Kinh Trung Bộ số 004

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật. Kính bạch chư tăng, kính đảnh lễ Sư ĐH, kính thưa quí Phật tử sau nhiều suy nghĩ chúng tôi quyết địng rằng có lẽ nên dành thời giờ ở trong những buổi giảng của Phạm Gia Trang để giảng toàn bộ Trung bộ kinh gồm 152 bài. Có thể tùy theo bài dài ngắn mà phân ra thành một hay nhiều buổi giảng khác nhau. Bài nào ngắn thì có thể hoàn tất trong một đêm, mỗi đêm xong được bài nào thì hay bài đó. Như vậy thì có lẽ trong một thời gian không lâu thì mình cũng sẽ lần lượt nghe hết Trung bộ, Trường bộ, Tăng chi, Tương ưng. Nếu được vậy thì coi như room này là lớp học giáo lý đặc biệt là học về Kinh Tạng. Nói như vậy thì Trung bộ kinh chúng ta đã nghe xong bài 1 là Căn bản pháp môn, bài 2 là Nhất thiết lậu hoặc.

Kính thưa quí vị theo như một số học giả nghiên cứu thì Trường bộ kinh là có nội dung nặng về lý luận, Trung bộ kinh là đặt nặng về những kinh nghiệm tu tập. Dĩ nhiên đó là một ý kiến thôi nhưng chúng ta phải nhận rằng Trung bộ kinh có nội dung rất là gắn bó với đời sống tu tập của người Phật tử. Phật tử ở đây là mình bao gồm luôn chư tăng và cư sĩ. Chẳng hạn như bài kinh đêm nay là bài 3 chúng ta sẽ được nghe là bài Khiếp đảm và sợ hãi. Đây là bài kinh Đức Phật kể lại cho một vị bà la môn tên là Janussoni nghe về quá trình tu chứng của Ngài lúc Ngài còn ở trong rừng lúc chưa thành Phật.

Duyên khởi là một hôm khi Đức Thế Tôn ngự ở chùa Kỳ viên, tịnh xá của ông Cấp cô độc, lúc đó có một vị bà la môn tên là Janussoni ông đến nghe pháp. Ông rất là hoan hỷ với hội chúng tỳ kheo của Đức Thế Tôn vì ông thấy tất cả chư tăng đều tu học dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn từ cách đi đứng đến cách ăn uống sinh hoạt đều khả kính. Tự nhiên ông nhìn những người học trò thì ông nghĩ đến bậc đạo sư, ông cũng bày tỏ cái ý là ông muốn nghe Đức Thế Tôn kể lại kinh nghiệm tu chứng của Ngài trước khi thành Phật.

Thể theo lời yêu cầu đó, Đức Phật Ngài kể rằng trước kia khi chưa thành Phật thì Như Lai cũng có những nỗ lực, có những tinh tấn trong sự tu học giống hệt như những gì mà hôm nay Như Lai đang giảng dạy cho chúng tỳ kheo. Nói xong thì Đức Phật mới kể lại kinh nghiệm xưa lúc Ngài còn ở trong rừng khổ hạnh. Hôm nay chúng ta qua Ấn Độ, kế bên Bodhigaya là gốc bồ đề ngày xưa Ngài đắc đạo và gần đó là một cánh rừng vẫn được gọi là khổ hạnh lâm, là nơi ngày xưa Đức Bồ Tát đã từng tu ở đó. Dĩ nhiên qua chừng đó thời gian 20 mấy thế kỹ rồi, vật đổi sao dời, mọi thứ không còn như ngày xưa nữa. Tuy có nhiều thay đổi nhưng nếu ai có từng xem kinh sách thì nhìn lại cánh rừng đó sẽ đoán ra được một phần. Dĩ nhiên là một phần nào đó thôi bởi theo Ngài kể rằng ngày xưa lúc còn ở trong rừng đó để tu khổ hạnh thì rừng đó có tên là Uruvela. Đây là một khu rừng rất là rậm rạp và hoang vu, theo lời của Đức Phật mô tả thì đây là một cánh rừng già vào cái thời của Ngài.

Theo trong tập sớ giải thì Uruvela là một khu rừng rất lớn gồm nhiều cây cối rậm rạp và trong đó vào thời Đức Bồ Tát Ngài tu thì nó có những chỗ ban ngày tuy có ánh nắng mặt trời nhưng mà vì nó quá hoang vắng và quá rậm rạp cho nên người bình thường vào đó cũng phải rợn tóc gáy. Và theo như Đức Phật Ngài mô tả cho ông bà la môn Janussoni thì khu rừng đó vào ban đêm với vị sa môn, bà la môn chưa có chấm dứt phiền não như tham dục, sân hận, vẫn còn có lòng sợ hãi nếu ban đêm ở trong khu rừng như vậy thì rất dễ bị điên loạn. Có nghĩa là nhiều khi sợ quá thì người ta cũng đi đến cảnh điên loạn .

Chuyện này cũng dễ hiểu thôi, như tôi có nghe từ một vị sư bây giờ đang ở Việt Nam. Ngày xưa lúc vị này ở bên Pháp có biết một câu chuyện. Trong một bệnh viện có ông bác sĩ trẻ tuổi tính hay nghịch ngợm ổng muốn trêu chọc một cô y tá làm chung ở đó. Dĩ nhiên chuyện này xảy ra ở thời của vị sư này, chứ nếu bây giờ chắc bị thưa rồi. Ông này muốn đùa giỡn cho nên trong một lần giải phẫu xác chết, ông vị này đã cắt đi một bàn tay của xác chết rồi dấu lại. Sau đó mới lén bỏ vô túi áo blouse của cô y tá. Đến giờ vô phòng mổ thì cô này mới khoát cái áo đó và mới thò tay vô trong túi áo, khi bàn tay chạm vào thì cô móc ra coi. Khi thấy rồi thì cô hét lên một tiếng và cô chết ngất. Sau đó nằm mấy ngày liên tục, cô cứ lờ đờ giống như người mất hồn. Ông bác sĩ là người Pháp, lúc đó vị sư Việt Nam chỉ là một người làm trong bệnh viện đó. Theo vị này kể rằng cứ nghĩ là cô này sẽ bị điên. Nhưng cũng may mắn là sau mấy ngày lờ đờ lẩn thẩn như vậy thì bệnh viện cho cổ nghĩ dưỡng sức một tuần lễ, nửa tháng thì cô hồi phục trở lại.

