Kinh Tăng Chi số 011

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Hôm nay chúng ta sẽ học phần còn lại cũng là phần cuối cùng mà liên hệ đến các vị đệ tử bên Tăng, rồi chúng ta sẽ học về các vị Ni. Hôm qua chúng tôi đang giảng dở dang cái phần của Ngài Anan, chúng ta biết rằng mỗi vị cao đồ có biệt hạnh thì đều là một góc biểu hiện cho tinh thần Chánh Pháp, dầu cái hạnh nào đi nữa, mình thích hay không thích cái hạnh nào đi nữa, thì cũng là một khóm hoa trong khu vườn Thánh Chúng của Đức Phật. 

Riêng trường hợp Ngài Anan thì chúng ta biết rằng Ngài bên cạnh cái vai trò một vị Thị giả hầu cận cho Thế Tôn, thì Ngài còn là cái vị mà trong Kinh gọi là Saddhamma bhaṇḍāgārika nghĩa là vị giữ kho Chánh Pháp, có nghĩa là Ngài ghi nhớ toàn bộ, trọn vẹn những gì mà Ngài đã được nghe từ Đức Phật trong suốt mấy mươi năm kề cận. Và Ngài có cái trí nhớ phải nói là vô song, đã nghe một lần thì dầu bao nhiêu sau Ngài cũng không có quên mà cũng không có cần phải hỏi lại, Ngài cũng là vị mà có cái đặc biệt thí dụ như là Đa văn, là Ngài nghe nhiều nhất mà Ngài cũng là người có sức nhớ tốt nhất, bởi vì nghe nhiều nhưng chưa chắc là người nhớ giỏi, còn Ngài nghe nhiều nhớ giỏi, Ngài có cái sức tinh tấn, Ngài có cái khả năng đi bộ rất là giỏi, Thế Tôn đi đến đâu thì Ngài đi đến đó, Ngài có nhiều cái hạnh đặc biệt lắm. 

Bên cạnh Ngài Xá-lợi-phất là biểu tượng cho Tuệ học, Ngài Mục-kiền-liên là biểu tượng cho Định học, Ngài Ca-diếp là biểu tượng cho cái tinh thần Ly dục và Ngài Anan được xem là biểu tượng cho Pháp Bảo. Có một ông Bà-la-môn đó đến hỏi Phật: 

– Vậy chứ con từng cúng dường Thế Tôn, tức là Phật Bảo, con từng cúng dường cho chúng Tỷ-kheo tức là Tăng Bảo, nhưng mà con muốn cúng dường cho Pháp Bảo thì con phải làm sao? 

Thì Đức Phật Ngài dạy rằng: 

– Hãy cúng dường cho cái vị nào mà thọ trì, lưu trử Phật Pháp nhiều nhất. 

Ngài nói như vậy nhưng mà Ngài không có nói đích danh Ngài Anan, thì ông Bà-la-môn này ổng đi hỏi khắp chư Tăng, thì chư Tăng ai cũng trả lời là Ngài Anan chính là cái người mà lưu trử, tích luỹ, bảo trì Phật ngôn nhiều nhất, do đó ổng đến cúng dường Ngài Anan, giống như là ổng cúng dường cho Pháp Bảo vậy đó. 

Một chuyện nữa về Ngài Anan, đó là Ngài là người phải nói rằng tất cả nữ giới riêng, bên cạnh cái gọi là Tam Bảo, thì nên có một bàn thờ riêng cho Ngài Anan, là bởi vì Ngài đối với nữ giới Ngài có một cái tấm lòng phải nói là đặc biệt lắm, chăm sóc đặc biệt, vì cái lòng bi mẫn chớ không phải là tình cảm phái tính. Chính bà Gotami là Ni tổ, bà Tỷ-kheo Ni đầu tiên là bà mẹ chung của tất cả Tỷ-kheo Ni, là cái điểm tựa tối cao của tất cả hàng nữ giới mà đi xuất gia, nhưng cái người mà đặt nền móng đầu tiên cho Ni giới là chính Ngài Anan. Chính Ngài Anan là cái người đầu tiên tận mắt nhìn thấy bà Kiều-đàm Di mẫu tức là bà Gotami đầu trần chân đất, một bà đệ nhất mệnh phụ phu nhân, đương kin hoàng hậu của đương triều, mà đầu trần chân đất, đầu trần nghĩa là bà tự bà cạo tóc, dưới chân không giày không dép, cùng với 500 cung tần thể nữ đi bộ một quảng đường dài, chân sưng phù, rướm máu, đứng dưới trời nắng chang chang không dám vào gặp Phật, chỉ đứng ngoài ngõ cổng chùa thôi, rồi Ngài Anan Ngài ra hỏi:

– Di mẫu cần cái chi? 

Thì bà nói:

– Cần gặp Thế Tôn xin xuất gia. 

Thì Ngài vào Ngài xin Đức Phật, Đức Phật Ngài từ chối ba lần, Ngài từ chối không có phải là vì Ngài không có lòng thương, mà bởi vì Ngài muốn cho người hậu tấn biết rằng cái việc mà nữ giới xuất gia là một cái rắc rối, nhưng mà theo Chư Phật ba đời thì tất cả chư Phật đều có Giáo đoàn Ni chúng, là vì sao? Là bởi vì khi Chư Phật còn tại tiền thì số lượng người nữ mà chứng Thánh La-hán nhiều lắm, tới mấy trăm mấy ngàn lận, theo tôi biết là mấy chục nghìn, chư Tăng là mấy trăm ngàn, mà Ni là phải mấy chục ngàn A-la-hán, mà vị A-la-hán nếu mà để cho họ sống trong hình thức cư sĩ thì họ phải níp-bàn, bắt buộc họ phải viên tịch níp-bàn trong vòng một tuần lễ, bắt buộc! Mà cái chuyện đó là quá bất nhẫn đi, làm sao có cái chuyện đó được, từ cái vì tánh mạng của các vị La-hán nữ mà Chư Phật phải có cái Giáo hội Ni chúng. Nhưng mà khi Chư Phật đã viên tịch rồi và cái số lượng Thánh Ni đã giảm rồi, thì Chư Tăng không có duy trì lại cái Ni đó, bởi vì nó rất là phức tạp! 

Thì trong room này tôi biết có những vị không đồng ý với chúng tôi, các vị nghĩ là chúng tôi có phân biệt phái tính, xin thưa là không, mẹ tôi người sanh ra tôi cũng là đàn bà, và cũng nói huỵch toẹt luôn, cái người mà làm cho tôi mất ăn mất ngủ là đàn bà chứ đâu phải đàn ông, tôi thương đàn bà chứ đâu phải tôi thương đàn ông, nhưng mà nói về cái chuyện mà xét về mặt kỹ thuật, thì chúng ta phải nói thẳng với nhau là nữ nhiều vấn đề lắm, một ông Sư mà bê bối thì mình nhìn nó không có chướng bằng một cái bà Ni mà bê bối, ăn rồi ngồi tán, ăn rồi điện thoại, ăn rồi giao tiếp với nam cư sĩ, một ông Sư mà leo lên cái xe hơi để cho cư sĩ nữ lái là mình đã thấy chướng, một bà Sư cô mà leo lên chiếc xe hơi mà cho thiện nam lái đưa đi đâu về đâu không biết thì nó kỳ dữ lắm, bên Tăng mà trục trặc thì hậu quả là bên phía đối phương đối tác, mà bên Ni mà trục trặc thì coi như là hậu quả nằm ngay ở người chủ công trình!

Nó nhiều cái chuyện lắm, bên Tăng mà mình giao phó cho họ một cái chùa ở xa xa mình không có sợ, chứ còn Ni mà có chút bóng sắc mà cho họ làm trụ trì ở một cái chùa xa xa hẻo lánh thì phải nói là nó run lắm, thằng Tèo nó nghe nó đã teo, nha. Nhiều và rất nhiều chuyện, phiền não nhiều hơn, sinh hoạt rắc rối hơn, cần nhiều điều kiện hỗ trợ hơn v.v. 

Cho nên khi mà Ngài Anan xin Đức Phật hai lần Ngài từ chối, thì Ngài Anan mới thưa Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, vậy chứ nữ có thể tu hành đàng hoàng và đắc Đạo hay không?

Phật nói được, thì Ngài Anan nói: 

– Nếu như vậy thì xin Thế Tôn cho họ một cơ hội. 

Đức Thế Tôn từ chối theo lệ, nhưng cuối cùng Ngài cũng đồng ý với điều kiện là phải chấp nhận tám cái trọng pháp garu dhamma, tám trọng pháp đó là kềm chế cái sự phung phá của nữ giới, tám điều đó nội dung chủ yếu là chấp nhận cái sự kiểm soát chặt chẽ của chư Tăng. Và trong Luật của Tỷ-kheo Ni có những điều rất là khó, thí dụ như bên Tăng có giới luật là phạm rồi có thể sám hối, nhưng mà bên Ni phạm rồi phải lột Y, thí dụ như bên Tăng, vị Tỷ-kheo Tăng xúc chạm tay chân da thịt với người phụ nữ thì có thể sám hối, nhưng mà nữ một vị Tỷ-kheo Ni mà xúc chạm tay chân  chưa làm ăn gì hết, chưa có nên cơm cháo gì hết, mới có nắm tay nắm chân, hôn nhẹ phớt trên má trên trán mà bằng cái tâm dục nhiễm thì coi như là cái tội đó tương đương với một ông Tỷ-kheo Tăng mà làm tình, cố ý như vậy, Đức Phật cố ý Ngài đưa ra những Luật khó như vậy. Và bên Tăng thì đủ 10 Hạ trở lên thì muốn độ cho bao nhiêu người thọ Đại giới cũng được, nhưng mà bên Ni thì 2 năm mới được độ cho 1 đệ tử, Ngài tìm cách để Ngài hạn chế cái số lượng dân số bên Ni, và mọi sự đã diễn ra như ta thấy trong Giáo sử Theravada, nghĩa là sau đời vua A-dục, sau khi mà Ngài Mahinda truyền Đạo ở Tích Lan, thì coi như cái Ni chúng dần dần rụi tàn, mà các vị Thánh không có ý duy trì lại nữa.

Chúng ta trở lại chuyện Ngài Anan, thì chính Ngài là người đã xin Thế Tôn cho nữ giới được xuất gia, và Ngài còn một chuyện nữa đó là Ngài Anan là vị đầu tiên mà nghĩ đến biểu tượng của Phật Bảo, đặc biệt như vậy, có nghĩa là có nhiều khi Thế Tôn, các vị coi lại Phật sử, Thế tôn có 45 Hạ trụ thế, 45 năm trụ thế kể từ sau ngày thành Đạo, trước khi viên tịch Ngài có 45 năm trụ thế độ sinh, nhưng mà trong đó mình thấy Thế Tôn không phải lúc nào cũng ở chùa Kỳ viên, Ngài ở chùa Kỳ viên chỉ có 19 Hạ,19 năm mà không có liên tục, có nhiều khi Ngài đi hoằng Pháp ở xa, rồi nhiều người nhớ Phật, thương Phật, muốn gặp Ngài, muốn lễ bái, rồi không có thấy, thì cũng khó, cũng tội nghiệp, cũng thiệt thòi cho người ta, cho nên Ngài Anan có lần Ngài vào thưa Phật:

– Bạch Thế Tôn, những khi Thế Tôn đi hoằng Pháp ở xa, mà hàng Tứ chúng kính nhớ, tiếc thương, rồi phải làm sao?

Thì Phật dạy rằng:

– Này Anan, cái cội Bồ-đề mà Ta đã ngồi thành Đạo, nó cùng xuất hiện chung một ngày với Thái tử Tất Đạt, nó cùng một tuổi với Anan đó! Chính ngay gốc Bồ-đề đó Như Lai đã chứng đạt quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, từ ấy trở đi, Như Lai là đấng Như Lai, đấng Phật-đà, Thiện Thệ, Tứ sanh Từ Phụ, Thiên nhân Chi Đạo Sư, cho nên cái gốc Bồ-đề đó là một cái Thánh tích quan trọng, mà ngay khi Như Lai tại tiền còn đang trụ thế, hàng Tứ chúng có thể lễ bái cội Bồ-đề như là nhìn thấy Ta vậy, thấy cội Bồ-đề như là thấy Ta vậy.

Thì Ngài Anan Ngài mới nói:

– Như vậy thì chúng con xin phép chúng con trồng một cây ở chùa Kỳ viên.

Ngài nói như vậy xong thì Ngài mới thưa Ngài Mục-kiền-liên:

– Thưa Tôn giả, đệ đã xin như vậy rồi, xin Tôn giả hỗ trợ cho .

Thì Ngài Mục-kiền-liên, chỗ này hơi phong thần một chút – cái chuyện các vị tin hay không thì tùy, tôi nói theo Kinh, thì Ngài mới dùng thần thông Ngài đến ở cái cội Bồ-đề, Ngài chờ cơn gjó thổi qua một hạt Bồ-đề mà coi như chín muồi viên mãn sung sức nhất, vừa rơi xuống thì Ngài lấy cái Y của Ngài Ngài hứng, Ngài không để cho trái Bồ-đề đó chạm đất, Ngài mới hứng trái đó Ngài về Ngài trồng, Ngài trồng xong rồi Ngài đưa cho ngài Anan, Ngài Anan mới đưa cho vua, cho các cư sĩ họ trồng, rồi họ tưới tẩm một thời gian sau thì cây Bồ-đề đó được lớn lên xum xuê tàn lá, và chúng ta cũng biết rằng rất nhiều người đời sau phải chiếc nhánh từ cây Bồ-đề mẹ, cho nên chúng ta có 2 cây Bồ-đề mẹ đó là cây Bồ-đề mà Thế Tôn đã ngồi thành Đạo và 49 ngày nhập định, và cây Bồ-đề thứ hai được trồng ngay thời Thế Tôn còn trụ thế và với sự hỗ trợ của hai vị Tôn giả lừng danh đáng kíng đó là Ngài Mục-kiền-liên và Ngài Anan, từ đó trong lịch sử Phật giáo chúng ta có thêm một cây Bồ-đề thứ hai nổi tiếng không kém, cái cây Bồ-đề này có tên là Bồ-đề Ānanda. 

Ngài Anan trước đây đã theo Thế Tôn mà theo không đều, tại trước đó Thế Tôn đã lần lượt thay đổi 8 vị Thị giả, thì kể từ năm Ngài 55 tuổi thì Ngài Anan theo cho đến năm 80 tuổi, có nghĩa là 25 năm, trong suốt 25 năm đó Ngài Anan đã thọ trì trực tiếp từ Thế Tôn 82 ngàn Pháp môn và 2 ngàn Pháp môn từ các vị Tôn túc Trưởng lão. Rồi thì khi mà Thế Tôn 80 tuổi kém vài tháng, hôm qua chúng tôi kể rồi, Ngài Anan vào một buổi trưa đang nằm nghỉ, nghe địa chấn giống như động đất vậy đó, Ngài đi qua gặp Phật Ngài hỏi:

– Bạch Thế Tôn, do duyên sự gì, mà con nghe có tiếng động như là địa chấn cực lớn? 

Đức Phật Ngài dạy rằng:

– Ta vừa nhận lời với Ác ma là sẽ viên tịch, vì Ác ma đã thỉnh Ta, thỉnh Ta cách đây 45 năm mà Ta từ chối, Ta nói rằng Ta sẽ viên tịch khi nào mà Tứ chúng có thể tự mình hoạt động và tồn tại. Nay thì Ta đã có một Tứ chúng hùng mạnh, Ta xét thấy duyên cũng đã mãn, cho nên Ta đã chánh niệm xả bỏ thọ hành.

Chánh niệm cái này mới ghê, hứa không chưa có đủ, mà Ta đã chánh niệm xả bỏ thọ hành, có nghĩa là Ta tự xác nhận với chính mình rằng kể từ bây giờ Ta không còn dùng thần túc để mà kềm giữ sức khỏe mình như trước đây nữa, có nghĩa là trước đó ít lâu thì Ngài có rất là nhiều lần Ngài bị những chứng bạo bệnh chỉ có riêng Ngài biết thôi, Ngài biết rằng nếu mà người khác là đã chết với chứng bệnh đó, nhưng mà Ngài dùng cái thiền định Ngài kềm lại, nhưng mà kể từ hôm nay khi mà Ngài quyết định là Ta chỉ dùng cái thân này đúng 3 tháng nữa, có nghĩa là lúc đó nói theo từ của bây giờ là Ngài đã set up, cài đặt cái thân của Ngài chỉ còn hoạt động đúng 3 tháng nữa thôi, cái kiểu đó như là níp-bàn hết 20% rồi đó. 

