Kinh Tăng Chi số 025

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Phẩm tranh luận.

1-10. Các sức mạnh:
Hôm nay chúng ta học tiếp phẩm tranh luận. Kinh đầu tiên gồm 10 đoạn, từ đoạn 1 đến đoạn 10 có tên chung là các sức mạnh. Có 1 điều chúng ta phải đồng ý với nhau đó là kiếp sống này nói riêng và dòng sinh tử nói chung là 1 hành trình, là 1 cuộc đi. Bất cứ 1 hành trình, 1 cuộc đi nào, điều kiện tiên quyết là cái kẻ có mặt trên đường phải có đủ sức khỏe. Cái đó quan trọng lắm. Sức khỏe về thể lý, về thân xác, chứ còn bệnh hoạn èo uột thì đi đâu. Rồi sức mạnh về tài chánh, nghĩa là phải có tiền bạc, nói chung là cái lực trên đường phải có. Sức mạnh ở đây là phải có điều kiện đi trên đường. Dầu trong kiếp sống này hay trong dòng sanh tử thăm thẳm dịu vợi, thì trong cuộc đi đó chúng ta phải cần có sức mạnh.

Dầu sống đời hay là hành đạo, chúng ta cũng cần có 2 sức mạnh: đối với phàm phu thì cần sức mạnh tư duy. Sức mạnh tư duy là paṭisaṅkhānabala (theo bản chánh tạng) còn theo chú giải là paccavekkhaṇabala. Đối với thánh nhân thì cần sức mạnh tu tập (Bhāvanābala), đồng nghĩa với brūhanabala (phát triển) hoặc vaḍḍhanabala.

Chúng ta biết rằng do vô minh mà chúng ta luân hồi. Do không biết 4 đế nên chúng ta sống trong bóng tối, tức là không biết 4 sự thật. Sự thật thứ nhất: sự có mặt nào cũng là khổ. Thứ 2: niềm đam mê nào cũng là niềm đam mê trong khổ. Thứ 3: muốn hết khổ thì đừng đam mê. Thứ 4: nhận thức được điều nói trên. Đó là 4 sự thật. Do không biết 4 sự thật đó, người tệ thì trốn khổ tìm vui bằng cách làm các nghiệp xấu như săn bắt, câu cá, lừa đảo, trộm cướp… Càng trốn khổ càng đau khổ, càng tìm vui thì càng mất vui. Người khá 1 chút thì trốn khổ tìm vui bằng cách làm các nghiệp lành, sống lợi mình, lợi người đời này đời sau, nhưng mà vì không có ý hướng giải thoát cho nên vẫn suốt đời quẩn quanh trong 3 cõi 6 đường. Do vô minh nên mới dẫn đến 2 kiểu thiện hành và ác hành đó. Do vô minh nên chúng ta sống trong bóng tối. Bây giờ muốn hết khổ, hết vô minh thì chúng ta phải sống trong ánh sáng. Có 3 nguồn sáng: trí văn (sutamayāpaññā), trí tư (cintāmayāpaññā) và trí tu (bhavanamayāpaññā). Trí văn là học hỏi lắng nghe, đọc xem kinh sách, nói chung là kiến thức có được từ người khác. Trí văn có vẻ kém hơn so với 2 trí kia, nhưng nó quan trọng lắm, bởi nếu không có trí văn thì khi gặp chư Phật mình cũng không được lợi lạc gì hết. Gặp chư Phật mình phải biết lắng nghe, không có lắng nghe thì không có vốn liếng để suy tư và hành trì. Có lắng nghe mà không có suy tư, tiêu hóa thì cũng chỉ là con mọt sách. Dầu có học thuộc lòng bao nhiêu bộ kinh nhưng không có phút giây nào ngồi ngẫm ngợi, tư duy lại ý nghĩa trong kinh thì cũng chỉ là tủ kinh biết đi. Phật pháp vi diệu ở điểm là trên cùng 1 vấn đề thì 10 năm trước và 10 năm sau chúng ta có 2 kiểu hiểu, 2 kiểu gặm nhấm tiêu hóa thấm thía khác nhau. Đó là chính mình chứ không nói ai khác. Và cả 2 người học cùng thầy, cùng sách chiều sâu suy tư cũng khác nhau. Người sâu người cạn, người rộng người hẹp. Ngay cả vị thánh có 4 trí vô ngại, thì ai thường suy ngẫm vẫn sâu rộng hay bén nhạy hơn là người thiếu suy ngẫm, chỉ thích ngồi thiền hưởng lạc. Trí tư là những gì mình suy tư thấm thía gặm nhấm, tiêu hóa. Trí tu là nhận thức có được từ kinh nghiệm thực chứng, thể nghiệm.

