Kinh Trung Bộ số 003

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Hôm nay quay lại bài Kinh Thừa tự pháp. Duyên khởi bài kinh này là một pháp thoại của Đức Thế tôn tại chùa Kỳ viên mà đối tượng là chư tăng tỳ kheo. Nội dung bài kinh là Đức Phật Ngài kể lại một câu chuyện cũ cho chư tăng nghe.
Một buổi trưa sau khi Ngài dùng cơm xong có 2 vị tỳ kheo ở phương xa về thăm Ngài và lúc đó sau giờ ăn của Ngài có một ít thực phẩm còn dư lại trong bát chưa được thu dọn thì lúc đó Ngài biết 2 vị này đi đường xa về vừa mệt vừa đói cho nên Ngài có ngỏ ý đề nghị rằng nếu các vị không có ngại thì có thể dùng phần thực phẩm đó. Một trong 2 vị không dùng, còn 1 vị nghĩ rằng với phần ăn còn dư này của Đức Thế tôn ta ăn xong ta sẽ khỏe để vượt qua 1 ngày 1 đêm vì ngày chỉ ăn có 1 bữa mà bữa cơm này nếu mình không ăn thì sẽ bị mệt mỏi. Sau khi nghĩ như vậy thì vị tỳ kheo này ăn.

Mọi chuyện vẫn ổn thôi, vì lòng từ bi thì Ngài đề nghị như vậy. Nhưng khi kể lại câu chuyện đó Đức Phật có nói một câu thế này “Này các tỳ kheo, hãy là kẻ thừa tự pháp của Như lai chứ đừng có thừa tự tài sản vật chất của Như lai”. Sau khi Ngài nói một cách vắn tắt như vậy rồi thì Ngài đi vào hương thất để Ngài nghĩ. Lúc đó trong hội chúng tỳ kheo còn ngồi lại ở hội trường có cả tôn giả Xá Lợi Phất ở đó, lúc bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất thấy rằng câu nói của Đức Thế tôn quá là ngắn ngủi và vắn tắt, Ngài cần phải giải thích rộng rãi thêm cho chư tăng. Cho nên Ngài Xá Lợi Phất thấy chư tăng chưa có mỏi mệt nên Ngài mới ngỏ lời thế này:

-Này chư hiền giả, câu nói ngắn ngủi của Thế tôn “Hãy là kẻ thừa tự pháp chứ đừng có thừa tự tài vật” phải được hiểu một cách rộng rãi như thế này:

Vị tỳ kheo dù là mới tu hay đã tu lâu năm, có 3 điều cần tránh và 3 điều cần phải thực hiện:
1. Khi trường hợp bậc đạo sư là người sống viễn ly và chủ trương sống viễn ly thì vị tỳ kheo đó là đệ tử của Thế tôn cũng sống viễn ly.
2. Bậc đạo sư khuyên dạy hãy từ bỏ bớt những điều gì trong cuộc tu, trong đời sống, vị tỳ kheo dù mới tu hay tu lâu biết điều bỏ thì hãy từ bỏ.
3. Vị tỳ kheo luôn luôn hướng đến đời sống viễn ly không bỏ rơi gánh nặng phạm hạnh .

Đây là 3 điều mà các hiền giả cần phải hiểu thêm về câu nói vắn tắt của Thế tôn rằng hãy thừa tự pháp chứ đừng có thừa tự tài sản. 4:00
Nói đến đây thì chúng tôi chợt nhớ trong kho tàng ngạn ngữ của Trung Hoa có câu nói thế này “Để lại cho con một rương vàng không bằng để lại cho con một cái nghề.” Điều đó cũng nói lên một vấn đề là cái chuyện thừa kế gia tài của tổ tiên ông bà để lại cho con cháu đời sau nếu chỉ đơn giản thuần túy là vật chất thôi …

Xin quí Phật tử lưu ý cho một điều không phải Đức Thế tôn gợi ý cho 2 vị tỳ kheo đó ăn rồi sau đó sau lưng 2 vị học trò Ngài lại đem cái chuyện đó ra Ngài nói, mà Ngài muốn nhân sự tùng sự Ngài muốn dựa trên một sự việc đã xảy ra để Ngài trình bày một vấn đề mà Ngài thấy rằng cần thiết cho chư tăng và Ngài cũng biết luôn là sau khi mà Ngài đã nói một cách vắn tắt như vậy thì tôn giả Xá Lợi Phất sẽ giải thích cho chư tăng nghe một cách đầy đủ. Quả thật như vậy, ngay sau khi Đức Thế tôn đã đi khỏi thì Ngài Xá Lợi Phất đã giải thích 3 điều quan trọng trong cuộc sống này.

Thứ nhất, bậc đạo sư sống viễn ly và các đệ tử cũng sống viễn ly. Trong chú giải có nói thế này, viễn ly ở đây có nghĩa rằng Đức Thế tôn Ngài tán thán hạnh sống nơi trú xứ xa vắng, sống không gần gũi chung chạ với phố xá, với người thế tục cư sĩ nhiều không có tốt. Bởi vì ngay trong Trung bộ, bài (?) Đức Thế tôn cũng dạy rằng “Này các tỳ kheo hãy đi lại ở trong cái hành xứ của các tổ phụ đời trước chứ đừng có đi ngoài cái hành xứ của các tổ phụ đời trước”.

Thế nào là đi lại ở trong cái hành xứ? Đối với một vị hoàng tử muốn cho đất nước được cường thịnh thì hãy nên nhớ lại những tấm gương tốt của tiên vương đời trước, của ông cha mình để kế tục tinh thần giữ nước và chăn dân đó của thế hệ tiền bối. Đó được gọi là vị hoàng tử biết đi theo cái hành xứ của các bậc tổ phụ. Còn vị tỳ kheo trong pháp luật này, lời nào là lời dạy của Đức Thế tôn? Nếp sống nào là nếp sống mà Đức Thế tôn tán thán? Nếp sống nào là nếp sống mà Đức Thế tôn đã từng sống qua? Thì vị tỳ kheo cũng nên sống như vậy bởi được vậy thì vị tỳ kheo sẽ được an lạc.

Nói về cái hành xứ, chỗ đi lại của vị tỳ kheo nói riêng và của tất cả những ai tu tập theo lời dạy của Đức Thế tôn nói chung, thì cái hành xứ ở đây là tất cả những trú xứ nào, những chỗ nào mà mình đi lại nó không có ảnh hưởng xấu cho đời sống nội tâm của mình. Đó được gọi là đi lại trong hành xứ.