Khi mà Thế Tôn chánh niệm xả bỏ thọ hành như vậy thì địa chấn, trời đất rung chuyển, trong Kinh Mi Tiên giải thích Thế Tôn giống như một con voi vậy đó, con voi mà đặt chân xuống một chiếc xuồng, chiếc thuyền nhỏ, thì cái chiếc thuyền đó nó không chịu nỗi cái trọng lượng của voi, và khi con voi rời chiếc thuyền đó bước chân lên bờ thì cũng để lại một sự chao lắc dữ dội cho con thuyền, lúc bước xuống thì cũng đã tạo ra cái chao lắc, mà lúc rời thuyền cũng để lại một cái chao lắc. Thì Thế Tôn cũng vậy, khi Thế Tôn lúc Ngài còn là Bồ Tát từ cung Đâu Suất mà Ngài chánh niệm tỉnh giác giáng sanh nhập thai vào bụng bà Maya lúc đó giống như là con voi mà bước xuống chiếc thuyền nhỏ vậy đó, rồi khi Ngài quyết định Ngài viên tịch thì lúc đó giống như con voi mà nó dợm chân bước lên trên bờ, thì đều để lại những cái chao lắc cho chiếc thuyền, khiếp như vậy. 

Thì Ngài Anan nghe thấy Thế Tôn quyết định níp-bàn Ngài mới khóc, nhưng rồi thì sao? Mọi chuyện cũng diễn ra như chúng ta thấy, 3 tháng sau tức là vào ngày rằm tháng tư, Thầy Trò lần lượt từ bỏ chùa Kỳ viên, Đức Phật dắt theo 500 Tỷ-kheo và lần lượt đi bộ từ thành phố này sang thành phố khác, từ làng này qua làng khác, và trên những bước chân cuối cùng ấy qua những làng mạc mà Ngài đã một thời hoằng dương Chánh Pháp, bây giờ Ngài đi đến đâu Ngài cũng nhắc nhở lại tinh thần của 37 Phẩm Bồ-đề, nhắc nhở tất cả hàng Tứ chúng mọi sự có rồi sẽ mất, sanh rồi phải diệt, Như Lai rồi cũng phải đi, những gì mà Bậc Đạo Sư vì lòng bi mẫn làm cho các đệ tử thì Ta đã tận tuyệt dốc lòng làm đã tận lực rồi. Những người ở lại hãy theo đó mà tu tập, vì các pháp hữu vi là không bền vững, chớ có dễ duôi. Tinh thần đó như là một ngọn đuốc được Đức Thế Tôn liên tục thắp sáng suốt 3 tháng còn lại, và suốt 3 tháng đó, cái mật độ của những Pháp thoại có thể nói là dày đặc, chúng ta xem ở trong Kinh Đại Bát Níp-bàn sẽ thấy. 

Hôm nay ngồi kể lại cho bà con nghe câu chuyện này mà tôi cũng còn dạt dào xúc cảm, thương chớ, thương, 3 tháng đó ghé ở đâu Đức Phật cũng ̣để lại những kỷ niệm rất là đẹp, chẳng hạn như có một lần đó Ngài đi ngang thành Vesāli, người dân ở đó biết Thế Tôn sắp ra đi, họ thương lắm, họ cất một cái giảng đường lớn, họ cất một cái cổng thành lớn lắm, cực lớn tráng lệ nguy nga, rồi họ đặt tên là cổng Gotama, Đức Thế Tôn được họ mời đến đó để mà làm lễ khánh thành, Ngài ngủ lại đó một đêm, nghỉ lại đó một đêm để thuyết Pháp, xong rồi Ngài từ giả ra đi, khi ra đi Ngài quay nhìn lại tháp Gotama, nhìn lại ngôi thành Vesāli, với cái nhìn của một con voi chúa khi từ giả rừng xanh để lên núi mà chết. Thì Ngài nhìn lại Ngài nói với Ngài Anan:

– Anan có biết không, đây là lần cuối cùng Như Lai nhìn thấy Vesāli.

Rồi Ngài đi, Ngài đi về Kusinārā vào buổi chiều tối, Ngài vào ngự uyển, nguyên một cái rừng cây sāla của dòng vua Mallā, Ngài nói với Ngài Anan:

– Vua và triều thần đúng là phật tử, nhưng theo lẽ thì ta cũng nên báo cho họ biết một tiếng, để sau này họ không có trách, không trách là Thế Tôn níp-bàn mà không cho mình hay.

Rồi Ngài Anan vào báo với vua, rồi hoàng hậu, rồi cung tần mỹ nữ, văn quan võ tướng, nghe vậy rơi lệ nối đuôi nhau xếp hàng vào vườn ngự uyển lễ Phật và khóc tiễn biệt Ngài, thì cũng trong cái đêm đó từ xa có du sĩ Subhadda tìm đến xin xuất gia với Phật, chuyện này tôi đã kể rồi. Thì sau khi mà giáo hối hàng Tứ chúng cư sĩ rồi nhắc nhỡ chư tăng, Đức Phật hỏi:

– 500 Tỷ-kheo ngồi trước mặt Ta có ai có thắc mắc gì về Giáo Pháp hãy hỏi, đừng để mai này khi Ta không còn nữa các ngươi lại tiếc nuối rằng ngày ấy vì sao trước mặt Thế Tôn mà mình lại không chịu hỏi những nghi nan, những điểm tồn nghi về Phật Pháp.

Đức Thế Tôn hỏi 3 lần, chư Tỷ-kheo im lặng, thì Ngài Anan mới quỳ xuống bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn, thật là vi diệu, thật là kỳ diệu, thật là hy hữu thay khi mà cả 500 Tỷ-kheo trước mặt Thế Tôn không ai có một nghi vấn gì về Giáo Pháp.

Đức Phật dạy rằng:

– Này Anan, ngươi có niềm tin thì mới nói như vậy thôi, chứ Anan có biết rằng 500 Tỷ-kheo đang ngồi trước mặt Như Lai, người có Quả chứng thấp nhất cũng là Tu-đà-hườn, thì thử hỏi một vị Tu-đà-hườn thì còn cái gì mà thắc mắc ở trong Bốn Đế, 12 duyên khởi, 24 duyên hệ, 12 duyên sinh nữa!

Khi Ngài giảng tới đó thì trời rạng sáng rồi, Ngài bắt đầu nói:

– Này các Tỷ-kheo, đây là lời giáo hối sau cùng của Ta cho các ngươi: Vạn hữu ở đời thảy đều vô thường, hãy tinh tấn chớ có dễ duôi.

Đây là lời dạy sau cùng của Đức Thế Tôn, rồi Ngài bắt đầu im lặng, Ngài nhập sơ thiền, xuất sơ thiền, rồi nhập nhị, xuất nhị, nhập tam, xuất tam, nhập tứ, xuất tứ, nhập thiền vô sắc: hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ, phi yưởng phi phi tưởng xứ, rồi diệt thọ tưởng định, ra khỏi diệt thọ tưởng định, nhập trở lại sơ thiền, cứ như vậy 2 triệu 400 ngàn lần, nhưng đến cái lần tứ thiền cuối cùng, vừa ra khỏi tứ thiền, Thế Tôn lập tức níp-bàn. Lúc đó là đại địa chấn động khắp 10 ngàn vũ trụ rền vang rung chuyển, thì kể từ ngày đó là coi như thế gian không còn bóng dáng Ngài nữa, Ngài Anan khóc rất là nhiều, nhưng mà rồi thì sau khi mà trà tỳ hỏa táng kim thân Thế Tôn, thì Ngài thu dọn bình bát Thế Tôn, Ngài trở về Sāvatthī, rồi sau đó Ngài Ca-diếp tổ chức kiết tập Tam Tạng, chuyện này ta biết rồi, Ngài Ca-diếp Ngài nói rằng:

– Hiền giả Anan dù sao cũng còn là Hữu Học chưa phải La-hán, mà nhân tuyển bắt buộc cho cuộc Kiết tập Tam Tạng phải là những vị tuyệt đối Vô lậu, Vô lậu triệt để nghĩa là phải là La-hán, xin Hiền giả hãy hoàn tất cái chuyện cần làm của mình.

Ngài Anan về kinh hành thiền định suốt đêm không đắc gì hết, rạng sáng mệt quá, quyết định nằm xuống một lát rồi tu tập Niệm Xứ tiếp tục, nhưng khi mà Ngài vừa nghiêng cái mình xuống, chúng ta biết rằng Ngài chánh niệm liên tục và liên tục, mệt biết là mệt, muốn nằm biết là muốn nằm, chống cái tay để nghiêng người để nằm xuống thì ngay cái lúc mà Ngài chống tay để nghiêng người, thì lúc đó tuệ căn chín muồi, Ngài lập tức chứng ngộ Quả vị A-la-hán Lục Thông và Bốn Trí Vô Ngại. 

Rồi ngay sau đó Ngài đến cửa thạch động, một số phật tử đi hành hương có lẽ đã có dịp đi đến đó rồi, Ngài dùng thần thông Ngài có mặt ngay ở, có nhiều cái chuyện kể khác nhau, có chỗ nói là Ngài đứng ở bên ngoài Ngài lên tiếng, rồi Ngài Ca-diếp mời Ngài vào, còn có tài liệu nói rằng Ngài có mặt ngay cái chỗ ngồi của mình bằng thần thông, Ngài ngồi vào cái chỗ mà Ngài Ca-diếp cố ý để dành, và thế là cuộc kiết tập được bắt đầu, kiết tập Tạng Luật trước, rồi sau đó mới tới Tạng Kinh, rồi Tạng A-tỳ-đàm, tổng cộng là 3 Tạng. 

Kiết tập xong thì Ngài Anan Ngài sống thêm 40 năm nữa, có nghĩa là Ngài thọ được 120 tuổi, khi mà xét thấy là nhân duyên cũng tròn đủ, tuổi thọ cũng không còn nữa, Ngài mới về thăm lại quyến thuộc, tức là dòng họ Thích Ca sau cuộc tàn sát mỗi bên còn lại một mớ, còn một mớ thì chạy lên Tuyết sơn trốn, và cái đám chạy trốn lên núi về sau trở thành Tổ tiên của dòng Moriyā tức là dòng vua Khổng Tước bởi vì trên đó con công nhiều lắm, tức là Thái tổ của vua A-dục sau này, có nghĩa là khi mà dòng Thích Ca bị tàn sát, có một số bỏ chạy lên núi, còn một số ở lại thì ngoi ngóp mà cũng còn sống được, thì nhóm mà chạy lên núi sau trở thành ra là tổ tiên của dòng Moriyā chính là dòng của vua A-dục. Cho nên vua A-dục xét về huyết thống thì có chút đỉnh dính líu đến dòng Thích Ca, vua biết được chuyện đó vua vui lắm, vua tự thấy mình về góc độ phật tử mình phải có trách nhiệm hoằng Pháp, mà về góc độ tình thân thì mình coi như là kế thừa sự nghiệp tinh thần di sản tâm linh của tổ tiên vậy thôi, bắt buộc phải làm, vua có hai nguồn động lực lớn như vậy đó, để trở thành một vị minh quân phật tử. 

Ngài Anan sau khi mà Ngài về Ngài từ giả thân thuộc xong, ai cũng thương Ngài hết, ai cũng muốn Ngài nhập diệt trên đất của mình, thì để không làm phiền lòng hai bên nội ngoại, Ngài bèn dùng thần thông bay ra giữa dòng sông Rohīnī, Ngài ngồi giữa dòng Ngài thuyết Pháp cho hai bên xong rồi Ngài mới chú nguyện thế này: Khi mà ta vừa viên tịch xong thì lửa tự phát cháy để hỏa thiêu cái thân xác của ta và xá lợi của ta sẽ được chia đều cho hai bên nội ngoại. Ngài chú nguyện xong, bắt đầu Ngài nhập định, Ngài nhập Tam muội hỏa giới, xong rồi Ngài bắt đầu níp-bàn, khi mà Ngài nhập vào tứ thiền, xuất tứ thiền, theo cách tịch của Đức Phật, là xuất khỏi tứ thiền Ngài lập tức viên tịch, viên tịch xong rồi lửa bắt đầu cháy cái hình hài mà hình hài không có rớt xuống, cháy hết cho quyến thuộc hai bên nhìn thấy để mà cảm cảnh vô thường, xong xuôi rồi thì xá lợi tự động chia hai cho bên nội và bên ngoại thờ, còn phần Ngài coi như vĩnh viễn không bao giừ trở lui tái sanh nữa. 

Đó là chúng ta vừa học xong cái câu chuyện về một bậc Đại Thánh, một vị Đại cao đồ mà khi ra đi rồi để lại rất là nhiều cái tiếc thương và để lại một khoảng thống không sao lấp đầy được cho cái tam giới.

Trong Kinh có kể nhiều cái giai thoại sau khi mà Thế Tôn viên tịch liên hệ về Ngài Anan, mà mình kể tới Tết cũng chưa có hết, chẳng hạn như chúng ta biết cái chuyện mà có lần đó Ngài Anan 120 tuổi rồi, Ngài đi trong rừng Ngài nghe một vị Tỷ-kheo trẻ ngâm một bài kệ thế này: 

Ai sống được trăm năm, 

không thấy được con chim biển,

Không bằng sống một ngày, 

thấy được con chim biển.

Ngài nghe như vậy thì Ngài mới kêu cái ông sư trẻ đó lại Ngài mới hỏi:

– Vậy chứ ai dạy cho Sư cái câu kệ mà kỳ cục như vậy?

Ổng nói:

– Dạ Sư phụ của con.

Ngài hỏi ý nghĩa là sao, ông nói:

– Dạ bởi vì đất Ấn Độ thì nó bao la, chớ bờ biển mà so với diện tích đó thì nó rất là ít, cho nên cái chuyện mà dân ở trong đất liền bên sâu mà thấy được con chim biển là cả một cái chuyện hãn hữu, cho nên đời mình mà sống mà thấy được con chim biển như vậy là cũng cả là một đại sự nhân duyên.

Ngài Anan nói:

– Thấy con chim biển để làm được cái gì? Không có phải, lộn rồi, Phật ngôn phải như vầy: 

Ai sống cả trăm năm, 

không thấy pháp sanh diệt, 

không bằng sống một ngày, 

thấy được pháp sanh diệt. 

chứ còn cái chim biển bây giờ ra biển ở ngoải một đời, ngủ với nó, ăn với nó, cũng không được cái gì, sá chi là được thấy nó một lần!

Ổng nghe vậy ổng thấy cũng có lý, ổng về ổng nói với sư phụ:

– Con gặp Ngài Anan trong rừng, con đọc cái bài kệ của sư phụ, cái Ngài Anan Ngài chỉnh, Ngài nói đọc vậy sai rồi, không có chim biển gì hết trơn, mà phải là pháp sanh diệt. 

Thì ông thầy ổng tự ái, ổng nói:

– Con biết Ngài Anan nay bao nhiêu hông? 120! Người ta 100 là người ta đã lẫn rồi, mà Ngài tu hành nội công thâm hậu mà Ngài lên tới 120 là đã dữ dội, cái chuyện mà người lớn tuổi họ nhớ lộn thì có gì đâu, chứ pháp sanh diệt thì có gì đâu mà hay, trên đời hễ nó có sanh thì nó có diệt, chú ý chút là thấy liền, chứ có gì đâu mà hay! Còn con chim biển thì mình đâu có mấy thuở mà gặp, con ngồi con nghĩ lại coi có phải vậy không?

Thế là ông sư trẻ tiếp tục con đường xưa em đi, coi như là cứ là ăn rồi là cứ rỉ rả lai rai cứ là ai sống cả trăm năm mà …

Dạ thưa quý vị, quý vị đừng có cười, nha, mình bây giờ cái loại thầy này mình gặp nhiều lắm, tự ái không dám cho người ta biết mình dốt, rồi cứ phang ẩu, mà đệ tử thì toàn là cái đám mà sợ Kinh cắn không hà! Cho nên là thầy phán làm sao cứ nghe vậy, bữa nay sẵn quý vị cho tôi xì cái nhe, là cái Pháp môn Tứ niệm xứ mà đúng như là kỹ thuật của Đức Phật thì cực kỳ đơn giản, anh có duyên anh cứ sống dùm tôi chánh niệm, duyên đủ thì coi như là đắc, còn những cái kinh nghiệm của Thiền sư đều mang dấu ấn cá nhân, mỗi người có một chút kinh nghiệm riêng, tôi không dám phủ nhận bài bác dè biểu, xem thường những kinh nghiệm ấy, tuy nhiên chúng ta phải nhớ chừng là kỹ thuật của Đức Phật rất là đơn giản, còn những cái thêm thắc của đời sau sai thì không sai, nhưng mà chỉ ứng dụng rất là hạn chế, tức là mỗi thầy, pháp sư, giảng sư, thiền sư, luận sư, khi mà giảng dạy giải thích luôn luôn đem vào đó những cái sở trường và sở đoản của mình, cái gì mình chuyên thì nó cũng thể hiện qua cái phần giải thích của mình, mà cái phần nào mà mình bị lép thì ít nhiều nó cũng phảng phất ở trong đó. Thì người học Đạo phải tỉnh táo một chút, chứ còn mà có cái kiểu học trò mà như nô lệ chứ không phải học trò, như Lương Khải Siêu nói: Chúng ta phải là học trò của cổ nhân, chỉ học cái điều hay của cổ nhân, phải biết gạn đục khơi trong, chứ chúng ta đừng có là nô lệ của cổ nhân, cái gì cũng thồn vô đầu, nhét vô trong óc, nó mau hư não. Lương Khải Siêu nói như vậy. Chúng ta nên là học trò chứ đừng có là nô lệ, cư sĩ cũng vậy, trong cái cõi trầm luân thì Tăng Ni, cư sĩ giống nhau, ai cũng là khách sanh tử, tự mình phải có trách nhiệm tìm hiểu Phật Pháp, hành trì Phật Pháp, suy tư, ghi nhớ, tìm cách thấm thía đúng đắn, chứ còn một trăm sự đổ hết cho sư phụ, thì coi như dễ làm con chuột bạch cho người ta thí nghiệm lắm. 