Khi con người ở một hoàn cảnh quá là kinh hoàng, quá khiếp đảm thì có thể đi đến loạn tâm. Đây là lý do tại sao Đức Phật Ngài nói rằng khu rừng Uruvela nếu một người chưa có diệt trừ phiền não thì rất có thể sẽ bị điên loạn. Nói như vậy mình biết nó rùng rợn cở nào! Ngài nói rằng lúc đó ta còn là Bồ Tát chưa thành Phật, vào những đêm tối không trăng một mình ta. Mà lúc đó Ngài lại đang tu khổ hạnh cho nên cả thân người hoàn toàn lỏa thể giữa rừng. Chỉ riêng cái lạnh cắt da của xứ Ấn Độ là người bình thường đã chịu không nỗi, đằng này Ngài lại hoàn toàn không mặc cái gì trên người hết. Dĩ nhiên khỏi nói mình biết là còn muỗi, gió, lạnh đủ thứ ở đó.

Lúc bấy giờ giữa rừng có một mình, Ngài nói đôi lúc một tiếng chim kêu đêm hay một tiếng lá rụng, hay tiếng gió thổi qua mấy tàn cây nhánh lá cũng làm cho Ngài cũng Lomahanto, tóc lông dựng ngược, nói theo từ của mình bây giờ là nổi da gà, từng chặp từng chặp như vậy. Mỗi khi sự sợ hãi mà nó lên đến cao trào cao độ như vậy thì Ngài mới suy nghĩ như thế này: Chắc chắn rằng xưa nay có những vị sa môn, bà la môn cũng từng sống ở những trú xứ, những chỗ ở như vầy. Nhưng người ta có thể vượt qua được và chứng các pháp thượng nhân thì lý nào ta không có thể vượt qua? Và với trí tuệ của mình thì Ngài suy nghĩ thêm: Trong điều kiện như thế này nếu không khéo tu tập thì ta để cho phiền não lấn chiếm nội tâm thì chắc chắn ta không có khả năng mà đối diện với hoàn cảnh như thế này đâu.

Điều đó cũng hợp lý thôi. Có một lần nào đó chúng tôi đã có trình bày cho các vị nghe một ví dụ. Một người trước khi lập gia đình vốn là người sợ ma, không thể nào ban đêm dám đi một đoạn đường dài 1-2 cây số hoàn toàn vắng vẻ không có nhà ai, hoặc ban đêm ban hôm 1-2 giờ khuya làm sao mà dám băng qua một cái nghĩa trang, nghĩa địa hoàn toàn vắng vẻ. Tuy nhiên khi mình có con hoặc khi trong nhà mình có người thân bị bệnh hoạn cần phải đi kiếm thầy kiếm thuốc, tự nhiên cái tình cảm của mình đối với người thân khiến cho mình có cái gan mình đi. Chắc chắn là như vậy thôi, trong trường hợp mà mình không có một chọn lựa nào khác. Thí dụ như ở Mỹ cần cái gì mình gọi 911 quá ổn rồi, quá nhẹ nhàng thoải mái dễ dàng, không có chi khó. Nhưng các vị thử tưởng tượng một ngôi nhà ở nông thôn Việt Nam đêm hôm gặp lúc mưa gió bão bùng thì lấy cái gì, làm sao có điện thoại, làm sao có 911 để mình gọi, cũng không có ai giúp mình hết, mà nhà ai nấy ở, đêm hôm như vậy? Thì dứt khoát có thể vì tình phụ tử, tình mẫu tử, tình huynh đệ ruột rà mà chúng ta cắn răn chúng ta đi qua cái nghĩa trang miễn sao kiếm thầy kiếm thuốc được thì thôi! 11:25

Đối với người tu cũng vậy, Đức Bồ Tát Ngài mới suy nghĩ rằng ở hoàn cảnh như thế này chắc chắn là có người ở được. Nhưng tại sao mà bây giờ mình lại sợ? Ngài nghĩ thêm: Chắc chắn là người ta có thiện pháp nào đó và với thiện pháp đó người ta trấn áp được những phiền não. Nhờ vậy người ta mới có thể vượt qua được. Ngài mới kể rằng lúc đó Ngài suy nghĩ như sau: Với ai còn tham dục không thể ở đây được. Ngài suy nghĩ thêm: Còn cái gì nữa hay không? Còn chứ! Với ai mà còn tâm sân hận không ở đây được. Còn nữa, với ai còn Thīnamiddha, hôn trầm thụy miên, còn ưa thích ngủ nghỉ, còn ưa thích sống lợi dưỡng (còn mong muốn ấm, êm, không gió nắng mưa) thì chắc chắn không sống ở đây được. Với ai còn mong cầu nghĩ đến lợi lộc, danh lợi v v thì cũng không thể ở được. Ta phải từng bước hạn chế được tâm tham dục (là lòng mong nghĩ đến ngũ dục: sắc đẹp, tiếng hay, vị ngon, mùi thơm).

Cũng lưu ý các Phật tử, nếu không nói ra mình sẽ xem bài kinh này giống như câu chuyện Đức Thế Tôn kể lại đời tu của Ngài. Nhưng thật ra nếu mình chịu khó mình nghĩ thêm chút nữa thì bài kinh này giúp đỡ cho mình rất nhiều, đặc biệt là những người sống độc cư một mình, đặc biệt là những người có tánh hay sợ ma và nhút nhát. Là bởi vì sao? Tại sao mình sợ chết? Là vì mình còn có ái luyến, mình còn có đam mê trong ngủ trần lục dục. Hễ ngày nào mình còn có đam mê, ái luyến trong ngủ trần lục dục càng nhiều chừng nào thì mình càng chết nhát chừng đó.

