Tương Quan Thứ Tám

Do Ái Làm Điều Kiện, Thủ Sanh Khởi (Tanhā-paccayā upādāna = Ái Duyên Thủ)

Đây là tương quan thứ tám trong Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên có công thức là “Do Ái làm điều kiện, Thủ sanh khởi.

Ái (tanhā) và Thủ (upādāna) thuộc vào hai thời điểm khác nhau. Ái là sự khao khát hay ưa thích nên là tham ái (lobha). Do đó khi có tham ái, sẽ có bám níu hay Thủ sanh khởi. Thật ra Ái cũng là bám níu nhưng chưa mạnh lắm. Còn Thủ là sự dính mắc mạnh mẽ. Như vậy cả hai Ái và Thủ đều là tham nhưng khác nhau ở cường độ. Khi tham chưa mạnh lắm gọi là Ái và khi trở nên mạnh mẽ được gọi là Thủ. Tuy nhiên, không phải chỉ có Ái mới trở thành Thủ nhưng tà kiến (ditthi) cũng đưa đến Thủ.

Thủ là từ dịch thuật ngữ upādāna trong tiếng Pali. Từ này kết hợp hai ngữ căn ‘upa’ và ‘adana’. Có lẽ quí vị đã nhận diện ra vĩ ngữ ādana từ chữ adinnadāna có nghĩa là lấy những gì không được cho. Tiếp đầu ngữ ‘upa’ có nghĩa là mạnh mẽ hay vững chắc. Do đó, khi hai ngữ căn này ghép lại với nhau thành ‘upadana’ có nghĩa nắm giữ đối tượng một cách chặt chẽ. Và đó là ý nghĩa của Thủ.

Tham ái phát triển thành Thủ được gọi là Dục Thủ (kāmupādāna). Đây là sự bám níu vào các đối tượng của giác quan. Có những đối tượng của giác quan là đối tượng cho cả Ái và Thủ. Khi thấy một cái gì vừa lòng, quí vị ưa thích. Sự ưa thích ban đầu còn yếu là Ái. Sau đó quí vị bám níu chặt chẽ vào đối tượng không muốn từ bỏ nên gọi là Thủ. Thủ được ví dụ như là trường hợp rắn ngoặm nhái. Một khi rắn đã vồ được nhái rồi sẽ không bao giờ muốn nhả con nhái ra cả. Tương tự như vậy, khi dính mắc đạt đến mức Thủ thì không bao giờ muốn từ bỏ đối tượng.

Đối tượng được ưa thích của giác quan như quí vị đã biết gồm có năm loại. Đó là những vật đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon và xúc chạm thích thú. Dính mắc và bám níu vào các đối tượng giác quan được ưa thích này gọi là Dục Thủ. Đối tượng được ưa thích có nghĩa là đối tượng được ưa thích một cách tự nhiên hay cũng có thể do chúng ta nghĩ là chúng được ưa thích. Một đôi khi đối tượng được người này ưa thích nhưng người khác lại không. Chẳng hạn vị cay của tiêu, ớt. Đối với một người thích các thứ này thì vị cay là ngon nhưng đối với người không thích thì sợ lắm. Cả hai trường hợp đối tượng được ưa thích một cách tự nhiên hay do chúng ta nghĩ chúng được ưa thích đều có thể là đối tượng của Dục Thủ.

Khi thấy một vật được ưa thích hay nghĩ là được ưa thích, sự ham muốn ban đầu của chúng ta còn nhẹ nhàng là Ái. Sau đó, chúng ta quá thích đến nỗi không thể từ bỏ được nên Ái phát triển thành Thủ.

Tương tự như vậy đối với tiếng được ưa thích. Lấy ví dụ quí vị nghe nhạc chẳng hạn. Lúc đầu thích nhưng chưa bị thu hút; tuy nhiên, về sau lại thích thú đến nỗi không muốn ngưng hay muốn nghe đi nghe lại. Ưa thích ban đầu là ái và dính mắc mạnh mẽ sau đó là thủ.

Đối với mùi được ưa thích như mùi thơm của bông, mùi nước hoa cũng vậy. Lúc đầu ngửi thoáng qua nên sự ưa thích chưa mạnh nên là ái. Tuy nhiên, về sau thích quá cứ muốn dùng đi dùng lại hoài nên ái biến thành thủ.