Mình học xong Ngài Anan. 00:30:08                                   – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

 

28/10/2020 – 03:56 – sumanaduong – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Ngài Uruvela-Kassapa

Ngài Uruvela-Kassapa có đại hội chúng, là sao? Đại hội chúng ở đây có nghĩa là có đông tùy tùng. Cách đây 100 ngàn đại kiếp thì Ngài cũng gặp Đức Phật Padumuttara, tức là một vị Phật mà cách Đức Phật mình 100 ngàn đại kiếp, thì Ngài thấy Đức Phật đó có một vị đệ tử được Đức Phật tuyên dương là Đệ nhất đồ chúng, đông đảo đồ chúng nhất, Ngài thấy tự nhiên Ngài thích. 

Mấy ngày nay tôi đã nói đi nói lại hoài, mỗi người có khuynh hướng tâm lý riêng, từ đó cái điều thích điều ghét nó cũng không giống nhau, trong pháp thiện trong pháp ác, mỗi người có cái chỗ tâm đắc khác nhau, trong pháp ác thí dụ như có người có tánh hiếu sát, có người tánh hiếu sắc, có người thích nhậu nhẹt, có người thích đáng bài, đó là bất thiện, có người thích bà Tám, thích nhiều chuyện, nhưng trong đám nhiều chuyện có người thích nói cho vui, có người thì thích chọt cho thiên hạ nó tan nhà nát cửa, đó là bên bất thiện. Còn bên pháp thiện thì nó cũng có nhiều khuynh hướng, có nhiều cái chỗ tâm đắc khác nhau, có người thì tâm đắc cái pháp bố thí, có người thì thích giới, thích thiền, có người thích thần thông, v.v. Rồi khi mà gặp được Thánh chúng của chư Phật thì mỗi người cũng có chỗ tâm đắc riêng, có vị thì muốn trở thành người đại trí, có người thích đại thần thông, có người thích trở thành cái người đệ nhất đầu đà, đệ nhất đa văn, đệ nhất trì luật, đệ nhất thu thúc lục căn v.v. tức là tùy vào cái căn cơ sở tánh, cái khuynh hướng tâm lý. 

Thì ở đây cũng vậy, vị này đời xưa khi mà gặp Phật thì thiếu gì cái để nhìn, mà tự nhiên cứ khoái chăm chăm cái vị mà đệ nhất đồ chúng thôi, cho nên đã cúng dường cho Đức Phật rồi nguyện đời sau có được vị trí đó. Và vị này trên cái đường luân hồi, thì cũng lúc lên lúc xuống, thì từ cái thời mà Đức Phật Padumuttara cách đây 100 ngàn  đại kiếp thì vị này luân hồi cho đã, cho đến cái kiếp trái đất mà cách đây 92 địa cầu, nói về thời gian thì cách đây 92 đại kiếp thì vị này sanh làm một hoàng tử con của một ông vua và vị này cũng là một phật tử, hoàng tử kim phật tử, rồi đi dẹp loạn ở biên thùy, có 3 anh em hoàng tử được vua cha phái đi dẹp loạn biên thùy, đánh xong giặc ca khúc khải hoàn trở về được vua cha tưởng thưởng với một điều kiện là các con muốn cái gì thì cha cho cái đó, thì mấy hoàng tử mới xin cái đặc ân là tổ chức cúng dường cho Thế Tôn trong vài năm, là xin Thế Tôn đừng có nhận của ai hết, nhận của ba anh em thôi. Vua nói: 

– Không có được, cái phần mà thỉnh Phật nhận trai viên của trẫm thì trẫm không có nhường ai hết, của phụ vương, phụ vương không có nhường ai, các con nhiều lắm là trẫm cho các con 3 tháng muốn cúng dường cho đã rồi thôi. 

Thì 3 hoàng tử mới cúng dường cho Thế Tôn và chúng Tăng thực phẩm Y áo suốt 3 tháng. Trong 3 tháng đó là họ mặc đồ trắng. giữ Bát quan trai, ngày ăn một bữa, quởn thì hành thiền, rảnh thì nghe Pháp, mà cứ suốt 3 tháng như vậy, thì chư Tăng đông quá, 3 ông hoàng tử chẳng lẽ xăng tay áo nhảy xuống bếp? 

Thế là phải nhờ người, thì cái đám người đó có những bà độc thân, có những bà có con, có cháu, rồi đi vào đó nấu ăn, thì cũng bồng theo, dắt theo, thì con nít mà, nó đói bụng nó khóc, rồi nó thấy đồ ăn bốc mùi nghi ngút thơm ngát nó cũng khóc, nó đòi ăn. Hồi đầu nấu ăn cho Đức Phật và chư Tăng rất là nghiêm túc, rất là đàng hoàng, nhưng mà lâu dần rồi những lần thấy con khóc quá thì họ nghĩ rằng không sao, chắc múc một chút chắc không có sao, múc cho mỗi đứa một chén nhỏ nhỏ vậy đó ăn, rồi múc chén nhỏ được rồi họ làm cho cái chén bự bự, hồi đầu múc cho nó ăn để nó nín khóc, bây giờ múc cho nó ăn nó no luôn, rồi từ từ họ múc cho họ, hồi đầu múc ít ít, riết rồi múc cho nhiều, cuối cùng thì cứ mỗi bữa như vậy đó, thì coi như là họ nấu xong là họ với con cháu là ăn no nê xong rồi mới dọn lên cho Phật với chư Tăng. Mà suốt mấy tháng như vậy đó, do cái nghiệp mà coi như vừa ăn mà ăn lén, mà ăn trước một cách phạm thượng như vậy đó, họ chết rồi họ sanh làm ngạ quỷ suốt vô số kiếp sống. 

Đến đời Đức Phật Thích Xa Mâu Ni mình thì họ vẫn tiếp tục là ngạ quỷ, có nghĩa là cứ trái đất hoại thì họ lại sanh về thế giới khác, vũ trụ khác để họ làm ngạ quỷ, cứ như vậy đó mà đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì với thần thông của loài ngạ quỷ , ngạ quỷ cũng có nhiều loại có sắc tế, cái sắc pháp của nó khác mình một chút, mình không thấy họ mà họ thấy mình, mình chỉ có thể thấy họ khi họ muốn mà thôi, thì cái đám này họ mới xét họ thấy rằng bây giờ là cách đây bao nhiêu đời Phật ra đời thì họ không có nhận được phước hồi hướng, cho nên Phật nào họ cũng đến họ hỏi hết, họ hỏi các vị Phật, như Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm, Phật Ca-diếp, Phật nào họ cũng đến họ hỏi:

– Chừng nào con hết là ngạ quỷ?

Thì Đức Phật nói còn bao nhiêu kiếp, bao nhiêu kiếp vậy đó, đến đời Phật Ca-diếp thì Đức Phật xét thấy nghiệp nặng quá đi, nhưng mà Ngài vẫn trả lời, Ngài nói:

– Đời Ta thì các ngươi không có thoát được, nhưng mà phải đến cái đời Phật Thích Ca Mâu Ni thì các ngươi mới thoát được, lúc đó có một ông vua tên là Bình Sa Vương Bimbisāra, ổng là bà con, ổng mới giúp cho.

Thì lúc đó mấy người này chờ mõi chờ mòn cho tới đời Đức Phật Thích Ca thì nguyên một đám mới kéo nhau tới gặp ông vua Bimbisāra, ổng đang nằm ngủ, cả đám tới kêu khóc thì ổng mới sợ quá đi, ổng tính là tổ chức lễ cúng kiểu cô hồn, giết thú lấy máu rồi vấy, rồi rãi khắp nơi theo lời mà hướng dẫn tào lao của mấy ông Bà-la-môn, nhưng mà bà hoàng hậu bả thông minh, bả nói không , đừng có làm như vậy, tội lắm, cho nên mới vô hỏi Đức Phật, Đức Phật Ngài mới dạy đi trai Tăng cúng dường hồi hướng nhờ vậy cái đám ngạ quỷ đó mới thoát. 

Chuyện có liên quan chút xíu về ba anh em này, rồi ba anh em này sau nhiều đời nhiều kiếp sanh tử đến đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì ba anh em sanh ra trong một gia đình rất là quyền quý, đều được ăn học rất là ngon lành, người anh là Ngài Uruvela-Kassapa, hai người em, một người là Nadī-Kassapa và một người là Gayā-Kassapa(Gayāsīse), tổng cộng là ba anh em, cả ba anh em đi xuất gia, mà trước khi đi tu là cả ba anh em đều thuộc lòng Tam Vệ-đà, tức là được xem là đệ nhất trí thức thời đó, có nghĩa là có cái bằng tiến sĩ đương thời, bây giờ mình có bằng tiến sĩ, thì thời đó thanh niên nào mà học ba bộ Vệ-đà có nghĩa là ba bộ thánh điển của Bà-la-môn giáo, trong đó gồm 18 môn học, võ thuật, bùa chú, địa lý, phong thủy, nông nghiệp, cơ khí, thơ ca, văn chương, nghệ thuật, khảo cổ, hội họa, cung kiếm, đao thương, thập bát bang võ nghệ, tổng cộng lại là 18 ngành ở trong ba bộ Vệ-đà đó, kinh khủng như vậy, cho nên người mà học xong cái đó rồi là ba cái vụ mà điêu khắc, hội họa, thơ ca, âm nhạc, sáng tác, viết lách rồi võ nghệ cung kiếm đao thương đều tỏ tường rành rọt hết. Thì ba anh em sau đó mới chán đời quá đi nên đi tu, mà lúc đó đâu biết Phật Pháp gì đâu, mới đi theo cái đạo thờ lữa, có nghĩa là họ cho rằng trên đời này không có gì mà hơn được cái đấng chí tôn trên cái cõi cao sanh, mà đấng chí tôn đó ngài có cái hiện thân ở dưới cõi người này chính là qua ngọn lữa, mọi thứ vạn vật ở trong trời đất này họ tin rằng là do lữa tạo ra, là bởi vì hỏa sinh thổ, lịch sử nhân loại chính là lịch sử của những trận lữa, hủy diệt và tái sinh, và chính ngọn lữa là tiêu hủy hết tất cả những cái xấu cái tốt, những cái di tích, những cái tàn tích không có đáng lưu giữ của nhân gian, ngọn lữa thấy vậy mà không ai sờ chạm được, ngọn lữa dầu cháy ở đâu cũng luôn tự giữ cho mình cái sự tôn nghiêm, bất khả xăm phạm, v.v Họ có một núi lý thuyết để mà tôn vinh ngọn lữa, thế là cả đám hè nhau tạo ra một cái đạo gọi là đạo Bái hỏa giáo, và cái đạo này không phải chỉ có ba anh em này nghĩ ra, mà nó đã có bao nhiêu đời ức triệu kiếp bên Ấn-độ. Ba anh em khi chán đời thì lựa cái đạo nào mà thông minh nhất, có cái cương lĩnh giáo lý mà minh triết nhất, thế là họ đi theo cái đạo này. Về sau chúng ta biết rằng vào khoảng cái thời điểm đó thì bên Ba-tư cũng có cái đạo gọi là đạo Mani giáo, Maniisme do ông giáo tổ là Zoroastre Zarathustra, rồi ông Friedrich Nietzsche của Đức có viết quyển Also sprach Zarathustra là Zarathustra đã nói như thế, Việt Nam có bản dịch của ông Trần Xuân Kim trước 75, thì cũng là đạo thờ lữa mà nó bắt nguồn từ Ấn-độ, rồi người Ba-tư thì họ nói là từ Ba-tư, nhưng thật ra nó từ Ấn-độ, vì họ nói không có một cái thần tượng nào trên đời này đáng để thờ hơn là ngọn lữa, thế là ba anh em ăn rồi cứ thờ lữa, thờ là sao? Thờ có nghĩa là muốn thờ thì phải đi rước cái ngọn lữa, không phải tự mình tạo mà mình phải đi rước cái ngọn lữa đó mình mồi từ một ngôi đền thiên nào đó của phái hỏa giáo, mình đem về rồi mỗi ngày mình phải châm dầu với bơ giữ hoài đời này qua đời khác không cho nó tắt, mà nếu nó tắt như vậy là coi giống như là mình bị đại nghịch bất đạo vậy đó, mình phải làm lễ sám hối, mình tổ chức đi rước, đi mồi cái lữa thiên đó từ cái chỗ gốc về thờ tiếp. Đó gọi là thờ lữa, mỗi ngày ăn rồi làm có bao nhiêu đó thôi, cứ cúng dầu, cúng bơ, rót dầu, rót bơ để mà nuôi lữa, đạo đó như vậy.

Thì khi Đức Thế Tôn mà Ngài ra đời thuyết Pháp, Chuyển Pháp Luân, thì một hôm đó Ngài xét thấy rằng đã đến lúc Ngài tế độ cho cái đám người ba anh em này. Ba anh em vốn là dòng đại gia, ông anh có 500 người tùy tùng, ông em kế là 300, ông em út là có 200, tổng cộng lại là 1000, thì ba cậu này đi tu rồi dắt theo một ngàn người là tùy tùng. Khi mà Ngài đến Ngài thuyết Pháp cho ông anh cả nghe, có hơi chút phong thần, tức là cái chỗ ổng có một ngôi miếu mà thờ một con long vương nó hung dữ lắm, thì khi Đức Phật đến Ngài ngõ ý Ngài ở qua đêm, ổng muốn giết Ngài cho nên ổng nói vô trong đó ở, chỗ đó sạch sẽ trang nghiêm nhất. Thì cái đêm đó Đức Thế Tôn Ngài mới dùng thần thông Ngài khuất phục, hóa độ con rồng đó, Ngài để trong bình bát. Sáng hôm sau, ông kia là ổng cứ chờ Ngài sẽ chết, mà ai ngờ sáng hôm sau Ngài vẫn bình thường Ngài đi ra. 

Khi tôi giảng cho đại chúng tôi cũng ngại kể mấy câu chuyện mà nó hơi có vẽ huyền thoại, nhưng mà nó cũng khổ một chỗ là trong room này có nhiều người biết ba chớp ba nháng không có hiểu cái lao tâm khổ tứ đó, cứ nghĩ rằng chúng tôi kể thiếu, khổ như vậy đó, biết ba mớ, rồi có nhiều người bị cái bệnh nặng lắm, cứ muốn cho người ta biết là mình biết, cũng tìm cách chứng tỏ. Mệt quá, bữa hôm tôi nói Ngài Mục-kiền-liên Ngài là biểu tượng cho Định, thì cũng có người cũng ráng chen vô, nói rằng sát na định cũng được, mà họ đâu hề biết là sát na định cũng là Đinh Học! Thí dụ vậy đó, chứ nếu mà trong room mà chịu thông minh chút, cái gì không cần thiết, nghe vào mà nó không có hợp với người sơ cơ nghe vào có thể gây cái phản cảm tôi không có giảng, nói trước cho biết, bởi vì sẽ làm cho các vị dễ bị phản cảm, chẳng hạn như một lát nữa có một số câu chuyện mà tổ cha của phong thần! Chúng ta biết rồi trong Chánh Tạng truyền thừa trực tiếp từ Thế Tôn thì không có những chi tiết này, mà đa phần những chi tiết này nó xuất hiện ở trong cái phần gọi là Văn học hậu thời Phật giáo. Thì cái chuyện bà con tin hay không thì cái đó tùy duyên, mà tôi nói rõ là phần lớn những cái chi tiết mà nó có vẽ hơi hoang đường là đa phần nó đều xuất hiện trong giai đoạn Hậu thời Phật giáo, giai đoạn gọi là Văn học, chứ không phải Kinh điển nữa, mà qua cái giai đoạn Văn học Phật giáo. Bên Tàu, ngay như Nho giáo, người ta cũng chia rất là rõ Kinh và Thư, Kinh thí dụ như là Bách gia chư tử, Trung dung, Đại học, Luận ngữ, đó là Kinh. Nhưng mà ngoài nó ra là Thư hết. Thì mình cũng phải phân biệt hai cái đó, thì trong Kinh mình một cái là Piṭaka, còn lại về sau được gọi là Aṭṭhakathā và Ṭīkā, còn bên Miến-điện thì họ có cái dòng nữa là Nissaya có nghĩa là những cái Chú Giải, những cái biên khảo của các vị Tôn túc đời sau.

