Nội Dung Chính
Kinh Đế Thích Vấn Đạo
Hỏi & Đáp
Câu Hỏi Thứ Nhất
Ðược tự do thính Pháp, Thiên Vương Ðế Thích vui mừng phát tâm trong sạch hỏi câu thứ nhứt rằng:
– Bạch Ðức Thế Tôn, trong các giới như Trời, Người, Long Vương, Càn Thất Bà, A Tu La, chẳng ai muốn có oan trái, hoặc ưng chịu cho kẻ khác hà hiếp thù oán làm hại, nhưng chẳng biết do nơi đâu mà họ vẫn không tránh khỏi được bốn điều ấy?
– Ðại Vương này! tất cả Chư Thiên, Nhơn loại, Long Vương, Càn Thất Bà, A Tu La đều không muốn có oan trái, không muốn bị ai hà hiếp thù oán, và làm hại mình, nhưng họ vẫn có oan trái, vẫn bị kẻ khác hà hiếp, thù oán và làm hại, ấy do bởi hai nguyên nhân là:
1) Issà: ganh tị
2) Micchàriya: bỏn xẻn
Theo trong bài kinh này Ðức Thế Tôn chỉ thuyết vắn tắt chừng ấy thôi, nhưng Ðức Ðế Thích và Chư Thiên đều hiểu rõ lý của Ðức Thế Tôn dạy. Về sau các bực Thánh nhơn thấy người đời như chúng ta không đủ trí để hiểu lý ấy nên các Ngài mới giải rõ thêm trong “BỘ CHÚ GIẢI”. Theo Phật Giáo nguyên thủy, Tam tạng là riêng, còn chú giải, giải bộ kinh nào, đoạn nào, bài nào, pháp môn nào đều phải kể rõ và viết riêng trong những bộ khác, để tên khác chớ không được quyền liệt chung với Phật ngôn. Vì vậy, nên từ xưa đến nay Tam Tạng có mấy pháp môn, bao nhiêu bài kinh, chia ra bao nhiêu bộ, và mỗi bộ mấy bài kinh, bao nhiêu pháp môn, bao nhiêu chữ, vẫn được gìn giữ nguyên vẹn không sai chạy một mảy nào cả.
Theo nguyên tắc trên, trong khi tôi trích lục những lời chú giải và những đoạn kinh khác, phụ vào cho dễ hiểu, tôi cũng để riêng không cho chung lộn với Phật ngôn. Tôi soạn theo lối vấn đáp cho dễ hiểu và để chữ V là vấn, chữ Ð là đáp. Từ đây sắp sau chỗ nào có chữ V và Ð là không phải Phật ngôn:
V – Thế nào gọi là ganh tị?
Ð – Ganh tị nghĩa là: ghen ghét, đố kỵ, khi thấy người chung quanh mình được lợi lộc, quyền tước, được tôn trọng, kính mến, được lễ bái cúng dường.
V – Xin giải rộng thêm cho dễ hiểu?
Ð – Kẻ nào có tánh ganh tị chẳng hề có tâm hoan hỉ, trong khi thấy người khác chiếm một địa vị tốt đẹp, sang cả. Nghe ai được ngợi khen, được tôn kính, kẻ ấy phát tâm bứt rứt xốn xang khó chịu. Kẻ ganh tị lại còn kiếm cách làm cho giảm giá trị của người cao quý, để cản trở, che lấp, không cho người khác khen tặng người ấy.
V – Vậy sự ganh tị phát tiết ra bằng cách nào?
Ð – Chê bai và tìm lỗi là 2 cái biểu lộ đặc sắc của ganh tị.
V – Chẳng hay sự ganh tị làm cho người thế gian thù oán nhau bằng cách nào?
Ð – Theo thường tình thế gian, người bị ganh ghét thì giận dỗi tức tối, mong gặp dịp rửa hờn, kết cuộc sanh ra thù oán lẫn nhau.
V – Nếu có người biết rằng họ bị ganh tị, mà không ganh tị trả lại, kết quả của tư cách ấy ra thế nào?
Ð – Ví như vỗ tay bằng một tay, không bao giờ xảy ra tai hại lớn lao. Kẻ ác mặc tình ganh tị đố kỵ, người hiền thản nhiên, rộng lượng, thứ tha cũng như kẻ cho mà không có người thọ, thì vật cho ấy trở về với chủ cũ của nó.
V – Một tay vỗ không kêu, có nghĩa như thế ấy. Nếu 2 tay đồng vỗ, tay nào đau nhiều, tay nào đau ít?
Ð – Ðiều ấy không thể tiên đoán được, có khi bàn tay hứng chịu đau nhiều, có khi 2 bàn tay đau bằng nhau.
