đều kinh nghiệm những thứ này. Vì thế với loài người đây là những hậu quả không thể tránh khỏi.

Ngay cả đối với chư thiên, có thể cũng không tránh khỏi kinh nghiệm sầu. Khi có những dấu hiệu về sự chấm dứt kiếp sống, họ rất âu sầu. Có chuyện một chư thiên thấy những dấu hiệu này và biết mình sắp sanh vào địa ngục, vị đó rất sợ và lo lắng đến nỗi đến gặp Đức Phật để nhờ Ngài giúp.

Tuy nhiên, đối với các phạm thiên thì khác. Mặc dầu phạm thiên có sinh nhưng họ không kinh nghiệm sầu, bi, khổ, ưu, não. Quí vị có biết tại sao không? Cõi phạm thiên không có sân hận hay khổ thọ về tâm. Một khi tái sanh thành phạm thiên sẽ không có sân hận và khổ thọ về tâm mặc dầu họ chưa hoàn toàn dứt sạch hết sân. Do đó, họ không có sầu, bi. Còn khổ thọ về thân thì sao? Có thể nào họ có khổ thọ về thân không? Không. Tại sao? Phạm thiên không có xúc giác. Họ chỉ có thị giác và thính giác. Cho nên họ không có khổ thọ nơi thân của họ. Còn Ưu? Không. Não? Không. Cho nên khi tái sanh thành phạm thiên sẽ không kinh nghiệm năm hậu quả này. Đó là lý do tại sao các hậu quả này được tách riêng và gọi là những hậu quả không tất nhiên của sự sinh.

Đến đây là xong mười hai nhân duyên hay mười một tương quan. Sư sẽ tóm lược trở lại những gì Sư đã giảng cho đến bây giờ trước khi kết luận. Có bao nhiêu tương quan duyên khởi? Có mười một tương quan. Có bao nhiêu nhân duyên? Có mười hai nhân duyên. Chú giải có nói các tương quan nên được xem như là một bánh xe hay vòng tròn vì không có điểm khởi đầu trên vòng tròn đó.

Chú Giải cho biết khi sầu, bi và những trạng thái tâm khác sanh khởi đều có vô minh sanh khởi với chúng. Vô minh là không có trí tuệ về Tứ Diệu Đế. Điều này có nghĩa là cho đến khi giác ngộ, tâm chưa kinh nghiệm được Tứ Diệu Đế nên luôn ở trong tình trạng vô minh. Vì thế, khi có sầu, có vô minh; khi có bi, cũng có vô minh… Do đó, tuy không được nêu tên nhưng vô minh luôn có mặt với sầu, bi và những trạng thái tâm khác. Và vì có vô minh, nên có hành nghiệp, có thức…Đó là cách giải thích của Chú Giải về Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên.

Cách thứ nhất giải thích vô minh dựa trên các hậu quả sầu, bi, khổ, ưu, não như trên chỉ đúng với cõi người hay cõi của chư thiên. Đối với cõi Phạm Thiên, không thể giải thích như vậy.

Cách giải thích thứ hai căn cứ trực tiếp trên những gì Đức Phật dạy được ghi lại trong luận thư Thanh Tịnh Đạo. Đó là: với sự sanh khởi của lậu hoặc hay là ô nhiễm trong tâm, vô minh sanh khởi. Để hiểu được lời dạy này, chúng ta phải tìm ra lậu hoặc trong các tương quan duyên khởi. Ngay Chú Giải cũng giải thích là sầu và các hậu quả khác chịu điều kiện của lậu hoặc. Có tất cả bốn loại lậu hoặc: Dục Lậu hay ô nhiễm vì ái dục, Hữu Lậu hay ô nhiễm vì dính mắc vào hiện hữu hay kiếp sống, Kiến Lậu là ô nhiễm vì quan kiến sai lầm, và Vô Minh Lậu là ô nhiễm vì vô minh. Sầu và các trạng thái tâm khác sanh khởi từ một trong những lậu hoặc này. Khi không đạt được điều mình muốn, ta âu sầu. Tình trạng sầu tiếc của quý vị gây ra bởi dính mắc vào các đối tượng của giác quan hay dục lậu. Do đó, sầu, bi và những hậu quả khác sanh khởi chịu điều kiện bởi lậu hoặc. Khi thấy lậu hoặc, chúng ta biết chúng làm điều kiện cho vô minh bởi vì Đức Phật dạy rằng do có lậu hoặc mà vô minh sanh khởi. Và vì có vô minh nên các tương quan duyên khởi liên tục xảy ra.

