Kinh Tăng Chi số 010

Bài Giảng Sư Toại Khanh Paltalk 2019

Ngài Pilindavaccha

Cuộc đời nghĩa là câu chuyện về Ngài Pilindavaccha, vị được xem là số một trong chuyện được chư Thiên thương quý nhất. Chúng ta thấy hôm trước chúng ta học về cuộc đời Ngài Subhùti Đệ nhất Ứng cúng bởi vì thường xuyên sống ở trong từ tâm, mà người sống ở trong từ tâm thường được sự yêu mến của chư Thiên . Nhưng mà ở đây lại có một nhân vật nữa được chư Thiên thương hơn là Ngài Subhùti, tại sao? Thì phải nói rằng có cái duyên sự, Ngài Subhùti sống với từ tâm, đúng, Ngài đi đâu, ở đâu cũng có người thương Ngài, nhưng mà hễ Ngài đi khuất rồi thì thôi. Đi đâu thì chư Thiên cũng thương, sống ở đâu chư Thiên cũng thương, nhưng mà Ngài từ chỗ này đi qua chỗ kia, đi qua chỗ khác thì thôi, và cái số lượng, hễ lúc nhớ thì thương, lúc quên thì thôi, cho nên cái fan của Ngài không có nhiều bằng Ngài Pilindavaccha, đúng là Ngài rất là dễ thương, nhưng mà Ngài được người ta thương bởi vì Ngài dễ thương, chứ còn giữa họ và Ngài không có ân tình đặc biệt, đó là Ngài Subhùti. 

Còn Ngài Pilindavaccha được xem là có số lượng fan chư Thiên đông nhất, là bởi vì sao? Là bởi vì cách đây không có lâu, cách đây một vài kiếp sống thôi, thì Ngài là một Chuyển Luân Vương là minh quân thánh chúa, là cái vị trị quốc bằng cái đạo đức trăm phần trăm, không hề có hình phạt, không hề có cái sự mà nhà tù, tra tấn, rồi hành hạ, không! Ngài trị quốc hoàn toàn bằng cái tình thương, Ngài khích lệ mọi người sống vị tha, hào sảng, sống có đạo hạnh, kỹ cương, đạo đức, Ngài khuyến khích cho người ta giữ giới, bố thí, sống có phục vụ, có chia xẻ, có trách nhiệm. 

Ở đây có cái chuyện nói ra rất là dễ gây hiểu lầm, tôi ớn nhất là bà con cứ nghĩ là tại sao tôi thích nói chính trị, không phải, đã là có cái ý như vậy thì các vị luôn luôn nghĩ tôi như vậy! Chuyện liên quan thì phải nói thôi, chúng ta phải mượn lời kinh thánh, mượn kiểu thì đúng hơn: Phúc thay cho cái kẻ nào sống ở trong cái đất nước mà có cái vị minh quân thánh chúa. Hoặc là nói theo thời nay là: Phúc thay cho kẻ nào được sống ở trong một đất nước mà chính phủ khôn ngoan, hỗ trợ cho người dân sống có văn hóa, có giáo dục, có đạo đức, đó là cái phúc! 

Còn mình xui mà mình sống trong một cái đất nước mà chính phủ không có xem nặng về vấn đề giáo dục, đạo đức, xã hội, tình người, thì coi như mình ở lâu ngày là mình cũng xong phim luôn! Mặc dù mọi chúng sanh có cái nghiệp riêng, nhưng mà do cái nghiệp nào đó chúng ta mới sanh vào cái xứ sở như vậy. Tôi nhắc lại lần nữa, cái thiện căn hay là cái ác căn của mỗi người thì đó là cái vốn riêng chúng ta cưu mang từ nhiều đời kiếp, nhưng mà chúng ta cũng không có phủ nhận là cái môi trường sống hiện tại nó cũng có một cái tác dụng nhất định lên cái con người của chúng ta. Chúng ta là một con người không ra gì, nhưng mà mình may mắn sanh ra trong một gia đình có đạo đức, trong một xã hội có đạo đức, thì ít ra cái bản chất không ra gì của chúng ta nó cũng có ít cơ hội nó phát tán, và chúng ta cũng có ít nhiều cơ hội để mà sống thiện, hành thiện. Còn nếu mà cái con người chúng ta nó có dễ thương cách mấy nhưng mà nếu chúng ta chẳng may mà sinh trưởng trong một cái bối cảnh gia đình, bối cảnh xã hội mà nó hơi tệ về đạo đức, thì coi như chúng ta ít nhiều bị ảnh hưởng. 

Thì vị Pilindavaccha này cách đây một vài kiếp sống quá khứ, Ngài từng là một vị Chuyển Luân Vương và Ngài giúp cho rất là nhiều người sanh thiên, cho nên cái tuổi thọ của chư Thiên thì rất là nhiều, rất là lâu, cho nên những vị Trời mà trước đây mang thân nhân loại, rồi nhờ cái sự khích lệ, khuyến thiện của vị Chuyển Luân Thánh Vương đó, cái vị mà tiền thân của Ngài Pilindavaccha, thì nhờ cái sự khuyến thiện của Ngài trong cái kiếp Ngài làm vị minh quân, cho nên người ta sanh về trời rất là nhiều, và tuổi thọ trên đó rất là lâu, cho nên hôm nay khi mà người ta nhớ lại chuyện xưa, người ta mới nhớ vì đâu mà mình được sanh về trời, thì họ mới nhớ rõ là nhờ cái con người này, nhờ cái ông Tỷ-kheo Pilindavaccha này ngày xưa là một minh quân, khích lợi mình hành thiện, lánh ác cho nên bây giờ mình mới được sanh thiên, cho nên nhờ vậy mà Ngài mới được chư Thiên họ thương, họ nhớ cái ơn cũ.

Mà cái số lượng đó đông lắm, số lượng cả một hành tinh được sanh thiên nhờ Ngài, dĩ nhiên không phải trăm phần trăm được sanh thiên, nhưng mà chữ cả một nghĩa là hầu hết, một số lớn rất là lớn được sanh thiên là nhờ cái sự cai trị khôn ngoan và đạo đức của vua Chuyển Luân Vương, mà cái vua đó là tiền thân của Ngài. Cho nên các vị tưởng tượng là không biết bao nhiêu triệu vị trời, hôm nay nhớ lại ơn cũ, duyên xưa, cho nên thấy Ngài họ thương lắm, họ mang cái ơn mà, nhờ Ngài mà họ bây giờ họ có mặt ở đây.

Cho nên ở đây chúng ta có rút ra được hai cái bài học rất là quan trọng cuộc đời của Ngài, câu chuyện về Ngài Pilindavaccha: thứ nhất đó là mỗi lần quý vị hành thiện là quý vị đã ít nhiều đã bắt đầu một cái xâu chuỗi thiện, và khi mà các vị sống bất thiện, dầu chỉ là một bất thiện nho nhỏ thôi, coi như quý vị đang bắt đầu một cái chuỗi bất thiện cho đời sau, không phải cho mình mà cho muôn người, là vì sao?

Khi mà mình sống thiện, khi mình sống bằng từ tâm, mình bố thí, mình trì giới, mình ái ngữ, mình trí tuệ, mình chánh niệm, mình thiền định, mình kham nhẫn, thì khi mà mình sống thiện thì coi như là đời sau kiếp khác mình sanh ra mình được hưởng quả lành, mà quả lành là sao? Là người ta gặp mình người ta thương, người ta gặp mình là người ta giúp đỡ, người ta gặp mình người ta thương mến, người ta gặp mình người ta nghe lời, v.v  Cho nên khi mà mình làm thiện là mình đã gieo cái giống lành cho rất là nhiều người, còn nếu mình là một người có chút ít uy tín, có chút ít ảnh hưởng trong thiên hạ, thì khi mà mình làm thiện làm ác gì đó, thì mình rất dễ trở thành cái tấm gương cho nhiều người lắm, nên nhớ, chúng ta rất dễ thành cái gương xấu hoặc gương tốt cho người khác. Đừng có nghĩ mình vô danh mình bé mọn rồi không có ảnh hưởng, không có đâu, quý vị tưởng tượng trong xóm quý vị có hai cái thằng lưu manh, thì thử hỏi coi nó có để cái ảnh hưởng ít nhiều gì cho cái xóm làng mình hay không? Chắc chắn là có, trẻ em nó sẽ bắt chước, và người lớn lúc đầu thì thấy nó khó chịu, sau đó họ quen mắt, rồi cuối cùng họ thấy nó hay hay, đấy! 

Trong Kinh giải thích tại sao mình sống gần người xấu mà đó là chuyện bất thiện, chỉ riêng sống gần người xấu đã là điều bất thiện, là vì sao? Là vì buổi đầu mình khó chịu cái xấu của người bất thiện, nhưng mà lâu dần rồi một lúc nào đó mình sẽ thấy nó quen quen và cuối cùng sẽ có lúc mình đạt đến đồng thuận, mình thấy cái đó nó có lý, mình thấy nó hay hay, nhớ nha! cái đó quan trọng lắm. Cho nên khi mình là một người vô danh, mà mình biết sống thiện thì mai này khi mà mình có trở thành một người có cái ảnh hưởng trong thiên hạ, thì cái thiện của mình nó trở thành ra là một cái nguồn sáng cho vô số người. 

Cho nên cái chuyện về Ngài Pilindavaccha là một bài học cực lớn và cực kỳ quan trọng cho tất cả chúng ta, cho từng người trong chúng ta. Khi chúng ta sống ác hay sống thiện thì chúng ta sẽ trở thành ra là một cái gương xấu hoặc cái gương tốt cho muôn người thiên hạ, mà trong khi đó chính mình mình không có ngờ! Chẳng hạn như hôm nay mình tới một cái nhà ga ở Thụy Sĩ, một xứ rất là văn minh, mà mình gặp ở đó có rất là nhiều những cái bức tranh kêu là graffiti, là loại tranh mà vẽ tầm bậy tầm bạ, mấy cát thằng xì ke hút chích nó quở quở nó cầm mấy cái bình xịt nó ra mấy chỗ công cộng đêm hôm ngó trước ngó sau không có ai, nó vẽ tầm bậy tầm bạ, các vị đừng có tưởng là một cái thằng trời ơi nó không có ảnh hưởng tới ai, có ảnh hưởng chứ, bởi vì bây giờ có nơi nào công cộng mà bên Paris, bên Rome, bên Zurich, bên Genève, chỗ nào không có mấy cái bức tranh graffiti! là cũng do bắt đầu từ một hai cá nhân, và lâu dần rồi các vị biết nó hình thành ra một thứ văn hóa , mặc dù thứ văn hóa trời ơi, nhưng mà nó cũng hình thành ra một thứ văn hóa, chính những bức tranh tầm bậy đó nó đã kích thích một bộ phận tuổi trẻ không nhỏ. Sáng nay chúng tôi đọc được một cái tin đó là ở cái nhà ga Hà Nội, nó đã xuất hiện cái loại tranh này, mà chẳng những nó vẽ trên tường nhà ga, mà nó vẽ trực tiếp lên trên con tàu luôn, chuyến tàu Cát Linh Hà Đông gì ở Hà Nội. 

Cho nên tôi nhắc chuyện Ngài, sẵn tôi nói luôn, có nghĩa là khi một người làm chuyện bậy, thì nó sẽ kéo theo đó một chuỗi bậy trong thiên hạ nhân gian, và khi một người sống thiện thì họ sẽ kéo theo đó, họ trở thành cái gương lành cho một rừng người tiếp nối sau sau đó nữa. Trên đây là lý do tại sao Ngài Pilindavaccha được chư Thiên ái kính là như vậy, thương quý lắm, nhớ ơn xưa đã đành, mà bản thân Ngài là một tấm gương sáng cho người ta tu học, Ngài có cái đặc biệt đó.

Nhưng mà chuyện về đời của Ngài còn có một nét nữa, bên cạnh cái nét son, cũng có cái nét mực tàu, là đắc Quả rồi mà Ngài cũng có thói quen hơi kỳ kỳ, đó là Ngài hay xài thô ngữ, tiếng Pali kêu là vasalavadi hay vasalavaca có nghĩa là thô ngữ, Ngài hay xài những chữ thí dụ như là thằng nhóc, tiểu tử, cái tên tiểu tử kia, cái bà nội này làm vậy coi không được, cái thằng nhóc này làm cái đó nghe không được, nhìn coi không được, đại khái như vậy. Ngài có cái kiểu nói chuyện như vậy đó, rồi rất là nhiều người đã thưa với Đức Phật, giống như mét vậy đó, họ nói kỳ quá, sao cái ngôn từ của Ngài kỳ quá, Ngài cực kỳ khả kính, Ngài cái gì cũng hay, mà tại sao Ngài hay làm cho người ta bị sốc vì cái cách mà xưng hô kỳ lắm. Thì Đức Phật Ngài dạy rằng:

– Con trai Như Lai không có ác ý với ai hết, con trai Như Lai không có sân tâm, con trai Như Lai là một vị La-hán, có điều đó là cái thói quen nhiều đời, nói là nói vậy thôi chứ không có phải là ác ý.

Trong đây có kể một lần đó, Ngài có thói quen giống như Ngài Kaccayana hay hỏi, có lần đó tới mùa thu hoạch tiêu, có ông đó đi hái tiêu, ông chất thùng, bao vô cái xe bò chở đi ngang chỗ Ngài, Ngài hỏi: 

– Trong mấy cái thùng này đựng cái gì vậy? 