V – Theo lời giảng giải này, có thể hiểu rằng: Có khi người bị ganh tị mang hại nhiều, có khi người ganh tị đau khổ nhiều và có khi cả 2 người đồng thọ khổ bằng nhau, tùy theo kết quả của điều ác gây ra trong khi trả thù, gây thù, hoặc hai sức chống trả đồng nhau.
Bây giờ xin cho biết kết quả của một sự ganh tị, mà người làm mục tiêu vô tình không hay không biết?
Ð – Cũng ví như vỗ tay bằng một tay nhưng đây lại khác hơn đoạn trước, một đàng cố tâm, ganh ghét, làm hại; một đàng không ngờ để tự vệ bằng cách khoan miễn, tha thứ [5], thương hại người thù của mình. Người bị kẻ khác cố tâm ganh ghét, làm hại trong trường hợp này, là không hay không biết, nếu không có sẵn phước đức [6] thì ắt phải bị tai hại [7], chỉ một tai hại bất ngờ trong kiếp này mà thôi [8].
Trái lại kẻ cố tâm ganh tị gây ra tội ác, nếu hại mạng người thì phải bị thọ một hoặc nhiều trong 10 quả khổ trong kiếp hiện tại và một quả trong kiếp vị lai.
Theo kinh Pháp cú, cuốn thứ 2 và thứ năm như vầy:
Yo appadutthassa narassa dussati dasannamannataram thànam khippameva nigacchati
nghĩa là:
Người làm hại kẻ vô tội (nghĩa là người không có ác tâm làm hại kẻ khác) phải bị một trong mười điều tai hại, trong kiếp hiện tại là:
- Vedanambharusam: Sự rất khổ sở (ý nói trong những ngày sống còn phải chịu nhiều điều rất khổ sở).
2. Jànim: Mất tài sản và danh dự.
3. Sarìrassa ca bhedanam: Cơ thể bị hư hoại.
4. Garukam vàpi àbadham: Ðau nặng.
6. Cittakhepam va pàpune: Ðiên khùng
6. Ràjato va upasaggam: Phạm pháp nước phải bị tù đày.
7. Abbhakkhànamva dàrumam: Bị người phao vu.
8. Bhogànamva parikkhayam: Của cải lần hồi bị tiêu tan hết.
9. Nàtìnamva parikkhayam: Quyến thuộc càng ngày càng xa cách vì sự không ưa.
10. Athavasa agaràni aggi dahate pàvako: Lửa cháy nhà.
Kàyassa bhedà duppanno niriyam so uppajjati: Sau khi chết sanh vào địa ngục (quả trong kiếp vị lai).
Nhưng nếu ganh tị nhau không đến đổi phạm vào tội sát sanh thì khỏi mang mười điều tội khổ trong kiếp hiện tại.
V – Vậy chúng sanh nên hành Pháp nào để diệt trừ ganh tị?
Ð – Phải suy nghĩ về tội khổ sanh ra bởi sự ganh tị, cho đến chán nản và ghê sợ không còn dám ganh tị. Phải suy xét rằng: Người ta như mình, ai ai cũng muốn được yên vui, khi mất yên vui, ai lại không buồn. Còn duyên may trong đời, chẳng phải nhờ một sự ngẫu nhiên đem lại, mà chính là do nơi sự trau giồi đức tánh trong nhiều đời, nhiều kiếp, muốn hưởng được hạnh phúc thế gian, tất nhiên phải cố gắng đào tạo duyên lành, phải sửa đổi tánh nết cho ra người hiền lương, phải an cư tự túc, phải xử sự vuông tròn theo nhân đạo. Người đời biết tu tâm, bồi đức như thế ấy, thì những tội ác vì ganh tị sẽ được giảm phần khốc hại. Trình độ tiến hóa của nhân loại đến mức đó là cùng [9].
V – Vậy, trong khi người đời không thể diệt tận nguồn gốc ganh tị, chúng sanh phải hành pháp nào để khỏi bị ganh tị và khỏi bị truyền nhiễm ác pháp ấy?
Ð – Biết rằng: Ganh tị là một ác pháp, người trí chẳng nên dùng ganh tị, để đối phó với ganh tị. Như có Phật ngôn trong kinh Pháp cú, “Dhammapada”, cuốn thứ sáu, Ðức Thế Tôn có dạy rằng:
Akkodhena jine kodham Asa – dhunsàdhuno jine
nghĩa là:
Người thắng sự sân hận của kẻ khác bằng sự không sân hận trả lại (của mình). Nên thắng sự xấu của người bằng lòng tốt của mình.
Kẻ ganh tị không mang tội khổ trong kiếp hiện tại, thì cũng chạy không khỏi quả báo trong kiếp vị lai như đã giải rồi. Còn người bị ganh tị, nếu không sẵn có thiện pháp đối chiếu, thì tâm bộc phát sự bất bình, bực tức, xốn xang, người trí chẳng nên hứng lấy những cảm thụ nóng nảy ấy, mà trái lại phải dùng pháp mát để gìn giữ đừng cho tâm bị kích thích.