Về vị ngon cũng thế. Chẳng hạn đối với một thức ăn ngon, ban đầu chỉ ưa thích mà thôi nhưng rồi Ái dần dần trở nên mạnh mẽ và ghiền nên cứ thích ăn món này hoài. Đó là Thủ. Ở đây vị ngon có thể được hiểu một cách rộng rãi hơn. Đó là khi quí vị được đối xử tử tế bởi người khác nhất là người thân thương của mình, quí vị thỏa thích. Chẳng hạn được vợ nấu ăn, sửa soạn phòng ốc, giường chiếu, giặt áo quần, đàn ông rất thích. Trong trường hợp này cũng có ái và thủ.

Trường hợp xúc chạm cũng tương tự. Đối với xúc chạm được ưa thích, sự thích thú lúc đầu là ái nhưng về sau trở nên dính mắc được gọi là Thủ. Luận thư Thanh Tịnh Đạo có đề cập đến sự giải thích của một số pháp sư về khác biệt giữa Ái và Thủ dựa trên sách trình bày quan điểm của các vị này. Họ nói tham ít là ái và tham nhiều là thủ hoặc tham muốn khi chưa được đối tượng là Ái nhưng khi nắm được đối tượng rồi là Thủ. Ví dụ như trường hợp tên trộm đưa tay ra lấy trộm đồ là Ái và một khi đã lấy được đồ rồi là Thủ vì không chịu từ bỏ đồ lấy được. Cũng có quan điểm cho rằng ái là ngược với chưa muốn nhiều hay ít nhu cầu và Thủ là đối lại với không hài lòng với những gì mình có.

Ngoài ra, có quan điểm cho ái là nguyên nhân của khổ đau do tìm kiếm đối tượng trong khi Thủ là nguyên nhân của khổ đau do bảo vệ đối tượng. Điều này có nghĩa là khi ưa thích một cái gì đó, quí vị cố gắng tìm kiếm cái đó cho nên khổ sở. Sự đau khổ có nguyên nhân là Ái. Sau khi có được rồi, quí vị khổ sở gìn giữ, bảo vệ để khỏi bị hư hỏng hay bị đánh cắp. Nguyên nhân của đau khổ do bảo vệ đối tượng là Thủ.

Tác giả luận thư Thanh Tịnh Đạo đề cập đến những giải thích về khác biệt giữa Ái và Thủ của các luận sư nhưng ngài đã không nói là ngài có chấp nhận các giải thích này hay không. Bởi vì ngài không bác khước các quan điểm này nên chúng ta có thể chấp nhận chúng. Đó là Dục Thủ hay bám níu vào các đối tượng ưa thích của giác quan.

Sự bám níu do tà kiến là Kiến Thủ (ditthupādāna). 

Quí vị biết kiến (ditthi) là gì rồi. Thật ra ditthi là quan kiến nhưng ở đây có nghĩa là tà kiến (miccha ditthi). Tà kiến là quan điểm sai lầm về nghiệp (kamma) và kết quả của nghiệp (vipāka). Thật vậy, quan điểm không tin vào nghiệp và quả của nghiệp hay định luật nghiệp báo là tà kiến. Một khi tà kiến đã ngự trị trong tâm thức rồi thì một người sẽ không bao giờ muốn từ bỏ nó. Sự dính mắc quá mạnh vào tà kiến này được gọi là Kiến Thủ.

Nếu nghĩ bố thí hay cúng dường không đem lại phước báu hay lợi ích tức là quí vị có tà kiến. Nếu cho rằng các hành động thiện hay bất thiện sẽ không có hậu quả là quí vị có tà kiến. Nếu nghĩ săn sóc hay kính trọng cha mẹ không đem lại kết quả tốt lành là quí vị có tà kiến. Nếu nghĩ không có cõi khác hay kiếp tới là quí vị có tà kiến. Nếu không tin có các Đức Phật đã giác ngộ là quí vị có tà kiến. Trong kinh có đề cập 10 loại tà kiến bởi vì có 10 quan kiến sai lầm hay 10 đối tượng cho các quan kiến sai lầm này. Tóm lại, không tin tưởng vào định luật nghiệp báo là tà kiến.