Như ở đây Đức Thế tôn nói “bậc đạo sư sống viễn ly thì các đệ tử cũng sống viễn ly” bởi vì chúng ta thấy rằng đối với Đức Thế tôn và các vị thánh nhân nội tâm hoàn toàn bất động không bị lay chuyển bởi pháp đời nhưng mà các Ngài vẫn tán thán hạnh sống nơi trú xứ xa vắng thì huống hồ chi đối với chúng ta là phàm phu nội tâm dễ bị cuốn hút theo trần cảnh. Cho nên ở những trú xứ nào, ở những nơi chốn nào mà mình đi lại dễ gặp phải những ma chướng phiền não thì nên hạn chế bớt.

Ngay trong bài Kinh Nhất thiết lậu hoặc Đức Phật cũng dạy có những lậu hoặc phải do tránh né mà đoạn trừ. Trong Kinh Tứ niệm xứ Trường bộ kinh phần sớ giải thì các vị A la hán sau khi trình bày lại toàn bộ nội dung theo lời dạy của Đức Phật thì các vị có phần chú giải như thế này: Một hành giả Tứ niệm xứ nên tránh 18 trú xứ, thí dụ như chỗ người ta đi lấy nước, gần chỗ người ta bán buôn, chỗ có ông đi qua bà đi lại, chỗ thập mục sở thị, chỗ ngã tư đường, chỗ gần đường cái quan v v hoặc gần phố xá mình tạm gọi là chỗ của người nhậu nhẹt trác táng sa đọa họ hay tới lui thì vị hành giả nên tránh chỗ đó, bởi vì nó rất là phiền vì nội tâm của mình chưa có đạt tới mức “cư trần bất nhiễm trần”.
Đó là lý do tại sao Đức Thế tôn khuyên chúng ta nên sống ở một trú xứ xa vắng bởi như chúng tôi vừa trình bày nội tâm chúng ta yếu lắm mà mình ở gần một chỗ thường xuyên nghe người ta cải cọ thì cũng bực phiền theo, hay ở gần chỗ có những cám dỗ như phố xá chợ búa thì tâm mình cũng bị phan duyên theo cái ngoại cảnh. Cho nên một trong những điều mà vị tỳ kheo xứng đáng được tán thán đó là “bậc đạo sư sống viễn ly và người đệ tử cũng sống viễn ly”.

Nói một cách đầy đủ như hôm trước tôi có trình bày là có tất cả 4 trường hợp viễn ly: 1, Thân viễn ly mà Tâm không viễn ly; 2, Tâm viễn ly mà Thân không viễn ly; 3, Thân Tâm đều viễn ly; 4, Thân Tâm đều không viễn ly.
1. Thân viễn ly mà Tâm không viễn ly đó là mình cạo tóc mình đắp y rồi mình sống nơi rừng sâu núi thẳm, ở hang động, ở ngoài đồng trống, ở chỗ xa xôi không người đi lại nhưng nội tâm của mình luôn hướng về đời sống thế tục, luôn hướng tới ngũ trần, tới những toan tính vọng động thì trường hợp đó Thân viễn ly mà Tâm không viễn ly.
2. Tâm viễn ly mà Thân không viễn ly, là trường hợp có những vị xuất gia hoặc những người cư sĩ tuy sống ở chỗ ồn ào phố xá nhưng họ có bản lãnh, họ có một năng lực tự chế nội tâm của mình, trong trường hợp đó thì Thân không viễn ly nhưng tâm coi như đã ở ngoài cuộc rồi.
3. Thân Tâm đều không viễn ly thì mình cũng dễ thấy rồi, là Thân ở trong chỗ ồn ào với mọi người với thế giới trần tục mà Tâm mình cũng gởi trọn trong đó.
4. Trường hợp thứ 4 đặc biệt là Thân Tâm đều viễn ly, có nghĩa là mình tự chọn cho mình một cái đời sống trên hình thức cũng là xa vắng người đời, về nội dung thì tâm tư của mình cũng được yên ổn không bị các tục niệm quấy rối. Tục niệm ở đây là những vọng niệm hướng về thế tục như sắc đẹp, tiếng hay, vị ngon, mùi thơm, xúc lạc v v.

Đối với Đức Thế tôn thì có lúc Ngài sống ở chỗ xa vắng như núi rừng, cũng có lúc Ngài về sống ở những ngôi tịnh xá to lớn danh tiếng như chùa Kỳ viên, chùa Đông phương, hoặc chùa Nirodharam ở Kapilavatthu hoặc ở chùa (?) ở suối nước nóng gần thủ đô Vương xá thành v v. Trong những trường hợp đó đối với Đức Thế tôn là bậc tứ sanh từ phụ thiên nhân sư rồi thì Ngài ở đâu cũng vậy thôi. Ngài từng nói rằng đối với Như lai giống như một hoa sen sinh trưởng ở trong nước nhưng Như lai sinh trưởng ra giữa cuộc đời này Như lai không có bị bụi đời làm uế nhiễm. Giống như bông sen, lá sen lớn lên ở trong hồ nước nhưng không có bị nước làm vấy bẩn, điều đó như thế nào thì Đức Như lai cũng như vậy.

Nhưng có điều có những khi vì duyên sự độ sinh Thế tôn không ở trong rừng sâu núi thẳm, vì một lần Đức Phật ra đời như vậy là 1 đại sự nhân duyên vì duyên lành cho chúng sinh mà các Ngài ra đời. Cho nên các Ngài nếu cứ ở mãi trong rừng sâu núi thẳm thì sẽ rất thiệt thòi cho phần đông chúng sinh. Đức Thế tôn tuy trên hình thức có nhiều khi Ngài không sống nhiều ở núi rừng nhưng nội tâm của Đức Thế tôn dĩ nhiên chúng ta ai cũng tin nếu chúng ta là Phật tử chúng ta tin tưởng Ngài lúc nào cũng có 1 nội tâm rất là thanh tịnh.

Tuy nhiên có lẽ chúng ta cũng không nên quên, Đức Phật là người luôn luôn tán thán hạnh viễn ly, cho dù nhiều lúc như chúng tôi vừa trình bày, Ngài không thường xuyên ở trong rừng sâu núi thẳm nhưng mà Ngài đặc biệt tán thán hạnh ẩn lâm, hạnh sống trong rừng sâu núi thẳm. Bản thân Ngài vì lòng từ bi đối với chúng sanh Ngài vẫn phải nhận thức ăn ở nhà cư sĩ hoặc là Ngài nhận các y áo do cư sĩ cúng dường, tuy nhiên Ngài đặc biệt tán thán những vị tỳ kheo sống bằng hạnh đầu đà lượm vải ở tha ma mộ địa về giặt nhuộm rồi may thành y mà mặc. Ngài vẫn sống trong am thất nhưng Ngài đặc biệt tán thán những vị sống quanh năm ở trong rừng sâu núi thẳm, dưới gốc cây, trong hang động không biết nhà cửa là gì. Thì đó là bổn hạnh của Đức Thế tôn và chư Phật 3 đời là như vậy.