Ổng nói: 

– Dạ tiêu. 

Lát sau ổng đi ngang trở lại Ngài hỏi đựng cái gì vậy? Ổng nói dạ tiêu, Ngài cứ thấy Ngài hỏi hoài vậy đó, ổng bực ổng nói phân chuột, khi mà ổng về tới nhà rồi thì ổng mở ra toàn là phân chuột không. Cho nên ổng hết hồn, ổng mới nói cho bạn ổng nghe, bạn ổng mới hỏi hồi sáng tới giờ ông có nói cái gì mà với cái người đức độ, đạo cao đức trọng không? Ổng mới suy nghĩ:

– Có, hồi sáng có gặp Ngài, Ngài hỏi mà hỏi hoài tôi bực, tôi có nói vậy đó, tôi nói phân chuột. Cả một cái xe bò, mấy thùng trên đó là mấy trăm ký giờ thành phân chuột hết!

Ổng mới quay trở lại ổng sám hối với Ngài, thì coi như là nó trở thành mấy cái hột tiêu như cũ. 

pipphalì là hột tiêu, pepper. 

mùsikavacca là phân chuột, mùsika là con chuột, vacca là phân, chất thải. 

Mình học về cuộc đời của Ngài, mình học được hai điều, một cái gương xấu và một cái gương tốt, bữa hôm tôi có nói với bà con một chuyện, không biết bà con còn nhớ không, trong cái hành đạo, thì đối với người tu tập tuệ quán, ngày xưa mình chưa biết gì thì mình thấy thiện ác, buồn vui, thích ghét khác nhau, nhưng mà khi mình đã tu tập tuệ quán rồi, thì buồn vui, thích ghét, thiện ác đều là cái cảnh, đều là đề mục, đều là đối tượng để mà sống chánh niệm hết. Mình đi ngang cái nhà cầu, đi ngang đống rác nghe hôi, thì cái tâm trạng đó cũng được mình ghi nhận bằng chánh niệm, và khi mình đi ngang qua một cái bụi hoa lài, hoa lý mình nghe nó thơm thì mình cũng ghi nhận nó bằng chánh niệm. Ghi nhận một cái tâm tham vừa có mặt, ghi nhận một cái tâm thiện vừa có mặt, thì cả hai đều là cơ hội để mà đắc Đạo hết! Các vị nhớ nha! Cái chánh niệm trong tâm xấu, chánh niệm trong tâm thiện đều là cơ hội đắc Đạo như nhau. Chánh niệm ghi nhận mình vừa khó chịu, chánh niệm ghi nhận mình vừa dễ chịu, thì nó cũng đều là cơ hội đắc Đạo như nhau. 

Trong Pháp Hành thì chánh niệm ghi nhận thiện ác, tốt xấu, buồn vui, thích ghét đều là cơ hội đắc Đạo, đó là Pháp Hành. Còn Pháp Học gương xấu của Thánh nhân cũng là cái để mình học, mà gương lành của Thánh nhân cũng là cái để mình học. Cái này mới quan trọng, chung cả Pháp Học với Pháp Hành nó có một điểm giống nhau. 

Tôi nhắc lại bên Pháp Hành Tứ Niệm Xứ thì cảnh thiện, cảnh ác, cảnh vui, cảnh buồn, cảnh thích, cảnh ghét đều là đối tượng chánh niệm và đều là cơ hội đắc Đạo như nhau! Tức là thông qua cái chánh niệm đó, thông qua cái sự ghi nhận đó ta hoàn toàn có thể nhận ra Bốn Đế, nhận ra cái tam tướng của danh sắc, của 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới , của 12 duyên khởi như nhau! 

Và bên Pháp Học thì cũng y chang như vậy, cái chuyện xấu hay là chuyện tốt của người xưa đều là cái bài học cho mình hết, gương xấu, gương tốt đều là bài học hết, nhớ nha! Học Đạo phải học đến cái mức như vậy đó! 

Mình học về đời của Ngài Pilindavaccha mình học cả gương tốt và lẫn gương xấu, học gương xấu để mà tránh, có nghĩa là một cái thói quen không hay cần được điều chỉnh, cần được kiểm soát, vì sao? Vì nó sẽ gây cái họa cho nhiều người lắm! Một cái thói quen nho nhỏ thôi, nó trở thành cái đại họa cho người ta .

Ngài Bàhiya Dàrucìriya 

Một trong những tên gọi mà tôi yêu nhất đó là cái chữ bàhiya, nó đồng nghĩa với chữ bàhika, là người phương ngoại, người từ viễn xứ, người đang lưu lạc nơi viễn xứ gọi là người phương ngoại, hoặc cũng có nghĩa là cái kẻ mà sống ngoài nhân gian, sống ngoài cái cuộc đời tế toái phiền phức, bàhiya hoặc là bàhika đều là người phương ngoại hết, đây cái chữ phương ngoại tôi thương lắm, tôi thương cái chữ này lắm. 

Cũng giống như chữ videsa là viễn xứ vậy đó, sarati là nhớ, vissarati có nghĩa là lãng quên, còn mutthasati là thất niệm, là không có chánh niệm, còn vissarati là lãng quên nghĩa là hứa rồi quên, quên một cuộc tình, quên một công việc, quên một cái kỹ niệm, thì đều là vissarati, còn mà không có chánh niệm trong từng phút, từng phút thì gọi là mutthasati, hai cái khác nhau. Mình học Kinh, nhưng lâu lâu mình cũng chen học thêm một hai chữ Pali bỏ túi, biết đâu có một ngày mà quý vị đủ duyên học tiếng Pali, nhớ mấy chữ này, nhớ hồi xưa mình học Kinh Tạng thỉnh thoảng có nghe ổng nói.

Bàhiya Dàrucìriya, vị này cái tên mẹ đẻ là gì mình không có biết, nhưng mà Bàhiya là một cái ngoại hiệu, bởi vì Ngài là một khách thương hồ đi buôn bán đường xa trên biển, trên sông, rồi lâu ngày người ta gọi Ngài là Bàhiya là người phương ngoại, mà sở dĩ có chữ dàrucìriya, daru là gỗ, còn ciriya có nghĩa là áo quần, vì sao? Là vì Ngài là một thương lái đi buôn trên biển rồi tàu chìm, tấp vào một cái hoang đảo, áo quần tả tơi, không có gì để mặc, Ngài mới lấy vỏ cây, Ngài đập cho nó dập dập ra, rồi Ngài mới lấy dây rừng Ngài bện, tết nó lại thành cái che thân, rồi người dân trên đảo thấy như vậy, họ tưởng Ngài là một cái bậc gọi là chân tu, ẩn sĩ khổ hạnh thanh tịnh, hè nhau coi như cúng bái Ngài, mà Ngài nghĩ trong bụng mình là người lưu lạc phương ngoài đến đây, không cha mẹ, không tài sản, bạn bè thân quyến, mà tự nhiên chúng nó đè mình ra nó quỳ nó lạy, nó dâng nước rót kiểu này thì ngu gì mà mình từ chối! Thế là Ngài bèn mặc nhiên chấp nhận cái sự cúng bái của người ta trên cái hòn đảo đó. 

Chúng ta trở lại chuyện xưa một tí, có nghĩạ là vào cái thời Phật Ca-diếp, lúc mà mạt Pháp, có một nhóm 7 vị Tỷ-kheo thấy chạnh lòng trước cái sự mà coi như là suy tàn của Phật Pháp, mới nói:

– Bây giờ cái người mà chân tu thực học không còn nữa, bây giờ toàn là thứ tào lao bí đao, thôi anh em mình đồng chí hướng lý tưởng, thôi mình lên núi, lên rừng kiếm chỗ nào mình gọi là xả mạng ra mà tu, trước khi mà Phật Pháp mất hẳn ở đời! 

Bảy anh em mới dắt díu nhau lên núi, tới một cái vực thẩm có một cái mỏm đá rất là cheo leo, thì mấy anh em mới bện dây làm cái thang để mà leo ra đó, rồi lập thệ với nhau:

–  Mình ra đây, rồi xô bỏ cái thang đó, mình không cách nào mình trở lại được nữa, sống chết là trên cái mỏm đá đó thôi, mình chỉ ra khỏi chỗ này khi nào mình đắc Đạo, mình có thần thông, còn hễ nếu không đắc gì hết thì anh em ôm nhau mà chết, chịu không?

Thì bảy vị gọi là dốc lòng tu hành mà: 

– Chịu! 

Tu vậy đó, chịu! 

Thì bảy vị đó mới bắt cái thang leo ra ngoài cái mỏm đá đó, xong rồi xô cái thang đó ra, rồi bảy anh em bắt đầu tu. Thì cái ngày đầu tiên, ông huynh trưởng đắc A-la-hán có thần thông, ông mới bay đi khất thực, ông đem đồ ăn về, thì mấy vị kia từ chối, mấy vị kia nói:

– Không có được, đã thề rồi, đắc rồi mới ra khỏi chổ này, chớ bây giờ tự nhiên mình hẹn nhau ra đây, bây giờ sư huynh đi bát về sư huynh nuôi mấy đệ, rồi mấy đệ mập béo phì ra đó, vậy thì đâu có ghê! Mà mình phải đặt mình vô cái cửa tử mình tu nó mới rốt ráo được! Chứ bây giờ sư huynh đi bát, sư huynh nuôi tụi này như vậy, thì tụi này đâu có đứng trong cửa tử đâu mà tu? Đứng ở ngay cái cửa tử mà tu nó mới tới!

Thế là các vị từ chối không có ăn, rồi đến cái ngày tiếp theo thì vị sư huynh thứ hai đắc A-na-hàm, ổng lại cũng có thần thông nữa, ổng mới bay đi ổng đem về, ổng nói:

– Mấy sư đệ nhịn đói như vậy không có được. 

Mấy vị kia nói:

– Không! Đã nói ra đây là quyết tử tu hành mà, bây giờ mấy huynh mà cứ đi bát cái kiểu này là chết rồi! 

Thế là hai vị A-la-hán và A-na-hàm xét thấy mấy ông này coi như là không có lay chuyển được cái Đạo Tâm, cho nên vị A-la-hán đó từ giả mới bay đi, chứ ở đó làm cái gì, đi bát về không chịu ăn mà ở đó làm chi cho nó chật cái mỏm đá đó có chút xíu hà, vị A-la-hán bay đi và dĩ nhiên là sống hết tuổi thọ rồi cũng tịch, rồi ông sư huynh mà ổng đắc A-na-hàm có thần thông cũng bay đi mất, trước khi đi cũng từ giả mấy em ở lại tinh tấn tu hành nha, anh đi trước à! Rồi xong ông cũng về, sống hết tuổi thọ, rồi cũng sanh về cõi Ngũ Tịnh Cư. Còn lại năm vị này không có đắc gì hết trơn, mà coi như nắng gió mưa sương, mà đói không có ăn, mà khát không có uống, mà cộng với nắng gió mưa sương, có mấy bữa là mấy ông chết sạch hết!

Như vậy thì bảy mà trừ hai còn năm, thì 5 cái vị này sau khi chết rồi, thì kẻ đi đây, người đi kia, kẻ siêu, người đọa, qua bao nhiêu kiếp sống luân hồi, từ cái đời mà Giáo Pháp của Đức Phật Ca-diếp mà đến cái đời Đức Thích Ca Mâu Ni, nó lâu kinh hoàng lắm, thì đến cái đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời thì năm vị Tỷ-kheo ấy bây giờ thì mỗi người sanh về một chỗ khác nhau, thì một trong năm vị đó chính là Ngài Bàhiya Dàrucìriya. Thì trong thời gian mà ông sống trên đảo nhờ vào sự cúng bái của người ta, hồi đầu thì do tai nạn, thì ổng chấp nhận, nhưng mà từ từ ổng thấy được quá, ổng cố ý sống lừa dối quần chúng, trong Pali kêu là kuhana, rõ ràng lúc đầu là tai nạn, nhưng mà tới đây thì ổng đã sống bằng cái kuhana, có nghĩa là lừa dối. 