Chúng tôi nhớ hoài câu chuyện ông A Lịch Sơn đại đế – Alexander the Great của Hy Lạp ngày xưa, ông đem quân đi đánh từ Tiểu Á tràn quân qua tới Ấn Độ. Trong đoàn quân viễn chinh của ông có một người lính ốm yếu, nhưng mỗi lần ra trận tiến quân thì anh ta xông xáo đi hàng đầu, còn rút lui thì rút sau cùng. Anh hùng can đảm, coi cái chết không có ra gì hết. Giáp mặt với quân thù rồi thì ảnh hò ảnh hét, tay đâm tay chém liên tục, anh dũng kiên cường xuất sắc. A Lịch Sơn thấy vậy vừa ý quá mới kêu ảnh vô ban thưởng cho ảnh một thanh bảo kiếm. Và trước mặt ba quân đông đảo xác định với mọi người rằng kể từ nay anh lính này trong quân đội ảnh được quyền hưởng ưu tiên chỉ sau A Lịch Sơn đại đế thôi. Coi như tưởng thưởng một chiến sĩ gan dạ anh dũng như vậy. Khi nào đoàn quân viễn chinh đến nơi đến chỗ rồi, chiến thắng rồi ổng sẽ còn tưởng thưởng trọng hậu hơn nữa. Thế là từ đó về sau giữa chốn ba quân ăn uống cái nào mà ngon nhất là của A Lịch Sơn đại đế rồi kế đến là anh lính đó. Lâu ngày như vậy thì ảnh mập tròn, béo tốt ,hồng hào, phốp pháp, nhìn ảnh sung sướng hạnh phúc lắm. Nhưng rất tiếc kể từ đó về sau thì ra trận lúc nào ảnh cũng chết nhát. Tiến quân lúc nào cũng đi sau cùng, rút quân thì bao giờ cũng rút trước. A Lịch Sơn để ý thấy lạ, ổng mới kêu vô hỏi:

-Ngày xưa trẫm không có để ý gì đến nhà ngươi thì thôi nhà ngươi quá chừng quá đất. Từ khi hiểu được ngươi, trẫm đánh giá được cái tánh khí anh hùng can đảm của ngươi, trẫm tưởng thưởng trọng hậu cho ngươi. Sao bây giờ ngươi có vẻ không có bằng trước đây một góc nào hết?

Anh lính mới thưa thiệt:

-Tâu đại vương hồi trước đây tại lính nhiều quá đại vương quên đi thân thế của hạ thần. Hạ thần đâu có cha đâu, có mẹ gì đâu, mà cũng không anh em thân thích gì. Coi như cả đời này giao hết trong đường binh nghiệp, sống chết cũng ngoài chiến trường, không có gì để tiếc nuối. Nhưng kể từ lúc mà đại vương cho người đối xử tốt quá tốt như vậy, tự nhiên hạ thần thấy mình cũng phải giữ cái mạng lại để mai mốt khi đến nơi đến chốn rồi đại vương tưởng thưởng. Lúc đó mình sẽ có chút tiền rồi cưới vợ sanh con nữa. Xin đại vương thứ lỗi, một phần khiến cho hạ thần bây giờ ra nông nỗi này cũng là vì đại vương, đại vương cho hạ thần cái cảm giác sung sướng làm hạ thần đâm ra ham sống sợ chết.”

Mình có thể coi đây là câu chuyện cười, cũng có thể coi đây là chuyện đời cũng được. Khi nào sống trong cuộc đời này mà mình còn có đam mê, còn có một cái hy cầu, cái gì đó mình mong mỏi tô đắp xây dựng thì tự nhiên mình có sự cẩn thận hơn. Nói theo cái từ cho nghiêm túc đàng hoàng lịch sự xíu mình gọi đó là sự cẩn thận, nếu mình gọi bằng cái từ hơi bi quan chút xíu là mình đâm ra chết nhát hơn. Phải nói như vậy. Riêng bản thân chúng tôi cũng có lúc như vậy, nhiều khi buồn chán quá tự nhiên mình không có để ý gì đến mình hết, mình muốn thức đêm bao nhiêu mình thức, rồi mình muốn dậy chừng nào mình dậy. Nói chung mình không có để ý tới sức khỏe, nhưng những khi có thầy tổ, huynh đệ hoặc Phật tử có sự căm sóc cho mình, họ thấy ốm yếu xanh xao vàng vọt rồi họ mời mình đi bác sĩ khám bệnh xong về mình đâm ra làm biếng, không có tinh tấn, chuyện đó là có thật trong đời của chúng tôi. Những khi mà chúng tôi sống trong một ngôi chùa xa xôi thiếu điều kiện thường những lúc đó là chúng tôi học hỏi nhiều nhất, chịu khó xem kinh sách nhiều nhất. Nhưng khi đời sốnh có vẻ được an lạc thoải mái quá thì thường mình hay lãng quên cái trách nhiệm thường xuyên của mình. Trường hợp đó cũng là cái thất bại, cái dở của phàm phu. 18:28

Khi Bồ Tát xét thấy rằng ta còn tham dục dứt khoát ta không chịu nỗi cái cảnh này. Nếu ta còn tâm sân hận ta cũng không thể sống nỗi trong bối cảnh này. Nếu ta còn mê ngủ, ta còn lười biếng thì ta cũng không thể sống trong bối cảnh này. Ta còn nghĩ tới lợi lộc, danh xưng thì ta cũng không thể sống trong bối cảnh này. Những kinh nghiệm trong đời của Bồ Tát trước khi thành Phật thì Ngài cũng từng là một ông hoàng. Trong kinh nói Ngài có 3 tòa lâu đài, dưới có hàng ngàn mỹ nhân, cho nên Ngài có một đời sống rất là sung sướng. Nhờ vậy khi đi tu Ngài mới thấm, Ngài nghĩ: Hồi đó mình sung sướng mình cũng không được cái gì. Như vậy rõ ràng cái sung sướng mình đã trải qua rồi. Bây giờ qua tới khổ hạnh, sau khi Ngài nghe tiếng đàn của Đức Đế thích đánh, Ngài chợt nghĩ cái sung sướng mình cũng đã trải qua rồi, khổ hạnh cùng cực mình cũng trải qua rồi. Cả hai thái cực đó mình đều trải qua đầy đủ hết không thiếu cái gì, mà cả hai thái cực đó đều không đưa mình đến con đường giải thoát, Ngài hiểu được chỗ đó. Phải nói Ngài là người có đầy đủ kinh nghiệm trong con đường tu chứng mà đặc biệt là trong đời sống nội tâm thì Ngài có nhiều kinh nghiệm rất quan trọng.

