Lời Giới Thiệu của Như Lai Thiền Viện
Năm 1992, Như Lai Thiền Viện mới thành lập, một số thiền sinh có thỉnh cầu Ngài Hòa Thượng Thiền Sư U Sīlānanda giảng dạy về Mười Hai Nhân Duyên (Thập Nhị Nhân Duyên) hay Pháp Duyên Sinh. Ngài hoan hỷ nhận lời với điều kiện là các thiền sinh phải học xong lớp Kalyāna – Người phật tử thông học Giáo Pháp. Ngày dạy rằng ngay cả đối với tôn giả Ananda khi nói về Pháp Duyên Sinh cũng được Đức Phật nhắc nhở rằng đó là một pháp “thậm thâm, rất khó hiểu và khó lãnh hội”.
Do đó, dựa trên tiêu chuẩn mà vị luận sư nổi tiếng Phật Minh (Buddhaghosa) đề ra, Ngài Hòa Thượng muốn các phật tử, để có thể hiểu và học đúng bất cứ một bản Kinh quan trọng nào, phải nắm vững một số đề tài Phật Pháp căn bản gồm ngũ uẩn, lục căn và lục trần, 12 nhân duyên, 18 tám xứ, Tứ Diệu đế, 37 phẩm trợ Bồ đề, 24 điều kiện tương quan (Duyên Hệ Duyên)…Năm 1993, sau khi các thiền sinh hoàn mãn lớp Kalyāna, Ngài mới bắt đầu dạy Mười Hai Nhân Duyên qua nhiều kỳ giảng.
Trong tập sách này, ngoài phần trọng tâm là Pháp Duyên Sinh, Ngài còn lồng vào nhiều đề tài căn bản khác và lý giải một cách thật rành mạch, khúc chiết và hệ thống. Hơn tất cả, tập Mười Hai Nhân Duyên là một kết hợp thật chặt chẽ và nhuần nhuyễn giữa Lý Duyên Sinh và pháp hành thiền Tứ Niệm Xứ bằng rất nhiều thí dụ cụ thể trong thiền tập cũng như trong đời thường.
Cũng qua chủ đề sâu rộng này, phật tử có dịp làm quen với lối giảng trạch đặc trưng của truyền thống Nguyên Thủy, nhất là của Hòa Thượng Thiền Sư U Sīlānanda, phần lớn dựa trên các Kinh văn, Chú Giải, các luận thư nổi tiếng và luôn khắn khít với các thuật ngữ trong kinh điển Pali…
Vì giảng trực tiếp trước thiền sinh nên lối văn và cách trình bày bài bản mang trọn khuôn khổ và sắc thái giáo trình pháp thoại, nhiều câu, ý lặp lại…
Theo đúng tinh thần trên khi soạn dịch, đạo hữu Thiện-Anh Phạm-Phú-Luyện, bằng lời dịch rất bình dị, rõ ràng, trong sáng, đã luôn cố gắng tôn trọng nguyên văn từng ý, từng câu một để có thể giữ được tính chính xác, thuần nhất và sâu sắc của nội dung bài giảng.
Toàn thể thiền sinh và phật tử khắp nơi thành kính cảm niệm ân đức của Hòa Thượng Thiền Sư U Sīlānanda đã đem hết tâm lực giảng dạy giáo pháp Duyên Sinh vi diệu này. Thiền viện cũng xin chân thành cảm tạ sự hỗ trợ nhiệt tình và thường xuyên của tất cả các bạn đạo xa gần cho các chương trình ấn tống của Như Lai Thiền Viện suốt bao năm qua. Cầu mong pháp thí cao thượng này sẽ trợ duyên cho các bạn trên đường tu tập giải thoát.
Thiền viện xin hân hạnh giới thiệu sách “Mười Hai Nhân Duyên” đến tất cả bạn đạo khắp nơi.
Trong tâm từ,
Ban Tu Thư Như Lai Thiền viện
Lời Người Soạn Dịch
Khi cố Hòa Thượng Thiền Sư U Sīlānanda giảng xong loạt bài về Paṭicca Samuppāda tại Như Lai Thiền Viện, cảm kích trước sự dạy dỗ tận tình của Hòa Thượng, tôi có phát nguyện trước mặt Ngài là sẽ soạn dịch sang tiếng Việt với tựa đề Mười Hai Nhân Duyên để cùng Như Lai Thiền viện hỗ trợ Ngài phổ biến giáo pháp duyên sinh vi diệu đến phật tử Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều sách tiếng Việt viết về đề tài này nhưng các bài pháp thoại của Hòa Thượng thật đặc biệt vì mới lạ, sâu sắc và rõ ràng nên hy vọng sách Mười Hai Nhân Duyên sẽ là một đóng góp cần thiết giúp phật tử Việt Nam tìm hiểu thêm về giáo lý Nguyên Thủy của Đức Phật.
Sách Mười Hai Nhân Duyên được soạn dịch độc lập với sách Dependent Origination bằng tiếng Anh do đạo hữu U Hla Myint biên soạn và sẽ được Như Lai Thiền Viện ấn tống trong tương lai. Do đó, hai sách tuy có một nội dung giống nhau vì đều dựa trên cùng những bài pháp thoại bằng tiếng Anh của Hòa Thượng Thiền Sư U Sīlānanda nhưng lại không tương đương với nhau theo ý nghĩa sách tiếng Việt không phải là bản dịch từ sách tiếng Anh.
Khi soạn dịch sách Mười Hai Nhân Duyên, trong thâm tâm, tôi chỉ muốn phổ biến giáo pháp của Đức Phật do Hòa Thượng Thiền Sư U Sīlānanda giảng đến phật tử Việt Nam để đền đáp phần nào ân tình dạy dỗ hết lòng của Ngài về cả pháp học lẫn pháp hành trong bao nhiêu năm tại Như Lai Thiền Viện cũng như ở những nơi khác. Rồi khi hoàn thành dịch phẩm này, trong tôi dâng lên cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Hoan hỉ vì đã thực hiện được điều mình phát nguyện nhưng ngậm ngùi vì đã không hoàn tất kịp để phổ biến khắp nơi trong lúc Ngài còn hiện tiền.
Tôi xin chân thành cám ơn quý đạo hữu Từ Sơn, Nguyên Khiêm đã đọc và cho những hồi ý quý báu để hoàn chỉnh dịch phẩm này cũng như các đạo hữu Nguyễn Việt An và Bùi Hoài Thanh đã trình bày bìa sách.
Mong rằng những ai muốn thâm cứu về Phật Pháp nói chung và Mười Hai Nhân Duyên nói riêng sẽ được lợi lạc qua tập sách này.
Trong tâm từ,
Thiện-Anh Phạm-Phú-Luyện