Thì khi mà ổng có cái lòng sống lừa dối như vậy thì cái vị Phạm Thiên bạn cũ đã sanh về cõi Ngũ Tịnh Cư ông từ trên đó ông mới quan sát, ông nói: Ủa mấy sư đệ của mình bây giờ đâu hết rồi ta? Cái vị mà đắc A-la-hán mình không có kể làm chi, tịch rồi, như ngọn đèn tắt, không có chuyện gì để nói hết đó, nhưng bây giờ còn năm cái ông bây giờ ở đâu? Thì hồi ông rà rà ông thấy: Trời đất ơi, bây giờ có một đại ca bây giờ lưu lạc hoang đảo mà coi như sống lừa dối như thế này, mà ông này là đạo căn trùng trùng, không thể nào để ổng như vậy được, mà nhất là bây giờ thời Phật ra đời nữa, thời Phật ra đời mà ông này từng có vốn liếng tu hành phải nói là nghiêng trời, mà bây giờ Phật ra đời mà ổng lại sống cái kiểu vô tri như thế này thì tội nghiệp quá! Vị Phạm Thiên đó mới xuất hiện, hào quang chói lòa, thì Ngài Bàhiya Ngài thấy Ngài chấp tay liền, Ngài hỏi you là ai, thì ông kia nói tôi là bạn cũ của you nè, sư huynh hồi xưa nè, bây giờ thấy sư đệ bây giờ coi như là tệ quá, mà chư Phật ra đời, mà bây giờ người như sư đệ đó là tuệ căn trùng trùng, trí tuệ ngất ngưỡng mà bây giờ sống vầy là uổng quá, thôi sư đệ tìm Phật đi! Thì Ngài nghe như vậy, Ngài vượt một cái quảng đường mấy ngàn do tuần để mà đến để gặp Thế Tôn,. Mà nhằm lúc Thế Tôn đang đi khất thực ở Sàvatthi, thì ông thỉnh xin Ngài thuyết Pháp cho ông nghe, ông nói thế này:

– Desetu me, Bhante, Bhagavà Dhammam, desetu Sugato Dhamma’nti Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn thuyết Pháp cho con, xin Thiện Thệ thuyết Pháp cho con yàvatatiyam yàci ông năn nỉ đến ba lần như vậy. 

Nhưng mà lúc đó Đức Phật xét thấy ettàvatà bàhiyassa nànam paripàkam gata’nti natvà  Ngài biết rằng cái tuệ căn của ông này ngon lành đó, nhưng mà ngay cái lúc này nè thì nó chưa, phải để ổng năn nỉ ba lần như vậy cho cái lòng của ổng lắng xuống, mà lúc đó cái tuệ căn ổng nó chín muồi, các vị thấy dễ sợ chưa, cái duyên giác ngộ nó chỉ tích tắc trước đó gọi là 5 giờ 58 phút nó không chịu đắc, nó phải 5 giờ 59 phút nó mới chín muồi. Bởi bữa hôm tôi mới nói có ba cái lý do mà mình phải sống chánh niệm liên tục:

1. là mình không biết mình chết lúc nào,

2. là mình không biết mình có thể đắc Đạo lúc nào,

3. là mình không biết là mình sẽ tạo cái nghiệp gì trong những phút giây sắp tới đây.

Cho nên chỉ có sống chánh niệm là chắc ăn nhất, là vậy đó!

Khi mà ổng năn nỉ 3 lần mà Ngài từ chối vì Ngài biết rằng chưa, tới lúc Ngài xét thấy rồi tới rồi, cái kim gió đồng hồ nó nhít qua một cái là Ngài biết tới rồi, thì Ngài mới nói như thế này:

– Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, ngửi nếm đụng chỉ là ngửi nếm đụng, suy tư chỉ là suy tư, ở đây không có ai thấy, không có ai nghe, không ai ngửi, không ai nếm, không ai đụng, chỉ có các pháp vận hành chứ không có ai trong đó, không có tôi, không có ta, không có nó, không có hắn, không có họ!

Ngài nói xong rồi Ngài ôm bát Ngài đi tiếp. Thì ông Bàhiya nhìn theo chấp tay vái Ngài một cái, chào Ngài xong vào gốc cây, xếp bằng trong 3 giây đắc A-la-hán, và luôn cả Lục Thông, Tuệ Phân Tích. Trước khi mà Ngài đi ổng có xin xuất gia, thì Ngài nói:

– Như Lai chỉ cho cái người có Y Bát xuất gia, ngươi đi tìm đi. 

Thì khi mà ổng đắc Đạo xong ổng mới nói: Bây giờ mình phải đi tìm Y Bát, thì lúc bấy giờ …

Mình phải trở lại một câu chuyện xưa, là trong đời xửa đời xưa nhiều đời quá khứ Ngài Bàhiya này cùng với bốn người bạn công tử thân với nhau, con nhà giàu, nhân một buổi lễ hội, thuê một cô ca kỹ đẹp lắm, giàu lắm, đi theo đám này để tổ chức cắm trại, rồi đờn ca hát xướng ăn nhậu vui chơi trong cái dịp lễ hội, nhưng mà cái cô này thì cổ khoái chưng diện lắm, xài toàn là đồ hiệu không, vòng vàng châu ngọc đầy người, thì mấy cậu công tử này hồi đầu là thuê người ta, thuê rồi trả tiền, nhưng mà thấy cô đồ quý nhiều quá, tự nhiên động lòng tham, cho nên hè nhau giết cổ chết, thì trước khi cổ chết, cổ hận quá mà, cổ có một lời nguyền là: Nếu còn có tái sinh, thì mấy you đi đâu thì tui sẽ đuổi tận giết tuyệt ở đó, cho mới thỏa cái mối hận này! Thế là từ đó coi như là có một mối oan khiên theo đuổi đằng đẳng đằng đẳng từ đời này sang kiếp khác, hễ mà mấy cái ông này ở đâu là cô này cổ tìm mọi cách cổ giết, cổ giết, cổ giết. 

Bởi cho nên mình thấy kiểu như là nhà Tần Cối mà hại Nhạc Phi, cái dạng đó là mình chỉ nhìn một đời thì mình thấy nó ác thiệt, mà nếu truy ra quá khứ thì Nhạc Phi cũng trời ơi đất hỡi làm sao đó mới bị Tần Cối hại mà cạn tàu ráo máng như vậy. Hoặc là hôm nay mình thấy có những bà mẹ chồng mà đối xử với nàng dâu mà phải nói là cực kỳ khắc bạt và khốc liệt, nghiệt ngã, mình thấy cái bà mẹ chồng đó là voi dày ngựa xé cho sấu ăn mới vừa cái tội. Mà thật ra mình không có ngờ ngày xửa ngày xưa đó là cái bà mẹ chồng này với nàng dâu ngày xưa là cũng có một cái tiền oan túc trái gì kinh dị lắm lắm lắm đây …

(trở lại chuyện Ngài Bàhiya khi đắc Đạo xong mới nói: Bây giờ mình phải đi tìm Y Bát. Thì lúc bấy giờ Ngài Bàhiya đang đi tìm Y Bát thì bị một nữ Dạ-xoa dưới lốt con bò cái đến húc chết. Nữ Dạ-xoa này chính là cô ca kỹ bị giết hại trong kiếp quá khứ vừa kể ở trên)  

– Trong các vị đệ tử … mà đắc chứng nhanh nhất thì không có ai bằng được Bàhiya. 

Bởi vì chúng ta biết  là trong Kinh Đức Phật ghi rằng:Chúng sanh đến với Đạo gồm có bốn hạng:

1. Ugghatitannu nghe một câu đã đắc Đạo,

2. Vipancitannu phải được nghe một cái Pháp thoại đầy đủ mới đắc,

3. Neyyo phải được hướng dẫn từng bước hành trì mới đắc, 

4. Padaparamo (pada là từ chương) tối đa chỉ đến cái mức gọi là từ chương mọt sách.

Hạng thứ nhất Ugghatitannu tức là nghe một câu đã đắc.

Hạng thứ hai Vipancitannu là phải nghe một cái Pháp thoại đầy đủ, thí dụ như Kinh Sa Môn Quả, thí dụ như là Ngài nói rằng trong cuộc đời sanh tử này, có một con người biết buông hết mọi thứ mà đi, trở thành một vị Chánh Đẳng Chánh Giác, rồi những ai mà muốn tu hành đắc Đạo mà không thể tự mình giác ngộ thì phải nương vào cái lời dạy của chư Phật để mà hành trì từng bước, Giới là làm sao, Định là làm sao, Tuệ là làm sao, Ngài nói có thủ có dĩ có đầu có đuôi như vậy đó, nghe xong cái đắc, cái hạng này là hạng thứ hai, còn cái hạng thứ nhất như Ngài Bàhiya này, hoặc như Ngài Xá-lợi-phất, Ngài Mục-kiền-liên là có một câu một, người ngoài nghe coi như đơ luôn, nhưng mà mấy vị này nghe hiểu. Còn hạng thứ hai là phải nghe một cái Pháp thoại có đầu có đuôi dài thòn vậy đó là đắc.

Còn hạng thứ ba là kém nhất, có nghĩa là phải được hướng dẫn hành trì từng bước, thí dụ như nếu là cư sĩ thì phải một tháng, hai tháng, 1 năm, 2 năm, 10 năm, 20 năm, hướng dẫn thọ Bát quan trai, hành thền này nọ, bố thí, trì giới, niệm Phật; còn nếu mà xuất gia phải được hướng dẫn mặc Y, đắp Y, mang bát, rồi dạy vô rừng, sống trong rừng, rồi hành đầu đà, rồi quán niệm tử thi, niệm bất tịnh, rồi ăn uống sinh hoạt với chư Tăng phải làm sao làm sao làm sao, đi từng bước, cuối cùng mới chịu đắc, thì cái hạng thứ ba gọi là Neyyo là phải được hướng dẫn từng bước hành trì.

Còn cái hạng cuối cùng là chúng ta, Padaparamo có nghĩa là tối đa là chỉ dừng lại ở cái mức gọi là từ chương thôi, có nghĩa là nghe để mà nghe, kiếp khác đắc!

Thì cái đó tùy vào cái Ba-la-mật dày mỏng của mỗi người, tùy vào cái nguyện xưa, và có một câu mà tôi nói hoài đó là chiều hôm qua không xong thì sáng nay xong sớm, có nghĩa là sao? Có nghĩa là mình đã dốc sức tận tuyệt kỳ cùng, mình đã tu xối chán, mòn gối rồi mà nó không đắc gì hết, rồi bây giờ khi mà có cái duyên là làm cái rẹt lẹ hơn người ta; còn cái kiểu tu xìu xìu ểnh ểnh thì tới hồi mà đắc nó cũng lờ tờ mờ! 

Còn mấy vị này là đã dốc sức, hồi nãy các vị nghe rồi, 7 anh em dám liều mạng mà dắt nhau lên trên mỏm đá, xô cây thang mà tu cái kiểu đó, cái lòng của các vị này là khiến trời long đất lở chứ đâu phải tầm thường! Đời nay có ai dám như vậy hay không? Chúng tôi chỉ biết có một chuyện là Ngài Pháp Minh, khi trước 75 nghe kể là Ngài hành thiền, ngày xưa Ngài bị bệnh lao, Ngài tưởng chắc chết rồi, sống không có nỗi, Ngài bỏ hết Ngài đi tu, tu để mà chờ chết, mà cuối cùng không chịu chết. Mà từ đó Ngài trở nên là tinh tấn bất thối, Ngài lên Thích Ca Phật đài có mấy cái hồ sen bằng béton, bên dưới là đá lởm chởm, Ngài  sợ buồn ngủ cho nên Ngài cứ lại mấy cái bờ hồ mà nó cũng 2 mét, 2 mét rưỡi để cho nó đừng có buồn ngủ. Rồi sau này có dịp ra Thích Ca Phật Đài nghe kể chuyện đó, xúc động ghê! 

Dĩ nhiên tôi không khích lệ trong room tự đưa mình vào cái hoàn cảnh mà nghiệt ngã để tu hành, nhưng dầu gì cuộc đời mà những bậc chơn Tăng chơn tu kiểu này cũng là một bài học cho chúng ta suy niệm! Có nghĩa là tu mà phải đặt mình vào cái tình thế như vậy thì mình mới tinh tấn, giống như Hàn Tín ngày xưa lúc mà bị đối phương truy đến đường cùng, trước mặt là giặc mà sau lưng là bờ sông lớn, đang chạy tới đó ổng dừng lại ổng nói với ba quân tướng sĩ: Chúng ta đã đến đường cùng rồi, qua sông thì không kịp, mà nước chảy xiết như thế này là chết là cái chắc! mà quay trở lại đánh thì mình là đám tàn quân đánh lại ai, thôi thì bây giờ chúng ta tìm đường sống bằng cái ngã chết! Bắt đầu ổng nói bây giờ không đánh là mình sẽ chết, nhờ vậy nhờ cái trận đó mà coi như ổng thắng, có nghĩa là một người đánh bằng tám người bình thường, bây giờ đánh mà cái kiểu đánh cầu chết mà, tức là 10 phần là chết hết 9 rồi, mà trên đời này sợ nhất là kẻ anh hùng, thứ hai là kẻ cố cùng liều thân! Cái kẻ mà nó vô đường cùng, chuột chạy cùng sào rồi nó hết đường là nó quay lại nó phập, nên nhớ cẩn thận như vậy nha, con mèo mà nó bị chó rượt đến cái đường cùng thì lúc nó trụ vô một cái góc nào đó, nó giơ hai cái móng vuốt nó lên là lúc đó con chó cũng phải ngại ba phần chứ không phải không. 

Mình tu hành cũng vậy, tức là mình đẩy mình vô cái thế kẹt, thí dụ như là trong bốn cái đề mục hộ thân nó có đề mục gì? Đề mục niệm chết! Tức là khi hành giả thường xuyên quán niệm rằng trên đời cái gì cũng bất trắc, cái gì cũng khó lường, riêng cái chết là điều chắc chắn, khi mà hành giả liên tục quán niệm như vậy thì coi như hành giả đã tự đặt mình vào cái thế kẹt rồi, mà đã là cái thế kẹt thì mình tu ghê lắm, bởi vì mình là thuộc về tử sĩ rồi, suýt nữa là thành tử sĩ rồi, tu trong cái tâm trạng của cái người mà tử tù, thì tu nó mới dữ dội!