Có 2 sức mạnh để sống đời và hành đạo:
1. Sức mạnh tư duy:

Ở đây là khả năng tiêu hóa vấn đề thông qua việc suy xét những gì đã biết (dựa vào 3 trí nên trên). Khi chúng ta chưa là thánh thì chúng ta vẫn phải nhờ đến nguồn sáng từ văn và tư. Trí văn hỗ trợ cho trí tư, trí tư hỗ trợ cho trí tu (nhận thức trong lúc hành trì). Nhưng ngược lại, chính trí tuệ trong lúc hành trì lại hỗ trợ ngược lại 2 trí kia. Như vậy cả 3 trí này hỗ trợ cho nhau. Càng học nhiều thì khả năng suy nghĩ, khả năng nhận thức tốt hơn. Khả năng nhận thức tốt hơn thì hành trì tốt hơn. Hành trì tốt hơn thì khả năng tư duy cũng tốt hơn. Khả năng tư duy tốt hơn thì quay trở lại học cũng tốt hơn. Ngược và xuôi. Có nghe nhiều, đọc nhiều, học nhiều thì suy tư bài bản sâu rộng hơn. Có khả năng suy tư bài bản, sâu rộng hơn từ đó hành trì cũng tốt hơn. Có người thắc mắc chỗ này. Trí tư và tu khác nhau điểm nào? Trí tư khác trí tu ở điểm là không cần sự hỗ trợ từ niệm và định. Trí tu có 2 trường hợp: do chứng thiền định thần thông mà hiểu ra nhiều điều không có trong sách vở – thứ 2 là do thực hành chánh niệm, lưu ý tánh sanh diệt nhân quả của danh sắc mà ngộ ra nhiều điều không có được từ sách vở hay suy tư.

Ví dụ như học trong sách mà biết rằng do làm ác mà bị đọa, bị quả khổ, bị trầm luân, làm lành làm thiện được về trời hưởng phúc, hưởng lạc. Nhưng khi có thiền định có thần thông thì cái thấy của mình khác đi, không mâu thuẫn với cái đã học, nhưng thấy tận mắt. Với thiên nhĩ mình nghe được tiếng rên siết, gào thét của người bị sa đọa. Ở cảnh giới xa gần, thô tế mình thấy hết. Do có túc mạng minh mình nhớ được kiếp xưa, thấy được quả sanh tử… Do có thiên nhãn minh, mình thấy được nhân sanh tử, những cái thấy biết này do trí tu thiền chỉ. Còn trí tu do quán là thấy được những điều mà ngày xưa giờ do sống thất niệm mình không thấy ra được:
– Đời sống của mình chỉ là sự chắp vá của những giây phút thiện ác, buồn vui, vốn dĩ diễn ra chớp nhoáng mau chóng.
– Không hề có 1 cái tôi nào tồn tại quá 2 satna chứ đừng nói là vĩnh hằng thiên thu.
– Cái gọi là ông A, bà B nam nữ, trống mái, đực cái, đẹp xấu, già trẻ tất cả đều là sự hiện hữu của từng sat na danh sắc, lúc thiện lúc ác, lúc buồn lúc vui.
– Tính nhân quả tương quan trong đời sống: do có thích, do có muốn mình mới đi ăn uống, nhai nuốt, nói cười. Do có chánh niệm mình mới thấy thích mà không được là khổ, muốn tránh mà không được là khổ, từng phút phải cưu mang, gồng gánh tấm thân này là khổ.
Những cái thấy này là cái thấy do sống chánh niệm mà thấy ra chứ không phải do đọc sách, xem kinh hay thầy bà tuyên truyền. Không biết nghe hiểu không, nghe cái này dễ ngủ lắm.