Phải suy nghĩ: Kẻ ganh tị là kẻ thiếu trí không biết ghê sợ tội lỗi, ta chẳng nên cố chấp, mà nên thương hại kẻ ấy, và cầu xin cho kẻ ấy tấn hóa mau chóng khỏi chỗ tối mê, và được hưởng an vui hạnh phúc hơn ta.
Bực trí tuệ chẳng phải sợ kẻ tiểu nhân ganh ghét, mà chỉ gớm ghê tội lỗi của kẻ ấy gây ra, ví như sư tử là giống sạch sẽ, chẳng bao giờ chịu kình chống với heo rừng là loài ưa tẩm mình trong phẩn.
Hơn nữa tâm của kẻ ganh tị chứa đầy Ác Pháp dường như lò lửa, bực Trí thức chẳng ưng chịu mồi lấy lửa ấy để thiêu đốt lấy mình.
V – Thế nào gọi là Bỏn xẻn? Ðặc sắc của bỏn xẻn ra sao?
Ð – Bỏn xẻn là hà tiện, rít róng, keo kiệt. Ðặc sắc của bỏn xẻn là có được giống chi, cũng muốn cam giữ cho mình, không khứng chia sớt cho ai.
V – Theo lời giảng giải đây có lẽ bỏn xẻn còn nhiều thứ?
Ð – Có năm thứ bỏn xẻn.
- Àvàsamacchàriya: Bỏn xẻn chỗ ở.
2. Kulamacchàriya: Bỏn xẻn dòng giống.
3. Vannamacchàriya: Bỏn xẻn màu sắc.
4. Làbhamacchàriya: Bỏn xẻn lợi lộc.
5. Dhammamacchàriya: Bỏn xẻn Pháp.
V – Xin giải rộng từ thứ bỏn xẻn ấy?
Ð –
- Bỏn xẻn chỗ ở:
- a) Nói về người thế tục, khi có ai lỡ chơn trái bước xin ở đậu bạc, hoặc cha, mẹ, quyến thuộc, thầy tổ, Sa môn, Bà la môn, muốn tá túc, thì chủ nhà viện đủ mọi lẽ chối từ.
- c) Nói về bực xuất gia, khi có vị Sa môn hoặc Bà La Môn nào khác chi phái đến xin tạm trú nơi tư thất hoặc trong chùa, thầy Tỳ khưu kiếm thế đưa đi nơi khác, bằng không thế từ nan thì cho chỗ ở hư dột, bẩn thỉu, không thể ở lâu được.
Ấy gọi là bỏn xẻn chỗ ở.
- Bỏn xẻn dòng giống.
- a) Trong thế gian vì phân chia giai cấp xã hội [10] nên hạng cao sang quyền quới không chịu gả cưới với hạng thấp hèn, cố ý sợ mất lòng cao quý của mình. Mỗi hạng gả cưới nhau, chẳng bao giờ hạng cao chịu liên kết với hạng thấp, vì họ cho đó là nhục nhã. Trong dòng Thích Ca, có đức vua tên Mahànàma, khi chưa thế vì cho đức Tĩnh Phạn Vương có tư tình với một người thị tỳ sanh ra một người con gái rất đẹp. Sau lại đức vua Ba tư Nặc muốn được làm quyến thuộc với giòng Thích Ca nên sai sứ sang cầu hôn. Muốn hòa bình đức vua Mahànàma mới đưa đứa con lai dòng ấy về ở với đức vua Ba tư Nặc. Ðức vua Ba tư Nặc cũng không biết, ở với Công Chúa ấy sanh được một vị Hoàng Tử đặt tên là Vidudabha.
Khi lớn lên Hoàng Tử Vidudabha xin phép về thăm bên ngoại. Khi về tới dòng Thích Ca đối đãi không được thân ái lắm. Thái Tử không biết, sau khi ra về, vì bỏ quên thanh gươm, nên Thái Tử sai một vị quan hầu trở lại lấy thanh gươm. Khi vào đền nội, ông quan ấy thấy người thị nữ dùng sữa tươi rửa chỗ Thái Tử Vidudabha ngồi và nói rằng: “Thứ đồ con của tỳ nữ cũng đến ngồi làm bẩn người ta”. Ông quan đem câu chuyện thuật lại cho Thái Tử nghe: Thái Tử nổi giận nói: “Bây giờ nó lấy sữa tươi rửa chỗ ta ngồi, mai sau ta làm vua, ta sẽ dùng máu tươi của chúng nó mà rửa đất”. Quả thật vậy sau khi tức vị Thái Tử đem binh về tru diệt dòng Thích Ca để trả thù.