Thì vị này cũng vậy, vị này kiếp xưa đã từng có một cái chiều dày, có một cái quá khứ mà tu tập phải nói là cực kỳ đáng nể, cho nên hôm nay chỉ nghe một câu nói của Phật thôi: Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, ngửi nếm đụng chỉ là ngửi nếm đụng, suy tư chỉ là suy tư, ở đây chỉ có 6 căn, 6 cảnh, ở đây không có ai thấy, nghe ngửi nếm đụng hết! Thì vị này vào gốc cây là cứ thế mà làm tới thôi, đấy, ngồi xuống thì biết là chỉ có cái tư thế ngồi chứ không ai ngồi, tiếng lá rụng thì chỉ biết rằng có cái nghe và cái đối tượng để nghe, chứ không có ai nghe, chỉ vậy thôi, vị đó đắc La-hán!

Thì cho nên cái vị này được xem là cái khả năng mà đắc nhanh nhất ở trong cái hàng đệ tử của Thế Tôn, ngay cả Ngài Xá-lợi-phất mà cũng phải chậm hơn 3 phần, Ngài Xá-lợi-phất là mới vừa nghe Ngài Assaji thuyết một câu: Vạn pháp tùy duyên sanh, vạn pháp tùy duyên diệt, Thế Tôn Đạo Sư của tôi đã từng dạy như vậy, Ngài dạy cho thấy duyên sanh là gì, duyên diệt là gì. Thì Ngài nghe xong Ngài đắc, nhưng mà mới đắc tới Tu-đà-hườn, sau phải mất thêm hai tuần nữa mới đắc La-hán.

Trong khi Ngài Bàhiya, không có biết đạo đức gì hết, chỉ có nghe một câu một thôi: Đây chỉ có 6 căn, 6 trần, không có ai hết. Chỉ vậy thôi mà đắc!

Ngài Kumàra-Kassapa

Bây giờ mình học về cuộc đời của vị này.

Ở trong đây bảng tiếng Việt nói Kumàra Kassapa là thuyết giảng vi diệu, là sao? Cho nên ở đây là mình phải bàn lại cái chữ dịch này. 

Ông Đề-bà-đạt-đa sau khi đề nghị Đức Phật 5 điều mà Đức Phật từ chối, là:

1. Tỷ-kkheo suốt đời không ở trong mái che mà chỉ sống ngoài rừng cây, hang động, bụi cỏ, đống rơm, trời trống, chứ không có sống trong ngôi nhà có mái che. 

Đức Phật nói tùy duyên, Như Lai không bắt buộc.

2. Tỷ-kheo suốt đời không được ăn thịt cá mà chỉ ăn chay.

Đức Phật nói tùy duyên, Như Lai không bắt buộc.

3. Tỷ-kheo suốt đời phải mặc Y vải dơ lượm đem về giặt, nhuộm, cắt, may chứ không được nhận của thí chủ.

Đức Phật nói tùy duyên, ổng xin Ngài tất cả 5 điều và Ngài cứ tùy duyên thôi, ổng mới mượn cái cớ đó, là Đức Phật không có cái Giáo Pháp rốt ráo bằng ổng, cho nên ổng nói ai mà muốn tu rốt ráo đó, kiểu mà thanh hải vô thượng sư đó, thì theo ta! Còn ai tu cái kiểu mà tà tà đó thì đi theo Thế Tôn. Đã không! 

Thế là coi như là ổng có một cái hội chúng riêng, và dĩ nhiên là bên cạnh cái hội chúng Tăng, ổng cũng có cái hội chúng Ni nữa, tức là cũng có mấy cái bà Ni ba chớp ba nhán vô rồi thấy ổng cũng bề thế hoành tráng, cho nên thì cũng đi theo làm đệ tử. Thì trong số đệ tử Ni của ổng có một bà trẻ măng hà, mới lấy chồng có được mấy bữa thì tự nhiên bả đi nghe Pháp bả khoái quá đi, bả mới phát đại bồ đề tâm mà đi xuất gia. Trong cái đêm cuối cùng trước khi mà quyết định rời xa chồng để đi tu thì hai vợ chồng có gần nhau một chút đêm cuối, mà bả cứ tưởng cái đó là kiểu mà gió đưa bụi chuối sau hè đó! giởn chơi chút xíu ai dè có con. 

Thì bả đi xuất gia được đâu có 9 tháng sau thì cái bụng bả to ra, mấy vị Tỳ-khưu-ni mà tu chung mới đi vô mét với ông Đề-bà-đạt-đa, nói: 

– Trời đất ơi, thôi mình chết rồi sư phụ ơi, bây giờ cái hội chúng mình tu hành quá trời quá đất bây giờ tự nhiên lòi ra cái bà bầu này là chết tụi con rồi, coi như là mình sẽ lấy cái thúng mà che mặt.

Thì ông Đề-bà-đạt-đa ổng nói: 

– Đuổi! Cái thứ này là dởm, đuổi. 

Trong đây kêu là assamanì có nghĩa là không phải là sa môn nữa, tại vì bà này nữ, samana là sa môn, mà assamani là không có phải nữ sa môn, nghĩa là bà này không còn là Tỳ-khưu-ni nữa, đuổi. 

Thì bả đau quá đi, bả nói từ ngày bả tu bả ngon lành quá mà, không cho bả giải thích gì hết, đuổi bả đi. Khi mà có người mách bả đi đến gặp Đức Phật, thì Đức Phật Ngài biết hết, Ngài nói bây giờ cứ gặp Upàli là Đệ nhất trì Luật, Upàli sẽ giải quyết cho. Ngài Upàli Ngài mới gặp bà Visàkhà, Ngài nói: Bây giờ cái chuyện nữ như thế này nó cũng bất tiện cho ta, thôi bây giờ nàng giúp dùm đi. Thì bà Visàkhà bả mới mời vị Tỳ-khưu-ni này bả nói chuyện riêng, nữ với nữ, bả hỏi vậy chứ đi tu bao lâu, thì bả nghe cái ngày giờ là bả biết: Rồi biết ai là thủ phạm rồi. Thì bả mới trình lên cho Ngài Upàli, Ngài Upàli mới trình lên Đức Phật, với cái lời giải thích cực kỳ hợp lý và thuyết phục, có nghĩa là trong cái đêm cuối trước khi đi tu là bả có này nọ, nhưng mà trong thời gian bả tu bả ok, bây giờ đây chỉ là cái vấn đề gọi là trùng hợp thôi. 

Thế là cái chuyện này nó cũng ầm ĩ một thời, đến tai vua thì vua nghe như vậy đó, vua nói đâu có được, một Tỷ-khưu-ni đúng là trong sạch, nhưng mà trong cái Ni viện mà đâu có nuôi trẻ con được, vua mới xin đứa bé về vua nuôi và vua đặt tên là Kassapa. Khi đứa bé 7 tuổi, vua là đệ tử Phật, vua cứ đi chùa vua dắt theo, và Phật vào hoàng cung, đứa bé thích lắm, thì bữa đó vua thấy đứa bé mến Phật, Đức vua hỏi: Có muốn đi xuất gia với Ngài không? Đứa bé nói muốn, thế là vua cho đi tu.

Ngài cũng tên là Kassapa, bữa nay mình sẽ học về nhiều vị tên là Kassapa lắm, mà trước mắt là mình có 5 Kassapa rồi đó, 5 Kassapa nổi tiếng, còn những Kassapa vô danh là tới một tỷ rưỡi lận, đông lắm. Thì Đức Phật thương, Đức Phật có cái lòng đại bi, Ngài thấy một vị Sư trẻ, Sa di nhỏ mà không cha không mẹ không anh em, mà chiều đói hoặc là sáng nhiều khi đi bát buổi có buổi không vậy đó, Ngài thương, cho nên có nhiều khi có cái gì, Ngài nói với Ngài Anan đem cho Kassapa đi, thì Ngài Anan nói: 

– Bạch Thế Tôn, Kassapa nào? Tới 5 Kassapa lận. 

Thì Đức Phật nói: 

– Kumàra-Kassapa, Kassapa nhỏ nhỏ, Kassapa baby. 

Thì khi Đức Phật nói Kumàra-Kassapa thì cái câu trả lời đó đã trở thành ra là cái tên gọi, trở thành cái ngoại hiệu của vị này. Cho nên từ đó về sau, cái vị mà Kassapa Đệ nhất đầu đà được gọi là Mahà-Kassapa, còn cái vị này được gọi là Kumàra-Kassapa, còn ba vị kia là Gayà-Kassapa, Acela-Kassapa và Uruvela-Kassapa, một lát nữa mình sẽ nói sau. 

Vị này coi như là xuất gia hồi nhỏ rồi học Đạo, rồi cuối cùng rồi cũng đắc Quả, nhưng mà đắc Quả bằng cách nào, cái này mới đặc biệt là bởi vì cái vị này là một trong 7 vị Tỷ-kheo mà kiếp xửa kiếp xưa bắt cái thang mà leo ra cái tảng đá, trong 7 vị đó một vị đắc La-hán, một vị đắc A-na-hàm, còn 5 vị sau là còn phàm đó thì một vị là Bàhiya, bị bò húc, rồi bây giờ cái vị Kumàra Kassapa này cũng là nằm trong cái nhóm đó. Cho nên vị này cứ tu từ hồi 7 tuổi mà tu cà trầy cà trật, cà trầy cà trật mà đến năm 20 tuổi mà cũng chưa có đắc gì hết, thì cái vị Phạm thiên mà bạn cũ hồi xưa ổng cứ hay rà rà ổng coi mấy ông bạn mình giờ ở đâu, ổng nói: À đây đây, cái ông Kumàra Kassapa này nè cũng nằm trong cái nhóm bạn của mình đây, bây giờ ông chưa có tới đâu, chưa có gì hết, bây giờ mình hỗ trợ ổng. 

Cho nên vị Phạm Thiên này mới bèn hiện xuống rồi mới đọc cho vị này nghe một bài kệ nghe rất là kỳ lắm, (các vị vào ở trong Trung Bộ Kinh bài 23 Kinh Gò Mối, tiếng Pali vammika nghĩa là cái gò mối) vị đó mới nói thế này: 

– Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, gò mối này ban đêm phun khói, ban ngày chiếu sáng, rồi một Bà-la-môn nói như sau: Này kẻ trí hãy cầm gươm và đào lên, rồi sẽ thấy ở dưới có một then cửa, rồi vị đó mới kêu đào lên nữa thì sẽ thấy ở đó có một con nhái, lấy thanh gươm đó đào tiếp thì thấy một con đường hai ngã, rồi đào xuống rồi thấy một cái đồ lọc nước, rồi đào xuống nữa thì thấy một con rùa, rào đào xuống thấy một con dao phai, rồi đào xuống thấy một miếng thịt, rồi đào xuống thấy một con rắn hổ, rồi đừng đụng đến con rắn mà hãy quỳ đảnh lễ con rắn đó. 

Các vị nghe kỳ không? Tôi đọc cái câu Kinh mà tôi nghe tôi muốn điên luôn. Thì ông Phạm Thiên mới nói với Ngài, nói là không hiểu thì đi lên hỏi Phật đi. Thì khi ổng đến ổng hỏi Đức Phật, thì Đức Phật mới giải thích, Ngài giải thích cho nghe cái gò mối đó là cái gì, cái gò mối đồng nghĩa với tấm thân bốn đại này, rồi v.v và v.v Nguyên bài Kinh Gò Mối số 23 trong Trung Bộ Kinh, vị này khi mà hỏi Đức Phật xong như vậy đó, thì Đức Phật Ngài mới giải thích cho vị này nghe, rồi vị này cứ theo đó mà tu tập, rồi vị này đắc Quả A-la-hán. 

Bây giờ mình trở lại cái biệt hạnh của vị này, tiếng Pali kêu là cittakathika có nghĩa là người nói chuyện hay là thuyết Pháp mà có hình ảnh minh họa, chữ citta này trong Chú Giải giải thích có nhiều nghĩa lắm, là tâm mà cũng có nghĩa là bức tranh, hình vẽ hoặc cũng có nghĩa là minh họa, ở đây có nghĩa là người có khả năng thuyết Pháp bằng cái hình ảnh minh họa. Sẵn đây cho biết luôn, trong tiếng Ý chữ citta có nghĩa là thành phố, nó giống như city vậy đó. Như vậy thì vị này là sau khi mà được ông Phạm thiên bạn cũ xuống đưa ra một cái đề pháp mang cái ý nghĩa đánh đố, rồi mới đem cái bài đánh đố đó đến hỏi Đức Phật và được Đức Phật giải thích. Từ khi mà có loạt hình ảnh này, vị đó bèn có một cái huệ căn rất là độc đáo, có nghĩa là vô địch về cái chuyện thuyết Pháp bằng hình ảnh minh họa, các vị có thể xem trong Kinh Pàyàsi – Kinh Tệ-túc trong Trường Bộ  số 23 thì sẽ thấy, đọc cái đó mới thấy là Ngài xuất sắc. 