Trong tập sớ còn nói thêm là Đức Thế tôn tuy sống ở những ngôi chùa lớn nơi thị tứ như vậy nhưng sinh hoạt của Ngài dù ở trong rừng sâu hay ở ngoài thị tứ thì Ngài trước sau như một không bao giờ có sự thay đổi về sinh hoạt của Ngài. Dù ở chợ hay ở rừng thì Ngài chỉ có một nếp sinh hoạt thôi. Như chúng tôi vẫn thường hay nhắc cái đó, buổi sáng thì Ngài đi khất thực, buổi chiều đi thuyết pháp cho đại chúng tại chùa, đầu hôm ban đêm giảng pháp cho chư tăng, buổi khuya giảng pháp cho chư thiên, buổi rạng sáng Ngài dùng Phật trí soi rọi trong ta bà thế giới coi chúng sanh nào là người hữu duyên dù cho đó là long vương, càn thác bà, chư thiên, phạm thiên, nhân loại gồm cả vua chúa hay người cùng đinh nghèo khổ vô danh thì Ngài vẫn đi đến nơi đến chốn để mà chăm sóc người ta đã đến lúc duyên lành chín muồi thì Ngài không có nề hà.

Trong kinh ghi lại rất nhiều lần Đức Thế tôn chỉ vì độ một người mà Ngài bỏ nguyên bữa ăn Ngài không ăn. Khi đến chỉ nghe người ta chửi cho đến hết giờ ngọ, độ được cho người ta rồi thì trễ giờ Ngài không dùng cơm. Trong đời Thế tôn nhiều lần và rất rất nhiều lần như vậy. Có nhiều người Ngài mất cả 3 tháng trời để mà thu phục người ta, khi mà thu phục để người ta đi theo con đường chánh pháp rồi thì Ngài cũng không có được một lợi lộc gì cả. Các vị đừng quên trước khi đi tu Ngài là một ông vua cho nên Ngài không có cần cái gì trong danh trong lợi. Trong hội chúng của Ngài bây giờ có thêm một người hoặc bớt một người thì Ngài cũng không có bị mất hay được thêm cái gì hết. Đối với Ngài cái chuyện đắc thất, thành bại không có đáng nữa mà chỉ vì tình thương chúng sanh. Ngài biết rằng một lần có Đức Phật ra đời là một lần đại hạnh cho nhân thiên 3 cõi mà nếu Ngài có tâm tư như chúng ta nghĩ rằng một lần độ có một người ít quá không đáng hoặc là độ được người đó thì trong hội chúng mình cũng như trong biển thêm một giọt nước cũng không có nhiều cũng không có ít. Nếu Ngài nghĩ như vậy thì tôi nghiệp cho nhiều người mà vì Ngài nghĩ xa thêm nữa: Mỗi một người được giác ngộ thì sẽ có vô số người được hưởng lây lợi ích đó. 16:08

Khi còn nhỏ chúng tôi không hiểu được chuyện tại sao độ được một người thì vô số người được hưởng lợi lạc. Chắc qúi vị trong room sẽ đồng ý, thí dụ như thế giới này mà bớt đi một chúng sanh, có một chúng sanh không còn tà kiến nữa và đắc thánh thì coi như trên thế giới này bớt đi một Saddam Hun Sen, bớt đi một Osama Bin Laden, bớt đi một Hitler trong tương lai, bởi mình đâu có biết chắc được ai sau này sẽ ra sao? Họ có thể trở thành một thánh Gandhi nhưng họ cũng có thể trở thành một Hitler hoặc một Saddam Hun Sen hoặc một Pol Pot. Cứ một người biết hướng về chánh pháp, có một nội tâm thương mến thương tưởng chúng sanh khác, sống bằng từ bi và trí tuệ thì chắc chắn chỉ một người đó thôi, chúng ta trong đời mình chỉ độ được một người như vậy là chúng ta đã có một sự xây dựng rất lớn cho thế giới này. Cho nên lấy theo con số thì giúp được một người hồi đầu hướng thiện, con số một nó không có đáng nhưng thử tưởng tượng nếu biến một người để họ trở thành một vị thánh Gandhi thì cũng nên lắm chứ.

Chính vì nghĩ chỗ này nên Đức Phật đã không có nề hà và như vậy thì Đức Thế tôn dù sống trong rừng sâu núi thẳm hay sống ở phố xá thì ngày nào Ngài cũng giữ tròn 5 trách nhiệm này. Chúng tôi đã có nói về 5 trách nhiệm này rất nhiều lần mà vẫn không ngại là vì muốn cho một số Phật tử chưa nghe thì nghe mà nếu đã nghe rồi thì ôn lại.

Vị tỳ kheo xứng đáng được tán thán là bậc đạo sư tán thán hạnh viễn ly và vị tỳ kheo cũng sống hạnh viễn ly. Hạnh viễn ly có 4 trường hợp, mình nhắc lại 2 trường hợp đó là: 1, Nếu mình được Thân Tâm đều viễn ly thì quá tuyệt rồi. 2, Nhưng nếu vì hoàn cảnh xô đẩy phải sống tiếp xúc gần gũi mọi người thì tối thiểu chúng ta cũng nên giữ được Tâm viễn ly thì rất là tốt. Đó là trường hợp mà Ngài Xá Lợi Phất đã triển khai và giải thích rộng rãi lời dạy của Đức Thế tôn. Đức Thế tôn nói một cách vắn tắt thôi “Hãy là kẻ thừa tự chánh pháp chứ đừng là kẻ thừa tự tài vật”, hãy thừa tự cái di sản tinh thần của ta mà đừng có nghĩ đến chuyện thừa tự vật chất của ta. Có rất nhiều người hôm nay có thể là cư sĩ, có thể là hàng xuất gia bị lầm lẫn chỗ này.

Ở đây xin thưa rằng chúng ta đang bàn về Phật Pháp thì điều gì cần thiết thì chúng ta cũng bàn chứ chúng ta không nên né tránh có điều là nhắc đến vấn đề cá nhân ở đây là không tốt. Thí dụ chúng ta bị bệnh tự lừa dối mình, mình nghĩ rằng mình xuất gia thì mình phải lập chùa lập am lập miễu cho to cho lớn rộng ra. Trước khi lập mình phải vận động tiền bạc rồi mình phải lao tâm khổ tứ suy tính như thế nào để có tiền. Khi có tiền cất xong rồi nếu mình vẫn không dành thời giờ để trao dồi Phật Pháp mà lại tiếp tục lo trong lo ngoài, thì trên hình thức thì rất là tuyệt nhưng thật ra chúng ta đã bỏ rơi gánh nặng viễn ly mà Đức Thế tôn đã đề nghị.