Sức mạnh đầu tiên của người tu hành còn phàm là khả năng suy tư. Khả năng suy tư là nền cho toàn bộ hành trình nhận thức của người tu hành. Ngay cả thiền tuệ, thực ra chỉ là khía cạnh nhận thức, tư duy của hành giả tuệ quán. Nói như vậy sẽ có 1 số người phản đối, nói rằng thiền là không có suy tư. Đúng. Thiền không có suy tư, nhưng bằng đời sống chánh niệm thì mình nghiệm ra nhiều điều. Vấn đề ở đây là từ ngữ thôi. Quý vị không chịu chữ suy tư thì tôi dùng chữ nghiệm ra, thấy ra. Đây là 1 giai đoạn nghiệm ra, thấy ra thôi chứ không có gì hết. Nghĩa là từ xưa đến giờ mình sống phóng dật, thất niệm, nói cười buồn vui thiện ác chớ hề nhớ. Từ sáng đến chiều mình quên mất mình là ai, hễ ai đụng đến cái tôi ảo tưởng của mình là mình nổi sân đùng đùng, ai khen thì sướng cười tít mắt. Mình không có ngờ rằng mình sống trên 1 sự ảo tưởng, hạnh phúc đến từ ảo tưởng thì đau khổ đến từ ảo tưởng. Sở dĩ có cái ảo tưởng này vì chúng ta thiếu niệm. Niệm là sự tỉnh táo, biết mình trong từng phút. Thiếu niệm thì không có tuệ.

Không niệm thì không tuệ. Từ đó ta không biết được rằng mình chỉ đang vui buồn với 1 mớ đồ chơi đất sét hay bằng nhựa của trẻ con.
Chính vì vậy một con trâu bằng đất mà bị gãy mình sẽ buồn và khóc, còn ai tặng thì rất vui. Nhưng ở tuổi trưởng thành thì 1 món đồ chơi bằng đất sét hay nhựa cũng không đủ làm cho mình vui khi được, và buồn khi mất vì trong nhận thức của mình nó chỉ là đất sét, là nhựa, chỉ được làm cho con nít, cho lứa tuổi chưa nhận biết chín chắn.

Tu tuệ quán là hành trình chuyển hóa tuổi thơ tâm linh thành ra người lớn. Do thất niệm nên mới thiếu tuệ, từ đó mình mới có tuổi thơ tâm linh nghĩa là cứ thích cái này, ghét cái kia. Ở đâu có thích thì ở đó có ghét, ở đâu có vui thì ở đó có buồn. Sự an lạc của hành giả không giống như thứ hạnh phúc ảo tưởng của người không phải là hành giả. Một bên hạnh phúc vì thấy đồ chơi là quan trọng, một bên an lạc vì hiểu rằng không có gì để mình phải nặng lòng. Khi thấy quan trọng thì sở hữu mới đã, tuy nhiên cái giá phải trả là cực kỳ đau khổ khi bị mất, không còn được sở hữu nữa. Hành giả an lạc, hạnh phúc vì thấy không có cái gì để nặng lòng, nặng vai hết. Chúng tôi mới đi xa về, chúng tôi nghiệm ra 1 câu chuyện, trong 1 đoàn 5, 7 người, người nào ít đồ nhất là kẻ đó nhẹ nhất, ra phi trường đi te te. Còn kẻ tay xách nách mang khệ nệ mệt lắm, lên thang máy, đi cầu thang cái gì cũng khó khăn, rớt lên rớt xuống. Tới lúc cần lấy cái passport, lấy cái vé ra thì không biết nằm đâu. Càng ít chừng nào càng khỏe chừng đó. Hành giả là người đang thực hiện hành trình chuyển hóa tuổi thơ tâm linh thành ra người lớn, đồng thời tu tập ở đây là hành trình nhận thức để bỏ bớt những gì không thật sự cần thiết, quá trình đó gọi là paṭisaṅkhānabala nghĩa là nguồn đạo lực có được từ khả năng suy tư.