Loại Thủ kế tiếp rất quan trọng. Đó là Tập Hành Thủ (sīlabbatupādāna)[1]. Có nhiều hiểu lầm về loại thủ này bởi vì rất khó dịch thuật ngữ Pali một cách chính xác. Những cách phiên dịch lỏng lẻo luôn luôn đưa đến ngộ nhận. Thuật ngữ sīlabbata gồm có hai phần: sīla vata. Khi hai phạn ngữ sīla và vata được ghép lại với nhau, văn phạm Pali bắt buộc đổi chữ ‘v’ sang ‘b’ và tăng lên gấp đôi. Do đó, mà có danh từ sīlabbata.

Từ ‘sīla’ có nhiều nghĩa khác nhau. Nghĩa đầu tiên là thói quen (tập quán) tức là hành động mà một người thường hay làm. Và nghĩa khác mà quí vị biết đó là giới mà quí vị thường hay thọ giới. Và từ ‘vata’ có nghĩa là áp dụng, thực tập, hành động. Chẳng hạn giới là sīla và nỗ lực giữ giới tròn đầy là vata. Do đó, có sự khác biệt về ý nghĩa của hai danh từ sīla vata nhưng trong sự thực hành, cả hai được hiểu chung với nhau.

Vào thời Đức Phật, có những người nghĩ rằng nếu ứng xử như chó hay bò hoặc như súc vật sẽ không bị đau khổ. Súc vật không độc ác như loài người và do đó nếu sống và ứng xử như súc vật họ sẽ đoạn tận được phiền não. Đó là niềm tin của nhiều người trong thời Đức Phật. Tin theo những điều này là sīla và thật sự thực tập hay hành động như vậy là vata. Đây là tà kiến vì tin tưởng rằng sīla vata là phương cách đủ để đạt được giác ngộ. Nếu tin tưởng như thế là quí vị bị Tập Hành Thủ.

Khi Đức Phật còn hiện tiền, một ngày nọ có hai người đàn ông đến gặp Ngài. Một người tên là Punna và người kia tên là Seniya. Punna thuộc trường phái hành động như bò và Seniya thuộc trường phái làm giống như chó. Họ đến chào hỏi và vấn đạo Đức Phật. Punna nói là Seniya là đệ tử thuộc phái hành xử như chó nên ngủ, đi đứng, ăn uống và có những cử chỉ như chó và hỏi Đức Phật như vậy có kết quả nào không? Đức Phật trả lời là đừng hỏi ngài. Tuy nhiên, Punna tiếp tục hỏi lần thứ hai và bị Đức Phật từ chối. Đến lần thứ ba, Đức Phật nói với Punna là Ngài đã nói là đừng hỏi nhưng vì Punna nài nỉ nên Đức Phật mới trả lời. Ngài dạy nếu một người hành động như chó, ngủ như chó, đi đứng như chó, ăn uống như chó, tiểu tiện như chó và nếu người đó tập như vậy một cách toàn thiện thì sau khi chết sẽ tái sanh thành chó. Nếu tập chưa toàn thiện, tà kiến tin rằng làm như chó được hết phiền não và giải thoát sẽ khiến người đó sau khi chết phải đọa địa ngục hay tái sanh trong cảnh giới súc sanh. Khi nghe Đức Phật trả lời như vậy, Seniya khóc và hối tiếc vì đã bị thầy lường gạt một thời gian quá lâu.

Rồi Seniya hỏi Đức Phật một cách tương tự về Punna. Đức Phật từ chối hai lần đầu. Đến lần thứ ba Đức Phật trả lời tương tự như trước là nếu một người ứng xử như bò, ngủ như bò, đi đứng như bò, ăn uống như bò, tiểu tiện như bò và nếu người đó tập như vậy một cách toàn thiện thì sau khi chết sẽ tái sanh thành bò. Nếu tập chưa toàn thiện, tà kiến tin rằng làm như bò được hết phiền não và giải thoát sẽ khiến người đó sau khi chết phải đọa địa ngục hay tái sanh trong cảnh giới súc sanh.