Lúc Thế Tôn thành Đạo Ngài 35 tuổi, mà Thế Tôn thành Đạo một thời gian thì Ngài mới chào đời, bởi vì Thế Tôn thành Đạo xong rồi mới xảy ra chuyện mẹ của Ngài Kassapa này đi tu rồi mới có mang mới sanh ra Ngài, cho nên khi Thế Tôn 80 tuổi thì Ngài còn trẻ không tưởng tượng được, và Kinh Tệ-túc này được giảng khi Thế Tôn đã không còn nữa! Lúc đó Đức Phật níp-bàn rồi. Như vậy điều đó cho thấy rằng đó là không phải đợi đến cái Kinh này thiên hạ mới thấy được cái khả năng trác việt, độc đáo của Ngài, mà thật ra là từ bao nhiêu năm, từ lúc còn trẻ, còn bé cho đến khi mà Thế Tôn viên tịch thì Ngài Kassapa này là coi như chuyên gia thuyết giảng bằng hình ảnh minh họa, có nghĩa là cái chuyện đó nó mù mờ, nó mơ hồ, nó tối nghĩa, nó khó hiểu cỡ nào mà gặp Ngài là Ngài cứ loay hoay loay hoay Ngài tìm cho hình ảnh, mà đây cũng là một trong những cái hạnh mà tôi mê chết bỏ, cái hạnh này đặc biệt giúp người ta nhiều lắm. 

Thì như vậy Ngài coi như là một vị Đại Thánh Tăng mà có cái biệt hạnh đặc biệt, thì sau khi mà Ngài đắc Đạo rồi, trong một cái dịp đặc biệt ở Kỳ Viên trước mặt đại chúng đông đảo, Thế Tôn đã chính thức tuyên dương Ngài là vị Đệ nhất trong cái khả năng thuyết Pháp bằng cái hình ảnh minh họa, mỗi vị Chánh Đẳng Chánh Giác chỉ có một vị đệ tử như thế này mà thôi.

Ngài Mahā Koṭṭhita

Bên Hán Tạng gọi là Câu-hy-la, vị này gọi là Paṭisambhidāpattānaṃ, bây giờ bà con làm ơn vào xem thêm, ở đây sẵn tôi nói luôn cái duyên nào mà mình phải có cái lớp Kinh Tạng này, tại sao? Là bởi vì để mặc tình cho bà con mà đọc Kinh Tạng thì tôi e rằng trong gọi là 100 bà con tôi tìm không ra 10 người chịu khó đọc Kinh Tạng, mà đọc không có giải thích thì chỉ có chết thôi, quý vị biết không, cái thứ ba nữa là mình cùng nhau có mặt trong cái room thế này thì tôi gần như làm cái chuyện đọc sách dùm bà con, chứ còn mà để tự bà con bươi móc là thấy Tết cũng chưa có nữa!

Cho nên là ở đây, bà con vào xem thêm ở trong Bộ Vô ngại giải đạo, bằng tiếng gì thì tùy người, trong đó có giải thích tiếng Anh, tiếng Pali, tiếng Việt có ông Nguyễn Văn Ngân, mà ông này ổng dịch tôi nói nhìn tê tái quá, mình không phải chê nhưng phải nhìn nhận là ổng nấu khó ăn thì mình phải nhăn mặt, phải nói là nó ớn quá ớn đi. Các vị vào trong google trăm năm trong cõi người ta, cái gì không biết thì tra google, đó là câu Kiều, mình vô đó mình đánh chữ Vô ngại giải đạo Nguyễn Văn Ngân, thì trong đó có giải thích thế này: La-hán và Thánh Hữu Học đều có thể đắc Bốn trí vô ngại như nhau. 

Bữa hôm giải thích Bốn trí vô ngại rồi, là Pháp vô ngại, Nghĩa vô ngại, Từ vô ngại và Ứng khẩu vô ngại, đây là 4 khả năng mà không phải Thánh nhân nào cũng có, vì trong Tiểu Bộ Kinh có dạy rõ cái này: có nhiều vị Thánh đắc Đạo xong rồi có thể giải thích, hướng dẫn cho người khác được đắc giống như mình, mà dầu cho người ta không có đắc như mình, nhưng ít ra người ta cũng hiểu được cái mình đã đắc là cái gì. Riêng về một số vị Thánh khác không có khả năng này, các vị đó giống như người câm, một số vị Thánh giống như người câm mà nằm mơ vậy đó, không thể kể lại giấc mơ của mình cho người khác nghe, nghĩa là có nhiều vị thì có thể kể, có nhiều vị thì không, có thể đắc rồi bỏ trong bụng tự biết, tự mình biết riêng mình và ta biết riêng ta, chứ không có thể nào mà xì ra cho biết được hết. 

Cho nên 4 cái khả năng này là chỉ có ở một số vị mà kiếp trước trong cái kiểu tu ba-la-mật mà có quan tâm đến cái chuyện thành tựu 4 cái này, thì sau này mình đắc A-la-hán hoặc là đắc Hữu Học mình mới có thêm 4 cái này, còn ngày xưa mình không có trau dồi, mình chỉ có một lòng cầu giải thoát thôi, thì có thể là mình không có 4 khả năng này. 

Tại sao tôi muốn nói về cuộc đời Ngài Mahā Koṭṭhita mà tôi lại quẹo qua bên đây là sao? Bởi vì vị này được xem là đệ nhất về 4 cái Trí vô ngại, các vị trong room mà nghe cái này các vị sẽ thấy lạ là tại sao những cái bậc mà Đạ̣i Thinh Văn mà đại trí đại tuệ thì tới một tỷ như Ngài Xá-lợi-phất hay là như Ngài Mục-kiền-liên, như Ngài Ca-diếp, như Ngài Ca-chiên-diên, vị nào cũng có cái Tuệ phân tích, Bốn trí vô ngại, mà tại sao cái vị này được xem là đệ nhất là sao? Là bởi vì, bữa hôm mình học rồi, được xem là đệ nhất có 4 điều kiện:

1. Atthuppatti duyên cớ cụ thể ai cũng thấy,

2. Agamana có túc duyên sâu dầy mà liên hệ đến biệt hạnh này,

3. Cinnavasi kiếp này sống hết mình với biệt hạnh đó,

4. Gunatireka có chỗ hơn người trong cái biệt hạnh này.

Phải có 4 cái này cộng lại thì mới sinh đệ nhất, thí dụ như đệ nhất về tài lộc, có nghĩa là vị này phải có một sự kiện nào đó cho mọi người thấy, Đức Phật mới nhân đó mà Ngài mới tuyên dương được, chứ không phải khơi khơi tự nhiên không có chuyện gì hết mà Ngài nói là vị này đệ nhất cái này, vị này đệ nhất cái kia thì kỳ lắm, bà con họ không có tâm phục, khẩu phục, đằng này phải có cái chuyện gì đó để cho người ta thấy, cái đó gọi là atthuppatti phải có duyên sự cụ thể. 

Cái thứ hai là agamana là vị này có cái túc duyên sâu dày có nghĩa là nhiều kiếp đã trau dồi cái này, chớ không phải bữa nay ngẩu nhiên đắc Quả xong rồi thấy hay hay rồi tuyên dương, mà vị này phải nhiều đời nhiều kiếp đã gọi là dùi mài trong cái này, agamana là túc duyên tiền thân. 

Thứ ba là cinnavasi có nghĩa ngay đời hiện tại là vị này cũng phải sống hết mình và tận lực, để mà vùi sâu, gắm chặt ở trong cái chuyện đó. 

Thứ tư gunatireka có nghĩa là ngay trong kiếp này về cái mặt đó là phải có chỗ hơn người. Phải có đủ 4 cái này, chứ không phải khơi khơi.

Pháp vô ngại giải có nghĩa là vị này nghe Phật ngôn là hiểu ngay, nghĩa là nghe Bốn đế, nghe 12 duyên khởi, vừa nghe nói cái tên là hiểu liền, gọi là Pháp vô ngại giải, mà còn có một nghĩa nữa là nhìn cái gì thì biết rằng cái chuyện này nó sẽ dẫn đến cái kết quả ra sao, có nghĩa là Trí hiểu Phật Pháp, hiểu Giáo Lý mà đồng thời cũng là cái Trí về nhân. 

Nghĩa vô ngại giải có nghĩa là nghe nói cái gì là hiểu ý nghĩa ngay, chứ không cần phải giải thích, mà đồng thời cũng có nghĩa là Trí về quả, có nghĩa là nhìn cái chuyện này biết nó từ đâu đến. 

Trí về nhân là nhìn cái này biết nó sẽ dẫn về đâu, dẫn tới cái gì, còn Trí về quả là nhìn cái này biết nó từ đâu đến-nó đến từ đâu. Một cái là dẫn về đâu, một cái là đến từ đâu. Đó là Pháp vô ngại giải và Nghĩa vô ngại giải.

Từ vô ngại giải có nghĩa là vị này thừa mứa khả năng ngôn từ để mà diễn đạt, diễn tả, trình bày cái điều mà mình muốn nói. Cái thừa mứa, bởi vì mình thấy trong đời sống quanh mình, có nhiều người chỉ tìm cái chữ xài là nó đổ mồ hôi tìm không có ra, có kẻ từ ngữ xài không hết, nó nói líu lưỡi luôn, chữ xài không kịp mà nó cứ trào ra, trong khi có người thì kiếm một chữ một cách cực kỳ khó khăn. Thì cái khả năng đó nó cũng quan trọng trong đời sống, muốn làm thơ chữ nghĩa cũng phải nhiều, làm văn chữ nghĩa phải nhiều, mà muốn nói thoải mái thì chữ nghĩa cũng phải nhiều, mà cái Từ vô ngại giải là sao? Là vị này về mặt ngôn từ, dụng ngữ phải nói là không thiếu, vị này hoàn toàn có dư cái dụng ngữ, từ ngữ, câu chữ để mà trình bày diễn giải cái điều mình muốn nói.

Ứng khẩu vô ngại có nghĩa là không có phải vò đầu bứt tóc như là người khác, mà vừa tới là nó bung ra, chạm tới là nó bung ra gọi là paṭibhāna, bản dịch cũ của Tàu là biện, nhưng thật ra theo trong Chú Giải là ứng khẩu, có nghĩa là muốn là nó bật ra liền, chứ không có ngâm nga sáng hỏi chiều trả lời là không phải. 

Bốn Trí này gọi là Bốn Trí Vô Ngại, trong Bộ Paṭisambhidā là Bộ Vô ngại giải có giải thích thế này: Bốn Trí này hơn kém nhau là do nhiều lý do: 

1. Bốn Trí này ở Thánh Hữu Học thì không bằng ở Thánh La-hán, cũng đắc bốn cái này nhưng Tu-đà-hườn không bì được bốn cái này ở ông Tư-đà-hàm, tức là bốn cái này ở tầng Thánh thấp không có bì được với tầng Thánh cao, thí dụ như ông Tư-đà-hàm cũng đắc nhưng mà dĩ nhiên của ông Tư-đà-hàm nó phải ngon lành hơn của ông kia bởi vì ông đắc ở tầng Thánh cao hơn,

2. Ai tu ba-la-mật lâu thì bốn cái này ở người đó nó xuất sắc hơn, có thời gian tu ba-la-mật nữa, thí dụ như có vị tu ba-la-mật 100 ngàn, có vị tu lâu hơn 100 ngàn, có vị tu dưới 100 ngàn. Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thì hạnh tinh tấn hay là hạnh đức tin, hạnh trí tuệ thì tuy lâu mau khác nhau, nhưng khi đắc rồi tất cả Chánh Đẳng Chánh Giác đều bằng nhau, nhưng mà riêng Độc Giác trở xuống thì giữa vị Thánh này với vị Thánh kia có chênh lệch, hai vị Độc Giác có vị nhanh vị chậm, nhưng mà đừng nghe chậm tưởng các Ngài chậm giống mình thì không có đâu, chậm là chậm giữa hai chiếc phi cơ, chớ không phải là mình nghe chậm mình tưởng chà chắc cũng cỡ với xe lam xe đạp của mình, thì không phải, chậm là chậm của hai chiếc phi cơ, chậm là chậm giữa tốc độ của hai chiếc hỏa tiển, chớ không phải là chậm kiểu như mình chạy xe đạp, nghe nói cái chiếc kia chậm thì chà chắc chậm cỡ mình 8 cây số một giờ! Cho nên là ở vị Chánh Đẳng Chánh Giác dầu là hạnh tinh tấn, đức tin, trí tuệ gì đi nữa, đắc rồi là mọi thứ giống nhau một trăm phần trăm, nên các Ngài được gọi là Như Lai, đã đến và đã đi y chang như nhau không khác nhau 1gr nào hết! Nhưng mà riêng các vị từ Độc Giác trở xuống thì có điểm khác, có vị thì nhanh, có vị thì chậm, có vị sâu, có vị hơi cạn hơn kia chút, có người rộng có người hẹp hơn người kia một chút. 

Thì ở đây Bốn trí này ở tầng Thánh thấp không bì được ở tầng Thánh cao, ở người ba-la-mật mà ít không có bằng người ba-la-mật nhiều , nhiều ở đây nghĩa là lâu hơn,

3. Rồi cái thứ ba nữa là ở cái vị nào đắc rồi mà dành thời gian thường xuyên dồi mài nhiều thì Bốn trí vô ngại sẽ sắc bén ngon lành xuất sắc hơn cái vị đắc rồi bỏ đó.