Cẩm Nang Về Vi Diệu Pháp (Abhidhammatthasangaha) giải thích lậu hoặc sanh khởi vì chúng sanh bị áp đảo bởi già và chết. Với sự sanh khởi của lậu hoặc, vô minh sanh khởi. Vì có vô minh nên có hành nghiệp và tiếp tục như vậy.

Cách giải thích vô minh dựa vào lậu hoặc nói trên bao quát hết tất cả chúng sanh gồm con người, chư thiên và phạm thiên. Do đó, sự giải thích này tránh được khuyết điểm của cách thứ nhất giải thích vô minh dựa vào sầu, bi, khổ, ưu, não vì không có các trạng thái tâm này ở cõi phạm thiên.

Sư nghĩ chúng ta có thể giải thích theo ba vòng. Vòng thứ nhất là vòng ô nhiễm, vòng thứ hai là vòng nghiệp, và vòng thứ ba là vòng quả. Hãy lấy ví dụ là chúng ta thấy một vật nhưng không chánh niệm ghi nhận. Vì không hành Thiền Minh Sát Niệm Xứ để chánh niệm ghi nhận nên không hiểu được đặc tánh thật sự của đối tượng. Sự không hiểu này chính là vô minh. Vì bị vô minh nên chúng ta lầm nghĩ đối tượng là tốt, đẹp rồi thèm muốn và dính mắc vào. Thèm muốn là ái dục và dính mắc là chấp thủ. Như vậy là chúng ta có vô minh, ái, và thủ. Cả ba trạng thái tâm này thuộc vòng ô nhiễm. Với tâm tư ô nhiễm chúng ta ao ước mãnh liệt và hành động để được đối tượng. Các hành động tốt lành hay xấu xa chính là nghiệp. Như vậy, từ vòng ô nhiễm chúng ta sang vòng nghiệp. Nghiệp gồm thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Khi có nghiệp thì thế nào cũng sẽ có quả dù tốt hay xấu. Do đó, từ vòng nghiệp chúng ta sang vòng quả. Vòng quả gồm danh, sắc, lục nhập, xúc và thọ. Nếu không chánh niệm ghi nhận năm thứ này, chúng ta sẽ không hiểu được bản chất thật sự của chúng. Vì thế, chúng ta bị vô minh và rơi vào vòng ô nhiễm trở lại. Tiếp tục như vậy chúng ta miệt mài đi từ vòng này sang vòng khác không bao giờ chấm dứt. Đó là luân hồi.

Dù cho giải thích các tương quan duyên khởi như thế nào đi nữa cũng không thể có được khởi đầu của vòng luân hồi giống như vòng tròn không có điểm bắt đầu.

Nếu vòng luân hồi không có điểm khởi đầu, tại sao vô minh được đề cập trước tiên trong Mười Hai Nhân Duyên? Có phải điều này có nghĩa vô minh là nguyên nhân đầu tiên hay không?

Vô minh được đề cập đến trước tiên vì là nguyên nhân căn bản hay nổi bật của vòng luân hồi chứ không phải là nguyên nhân đầu tiên. Thật vậy, vô minh là gốc rễ của tất cả các nghiệp thiện và bất thiện. Khi đề cập đến vô minh là đề cập tất cả. Và khi vô minh đoạn diệt thì tất cả được đoạn diệt. Do đó, nó là nguyên nhân căn bản của bánh xe luân hồi.

Chú Giải có đưa ra một ví dụ. Nếu bị nắm ở đầu, con rắn sẽ quấn thân hình nó quanh cánh tay người nắm. Khi bị cắt đầu, thân hình con rắn tự buông ra khỏi cánh tay mà không cần phải tháo gỡ. Tương tự như vậy, một khi dứt bỏ vô minh, mọi thứ khác cũng sẽ chấm dứt. Vì vô minh là nguyên nhân căn bản của bánh xe đời sống, nó được đề cập đến trước tiên chứ nó không phải là nguyên nhân đầu tiên. Như quí vị biết ở trên, vô minh chịu điều kiện của lậu hoặc và các yếu tố khác.

