MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN – Kết Luận

Chúng ta đã đi qua mười một tương quan duyên khởi hay mười hai nhân duyên trong Pháp Duyên Sinh. Tuy nhiên, vẫn còn một vài điều Sư cần nói thêm.

Trong các tương quan duyên khởi chẳng hạn như tương quan “Do Vô Minh làm điều kiện, Hành sanh khởi” hay “ Do Hành làm điều kiện, Thức sanh khởi”…, chúng ta thấy mọi yếu tố trong các tương quan này đều là điều kiện. Vô Minh làm điều kiện và Hành chịu điều kiện có nghĩa là Hành sanh khởi vì có Vô Minh làm điều kiện. Chúng không do chúng sanh, chư thiên hay phạm thiên nào tạo ra hết. Bằng sự học hỏi Pháp Duyên Sinh, chúng ta loại bỏ tà kiến cho rằng chúng sanh được tạo ra bởi chư thiên, phạm thiên hay một đấng tạo hóa nào đó.

Vào thời Đức Phật có sự tin tưởng rằng đối với bất cứ những gì được kinh nghiệm thì thật sự có một linh hồn hay tiểu ngã đang kinh nghiệm như vậy. Chẳng hạn chúng ta vui sướng là vì linh hồn thật sự vui; chúng ta buồn rầu vì thật sự linh hồn buồn… Pháp Duyên Sinh loại bỏ tà kiến này. Theo đó chỉ có các hiện tượng danh sắc sanh khởi và hoại diệt tùy theo điều kiện. Không có người kinh nghiệm tách rời với kinh nghiệm. Không có người trải nghiệm cảm thọ riêng biệt với cảm thọ. Thấu hiểu Mười Hai Nhân Duyên, chúng ta có thể loại bỏ được ý niệm về một thực thể trường cửu hay linh hồn bất biến kinh nghiệm các hiện tượng do điều kiện tạo thành đang xảy ra.

Chú Giải dạy chúng ta phải thấy cả mười hai nhân duyên là trống không. Nhưng trống không không có nghĩa là không có gì hết. Trống không là trống vắng một cái gì. Chẳng hạn Vô Minh trống vắng sự trường cửu hay Vô Minh không dài lâu. Nó chỉ kéo dài ba khoảnh khắc. Sau ba thời khắc sanh, trụ, diệt nó không còn nữa. Điều này có nghĩa là Vô Minh không trường cửu. Vì thuộc Vòng Ô Nhiễm, Vô Minh làm ô nhiễm, hành hạ tâm chúng ta. Do đó, nó không đẹp nên trống vắng sự đẹp. Vì vô minh bị áp đảo bởi sanh diệt, nó trống sắng sự toại nguyện. Vô Minh không là linh hồn, không phải bản ngã. Như vậy, Vô Minh là vô thường, bất toại nguyện, bất tịnh và vô ngã. Trong bốn cách này, chúng ta nên thấy sự trống rỗng của vô minh và các nhân duyên còn lại hay trong cả mười hai nhân duyên.

Do đó, theo Phật Giáo Nguyên Thủy, một cái gì trống rỗng không có nghĩa là không có gì cả. Nó chỉ trống vắng cái gì đó mà thôi. Sư nghĩ danh từ ‘trống rỗng’ (emptiness) trong tiếng Anh là danh từ dịch đúng thuật ngữ suññata trong tiếng Pali. Khi nói cái bao trống tức là chúng ta muốn nói có cái bao nhưng bên trong không có gì hết. Tương tự như vậy, khi chúng ta nói có Vô Minh có nghĩa là vô minh có mặt nhưng trống rỗng. Chúng ta không thể nói nó không hiện hữu. Nó là thực tại tối hậu nhưng trống rỗng vì không bền, không đẹp, không vui và không có bản ngã. Đó là những gì chúng ta muốn nói khi đề cập các nhân duyên như Vô Minh, Hành, Thức… là trống rỗng.

Khi học về tương quan thứ nhất “Do Vô Minh làm điều kiện, Hành sanh khởi”, chúng ta biết sở  dĩ Hành sanh khởi là vì có Vô Minh làm điều kiện. Nó không được tạo ra bởi bất cứ ai. Điều này cho chúng ta thấy mọi thứ xảy ra đều do điều kiện hội đủ mà thành chứ không do ai sáng tạo ra cả. Như vậy, thật sự không có ai làm ra Hành. Khi đủ điều kiện Hành sanh khởi. Do đó, Nghiệp chính là cái mà ta gọi là người tạo nghiệp.