Đức Phật kể thêm cho bà la môn Janussoni nghe là vào những đêm tối trời không trăng một tiếng lá rụng, một tiếng chim đi ăn đêm, hay tiếng gió thổi vào các tàn cây làm cho Như Lai cảm thấy sợ hãi. Lúc đó, nếu đang đi thì Như Lai đứng lại để nhìn vào cái nội tâm của mình coi mặt mũi của cái sợ nó ra sao. 20:25

Nếu đang ngồi thay vì gặp những người khác có tiếng động, có những hình thù rất là lạ. ban đêm

Dĩ nhiên chưa từng trải qua kinh nghiệm hãi hùng như Bồ Tát nhưng hồi còn bé có sống trong rừng mấy năm, chúng tôi có biết rừng hoang ban đêm có những âm thanh rất lạ lùng. Có những loài thú mà cho tới bây giờ lớn rồi chúng tôi cũng không biết nó là cái con gì, mình không biết nó lớn hay nhỏ nhưng khi nó di chuyển trong bóng đêm thì nhìn thấy nguyên một tán lá nó rung động. Mà lúc đó mình đâu nghĩ đó là tán lá hay tàn cây mà mình nghĩ là con gì nó to lắm. Nhưng thật ra không phải, nó chỉ là một cái con gì có lẽ là con sóc, con kỳ đà gì đó thôi nhưng nó di chuyển trên tàn cây làm cho cả tàn cây nhúc nhích. Mà từ xa mình nhìn thấy nó là một cái khối đen và lớn như vậy nó nhúc nhích. Lúc đó là mùa mưa ban đêm chúng tôi ở trong rừng Bình Sơn, từ chỗ mình nằm ngó ra ngoài kia là cái rẫy mì chừng vài thước thôi, mấy con heo rừng nó về nó ủi. Nếu người không quen thấy rất là sợ, sợ lắm. Ngày xưa nơi chúng tôi ở chỉ là rừng chồi thôi chứ nếu mình ở trong rừng già thì còn nhiều cái rùng rợn, khủng khiếp và dễ sợ hơn. 21:46

Cái chữ “Ma” ở trong kinh điển Phật giáo có nhiều nghĩa lắm. Ma ở đây có thể là cái hàng phi nhân họ quấy rối mình. Nhưng Ma còn có Tâm Ma tức là những cái phiền não như ác dục, sân hận hoặc hoài nghi ở trong nội tâm của mình, khi nào có điều kiện thuận tiện lập tức nó xuất hiện làm cho mình sợ hãi.

Ngay trong đang nói chuyện với qúi vị đây, chúng tôi đang ở một mình ở một trú xứ tương đối là vắng. Phải nói rằng trong những ngày tháng này chúng tôi có thêm một kinh nghiệm. Khi sống một mình có nhiều thứ mình phải tự đối diện. Thí dụ có những đêm ở một mình, nghe trong người khó chịu, tự nhiên nghĩ bậy là có thể mình chết trong đêm nay không chừng mà không ai hay biết rồi một ngày hai ngày nó sình lên. Hoặc là đêm nào đi ngủ mình cũng hay lấy chiếc xe kéo chận cái cửa, nhưng có bữa mình quên, tới khuya thức dậy ngó ra cửa không thấy xe chận ở đó nữa thì mình nghĩ lúc ngủ có ai đi vào hay không? Có những lúc ở một mình, mình đối diện với những cái đó mình mới thấy nội tâm của mình luôn luôn có nhiều Ma chướng, mà nhiều khi không phải là mình ở trong rừng sâu núi thẳm hoặc mình ở trong nhà xác trong bệnh viện mình mới thấy. Phải nói rằng đời sống nội tâm của mình dù ở thành thị hay ở rừng sâu núi thẳm thì chỉ cần sơ ý chút xíu thì mình sẽ gặp rất là nhiều Tâm Ma nó quấy rối. 24:00

Kinh nghiệm mà Đức Bồ Tát kể lại cho ông Janussoni nghe là Ngài muốn lưu ý một điều trước khi đề cập đến cái đáng sợ, cái hãi hùng của ngoại cảnh – tức là một khu rừng, một ngôi nhà hoang hay là một con đường vắng, một nghĩa trang, một nghĩa địa, một nhà quàng, một nhà xác – thì mình phải tự ghi nhớ rằng Ma quỷ trước hết nó nằm ở trong tâm mình nó đi ra. Nếu mình dàn xếp được nội tâm của mình thì cái thế giới ngoại cảnh nó không còn đáng sợ nữa. 24:37

Nói đến đây chúng tôi nhớ có một giai thoại bên Trung Hoa. Có một vị thiền sinh, cứ mỗi lần vị này hành thiền thì thấy một con nhện rất lớn bằng người thật không biết từ ở đâu mà mỗi lần nhắm mắt lại là thấy nó chạy riết lại chỗ vị thiền sinh này đang ngồi thiền. Các vị tưởng tượng con nhện nếu to bằng cái nắm tay của mình là đã thấy quá lớn rồi, đằng này con nhện nó to bằng người thật, mỗi lần nhắm mắt lại là thấy nó chạy tới vị này sợ quá không tu thiền được cho nên vị này mới lên gặp sư phụ. Sư phụ là một thiền sư có nhiều kinh nghiệm, khi nghe vị thiền sinh nói, sư phụ suy nghĩ một lát rồi đưa cho học trò một cây bút lông có thấm mực sẵn và dặn đem về lấy chút nước ngâm cây bút lông. Khi nào thấy con nhện nó chạy tới thì con lấy cây bút này chấm vô giữa bụng của nó. Nhiều lắm là hai lần thì con sẽ không bao giờ nhìn thấy con nhện đó nữa. Người thiền sinh này rất mừng, nghĩ rằng sư phụ chắc đã có làm bùa làm phép gì vô cây bút lông này đây. Người này về lấy cái chén cho chút nước vào đó rồi ngâm cây bút lông vô đó và nhắm mắt lại ngồi thiền. Chừng một lát sau thì con nhện xuất hiện, người thiền sinh này đợi con nhện vừa đến ngay tầm tay thì mắt vẫn nhắm nghiền như vậy và lấy tay chụp cây bút lông chấm vô trong bụng con nhện đó. Chấm xong thì con nhện mất tiêu, vị này mừng quá chạy lên gặp sư phụ thưa lại mọi chuyện.