Phật giáo Trung Hoa có một câu nói rất hay “Chùa càng to thì Phật càng nhỏ” tức là chùa càng to thì ông Phật trong lòng của quí thầy càng nhỏ. Chúng ta cũng thường nghe câu “Kim Phật bất độ lô, Mộc Phật bất độ hỏa, Nê Phật bất độ thủy”, tượng Phật bằng đất thì kỵ nước, Phật bằng gỗ thì kỵ lửa, tượng Phật bằng vàng thì kỵ ông thợ bạc. Khi mà mình lo chuyện chùa chiền nhiều thì trên hình thức nhìn thấy rất là hay rất là đẹp, mình là người tròn bổn phận với ngôi Tam bảo, với đạo tràng. Tuy nhiên chỉ cần xê xích một li thôi thì chúng ta sẽ trở thành một ông chủ nhà chứ không phải là một người tu nữa. Điều đó chỉ tự mình biết chứ không có ai mà biết điều đó dùm cho mình cả, tự ông trụ trì đó ổng biết chuyện đó thôi chứ không có người nào biết chuyện đó hết. Người ta chỉ đánh giá trên hình thức thôi, thấy một vị trụ trì mà lo cho chùa đủ thứ chuyện thì họ chỉ tán thán thôi. Điều đó chúng ta phải nhận rất là tuyệt, bởi vì ai cũng buông trôi thả nổi không lo đến ngôi Tam bảo thì rất kẹt bởi ngôi Tam bảo hoặc ngôi chùa hay đạo tràng là nơi tứ chúng cư sĩ và hàng xuất gia 10 phương đổ về mà nếu thiếu người chăm sóc thì kẹt lắm.

Tuy nhiên mình lo chùa thì lo nhưng nhớ rằng trong Phật giáo có 2 ngôi chùa là 1 ngôi chùa ngoài và 1 ngôi chùa trong. Ngôi chùa ngoài tức là ngôi chùa bằng xi măng, bằng đất, bằng lá, ngôi chùa đó nhiều người tới lui, đó là ngôi chùa cho lý tưởng lợi tha, là ngôi chùa ngoài. Còn ngôi chùa trong là ngôi chùa không phải bằng xi măng, bằng đá mà ngôi chùa đó được xây bằng giới, bằng định, bằng tuệ trong lòng của mỗi ông sư. Chính ngôi chùa này sẽ tạo ra hàng trăm ngôi chùa kia.

Xưa nay chúng ta cũng thấy một vị tăng hiền đức có thể cất lên nhiều cái chùa nhưng không có ngôi chùa nào mà tạo ra một ông tăng hiền đức, chuyện đó không có. Không bao giờ có chùa nào mà tạo ra tăng hết. Chỉ có tăng mới tạo ra chùa thôi. Cho nên suy cho cùng, thay vì mình cất một ngôi chùa cho đồ sộ tráng lệ, nếu đổi lại mình có 5-7 vị sư mà có pháp học pháp hành cho khá khá chút xíu, nếu chúng tôi không lầm thì hình như cái đạo của mình được nhờ nhiều hơn là mình cất một ngôi chùa lớn.

Sau 1975 các vị cũng thấy, những chùa như Kỳ quang 1, Kỳ quang 2, Kỳ quang 3 rất là đồ sộ nhưng thiếu tăng . Hôm nay ai đến Ngã 3 Cát Lái nhìn chéo về phía Hàng Xanh sẽ gặp một ngôi chùa cất theo kiểu Khmer rất là đẹp nhưng khổ nỗi đẹp có đẹp, lớn có lớn nhưng thiếu tăng. Chịu thua. Ngày xưa khi chúng tôi ra miền Trung có gặp một vị trụ trì ngoài đó là đại đức Pháp Cao, khi chúng tôi khen chùa lớn thì đại đức có nói một câu rất là hay “Xưa nay chỉ có ông sư tạo ra chùa chớ không có chùa nào tạo ra ông sư hết. Phải chi ngày xưa ở đây có thêm một hai vị ở với tôi thì đỡ quá. Bây giờ một mình tôi phải lo 2 chùa mệt quá. Chứ nếu mà 2 ông sư lo một chùa thì đỡ hơn là 2 chùa mà chỉ do một ông sư.” Câu nói ấy trở thành một phần vốn liếng và hành trang mà chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ mang theo suốt cuộc đời như là một trong những công án tu hành. 22:50

Trở lại vấn đề mà Ngài Xá Lợi Phất giảng, đó là bậc đạo sư sống viễn ly và người đệ tử cũng sống viễn ly. Tức là trong bất cứ hoàn cảnh nào vị tỳ kheo nói riêng và tất cả hàng Phật tử nói chung cũng phải nhớ lấy một điều là: Phố xá này, trời đất này vốn dĩ là cõi sanh tử không thể là chỗ an dưỡng suốt đời suốt kiếp cho mình. Cho nên tất cả chỉ là phương tiện thôi. Tất cả chỉ là chiếc bè qua sông, ta không thể ôm ấp chiếc bè này. Vấn đề là làm sao ta vượt qua dòng, vượt qua được bờ bên kia thì đó mới là vấn đề quan trọng.

Thứ 2, đó là điều gì bậc đạo sư dạy phải từ bỏ thì đệ tử cũng nên từ bỏ, đây là trường hợp vị tỳ kheo được tán thán. Đó là những điều gì? Có lẽ một vài chi tiết quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật ai cũng nhớ. Nhớ rằng Bồ tát Sĩ Đạt Ta sống trong cung vàng điện ngọc thì một ngày kia trong tuổi 29 của mình, Ngài đã nhìn thấy 4 cảnh động tâm là lão, bệnh, tử, tăng. Thấy một ông già, một người bệnh oằn oại, thấy một xác chết và thấy một vị sa môn đang ôm bát đi ngoài đường. Nhìn thấy 4 cảnh này Ngài xúc động.

Các vị có lẽ là khó tin, một người được giáo dục đến nơi đến chốn, văn võ kiêm vị, thế mà đến năm 29 tuổi lần đầu tiên trong đời mới nghe tới chữ bệnh, chết, già hoặc là nhìn thấy một người oằn oại, thấy một xác chết, thấy một người già. Theo mô tả trong kinh chỉ trừ ra có vua Tịnh Phạn và bà Gotami mà thôi ngoài ra tất cả những gì mà có thể gợi ý cho Bồ tát Sĩ Đạt Ta về sự già cả, yếu đuối, bệnh hoạn, héo úa tàn phai đều được dẹp sạch. Thí dụ như một bình hoa thì không bao giờ để hoa héo trong tầm mắt của hoàng tử, không để dồn đống mà tất cả đều được quét dọn tinh tươm trước khi mà Bồ tát thức dậy để Ngài không có thấy gì để buồn chán hết, suốt 29 năm trời là như vậy. Một ngày kia Ngài chỉ nhìn thấy 4 cái cảnh động tâm đó làm Ngài nghĩ tới cảnh sanh già đau chết của kiếp người. Thấy vậy chán quá, Ngài bỏ đi. Đó được gọi là sự từ bỏ đầu tiên của Đức Bồ tát. 25:38

Bước đi đầu tiên của Bồ tát kiếp chót trước khi thành Phật là từ bỏ cái đời sống nhung gấm vật chất của thế tục, Ngài nghĩ tới cái sanh già đau chết cho nên Ngài muốn đi tu để vượt thoát khỏi cái đó. Lúc bấy giờ cái gọi là đau khổ trong cuộc đời đối với Bồ tát chỉ là những gì rất cụ thể: Sanh già đau chết. Chỉ vì thấy được chừng đó cái khổ thôi cho nên Ngài mới thực hiện được có một phần cửa sự dứt bỏ.