Tin tưởng vào cách ứng xử như súc vật sẽ hết phiền não, đạt giác ngộ và hành động theo như vậy là Tập Hành Thủ nghĩa là bám níu vào tập quán do tà kiến gây nên. Có thể quí vị nghĩ sự thực tập như vậy chỉ xảy ra trong quá khứ chứ ngày nay không còn. Sự thật là ngày nay vẫn có người theo những quan kiến lạ lùng như vậy. Dù họ không sống hoàn toàn như súc vật nhưng sống như người tiền sử hoang sơ. Do đó, bất cứ sự thực tập nào không phải là Niệm Xứ Minh Sát, nếu hành theo vì nghĩ cách này đủ để giác ngộ là quí vị có tà kiến. Như vậy,  có thể có nhiều cách thực tập khác làm giống như ngựa, voi, chim, rắn…mà nếu làm theo sẽ là Tập Hành Thủ.

Phụ Chú Giải của luận thư Thanh Tịnh Đạo có nói là ngay cả giới luật như ngũ giới, tám giới, mười giới hay cả thiền vắng lặng (thiền chỉ) nếu được thực hành với sự tin tưởng rằng sẽ được giải thoát đều được liệt chung vào Tập Hành Thủ. Do đó, nếu quí vị nghĩ chỉ giữ giới không thôi cũng đủ giác ngộ là quí vị có tà kiến. Nếu tập thiền chỉ với tin tưởng rằng đắc các tầng thiền này cũng đủ để giác ngộ cũng là tà kiến. Như vậy, bất cứ cách thực hành nào không phải Niệm Xứ Minh Sát sẽ không đưa đến giác ngộ. Và nếu quí vị chỉ làm theo như vậy tức là quí vị có tà kiến. Theo lời dạy của Đức Phật, thực hành chánh niệm là con đường chắc chắn duy nhất để thanh lọc tâm và chứng ngộ Niết Bàn. Bất cứ pháp hành nào không phù hợp với sự vun bồi chánh niệm đều không phải là cách thực tập đúng đắn và nếu tin tưởng và hành theo tất bị mắc vào Tập Hành Thủ.

Đức Phật dạy chánh niệm là con đường duy nhất để thanh lọc tâm. Nếu xem xét phương cách mà chúng ta thực hành, quí vị sẽ thấy có thể chấp nhận lời dạy này của Đức Phật một cách không ngần ngại. Lý do là bao lâu có chánh niệm, những trạng thái tâm bất thiện không thể sanh khởi trong tâm của chúng ta. Ngược lại, giờ phút nào chúng ta mất hay không có chánh niệm, các phiền não như tham, sân, thèm muốn, ganh tỵ… sẽ sanh khởi. Khi chánh niệm phòng hộ nhãn căn, chúng ta tránh được các trạng thái tâm bất thiện sanh khởi qua căn môn này. Nếu chúng ta có chánh niệm ở nhĩ căn, chúng ta sẽ tránh được phiền não sanh khởi qua nhĩ căn…Do đó, chánh niệm ngăn ngừa các trạng thái tâm bất thiện sanh khởi trong tâm. Như vậy, chỉ có chánh niệm thanh lọc tâm mà thôi. Khi tâm hoàn toàn trong sạch, chúng ta có thể chứng ngộ Niết Bàn. Cho nên chánh niệm là con đường độc nhất để thanh lọc tâm chúng sanh và chứng ngộ Niết Bàn. Nếu tin các phương pháp khác cũng dẫn đến Niết Bàn thì đó là tà kiến.

Còn đối với Thiền Chỉ hay Thiền Vắng Lặng (samatha) thì sao? Có hai phương pháp hành thiền, Thiền Vắng Lặng hay Thiền Chỉ và Thiền Minh Sát Niệm Xứ hay còn gọi là Thiền Quán. Thiền Vắng Lặng được Đức Phật dạy nhưng không phải là pháp hành tự nó có thể đưa đến giải thoát. Tuy nhiên, nó có thể làm căn bản cho Thiền Minh Sát. Chỉ với mục đích như vậy mà Đức Phật dạy pháp hành này.

Do đó, Thiền Vắng Lặng mà không có Thiền Minh Sát sẽ không đưa tới giác ngộ. Nếu quí vị tin Thiền Vắng Lặng tự nó có thể đưa đến giải thoát, chứng ngộ Niết Bàn thì đó là tà kiến.