-Thưa sư phụ, con vừa thấy con nhện đó xuất hiện và con làm theo lời sư phụ con chấm cây bút lông vô bụng của nó.

Vị sư phụ mới nói:

-Đâu con vạch cái áo con lên cho sư phụ coi.

Người học trò vạch áo lên thì ra ở trên bụng của người học trò có nguyên một vệt mực rất là lớn. Lúc đó vị thầy mới nói:

-Lẽ ra khi hồi chiều con đến hỏi thầy thì thầy nói có lẽ con không có tin, con nghĩ là thầy không có thông cảm không có hiểu cho con. Rõ ràng con thấy con nhện mà cho nên nói con không có tin. Bây giờ con thấy tận mắt rồi thì thầy mới nói cho con nghe, đó rất có thể là do Ma chướng, do vọng tâm của con mà thôi.

Sau khi nghe lời thầy nói như vậy thì người học trò yên tâm nghĩ rằng con nhện đó là do mình tưởng tượng ra mà thôi chứ không có thật. Nhờ vậy vị này tiếp tục tu thiền và từ đó về sau không thấy con nhện nữa. Đây là một câu chuyện trong thiền học của Trung Hoa.
Chúng ta trở lại vấn đề Đức Bồ Tát kể lại kinh nghiệm của Ngài lúc Ngài còn ở khổ hạnh lâm, những kinh nghiệm đó cho mình thấy rằng cái khu rừng đó thì đáng sợ thật. Nhưng điều quan trọng nhất mà Ngài kể lại là để giải quyết được hoàn cảnh sống mà hãi hùng khiếp đảm như vậy thì trước tiên Bồ Tát phải tự dàn xếp những Ma chướng, những Tâm Ma ở trong nội tâm của mình, đó là những lòng tham dục, sân hận.
Chúng ta vẫn biết rõ một điều là trên đời này cái người không sợ chết có thể nói là họ không có sợ gì hết. Mà tất cả những cái sợ của ta đều xuất phát từ cái chết mà ra. Thí dụ mình còn sợ chết thì đâm ra mình còn sợ bị trầy da, bị chảy máu, bị đen, bị xấu không có đẹp nữa v v. Nhưng các vị hãy tưởng tượng với một người bị mang án tử hình, họ biết rằng nay mai gì họ cũng sẽ lên ngồi ghế điện, hay phải ra pháp trường chịu xử bắn hoặc chịu chặt đầu; hoặc được bác sĩ báo tin cho biết là bây giờ họ đã bị bệnh nan y như là ung thư, hay bệnh SAR, hay bệnh AID thì khi một người mang một tâm trạng như vậy thì mọi thứ trên đời họ coi rất là nhẹ. Đối với họ lúc bấy giờ cái chuyện sống chết mới là chuyện đáng nói còn ngoài ra thì không có gì đáng nói hết.

Ở đây có thể nói một trường hợp của bản thân chúng tôi, đó là ngày trước chúng tôi từng có đi vượt biên. Khi sắp sửa xuống tàu cái suy nghĩ của mình về thế giới chung quanh nó khác với trước đó vài ba ngày khi mình chưa có tin có chuyến để mình đi. Lúc đó mình nhìn mọi sự nó khác, nhưng với một người sắp sửa bước xuống tàu, biết rõ rằng chuyến đi này là 5 ăn 5 thua tức là sống hay chết mỗi thứ phân nửa thôi. Trong mấy lần đi có một lần là được đi vào “tháng ba bà già đi biển“ thì lần đó tương đối là mình có niềm tin nhiều, còn mấy lần nọ nghe báo thì cũng hồi hộp, cũng nôn nhưng khi đến nơi rồi cái chỗ bãi cạn ban đêm chờ sắp sửa ra ghe lớn, lúc đó tự nhiên mình sợ, tự mình có cái giằng co là không lẽ bây giờ mình bỏ ngang, mà bỏ ngang thì mất tiền. Nếu không đổi ý và đi luôn thì phải nhìn nhận rõ ràng trước mắt càng về chiều là mình thấy mình gần với cái chết. Càng về chiều mình càng gần với biển cả, càng về chiều càng gần đến giờ phải lên ghe lớn để đi thì mình nhìn lại mọi chuyện trước giờ những buồn vui giận hờn hoặc là này nọ tất cả mọi thứ trong đời trước đó mình có suy nghĩ như thế nào đó bây giờ nó lật ngược lại hết, nó không giống như vậy. Hãy tưởng tượng may là mình chỉ đi vượt biên thôi chứ không phải là lãnh án tử hình. Thậm chí không ít lần khi ngồi trên bãi chúng tôi thầm mong cho công an đến bắt, bởi chẳng thà bị bắt để mình nhanh chóng đi đến một quyết định hơn là bây giờ cho mình tự quyết định là trở lên hay là đi xuống bãi. Dĩ nhiên mình không dám nói điều đó cho ai biết nhưng trong bụng mình nghĩ thà bị bắt còn hay hơn là đêm nay ra ngoài ghe đi mà không biết sống hay chết. Hồi mình sắp đi mình thấy 50% nhưng lúc xuống bãi mình thấy còn 30% thôi.

Thì đối với Đức Bồ Tát khi Ngài không xem sanh tử là đại sự thì mọi chuyện ngoài ra là chuyện nhỏ. Có điều Ngài khác mình ở chỗ cái nhìn của Ngài về cuộc sanh tử luân hồi Ngài nhìn một cách rất là rõ ràng tinh tế. Còn mình bất quá mình chỉ đọc được 5-3 cuốn sách, đi chùa nghe giảng 5-3 lần, hoặc có khá lắm mình đọc chừng 5-10 năm chỉ là con mọt sách thôi chứ mình chưa thật sự thấm thía chuyện sanh tử đó. Tất cả những người hung hăng nhất đi nữa khi họ đối diện với cái chết họ sẽ rút ra được từ nỗi kinh hoàng đó nhiều bài học rất là hay.

