Nội Dung Chính
Tương Quan Thứ Mười
Do Hữu Làm Điều Kiện, Sinh Sanh Khởi (Bhava-paccayā jāti = Hữu Duyên Sinh)
Đây là tương quan thứ mười giữa Hữu (bhava) và Sinh (jāti). Sư hy vọng quí vị còn nhớ những gì Sư giảng trước đây về Hữu. Trong tương quan thứ chín “Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi”, Sư đã giải thích là Hữu gồm có hai loại. Loại thứ nhất là Nghiệp Hữu (kamma bhava) và loại thứ hai là Sinh Hữu (upapatti bhava). Nghiệp Hữu là nghiệp bao gồm thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Sinh Hữu thật sự là tái sinh có nghĩa là sanh vào một kiếp khác.
Trong tương quan thứ mười “Do Hữu làm điều kiện, Sinh sanh khởi” này, Sinh (jāti) là tái sinh hay Sinh Hữu (upapatti bhava). Do đó, Hữu ở đây chỉ là Nghiệp Hữu (kamma bhava) mà thôi chứ không thể là Sinh Hữu. Bởi vì nếu Hữu là Sinh Hữu thì tương quan thứ mười sẽ là “Do Sinh (Sinh Hữu) làm điều kiện, Sinh sanh khởi” và như vậy sẽ không hợp lý.
Sinh là gì? Đó là tái sanh. Tái sanh là gì? Tái sanh (jāti) được định nghĩa là “biểu hiện đầu tiên của các uẩn trong kiếp sống của chúng sanh hữu tình tại bất cứ nơi đâu”. Điều này có nghĩa là sự xuất hiện lần đầu của các uẩn vào khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống.
Đối với con người, Sinh (jāti) không có nghĩa là lúc lọt lòng ra đời nhưng là lúc thụ thai. Ngay vào khoảnh khắc thụ thai có Thức Tái Sanh, các trạng thái tâm hay tâm sở của thức này và một vài tính chất vật chất. Đây chính là Ngũ Uẩn. Do đó, sự xuất hiện lần đầu tiên của ngũ uẩn trong một kiếp sống của con người được gọi là Sinh hay tái sinh (jāti).
Đối với các vị trời hay phạm thiên, không có giai đoạn thai bào chín hay mười tháng trong lòng mẹ như con người. Các vị này sinh ra đầy đủ thân hình và đây cũng là sự sanh khởi lần đầu tiên các uẩn được gọi là Sinh.
Tái sinh trong tương quan này chịu điều kiện bởi Nghiệp Hữu tức là những thiện hay bất thiện nghiệp quá khứ. Và Nghiệp Hữu chịu điều kiện bởi chấp thủ; Thủ chịu điều kiện bởi Ái; và Ái chịu điều kiện bởi Thọ…
Khi có lạc thọ (Thọ) từ một đối tượng nào, quí vị ưa thích (Ái) đối tượng đó. Rồi ưa thích tăng lên nhiều biến thành dính mắc hay chấp thủ (Thủ). Một khi chấp thủ rồi, ta cố chiếm hữu cho được đối tượng bằng mọi cách nên tạo thiện nghiệp hoặc bất thiện nghiệp gọi chung là Nghiệp Hữu (Hữu). Kết quả của Nghiệp Hữu là tái sanh có thể tốt hay xấu.
Nếu sanh vào cõi người, trời, hay phạm thiên là sanh vào cõi tốt lành và sanh vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và những cõi thấp kém là tái sanh xấu. Như vậy do kết quả của thiện nghiệp, chúng sanh tái sanh vào cảnh giới tốt và do kết quả của bất thiện nghiệp, chúng sanh tái sanh vào cõi xấu.
Làm sao biết được tái sanh chịu điều kiện của thiện và bất thiện nghiệp? Chúng ta không có thần thông nên không có hiểu biết trực tiếp về tương quan này. Do đó, chúng ta dựa vào suy diễn. Sự suy diễn sẽ cho phép chúng ta chấp nhận là tái sinh chịu điều kiện của các nghiệp thiện và bất thiện trong quá khứ. Chẳng hạn, khi quan sát chúng ta sẽ thấy có sự khác biệt giữa con người. Ngay con cái cùng cha cùng mẹ cũng có sự khác biệt. Đứa thì thông minh, đứa ngu đần; đứa thì đẹp, đứa thì không được như vậy…Đến cả các em bé sinh đôi cũng có khác biệt dù chúng cùng cha cùng mẹ và lớn lên đồng thời trong cùng môi trường nuôi dưỡng. Vì thế, không có vấn đề khác biệt môi sinh. Chúng ta không tìm được nguyên nhân gây ra khác biệt ngay trong kiếp sống này nên thật là hợp lý để nghĩ rằng nguyên nhân phải ở trong quá khứ. Cho nên chúng ta suy diễn là khác biệt trong kiếp này chính là kết quả của những nghiệp thiện và bất thiện đã tạo ra trong tiền kiếp.
Trước đây cũng có một tương quan tương tự là tương quan thứ hai giữa Hành và Thức: “Do Hành làm điều kiện, Thức sanh khởi”. Hành ở đây là Hành Nghiệp hay cũng là những hành động thiện và bất thiện trong kiếp trước. Thức là Thức Tái Sanh hay Kiết Sanh Thức. Sư đã giảng cho quí vị nghe về khác biệt giữa Hành Nghiệp và Hữu Nghiệp là Hành Nghiệp thuộc về kiếp quá khứ còn Hữu Nghiệp thuộc về kiếp hiện tại. Cả hai đều là nghiệp hết nhưng khác nhau ở thời điểm. Cho nên tương quan thứ hai và tương quan thứ mười tương tự như nhau ngoại trừ trong tương quan thứ hai chỉ có Thức được đề cập còn ở tương quan thứ mười thì tái sinh bao gồm thức hay tâm, các trạng thái của tâm hay tâm sở, và một số tính chất vật chất sanh khởi đồng thời với thức được nói đến. Do đó, Sinh hay tái sinh rộng rãi hơn Thức. Thức ở tương quan thứ hai được bao gồm trong Sinh của tương quan thứ mười. Kinh điển không giải thích tại sao chỉ có Thức được đề cập trong tương quan thứ hai. Có lẽ Đức Phật muốn giải thích liên hệ giữa thức và các tâm sở trong tương quan thứ ba là “Do Thức làm điều kiện, Danh Sắc sanh khởi” bởi vì Danh trong tương quan này là các tâm sở. Tóm lại, tương quan thứ hai và mười giống nhau.