Thì sau khi mà người anh nói nôm na lại là người anh được Đức Thế Tôn tiếp độ rồi thì người anh mới quyết định đi theo Thế Tôn, thì tất cả những cái dụng cụ mà thờ lữa, như cái muỗng, thùng thau đựng bơ, đựng dầu, nói chung là ba cái đồ mà gọi là lễ cụ, ba cái pháp khí là ổng đem ổng bỏ hết, mà có một điều chắc dân Âu Mỹ trong room này nghe thấy hơi khó chịu, thì theo mình thì mình không thích thì mình kiếm chỗ mình để, mà không, ổng liệng hết xuống sông, bởi vậy bên Ấn-độ với Trung quốc với Việt Nam rác đầy hết, cái nào không xài là liệng xuống sông, thì chỗ này phải mở ngoặc nói thêm, thì đem liệng hết xuống sông. Ông anh cả thì ở trên thượng nguồn, rồi xa xa vài cây số bên dưới là ông em rồi xa cuối cùng là ông út, thì ông cả liệng, ông em giữa ở khúc giữa có mấy ông đệ tử đi xuống tắm sông thấy : 

– Ủa sao mà kỳ vậy ta, mấy cái đồ này là của người thờ lữa mà, chỗ của Sư bá là nằm ở trên, mà bây giờ mấy đồ này sao liệng đây kỳ vậy ta? 

Họ mới chạy vô họ báo, thì cả đám mới đi lên thăm ông anh cả, thì ai ngờ vào trong đó thì họ cũng được xuất gia hết, rồi họ đem liệng hết. Ông út cũng gặp được, cái đám đệ tử của ông út nói:

– Trời đất ơi, đồ đạt pháp khí của hai Sư bá mà sao nó trôi xuống đây? 

Rồi thế là cả đám đi tu, vào gặp Phật, nói gọn lại thôi là Phật thuyết cho họ một bài Kinh gọi là Ādittapariyāya Sutta tức là Pháp thoại ví dụ 12 xứ là lữa, tức là mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thinh khí vị xúc, tất cả đều là lữa , toàn bộ thế giới này là một đống lữa lớn, là vì sao? Là vì có 6 căn, 6 trần người ta bị hai thứ lữa sau đây, một là thích cũng là một loại lữa, mà bực mình nóng nảy bất mãn cũng là một loại lữa, mà hai loại lữa này nó lại được nuôi dưỡng bằng loại lữa thứ ba đó là lữa si. Thì toàn bộ vũ trụ này là chúng sanh đang sống trong lữa, thì thuyết giảng như vậy thì cả mọi vị đều chứng La-hán. Thì với cái số lượng 1000 vị này, rồi cộng với nhóm Kiều Trần Như, rồi cộng với nhóm đệ tử của Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên tổng cộng lại là có 1250 vị La-hán, dĩ nhiên trong số đó có những vị không phải La-hán thì không có đến dự. Vị nào trong số đó chưa là Lục thông thì không đến họp mặt ở Trúc Lâm rằm tháng giêng, có nhiều vị lúc đó chưa đắc, vị nào La-hán Lục Thông thôi, có nghĩa là tự nhiên nghĩ đến Thế Tôn, Ngài đang ở đâu, tự nhiên đều do sự chiêu cảm của Đức Phật, bởi vì trong đời của mỗi vị Phật có tối thiểu là một lần hợp mặt Đại chúng Tỷ-kheo, hội đủ các điều kiện sau đây:

1. Không mời mà đến,

2. Đều chứng Lục thông,

3. Đúng ngày rằm tháng giêng,

4. 

tất cả đều tập hợp tại đó để mà Đức Phật Ngài thuyết giảng cái cương lĩnh Giáo Pháp, cương lĩnh Giáo Pháp là sao?: Không làm các điều ác, thực hiện các điều lành, giữ gìn tâm trong sạch, Sa môn thường kham nhẫn, níp-bàn là tối thượng, không hãm hại một ai, sống thu thúc lục căn, uống ăn luôn tiết độ, trú xứ nơi nhàn tịnh, thường xuyên thức tỉnh không mê ngủ, tất cả chư Phật đều lấy cái bài này, bài tôi vừa đọc, làm cương lĩnh Giáo Pháp. Nhưng mà đến đời sau này, người đời sau mình tinh tấn quá, tinh tấn hơn người xưa, cho nên mình thấy nhớ nhiều nó mệt, mình bèn cắt, mình chỉ còn giữ lại có 3 câu đầu tiên, tức là: Không làm các điều ác, thực hiện các hạnh lành, giữ gìn tâm trong sạch, ấy lời chư Phật dạy. Chứ còn cái khúc sau mình bỏ, cho nên bà con mà muốn coi cho đủ cái lời Giáo hối, cái cương lĩnh Giáo lý của chư Phật, xin mời bà con vào Kinh Đại Bổn Trường Bộ, hồi xưa người ta học đủ vậy đó, tôi đọc lại:

Không làm các điều ác,

Thực hiện các hạnh lành,

Giữ gìn tâm trong sạch, 

Sa môn thường kham nhẫn,

Níp-bàn là tối thượng, 

Không hãm hại một ai, 

Sống thu thúc lục căn,

Uống ăn thường tiết độ, 

Sống nơi nhàn tịnh độc cư,

Thường tỉnh thức không mê ngủ.

Đó là nội dung Giáo hối của chư Phật, cương lĩnh Giáo Pháp dầu chư Phật có sống bao lâu thì thuyết giảng đại khái như vậy gọi là cương lĩnh. Thì trong kỳ đó chúng ta thấy rằng toàn là La-hán Lục thông hết. Chúng ta đã học sơ sơ về cuộc đời ông anh cả là Ngài Uruvela-Kassapa, ông em thứ hai là Nadī-Kassapa, ông thứ ba là Gayā-Kassapa. Sẵn đây quý vị thấy cái chữ uruvela, đây là một cái địa danh, nó là một cánh rừng, mà trong cánh rừng đó nó có một cái đống cát lớn lắm, gọi là uruvelā, uru là ngực mà valaka là cát, uruvela là một tiếng gom chung lại, nghĩa là đống cát cao ngang ngực, tại sao vậy? Bởi vì thời xửa thời xưa có một nhóm 500 ông đạo sĩ tu ở đó, mà mấy ông có một cái điều lệ nội quy thanh tu rất là dễ thương, mấy ông dặn thế này: Mình tu hành là mình không có dấu diếm gì hết, nhưng có điều, không lẽ bây giờ lỗi lớn lỗi nhỏ gì cũng đi bắt anh em ngồi nghe mình xin lỗi nó mệt quá đi, có tới 500 mạng, mà lỗi lớn thì nói còn mấy cái lỗi lon con lon con, thí dụ như mình nghĩ bậy ai, mình giận ai, mình làm quấy cái gì chút chút mình chưa xin lỗi, thí dụ như vậy, mà cứ lúc chút vậy mà cứ đi bắt cả đám lại nghe mình xin lỗi nó mệt quá, thôi bây giờ thế này: Lỗi lớn thì trình với anh em biết, còn lỗi nhỏ thì tự xử đi, tự xử bằng cách là ra sông hốt về nắm cát, hễ mà mỗi lần mình thấy cái gì bậy đó, mình ra sông mình hốt nắm cát về, mình tập trung đây có chỗ trống, cứ ra ngoài sông hốt một nắm cát về thả xuống đó, coi như sám hối, thì tụi tôi cứ dòm thấy người nào mà thả nắm cát là biết người đó đang sám hối. Mà các vị biết, bởi vì là 500 người phàm mà, lỗi nhiều quá đi, cho nên trong một thời gian ngắn thôi, thì đóng cát đó nó to hơn, cao hơn ngực người nữa, và từ chỗ đó khu rừng đó nó có cái tên là Uruvelā khu rừng sám hối bằng cái đống cát cao ngang ngực. Và Bồ Tát Tất Đạt của chúng ta đã có một thời tu khổ hạnh tại đây, cho nên chuyện Uruvelā cũng là câu chuyện đẹp mà chúng ta nên nhớ. 

Thì người anh cả sống gần ở đây nhất, cho nên được gọi là Uruvela-Kassapa, còn người em kế thì sống gần cái bờ sông Hằng, cũng gần đó cho nên lấy cái tên là Nadī-Kassapa tức là Kassapa sống gần con sông, còn người em út thì sống ở Gayāsīsa là sống gần cái doi hay cái mõm nhô ra, nên lấy cái địa danh đó để đặt tên, là cái ngoại hiệu. Giống như là Đông Tà Hoàng Dược Sư, ổng tên gốc là Hoàng Cố, nhưng ổng là thầy thuốc giỏi tinh thông nho lý số, mà ổng … cho nên người ta kêu là Đông Tà Hoàng Dược Sư, không thiện không ác gọi là tà, mà ổng ở phía đông, ổng được phân trong Ngũ Bá, ổng đứng ở phía đông, gọi là Đông Tà, còn Hoàng Dược Sư là cái ngoại hiệu của ổng, nhưng mà cũng có lúc ổng có cái tên, cha vợ ổng là Đào hoa đảo chủ, đó là cái ngoại hiệu, rồi sau này nói Đào hoa đảo chủ cũng là ổng.  

Thì ba anh em đi xuất gia xong xuôi rồi thì trong Chú Giải ghi thế này: Tại sao mà Ngài Uruvela-Kassapa được xem là Đệ nhất đồ chúng, trong đây nói mình mới thấy khiếp, tức là ba anh em cộng lại là 1000 đệ tử, và cái số đệ tử của các vị này bành trướng phát triển với một tốc độ không sao kiểm soát được, có nghĩa là có một vị mà lại có một nhóm đệ tử, thì các vị tưởng tượng, 1 vị mà có 10 đệ tử, mà có tới 1000 vị ở trong cái nhóm này thì các vị tưởng tượng là cái sức bành trướng bao nhiêu, mà tại sao vị này xưng đệ nhất, là bởi vì người ta đông quá người ta tách ra, còn cái nhóm này lại khác, họ cộng nghiệp nhiều đời với nhau mà, cho nên là hễ thấy khoái khoái là họ sáp vô, sáp vô họ đi tu, tổng cộng lại là mỗi lần mà Ngài Uruvela Ngài xuất hiện một phát là giống như biển người vậy đó, là đỏ một góc trời vậy đó, từ chỗ đó Ngài được gọi là Đệ nhất đồ chúng, và có một lần đó khi mà Ngài xuất hiện đông quá đi, quần chúng người ta mới suy nghĩ, người ta nói:

– Trời ơi, sao mà Đức Phật thì nhìn đúng là xuất sắc, đúng là bậc Đạo Sư rồi đó, Sư phụ rồi đó, nhưng mà còn cái vị này trời ơi sao mà đệ tử đông quá, vậy thì không biết ai hơn ai?

Thì lúc đó Ngài biết người ta suy nghĩ như vậy, cho nên Ngài mới dùng thần thông Ngài bay lên rồi Ngài mới hạ xuống, Ngài quỳ dưới chân Đức Phật, trước mặt đám đông:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là Đạo Sư của con, mà con là đệ tử của Thế Tôn.

Quý vị thấy khiếp chưa, đệ tử đông tới mức mà cứ lâu lâu Ngài phải làm một lần vậy đó để cho người ta thấy, chứ còn mà kiểu như phật tử Việt Nam mà thấy ông nào mà chùa to Phật lớn đệ tử đông là cứ hè nhau mà đi theo, kiểu vậy đó!  00:57:26         – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

30/10/2020 – 03:28 – sumanaduong – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Mình ôn lại bài học cũ, đừng có coi thường cái vị trí đệ nhất đồ chúng, là vì sao? Là vì đừng có cho rằng chúng ta là một cá nhân bé mọn, vô danh rồi chúng ta muốn làm gì thì làm, nói sao thì nói, bởi vì ít nhiều mỗi người trong đời này đều có cái khả năng để lại những cái dư hưởng, những cái tác động lớn nhỏ nhất định lên người khác! Con sóng lớn có thể cuốn trôi làng mạc, đó là sóng thần, nhưng mà những con sóng nhỏ có thể đẩy đưa một chiếc lá, chớ không phải là không có tác dụng. Cho nên là mình thấy trong vòng sanh tử luân hồi, nếu mà mình có cái phước là mình có cái hạnh khiêm tốn, có cái pháp cung kính, cái đối tượng đáng kính, thì đời sau sanh ra rất là dễ có đồ chúng, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai đi đâu cũng được người ta tôn trọng, và cái này mới quan trọng, mình dẫn đầu một cái đám đông làm thiện, đời sau sanh ra mình sẽ là sếp trong một cái đám đông hiền thiện. Mình cầm đầu một cái đám đông mà tầm bậy thì đời sau sanh ra mình cũng sẽ là tiếp tục cầm đầu một cái đám đông tào lao, nhớ cái đó quan trọng lắm. 

Và cái này quan trọng nữa, đó là khi mà chúng ta cầm đầu một cái đám đông, chúng ta phải biết thương những cái người bên dưới mình, có những người họ chuyên gia gọi là nương tựa, chuyên gia nương tựa là bản thân họ không có chủ kiến, quý vị biết không, họ không có chủ kiến, họ không có lập trường riêng, trăm sự họ đổ hết cho cái người cầm đầu, rất nhiều người như vậy, các vị biết không! Các vị cho phép tôi nói một câu rất dễ hiểu lầm, chẳng hạn như hôm nay ở một số quốc gia, do cái cơ chế chính trị, lâu ngày người dân họ bị thui chột nhận thức, họ không còn có cái khả năng gọi là phản biện, họ vùi đầu ở trong một cái học thuyết chính trị, một cái quan điểm chính trị, chính họ bị bốc lột tàn khốc, chính họ bị giam hãm, bị cầm tù ở trong một ý thức hệ mà họ không hề biết! Là vì sao? Là bởi vì họ đã lâu ngày họ bị cái đám mà cầm quyền chèn ép, nhồi sọ, tẩy não họ, hư rồi, hỏng rồi, coi như nó bị ung thối rồi! Cái đó là một cái đại họa, có nghĩa là có những người sanh ra là cũng tự do tay chân thoải mái không ai ràng buộc tù đày cấm cố, nhưng mà do cái bản thân họ không có chủ kiến, cho nên về quan điểm tôn giáo, về quan điểm chính trị, văn hóa, xã hội, cứ giao phó hết cho cái người bên trên mình. Cái loại này nhiều lắm quý vị, cho nên quý vị thấy, nguyên một ổ mối chỉ có một con mối chúa thôi! Trong nguyên một đất nước chỉ có một ông vua thôi, trong một khu rừng chỉ có một hai con được xem là chúa sơn lâm, còn bao nhiêu toàn là dân ăn theo, múa đuôi không hà.

Cho nên đó là những bài học lớn, tuy là trong thiên nhiên nhưng mà từ đó mình cũng rút ra những kinh nghiệm sống rất là quan trọng, đó là bản thân mình phải có chủ kiến, không nên làm chuột bạch cho người khác, thứ hai nếu mà mình may mắn mình ở một cái vị trí lãnh đạo, dẫn đạo, thì mình cũng làm ơn nghĩ đến những người bên dưới mình được chút xíu, đừng có lạm dụng người ta như là một bầy thú để mà mình tha hồ vắt sửa, lột da, sống trên xương máu của người khác, cái đó độc lắm!

Cho nên đọc về chuyện của Ngài mình lạnh xương sống!