Cuộc tu của Bồ tát có thể được chia làm 2 giai đoạn, 2 lần dứt bỏ. Lần thứ nhất là Ngài chỉ mới thấy được cái khổ qua sự sanh già đau chết, thấy được cái khổ qua những bi kịch của cuộc đời. Thấy được cái khổ chừng đó cho nên Ngài cũng mới đi được có 1/3 là từ bỏ cái ngôi nhà thế tục để đi vào rừng sống. Nhưng khi Ngài đã trải qua được 6 năm khổ hạnh, trải qua được sự chứng đắc các loại thiền định thì lúc bấy giờ cái mà Ngài nhìn thấy cuộc đời là khổ trong mắt Ngài không còn gói gọn ở trong sanh già đau chết nữa mà Ngài còn thấy ra được một chuyện: Tất cả những gì có trên đời này đều phải có lúc Vô thường, đều phải có lúc bị hoại diệt, đều phải có lúc biến mất. Chính vì thấy được chỗ này cho nên Ngài mới thành Phật.

Như vậy thì lần thứ nhất trong cuộc đời của Ngài là Ngài thấy được cái bề mặt của cái khổ cho nên Ngài bỏ được đời sống thế tục. Lần thứ 2 Ngài thấy được cái khổ ở chiều sâu thẳm nhất của nó, đó là tất cả mọi sự tồn tại kể cả sự chứng đắc các tầng thiền định cao nhất của thế gian thì cũng chỉ có thể đưa đến cõi Phạm thiên và từ đó cũng Vô thường cũng tiếp tục đau khổ nữa. Vì thấy được cái khổ ở chiều sâu hơn cho nên sự dứt bỏ của Ngài lần này còn sâu hơn nữa. Trước kia Ngài chỉ bỏ cái nhà còn bây giờ Ngài bỏ luôn tất cả các tầng thiền.

Đừng hiểu lầm bỏ là Ngài không thèm đắc chứng, mà bỏ ở đây là Ngài không còn đam mê nữa. Khi trở thành một vị Phật, Ngài có được tất cả khả năng thiền định, Ngài có được tất cả khả năng về trí tuệ. Nhưng có là có để độ sanh chứ không phải Ngài xem đó là một kết quả tu chứng, một sự thành đạt để cho Ngài vui vẻ hoan hỷ như mình. Mình có được cái bằng bác sĩ mình vui quá, mình được người ta khen ngợi mình là một vị luật sư giỏi mình vui quá, nhưng riêng Ngài thì không có. Khi mà những người không hiểu Ngài, những người ngộ nhận Ngài, họ có nguyền rủa Ngài thì Ngài cũng không buồn, mà khi nhân thiên có quỳ xuống dưới chân Ngài đảnh lễ Ngài thì Ngài cũng không vui. Tất cả những gì mà Ngài có được dưới gốc bồ đề Ngài chỉ xem nó là chuyện phải đến vậy thôi. 28:34

Chúng ta có thể hình dung thái độ của Đức Thế tôn qua một chữ “Thế à”. Nó như vậy thì biết nó như vậy thôi. Các vị có thể thắc mắc rằng chúng tôi dựa vào đâu mà nói như vậy? Xin thưa, trong Trường bộ kinh và Trung bộ kinh có kể lại rằng sau khi Đức Thế tôn thành đạo Ngài có suy nghĩ rằng “Giáo pháp ta chứng ngộ quá sâu sắc vì nó đi ngược dòng đời thường khó hiểu, thôi ta hãy viên tịch”. Khi mới thành đạo Ngài chỉ mới 35 tuổi theo kinh điển Pali. Các vị hãy tưởng tượng một người chỉ sau một đêm thức dậy hiểu biết được tất cả mọi chuyện trên đời với thần thông với trí tuệ không ai có thể sánh ngang chứ đừng nói là hơn Ngài. Ấy thế mà Ngài khi mà có được tất cả là Ngài nghĩ tới chuyện phủi tay tất cả để niết bàn. Cho nên trong “Phật sử diễn ca” bằng thơ ở Việt Nam, các vị cư sĩ tiền bối họ có diễn cái đoạn đó rằng khi Đại Phạm thiên biết được thì họ kêu la thảm thiết “Ôi thế gian tiêu diệt còn đâu!” Quí vị mở Kinh Nhật hành ra có chỗ đó. Tại sao kêu la thảm thiết? Vì Phạm thiên quá hoảng sợ không muốn Đức Thế tôn phải viên tịch. Dĩ nhiên chuyện đó không có rồi, Chư Phật 3 đời không có chuyện chứng quả xong rồi niết bàn.

Bởi trong thời gian tu tập Ba la mật các Ngài có hướng đến 3 lợi ích, 3 pháp hành. 1, Hành Ba la mật các Ngài hướng đến quả vị Chánh đẳng chánh giác trong tương lai. 2, Các Ngài hướng đến lợi ích tế độ quyến thuộc, Chư Phật xem những gì mà các Ngài chứng đắc được cũng là Vô ngã Vô thường. Có nhiều người không hiểu họ đã dựa vào đâu mà họ nói là kinh điển Nam tông là kinh điển tiểu thừa, người học hiểu giáo lý Nam tông còn chấp trong pháp. Chứ thật ra trong kinh điển Nam tông có nói rất là rõ “Vạn pháp đều vô ngã, không có cái gì để bị vướng kẹt trong đó cả”, nhưng đó là một vấn đề nhạy cảm chúng ta không có nói đến ở đây. Thật ra trong kinh điển Nam tông cũng nhìn nhận Phật Trí, tức là trí tuệ của vị Chánh đẳng chánh giác sau khi thành đạo. Như mình tưởng tượng thành Phật xong chắc Ngài hoan hỷ chắc vui lắm, chắc là suốt thời gian còn tại thế chắc lúc nào Ngài cũng nghĩ về cái thành quả Phật trí mà mình chứng ngộ dưới gốc bồ đề giống như một người phàm phu mỗi lần ngước mắt nhìn lên cái văn bằng kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ. Không phải như vậy. Đối với một người giác ngộ rồi thì các vị nhìn bất cứ cái chuyện gì trong đời, dù chuyện của mình hay chuyện của người thì đều giống như mù sương, bào ảnh vậy thôi.