Chúng ta cũng biết trước 1975 có một tay rất nổi tiếng trong giới giang hồ, đó là Sơn vương chúa đảo, là một nhân vật người ta là một án tử hình còn ông này tới mấy án. Tương truyền rằng ông đã bỏ công ra học thuộc lòng một cuốn tự điển Tiếng Pháp và sau đó năm 1968 thì ông được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký quyết định ân xá. Ông Sơn vương chúa đảo này bị tuyên án tử hình tới mấy lần như vậy, chính trong những lần bị tuyên án tử hình đó ông gần như chỉ cách cái chết trong gan tất thôi, mà chính trong cái gan tất đó ông mới thấm thía ra một chuyện ông tìm ra được cái giá trị thật sự của đời sống.

Đức Bồ Tát Ngài khác mình ở chỗ từ cung vàng điện ngọc chỉ cần một lần nhìn thấy cái xác chết, chỉ cần một lần nhìn thấy người già, chỉ cần một lần nhìn người bệnh thì tự nhiên Ngài thấm thía và Ngài tin chắc một điều, đó là mình cũng sẽ chết.

Có một vị thiền sư người Nhật Bản Ngài thọ gần 100 tuổi. Lúc Ngài khoảng 70-80 tuổi, có một hội Phật giáo ở bên Mỹ mời Ngài từ Nhật qua thăm Hoa Kỳ. Khi đến nơi có nhiều người đến thăm hỏi Ngài và biết Ngài trong mấy chục năm trời chưa có rời khỏi nước Nhật cho nên họ mới hỏi Ngài:
-Thưa Ngài, Ngài có thấy đời sống và xã hội Mỹ có gì làm cho Ngài ngạc nhiên hay không? Chắc chắn là trong mấy chục năm qua với tâm hồn của một thiền sư, một tu sĩ như Ngài nay qua Mỹ Ngài thấy lạ lắm phải không ạ?
Vị thiền sư trả lời:
-Đúng ra thì xã hội Mỹ bây giờ so với Nhật Bản cũng không khác nhau bao nhiêu, cũng giống giống nhau vậy thôi. Nhưng có một cái tôi rất lấy làm ngạc nhiên là người Mỹ ăn học rất là cao, phần lớn ai cũng học đại học, chuyện đời là ngắn ngủi ai cũng biết. Nhưng sao qua bên đây tôi thấy hình như trong nếp sinh hoạt người ta không có nhớ được là người ta phải chết. Nhìn cách sinh hoạt của người Mỹ tôi có cảm giác như vậy.

Thì đó là câu trả lời của vị thiền sư Ngài nói rằng Ngài lấy làm lạ. Chúng ta cũng biết một điều là người Nhật Bản dù có văn minh, có ăn học cách mấy đi nữa nhưng trong nếp sống mỗi ngày họ vẫn có những thời điểm quay về với nội tâm, có thể họ đọc sách hoặc họ uống trà. Nếu đọc về văn hóa Nhật chúng ta còn biết một chuyện rất đặc biệt, ngay cả ở thủ đô Tokyo là đất qúi như vàng, nhưng người Nhật dù ở đâu đi nữa mà chỉ cần đó là cái nhà của họ, có chật đến mấy họ cũng ráng tranh thủ dành ra tối thiểu 1-2 thước vuông, khoảng bằng cái bàn viết của mình để họ chơi bonsai – cây cảnh, giả sơn, non bộ. Dù họ chỉ có được một góc 1-2 thước vuông thôi, họ cũng ráng chen một cái giả sơn non bộ vô để họ tìm một giây phút nào đó thanh thản thoải mái cho nội tâm của mình. Gần như mỗi ngày họ đều có giây phút để quay về với bản thân của họ, quay về với đời sống nội tâm.

Trong khi người Việt chúng ta tự hào mình có mấy ngàn năm văn hiến, tự hào rằng chúng ta biết đạo Phật từ rất lâu đời. Nhưng phải nói trong nhịp sống hối hả hàng ngày chúng ta không mấy khi có cơ hội quay lại với chính mình. Phải nói rằng chính vì thiếu những giây phút tĩnh tâm cho nên chiều sâu văn hóa về những thành tựu trong cuộc sống hiện tại chúng ta không bằng người Nhật. Dĩ nhiên chúng ta không phải đem chuyện xứ người rồi mình so sánh khen chê so sánh ở đây, nhưng có điều mình cũng nên lấy đó làm cái bài học. Đó là ở đâu, sống trong cảnh giới nào đi nữa thì cái giây phút quay về với nội tâm của mình là quan trọng.

Đức Bồ Tát cũng vậy, Ngài xuất thân là một ông hoàng trong cung có nhung gấm, có lụa là, ngọc ngà châu báu. Nhưng khi nhìn thấy cái chết của người khác, cái bệnh của người khác, cái đau đớn của người khác thì tự nhiên Ngài nghĩ về bản thân của mình. Chưa hết, khi đã bỏ hết mọi thứ, còn lại một thân một mình không chút tài sản, không có một đồng xu cắc bạc nào hết, giữa rừng sâu một mình như vậy, trên người cũng không có một tấc vải nào hết, thì Ngài vẫn có một cách quay về với chính mình một lần nữa là khi đối diện với cảnh rừng già như vậy. Gặp mình thì tìm cách bỏ đi, hoặc là tìm nơi chốn nào đó an toàn nhất, ít có sự sợ hãi thì mình ở. Nhưng mà riêng với Bồ Tát thì không, với Đức Bồ Tát khi Ngài khi gặp những cảnh như vậy thì Ngài suy nghĩ làm thế nào để vượt qua. Bởi vì nếu quay trở ra làng sống gần với mọi người để mong mỏi tìm được sự an ổn, vậy để Ngài quay về hoàng cung sướng hơn. Nhưng cái Ngài biết rõ ràng là đời sống tu học không phải là đời sống chạy trốn mà đời sống tu học là đời sống đối diện. Chính vì hiểu được chỗ này cho nên Đức Bồ Tát Ngài đã vượt qua được những ngày tháng trong rừng như vậy. Vấn đề vẫn chưa hết, khi đối diện với những nỗi lo âu sợ hãi thì Đức Bồ Tát tìm cách suy tư để hạn chế nỗi âu lo sợ hãi của mình. Ngài tiếp tục suy nghĩ “Không lý nào đời tu chỉ là đối diện với cái sợ hãi này?” Thế là Ngài nhớ lại kinh nghiệm ngày xưa ở hoàng cung có một lần vua cha làm lễ hạ điền ngoài cánh đồng.