Ngài Kāludāyī

Kāludāyī là một vị quan đại thần có một vị trí vô cùng và vô cùng đặc biệt quan trọng ở trong dòng Thích Ca, vị này là một trong 7 cái nhân vật xuất hiện cùng ngày với Bồ Tát Tất Đạt, khi mà Bồ Tát Tất Đạt chào đời ở biên giới Lumbinī thì cũng trong ngày đó công nương Yasodharā cũng chào đời, hoàng tử Ānanda vị Đệ nhất Thị giả sau này cũng chào đời, bốn cái hầm châu ngọc cũng xuất hiện, rồi cây Bồ-đề cũng xuất hiện, và đặc biệt là Kāludāyī, cái vị này là một vị quan đại thần cũng xuất hiện trong ngày đó, vị này quan trọng ở chỗ nào? Tức là sau khi mà Thái tử Tất Đạt được 29 tuổi, đi dạo bốn cửa thành, thấy được bốn cái cảnh lão, bệnh, tử, Tăng. Thấy ông thầy tu, thấy một xác chết, một người bệnh và một ông cụ, Bồ Tát chạnh lòng cám cảnh về cung, rồi đêm đó bỏ ngôi đi xuất gia, cũng trong ngày đó công nương Da-du-đà-la hạ sanh đứa con trai đầu tiên, dễ thương cực kỳ, sau khi đi dạo cửa thành xong, Ngài về Ngài ngồi trong ngự uyển thì quan cận thần ở trong cung chạy ra báo với Ngài một cái tin vui, một cái hỷ tín là công nương Yasodharā vừa hạ sanh một hoàng nam khỏe mạnh, đẹp lắm, dễ thương. Thì Ngài mới nói:

– Aho rāhulajāto! Rồi thêm, lại một sợi dây trói buộc nữa! Ta muốn đi mà bây giờ một bên là cha già, một bên là người vợ hiền, bây giờ thêm một cái cậu này nữa, mệt quá! 

Thì Ngài nói là aho rāhulajāto có nghĩa là lại thêm một sợi dây trói buộc nữa, thì cái vị quan đó chạy vào thưa lên với vua Tịnh Phạn nói đi báo tin cho Thái tử, Thái tử nói như vậy, vua Tịnh Phạn mừng lắm, vua Tịnh Phạn nói:

– Đúng rồi, phải như vậy chứ! Ta cứ sợ con chim trời đó không cách nào mà giữ lại bằng cái lồng son này, nhưng mà hôm nay con chim trời đó chẳng những bị nhốt trong lồng mà còn bị xiền cái chân nữa.

Thế là vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là Rāhula, có nghĩa là sự trói buộc. Nhưng mà khổ thay cái sợi dây này không có cột được Bồ Tát, ngay đêm đó Ngài đã khẽ khàng, nhẹ nhàng đánh thức Xa-nặc, Channa, cùng với Ngài rời thành trên con ngựa Kiền-trắc, chủ tớ ngồi chung với nhau, để làm chi? Để đi dọc đường Ngài cần cái gì thì Xa-nặc làm dùm, thứ hai nữa Xa-nặc sẽ là người đem tin tức và hoàng triều y phục, cái hoàng phục của Ngài về cho vua cha. Thì sau khi mà đi, trong Kinh nói con ngựa đó là một con ngựa rất đặc biệt, cái lưng nó to lắm, từ cái đuôi lên đến cái đầu của nó là 18 hắc tay, con ngựa nó to như vậy khoảng 3 thước, theo cái đơn vị của người xưa. Xong rồi Ngài đi đến sông Anomā Ngài mới cắt tóc, khi Ngài cắt tóc thì Ngài mới nguyện thế này: 

– Nếu kiếp này mà Ta thành Phật thì tóc này đừng có rơi xuống.

Ngài mới dùng cái thanh bảo kiếm Ngài cắt cái nắm tóc Ngài liệng lên, thì đúng, tóc không có rơi xuống, Đế Thích rước cái tóc đó về thờ ở trên Đao Lợi, rồi lúc đó một vị Phạm Thiên vốn là bạn cũ của Ngài ngày xưa là Phạm Thiên Ghatīkāra, cái vị mà nuôi cha mẹ mù rồi mình đi làm thợ gốm, là một ông thiện nam nuôi cha mẹ mù mà ổng đắc A-na-hàm, rồi Đức Phật và chư Tăng tới lấy cháo, rồi dỡ nóc nhà của ổng, thì ông đó ổng chết ổng sanh về cõi Phạm Thiên, thì bây giờ ổng xuống ổng mới cúng cho Ngài tam Y, Pháp cụ, tam Y là Y Tăng-già-lê, Y nội, Y vai trái, đồ cạo tóc, kim chỉ, vải lược nước và cái bình bát. Ổng cúng cho Ngài thì Ngài sử dụng được ít lâu rồi Ngài bỏ mất, bởi vậy mới có cái chuyện khi mà bà Sujātā dâng cơm, Ngài không có cái gì để Ngài nhận hết, Ngài có hai bàn tay không, Ngài mới nhìn bả, thì bả hiểu, bả nói: 

– Dạ không, cái mâm này con cúng luôn, Ngài khỏi có bận tâm. 

Gặp Phật tử Việt Nam mình nhiều lắm là xài đồ nhựa Trung Quốc hoặc là cái mâm nhôm, còn nếu mà mâm xịn thì chắc cũng chờ ăn xong đem về, còn bà Sujātā bả sang lắm, nguyên cái mâm bằng vàng bả nói: 

– Con hiểu rồi, Ngài cứ giữ luôn đi. 

Ngài nhận xong Ngài lấy cái tay Ngài vắt nguyên cái mâm cơm thành 49 vắt, Ngài dùng hết, xong Ngài mới đem xuống bờ sông Ngài thả, thả xong Ngài nguyện: 

– Nếu mà Ta đắc được Vô Thượng Phật Đạo thì xin cho cái mâm này nó trôi ngược dòng sông.

Thì đúng, nước đang chảy xiết băng băng vậy đó, mà nó trôi ngược lại khoảng 80 hắc tay tức là khoảng 30 mét, rồi bắt đầu nó mới chìm xuống. Sau đó Ngài thành Phật, và khi Ngài thành Đạo rồi hai năm sau, tức là năm Ngài 37 tuổi Ngài trở về hoàng cung, mà vì đâu có chuyện đó, vì sao có chuyện trở về? Là vì vua Tịnh Phạn nghe đồn là Thái tử Tất Đạt đã chết, rồi sau đó lại có cái tin khác là Thái tử Tất Đạt bây giờ đã thành Phật, rồi Thái tử Tất Đạt bây giờ đã là Phật Gotama và Ngài đã chuyển Pháp Luân, Ngài đã có đệ tử, đã có Thánh Chúng. Vua thương nhớ con thiết tha, vua cử người đi đến thỉnh Ngài về, các vị có biết không, vua cử 9 phái đoàn, 9 lần, dễ sợ chưa, thương con đến mức như vậy, 9 lần gởi người đi, rồi không thấy, bởi vì họ gặp Phật rồi họ đắc Quả sạch sẽ không sót một người, phái đoàn thứ hai đi cũng mất sạch, bặt tăm nhạn cá không thấy về, phái đoàn 3, phái đoàn 4, phái đoàn 5, phái đoàn 6, phái đoàn 7, phái đoàn 8, một đi không trở lại! Nỗi nhớ thương càng diết da tha thiết, cuối cùng rồi thì tới phái đoàn thứ 9 là do một vị đại thần tên là Kāludāyī, đây là nhân vật quan trọng nhất, thường là vua chỉ gởi mấy vị kia đi, nhưng đến cái lúc này vua nói:

– Không, bây giờ trẫm không còn tin ai nữa hết, còn tin mỗi một mình khanh, sống chết gì thì khanh phải về cho trẫm hay, trẫm mỏi mòn lắm, trẫm không còn sống được nữa!

Ổng tự biết sức khỏe đã mòn mỏi lắm rồi, thì Kāludāyī mới bèn dắt một đoàn tùy tùng đông đảo đến nghe Phật thuyết Pháp, nghe xong bèn đắc Quả, bèn xuất gia, mà mấy phái đoàn kia, khi họ đắc Quả xong, không phải họ quên trách nhiệm đâu, và Đức Phật Ngài biết hết, chỉ có vua Tịnh Phạn là không biết gì thôi! Mấy phái đoàn kia họ đi, rồi họ đắc Đạo, thì họ và Thế Tôn đều biết rằng duyên chưa tới, nên im lặng chờ đợi. Đức Phật biết rõ là khi mà phái đoàn thứ 9 tới, cái người trưởng đoàn lần chín này là ai, người đó sẽ đắc Quả, sẽ xuất gia và người đó sẽ làm gì để chuẩn bị cho cái lần trở về đầu tiên của Ngài, và Ngài biết rằng khi ấy vua Tịnh Phạn và triều thần hoàng tộc dòng dõi Thích Ca sẽ được ân triêm lợi lạc, ai đắc cái gì, ai sẽ chết, ai còn sống, ai tiếp tục tại gia, ai sẽ đi xuất gia, Ngài biết hết! Và ngày đó đã đến khi mà Ngài Kāludāyī đến thỉnh Phật, xuất gia xong rồi, đắc Quả rồi, đến cái lúc mà ra Hạ, lúc đó trong Kinh nói là nhằm mùa lúa, đồng ruộng khô ráo, sạch sẽ, thì lúc đó Ngài Kāludāyī nói:

– Bạch Thế Tôn, cái nhóm tụi con chính là phái đoàn thứ 9 đến thỉnh Thế tôn, xin Thế Tôn hãy vì lòng Đại Bi mà đặc biết là lòng thương tưởng người cha già ở hoàng cung đang mỏi mòn chờ đợi, xin Thế Tôn hãy trở về.

Ngài nói vậy thôi, chớ hai vị A-la-hán đang nói chuyện với nhau mà, đâu có cần mà lê thê lướt thướt như mình! Đức Phật mới nhận lời và vì biết vua đang nóng ruột cho nên trong Kinh nói từng ngày và từng ngày, Đức Thế Tôn không có dùng thần thông mà Ngài đi bộ, bởi vì Ngài đi đến đâu thì chúng sanh phàm phu, những cái người mà dân chúng họ được cơ hội họ gặp gỡ, họ nghe Pháp, họ cúng dường lợi lạc vô cùng! Cho nên Ngài Kāludāyī thì Ngài biết vua nóng ruột cho nên Ngài phải làm sao? Thế là Đức Thế Tôn đi bộ đến đâu thì là chuyện của Thế tôn, riêng Ngài thì dùng thần thông đi về trước, mỗi ngày dùng thần thông đi về trước, báo cho vua Tịnh Phạn biết hôm nay Thế tôn đã đi đến đâu, đến đâu, đến đâu, cho vua biết là cái khoảng cách càng lúc càng ngắn dần, ngắn dần, ngắn dần, và cứ mỗi ngày như vậy là vua cúng dường cơm cho Ngài, rồi phần Ngài Ngài mới đem cái phần cơm về cúng lại cho Thế Tôn và chư Tăng. Cứ mỗi ngày, mỗi ngày, mỗi ngày, có nghĩa là Ngài bay về gặp vua Tịnh Phạn Ngài nhận cơm Ngài dùng xong, Ngài đem cơm về cho Phật và chư Tăng, tức là cái phần nào là cái phần các vị đi bát, cái phần nào của vua cúng dường thì cứ cúng dường, cứ như vậy đó mà suốt khoảng thời gian nửa tháng Phật về đến hoàng cung. Thì chúng ta biết rồi, bà Da-du cũng đắc Đạo rồi đi xuất gia, chuyện về Bà tôi sẽ kể riêng, rồi Ngài Rāhula cũng đi xuất gia, vua Tịnh Phạn thì đắc A-la-hán Quả rồi viên tịch trước sự chứng kiến của Thế tôn, xong xuôi rồi thì bà Gotamī cũng đi xuất gia, cứ như vậy. Thì sau khi mà cả dòng Thích Ca được gặp Thế tôn đều trở thành phật tử hết, và tất cả đều xem Ngài Kāludāyī là người ơn, bởi vì ai cũng xem Ngài là cái người có cái công sắp đặt, tổ chức từng chi tiết cho cái cuộc trở về hoàng cung, trở về cố quận của Thế Tôn. Và bên cạnh dòng Thích Ca, đối với những người cư sĩ khác, Ngài cũng có cái tài là Ngài có khả năng dàn xếp, sắp xếp mọi hiểu lầm, mọi hờn giận, mọi tủi thân, mặc cảm, gặp Ngài là Ngài tới là Ngài nói xong hết! Cứ còn những cái làng nghèo, xóm nghèo mà thỉnh Phật về không được thì Ngài tới Ngài nói một câu là gọ thấy mát ruột. Rồi những người cư sĩ, những đại thí chủ cạnh tranh với nhau, đấu tranh với nhau, gặp Ngài Ngài nói một câu tất cả êm ru bà rù, cộng hết tất cả những hạnh đó lại, Đức Thế Tôn trong một cái kỳ Pháp hội tại Kỳ Viên đã chính thức xác nhận và tuyên dương trước đại chúng rằng:

– Trong các đệ tử Thinh Văn của Ta, Đệ nhất về cái khả năng dàn xếp cư sĩ làm cho nhà nhà vui vẽ, người người hoan hỷ chính là Kāludāyī. 

Cái khả năng này cũng đặc biệt lắm quý vị biết không, cái khả năng mà làm hàn gắn. Trong 32 tướng tốt của một vị Chuyển Luân Vương hay là của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, có một cái tướng rất là đặc biệt đó là cái tướng mã âm tàng, tiếng Pāli kêu là kosohita vatthaguyha có nghĩa là cái bộ phận kín-cái sinh thực khí của hai vị này rất là đặc biệt hơn tất cả những người đàn ông trên đời, nghĩa là nó giống như của con ngựa khi nào dùng thì mới có, không dùng thì nó tàng ẩn ở trong một cái bao da, mà cái tướng này có gì hay? Cái tướng này trong cái việc hưởng dục là số một, thứ hai nữa cái tướng này là biểu tượng cho biết rằng cái vị này sẽ có quý tử, vị này có khả năng nếu mà ở ngoài đời thì sẽ sanh con toàn là anh hùng, toàn là văn tài võ tinh thứ dữ không, nếu mà đi xuất gia cái người có cái tướng mã âm tàng này là có đệ tử sống chết gì cũng không có bỏ, đệ tử trung thành; mà vì đâu có cái tướng này, tiền nghiệp trong quá khứ của cái người mà có được tướng này là gì ? Là chuyên gia đàm phán, đem lại cái sự kết nối cho thiên hạ, hàn gắn những vết nứt, hàn gió đá cho những chỗ rạn, chuyên gia hàn gió đá, đập nát những bức tường ngăn cách và dựng lên những cái cầu cảm thông, đây là chuyên gia đàm phán mà cũng chuyên gia hàn gió đá. Cho nên đời đời sanh ra là kẻ hạ thuộc luôn luôn là một tay đòn một tay nắm chặt nhau đoàn kết đời đời. Đặc biệt! Cho nên cái khả năng của Ngài Kāludāyī mình đọc thoáng qua thấy không có gì đặc biệt, là cái người có khả năng đem lại niềm tin, niềm tịnh tín cho các tục gia cư sĩ, nhưng mà cái bài học sâu đằng sau đó là sao? Là thế giới này vốn dĩ đã ngầm chứa những hạt giống phân ly, người và người đã phân tán trong cái nhìn, trong cái cảm xúc khi nghĩ về nhau, và ai đó trong cuộc đời này có khả năng hàn gắn và nối kết những phân ly, những phân tán ấy thì người này đúng là người ơn của cả thiên hạ, thưa quý vị! Cho nên cái đặc hạnh của vị này là một bàn tay lớn, đúng! Đúng là nối vòng tay lớn đó quý vị! Ước gì, giá mà, nếu như trong chùa, trong đoàn thể, trong các tập thể phật tử và chư Tăng có thêm càng nhiều những nhân vật mà có cái khả năng này thì cái Đạo mình nó mạnh biết là chừng nào! Các vị có biết không, trong một trăm triệu người Việt Nam hải ngoại và trong nước, người tài đâu có thiếu, cả trong Đạo lẫn ngoài đời, đạo Chúa lẫn Đạo Phật, Cao đài, Hòa hảo, kể cả người không đạo, trong 100 triệu người Việt nam ấy có biết bao nhiêu bậc gọi là nhân tài kiệt xuất trác việt về mọi lãnh vực, ấy vậy mà cho đến bây giờ chúng ta vẫn không có nỗi một Thánh Gandhi, một Tôn Dật Tiên, một Nasser Ai Cập để mà có thể kết nối lại những khối óc trác việt ấy vào thành một khối để mà đất nước mình được ân triêm lợi lạc, mãi cho đến bây giờ những cái bộ óc trác việt ấy mãi mãi mỗi người một phương, không ít là những người phương ngoại! Thì ước gì mình có một cái người mà có cái khả năng làm cái chuyện kết nối ấy, khổ thay cái phần số, cái quốc vận của mình nó không được cái may mắn đó. Cho nên là người tài cứ lưu lạc, đất nước thì cứ điêu linh đồ thán. 01:16:57                                       – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

01/11/2020 – 10:12 – sumanaduong – [Mục Lục các Bài Giảng] – [Hỗ trợ ghi chép bài giảng]

Ngài Bākula

Ngài Bākula là một trong bốn vị đệ tử có cái sức nhớ tiền kiếp trên một a-tăng-kỳ, ba người kia là ai? Là nhị vị Thượng Thủ Thinh Văn Ngài Xá-lợi-phất – Ngài Mục-kiền-liên, bà Da-du và người thứ tư là Ngài Bākula, ba có nghĩa là hai-số 2, bākula là 2 gia đình, 2 gia tộc. Vị này cách đây một a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, Ngài có gặp một vị Phật hồng danh là Anomadassī có nghĩa là Vô Thượng Kiến, Đức Phật nào cũng vậy Ngài có lòng đại bi 

Và tôi kể cái này có thể bà con không tin nhưng mà tôi thì tôi tin, tức là chư Phật luôn nghĩ đến lợi ích của chúng sanh ba đời mười phương, và mỗi một vị Phật như vậy, thì ngoài cái việc mà tiếp độ, giúp người ta giác ngộ chứng Thánh ngay trong cái thời kỳ của mình, thì chính chư Phật cũng là người mà tiếp dẫn dùm đệ tử cho các Phật sau. Thí dụ như Ngài biết là bữa nay Ngài sẽ đi thuyết Pháp cho cái ông gì đó, ổng đắc A-la-hán, A-na-hàm, Tu-đà-hườn, chuyện đó dễ hiểu, nhưng mà Đức Phật còn biết thêm một chuyện nữa đó là hôm nay Ngài sẽ gặp ai đó mà cái người này không có đắc cái gì hết trơn, nhưng mà người này khi mà gặp Tôn giả Anan, người này khi gặp Ngài Rāhula, gặp Ngài Ca-diếp thì người này sẽ phát nguyện trở thành một Tỷ-kheo tương tự như các vị này trong một đời Phật vị lai. Khi mà xét thấy như vậy thì Đức Thế Tôn cũng sẵn sàng vì người ấy mà hôm đó Ngài đi đến gặp họ, nhiều khi bị người ta chửi bới, người ta nhục mạ cũng được, miễn sao lát nữa người ta có được cái niềm tin rồi người ta phát nguyện. Dễ sợ như vậy cái tấm lòng của chư Phật, bao la thay là tấm lòng của chư Phật là như vậy!