Chi pháp thứ 2 mà Ngài Xá Lợi Phất nói “Điều nào mà bậc đạo sư khuyên nên từ bỏ thì vị tỳ kheo cũng từ bỏ” và đây là đức tánh thứ 2 mà vị tỳ kheo xứng đáng được tán thán. Đối với Đức Thế tôn Ngài từ bỏ cái gì? Như chúng tôi vừa trình bày, khi đi xuất gia Ngài từ bỏ cái thế gian tục sự. Nhưng khi đi xuất gia rồi Ngài lại tiếp tục vượt qua được những thành quả chứng ngộ của mình và xem đó như cái gì rất là tự nhiên. Thì đối với vị tỳ kheo cũng vậy, trong bài Kinh Xà dụ và bài Kinh Ví dụ lõi cây Đức Phật cũng dạy rằng có một người vào trong rừng để tìm lõi cây của loại danh mộc nào đó thì có một số người đi vào họ thấy hoa trái họ vui quá họ lo hái hoa trái rồi họ quên đi chuyện đi tìm lõi cây. Có một số người đi vào họ thấy cái vỏ ngoài của cây họ cứ nghĩ đó là lõi cây họ mới vạt cái lớp vỏ đó họ đem về. Có một số người họ được lớp vỏ trong họ nghĩ đó là lõi cây nên họ đem về. Có một số người họ thấy giác cây (thịt của cây) họ tưởng là lõi cây thì họ vác đem về. Nhưng chỉ có người nào họ thật sự tỉnh táo và khôn ngoan thì họ vào rừng họ đi tìm lõi cây, khi họ gặp những thứ nào không phải lõi cây thì họ có can đảm từ chối nó. Thì người đó mới được gọi là người thợ rừng thông minh, người thợ gỗ thông minh.

Điều đó như thế nào thì ở đây trong giáo pháp này có những vị tỳ kheo đi vào trong giáo pháp này bị danh bị lợi chút đỉnh là lập tức quên hết mọi thứ. Có được một ngôi chùa, hoặc có được tiếng tăm ở trong hàng ngũ tứ chúng, được người ta mời thỉnh đi chỗ này chỗ kia và thế là quên hết mọi thứ coi như không còn nhớ gì nữa hết. Tức là cứ dùng những chiêu bài những tiêu ngữ là hoằng pháp, là lợi tha, là độ chúng. Dùng những từ ngữ đó khoát lên mình một màu áo tự nghĩ rằng mình là người sống vị tha, mình là người có lý tưởng độ sinh, nhưng thật ra mình dối ai chứ mình không thể dối lòng. Một lúc nào đó bình tỉnh mình hãy tự hỏi lòng mình xem mình có phải là người vì chúng sanh mà nói pháp hay mình vì danh vì lợi. Cho nên có những vị sau khi xuất gia có may mắn sớm được danh, sớm được lợi thì lập tức quên hết mọi thứ.
Đức Khổng Tử ngày xưa cũng có nói một điều gần giống như vậy “Trong đời người có 3 cái bất hạnh lớn, 1 là tuổi trẻ thành công quá sớm, 2 là tuổi trung niên bị chết vợ, 3 là về già bị cô đơn. Hai điều bất hạnh sau không có liên quan gì ở đây. Còn điều quan trọng là điều thứ nhất, tuổi trẻ thành công sớm. Ngày xưa chúng tôi không có hiểu tại sao lại như vậy, nhưng khi có tuổi chút xíu thì mình nhìn người khác mình mới hiểu chứ chúng tôi cho đến giờ cũng không biết thành công sớm là sao.

Thành công sớm là mình may mắn ở cái tuổi xin lỗi, “chưa có sạch nước cản”, mình được cuộc đời biết đến rồi tán thán, được gọi là “Đời gọi tên em được mấy lần” thì lúc đó chúng ta quên hết mọi thứ. Đường học vấn không thèm học nữa, đức độ không thèm trau dồi, không hàm dưỡng nữa, không còn cơ hội để biết cung kính người trên, không còn cơ hội để khiêm tốn với kẻ dưới, không còn cơ hội để trở thành người hiếu học, không còn cơ hội để trau dồi điều hay lẽ phải cho bản thân, mà lúc đó chúng ta sống trong hào quang của sự thành đạt. Đó là lý do mà Đức Khổng Tử nói 1 trong 3 cái bất hạnh của đời người đó là tuổi trẻ thành công quá sớm. 35:07

Ngược lại trong pháp luật này những vị tỳ kheo mà được may mắn có được danh nếu không khéo, như trong Kinh Pháp cú Đức Phật nói, như con ngựa hay mà có chửa thì nó không còn chạy được nữa, cây chuối có buồng chuối rồi thì nó cũng không còn sống được bao lâu, cây tre mà có ra bông thì cũng báo trước là nó sắp bị già chết. Đối với vị tỳ kheo tu hành mà những giá trị tâm linh không có được nâng cấp, mà danh lợi nó dồn dập phát sinh trong đời của mình thì coi chừng đó là trường hợp con tuấn mã có chửa tức là nó không còn chạy nhanh được nữa. Trường hợp có những vị tỳ kheo đi vào trong pháp luật này bị danh bị lợi cuốn hút và xem đó là cứu cánh của phạm hạnh cũng giống như người đi tìm lõi cây gặp cành nhánh mà cứ tưởng đó là lõi cây. Rồi có những vị tỳ kheo giữ giới trong sạch và xem thường người khác, thấy ai mà bê bối thì mình coi thường, mà khi mình giữ giới bằng cái nội “tâm tự tán hủy tha” khen mình chê người, tự thấy mình đã là chí tôn chí thánh rồi thì trường hợp đó tuy là mình khá hơn cái vị đam mê danh lợi nhưng mình đam mê trong đức hạnh của mình cũng là một cách mà mình dừng lại quá sớm trên con đường tìm đến cứu cánh thật sự.

Trường hợp thứ 3 là có những vị tỳ kheo chứng đắc được thiền định có thể an trú trong các tầng thiền trong 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, 7 ngày và vô cùng an lạc và không bị danh lợi cám dỗ, niềm vui của vị này còn vượt qua cả vị giữ giới trong sạch nữa, vị này có khả năng biến hiện ra nhiều thứ có thể biết được tâm của người khác. Khi mình chứng đắc được các tầng thiền định như vậy có được sự hiện tại lạc trú trong nhiều ngày như vậy mình nghĩ đó là cứu cánh tột cùng thì đây cũng là một vị bị mắc cạn giống như khúc gỗ muốn trôi ra biển thì nó không thể nào bị mắc cạn hay bị vướng vào cái gì hết. Vị tỳ kheo bị vướng vào trong thiền định thì cũng không thể đạt được thánh trí.