Ngài Mahā Koṭṭhita cũng tu 100 ngàn đại kiếp như bao nhiêu vị khác, và hạnh của Ngài là sở trường về Bốn trí vô ngại, là sao? Có nghĩa là từ khi mà Ngài đắc xong thì Ngài dành rất là nhiều thời giờ trong cả cuộc đời, thay vì người ta là đi nhập Định, đi du hành chỗ này chỗ kia thuyết Pháp, ẩn cư rừng sâu núi thẩm, nhưng mà riêng Ngài thì Ngài rất là đặc biệt hoan hỷ trong cái chuyện mà gặp gỡ học hỏi với các huynh đệ hơn, bằng hoặc kém Ngài và nhất là Ngài dành rất là nhiều thời giờ học với Đức Phật. Cho nên về bốn cái này của Ngài thì có chỗ hơn Ngài Xá-lợi-phất, hơn là hơn vậy thôi, hơn ở đây có nghĩa là Ngài trí tuệ không bằng, nhưng mà phải nói là bốn cái này Ngài dành rất là nhiều thời gian cho bốn cái này, thì cái chỗ đó được gọi là số một, có nghĩa là không ai trong hàng Thanh Văn bì được Ngài, ngay cả Ngài Xá-lợi-phất cũng còn dành thời giờ để đi thuyết Pháp, dành thời giờ để nhập Định v.v, còn Ngài Mahā Koṭṭhita thì dùng thời giờ để mà Ngài đi học hỏi, trau dồi thì nhiều hơn các vị khác. Cũng giống như hôm qua mình học về một vị mà đệ nhất về trú thiền, thì khả năng thần thông thì không bằng Ngài Mục-kiền-liên, nhưng khả năng trú thiền, nghĩa là thời gian nhập định của Ngài rất là nhiều, nhiều đến mức mà Ngài được xem là số một. Trong số những vị mà đắc thiền thì Ngài là vị trú thiền, nhập thiền, nhập định nhiều nhất, nhiều hơn cả Thế Tôn nữa, cho nên trong trường hợp đó được gọi là Đệ nhất về trú thiền. Còn vị này Đệ nhất trong Bốn trí vô ngại, tức là dành thời giờ để mà trau dồi, trao đổi với thầy bạn về bốn cái này nhiều hơn bất cứ vị Thinh văn nào, cho nên Ngài cũng được gọi là Đệ nhất. Các vị vào ở trong Trung Bộ Kinh, tìm bài 43 Kinh Đại Phương Quảng, thì sau khi mà diễn ra cái cuộc gặp gỡ đó với Ngài Xá-lợi-phất, thì Ngài được Đức Phật tuyên dương là Đệ nhất về trí vô ngại. 

Các vị thấy chưa, khi mình có cái lớp học như vầy, bữa nay tôi giảng về đời của mấy vị Thánh mà tôi phải trích dẫn liên tục và liên tục các Kinh, chứ nếu mà để cho các vị tự đọc thì tôi nghĩ khó lắm! Đây là lý do tại sao chúng ta phải có cái lớp học này. 

Thì từ bài Kinh Đại Phương Quảng này trở đi thì Ngài được Đức Phật tuyên dương là Đệ nhất về trí vô ngại.

Bốn trí vô ngại này nó có giá trị vô cùng quan trọng ở trong cái Chánh Pháp nói chung, là bởi vì quý vị thử tưởng tượng bao nhiêu cái gọi là văn hóa, văn minh trên thế giới hôm nay mà chúng ta đang thừa hưởng, đang chứng kiến, thì tất cả những cái văn hóa, văn minh ấy có phải là cái thành tựu mà chúng ta có được từ người khác hay không? Tự hỏi lòng mình đi, những gì mà chúng ta đang độ thụ hưởng hôm nay, đang kế thừa hôm nay về cái văn hóa, văn minh của nhân loại, thì có phải là từ người khác để lại, trao lại cho chúng ta hay không? Chắc chắn rồi! Mà khổ một nỗi nếu mà những người ấy có ý tưởng, có sáng kiến, nhưng mà họ không có khả năng trao truyền lại thì hôm nay chúng ta có được cái gì? Tôi ví dụ, nếu không có cụ Nguyễn Du thì làm gì ta có truyện Kiều, làm gì ta có Nguyễn Bính, làm gì ta có Phạm Thiên Thư? Không có sự trao truyền của các nhà khoa học, thì hôm nay chúng ta làm sao mà có được một cái thế giới coi như văn minh mà mình đang sống ở đây, là ở đâu? Cũng là do sự trao truyền của tiền nhân của các thế hệ trước. 

Như vậy thì ngoài cái chuyện mà mỗi người thành tựu được cái gì đó là một vấn đề, nhưng cái chuyện thứ hai đó là mình có thể trao truyền cái thành tựu của mình cho người khác, cái khả năng đó lại cũng gọi là quan trọng không kém! Thì Bốn trí vô ngại này chính là cái khả năng trao truyền cho người khác. Bởi vì sanh ra trong đời này chúng ta chỉ có hai việc để làm thôi, đó là tiếp nhận di sản của tiền nhân và truyền thừa cái di sản ấy cho lớp người sau, gọi là tiếp nhận của tiền nhân mà truyền thừa cho hậu tấn. Tôi cố ý nói rộng chỗ này để cho bà con thấy Bốn trí vô ngại nó quan trọng cỡ nào. Có khả năng hiểu, có khả năng trình bày vấn đề cho người khác, đây là khả năng rất là đặc biệt, mặc dù trong Chú Giải chỉ dành cho một đoạn rất là ngắn để nói về vị này thôi, rất là ngắn nhưng mà chúng ta phải thấy cái tầm quan trọng của Bốn trí vô ngại, tôi nhắc lại chúng ta mang thân người chúng ta chỉ có hai việc để làm, là tiếp nhận, là kế thừa cái hay của tiền nhân và sau đó là truyền thụ, chuyển tại lại cái hay đó cho kẻ đến sau, mà Bốn trí vô ngại chính là cái khả năng truyền thụ cho người sau! 

Ngài Anan

Nếu mà mình chỉ biết đọc sách như một em bé thì cái chuyện về Ngài Anan chẳng có gì đặc biệt, có nghĩa là Ngài là người hầu cận của Đức Phật như là bao nhiêu vị Thị giả của chư Phật quá khứ và vị lai, chỉ vậy thôi, có gì đâu mà ghê gớm. Nhưng mà không, hiểu như vậy thì nghèo lắm, mà chúng ta phải nhớ cái này: Bất cứ một người hay một vật, một sự cố, sự kiện nào trên đời này mà nó muốn tồn tại, nó muốn hiện hữu thì nó phải luôn luôn cần đến vô số cái điều kiện trợ duyên. Cái này mới quan trọng: Bất cứ một cái sự tồn tại, sự hiện hữu, sự có mặt của người nào, vật nào, sự kiện nào, sự cố nào trên đời nó cũng luôn luôn cần đến sự hỗ trợ, sự trợ duyên của vô số điều kiện. 

Cái sự ra đời và thời gian trụ thế độ sinh của một vị Chánh Đẳng Chánh Giác cũng vậy, Ngài không thể một mình mà Ngài làm hết, không thể một mình mà Ngài có được cái Phật Quả đâu quý vị, không thể đâu quý vị à, không có nha. Vị Phật nào cũng phải có người chịu làm Da-du, làm Rāhula, vị Phật nào cũng phải có thân quyến hỗ trợ nhiều đời nhiều kiếp, chứ không thể một mình, cho nên cái Phật Quả lúc mà Ngài hành ba-la-mật, thì cái ba-la-mật của vị Chánh Đẳng Chánh Giác hướng đến ba cái lợi ích sau đây:

1. Nhắm đến Phật Quả của mình sau này,

2. Nhắm đến sự đền đáp ơn nghĩa cho những quyến thuộc đã hộ trì, hỗ trợ mình nhiều đời, nhiều kiếp,

3. Nhắm đến vô lượng chúng sinh.

Nhớ cái này quan trọng lắm, một cái hành động mà tu tập ba-la-mật của Bồ Tát Cháng Đẳng Giác nhắm tới 3 cái này: một là cho Phật Đạo của chính mình, hai là để đền ơn, đáp nghĩa cho những người hỗ trợ mình trong vô số kiếp huân tu ba-la-mật, và cái thứ ba là nhắm đến vô lượng chúng sanh sẽ nhờ cậy mình sau này. Tức là mình rồi thân thuộc rồi thứ ba là chúng sinh.

Thì Ngài Ānanda tức là vị Thị giả là một trong những cái điều kiện cực kỳ quan trọng. Cách đây 100 ngàn đại kiếp Ngài từng là một vị Hoàng tử vào chùa nhìn thấy một vị Tỷ-kheo Thị giả của Đức Phật Padumuttara, vị này có thần thông, Ngài Anan thì không có thần thông, nhưng vị Thị giả kia thì có thần thông, vị kia lo lắng chu tất, chu toàn mọi sự Đức Thế Tôn Padumuttara, coi như là chỉ đưa mắt nhìn thôi là vị kia biết Thế Tôn cần gì, muốn gì, từng cái ánh mắt, từng cái cử chỉ lớn nhỏ cũa Đức Phật thì đều được vị đó ghi nhận và hiểu ý một cách tinh tường, chính xác, kịp thời, mà thiên hạ nhìn vào phải tâm phục, khẩu phục, có nghĩa là không ai hiểu được Chánh Đẳng Chánh Giác từng ly từng tý như là vị Thị giả kịp thời đáp ứng. Và có những việc mà không tiện cho vị A-la-hán, nhưng mà vị Tu-đà-hườn thì có thể làm được, rất là nhiều chuyện như vậy. Cho nên Ngài Anan Ngài thấy Ngài thích quá, Ngài mới làm phước cúng dường cho Đức Phật và chư Tăng rồi Ngài mới nguyện là: 

– Xin cho con một kiếp lai sinh xa xôi nào đó trong đời một vị Phật tương lai nào đó, con cũng sẽ trở thành một vị Đệ nhất Thị giả như vậy, một vị đệ nhất hầu cận như vậy. 

Thì công viên, quả mãn sau 100 ngàn đại kiếp tu tập, thì đến cái đời cuối cùng, Ngài gặp được Bồ Tát Thích Ca Mâu Ni trong cái thân cuối đó là Vessantara, trong cái thân đó Bồ Tát Vessantara trước khi sanh về Đâu-suất mà chờ chư Thiên thỉnh giáng sinh, thì Bồ Tát Thích Ca có trải qua một kiếp cuối cùng ở cõi người đó là cái kiếp làm Hoàng tử Vessantara, cái kiếp đó mới vừa được 7 tuổi là Ngài đã phát nguyện ai cần gì thì Ta sẽ cho theo khả năng Ta có, mắt, móc mắt Ta cũng móc, cần thịt, cần da, cần gân, cần xương, cần gì Ta cũng cho. Tự nhiên vị Bồ Tát sắp thành khiến cho Ngài 7 tuổi mà Ngài có một cái tâm tư kỳ lạ như vậy, 7 tuổi mà dám nói rằng ai cần mắt, ai cần tim, ai cần gan, ai cần tay chân, máu, thịt Ta cho sạch sành sanh! Thì ngay trong kiếp đó thì Ngài Anan cũng có mặt bên cạnh Bồ Tát để hỗ trợ cho Bồ Tát tu tập. Thí dụ như có nhiều kiếp lắm chứ không phải kiếp đó không, Bồ Tát vô rừng mà làm Đạo sĩ thì Anan đi theo để làm Thị giả, rồi Bồ Tát làm vua thì Ngài làm tướng, làm thừa tướng, cận thần, Ngài kế bên để mà chăm sóc, nhiều lần và rất nhiều lần Bồ Tát thực hành những cái đại sự nhân duyên là cũng có Ngài Anan kế bên hỗ trợ. 

Chúng ta thấy Lưu Bị cũng phải có Khổng Minh, thí dụ như vậy, rồi cũng phải có Ngũ hổ tướng, rồi mình thấy ngay cả Khổng tử cũng phải có Thất thập nhị hiền, Chúa Jesus cũng có 12 Thánh tông đồ, nói chung là mình thấy ở đâu cũng phải có những bậc đại nhân làm đại sự thì cũng phải có cái người hỗ trợ, người trợ duyên.

Thì trong trường hợp của Đức Phật mình thì Ngài Anan là một nhân vật như vậy, vừa là đệ tử, vừa là người bạn đường, vừa là cái người bạn cộng sự, một cộng sự viên, một người hợp tác để mà hỗ trợ cho Bồ Tát. Thì đến đời cuối cùng sau khi gặp nhau ở cái kiếp Vessantara rồi thì Đức Bồ Tát sanh về Đâu-suất để mà chờ nhân duyên đến mới giáng sinh xuống trần để làm Đức Phật Tổ, thì lúc đó Ngài Anan cũng ở trên Đâu-suất. Rồi khi Bồ tát hứa với chư Thiên Ngài giáng sinh, thì ngay cái ngày mà Bồ Tát nhập thai vào bụng của bà Maya thì cũng trong cái ngày đó Ngài Anan cũng sanh xuống trong dòng Thích Ca, sanh vô bụng của hoàng hậu vợ vua Amitodāna Thiên Phạn, amita đây có nghĩa là chư Thiên, bên đây Bồ Tát sanh vô làm con của vua Suddhodana Tịnh Phạn, đều là trong dòng Thích ca. 