Có sự tin tưởng rằng bất cứ những gì được làm đều do tiểu ngã hay linh hồn thực hiện dù dầu tốt hay xấu. Điều này có nghĩa là quí vị không làm nhưng chính tiểu ngã làm. Quan kiến này bị đánh đổ bởi tương quan duyên khởi thứ nhất giữa Vô Minh và Hành Nghiệp. Những nghiệp thiện và bất thiện là hành nghiệp chỉ sanh khởi khi có Vô Minh làm điều kiện. Không có linh hồn hay tiểu ngã nào tạo ra Hành Nghiệp cả.

Tương quan thứ hai là giữa Hành Nghiệp và Thức. Thức ở đây là Thức Tái Sanh và các tâm kết quả khác. Tương quan này dạy chúng ta là không có sự chuyển sinh linh hồn. Vì có Hành Nghiệp làm điều kiện nên Thức Tái Sanh và các tâm dị thục hay tâm kết quả sanh khởi. Không có gì đi từ kiếp này sang kiếp khác. Do đó, hiểu được tương quan thứ hai giúp loại bỏ được tà kiến về chuyển sinh linh hồn.

Thật vậy, ở đây có hai điều cần xét đến là chuyển sinh và linh hồn. Cả hai đều bị phủ nhận trong Đạo Phật. Không có gì chuyển sinh hay đi từ nơi này sang nơi khác. Mọi hiện tượng sanh khởi và hoại diệt ngay tại chỗ. Do đó, không có danh hay sắc thật sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Không có chuyển dịch hay thay đổi vị trí nào hết. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là Phật Giáo từ chối có linh hồn. “Linh hồn” được định nghĩa là một thực thể trường cửu ngụ trong thân xác hay cái gì đó để săn sóc hay điều khiển thân xác. Ở đây, những gì sanh khởi bây giờ chỉ là kết quả của những gì đã tạo ra trong kiếp trước. Thức hay tâm kết quả sanh khởi trong kiếp này chỉ là kết quả của thiện và bất thiện nghiệp trong quá khứ. Không có linh hồn. Không có sự chuyển sinh của bất cứ cái gì cả. Thức chỉ sanh khởi vì có Hành Nghiệp trong quá khứ làm điều kiện mà thôi.

Tương quan thứ ba “Do Thức làm điều kiện, Danh Sắc sanh khởi” cho thấy chúng sinh chỉ là một hợp thể. Tương quan thứ ba dạy chúng ta rằng hợp thể được tạo nên bởi sự kết hợp của nhiều thành tố như thức hay tâm, tâm sở, và sắc pháp. Do đó, con người như một đơn vị, một chúng sinh thật ra là chỉ là hợp thể ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, và thức mà thôi.

Các tương quan còn lại cho chúng ta biết là mỗi khi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và suy nghĩ, chỉ có Xúc cũng như Thọ, Ái, Thủ và Hữu…có mặt mà không có thực tại trường cửu hay tiểu ngã bất biến thấy, nghe…nào cả. Chỉ có thấy, nghe, cảm nhận… mà không có tác nhân hay tiểu ngã nào kinh nghiệm những điều này hết. Do đó, các tương quan từ thứ năm trở đi dạy là những hiện tượng sanh khởi vì điều kiện hội đủ cho chúng sanh khởi mà không cần phải có tác nhân hay tiểu ngã nào cả.

Rồi còn nhiều điều cần hiểu nữa. Sư nghĩ Sư đã nói với quí vị về những điều này vào lúc bắt đầu lớp học cũng như ngay sau đó như là ba vòng, mười hai nhân duyên…nhưng Sư sẽ tóm tắt lại ở đây.

Mười hai nhân duyên là gì? Đó là các thành phần của bánh xe luân hồi hay là Pháp Duyên Sinh như Vô Minh, Hành (hành nghiệp), Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu (nghiệp hữu và sinh hữu), Sinh, và Lão, Tử. Sầu, bi, khổ, ưu, não không được kể là thành tố bởi vì chúng không phải là hậu quả tất nhiên của sự sinh.

Có ba thời là quá khứ, hiện tại và tương lai. Vô Minh và Hành thuộc thời quá khứ. Thời hiện tại gồm các nhân duyên Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu. Hai nhân duyên Sinh và Lão Tử thuộc thời tương lai. Do đó, Pháp Duyên Sinh bao gồm cả ba thời hay ba kiếp sống chứ không phải là một. Quá khứ, hiện tại, và tương lai cũng chỉ là tương đối. Nếu lấy một kiếp làm hiện tại, thì kiếp trước đó là quá khứ và kiếp sẽ đến là tương lai. Nếu quí vị lấy kiếp sắp đến làm hiện tại thì kiếp kế tiếp là tương lai và kiếp bây giờ là quá khứ. Cho nên chúng ta cần hiểu là Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên một cách tổng quát bao gồm ba kiếp sống.