Rồi có những vị có được tri kiến thanh tịnh tức là có chánh kiến hiểu được thế nào là duyên sinh, duyên hệ, thiền chỉ, thiền quán, 37 pháp trợ bồ đề, hiểu một cách chi li sâu sắc cặn kẻ. Từ khi có trí tuệ này vị đó cứ nghĩ rằng đâu có sự khác biệt nào giữa ta và một thánh nhân? Các vị nghe điều này có lẽ lấy làm lạ nhưng xin thưa rằng trong lịch sử Phật giáo đã có trường hợp này rồi. Có một vị trưởng lão tinh thông Tam tạng và chú giải mà lại đắc được tứ thiền ngũ thông nên ngỡ rằng mình đã đắc A la hán. Một người học trò của vị này biết thầy mình chưa phải là A la hán nên đã tìm cách thử.

Vị học trò đến hỏi thầy:
-Xin thầy có thể biến hiện cho con tấy một con voi được hay không?”. Người thầy mới nói:
-Chuyện đó không có khó đâu con.
Chỗ thầy trò với nhau thì vị thầy này dùng thần thông cho học trò này thấy một con voi thật to xuất hiện. Vị học trò mới đề nghị:
-Thưa thầy, thầy có thể cho con voi nó chạy thẳng lại chỗ thầy trò mình đang đứng hay không?” Vị thầy nói:
-Được.

Theo như trong kinh mô tả thì một người có thần thông hóa hiện ra cái gì thì hoàn toàn có khả năng “control” cái vật đó. Thí dụ mình biến hiện ra một con voi hay con cọp thì mình hoàn toàn có thể điều khiển nó theo ý mình. Vị sư phụ cũng nghĩ như vậy cho nên rất yên tâm dùng thân thông khiến cho con voi nó nhắm ngay chỗ 2 thầy trò đang đứng chạy thẳng tới. Lẽ ra con voi nó phải dừng lại trước khi nó tới chỗ của 2 thầy trò, nhưng khổ nỗi người học trò là một vị A la hán cho nên Ngài dùng thần thông vô hiệu hóa cái khả năng thần lực của vị thầy. Cho nên con voi thay vì nó dừng lại ở phía trước đằng này nó chạy thẳng luôn tới chỗ của 2 thầy trò đang đứng. Thế là ông thầy giựt mình hoảng hồn mới nắm tay kéo ngược qua một bên để tránh con voi. Lúc đó người học trò mới nói:

-Thưa thầy, A la hán còn sợ hay sao? Lúc đó ông thầy mới hiểu ra là từ đầu chí đuôi là người học trò muốn nhắc mình thôi, chỉ nhắc nhở mình bằng cách đó mình mới tin và mới nghe. Theo chỗ chúng tôi đọc thì lúc đó người thầy mới quỳ xuống, biết là học trò mình cao hơn mình rồi và nói rằng:
-Xin con hãy cứu ta.
Lúc đó người học trò mới nhắc nhở:
-Tất cả những điều gì mà thầy có thể làm được cho mình thì thầy đã biết hết rồi, có điều thầy chưa có thực hiện đến chốn thôi chứ con không gì để nhắc thầy nữa.

Nói xong người học trò xoay lưng đi, ông thầy chỉ bước được mấy bước thì đắc quả A la hán. Tức là Ngài là người đã đứng bên ngưỡng cửa mà chưa có bước vào, chỉ cò́n một chút ngộ nhận đó thôi.

Cho nên nhiều khi mình chứng đắc thiền định mà cộng thêm trí tuệ tri kiến Phật Pháp cũng rất dễ dẫn đến hiểu lầm.

Rồi trường hợp nữa, chỉ khi nào mà mình chứng quả thánh nhân thì coi như mình đã tìm được lõi cây trong đời sống phạm hạnh. Còn nếu mà mình vẫn chưa chứng quả thánh trí, tối thiểu là Tu đà hoàn thì cho đến giây phút đó mình vẫn chưa là người tìm thấy lõi cây trong hành trình giải thoát.

Khi Đức Phật dạy dỗ cho hàng tứ chúng về Phật Pháp, Ngài cũng nói rõ giáo pháp của Ngài chỉ là cái bè để đưa người qua sông, đừng có nên xem nó là cái gì đó để mà ôm ấp chấp thủ bởi vì khi qua sông rồi thì dù bè gỗ, bè tre, bè cỏ, bè chuối đều cũng phải bỏ lại. Đối với một người giác ngộ thì pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp. Bỏ ở đây không có nghĩa là mình phá chấp đốn ngộ lung tung mà bỏ đây là không còn ôm ấp chấp thủ vào cái tri kiến của mình nữa.

Đối với một vị tỳ kheo trong pháp luật này bao giờ mà chưa chứng được thánh trí thì tất cả những gì dù là danh lợi, thiền định, thần thông, thắng trí đi nữa cũng đều cần phải vượt qua thì nói gì là danh là lợi, nói gì là sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon xúc lạc, nói gì là một chút danh dự, một chút tiếng tăm phù du bèo bọt mà cuộc đời mang đến cho mình. Cho nên vị tỳ kheo trong đời sống bình tỉnh sáng suốt tỉnh thức nhất, khi mắt tai mũi lưỡi thân ý biết cảnh thì vị đó chỉ thấy mọi thứ như là nó thôi, không phân biệt tướng chung tướng riêng. Đó chính là con đường từ bỏ theo đúng tinh thần mà Đức Phật đã dạy, tức là mọi thứ nó làm sao thì thấy nó như vậy không suy diễn thêm, mà chỉ cần suy diễn thêm là mình bị kẹt, suy diễn thêm là mình bị chết! 42:09

Trong cõi luân hồi này mình chết nhiều kiếp liên tục vô số kiếp chỉ vì mình có thói quen suy diễn. Ngài Bhaddiya Lakundaka là vì Ngài nhỏ người, lùn và tròn vo cho nên gọi là Lakundaka còn tên do cha mẹ đẻ đặt cho Ngài là Bhaddiya. Một ngày kia Ngài đang đi bát, có một cô đó thấy hình tướng của Ngài tròn vo úc núc nên cô cười. Gặp như mình thì mình sẽ chọn 1 trong 2 thứ độ, 1 là mình thấy một người khác phái mà họ mĩm cười với mình thì có thể 1 là mình khởi lên tâm tham tức là mình mến mình thích người ta, 2 là mình khởi lên tâm sân bởi mình biết người ta đang cười nhạo mình. Nhưng Ngài lại không có mắc vào tham mà cũng không mắc vào sân, mặc dù lúc đó Ngài còn là phàm. Khi Ngài nhìn thấy cổ cười thì Ngài không có suy diễn là người ta cười ngạo mình hoặc là Ngài không có suy diễn theo cái kiểu của mình như là người đó dễ thương có nụ cười đẹp hoặc nụ cười xấu. Ngài không suy diễn kiểu đó mà Ngài lại nghĩ một cách đơn giản là thấy cô ấy cười thì Ngài suy diễn đúng mức là nhìn thấy cổ cười Ngài nghĩ tới bộ xương và lấy đó làm đề mục, làm ấn chứng để sau đó Ngài chứng quả A la hán. Điều quan trọng là ở chỗ đó.