Thì Đức Phật Anamadassī bữa đó Ngài xét thấy là bữa nay Ngài vào chỗ đó, chỗ đó Ngài sẽ gặp ông đạo sĩ đó, đạo sĩ đó như vậy đó, thì ổng sẽ có dịp để ổng cúng dường thuốc men cho Ngài, Ngài biết lúc này vào trong đó sẽ có những bệnh thời khí phong hàn gì đó, Ngài biết mọi sự hết, Ngài biết vào trong đó ông này sẽ có dịp ổng cúng thuốc cho Ngài, rồi ổng nhìn thấy cái vị Tỷ-kheo mà Đệ nhất vô bệnh, ổng sẽ phát tâm ổng phát nguyện một cái vị trí như vậy trong tương lai. Ngài biết hết cho nên Ngài mới đi vào rừng cho ổng thấy, và xong rồi Ngài cho ổng nhìn thấy cái vị Tỷ-kheo mà Đệ nhất vô bệnh, ổng thấy ổng hoan hỷ, ổng mới nguyện cái vai trò đó trong kiếp sau, chuyện đó vắn tắt như vậy. 

Thì do cái phước như vậy đó trong suốt một a-tăng-kỳ 100 ngàn đại kiếp rất là thích làm phước về thuốc men giúp đỡ người bệnh, lạ lắm, tôi đã nói rồi nguyện cái gì thì chính cái nguyện ấy đó nó điều chỉnh cái khuynh hướng tâm lý của mình, nó điều chỉnh cái chỗ thích chỗ ghét của mình. Cho nên giống như Ngài Anan khi nguyện thành Đệ nhất thị giả, Đệ nhất đa văn ấy, thì trong suốt cái dòng sanh tử trước khi mà thành đạt thì Ngài cứ tạo cái nghiệp mà nó tương ứng với cái hạnh nguyện đó. Rồi Ngài Xá-lợi-phất Đệ nhất trí tuệ, Ngài Mục-kiền-liên Đệ nhất thần thông, mỗi vị đều vun bồi cái hạnh nguyện mà mình đã phát nguyện. 

Riêng Bồ Tát Chánh Đẳng Cháng Giác thì không! Tất cả thiện pháp đều được Ngài xem trọng như nhau hết, bất cứ thiện pháp nào cũng đủ để khiến Ngài bán mạng để mà Ngài hoàn tất thực hiện nó! Chính vì lẽ này, nên trở thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác thì Ngài có được ba cái cũng, cái cũng thứ nhất là cái gì Ngài cũng biết, cái cũng thứ hai là ai Ngài cũng thương và cái cũng thứ ba là đức lành nào Ngài cũng có. Ba cái thứ mà thiền định, trí tuệ, kham nhẫn, ly dục, tri túc, từ tâm v.v. là đệ tử nói đệ nhất này đệ nhất kia, chứ thật ra tất cả đều dưới Thế Tôn mấy triệu lần! Cái điều này là điều đặc biệt.

Thì sau nhiều kiếp tu hành gặp Phật nào Ngài cũng cúng thuốc men thôi hà, thuốc men rồi lo sức khỏe cho chư Tăng, cho đức Phật. 

Cái hạnh này tôi thấy có lý, kiếp này tôi thấy tôi cũng bệnh hơi nhiều nhiều, tôi không có khoái cái hạnh mà thiểu bệnh nhưng mà có một điều chắc tôi xin nguyện đính kèm quá! Thí dụ thôi, chớ bây giờ tôi muốn đi cho lẹ, cái này ví dụ thôi, nếu mà tôi có nguyện cái gì đó thì nguyệ̣n kèm con đệ nhất cái gì đó nhưng mà con xin cái phần nhỏ nhỏ là đừng có bệnh, con ngán bệnh quá đi, trước khi tịch chắc cho con nghe nó mệt mệt rồi con đi luôn, nhập thiền rồi đi luôn, chứ còn mà trước khi níp-bàn máu me tùm lum thấy cũng nản quá. 

Thì Ngài sau nhiều kiếp, sau khi mà nguyện trở thành một Tỷ-kheo đệ nhất vô bệnh thì cái kiếp nào sanh ra có dịp cũng là giúp đỡ người bệnh rồi bố thí, chia sẻ, hỗ trợ thuốc men cho người này người kia, cho nên cuối cùng kiếp cuối thì mới sanh vào trong một cái gia đình cực kỳ giàu có, ở xứ Kosambī. 

Thì gia đình thương Ngài lắm, cưng lắm, mà lạ lắm, từ lúc mà Ngài vào ở trong bụng mẹ là coi như gia đình tài sản lên ào ào, buôn may bán đắt, con nợ ở đâu không biết tự nhiên nó ùn ùn nó kéo tới nó trả nợ cho bằng hết, nó còn tặng quà cảm ơn nữa, xong rồi thôi khách hàng buôn bán ai cũng đùng đùng tới mua, rồi đặt hàng, order trực tiếp hoặc on line coi như liên tục, coi như gia tài lên vun vút, vun vút! 

Thì cái bữa đó Ngài còn bé lắm, gia đình mới đem Ngài ra bờ sông tắm để lấy hên, trong đây có nói thế này theo cái tục lệ của cái làng Ngài ở là bồng đứa bé ra sông tắm để lấy hên, không biết loay hoay làm sao mà đứa bé đó-là Ngài đó bị rớt xuống sông, có một con cá to đùng nuốt Ngài, do cái tiền nghiệp quá khứ, Ngài cũng từng hành hạ chúng sanh làm sao đó, cái chỗ này chúng tôi chưa đọc tới, thì bị con cá lớn nó nuốt, nhưng mà đây là kiếp chót của vị La-hán cho nên Ngài không cách chi Ngài chết được hết, rồi con cá đó nó nuốt Ngài rồi nó mới lội xuống bơi được một khoảng sông, thì có người giăng lưới bắt được nó, người ta về người ta mổ bụng nó ra thì người ta gặp đứa bé ở trong, mà cái người mà mổ bụng nó lại là một gia đình triệu phú, không có con, hiếm muộn, họ gặp Ngài kháu khỉnh, bụ bẩm quá sức dễ thương, họ mừng quá, nó nói cái này trên trời mà! Trên trời rớt xuống, họ mừng lắm, kháu khỉnh mà bụ bẫm, mà mặt mũi sáng trưng, cặp mắt coi như là thông minh tuyệt vời, họ mừng lắm, bắt đầu họ mới tổ chức tiệt tùng rồi đãi đằng bà con thân hữu xóm làng xa gần. 

Thì lúc đó cái nguồn tin mà có một đứa bé mà trên trời rơi xuống được trời ban qua trung gian một con cá thần, cái chuyện đó nó đồn riết như vậy, thì coi như nó đồn riết tới cái gia đình mà bị mất con. Cái gia đình của ông triệu phú mất con ổng mới cho người dò la thì phát hiện ra đúng rồi, đúng rồi cậu nhà của mình, thiếu gia của mình là được vớt lên! Rồi bây giờ đại khái hoàn cảnh như vậy họ mới tới họ thương lượng với cái ông triệu phú mà ăn cá đó, thì ông triệu phú ổng nói – cái này thời xưa mà đâu có DNA mã số di truyền xét nghiệm gì đâu, đâu có bằng chứng, đâu có giấy tờ khai sanh, đâu có passport gì đâu – cho nên ông kia ổng nói:

– No! No! No! Cái này là lộc trời mà mấy người dựa vào đâu mà các người lấy. Nhưng mà ok thương quá thì thôi thế này, thì bây giờ coi như thằng nhỏ này nó có hai gia đình đi.

Mới đặt tên là Bākula, gọi là hai gia tộc, hai gia đình , ba là 2 gia tộc. Coi như là Ngài sống mỗi bên Ngài ở ít lâu, mỗi bên xây cho Ngài một lâu đài, mà mỗi bên Ngài ở 4 tháng trong hai lâu đài sang trọng. Đến tuổi trưởng thành Ngài mới đóng một chiếc thuyền to đùng, ở trên đó là rượu thịt, gái đẹp đàn ca hát xướng, vũ công, vũ nữ, hát cậu hề giúp vui, Ngài có hết, di chuyển từ nơi này qua nơi khác, sống trên sông suốt, 80 năm sống như ông hoàng trong hai lâu đài và một du thuyền sang trọng.

Thời đó mà đã sống như một ông hoàng Dubai vậy đó.

Thì đến cái năm mà Ngài 80 tuổi thì bữa đó Ngài đậu thuyền ở dưới mé sông, sao Ngài thấy người ta đi đâu lần lượt đông quá đi, lũ lượt, lũ lượt cầm hoa, cầm nến rồi hương đăng, thì Ngài hỏi:

– Bà con đi lễ hội ở đâu vậy? 

Thì người ta nói: 

– Không , đi nghe Pháp.

Thì tự nhiên Ngài nghe nói tới chữ đi nghe Pháp, Ngài hơi xao xuyến, Ngài mới đi theo, khi Ngài đi theo Ngài nghe Pháp xong, Ngài quyết định là bỏ hết để Ngài đi xuất gia. Xuất gia được một tuần lễ thì Ngài chứng đắc Quả vị La-hán Lục Thông và Bốn Trí Vô Ngại, nhưng mà do cái hạnh nguyện tiền thân-tiền kiếp, cho nên Ngài đắc Đạo rồi thì Ngài phát nguyện là suốt đời Ngài không có nằm, suốt đời Ngài chỉ đi khất thực, suốt đời là không có nhận thức ăn ở trong nhà của cư sĩ, không có ăn trên bàn, trên ghế, không có ăn uống trong mái che, mà chỉ sống ngoài trời, đi khất thực ăn uống ngoài đó, suốt đời không thuyết Pháp cho ai, suốt đời không có làm Thầy tế độ cho ai xuất gia, không làm Thầy giáo thọ, không có làm Thầy nương nhờ y chỉ cho ai hết. Ngài sống 80 năm như vậy thì đến một ngày kia thì thấy rằng mình đã được 160 tuổi rồi, 80 ngoài đời, 80 trong Đạo, trong Kinh nói chỉ một phút mà thấy chóng mặt, nhức đầu cũng không có, thì nói gì là những chứng bệnh nặng hơn, dễ sợ như vậy! Đến cái năm mà Ngài 160 tuổi, vào một buổi chiều Ngài mới thưa với chư Tăng, Ngài nói rằng:

– Hôm nay, cái tuổi thọ của tôi đã mãn, không có còn tiếp tục sống bên cạnh anh em nữa, trong suốt mấy mươi năm gặp gỡ quen biết, kề cận nhau, có làm gì chư Tăng buồn, chuyện lớn, chuyện nhỏ xin anh em bỏ qua, khuya đêm nay tôi đi.

Nói rồi Tôn giả đêm đó nhập thiền định, cũng chú nguyện kiểu như Ngài Anan như vậy, có nghĩa là: Khi mà Ta nhập vào tứ thiền, xuất khỏi tứ thiền thì Ta viên tịch, ngay khi Ta không còn sống nữa thì lữa tự phát cháy và thiêu sạch không để lại một dấu vết gì hết, không để lại xá lợi.

Nhưng mà hôm nay, không biết bằng cách nào mà ở một cái tiệm bán xá lợi ở bên Thái Lan có cả xá lợi của Ngài mới ghê! Và bên Thái Lan ở Bangkok có bán cả xá lợi của Ngài Rāhula mà viên tịch ở trên Đao Lợi, họ cũng có luôn, họ liên lạc cách nào mình không biết, mà họ có luôn, liên lạc có xá lợi của Ngài Rāhula, rồi có cả xá lợi của Ngài Bākula, tức là một vị không để lại mà họ cũng có luôn! Thì phật tử Việt Nam nhớ cẩn thận cái này.

Thì đây là một nhân vật cũng hơi đặc biệt trong đời của Đức Phật, có nghĩa là Đệ nhất vô bệnh!

Ngài Sobhita

Ngài Sobhita  là Đệ nhất về Túc mạng minh, Ngài Mục-kiền-liên là Đệ nhất về Biến hóa thông, biến hóa cái gì cũng được, muốn đi đâu cũng được, còn vị này là Đệ nhất về Túc mạng thông, tức là Túc mạng minh. có nghĩa là vị này trong Kinh nói mỗi đêm có thể hồi tưởng chuyện cũ của 500 đại kiếp suốt đời như vậy, cho nên Ngài được gọi là Đệ nhất về Túc mạng thông, tức là sức nhớ tiền kiếp, tức là thời Đức Phật thì đệ tử Ngài không có vị nào mà sống nhiều với cái hạnh này như là Ngài Sobhita. 

Và trong Kinh cũng nói thêm là những vị khác khi mà nhớ lại những cái kiếp mà sanh vào cõi vô tưởng thì họ bị bối rối, nhưng mà riêng Ngài thì không, khi nào mà Ngài nhớ, nhớ, nhớ cách đây 1000 kiếp mình làm ông vua, 1001 kiếp mình làm hoàng hậu, cách đây 1002 kiếp mình làm ăn cướp, 1003 kiếp mình làm ông Sư, cách đây 1004 kiếp mình làm ăn mày v.v. cách đây 1005 kiếp mình làm … làm cái gì ta? Không thấy! Thì Ngài biết ngay rằng đây chính là cái giai đoạn mà mình sanh vào cõi vô tưởng, cái đó Ngài biết, vị khác thì tới đó là không thấy, vị khác nhớ đến cái kiếp mà sanh cõi vô tưởng thì không biết, không thấy gì, riêng Ngài thì Ngài biết đó là gì, nó đặc biệt như vậy, cái sức nhớ nó lạ như vậy. 

Trong Kinh có dùng cái ví dụ khi mà Ngài quán tới cái kiếp mà Ngài sanh cõi vô tưởng, Ngài có cảm giác giống như một người mà nhìn theo cái mũi tên được bắn vào đêm tối, thì lúc đó Ngài biết là Ngài đã sanh vào cõi vô tưởng. 

Trong room này tôi biết có nhiều người nghe cái này hơi mệt, bởi vì không có học Giáo lý, không có học A-tỳ-đàm thì nghe tới chỗ này hơi kỳ, cho nên có lẽ tôi phải dừng lại tôi nói một chút về cõi vô tưởng. Chúng sanh trong đời này có nhiều kiểu, nhiều loại, nhiều hạng, có một phần chúng sanh trong đời này là ăn rồi là chỉ biết chìm đắm, mê say, buồn vui sống chết trong năm trần, sắc thinh khí vị xúc, đó gọi là chúng sanh dục giới; có những chúng sanh khá hơn, họ chán cái năm dục, họ tu tập thiền định để họ sanh về các cái cõi sắc giới, mà tu tập thiền định là sao? Là trước đây tìm cái gì đẹp đẹp để nhìn, kiếm cái gì hay hay để nghe, thơm thơm để ngửi, ngon ngon để nếm, êm êm ấm ấm để sờ, chuyện gì vui vui để ngồi suy tư. Nhưng từ khi mà mình có cái lòng ly dục, mình chán, thì mình sẽ không thích những cái chuyện mà đi kiếm cái này nhìn, nghe, ngửi, nếm nữa. Mà lúc đó ngay trong những gì mà mình vẫn thường nhìn, nghe, ngửi, nếm, ngay trong những cái đó họ tập trung tư tưởng. Thí dụ như trước đây thích nhìn màu xanh của lá, của nước, màu vàng, màu đỏ của hoa, thích nhìn để thưởng thức, còn bây giờ họ lại nhìn nó bằng cái sự tập trung tư tưởng. Trước đây là mình nhìn mấy cái đó để mà thưởng thức, còn bây giờ mình nhìn nó bằng cái sự tập trung tư tưởng. 