Hạ điền là lễ mỗi năm ở các xứ nông nghiệp. Ngày nay cũng vậy, mỗi năm vua Thái Lan Ngài cũng xuống ruộng một lần tượng trưng, làm kiểu mẫu cho dân chúng hiểu rằng vua rất quan tâm đến đời sống của dân tình, đồng thời cũng cho mọi người nhớ đời sống xã hội không thể nào tách rời với thế giới nông nghiệp được. Đó là chuyện của Thái Lan.

Còn chuyện Ấn Độ ngày xưa vua Tịnh Phạn mỗi năm có một lần làm lễ hạ điền, vua cũng xuống ruộng kéo cày. Dĩ nhiên là tượng trưng chút xíu vậy thôi, đại khái cho vui. Lúc đó vua xuống ruộng để Bồ Tát ngồi trên bờ dưới một gốc cây có bóng râm. Cung phi mỹ nữ ngồi hầu hạ Bồ tát chung quanh, họ thấy Ngài ngồi yên nhắm mắt, họ cũng dòm ngó một lát chán, họ tản đi từ từ đến người cuối cùng cũng bỏ đi luôn nhưng họ đi không xa chỉ khuất tầm mắt một chút. Còn lại một mình, Ngài ngồi nhìn xuống dưới ruộng thấy những con côn trùng bị chim ăn, chim nhỏ tha côn trùng bay lên thì bị mấy con chim lớn hơn giành lấy. Ngài nhìn thấy lưỡi cày cày xới mấy con côn trùng, con người là động vật lớn đi cày đất như vậy xâm phạm chỗ ở của con côn trùng nhỏ, chim ăn côn trùng, chim lớn ăn hiếp chim nhỏ. Nhìn thấy cuộc đời đúng là biển khổ sanh tử. Ngài nhắm mắt lại không nhìn nữa và theo dõi hơi thở Ngài đắc được sơ thiền, năm đó Ngài mới 7 tuổi thôi.

Năm 29 tuổi Ngài bỏ hoàng cung đi tu 6 năm khổ hạnh tổng cộng là 35 tuổi trừ 7 là chuyện xưa cách đó đã 28 năm rồi. Nhưng Ngài chực nhớ lại, Ngài nghĩ hình như hồi nhỏ mình có trải qua một kinh nghiệm rất là đặc biệt, lúc đó Ngài không có biết đó là sơ thiền nữa. Ngài chỉ nhớ cảm giác rất là lạ, rất đặc biệt, mà vì sao có được cảm giác đặc biệt đó? Ngài nghĩ thêm, lúc đó ta chú niệm tập trung tư tưởng vào hơi thở, thở ra biết là thở ra, thở vào biết là thở vào và không để một tạp niệm nào hết. Khi suy nghĩ như vậy rồi thì bắt đầu Ngài theo dõi hơi thở.
Nếu kể chi tiết thì Đức Phật đã bỏ qua chuyện Ngài nhận cơm sữa của nàng Sujata, nhưng vì Ngài chỉ kể gom hết những kinh nghiệm trong những ngày tháng sau cùng ở khu rừng đó thôi. Ngài theo dõi hơi thở thì canh đầu Ngài chứng lần lượt sơ nhị tam tứ thiền. Từ nền tảng sơ nhị tam tứ thiền này Ngài chứng được Túc mạng minh. Ngài nhớ lại 1 kiếp, 2 kiếp, 100 kiếp, 1000 kiếp, 100 ngàn kiếp. Ngài nhớ lại kiếp xưa có một kiếp ta làm người, kiếp kế đó ta làm thú, kiếp đó ta làm vua, kiếp kia ta làm ăn mày, làm tu sĩ, có kiếp ta làm người giàu, có kiếp ta làm người nghèo, có kiếp ta là người có tiếng tăm, có kiếp ta là kẻ vô danh v v Ngài nhớ từng kiếp từng kiếp Ngài thấy được mình sanh ra đời làm trời, làm người, làm kẻ sang, người hèn và Ngài thấy được cái sự vô thường sự thay đổi trong cuộc trầm luân sanh tử.

Vào canh hai Ngài chứng được Sanh tử minh, Ngài thấy được vì sao mà mình lại sanh vào những cảnh giới khác nhau như vậy. Khi hiểu được nguyên nhân của những kiếp sống quá khứ thì được gọi là Sanh tử minh hay Thiên nhãn minh. Ngài thấy rõ từng kiếp từng kiếp vì sao kiếp xưa mình làm vua. Ngài hiểu thêm do bố thí thì mình có tài sản, do chịu khó học hỏi thì mình có trí tuệ, do không có tâm ganh tỵ thì sanh ra mình được danh xưng được người khác tôn trọng, do ganh tỵ thì đời sau sanh ra mình làm người hạ liệt bị thiên hạ xem rẻ, trước đó mình bỏn xẻn bón rít keo kiệt nên kiếp kia sanh ra mình làm ăn mày v v. Ngài ngồi Ngài nhớ lại từng thứ từng thứ.
Ấn Độ họ chia thời gian của một đêm ra làm 3 canh chứ không như người Việt mình chia thành 5 canh. Họ chia làm 3 là canh đầu, giữa và cuối.