Thánh nhân không có suy diễn lung tung như mình mà khi người ta chịu suy diễn thì suy diễn rất là đơn giản đủ để chứng quả thôi. Chứ không có như mình, mình đi tìm cái đẹp ở trong cái xấu, hoặc mình đi tìm cái hận thù ở trong cái không có gì. Thí dụ người ta cười thì cứ để người ta nhìn người ta cười đi, cứ để đó là nụ cười thôi, xong. Còn đằng này mình suy diễn là cười coi rẻ mình, cười kiêu ngạo, cười đểu, cười kiểu khinh thường, kiểu bím nhẽ, kiểu cà chớn, kiểu gây hấn, kiểu kiếm chuyện, v v. Khi mà mình ngồi suy diễn như vậy thì tự trong cái bản chất nụ cười đó không có gì hết nhưng do mình tính toán, suy diễn một hồi thì 1 là mình khởi lên tâm tham, 2 là mình khởi lên tâm sân. Cho nên cái trường hợp đó được gọi là vị tỳ kheo dứt bỏ những gì mà bậc đạo sư kêu dứt bỏ tức là đối với các pháp không bị kẹt.

Điều thứ 3 vị tỳ kheo đáng được tán thán, đó là vị tỳ kheo không có bỏ rơi gánh nặng viễn ly dẫn đầu về đọa lạc. Nghĩa là vị tỳ kheo luôn luôn lấy cứu cánh giác ngộ làm lý tưởng cao nhất của mình và dù có sống trong một môi trường nào đi nữa thì không bỏ rơi gánh nặng viễn ly. Vị này luôn biết rõ mình đang ở trong một ngôi nhà lửa, mọi cái danh, lợi, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời này chỉ là quán trọ để dừng chân mà thôi. Dù người ta có khen mình cho lắm đi nữa thì nó chỉ là quán trọ sáng mai thức dậy thì lữ khách đều bỏ quán trọ mà đi. Mà có khen mình lắm đi nữa thì 1,2 bữa gì đó họ cũng quên mất tiêu. Rồi người ta có rủa xả chưởi bới mình cách mấy đi nữa thì không lẽ cứ lôi mình ra chưởi hoài thì họ cũng hết chưởi. Giống như một quán trọ dù cho có lịch sự đẹp đẽ thơm tho thì sáng ngày mình cũng bỏ nó mà đi. Hay một quán trọ dù có bị mưa dột, chuột cắn kêu suốt đêm, dù quán trọ có khai có thúi, dù ông chủ quán trọ không được niềm nở, dù quán trọ đó có những người khách không có ra gì v v, xưa nay có ai mà đời đời kiếp kiếp ở trong mấy cái lữ quán, cái “Inn” hoài đâu. Mấy cái Inn người ta chỉ để dành khi nào kẹt lắm “ngộ biến tùng quyền” kẹt quá rồi người ta vô đó ngủ, nó vừa tốn tiền mà nó không được thoải mái bằng cái nhà của mình.

Cho nên hướng về viễn ly không bỏ rơi gánh nặng viễn ly, không có hướng về đọa lạc là như vậy. Có nghĩ là lúc nào vị này cũng nghĩ đến những cuộc lên đường, lên đường đi về đâu? Lên đường từ bỏ sắc đẹp tiếng hay vị ngon mùi thơm. Lên đường như vậy cũng chưa đủ, lên đường từ bỏ phố xá thị thành, phủi tay với những ân tình phố xá cũng chưa đủ. Lên đường ra khỏi cảnh dục vượt ra khỏi cảnh sắc, vượt qua khỏi cảnh vô sắc để đạt đến thánh trí giác ngộ niết bàn vô sanh bất diệt, thì đó mới được gọi là những người thực hiện cuộc lên đường. Còn như mình chỉ mới cạo tóc đắp y cũng là lên đường nhưng mới chỉ có đi được mấy bước thôi. Phải học hỏi Phật Pháp để bỏ đi những tà kiến, như vậy là mình lên đường thêm được một khúc nữa, bỏ tà kiến đi được một đoạn nữa và khi nào mà mình chứng đạt thánh trí thì lúc đó mình mới được xem là người đạt đến mục đích. Ngày nào chưa đạt đến thánh trí mà tối thiểu là Tu đà hoàn thì chúng ta vẫn mãi hoài là những lữ khách trên con đường đi vạn dặm.

Chúng tôi nhớ hoài bài kệ của vua Trần Nhân Tôn, có lẽ cũng nên xem nó là một bài để chúng ta nhớ và chúng tôi cũng muốn mượn nơi đây cho lời kết thúc của buổi giảng ngày hôm nay:

Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng,
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương,
Bôn ba làm khách phong trần mãi,
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường.
Ngày hết rồi đến đêm, ngày hết rồi thì tuổi già sẽ tới, tuổi xuân rồi sẽ qua.

Quê xa là cứu cánh niết bàn thì cứ vạn dặm. Như chúng tôi cũng nói rằng bài kệ này là câu kết thúc của buổi giảng hôm nay. Thì đó là phần chúng tôi trình bày nội dung của bài Kinh thừa tự pháp. Đức Phật dạy hãy thừa tự di sản tinh thần của Ngài chứ đừng thừa tự những gì về vật chất cho dù đó là một ngôi chùa, đó là một chức vụ, một chức danh lợi nào mình gặp được trong cuộc sống trong đời tu thì tất cả chỉ là hình sương bóng khói thôi. Đó là lời dạy của Đức Phật.

Ngài Xá Lợi Phất đã triển khai ra thành 3 vấn đề, đó là vị tỳ kheo làm được 3 điều này thì xứng đáng được nhân thiên tán thán, xứng đáng được chư thánh hiền tán thán. Đó là thứ nhất, bậc đạo sư chủ trương sống viễn ly thì tỳ kheo sống viễn ly. Thứ 2, điều gì bậc đạo sư kêu từ bỏ thì vị tỳ kheo từ bỏ. Thứ 3, vị tỳ kheo suốt đời lấy cuộc lên đường làm lý tưởng sống, luôn luôn nghĩ đến những cuộc lên đường không dừng lại ở bất cứ một quán trọ phù du sương khói nào.

Dù ít dù nhiều thì đây cũng là một thời pháp, xin thành kính chia xẽ công đức này đến tất cả chư đại đức tăng và tất cả Phật tử trong room, đồng thời cũng không quên chia xẽ công đức này đến tất cả chúng sanh trong 3 giới 4 loài luôn luôn đắc kỳ sở nguyện, tu hành tinh tấn mau đến nơi giải thoát. Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app