Thì trong room sẽ hỏi tôi tại sao, ai dạy họ? Dạ không, không cần ai dạy hết, nhiều kiếp huân tu, hôm bữa tôi có nói chính mấy cái vị mà tu thiền, đắc thần thông, rồi sanh về Phạm Thiên, chính những vị đó là những người duy trì gìn giữ cái giềng mối văn minh cho tam giới, mà trong room tôi biết bữa tôi nói chưa có hết, nhiều người cứ hoang mang, các vị nói: Đâu có đâu, cái nền văn minh vật chất hiện đại là do mấy nhà khoa học, chứ đâu có dính líu gì tới ông Phạm Thiên, mà sao Sư nói gì kỳ vậy? 

Xin thưa bữa tôi nói chưa có hết, tôi xin hỏi các vị một câu thôi: Trên cái nền tảng văn hóa, văn minh nào mà chúng ta có nền văn minh phục hưng Renaissance của Châu Âu? Trên cái nền tảng văn hóa, văn minh nào mà chúng ta có nền văn minh của Trung Quốc, của Ai Cập, của Tiểu Á, của Trung Đông? Trên nền tảng văn minh nào? Thì trên những nền tảng văn minh ấy, các nhà khoa học Trung cổ, rồi Cận đại và Hiện đại đã đóng góp thêm những phát kiến, những phát minh của mình. Cái mà chúng ta biết được chỉ là những nhà khoa học, những nhà triết gia, những nhà tư tưởng, những vị giáo chủ có tên tuổi, có lý lịch, có năm sanh, năm chết, nhưng mà thử hỏi những vị đó ở trên nền tảng xã hội nào, trên nền tảng văn minh, văn hóa nào mà có được những cái phát minh như hôm nay ta thấy? Xin thưa, cái nguồn gốc của những cái nền văn hoá văn minh ấy, vốn dĩ-nguyên thủy-bổn lai, là đã có từ rất là lâu. 

Và hôm nay tôi nói một chuyện cực kỳ phong thần, đó là qua những cái khai quật khảo cổ thì chúng ta cứ theo cái thuyết Charles Darwin, chúng ta cho rằng cái thuyết tiến hóa đã vạch rõ cái nguồn cội của loài người cách đây khoảng bao lâu, bao lâu. Nhưng mà xin thưa, khoa học vẫn phải bối rối trước những cái di tích khảo cổ mà cực kỳ phi lý nếu mà đem so với cái thuyết tiến hóa của ông Charles Darwin, thì có những dấu vết văn minh của nhân loại mà có trước cái thời điểm mà ổng gọi là sự có mặt của những cái con người đầu tiên trên trái đất! 

Nhiều và rất nhiều cái sự biến thiên của trời đất thiên địa càn khôn, có biết bao nhiêu nền văn minh đã theo các cái châu lục mà nó chìm xuống đáy biển và cái cũ ra đi nhường chỗ cho cái mới trồi lên. Hôm nay cái mà chúng ta đào xới được chỉ là trên những cái thềm lục địa mới, kể cả cái lục địa được xem là lâu đời nhất trên hành tinh này, đó là châu Phi, được xem là cái nôi của nền văn minh hiện đại, thì nó cũng chỉ là một cái châu lục mới so với những châu lục đã bị chìm xuống, làm ơn nhớ dùm cái đó, nhớ dùm cái đó! 

Mà cứ như vậy, chúng ta đào lên cái mới mà chúng ta đi tìm cái dấu vết của cái cũ thì làm sao mà thấy? Tôi nói lại lần nữa: đào xới trên cái mới để tìm cái dấu vết của cái cũ thì làm sao ? Muốn tìm dấu vết của thầng Tèo mà qua nhà thằng Tí đào là đào cái gì? 

Thì cái người giữ giềng mối là vậy đó, chính là những cái người tu thiền, chẳng hạn như trong Kinh nói khi mà trái đất hình thành, mỗi trái đất như vậy có bao nhiêu vị Phật, thì khi trái đất mới hình thành, những cái chỗ mà sau này chư Phật sẽ đắc Đạo, sẽ có bao nhiêu bông sen. Thí dụ như chư Phạm Thiên họ nhìn họ thấy trái đất nó mới hình thành chưa kịp có người ở, thì họ thấy ở đó có 4 bông sen, họ biết: 

– Ô trái đất này có 4 vị Phật sẽ ra đời. 

Rồi họ mới khích lệ nhiều người, bằng cách này hay cách khác họ khích lệ làm người tu tập để mà gặp gỡ chư Phật. Có những trái đất khi mới hình thành Phạm Thiên họ thấy có 3 cái hoa sen, có 1 hoa sen và dĩ nhiên phần lớn là những trái đất khi hình thành không có hoa sen nào hết, thì Phạm Thiên họ nhìn cái dấu hiệu đó họ biết: 

– Ô trái đất này không có Phật. 

Thì như vậy cái người duy nhất mà nhìn thấy được mọi chu kỳ thành hoại thăng trầm của thế giới lại cũng chính là các vị Phạm Thiên, nhớ chỗ đó. Cho nên là nhiều và nhiều lắm quý vị, tôi kể tới Tết chưa hết cái vụ mấy vị Phạm Thiên này. 

Thì Ngài Sobhita là một cái vị gọi là Đệ nhất trong hàng đệ tử Đức Phật, là Ngài đặc biệt, tuy là lA-a-hán không còn ham thích, không còn tò mò bằng cái tình cảm, bằng cái niềm vui thích của phàm phu, manh động trẻ con ngốc nghếch, nhưng mà do cái hạnh của nhiều đời là Ngài cảm thấy hoan hỷ trong cái chuyện mà nhìn lại kiếp cũ, để làm chi? Nhìn lại không phải để tò mò, mà nhìn lại để thấm thía Bốn Đế và Mười hai duyên khởi theo một cách khác, một cái cách rất riêng. Có vị đắc A-la-hán rồi cứ thích theo dõi hơi thở, thích theo dõi các cảm giác của thân tâm, tức là có vị thì sống nhiều ở trong thân quán, thọ quán, tâm quán và pháp quán, còn có vị thì đắc A-la-hán rồi thì lại muốn lên đường đi hoằng Pháp, gieo duyên cho chúng sinh, nhưng mà cũng có những vị thì lại thích an trú trong cái pháp mà mình đã chứng đắc đó là chẳng hạn như vị này, thích nhìn về các cái cõi, các cái kiếp sanh tử ba đời, người ta thấm thía theo kiểu của người ta, còn mình thắm thía cái duyên khởi theo cái kiểu của mình: 

– À thì ra vô minh duyên hành là như vậy đó, đó, đó, đó, đó, đúng, cái kiếp đó, kiếp đó do bất động hành được sanh về vô sắc, do phi phúc hành, mà phi phúc hành kiểu nào, sanh về đọa xứ làm bàng sanh, làm ngạ quỷ, làm a-tu-la, rồi do phúc hành mà sanh về làm hoàng hậu, làm công chúa, làm tướng quân, thương gia, ông hoàng, bà chúa, công, hầu, bá, tử, nam tước v.v. 

Mỗi vị có một cách nhìn, mỗi vị có một cách sống, còn mình mình đọc phớt phớt mình nói: Ủa đắc A-la-hán rồi mà sao còn có vẽ ham chơi? 

Chẳng hạn như Ngài Mục-kiền-liên Ngài đắc rồi mà Ngài thích đi cõi này cõi kia, một là gieo duyên giác ngộ cho chúng sanh mà một phần nữa đó là một cái cách gọi là thấm thía Bốn Đế và Mười hai duyên khởi theo cái kiểu của Ngài, Ngài đi đâu Ngài cũng thấy: 

– A thì ra đây cũng có sắc thọ tưởng hành thức, ở đâu cũng là 12 xứ, 18 giới, cũng là 5 uẩn, cũng là danh và sắc, ở đâu cũng là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, ở đâu cũng là Khổ Tập Diệt Đạo, như vậy đó! 

Thì mỗi vị có một cái kiểu sống, thứ hai nữa là vì mình là người không có khả năng, mình thấy cái chuyện mà nhập định, rồi nhớ lại kiếp xưa là cả một cái chuyện ghê ghê gớm gớm, nhưng mà đối với các Ngài muốn thôi, chỉ muốn thôi, muốn nhớ là bèn nhớ, muốn đi đến đâu là bèn có mặt ở đó, không có lớn chuyện như mình tưởng tượng. 

Như bữa tôi kể chuyện Ngài Mục-kiền-liên mà Ngài thấy một  vị Tỷ-kheo bị bệnh, Ngài mới nghĩ trong bụng là cái này chỉ ông Jīvaka, có ổng hỏi ổng là ok nhất, thì Ngài nghĩ như vậy là Ngài bèn có mặt ở trên đó ngay, và Ngài hỏi ổng trường hợp như vậy phải làm sao? Thì ổng chỉ cho Ngài về cho ông đó ăn miếng cháo trắng là hết, thì Ngài nghe như vậy thì trong vòng một giây là Ngài đã có mặt ở dưới đây rồi, cái thời gian mà Ngài gặp ông thầy thuốc và Ngài trở về nó nhanh hơn là cái thời gian mà Ngài mở cửa phòng Ngài đi qua cái phòng kế bên gõ cửa rồi chờ cái ông tướng trong đó mở cửa rồi hai bên hỏi nhau nó rất lâu, trong khi cái này Ngài nằm ở trong phòng là Ngài chỉ một cái vèo một phát là tới nơi. 

Còn cái chuyện trong room không có tin thì tôi cũng bó tay, chứ bây giờ tôi biết làm sao giờ? Thì các vị chỉ nhớ chừng tôi chuyện này thôi: trên đời này cái biết của mình mà so với cái điều không biết nó nhỏ hơn là hột cát trên sa mạc, là vì sao? Vì hột cát nó là một cái đại lượng hữu hạng, mà cái sa mạc nó cũng là một cái đại lượng hữu hạng, cả tử số và mẫu số đều là hữu hạng hết, hạt cát mình cân được, và cái sa mạc mình tính diện tích của nó được, như vậy hữu hạng trên hữu hạng. Nhưng mà cái biết của mình mà so với cái mình không biết thì nó nhỏ hơn nhiều, vì sao? Tôi nói lại, hạt cát là hữu hạng, mà sa mạc cũng là hữu hạng, bởi vì như sa mạc Sahara nó to nhất thế giới, vì sao? Nó chỉ có 9 triệu km vuông, rồi cái sa mạc Gobi thì nó nhỏ hơn, nó chỉ có 3 triệu km vuông, nhưng mà ít ra người ta tính được cái diện tích của sa mạc Sahara và samạc Gobi, riêng về cái hạt cát thì ai cũng biết là cân được mà, cân tiểu ly mà cân không được thì cân điện tử cũng cân được. Rồi sao? như vậy thì hạt cát cân được, sa mạc mình cũng tính đếm nó bằng những con số được, riêng cái ta biết mà so với cái ta không biết đúng là cái hữu hạng, đem đặt trên cái vô hạng, nghĩa là tử số là hữu hạng mà cái mẫu số là vô hạng! 

Nhiều cái lý do để chúng ta tin, đó là muốn bát cái điều gì thì phải tìm cho ra cái bằng chứng để bát, muốn tin cái gì thì cũng phải tìm cái bằng chứng để mà tin, đừng để mình bị cuồng tín mà cũng đừng để mình trở thành cái kẻ thiếu niềm tin một cách thiếu cơ sở. Thứ hai nữa đó là mình cứ nhìn những cái mà nó quá tầm suy nghĩ của mình, có kẻ trên trái đất này một ngày chỉ sống bằng có một hai đô la, mà có kẻ trên trái đất này bây giờ nắm trong tay cả trăm tỷ đô la, tôi nhớ hoài cái lúc mà ông Bill Gate, lúc đó tài sản ổng mới có 50 tỷ hà, thì bữa tôi ngồi tôi tình cờ … tôi còn lại đúng một triệu để mà tôi để dành, bỏ ống heo đất, thì phải là bốn năm chục thế kỷ, 50 thế kỷ thì tôi mới có được cái số tiền của ông Bill Gate bây giờ, có nghĩa là một năm tôi để dành được 1 triệu không thuế má thuế ba gì là trừ hết rồi đó, bệnh hoạn bảo hiểm tiền xăng nhớt, tiền đi chợ búa, tiền di chuyển xê dịch v.v phải quấy tùm lum hết, trừ hết, trong khi đó là ổng bao nhiêu tuổi mà trong khi một năm mình để dành được 1 triệu thì phải mất tới bốn năm chục thế kỷ mình mới có được số tiền, mình nói cho thấy cái chênh lệch giàu ngèo của mỗi người nó khác nhau. Có người họ nói năm ba chục thứ tiếng, có người họ nói tiếng mẹ đẻ nói không xong! Có người họ có thể cử tạ ba bốn trăm ký lô mà trong khi đó có những người cái bàn tay muốn nhất lên nhất không có được, có người kế hoạch hóa mà vẫn đẻ cả chục đứa, còn có người thì cầu tự lạy lục tám núi mười non mà đẻ ra cái ngón tay cũng đẻ không được, có nghĩa là cái sự chênh lệch trong cái thế giới này cái gì cũng có hết trơn. Cho nên có nhiều cái mà nó nằm ngoài cái sức tưởng tượng của mình. 

Thì ở đây là mình giảng về Ngài Sobhita là giảng vậy đó, học về Ngài Sobhita là Đệ nhất về Túc mạng thông.

Ngài Upāli

Ngài Upāli kiếp chót vốn là cái ông thợ cạo, nghe thì nó hơi bình thường, không có gì xuất sắc, nhưng mà xin thưa với đại chúng Ngài đã có một cái chiều dày tu tập ba-la-mật, tức là cái phước lành giải thoát lâu tương đương với Ngài Anan, lâu tương đương với Ngài Ca-diếp, Ngài Ca-chiên-diên, Ngài Sobhita, Ngài Kāludāyī, nói chung là ngoại trừ ra hai vị chí thượng Thinh Văn là Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.

Thì cái vị này , cái thời gian mà tu hành trong tiền kiếp cũng lâu tương đương như các vị khác, nhưng mà do một chút tiền nghiệp là ngạo mạn trong đời trước, trong một kiếp quá khứ có cái lòng ngạo mạn, khinh rẽ cái bậc trưởng thượng khả kính cho nên đời này Ngài phải sanh vào trong một cái gia tộc thập kém, thấp kém đây là sao? Là phải đi làm cái nghề thợ hớt tóc, cạo râu cho người ta vậy đó, nhưng mà cho hoàng gia, chớ không phải là cho dân thường. Nhớ nha, tu tập nhiều như vậy đó mà chỉ vì một cái lòng kiêu ngạo, khinh thường, xem rẽ một cái người khả kính, đối tượng khả kính. Mà tôi thấy cái đó cũng nhiều, có nhiều người cả đời không biết cúi đầu trước mặt ai, tự cho mình là chánh vì vương, là chơn mạng thiên tử rồi coi thiên hạ như rác mục, hạng vô nhân, dưới mắt không có người, cái đó họ tưởng là hay, nhưng mà không, Trang Tử có nói: Biển là chỗ thấp nhất nên chứa được hết nước trong thiên hạ, người khiêm cung là cái người gom hết cái điều hay, lấy hết cái đức của thiên hạ về cho mình.

Và theo Phật Pháp cái người mà hiểu Đạo thì người đó sẽ thấy rằng không có một lý do nào để mà mình chảnh hết trơn, không có lý do nào! Kể cả mình có đắc A-la-hán là cái quả vị mà coi như là số một trong tam giới thì cái quả vị đó là gì? Chỉ là sự hết bệnh của một bệnh nhân thôi! Dĩ nhiên A-la-hán là hết kiêu ngạo rồi, nhưng mà mình giả dụ như vậy đó, nếu mà có phải kiêu ngạo là mình phải kiêu ngạo khi mình đắc A-la-hán, bởi vì cái vị đó là Đệ nhất Ứng Cúng, vị không còn phiền não nữa! Nhưng mà suy cho cùng hết phiền não chỉ là hết bệnh thôi! Chứ có cái gì mà hay!