Ngày nay có một số người cho rằng Pháp Duyên Sinh chỉ liên hệ kiếp hiện tại mà thôi. Họ giải thích theo cách thế của họ. Nhưng nếu theo sự giải thích truyền thống, chúng ta sẽ không thể tránh được kết luận là Pháp Duyên Sinh bao gồm ba kiếp sống. Trong tương quan giữa Hành và Thức, hai nhân duyên này thuộc vào hai kiếp khác nhau. Hành Nghiệp được thực hiện trong một kiếp và Thức (Thức Tái Sanh và Tâm Kết Quả) sanh khởi vào một kiếp khác như là kết quả của Hành Nghiệp xảy ra trong quá khứ. Và rồi tiếp tục cho đến Hữu. Và do kết quả của Nghiệp Hữu, Sinh sanh khởi. Sinh có nghĩa là sự xuất hiện đầu tiên của các uẩn trong một kiếp sống. Như vậy, theo sự giải thích truyền thống, có thể nói rằng Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên không chỉ bao gồm một kiếp nhưng đến ba kiếp.

Bây giờ hãy sang một lối giải thích khác dựa trên 20 yếu tố. Nhưng trước khi nói về 20 yếu tố này, có bốn phần trong Pháp Duyên Sinh cần được đề cập. Phần thứ nhất gồm các nhân quá khứ; phần thứ hai là quả hiện tại; phần thứ ba là nhân hiện tại; và phần thứ tư là quả tương lai. Trong mỗi phần gồm có năm yếu tố. Như vậy có tất cả là 20 yếu tố được gọi là cách thế.

Có năm nhân quá khứ. Chúng ta trở lại các ba vòng đã đề cập.   Vòng Ô Nhiễm, Vòng Nghiệp   và Vòng Quả. Vô Minh, Ái và Thủ thuộc vòng ô nhiễm. Nếu chúng ta lấy một trong ba nhân duyên này, chúng ta hầu như lấy cả ba. Do đó, khi chúng ta nói Vô Minh là một trong những nhân quá khứ, chúng ta cũng nói luôn không phải chỉ có Vô Minh nhưng còn là Ái và Thủ nữa. Khi chúng ta nói Hành, chúng ta kể luôn Hữu (Nghiệp Hữu) vì cả hai thuộc vào vòng nghiệp. Do đó, khi chúng ta nói Vô Minh và Hành thuộc thời quá khứ, chúng ta không chỉ nói Vô Minh và Hành mà thôi nhưng còn Ái, Thủ và Hữu nữa. Đó là lý do tại sao có năm nhân thuộc quá khứ là Vô Minh, Hành, Ái, Thủ và Hữu tuy rằng theo công thức Pháp Duyên Sinh chỉ có hai nhân là Vô Minh và Hành mà thôi.

Quả hiện tại dễ hiểu hơn. Đó là Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, và Thọ. Năm quả hiện tại này chịu điều kiện của năm nhân quá khứ kể trên.

Kế đến là năm nhân trong hiện tại. Theo công thức của Pháp Duyên Sinh, có ba nhân là Ái, Thủ, và Hữu. Nhưng khi chúng ta lấy Ái và Thủ, chúng ta lấy luôn Vô Minh vì chúng cùng thuộc vào vòng ô nhiễm. Khi chúng ta lấy Hữu (nghiệp hữu), chúng ta kể luôn Hành (hành nghiệp) vì cả hai thuộc vòng nghiệp. Tuy chỉ có ba nhân được đề cập trong công thức nhưng thật sự là năm vì có thêm hai yếu tố nữa. Như vậy là có năm nhân hiện tại. Đó là Ái, Thủ, Hữu (Nghiệp Hữu), Vô Minh và Hành.

Cuối cùng là quả tương lai. Những yếu tố nào thuộc thời tương lai? Sinh và Lão Tử. Tại sao ở đây chỉ có hai nhưng chúng ta nói có năm quả tương lai? Thật sự già và chết không gì khác hơn là một kiếp sống gồm Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ. Vào lúc tái sanh có Thức Tái Sanh và cùng với thức này là Danh Sắc và Lục Nhập. Có các căn nên có Xúc và do có Xúc nên có Thọ. Thật vậy, đời sống được tạo thành bởi năm yếu tố này tức là Thức (Tâm), Danh (Tâm Sở) và Sắc, Lục Nhập, Xúc và Thọ. Do đó, khi nói Sanh, Lão Tử là muốn nói năm yếu tố này cho nên có năm quả tương lai.