Trong pháp hành Thiền Vắng Lặng có phương cách chọn những phẩm tính của Đức Phật (Buddhānusatti) làm đề mục suy niệm. Đây là phương cách thực hành rất tốt có thể giúp an định tâm. Thêm vào đó, chúng ta là Phật tử nên khi nghĩ đến các phẩm tính của Đức Phật, hoan hỉ phát sanh khiến tâm lúc đó không bị ô nhiễm. Hành Thiền Chỉ hay Thiền Vắng Lặng bằng cách suy niệm về các phẩm tính của Đức Phật như vậy rất tốt nhưng Sư khuyên quí vị đừng thỏa mãn chỉ với cách hành này vì phương cách thực hành này không đưa đến giải thoát. Nếu tin ngược lại thì đó là tà kiến. Quí vị phải hành Thiền Minh Sát mới đạt được giác ngộ.

Nếu nghĩ cầu nguyện có thể đưa đến giác ngộ thì quí vị sẽ bị sai lầm. Sư rất muốn nói là cầu nguyện sẽ giúp quí vị chứng ngộ Niết Bàn và giải thoát. Tuy nhiên, kinh điển mà Sư học không cho phép làm như vậy. Trong một bài Kinh, Đức Phật dạy: “Có năm điều rất quý được mọi người trên đời ưa thích. Năm điều đó là gì? Đó là trường thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, tiếng tăm và tái sanh về cảnh trời. Đối với năm điều này, Như Lai chưa bao giờ dạy là chúng có thể đạt được bằng cầu nguyện. Nếu có thể đạt được bằng nguyện cầu thì ai là người không có được những thứ này trên thế gian?”

Theo điều dạy này thì nếu cầu nguyện có thể đem lại điều mong muốn thì ai cũng có thể có tất cả mọi thứ mình ưa thích vì chỉ cần cầu nguyện suông mà thôi. Rồi Đức Phật dạy tiếp: “Đối với thánh đệ tử muốn được trường thọ, thật không thích hợp để cầu nguyện hay giết hại để được điều này. Trái lại, vị đó nên theo lối sống dẫn đến trường thọ.” Như vậy, ngay cả với năm điều tuy hiếm có nhưng vẫn còn phàm tục này, sự cầu nguyện suông cũng không thể nào đạt được đừng nói chi đến những điều siêu thế như giải thoát và chứng ngộ Niết Bàn.

Chính vì vậy Đức Phật dạy là nếu muốn có đời sống trường thọ, quí vị nên theo lối sống dẫn đến điều này có nghĩa là hãy tạo thiện nghiệp vì thiện nghiệp dẫn đến sự trường thọ. Do đó, quí vị phải làm điều thiện để được kết quả tốt đẹp bởi vì không thể đạt được mong muốn chỉ bằng cầu nguyện suông mà thôi. Đó lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong một bài Kinh.

Trong một bài kinh khác, Đức Phật nói là nếu một vị tăng mong muốn tâm không phiền não nhưng lại không hành thiền, không chịu cố gắng phát triển tâm thì tâm vị đó sẽ không được giải thoát. Điều này có nghĩa là một vị tăng chỉ mong cầu nhưng không chịu đào luyện tâm ý thì sẽ không thành đạt điều mình mong ước vì tâm chưa phát triển. Chưa phát triển cái gì? Chưa thiết lập tâm trên Tứ Niệm Xứ.

Do đó, ở đây Đức Phật dạy rằng muốn chứng ngộ Niết Bàn nhưng chỉ cầu nguyện suông mà không chịu thực hành chánh niệm thì sẽ không có được điều mình mong cầu. Đức Phật dạy tiếp là dù không cầu nguyện nhưng lại thực hành chánh niệm, vị đó sẽ chứng ngộ được Niết Bàn.

Vì thế, cầu nguyện không có tác dụng nào cả trên sự tu tập. Dù cầu nguyện hay không, thực tập đúng đắn sẽ đưa đến kết quả. Và nếu không thực tập sẽ không có kết quả dù có cầu nguyện bao nhiêu đi nữa. Cầu nguyện là mong cầu một điều gì với hy vọng đạt được điều mình mong muốn. Tuy nhiên, Niết Bàn không thể đạt được bằng cầu nguyện. Chúng ta phải phát triển tâm theo pháp hành Minh Sát Niệm Xứ để thành đạt mục đích. Đây là điều quan trọng cần ghi nhớ.