[Đánh lại đoạn trên]… quá trình đó gọi là paṭisaṅkhānabala nghĩa là nguồn đạo lực có được từ khả năng TƯ DUY.
2. Sức mạnh tu tập.
Là sự phát triển cái đã có (Bhāvanā). Sẵn đây hé ra chuyện này với bà con cho vui, thuật ngữ A-tỳ-đàm gọi tầng Sơ quả là giai đoạn Sơ ngộ (dassanā). (Thời nay sướng một cái là nghe ai giảng cái gì kỳ kỳ là cứ online tìm, đây là cách tìm hết sức dân gian, muốn kiểm tra chuyện bản quyền, đạo văn đạo thơ dễ ẹc, cứ copy một đoạn rồi bỏ google tìm, chỗ nào có thì nó dắt mình tới). Ba tầng thánh sau gọi là Bhāvanā, nghĩa là hậu bổ hay phát triển cái đã có.

Tại sao tầng tu-đà-hoàn gọi là Sơ ngộ? Bởi vì từ xưa đến giờ chưa bao giờ thấy được bản chất thật của mình là gì. Tầng thánh tu-đà-hoàn là giai đoạn đầu tiên người chứng đắc thấy được họ là cái gì, họ được cấu tạo bởi những thứ gì và sự hiện hữu của họ vận hành, hoạt động ra sao. Họ thấy do vô minh trong 4 đế nên mới đam mê trong 6 trần. Do đam mê 6 trần mới có 6 căn. Có mặt 6 căn chính là sinh tử. Lấy 1 chúng sanh ra cắt bỏ mắt mũi tai lưỡi thân ý thì còn gì là chúng sanh. Dầu là ông vua hay ăn mày cũng 6 căn, mà 6 căn ở đâu ra là do 6 ái, 6 ái ở đâu là do vô minh không thấy 4 đế. Lần đầu tiên thấy được như vậy nên gọi là giai đoạn sơ ngộ.

Sẵn đây mình học luôn chữ sơ ngộ. Trong A-tỳ-đàm quý vị học phần Đầu Đề Tam, trong đó có câu dassanā pahātabbā dhammā. Những pháp phải do trình độ sơ quả đoạn trừ, những phiền não phải được đoạn trừ ở giai đoạn sơ ngộ, tức là giai đoạn Tu đà hoàn.

Bhāvanā, giai đoạn hậu bổ, tức bổ sung về sau. Bổ sung những cái có sẵn, cái thấy 4 đế đầu tiên của tầng thánh sơ quả chưa có đủ, chưa tròn, chưa viên mãn, chưa có triệt để nên bây giờ bổ sung. Bổ sung ở tầng thứ 2 khá hơn tầng 1 một chút, tầng 3 khá hơn tầng 2 một chút, và tầng 4 mới thật sự là rốt ráo hoàn chỉnh, hoàn công.

Thấy người phối ngẫu của mình không ưng thì phải bỏ. Thấy cục bướu thì phải giải quyết cho nó xong, chứ không phải vừa muốn bỏ, vừa muốn giữ.

Hậu bổ ở đây là sự tu tập 7 giác chi cho hoàn mãn. 7 giác chi cũng chính là toàn bộ 30 phẩm trợ đạo còn lại.

Trong chánh tạng giải thích thêm, sức mạnh đầu tiên là sức mạnh do tư duy, sức mạnh thứ 2 là sức mạnh do tu tập.
Ở đoạn 3: sức mạnh tu tập được hiểu là 4 tầng thiền, chính là định giác chi ở mức hoàn mãn.
Ở đoạn 4: nói về 2 cách thuyết pháp của chư Phật: lược thuyết và rộng thuyết.
– Lược thuyết: thuyết ngắn gọn Saṇkhitta = uddesa
– Quãng thuyết: vitthāra = niddesa

Theo chú giải, với đối tượng đại trí, Phật chỉ nói ngắn gọn qua 1 tiêu đề. Với người chậm lụt, thì Ngài phải dùng cách nói phân tích tiêu đề ấy.