Có ba nối kết hay liên lập. Liên lập thứ nhất là giữa Hành và Thức. Đây là nối kết giữa nhân quá khứ và quả hiện tại. Liên lập thứ hai là giữa Thọ và Ái. Liên lập này nối quả hiện tại và nhân hiện tại. Liên lập thứ ba là giữa Hữu (Nghiệp Hữu) và Sinh. Đây là sự nối kết giữa nhân hiện tại và quả tương lai. Đó là ba sự nối kết.

Khi xem Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên như là nhân và quả, chúng ta nói chỉ có ba nối kết. Khi xem nó như bánh xe hay vòng, Sư nghĩ phải có thêm một nối kết nữa. Kinh điển không nói gì về nối kết thứ tư này nhưng có thể thêm một nối kết nữa giữa Lão, Tử và Vô Minh. Lý do như Sư đã từng nói là Vô Minh không phải không có điều kiện. Vô minh chịu điều kiện bởi lậu hoặc và lậu hoặc thật sự là kết quả của Sinh. Do đó, có thể có liên lập giữa Sinh và Vô Minh hay giữa Sinh, Sầu, Bi…Lão, Tử và Vô Minh. Vì nối kết này không được đề cập đến trong kinh điển nên chúng ta không nói có bốn nối kết mặc dù thật sự là như vậy.

Rồi có ba vòng. Vòng thứ nhất là Vòng Ô Nhiễm; vòng thứ hai là Vòng Nghiệp Lực; và vòng thứ ba là Vòng Kết Quả. Vòng Ô Nhiễm gồm Vô Minh, Ái và Thủ. Vô Minh, Ái, và Thủ là các trạng thái tâm (tâm sở) bất thiện. Ở đây chúng được gọi là ô nhiễm. Vòng thứ hai là Vòng Nghiệp. Hành nghiệp và Hữu Nghiệp thuộc vòng này. Vòng Quả bao gồm các yếu tố còn lại như Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Sinh, và Lão, Tử. Ba vòng này cứ đi vòng vòng bởi vì khi có Vòng Ô Nhiễm là có Vòng Nghiệp; vì có Vòng Nghiệp nên có Vòng Quả; và tùy vào Vòng Quả mà Vòng Ô Nhiễm sanh khởi trở lại. Và cứ thế tiếp tục mãi nên được gọi là luân hồi.

Có hai nhân. Đó là Vô Minh và Ái Dục. Chúng được gọi là rễ hay nhân. Chúng ta có thể chia Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên thành hai phần. Phần đầu từ Vô Minh đến Thọ, phần hai từ Ái đến Lão Tử. Vô Minh là chủ của phần đầu và Ái là chủ của phần hai. Thật ra, Ái Dục và Vô Minh đồng sanh khởi. Khi Ái Dục sanh khởi, Vô Minh cũng có mặt. Chúng không sanh khởi riêng biệt. Vô Minh với sự trợ giúp của Ái Dục duy trì mãi mãi vòng luân hồi.

Vì không có chánh niệm nên chúng ta không thấy bản chất đích thực của các hiện tượng danh sắc. Khi không thấu hiểu bản chất đích thực của đối tượng, chúng ta cho đó là đẹp, tốt và dính mắc vào. Do đó, giống như có một người bịt mắt chúng ta và một người khác đẩy chúng ta vào hố sâu. Vô Minh bịt mắt chúng ta nên chúng ta không thấy được bản chất đích thực của sự vật. Rồi Ái Dục cột chặt và xô chúng ta xuống hố sâu. Do đó Vô Minh và Ái Dục đi đôi với nhau. Chúng là nhân của vòng luân hồi.

Khi chúng ta cắt rễ của cây, cây sẽ chết. Khi chúng ta cắt rễ Vô Minh và Ái Dục, cây luân hồi cũng sẽ chết. Với chánh niệm vun bồi được qua Thiền Minh Sát quí vị đang cắt các rễ này trong từng khoảnh khắc hay cắt đứt một cách tạm thời. Khi thành công với Thiền Minh Sát và đạt giác ngộ, quí vị sẽ cắt hết các rễ này. Khi bị cắt đứt, chúng  sẽ không cho ra quả hay không còn phiền não sanh khởi nữa. Cho nên khi hai nhân này bị cắt đứt thời toàn khối khổ đau sẽ chấm dứt. Đó là lý do tại sao Đức Phật dạy chánh niệm là phương cách duy nhất để thanh lọc tâm chúng sanh.