Còn cái chuyện mà anh bây giờ mà anh đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, danh gia vọng tộc, trâm anh thế phiệt, giai nhân tài nữ, kiệt xuất anh hào, thì mình có là cái gì đi nữa thì chỉ là chuyện một đời, một kiếp, đời sau sanh ra con ong cái kiến bé mọn vô danh ai mà biết! 

Cho nên là cái chuyện mà sang hèn quý tiện ở trong cái Phật Pháp rốt ráo, thì chỉ là con số không! Cái vấn đề Phật đã dạy trong Kinh, cái xuất xứ của một ngọn lữa không quan trọng bằng bản thân ngọn lữa, đây là câu Kinh của Phật, chứ không phải là cái câu của tôi, Đức Phật dạy: 

– Xuất xứ của ngọn lữa không quan trọng bằng bản thân ngọn lữa, Ta nói dầu ngọn lữa đó được đốt từ gỗ tạp hay danh mộc, thì ngọn lữa nào cũng vậy thôi. Xuất thân của cái người hành Đạo là sao không quan trọng, mà miễn là cái lý tưởng và cái thành tựu mà người ấy có được, cái đạo nghiệp mà người ấy có được, cái đó mới là quan trọng, lý tưởng và đạo nghiệp, tức là cái thành tựu. 

Tức là theo Đạo rồi, cạo đầu, đắp Y rồi, nhưng mà cái lý tưởng của mình có phải là lý tưởng giải thoát hay không, và cái đạo nghiệp của mình là cái gì? Đạo nghiệp của mình là thuộc tinh thần hay vật chất, cái này mới là lớn chuyện nha! Mai kia bạc da mồi 90 tuổi, ngồi lại coi coi mình có cái gì, mình có tiếc khi mà mình đã hoang phí một đời làm thầy chùa đầu trọc lóc đắp cái Y mà Pháp Học, Pháp Hành đều là con số không! Thân người khó được, Chánh Pháp khó gặp, mà khi mà gặp được Chánh Pháp rồi mình đã làm gì với cái Chánh Pháp ấy? 

Tôi đã nói 1 tỷ lần đó là: Tùy vào cái duyên lành ba-la-mật tiền kiếp mà ta có gặp được Chánh Pháp hay không? Rồi gặp Chánh Pháp ta quan tâm cái gì? Quan tâm kiểu nào? Và quan tâm bao nhiêu?Cái đó quan trọng lắm, người không có duyên lành không thể tu tập cái đề mục tâm từ được, lạ lắm, người không có duyên lành ba-la-mật khi mà họ nghe thiên hạ tu cái tâm từ mà rãi cái tình thương cho chúng sanh, họ thấy nó kỳ kỳ, rồi hoặc là họ nghe cái chuyện mà quán bất tịnh họ thấy nó kỳ kỳ, nó dơ thì kệ nó mắc gì mà cứ ngồi niệm tóc lông móng răng da làm chi? Rồi hơi thở nó ra, ra đã rồi nó vô, nó vô, vô cho đã rồi nó ra, chứ mắc cái chứng gì nhìn nó làm chi? Mình cứ lạy Phật rồi mình tụng Kinh mình nghiên cứu là được rồi, chứ còn ba cái vụ thở ra thở vô kệ mặc xác nó chứ! 

Đại khái là khi chúng ta không có đủ duyên lành chúng ta thấy Phật Pháp có nhiều cái kỳ cục! Nhưng mà chúng ta có ngờ đâu rằng cái đề mục từ tâm, đề mục hơi thở, đề mục bất tịnh, đề mục tử thi, đề mục niệm Phật v.v tức lại là điểm tựa tinh thần cho rất là nhiều người, mà nếu mình vô duyên phước, vô duyên vô phần vô hạnh thì mình sẽ không có tìm được cái lý do vì đâu mà Phật dạy mình phải làm cái này phải làm cái kia! Nhớ nha, cái này quan trọng lắm. 

Tôi nói cái chuyện này tôi mong không có làm ai buồn, đó là tôi đã gặp không ít người mang tiếng là thờ Phật, tin Phật, học Phật, nhưng mà tôi không có thấy họ có tâm đắc một cái gì ở trong Phật Pháp hết đó! Đi chùa là chỉ để tám thôi, để tám thôi! Mấy chục năm trời biết nhau thì tôi tìm hoài không biết là họ tâm đắc cái gì ở trong Phật Pháp! 

Cho nên ngọn lữa nó quan trọng hơn là cái xuất xứ của ngọn lữa!

Bây giờ tôi quay lại chuyện của Ngài Upāli, Ngài Upāli sau 100 ngàn đại kiếp tu tập ba-la-mật, bởi vì kiếp xưa của Ngài, Ngài từng phát nguyện trở thành một vị Thinh Văn Đệ nhất trì Luật:

– Chư Phật dạy gì về Giới Học thì con xin trở thành đệ nhất chuyên gia, ai muốn biết gì thì cũng có thể đến hỏi con, và con xin đặc biệt đam mê tất cả những cái ban hành, những quy định của chư Phật.     

Thí dụ như vị Tỷ-kheo Y áo phải mặc làm sao, may làm sao cho nó đúng, vị Tỷ-kheo phải đi, đứng, ăn, mặc, vấn đề giày dép, dù được xử dụng ra sao, trú xứ phải làm sao cho đúng Luật, khách Tăng đối với Tăng thường trụ, Tăng thường trụ đối với khách Tăng phải làm sao? Thầy đối với trò, trò đối với thầy, sa môn đối với cư sĩ nam, sa môn đối với cư sĩ nữ, mỗi cá nhân Tỷ-kheo đối với chư Tăng phải ra sao, đối với Giáo sản của chư Tăng phải ra sao, cá nhân với cá nhân, cá nhân với đoàn thể, tập thể với tập thể, việc riêng và việc chung, tất thảy thì một Tỷ-kheo và một Tăng đoàn phải được vận hành ra sao cho đúng với tinh thần của chư Phật, bởi vì Giới năng sinh Định, Định năng sinh Tuệ, mà Tuệ không thể có nếu thiếu Định, Định không thể có nếu thiếu Giới, mà Giới không thể có nếu thiếu Luật.

Giải thoát không thể có nếu thiếu Tuệ, Tuệ không thể có nếu thiếu Định, mà Định không thể có nếu mà thiếu Giới, mà Giới không thể có nếu thiếu Luật. 

Nhớ là Luật riêng mà Giới riêng, Luật tức là những cái ban hành, còn Giới là sự cố ý hành trì theo những cái điều đã được ban hành ấy! Nhớ là nó quan trọng lắm! 

Bây giờ quý vị mới thấy: À! Cái vị thợ cạo này không phải nhỏ đâu! Vị trí này lớn lắm à nha! 

Bởi vì Luật Tạng là tuổi thọ của Chánh Pháp! Gọi là Vinayo Saddhamma sacittaṃ có nghĩa là Tạng Luật chính là cái thọ mạng, cái tánh mạng của Giáo Pháp, tức là ba Tạng, Tạng A-tỳ-đàm mất trước – Phật Pháp vẫn còn, Tạng Kinh mất theo – Phật Pháp vẫn còn, mà Tạng Luật mất luôn – Phật Pháp kết thúc! 

Cho nên đây là cái câu mà mình phải đọc mỗi đêm: Giải thoát không thể có nếu thiếu Tuệ, Tuệ không thể có nếu thiếu Định, Định không thể có nếu thiếu Giới, Giới không thể có nếu thiếu Luật. 

Và Ngài Upāli chính là cái vị Đệ nhất trì Luật, là sao? Là kể từ khi Ngài đi xuất gia, như cái vị Dabba-Malla  là tự nhiên đi xuất gia, xong đắc A-la-hán cái tự nhiên nghĩ đến chuyện rất là lạ: Chư Tăng đông quá! Rồi chỗ ăn, chỗ ở tính làm sao ta? Sao hổng thấy ai đứng ra lo vụ này hết, kỳ vậy ta? Rồi mấy ông Sư già, mấy ông Sư bệnh, rồi ai lo cho mấy vị, rồi mấy vị Trưởng lão Tôn túc về, sao thấy sống gì đâu mà mấy ông Sư trẻ không có vẻ có trật tự, không có tôn ti gì hết! Kỳ vậy ta? Thôi thì mình đứng ra mình sắp xếp!

Thì vị này cũng vậy, xuất gia xong tự nhiên cái nghĩ trong bụng: Thánh thì không có gì phải nói, còn phàm thì biết bao nhiêu cái vấn đề rắc rối, từ chỗ chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện ở, chuyện giao tiếp trong Đạo, ngoài đời phải làm sao ta? Cứ mỗi lần các vị có lỗi Thế tôn gọi vào mắng, rồi dạy cái này được, cái này không, mà ai sẽ là người đúc kết, hệ thống hóa cái này ta? Thôi thì mình vậy!

Thôi thì mình vậy! Thế là Ngài vào Ngài hỏi Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con có từng nghe là chư Tăng trong một trú xứ có cái chuyện gì là phải họp nhau lại để mà thông báo, để mà giải quyết chung, mà cái chỗ đó gọi là gì? Phải có chỗ thống nhất chứ?

Đức Phật nói:

– Như vậy thì từ đây về sau phải làm cái Sīmā, đại khái như vậy đó.

– Bạch Thế Tôn, để làm cái khu đất Sīmā để mà Tăng tụ họp trong cái tinh thần hòa hợp thanh tịnh thì cách thức phải làm Sīmā làm sao? Bạch Thế tôn, lá Y mà Thế Tôn quy định cho Tôn giả Anan là phải may 10 điều, 12 điều theo hình thức của miếng ruộng hình chữ nhật kế hình vuông, nhưng mà kích thước làm sao? Màu gì Thế Tôn cho phép, màu gì Thế Tôn không cho phép, rồi mùng mền chăn đệm mà vị Tỷ-kheo được phép dùng là như thế nào? Bởi vì ngoài đời nhiều chất liệu lắm, bằng laine, bằng cachemire, bằng polyester, bằng coton, bằng silk, bằng đủ thứ hết, bây giờ vị Tỷ-kheo được quyền dùng cái gì và không được quyền dùng cái gì? Rồi kích thước phòng ốc, liêu cốc của Tỷ-kheo maximum là bao nhiêu, chứ không phải ai muốn cất bao nhiêu thì cất. Rồi vấn đề cư sĩ mời thỉnh cúng dường trai Tăng, rồi những vị Tỷ-kheo trì Luật, vấn đề ăn uống Y bát của vị Tỷ-kheo mà đầu đà thì phải làm sao, vị sống ở chùa phải làm sao? 

Nói chung là đời sống thường nhật của một Tỷ-kheo, của một Tỷ-kheo-ni phải như thế nào là Ngài đi hỏi hết, hỏi cho bằng được, hỏi ngóc ngách, hang hốc, không sót một cái gì hết. Nhờ có Ngài đó, Ngài mới là sắp xếp hết mọi thứ, cho nên khi mà người vô học Đạo, đối với những vị Thánh mà Tuệ phân tích thì cái gì tự nhiên cũng biết, biết cái gì? Thí dụ như Tạng Luật, cái biết của các vị Tuệ phân tích là các vị biết rõ cái Luật của chư Phật ba đời giống nhau, không cần học Luật của đời này, tức là các vị biết Luật của chư Phật ba đời là cái chỗ này phải hành xử như vậy. Nhưng mà riêng những vị phàm Tăng hoặc những vị không có Tuệ phân tích thì sao? Thì các vị phải căn cứ vào cái Luật được học từ Ngài Upāli, giỏi gì thì giỏi, nhưng cái khoảng này là phải đến hỏi chuyên gia.

Ngài giải quyết nhiều chuyện độc đáo lắm, thí dụ như cái chuyện mà mẹ ruột của Ngài Kumāra-Kassapa, tức là người ta có bầu mà bị nghi là phá giới, đem đến Ngài, Ngài giải quyết hay lắm, Ngài phải tìm cái người nào giúp được mình trong vụ này, mình thấy cái cách giải quyết đó, nếu mình đọc thoáng qua thấy không có hay, nhưng mà ngẫm ngẫm lại thấy cái đó thâm hậu thiệt, có những chuyện Ngài trực tiếp giải quyết góp ý, có những chuyện Ngài phải họp Tăng lại hỏi ý, nhưng có những chuyện Ngài đem giao cho cư sĩ, mà cư sĩ nam hay cư sĩ nữ, tùy chuyện, có những chuyện Ngài phải báo cho vua, chứ không có báo cho dân, bởi vì vua phật tử, có những chuyện phải báo cho vua biết để mà vua xử lý, có những chuyện Ngài vào trình với Phật, có những chuyện Ngài báo cho Ngài Anan, Ngài Ca-diếp, hoặc là Ngài Xá-lợi-phất, Ngài Mục-kiền-liên. 

Đặc biệt lắm, Ngài là Đệ nhất trì Luật mà, có nghiĩa là người nắm giữ cái giềng mối sinh hoạt cho Tăng già, và luôn luôn, và luôn luôn hễ nhắc tới Ngài Upāli là mình phải thuộc cái câu thần chú này: Giải thoát không thể có nếu thiếu Tuệ, Tuệ không thể có nếu thiếu Định, Định không thể có nếu thiếu Giới, Giới không thể có nếu thiếu Luật.

Và chư Phật ba đời đều có ban hành Luật Tạng là sao? Là bởi vì cái Tạng A-tỳ-đàm là giúp người ta phá nát cái phiền não, chấm dứt luân hồi bằng cái Tri Kiến rốt ráo chơn đế, đệ nhất nghĩa đế, đệ nhất tất đàn, còn cái Tạng Kinh là giúp người ta cũng là chừng ấy có nghĩa là phá nát phiền não, chấm dứt luân hồi, nhưng mà theo cái cách trình bày cận nhân tình, dễ hiểu, còn riêng về Tạng Luật cũng là cách phá nát phiền não, chấm dứt luân hồi mà thông qua những quy định trong sinh hoạt thường nhật. 

Tạng Luật là cái con đường mà giác ngộ Bốn đế, 12 duyên khởi, cũng là con đường hành trì 37 Pháp Bồ-đề thông qua sự kiểm soát các sinh hoạt thường nhật, thì đó chính là Tạng Luật.

Chứ còn mình coi thường, mình nói: Tạng A-tỳ-đàm nó quá cao siêu, Tạng Kinh là quá quyến rũ, còn Tạng Luật thì ôi thôi quá là khô khan! Sai bét! Là bởi vì tùy căn cơ của chúng sinh mà người ta hợp với cái gì? Có những người mình đè họ ra mình bắt học A-tỳ-đàm, hành Tứ Niệm Xứ họ hành không nỗi, nhưng mà bắt họ học Luật, giữ Luật, thì họ lại đắc, mới ghê chứ!: 

– Nhớ nha, đây con đắp Y, con nhớ đắp nhe, đó cái Y này nè, đó, từ đầu gối xuống không được dài quá cái mức này, không được cao quá cái mức này nhe, ừ, ừ, rồi cái bình bát con phải đeo ngang chỗ này, không có cao quá, không có xệ quá, rồi đi, ăn uống giờ giấc con phải như vầy, như vầy, rồi đối với khách Tăng con phải làm sao, đối với người lớn hơn con phải làm sao, đối với người nhỏ hơn con phải làm sao, nhớ nha, rồi trong chùa khi mà có cái Tỷ-kheo bệnh con phải làm sao, khi có khách nữ đến con phải làm sao, làm cái gì cũng phải nhớ, bởi vì nhúc nhích là phạm, nhúc nhích là phạm, phạm lớn và phạm nhỏ thôi! 

Thì nội mà cứ ngồi mà nhớ cái đó không, có vị đắc Đạo một cách rất ngoạn mục, chỉ vì giữ Giới thôi, khi mà mệt quá vị đó mới nghĩ: Tại vì có phiền não, cho nên mình mới có cái thân ác nghiệp và khẩu ác nghiệp, chính vì có thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp nó mới có Luật mà nó làm cho mình mệt dữ thần thế này, bây giờ muốn hết Luật là phải hết phiền não, mà muốn hết phiền não thì mình phải tu, tu Chánh Niệm! Mệt quá! Nhúc nhích là phạm, nhúc nhích là phạm, ngay trong lúc giữ Luật đã thấy ngán sanh tử rồi! 

Cho nên cái Luật là một cái ảo diệu của Phật Pháp, đặc biệt lắm, Tạng Luật đặc biệt lắm, mà vì các vị là cư sĩ cho nên nói nhiều quá thì trong room này có người nói rằng tại sao mà đem Luật của mấy thầy chùa ra nói cho mấy người có tóc? Chứ thật ra cái tinh thần của Tạng Luật rất là hay, rất là sang!

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app