Trong 2 cách đó, cách nói ngắn gọn được áp dụng để thuyết giảng cho người trí nhiều (mahāpañña). Còn cách nói rộng rãi, giải thích, phân tích cụ thể, đầy đủ, điển hình rõ ràng là dòng cho người trí chậm (mandapañña). Nếu đối với người trí chậm, nói ngắn quá họ sẽ bị chới với hụt hẫng. Đối với người trí nhiều mà nói bao la thì không cần thiết, và còn làm người ta thêm phần hoang mang nữa. Ví dụ người ta hỏi xin cộng dây thun thì đưa người ta cộng dây thun chứ không đưa nguyên rổ mây to đùng để người ta mất công lục kiếm. Nếu muốn 1 đứa bé xin bà nội cọng dây thun, thì bà nội đưa ra cả rổ rồi dặn mai mốt cần thì lại đây lấy cọng dây thun, đây là cục sáp để ghim kim, đây là cọng thun chứ không phải cuộn chỉ… Người lớn không có cần dài dòng vậy, đứa bé phải hướng dẫn cụ thể cho nó biết.

Vì sao ở đây có chữ uddesa và niddesa? Trong phần dẫn nhập của mỗi bộ A-tỳ-đàm đều có phần tiêu đề (Mātika) người đại trí chỉ nghe tiêu đề đã chứng đạo, ví dụ Ngài lên cõi trời Ngài giảng thế này: tất cả pháp thiện, tất cả pháp bất thiện, tất cả pháp vô ký. Ngài vừa dứt 3 tiêu đề này là chư thiên đắc cả triệu. Rồi Ngài nói thêm 1 đoạn nữa: tất cả pháp lạc thọ, tất cả pháp khổ thọ, tất cả pháp xả thọ. Là đắc thêm 1 mớ nữa. Tại sao chỉ nghe như vậy mà đắc?

Các bậc đại trí đắc kiểu này: khi ngài nói (tất cả pháp thiện) Ngài không hề khuyến thiện hay tội ác, Ngài chỉ nói chung chung. Đối với người hạ căn thì Ngài nói: “nhớ nghen con, hãy lánh ác hành thiện, để trốn khổ tìm vui, nhằm mục đích cao nhất là giải thoát sanh tử nhen con”, còn đối với bậc đại trí, thay vì nói dài như vậy Ngài nói đơn giản vô cùng: “tất cả pháp thiện, tất cả pháp bất thiện, tất cả pháp không thiện không ác”. Khi nghe như vậy, họ vỡ lẽ thì ra cái mà hồi xưa đến giờ mình nghĩ là nam nữ, đực cái, trống mái, cây cỏ,núi rừng, chim muông, cầm thú, đẹp xấu, cao thấp, trắng đen, sang hèn… tất thảy đều nằm trong 3 cái này: “không thiện là ác, không ác là thiện, không thiện không ác là vô ký”. Toàn bộ vũ trụ này, và vô lượng vũ trụ khác cũng đều như vậy – diệc phụng như thị. Không hề có 1 người hay 1 nhân vật nào, tất cả chỉ là thiện ác và vô ký. Thiện: từ bi, trí tuệ, kham nhẫn, thiền định…. Ác: tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi. Vô ký (không thiện không ác): đất đá, cây cỏ, vật vô tri… Toàn bộ có nhiêu đó thôi.

Ví dụ khi bước vào 1 căn phòng, mình khen căn phòng sao mà đẹp quá, bình bông này tuyệt đẹp, tượng này ở đâu hay vậy, cái ghế này tôi chịu á… Ông chủ nhà chỉ cần cười nói: hàng vỉa hè đó, tôi mới khiêng ở Dân sinh, chợ Thiếc, chợ Lạc xoong về đó. Chỉ nghe Dân sinh, chợ Thiếc là oải rồi. Tôi ví dụ như vậy vì bên Thụy Sĩ là vô địch võ lâm về đồ cũ. Không biết gì về Thụy Sĩ mà bước vô chỗ tôi ở thì sẽ xuýt xoa, trầm trồ hay là trề môi nói ông Sư gì mà xài toàn đồ tốt. Xin thưa quý vị, tôi xài toàn đồ 3 xu 4 cắc thôi, nhưng rinh từ tiệm đồ cũ. Có mấy người khách vừa đi, họ nói với tôi rằng khi rời khỏi xứ này, họ không tiếc cái gì bằng tiếc cái tiệm đồ cũ. Bà con qua đây mà đi tiệm đồ cũ thì kiếm được cái vé máy bay rồi, rẻ lắm.

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app