Bây giờ chúng ta hãy nhắc lại mười hai nhân duyên một lần nữa. Nhân duyên đầu tiên là Vô Minh. Nhân duyên thứ hai là Hành. Nhân duyên thứ ba là Thức. Thức ở đây chính là tâm kết quả bao gồm Thức Tái Sanh. Nhân duyên thứ tư là Danh Sắc. Nhân duyên thứ năm là Lục Nhập. Nhân duyên thứ sáu là Xúc. Nhân duyên thứ bảy là Thọ. Nhân duyên thứ tám là Ái. Nhân duyên thứ chín là Thủ. Nhân duyên thứ mười là Hữu (Nghiệp Hữu và Sinh Hữu). Nhân duyên thứ mười một là Sinh. Nhân duyên thứ mười hai là Lão, Tử. Đây là 12 nhân duyên của Pháp Duyên Sinh hay Bánh Xe Luân Hồi.

Trên đây là tổng quát về Mười Hai Nhân Duyên hay Pháp Duyên Sinh. Pháp này như quí vị biết rất là thâm sâu và không dễ hiểu nhằm giải thích Vòng Luân Hồi. Chỉ có những bậc giác ngộ như Phật và A La Hán mới biết tất cả về Pháp Duyên Sinh một cách chi tiết và rõ ràng. Những người khác chỉ hiểu Pháp Duyên Sinh theo khả năng của mình. Kiến thức của chúng ta về Mười Hai Nhân Duyên chỉ   là giọt nước trong đại dương cho nên chớ tự hào  về kiến thức của mình. Chúng ta chỉ biết chút ít vì còn rất nhiều điều về Pháp Duyên Sinh cần học hỏi thêm.

Đến đây vẫn chưa xong. Chú Giải nói rằng chúng ta phải dựa theo bốn phương pháp để hiểu Pháp Duyên Sinh mới hy vọng có được một sự hiểu biết đúng đắn. Bốn cách này không dễ lãnh hội.

Cách thứ nhất là “phương pháp liên tục đồng nhất”. Phương pháp này cho rằng các tương quan duyên khởi liên tục nối tiếp nhau. Từ nhân duyên này đến nhân duyên kia có sự liên tục không ngừng. Thêm vào đó, các tương quan duyên khởi hay các nhân duyên đồng nhất có nghĩa là cùng chung một sự liên tục chẳng hạn như cùng “một người”. Sự vô minh của “tôi” làm điều kiện cho hành nghiệp của “tôi”, chứ không phải của “anh”, sanh khởi. Do đó, mà các nhân duyên hay các tương quan tuy khác nhau nhưng nằm trong cùng một sự nối tiếp liên tục.

Hiểu được Pháp Duyên Sinh đúng theo phương pháp này, sẽ tránh rơi vào đoạn kiến cho rằng chúng sanh biến mất chẳng còn gì nữa sau khi chết vì chúng ta chấp nhận sự liên tục nhân quả đồng nhất nói trên. Mặc dầu các nhân duyên hay tương quan khác nhau, nhưng chúng liên lập với nhau như nhân và quả. Có một cái gì như sợi chỉ xuyên qua chúng. Hiểu được như vậy, chúng ta tránh được quan điểm đoạn kiến sai lầm.

Nếu hiểu sai phương pháp này chúng ta lại rơi vào một tà kiến khác cho rằng mọi vật đều trường cửu vì có thể cho là Vô Minh trở thành Hành hay Vô Minh trở thành Thức…Chúng ta có thể nghĩ rằng có một thực thể trường cửu đi từ nơi này đến nơi khác. Đây là Thường Kiến.

Do đó, hiểu Pháp Duyên Sinh theo phương cách liên tục đồng nhất sẽ tránh được cả hai tà kiến là đoạn kiến và thường kiến.

Khi nói Đức Bồ Tát từng là một đông cung thái tử hoặc nói Đề Bà Đạt Đa tái sanh vào địa ngục là nói theo phương cách liên tục đồng nhất này. Khi nói về quả của nghiệp như quí vị làm điều gì ở đây và gặt lấy kết quả đàng kia, chúng ta nói đến sự liên tục nối tiếp.

Cách thứ hai là “phương pháp đa diện”. Đây  là phương pháp về sự khác biệt. Khi học về các nhân duyên, chúng ta biết Vô Minh là một trạng thái tâm hay tâm sở khác biệt có đặc tính riêng của nó. Và nghiệp hay Hành Nghiệp là một tâm sở đặc thù với những đặc tính riêng…Do đó, mỗi một nhân duyên trong Pháp Duyên Sinh khác với các nhân duyên kia. Chúng không giống nhau và xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong mỗi khoảnh khắc hiện tượng cũ hoại diệt và hiện tượng mới sanh khởi. Không có bất cứ nhân duyên nào trường cửu cả. Cho nên khi hiểu đúng đắn phương pháp đa diện, thấy được tính đặc thù hay khác biệt giữa các nhân duyên, chúng ta không rơi vào thường kiến.