Rồi thì khi mà Bồ Tát Tất Đạt và Ngài Anan lớn lên chung nhau, từ bé là vui chơi chung với nhau, lớn lên đến tuổi mà cập kê lập gia đình thì chính là Ngài Anan cũng nằm trong số những cái vị gọi là hoàng thân mà thi đấu võ nghệ, kiếm cung, thương đao với Thái tử Tất Đạt, tại sao phải thi? Là bởi vì người ta muốn tìm ra một nhân điển thích hợp để mà xác định được cái tài văn võ của Thái tử Tất Đạt, mà ai là cái người mà, bởi vì vua Suppabuddha Thiện Giác là cha ruột của bà Da-du, ổng chỉ chấp nhận gã con cho cái người gọi là văn võ toàn tài thôi, mà cái người mà có thể giúp cho Bồ tát thể hiện cái khả năng trác việt, xuất chúng của mình là ai đây? Là phải là những vị hoàng thân mà kiệt xuất, đó là ai? Trong đó có Ngài Anan, Ngài Anuruddha, Ngài Bhaddiya, Ngài Kimbila và kể cả ông Đề-bà-đạt-đa, mặc dù người ta tỷ thí để lấy chị của mình nhưng ông Đề-bà-đạt-đa cũng phải có mặt để mà hạ gục những cái kẻ bất tài vô tướng vô đức vô năng. 

Khi Đức Phật thành Đạo rồi Ngài trở về thì có 6 người trong hoàng tộc đi xuất gia thì cũng có Ngài Anan trong đó, Ngài đi tu một lượt với ông Đề-bà-đạt-đa, với Ngài Upāli. Thế Tôn thành đạo năm 35 tuổi, thì 2 năm sau là 37 tuổi, lúc đó Ngài Anan cũng 37 tuổi và cứ như vậy Ngài đi xuất gia xong rồi thì có lúc đi gần Đức Phật, có lúc ở xa Đức Phật, không phải luôn luôn bên cạnh Phật, rồi cứ như vậy từ năm 37 cho đến năm Đức Thế Tôn 55 tuổi, thì trong suốt thời gian đó Đức Thế Tôn đã trải qua rất là nhiều đời Thị giả.

Tena kho pana samayena lúc bấy giờ bhagavato paṭhamabodhiyaṃ Đức Thế Tôn khi mới vừa giác ngộ vīsati vassāni hai mươi năm đầu tiên anibaddhā upaṭṭhākā ahesuṃ không có Thị giả liên tục đi theo cùng, anibaddha không liên tục tức là lúc có lúc không, có lúc thì Ngài Nāgasamāla, có lúc thì Ngài Nāgita, có lúc thì Ngài Upavāna, có lúc thì ông Sunakkhatta, có lúc thì Ngài Cūnda, có lúc thì Ngài Sāgata, có lúc thì ông Rādha, có lúc thì ông Meghiya, tổng cộng lại là 8 Thị giả, trong room này nếu vị nào mà muốn trở thành Đa văn tạng Bồ Tát thì nên ghi nhớ mấy cái này, bởi vì thế nào có lúc mình cần mấy kiến thức này, có nghĩa là trong 20 năm đầu tiên khi mới thành Đạo, Thế Tôn không có Thị giả chính thức, mà phải liên tục nhờ đến 8 vị này, có lúc thì vị này, có lúc vị kia, mà trong Chú Giải kể cái đoạn này còn đau thương nữa, có nghĩa là trong 8 vị đó, có những vị đối với Thế Tôn rất là bạc, bạc là sao? Là đang đi chung như vậy thì tự nhiên hứng xin được tách riêng, xin Thế Tôn đi một mình đi, con sẽ đi về cái chỗ con muốn, rồi Đức Thế Tôn mới nói là: 

– Ta chỉ có một mình, đừng có đi như vậy, khi có vị khác đến thì hãy đi. 

Thì vị đó nói: 

– Nếu Thế Tôn không cho phép thì con để cái bình bát Thế Tôn ở giữa đường nè, con đi à!

Các vị trong room có tin chuyện đó không? Đức Thế Tôn đã lên tiếng Như Lai chỉ có một mình thôi, chờ có người khác cầm bình bát, thì muốn đi đâu thì đi, thì vị đó trả lời: Con đang cần đi, con không có chờ được, thôi con để bình bát Thế Tôn ở đây, rồi cứ vậy rồi bỏ đó mà đi, mà tám vị này là sau này là thành thứ dữ không đó, A-la-hán hết, trong đây chỉ có ông Sunakkhatta là dởm thôi, có nghĩa là sau này là ổng chết rồi ổng bị đọa. Ngày xưa ổng cũng nghe thuyết Pháp, có đức tin đi tu, rồi cũng đắc thiền, cũng có thiên nhãn, nhưng mà ổng tức ở chỗ là thấy chư Thiên lép nhép, lép nhép mà ổng không nghe chư Thiên nói gì hết, bởi vì ổng không có đắc thiên nhĩ được, vì kiếp trước ổng đã từng làm chết một vị Phật Độc Giác bằng cách là ổng búng một viên sạn xuyên qua lổ tai của vị Phật Độc Giác, nói cho nó dễ tin một chút, ổng từng giết một vị Phật Độc Giác bằng cách là ổng tấn công vô cái lổ tai của Ngài, vào tử huyệt lổ tai của Ngài, cho nên đời đời ổng sanh ra là ổng bị điếc, rồi đến cái kiếp cuối cùng khi mà ổng gặp được Đức Phật mình thì ổng cũng bị cái quả là ổng không luyện được cái thiên nhĩ, rồi ổng tức lắm, ổng mới vô ổng gặp Đức Phật, ổng trách ổng nói:

–  Tại sao con không có luyện thiên nhĩ được, mà Thế Tôn có khả năng đó hay không? 

Đức Phật nói:

– Ta có khả năng đó, nhưng mà ngươi thì không thể làm được chuyện đó như bao nhiêu đệ tử khác. 

Ổng nói:

–  Nếu mà Thế Tôn không dạy cho con là con hoàn tục.

Đức Thế Tôn nói:

– Ngày xưa khi ngươi đến đây Như Lai không có hứa là sẽ dạy cho ngươi cái thiên nhĩ thông. 

Thì ổng nghe vậy ổng tức quá ổng hoàn tục luôn, rồi ổng trở về ổng gặp ông thầy cũ của ổng, chuyện dài lắm, mà cái này là trong Chú Giải Trường Bộ Kinh Sumangalavilāsinī, trong Chú Giải kể như vậy, chuyện đại khái là ổng bất mãn Thế Tôn rồi cuối cùng thì ổng đi theo ông thầy ổng, rồi ông thầy ổng gặp được mặt ổng mấy bữa rồi ông thầy ổng chết, mà trước khi ông thầy ổng chết thì ông Sunakkhatta này có nghe Thế Tôn tiên đoán thầy của ngươi trong vòng 7 hôm nữa sẽ chết, trong vòng thời gian đó ông thầy ổng biết rằng Đức Phật nói không bao giờ sai, cho nên ổng tìm đủ cách để mà ổng giữ cái mạng cho Đức Phật nói sai, ổng nghĩ là do mình cẩn thận sinh hoạt ăn uống trong vòng 7 ngày làm sao mình chết được, lâu thì mình giữ không nỗi chứ 7 ngày mà làm sao mà giữ không được, ổng kiêng khem không dám ăn uống, đến ngày thứ 7 ổng đói quá ổng ăn vô cái ổng bị bội thực ổng chết, ổng chết đúng như lời Ngài, rồi ổng chết ổng sanh làm một cái loài A-tu-la tên là Kālakañcikā, mà ở bên ngoài cái thái dương hệ của chúng ta, cái chuyện này nó hơi phong thần, lỡ thì kể luôn chứ bà con tin hay không thì tùy, chứ làm sao tôi làm khác được. Thì ông thầy đó sau khi mà ổng chết rồi ổng sanh làm một cái loài A-tu-la mà tên là Kālakañcikā nó cao tới 11 cây số chiều cao, tức là 3 gavutas, 4 gavutas là 1 do tuần mà ổng cao 3 gavutas tức là 3 phần tư do tuần, cao như vậy mà cái cổ ổng nhỏ xíu như sợi chỉ vậy cho bên suốt đời ổng chỉ khát nước thôi, khủng long nó nặng 3 chục tấn mà cái cổ của nó bằng cái bắp vế của người lớn mình cho nên nó ăn cả đời, còn cái ông này ổng cao 10 cây số mà cái cổ như sợi chỉ cho nên ổng uống nước hoài nó không có đã khát! Thì Đức Phật mới dùng thần thông đem cái ông thầy đó về cho Sunakkhatta tận mắt nhìn thấy, và trước mặt Sunakkhatta Ngài mới hỏi:

– Ngươi có phải là thầy cũ của Sunakkhatta hay không? 

Thì ổng xác nhận:

– Đúng, ta là thầy của con đây, tại ta tào lao bí đao cho nên bây giờ ta sanh làm cái loài này đây.

Xong rồi Đức Phật mới dùng thần thông đem trả ổng về lại chỗ cũ, chớ ổng không có tự đi được, mình sinh ra cái duyên nghiệp nó cho mình thích hợp ở chỗ nào thì mình không có đi qua chỗ khác, cho nên Ngài phải đem ổng từ một cái thái dương hệ này sang cái thái dương hệ khác, Ngài trả ổng về chỗ cũ.

Thì ông Sunakkhatta này có cái cuộc đời như vậy đó, cho nên là đời Thế Tôn 20 năm đầu không Thị giả, khi mà Đức Thế Tôn được 55 tuổi trong một Pháp hội, Đức Phật Ngài mới nói với chư Tăng:

– Bây giờ Như Lai lớn tuổi rồi, Như Lai cần có vị Thị giả chính thức, chứ không phải là lúc lặng, lúc mọc, lúc có, lúc không, cũng vất vã cho Như Lai.

Thì Ngài Xá-lợi-phất Ngài mới xin, Ngài nói:

– Con xin đi theo hầu Thế Tôn.

Đức Phật Ngài nói:

– Khi mà người như Xá-lợi-phất mà đi theo Như Lai sẽ là một cái thiệt thòi cho chúng sinh, bởi vì hai người mình có thể đem lại lợi lạc cho biết bao nhiêu chúng sanh, bây giờ mình dồn lại thành một có nghĩa là mình có thể thay vì cùng lúc đi hai nơi, mà bây giờ mình hai người đi có một nơi thôi. 

Thì Ngài từ chối, Ngài Mục-kiền-liên xin Đức Phật, Đức Phật cũng nói y hệt như vậy:

– Ta và Mục-kiền-liên đi chung như vậy thì chỉ là mất mác thiệt thòi cho chúng sinh thôi, thay vì hai người mình đi hai nơi, thì mình chỉ còn đi được có một nơi thôi.

Cho nên là cuối cùng thì chư Tăng ai cũng xin mà Đức Phật đều từ chối.

Trong đây có câu chuyện là Ekadā pana bhagavā meghiyattherena pācīnavaṃse migadāye jantugāmaṃ agamāsi. Tatrāpi meghiyo jantugāme piṇḍāya caritvā nadītīre pāsādikaṃ ambavanaṃ disvā Có một lần đó lúc mà chưa được 55 tuổi Đức Phật Ngài đi chung với Ngài Meghiya đi ngang một cái vườn xoài đẹp lắm, thì Ngài Meghiya mới xin Đức Phật cho Ngài vô trong đó, thì Đức Phật Ngài nói:

– Thôi, Như Lai đang một mình đừng có để Ta một mình, hãy chờ lúc khác mới tính.

Thì vị này nghe như vậy vị này không có chịu, xin 3 lần rồi vị này mới là đem cái bình bát của Đức Phật để đại trên con đường vậy đó! rồi vị này mới đi vô cái vườn xoài đó hành thiền. Thì trong Chú Giải bên Tương Ưng mới nói thêm tại sao Ngài Meghiya này Ngài mê cái vườn xoài đó đến cái mức mà coi như là mê mẫn tàn tịt mà đến mức Ngài không có kể đến Đức Thế Tôn là tại sao? Là bởi vì chúng ta trong cái room này cũng vậy thôi, có nhiều lúc trong đời chúng ta tự nhiên chúng ta thích một cái chỗ nào đó, một cái vật gì đó, một cái người nào đó mà đến cái mức cuồng điên si dại, các vị biết không! Thì Ngài Meghiya kiếp xưa Ngài từng là ông vua ở ngay cái khu vườn xoài này và suốt 500 kiếp Ngài cứ chết đi sanh lại cũng ở tại cái vùng này, cho nên hôm nay Ngài vừa nhìn thấy cái vườn xoài đó là Ngài cưỡng lại không có được! Cho nên là Ngài bằng mọi giá Ngài mới đi cho bằng được, Thị giả như vậy là chết rồi! Thị giả là phải xem Thế Tôn là số một chứ làm sao mà xem cái ý thích của mình là số một được? Thế là Ngài bỏ đại đó Ngài đi. 

Bây giờ khi Thế Tôn 55 tuổi rồi khi Ngài nói như vậy xong thì chư Tăng mới xin được làm thị giả thì Đức Phật từ chối hết, thì trong đó có mình Ngài Anan Ngài im lặng thì mấy vị Tỷ-kheo khác nói:

– Bây giờ ai cũng xin nhưng Thế Tôn đều từ chối, thôi bây giờ chắc là ý Thế Tôn chọn Hiền giả đó, thôi Hiền giả xin đi.