Bây giờ là phần cuối của Pháp  Duyên  Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên: “Như vậy sanh khởi toàn khối khổ đau” (Evam etassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti).

Chúng sanh hữu tình được phân ra thành mười hai nhân duyên theo Pháp Duyên Sinh. Và Đức Phật diễn tả mười hai nhân duyên  này  như  là  một khối đau khổ. Toàn khối đau khổ (kevalassa dukkhakkhandhassa) có nghĩa đau khổ không pha trộn với vui sướng hay nói cách khác tất cả đều là khổ đau. Điều này thật là quan trọng.

Tại sao mười hai nhân duyên được gọi là khối khổ đau? Bởi vì chúng bị áp đảo không ngừng bởi sanh diệt. Vô Minh, Hành, Thức…sanh khởi và hoại diệt, sanh khởi và hoại diệt. Sự áp đảo liên tục bởi sanh diệt chính là khổ. Do đó, cái được gọi là ‘con người’ hay ‘cá nhân’ hay ‘chúng sanh’ không là gì khác hơn là một khối khổ đau. Khi chúng sanh sanh khởi, chúng ta phải hiểu là khối khổ đau sanh khởi. Khi một người chết, chúng ta phải hiểu là khối khổ đau ngừng hiện hữu.

Trong đời sống hàng ngày chúng ta không tránh khỏi những danh từ quy ước như “người”, “chúng sanh”. Vì sống trong thế giới quy ước nên phải sử dụng những danh từ này. Tuy nhiên, dù phải dùng danh từ quy ước “con người” nhưng phải hiểu rằng đó chỉ là một hợp thể ngũ uẩn hay một khối của các thứ vô thường, khổ và vô ngã mà thôi.

Nếu hiểu được điều này, sẽ thấy câu hỏi “Bậc thánh A La Hán sau khi chết có tái sanh không?”  là không thích nghi. Chúng ta không thể hỏi như vậy vì trong ý nghĩa tối hậu không có A La Hán.  A La Hán là gì? Một khối khổ đau, một khối khổ đau đã chấm dứt. Bởi vì không còn nhiên liệu nên khối khổ đau này không còn sanh khởi trở lại. Hết vô minh và ái dục, hết tái sanh. Nguyên nhân đã bị diệt tận, khối khổ đau sẽ không sanh khởi nữa. Do đó, chúng ta không nói bậc A La Hán chết và không tái sanh. Nếu phải nói như thế là vì không thể tránh được việc sử dụng những danh từ quy ước. Nhưng rốt ráo phải biết rằng bậc A La Hán chỉ là một khối khổ đau, một khối đau khổ đã đoạn diệt và không còn tái sanh trở lại nữa. Đó là cách đúng đắn chúng ta nên hiểu.

Trong một bản kinh, một vị Tăng nghĩ A La Hán khi chết sẽ biến mất hẳn. Ngài Xá Lợi Phất nói: “Không nên nói như vậy”. Rồi Ngài dạy vị Tăng đó và vị này giác ngộ. Sau đó Ngài hỏi lại vị này: “Nói cho tôi nghe về A La Hán.” Lúc đó vị Tăng nói: “Ồ, đó chỉ là một khối khổ đau. Một khối đau khổ hiện hữu một thời gian. Rồi với sự diệt tận của vô minh và ái dục, nó cạn nguồn nhiên liệu nên không sanh khởi trở lại nữa. Chỉ có thế thôi”. Do đó, quí vị hãy nhớ Mười Hai Nhân Duyên chỉ là một “khối khổ đau” (dukkhakkhandhassa).

Sư đã giảng hết Pháp Duyên Sinh (paṭicca samuppāda) với mục đích để quý vị hiểu Mười Hai Nhân Duyên chỉ là một khối khổ đau. Nó sẽ tiếp tục mãi bao lâu chúng ta chưa diệt trừ được nguyên nhân căn bản của nó là vô minh và ái dục. Một khi đoạn diệt được vô minh và ái dục, chúng ta sẽ chấm dứt toàn bộ khối khổ đau này.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app