Tuy nhiên, hiểu sai phương cách này sẽ rơi vào đoạn kiến. Nếu cho rằng đa diện là các nhân duyên hoàn toàn tách biệt không có liên quan với nhau thì chúng ta rơi vào đoạn kiến cho rằng sau khi chết là hết chẳng còn gì cả vì các hiện tượng không liên hệ với nhau. Chẳng hạn như nhân duyên này sanh khởi và hoại diệt chẳng có liên hệ nào hết với nhân duyên khác hay không tin nhân quả.

Chúng ta phải cẩn thận vì nếu không sẽ rơi vào một trong những tà kiến. Chúng ta nên áp dụng cả hai quan điểm đồng nhất và đa diện cùng một lúc là các nhân duyên tuy riêng biệt nhưng liên hệ với nhau trong cùng một sự liên tục.

Cách thứ ba là “phương pháp không quan tâm”. Vô Minh không quan tâm hay nỗ lực làm cho Hành sanh khởi. Và Hành cũng không quan tâm hay nỗ lực làm Thức sanh khởi.… Do đó, các nhân duyên không quan tâm đến việc tạo ra kết quả. Do sự có mặt làm điều kiện của chúng mà kết quả xảy ra. Đó là “định luật không quan tâm”. Hiểu điều này một cách rõ ràng, có thể loại bỏ tin tưởng là phải có người hành động hay tác nhân. Không có ai làm cho Vô Minh sanh khởi và không có ai làm Hành sanh khởi hết. Chúng chỉ sanh khởi tùy theo điều kiện mà thôi. Nhờ hiểu được đúng đắn như vậy, chúng ta sẽ thôi không còn tin tưởng vào một đấng tạo hóa hay Thượng Đế sáng tạo ra thế giới nữa.

Ngược lại, nếu hiểu sai sẽ không thấy tương quan nhân quả giữa các yếu tố chẳng hạn Vô Minh hay Hành tự xảy ra không có liên hệ với nhau hay với những yếu tố khác. Đây là tà kiến cho rằng làm bất cứ điều gì dù thiện hay bất thiện cũng không tạo nghiệp mà chỉ có hành động không mà thôi. Chẳng hạn như bố thí hay giết hại sinh vật không phải tạo nghiệp. Hiểu sai như vậy, sẽ không thấy được liên hệ nhân quả giữa các nhân duyên. Trong tương quan duyên khởi thứ nhất sẽ không thấy được Vô Minh là điều kiện làm Hành sanh khởi. Chúng ta cũng không thấy được trong tương quan thứ hai Hành là nhân và Thức là quả nên nghĩ Thức tự nó sanh khởi không cần nguyên nhân, do đó mà cho Hành không phải là Nghiệp có khả năng sanh ra quả. Vì thế, khi hiểu sai chúng ta sẽ rơi vào tà kiến không tin tưởng vào định luật nhân quả hay nghiệp báo.

Cách thứ tư là “phương pháp về sự phù hợp tất nhiên”. Đây là một cụm từ khó hiểu. Chú Giải giải thích sự sanh khởi của Hành là do Vô Minh làm điều kiện chứ không phải do các yếu tố không thích hợp nào khác. Thật là khó hiểu phải không? Nói cách khác, Vô Minh làm cho Hành chứ không phải hậu quả không tương hợp nào khác sanh khởi. Do đó, có thể nói mọi việc xảy ra theo cách thế phù hợp riêng biệt đặc thù của chúng. Đó là sự phù hợp tất nhiên.

Khi hiểu đúng đắn phương pháp này, chúng ta từ bỏ tà kiến về vô nguyên nhân cho rằng mọi việc xảy ra không cần nguyên nhân nào cả hay bất cứ làm gì cũng không gây nghiệp. Hay đúng hơn là chấp nhận tương quan nhân quả giữa các hiện tượng.

Nếu hiểu sai là hành động không tạo ra kết quả tương ưng sẽ rơi vào tà kiến định mệnh. Điều này có nghĩa là mọi sự xảy ra là đã được quyết định như vậy. Khi hiểu đúng đắn, quí vị bỏ đi quan kiến định mệnh này tức tà kiến cho rằng hành động không tạo ra nghiệp hay kết quả đã được quyết định trước. Nhờ vậy, quý vị tin vào định luật nhân quả hay nghiệp báo.