Thì Ngài Anan mới quỳ xuống Ngài mới xin Thế Tôn cho Ngài được làm Thị giả với cái điều kiện gọi là cattāro paṭikkhepā catasso ca āyācana Ngài xin Thế Tôn 4 chữ đừng là paṭikkhepa và 4 chữ hãy là āyācana. Bốn chữ đừng là:

1. đừng có cho Anan Y đẹp Y xịn Y tốt paṇītaṃ cīvaraṃ na dassati, 

2. đừng có cho Anan cái đồ ăn ngon piṇḍapātaṃ na dassati, 

3. đừng có cho Anan ở chung cái hương thất một phòng, một cốc ekaghandhakuṭiyaṃ vasituṃ na dassati, 

4. đừng có dắt Anan tới những chỗ mà người ta chỉ mời riêng một mình Thế Tôn nimantanaṃ gahetvā na gamissati, evāhaṃ nếu mà được như vậy đó thì Bhagavantaṃ upaṭṭhahissāmī con sẽ hầu cận Thế Tôn.

Rồi Thế Tôn mới hỏi vì sao mà Anan xin mấy cái này? Thì Ngài Anan nói:

– Bạch Thế Tôn, nếu mà con không xin bốn cái này người ta sẽ nói rằng con đi theo Thế Tôn là vì để được cái này được cái kia.

Đó là bốn cái đừng, tiếp theo Ngài xin Thế Tôn bốn cái hãy:

1. hãy tới sace, bhante, bhagavā mayā gahitanimantanaṃ gamissati cái chỗ nào mà người ta mời riêng con thì con cũng xin tùy duyên mà thỉnh Thế Tôn đi tới chỗ đó,

2. sacāhaṃ tiroraṭṭhā tirojanapadā bhagavantaṃ daṭṭhuṃ āgataṃ parisaṃ āgatakkhaṇeyeva bhagavantaṃ dassetuṃ lacchāmi con có quyền sắp xếp giờ giấc để cho Tứ chúng muôn phương về hầu Thế Tôn, con có cái quyền đó, con có quyền sắp xếp giờ giấc gặp gỡ,

3. yadā me kaṇkhā uppajjati, tasmiṃyeva khaṇe bhagavantaṃ upasaṅkamituṃ lacchāmi khi mà con có cái gì thắc mắc thì con xin phép Thế Tôn trước, là con có quyền hỏi,

4. tathā yaṃ bhagavā mayhaṃ parammukhe là vắng mặt, sammukhe là có mặt, là trực diện, là hiện tiền, còn parammukhe là vắng mặt, là khiếm diện, dhammaṃ deseti, taṃ āgantvā mayhaṃ kathessati khi nào mà Thế Tôn thuyết Pháp ở những chỗ mà không có mặt con thì sau đó xin Thế Tôn về kể lại cho con nghe, evāhaṃ bhagavantaṃ upaṭṭhahissāmi nếu được vậy thì con xin được hầu hạ Thế Tôn.

Tất cả là bốn điều, tổng cộng lại là tám, bốn điều đừng và bốn điều hãy.

Thì Đức Thế Tôn đồng ý, rồi thì kể từ đó Ngài đi theo Thế Tôn như bóng với hình, trong Kinh nói một đêm như vậy là Ngài Anan đi vòng quanh cốc Đức Thế Tôn 9 lần, Ngài cầm cái cây đuốc Ngài đi vòng quanh như vậy để xem coi có cái chuyện gì cần phải làm cho Thế Tôn hay không. Và Đức Phật dạy rằng giống như trong một cái dấu chân con bò không thể nào có một cái khối nước mà nó lớn như đại dương, cũng vậy trong cái đầu óc bình thường, trong cái khả năng cường ký cái trí nhớ bình thường của mỗi người bình thường thì không ai có được cái sức nhớ như Anan. Trong cái dấu chân con bò thì không thể nào có một cái khối nước như đại dương, trong một đầu óc của người bình thường không thể nào có một sức nhớ hoành tráng đáng nễ như là cái sức nhớ của Ngài Anan, có nghĩa là những gì Ngài Anan nghe một lần thì không cần hỏi lại, và cứ như thế mà nhớ cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, cứ mà nhớ, nhớ hết không sót cái gì hết. 

Ngài Anan có bốn Như ý đức của một vị Chuyển luân thánh vương, là sao? Có nghĩa là khi mà người ta gặp mặt Ngài người ta vui, mà chưa gặp mặt Ngài người ta trông ngóng gặp cho bằng được, khi gặp mặt Ngài rồi Ngài nói chuyện người ta nghe cũng thích, mà người ta ngồi người ta nhìn Ngài người ta cũng đã thấy thương. Trong Kinh nói bốn cái này chỉ có vua Chuyển luân vương hoặc Chánh Đẳng Chánh Giác mới có thôi, nhưng Ngài Anan lại có mới ghê chứ! 

Và trong vô số kiếp sanh tử là Ngài từng nhiều lần chết cho Bồ Tát, đến kiếp cuối cùng gặp Phật thì Ngài cũng sẵn sàng chết cho Thế Tôn. Các vị biết rồi trong cái lần mà con voi Nālāgiri mà tấn công Thế Tôn, lúc đó là bị phục rượu cho say, Ngài Anan là vị Tu-đà-hườn biết chớ, biết là không có ai mà có thể tấn công Thế Tôn được, nhưng mà cái phản xạ tự nhiên là khi thấy con voi từ xa nó phóng tới thì cái phản xạ tự nhiên là Ngài đứng phía trước Đức Phật để cho con voi nó làm thịt mình đi, chứ đừng có xăm phạm đến Thế Tôn, thì Đức Thế Tôn mới nói:

– Anan, bước ra phía sau.

Đức Phật nói ba lần như vậy, thì Ngài Anan vẫn đứng đó, Đức Phật dùng thần thông dẹp Ngài Anan ra phía sau, tức là Ngài Anan chưa có bước đi được cái gì hết là thấy mình đã đứng sau lưng Đức Phật rồi. Đức Phật dùng thần thông dời Ngài Anan ra phía sau và con voi Nālāgiri chạy cắm thẳng tới chỗ Ngài, thì cách Ngài khoảng trong Kinh nói 16 karīsas, thì cái sức mạnh Từ Bi của Đức Thế Tôn làm cho toàn bộ sự căng thẳng trong cái đầu, trong cái não của nó là lắng dịu xuống, nó cảm nhận được một cái sự mát lạnh toàn thân, và nó nhìn Đức Phật là nó nhìn giống như voi con mà đi lạc mẹ vậy đó! Đặc biệt như vậy, nó cảm nhận một sự mát lạnh và chính cái sự mát lạnh đó nó làm cho toàn cái thân, toàn cái sự căng thẳng của cơn điên nó lắng xuống ngay lập tức và nó nhìn Đức Phật bằng cái nhìn, bằng cái cảm tình của con voi con mà bị lạc mẹ mà chiều nay lại gặp mẹ. Thì lúc đó, Đức Phật chỉ nói một câu thôi:

– Voi chúa không hại Voi chúa, ngươi sẽ là một vị Phật tương lai, mà Như Lai lại là vị Phật hiện tại, không thể có sự tấn công của hai nhân vật như vậy! 

Và kể từ khi mà Ngài xác nhận như vậy rồi thì từ đó về sau ai cũng biết con voi đó chính là một vị Phật tương lai Nālāgiri, và lúc đó con voi được gọi tên là Nālāgiri là ngọn đồi lau.

 Đây là một trong những cái tên thơ mộng nhất mà tôi yêu trong Kinh điển Pāḷi, Bāhiya là người phương ngoại, còn Nālāgiri là ngọn đồi lau, ngọn đồi mà những cây lau, vì sao mà nó to như một ngọn đồi, nó to quá thì người ta gọi đó là ngọn đồi, chứ còn đâu có con voi nào mà bự như ngọn đồi, nhưng tại nó to quá nên người ta kêu nó là ngọn đồi! Còn trên đó có mấy cọng lông mọc thưa thưa thì nhìn y như là ngọn đồi lau vậy, cho nên Nālāgiri là, nếu mà tôi có một Đạo tràng, tôi sẽ sẵn sàng gọi cái Đạo tràng đó là Nālāgiri, là ngọn đồi lau, nghe rất là dễ thương.

Thì con voi này chính là một trong mười vị Phật tương lai, dĩ nhiên Phật tương lai thì nhiều lắm, nhưng mười vị mà gần mình nhất thì trong đó có voi Nālāgiri, tức là vị Phật thứ 10 trong mười vị sẽ thành Phật sắp tới đây thì trong đó có voi Nālāgiri, nāla là cây lau, giri là ngọn núi, ngọn đồi.

Rồi thì Ngài Anan Ngài đối với Thế Tôn như vậy đó, tội nghiệp lắm, Ngài là Thánh Sơ Quả, vậy chứ Ngài còn nặng tình lắm, thí dụ như khi mà bà Gotami mà tịch Ngài khóc, khi bà Da-du đến từ giả Đức Phật để tịch Ngài cũng khóc, khi Ngài Rāhula đến từ giả Thế Tôn để đi viên tịch, Ngài cũng khóc, khi Ngài Xá-lợi-phất tịch Ngài cũng khóc, tội nghiệp lắm, mà cái khóc của Ngài khác cái khóc của mình, Ngài khóc là bởi vì quá nhiều kiếp đi chung với nhau, Ngài biết rằng kể từ bây giờ trở đi, không thể nào gặp lại một cái nhân cách giống như vầy nữa. Còn mình thì thương là tại vì người này từng là máu mủ của mình, người này từng cho mình tài sản, người này từng thương mến mình, cái đó là cái thương tào lao, thương nghèo của phàm phu. Còn Ngài khóc là chỉ vì Ngài biế,t Ngài quý cái Pháp tánh, Ngài biết cái Tánh hạnh của mấy vị này cao vời xuất sắc, khả kính, khả ái cỡ nào, mà kể từ bây giờ trở đi thì cái con người đó, cái nhân cách của bà Gotami như vậy đó không còn dịp gặp nữa, cái nhân cách như là bà Da-du, cái nhân cách như là Ngài Rhāula, nhân cách như là Ngài Xá-lợi-phất mình không còn dịp gặp nữa, Ngài mới khóc. Và có một bữa trưa đó, tội nghiệp lắm, Ngài đang nằm trong cái cốc kế bên cốc của Phật, Ngài nghe địa cầu nó rung động, nó lắc giống như động đất vậy đó, thì Ngài hết hồn Ngài mới chạy qua hỏi Thế tôn:

– Bạch Thế Tôn, con có vừa nghe một cái tiếng động lớn như vậy, xin hỏi đó là cái gì? 

Thì Đức Phật nói rằng:

– Như Lai vừa hứa với Ác ma Thiên tử là Như Lai sẽ níp-bàn trong ba tháng nữa.

Trời đất ơi Ngài Anan Ngài khóc, Ngài khóc, rồi Đức Phật nói:

– Anan, Như Lai từng đã dạy rất là nhiều lần, cái gì có rồi phải mất mà, các pháp hữu vi có sanh thì phải có diệt.

Rồi có một lần đó, trong ba tháng có những lúc Đức Thế Tôn không thấy Ngài Anan, Ngài mới hỏi chư Tăng:

– Anan đâu rồi? 

Thì chư Tăng nói:

– Bạch Thế Tôn, Ngài Anan đang đứng bên ngoài khóc, khóc là vì Thế tôn sắp ra đi.

Thì Đức Phật Ngài mới cho gọi Ngài Anan vào, Ngài nói:

– Nếu mà kiếp này Anan không phải là La-hán thì Anan sẽ thênh thang muôn ngàn dặm, muôn vạn dặm mây ở các cõi ở vị trí cao nhất, nhưng mà vì kiếp này Anan sẽ là một vị La-hán. Trong bấy nhiêu năm đó Anan đã đối xử với Như Lai bằng thân nghiệp từ hòa, khẩu nghiệp từ hòa, và ý nghiệp từ hòa, không có một mảy may lầm lỗi nào có thể trách được, có thể quở được. Chư Phật quá khứ đã có một Thị giả như vậy, chư Phật vị lai đều cũng sẽ có một Thị giả như vậy và hôm nay Như Lai cũng đang có một Thị giả như là Anan. 

Đặc biệt như vậy! Trong Kinh nói Ngài đẹp lắm, Ngài có cái hảo tướng đặc biệt lắm, cho nên là Ngài cũng có gặp ít rắc rối với phái nữ, Ngài thì ok Ngài là viên ngọc thì không có rắc rối, nhưng mà chút phiền khi mà người ta cứ phải lòng Ngài, rồi người ta khổ, rồi Ngài biết được Ngài cũng không có vui, mà trường hợp đó Ngài cũng hơi bị nhiều, nhưng chuyện đó là chuyện nhỏ, chuyện đặc biệt đó là sau khi mà Thế Tôn viên tịch rồi, thì Ngài …

* Các bài Sư Toại Khanh (Tỳ Kheo Giác Nguyên) giảng qua Paltalk năm 2019. Nguồn Vietheravada

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app