Một nhận định về A-lại-da Thức
Hòa thượng Walpola Ràhula
Tỳ kheo Giác Nguyên dịch Việt
Trong Du Già Phái (Yogacara) — còn gọi là Duy Thức Tông(Vijnanavàda) — có một khái niệm được xem là biểu tượng độc đáo nhất, đó chính là A Lại Da Thức hay Tàng Thức (Alayavjnana) và chính ngài Vô Trước (Asanga) đã là người hoàn chỉnh nó.
Ngài Asanga đã chia Thức Uẩn (trong ngũ uẩn) thành ba phần Tâm (Citta), Ý (Manas) và Thức (Vijnana) trong khi ở truyền thống Phật giáo Thượng Tọa Bộ thì ba danh từ này đều trỏ chung một thức uẩn. Kể cả Hữu Bộ(Sarvastivada) cũng đồng ý như vậy. Đến Kinh Lăng Già(Larikavatarasùtra), một tác phẩm đặc biệt của Phật giáo Bắc Tông, cũng xem ba chữ này là các từ đồng nghĩa, dù trong vài bài kinh có nói tới những cái giống như là ý nghĩa riêng biệt của từng chữ. Ngài Thế Thân(Vasubandhu) cũng từng xác định trong Vimsativijnaptimatrasiddhi rằng ba thuật ngữ này đồng nghĩa nhau. Nhưng theo chỗ nhận định của tôi(Walpola Ràhula) thì ba danh từ này lột tả những khía cạnh khác nhau của Thức Uẩn nên ta khó mà xem chúng như những chữ đồng nghĩa một cách dễ dãi như vậy.
Để bảo vệ quan điểm của mình, ngài Asanga phân tích Thức Uẩn như sau:
“Thế nào là Thức Uẩn (Vijnana-skandha)? Đó là Tâm (Citta), Ý (Manas)và Thức (Vijnana).
“Thế nào là Tâm (Citta)? Đó chính là Tạng Thức (Alayavijnana) bảo lưu tất cả chủng tử (Sarvabijaka), trưởng dưỡng tất cả tập khí(Vàsanaparibhavita) của tất cả Uẩn (Skandha) Xứ (Ayatana) và Giới(Dhàtu).
“Thế nào là Ý (Manas)? Chính là sở tri của Tạng Thức và luôn tự có khuynh hướng chấp ngã (Manyanat-maka) với sự tập nhiễm của bốn thứ phiền não: Ngã Kiến (Atmadrsti), Ngã Aùi (Atmasneha), Ngã Mạn(Asmimàna) và Vô Minh (Avidya).
“Thế nào là Thức (Vijnana)? Đó chính là Lục Thức (Sadvijnanakàyah): Nhãn thức (Caksuvijnana), Nhĩ thức (Srota), Tỷ thức (Ghrana), Thiệt thức(Jivha), Thân thức (Kàya) và Ý thức (Manovijnana)“.
Như vậy chữ Thức (Vijnana) chỉ cho Lục Thức, 6 phản ứng đơn thuần của các nội căn đối với lục trần (ngoại cảnh). Đây chính là đặc điểm nổi bật nhất của Thức Uẩn. Ý (Manas) thì ám chỉ các thuộc tính phụ thứ như suy tư, tầm cầu, tính toán, … của Thức Uẩn. Còn Tâm (Citta) tức A Lại Da Thức thì lại phản ảnh khía cạnh sâu kín, tinh khôi, tinh tế nhất của Thức Uẩn. Nó bảo lưu tất cả dấu ấn quá khứ và cưu mang trọn vẹn những tiềm lực thiện ác trong tương lai mai này. Kinh Giải Thâm Mật(Sandhinimmocana-sùtra) xác nhận chính Tạng Thức mới là Tâm (Citta), tiếng Tây Tạng là Sems.
Đại đa số người học Phật đều cho Tàng Thức là tác phẩm của riêng Đại Thừa Giáo, không có cơ sở trong Phật giáo nguyên thủy. Nhưng trongMahayana-sangraha chính ngài Asanga đã viết rằng: “Theo Thinh Văn Thừa, ba chữ này là đồng nghĩa”. Ngài còn trích đoạn Tăng Nhất A Hàm(Ekottaragama): “Chúng sinh phàm phu thích tích lũy (Alayarata), ưa cất giữ (Alayarama), hoan hỷ trong ý nghĩ bảo lưu (Alayasammudita), thích thú trong sự cất giấu (Alayabhirata). Khi Chánh pháp được thuyết giảng nhắm đến sự diệt trừ khái niệm cất giấu đó thì chúng sanh mới để tâm lắng nghe bằng một sự lóng tai thật sự (Srotam avadadhanti) và từ đó an lập tâm tư vào trí tuệ giác ngộ (Ajnacittam upasthapayanti), sống hành trì theo Chánh pháp. Khi đức Như Lai xuất hiện ở đời, điều kỳ diệu hy hữu này cũng sẽ xuất hiện ở đời”.