Tóm lại, có tất cả bốn phương cách theo đó chúng ta phải hiểu đúng đắn Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên mà hai phương cách đầu rất quan trọng. Phải vận dụng cả hai phương pháp liên tục đồng nhất và phương pháp đa diện để tránh rơi vào các tà kiến. Nếu chỉ lấy phương cách thứ nhất, sẽ rơi vào thường kiến và nếu chỉ lấy phương cách thứ hai, sẽ rơi vào đoạn kiến. Do đó, phải hiểu một cách quân bình giữa hai phương pháp liên tục đồng nhất và đa diện.

Tuy phải dùng ngôn ngữ trong thế giới qui uớc nhưng chúng ta phải hiểu các từ theo ý nghĩa tối hậu.

Đến đây quí vị có sự hiểu biết tổng quát về Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên. Pháp này rất thâm sâu không dễ dàng để hiểu. Đó là lý do tại sao khi ngài Anan nói Pháp Duyên Sinh tuy thâm sâu nhưng đối với ngài có vẻ dễ hiểu thì Đức Phật đã dạy: “Này Anan, đừng nói như vậy. Pháp Duyên Sinh trông thâm sâu và thật sự thâm sâu. Bởi vì không biết, không xuyên thấu mà chúng sanh đã lẫn lộn, rối loạn như cuộn chỉ rối không tìm được lối ra khỏi vòng luân hồi đầy đau khổ và chết chóc triền miên.”

Vì không hiểu Pháp Duyên Sinh nên chúng sinh lẫn lộn và không thể nào ra khỏi vòng luân hồi. Đó là lời dạy của Đức Phật cho ngài Anan. Pháp Duyên Sinh rất khó hiểu và chúng ta mỗi người chỉ hiểu theo khả năng và trình độ của mình mà thôi.

Những gì Sư giảng vẫn chưa bao quát hết toàn thể khía cạnh của Pháp Duyên Sinh. Còn nhiều điều nữa để hiểu. Một số khá phức tạp và quá khó cho người nghe nên Sư đã không đề cập đến. Sư nghĩ chừng này cũng đủ rồi và hy vọng quí vị hiểu được tổng quát về Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên. Còn nếu quí vị nghĩ trước đây đã hiểu Pháp Duyên Sinh nhưng bây giờ sau khi nghe Sư giảng thì không hẳn đã hiểu như vậy vì nhận ra là có nhiều điều trước đây mình chưa thật hiểu. Nếu quả thật như vậy thì quí vị cũng đã có nhiều tiến bộ trong sự hiểu biết về Pháp Duyên Sinh rồi.

Có cần hiểu nhiều về Pháp Duyên Sinh mới thực tập được Thiền Minh Sát Niệm Xứ không? Khi đọc luận thư Thanh Tịnh Đạo, chúng ta có thể đã kết luận là cần có kiến thức nhiều trước khi thực tập. Thực ra, luận thư là một sách cẩm nang cho các chư tăng hành thiền. Sách diễn tả sự thanh tịnh về giới đức (giới tịnh) trước rồi đến định tâm qua thiền vắng lặng (tâm tịnh). Sau thiền vắng lặng là các uẩn, các căn, các sự thật và Pháp Duyên Sinh. Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên chiếm hết một chương dài của sách. Chương sách này có tên là “Đất Hiểu Biết” có nghĩa là đất của kiến thức  về Thiền Minh Sát. Khi sách mô tả các tuệ phân biệt danh sắc, tuệ sanh diệt…thì những điều này đều thuộc về Thiền Minh Sát. Vì thế nếu dựa theo luận thư Thanh Tịnh Đạo có thể chúng ta kết luận là cần phải có kiến thức về các uẩn, căn, các sự thật, Vi Diệu Pháp và Pháp Duyên Sinh trước khi hành Thiền Minh Sát. Có một số thiền sư nhất quyết rằng phải hiểu nhiều về Vi Diệu Pháp và Pháp Duyên Sinh trước khi hành thiền nên cần bỏ nhiều thì giờ để học về những điều này trước khi thực tập.

Quí vị nghĩ thế nào? Quí vị có thể cho Sư biết bất cứ câu chuyện nào theo đó không cần phải có nhiều kiến thức về Phật Pháp mới hành thiền và giác ngộ được không? Gần đây Sư có kể cho quí vị nghe hai câu chuyên. Một về vị sư đần độn và một về một nữ thiện tín không biết gì về thiền và cũng không biết rằng cư sĩ cũng có thể hành thiền được.