Phật Giáo Đại Thừa có dạy là nếu quí vị cầu nguyện được sanh lên cõi tịnh độ thì ngay lúc chết Đức Phật A Di Đà và đệ tử của ngài sẽ đến tiếp độ quí vị lên cõi Tây Phương Cực Lạc tức là quí vị được tái sanh lên đó. Và cõi tịnh độ như được diễn tả cũng gần giống cõi trời Đại Thiện Kiến Vương trong kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy. Sư nghĩ cõi tịnh độ này không phải là Niết Bàn. Nếu tin tưởng này đúng thì chuyện gì sẽ xảy ra sau khi quí vị tái sanh lên cõi Tịnh Độ? Có sinh sẽ có già, chết. Có thể đời sống ở đây tốt hơn cõi người nhưng vẫn còn là kiếp sống bị luật vô thường chi phối nên rốt cuộc còn luân hồi. Do đó, Sư muốn khuyên quí vị đừng chỉ hài lòng với pháp môn Thiền Vắng Lặng nhưng hãy cố gắng hành thiền Minh Sát Niệm Xứ để được giải thoát rốt ráo.

Tóm lại, Tập Hành Thủ là tin tưởng sai lầm rằng giải thoát có thể đạt được chỉ bằng giữ giới hay làm theo một điều gì đó mà không phải là hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Chấp thủ này thường được dịch là dính mắc vào những hình thức lễ nghi hay tương tự như vậy. Cách dịch lỏng lẻo này gây nhiều ngộ nhận. Ứng xử như chó hay bò không thể được xem là lễ nghi. Tuy nhiên, nếu tin tưởng sự ứng xử như chó, như bò dẫn đến giải thoát là tà kiến. Thật khó dịch một cách chính xác Phạn ngữ Pali silabbata nhưng chú giải nói đó là làm theo thói quen của chó, bò, súc vật. Do đó, nếu quí vị tin tưởng lễ nghi hay bất cứ phương cách thực hành nào mà không phải là Tứ Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát sẽ đem lại giải thoát thì đó là Tập Hành Thủ.

Kế tiếp là Ngã Chấp Thủ (attavādupāda). Đó là tin tưởng có một linh hồn hay bản ngã trường cửu, bất biến. Đây là niềm tin sắc là linh hồn, thọ là linh hồn, tưởng là linh hồn, hành là linh hồn, thức là linh hồn hay niềm tin linh hồn là cái gì khác với các uẩn này. Theo giáo pháp của Đức Phật, không có một linh hồn hay bản ngã trường cửu, bất biến. Như vậy, tin vào linh hồn hay bản ngã là tà kiến và bám chặt vào niềm tin này là Ngã Chấp Thủ.

Như vậy, tóm lại có bốn loại thủ. Thứ nhất là Dục Thủ hay dính mắc vào đối tượng của giác quan; thứ hai là Kiến Thủ hay dính mắc do quan điểm sai lầm không tin vào định luật nghiệp báo; thứ ba là Tập Hành Thủ hay bám níu vào tà kiến làm theo tập quán hay thói quen (tập hành) sẽ đưa đến giải thoát; và thứ tư là Ngã Chấp Thủ tức bám chặt vào tà kiến về một linh hồn hay bản ngã trường cửu, bất biến. Như vậy, loại thứ nhất là Dục Thủ và ba loại kia thuộc về Kiến Thủ. Do đó, có thể nói rốt ráo là có hai loại thủ là Dục Thủ và Kiến Thủ. Cả hai loại thủ này chịu điều kiện bởi tham ái hay là ưa thích đối tượng. Tham ái đưa đến chấp thủ và Thủ có thể là Dục Thủ hay Kiến Thủ.

Theo Vi Diệu Pháp, tà kiến luôn luôn đi theo ái dục. Điều này có nghĩa là khi tham ái một thứ gì rồi thì tà kiến sanh khởi khiến dính mắc vào đối tượng ưa thích. Chính vì thế cả bốn loại thủ đều chịu điều kiện của tham ái. Do đó, Đức Phật dạy trong tương quan thứ tám của Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên là “Do Ái làm điều kiện, Thủ sanh khởi.”

[1] Thường được dịch là Giới Cấm Thủ

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app