Giáo sư Lamotte đã đánh đồng đoạn kinh trên đây của Tăng Nhất A Hàm với đoạn kinh sau này của Tăng Chi Bộ (Anguttaranikàya)(2)
“Alayarama bhikkhave pajà àlaya-ratà àlayasammudità sa tathàgatena anàlaye dhamme desiyamàne sussuyati sotam odahati annacittam upatthapeti. Tathàgatassa bhikkhave arahato sammà-sambuddhassa pàtubhàvo ayam pathamo acchariyo abbhùtadhammo pàtubhavati”.
Bên cạnh đoạn kinh trên đây, thuật ngữ Alaya còn xuất hiện ở vài nơi khác trong kinh điển Pàli cũng với ý nghĩa tương tự. Các tập sớ giải Atthakathàcủa Phật giáo Nam truyền giải thích chữ Alaya là sự mê đắm trong năm dục trần, và chỉ vậy thôi, không còn ý nghĩa chuyên môn nào khác. Nhưng ý nghĩa trên đây trong các sớ giải Pàli cũng đã nhắc tới một khía cạnh của A Lại Da Thức.
Trong kinh Lăng Già (Lankavatara-sutsa) cho rằng thuật ngữ Như Lai Tạng (Tathàgatagarbha) đồng nghĩa với A Lại Da Thức, có bản thể thường trong sáng (Prakrtipra-bhasvara) và hằng thanh tịnh (Prakrtipari-suddha)nhưng luôn hiển hiện trong hình thức tạp nhiễm bởi nó bị vấy bẩn từ các phiền não ngoại lai (Agantuka klesopaklistatàya). Trong Anguttara-nikàyađức Phật cũng xác nhận cái gọi là tâm thực ra là trong sáng (Pabhassara)nhưng do bị tập nhiễm bởi các phiền não ngoại lai (Agantukehi upakkilesehi upakkilittham) nên không còn thanh tịnh. Từ đó ta có thể hiểu các thuật ngữ Như Lai Tạng hay A Lại Da Thức hoặc Tâm (Citta) chỉ là những từ đồng nghĩa, nhưng phải với những giải thích tương tự trên đây, không hơn không kém.
Cũng có không ít trường hợp nhiều người cho rằng A Lại Da Thức là một cái Tôi của đạo Phật, một hình thức Linh Hồn thường hằng bất biến và đây chính là điều sai lầm phải tránh như trường hợp tỳ kheo Sati đã bị đức Phật quở trách khi chấp sai Thức Uẩn là Linh Hồn, Bản Ngã.
Theo ngài Asanga, chứng đạt Níp Bàn chính là sự chuyển hóa A Lại Da Thức (Asrayapravrtti). Ý niệm này cũng có thể được xem là tương đương với thuật ngữ Alayasamugghàta (đoạn tận sở tập) đã được kinh điển Pàlixem là chữ đồng nghĩa với Nibbàna (Níp Bàn).
Thuật ngữ Alayavijnanapravrtti thỉnh thoảng cũng được thay thế bằng chữBìjapravrtti (sự chuyển hóa các chủng tử). Chử Bìja ở đây chỉ choSamklesika dharmabìja (chủng tử phiền não) cái tạo nên dòng luân hồi. Một người chuyển hóa được các chủng tử thì lập tức chứng ngộ Níp Bàn. Ngay trong kinh điển Pàli, chữ Khìnabìja (đoạn chủng) vẫn được dùng để gọi bậc La Hán, người đã phá nát các mầm móng phiền não.
Qua những gì vừa trình bày, khái niệm A Lại Da Thức xem ra đã có cơ sở trong giáo lý nguyên thủy nhưng dĩ nhiên phải với một định nghĩa rõ ràng, lành mạnh.
(dịch xong trưa 2 tháng 8 năm 2001)
(1)Tác giả cuốn “What Buddha Taught” (bản dịch của Sư Cô Trí Hải là “Đạo Phật, Con Đường Thoát Khổ”)
(2) Ang. II, P. 131
-ooOo