Vị sư đần độn thì đâu có học được gì. Trong Kinh có kể là vị này không có khả năng học cũng như không thể nhớ nổi một bài kệ 44 vần. Vậy thì làm sao mà ông ta có thể học về Pháp Duyên Sinh được. Tuy nhiên, vị này được Đức Phật đưa một miếng vải và dạy nhìn tấm vải chú niệm “dơ, dơ”. Khi hiểu được sự bất tịnh và vô thường của đối tượng, vị này đắc thánh quả A La Hán chỉ trong một buổi sáng. Còn vị tín nữ được chư tăng dạy phương cách hành thiền và thực tập ở nhà. Bà ta giác ngộ trước các vị tăng dạy bà. Có thể bà không biết gì về Vi Diệu Pháp hay Pháp Duyên Sinh.

Có rất nhiều câu chuyện như hai chuyện trên. Do đó, chúng ta không cần có nhiều kiến thức về Giáo Pháp mới hành thiền được. Những gì mà một người hành thiền cần phải có được Đức Phật dạy trong một bài Kinh như sau: “Nếu gặp đối tượng, một vị tỳ kheo không nên bám níu và dính mắc vào. Nếu vị đó chỉ được nghe chúng là vô thường, khổ, và vô ngã và biết không nên bị dính mắc hay bám níu vào thì đủ để cho vị đó có thể hành thiền và đạt được kết quả.” Đây là kiến thức mà theo Sư quí vị cần có tức là biết mọi vật đều vô thường…Thêm nữa, quí vị không nên bám níu quá nhiều thứ mặc dầu vẫn còn dính mắc. Sư nghĩ nếu quí vị biết về Vi Diệu Pháp hay Pháp Duyên Sinh thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu không biết, quí vị vẫn có thể hành thiền được.

Bây giờ chúng ta hãy thành tâm đảnh lễ Đức Phật đã khám phá ra Pháp Duyên Sinh hay Mười Hai Nhân Duyên và dạy lại cho chúng sanh với tư cách là một vị Phật. Quí vị lặp lại theo Sư công thức về Pháp Duyên Sinh:

Paticca Samuppāda (Anuloma)

Mười Hai Nhân Duyên (Theo chiều xuôi)

1.         Avijjā-paccayā sankhārā.

Do Vô Minh làm điều kiện, Hành Nghiệp sanh khởi (Vô Minh duyên Hành)

2.         Sankhāra-paccayā viñnānam.

Do Hành Nghiệp làm điều kiện, Thức sanh khởi

(Hành duyên Thức)

3.         Viñnāna-paccayā nāma-rūpam.

Do Thức làm điều kiện, Danh Sắc sanh khởi

(Thức duyên Danh Sắc)

4.         Nāma-rūpa-paccayā salāyatanam.

Do Danh Sắc làm điều kiện, Lục Nhập sanh khởi

(Danh Sắc duyên Lục Nhập)

5.         Salāyatana-paccayā phasso.

Do Lục Nhập làm điều kiện, Xúc sanh khởi (Lục Nhập duyên Xúc)

6.         Phassa-paccayā vedanā

Do Xúc làm điều kiện, Thọ sanh khởi (Xúc duyên Thọ)

7.         Vedanā-paccayā tanhā

Do Thọ làm điều kiện, Ái sanh khởi (Thọ duyên Ái)

8.          Tanhā-paccayā upādānam.

Do Ái làm điều kiện, Thủ sanh khởi (Ái duyên Thủ)

9.          Upādāna-paccayā bhavo.

Do Thủ làm điều kiện, Hữu sanh khởi (Thủ duyên Hữu)

10.        Bhava-paccayā jāti.

Do Hữu làm điều kiện, Sinh sanh khởi (Hữu duyên Sinh)

11.        Jāti-paccayā jarā-maranam, soka-parideva- dukkha-domanass’upāyāsā sambhavanti.

Do Sinh làm điều kiện nên Lão, Tử và Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi (Sinh duyên Lão, Tử và Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não)

Evam etassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti.

Đó là toàn bộ một khối khổ đau.

Sư muốn quý vị lặp lại theo Sư như sau: Mong cho phước báu đến với quí vị.

Do nhờ oai lực của Chư Phật

Mong cho quí vị hạnh phúc, nhiều phước báu, và được chư thiên hộ trì.

Do nhờ oai lực của các Pháp

Mong cho quí vị hạnh phúc, nhiều phước báu, và được chư thiên hộ trì.

Do nhờ oai lực của chư Tăng

Mong cho quí vị hạnh phúc, nhiều phước báu, và được chư thiên hộ trì.

Lành thay! Lành thay! Lành thay!

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app