Đến canh thứ ba Ngài thấy rõ được rằng mọi chuyện sanh tử luân hồi đó nó chỉ là sự tương tục tiếp nối của Danh và Sắc theo qui luật Nhân Quả mà thôi. Cũng ngay khu rừng khổ hạnh đó, ngay cái khu rừng mà cách đây mấy đêm Ngài còn sống trong cảnh kinh hoàng sợ hãi thì bây giờ Ngài sống bằng tâm rất là thanh thản rất là thoải mái. Ngài thấy ra từng điều từng điều “Ồ cái đó tại sao mà có Sanh Già Đau Chết?”. Đi ngược dòng sanh tử luân hồi do Vô minh không có trí tuệ cho nên khi gặp cảnh Sanh Già Đau Chết của mình và của người mình mới đi tìm đến một giải pháp để giải quyết đó là mình hưởng thụ ngũ dục, làm các nghiệp bất thiện như sát sanh trộm cắp tà dâm v v, đó là phi phúc hành. Hoặc là có kiếp mình vì thấy cuộc đời đau khổ quá mình đi tu thiền sắc giới, đó là phúc hành. Hoặc là mình thấy đời đau khổ quá mình bố thí, trì giới, phục vụ tha nhân thì đó cũng là phúc hành. Có lúc thì ta đắc thiền sắc giới xong thì ta lại tiếp tục tu thêm thiền vô sắc, đó là bất động hành.

Chính cái Vô minh nó mới duyên cho Hành mà Hành duyên cho Thức (là các tâm tái tục). Thức duyên Danh Sắc (thời tái tục). Danh Sắc duyên cho Lục nhập (từ lúc tái tục theo thời gian phát triển con người lần lượt có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý). Lục nhập duyên cho Xúc, mà chính có Lục nhập tức có Lục căn mình mới có sự tiếp xúc giữa căn cảnh thức. Xúc duyên cho Thọ, khi có tiếp xúc với trần cảnh mới ra được thọ khổ thọ ưu thọ lạc thọ hỷ. Từ Thọ sanh ra Ái. Từ Ái sanh ra Thủ tức chấp thủ. Thủ sanh ra Hữu, tức nghiệp hữu và sanh hữu. Từ nghiệp hữu và sanh hữu tiếp tục nãy sinh Sanh Già Đau Chết Sầu Bi Khổ Ưu Não. Lần lượt Ngài thấy tất cả từng điều từng điều.
Hai canh đầu Ngài thấy được kiếp xưa của mình, Ngài thấy được nguyên nhân gần của chuyện sanh tử. Nhưng đến canh ba Ngài thấy được nguyên nhân xa tức là vì đâu có tâm bất thiện đó. Khi Ngài thấy rõ như vậy thì lúc đó là cuối đêm rằm tháng tư rạng ngày 16 năm đó trước Phật lịch 45 năm, bởi vì Phật lịch mình tính từ khi Đức Thế Tôn niết bàn. Gọi theo lịch Ấn Độ là tháng Visākha lúc vừa rạng đông thì Đức Bồ Tát lập tức chứng quả Chánh đẳng chánh giác vô thượng bồ đề trở thành một vị Phật.

Khi Ngài kể cho ông bà la môn Janussoni nghe từng giai đoạn từ lúc Ngài vô rừng ở và Ngài tự mình dàn xếp những nỗi âu lo sợ hãi. Dàn xếp bằng cách là tự mình hiểu lấy, nếu mình còn những tham sân si thì mình còn sợ hãi. Và dùng cái thiện pháp nào để thế chỗ cho những cái tham dục, cho những cái sân dục, cho những cái hôn trầm thụy miên đó. Rồi từng bước từng bước Ngài chứng được Túc mạng minh, Sanh tử minh, Lậu tận minh.

Ngài kể hết từng bước, từng bước cho ông bà la môn Janussoni nghe. Sau khi nghe xong thời pháp thì ông mới quì xuống dưới chân Đức Phật và ông nói:
-Bạch Thế Tôn, giống như người đem ánh sáng vào chỗ tối, lật ngữa lên những gì bị lật úp bị che kín từ đó đến giờ, Thế Tôn hôm nay đã rọi ngọn đèn vào nội tâm của con. Ngài kể lại chuyện đời tu học của Ngài nhưng đồng thời Ngài cũng cho con một bài học về con đường của riêng con. Xin Thế Tôn từ bi hoan hỷ nhận biết rằng kể từ bây giờ trở đi thì Janussoni đã là đệ tử của Thế Tôn.

Vậy là ông ta trở thành một Phật tử. Đó là nội dung vắn tắt của bài kinh Khiếp đảm và sợ hãi. Ông bà la môn Janussoni muốn Đức Phật kể lại những kinh nghiệm của Ngài lúc ở trong rừng còn là Bồ Tát khi chưa thành Phật. Đức Phật đã kể lại cái giai đoạn gần nhất, đó là giai đoạn Ngài ở trong khổ hạnh lâm vào những ngày tháng cuối cùng trước khi trở thành một vị Phật. Và qua những lời kể đó, những kinh nghiệm đó Ngài đã gởi lại cho ông bà la môn Janussoni nói riêng và cho tất cả chúng ta hôm nay nói chung một kinh nghiệm tu học vô cùng quan trọng. Đó là dù cho ngoại cảnh có hãi hùng khiếp đảm cách mấy đi nữa, vấn đề quan trọng nhất đó chính là tự mình dàn xếp được những Ma chướng ở trong nội tâm của mình. Nếu ngày nào trong nội tâm mình chưa có hướng dàn xếp rõ ràng mà mình cầu mong được đắc cái này, chứng cái kia thì coi chừng đó chỉ là một điều ảo vọng mà thôi.

Cho nên làm gì thì làm điều quan trọng nhất vẫn là dàn xếp nội tâm của chính mình. Không biết rằng các vị Phật tử có chỗ nào thắc mắc hay không, đó là nội dung bài kinh số 4 trong Trung bộ kinh mà chúng tôi tự nghĩ mình đã trình bày tương đối đầy đủ. Còn các vị nào có thắc mắc liên hệ tới bài kinh thì xin cứ tự nhiên. Dù sao nãy giờ cũng là thời gian tạo công đức mà công đức pháp thí là vô lượng. Xin thành tâm chia xẽ phần công đức này đến tất cả chúng sanh trong 3 giới 4 loài, nhất là các vị long thần hộ pháp xin các vị hãy hộ trì cho tất cả chúng ta ở đây luôn luôn được đắc kỳ sở nguyện tu hành tinh tấn. Nam mô bổn sư Thích ca mâu ni Phật.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app