- b) Trong hàng xuất gia vì nguyên tắc bình đẳng, không còn phân biệt nòi giống chủng tộc có kẻ lại sợ mất người thường ngày hộ độ, cúng dường mình, tìm cách cản trở không cho những người ấy thân cận với bực phạm hạnh cao siêu hơn mình, hoặc kiếm những lý lẽ đê hèn làm cho đôi bên không thiện cảm nhau [11].
- Bỏn xẻn màu sắc (theo chú giải tiếng Vanna có nghĩa là sự ngợi khen. Ðây ý nói rằng: Không muốn cho ai ca tụng tài đức công trận của kẻ khác, chỉ muốn được khen tặng một mình mình thôi). Kẻ có tánh xấu xa ấy, khi nghe ai được ngợi khen đều phản đối, kiếm cách phỉ báng chê đè, hoặc bắt qua chuyện khác cho khảo lấp.
- Bỏn xẻn lợi lộc là sợ mất lợi lộc đã có, bằng cách không muốn đem ra chia sớt cho ai cả.
- Bỏn xẻn pháp nghĩa là giấu sự hiểu biết của mình, không muốn cho ai biết, sợ e người bằng mình hay giỏi hơn mình.
V – Chẳng hay các tai hại và quả báo của mỗi Pháp ra sao?
Ð – Người bỏn xẻn chỗ ở, đối với hạng bất lương, có thể bị chúng đốt nhà bỏ ghét. Hoặc nếu hoàn cảnh trái ngược, phải xin tá túc lại với kẻ ấy, thì bị họ xua đuổi một cách nhục nhã để rửa hận, hay là vì lòng xấu xa của mình mà không gặp ai vui lòng tiếp rước trong khi lỡ bước.
Người bỏn xẻn dòng giống, bị kẻ khác dụ dỗ con em mình xiêu lòng theo họ, gây ra sự nhục nhã cho tông môn, lắm khi cũng gây ra sự giết hại lẫn nhau.
Về phần người xuất gia, một khi tư cách đê hèn bộc lộ, thì giá trị của mình không còn, thiện cảm của thí chủ lần lần phai lạt.
Người bỏn xẻn màu sắc (sự ngợi khen) nếu không được nghe điều lành lẽ phải để sửa mình cho trở nên tốt đẹp thì chẳng được người ngợi khen. Trọn đời ân hận vì thấy người khác được ca tụng.
Người bỏn xẻn lợi lộc, chẳng những không được ai chia lợi lộc cho mình, mà trái lại còn bị người ta cướp giựt lợi lộc của mình sẵn có, hoặc sắp có.
Người bỏn xẻn Pháp vì giấu đậy tài hay sức giỏi của mình, lâu ngày hư lụt, đã không bổ ích cho mình mà cũng chẳng ai được biết mình là người có tài năng, đáng kính phục, đáng làm thầy tổ. Nghệ thuật của mình trở thành vô dụng, chờ chết đem theo dưới nấm mồ. Nên nhớ rằng: Thông hiểu các pháp mà không đem ra giảng giải cho người người nghe cũng là một nhân làm cho Phật Pháp mau suy đồi vậy [12].
V – Chẳng hay người thế gian viện những lý lẽ nào, mà ca tụng Bá hộ Ananda và chỉ trích Bá hộ Cấp cô độc?
Đ – Vì kém trí tuệ mà nhiều kẻ tưởng rằng: Phải bỏn xẻn mới dư ăn dư để, phải khắt khe trong sự tiêu phí mới có thể giàu được. Bằng hời hợt đồng tiền quá lẽ, ăn xài vô độ, của chất bằng non cũng không còn. Người ta thường viện tích của hai vi Bá hộ Ananda và Cấp cô độc, để binh vực gương bỏn xẻn và đánh đổ sự tiêu xài.
V – Ông Bá hộ Ananda nổi tiếng là người hà tiện nhứt trong xứ Bàrànasì, sanh nhằm nhà Triệu phú từ nhỏ đến già. Ông ấy chuyên lo kinh doanh sự nghiệp trong thương trường, tiền vô như nước, của chất đầy kho, nhưng vì mến tiếc tài sản mà chẳng dám tiêu xài, cho đến sự sanh tồn cần thiết mà ông cũng nhịn chịu, ăn mặc cực khổ như người nghèo khó. Nhờ vậy mà ông trở nên người giàu có bậc nhất trong xứ, cho nên dân chúng đều ca tụng sự bỏn xẻn của ông.
Trái lại, ông Cấp cô độc trước kia là một nhà triệu phú ít ai bì, song ông có tánh tiêu xài quá độ, nào là cứu giúp kẻ đơn cô tật bịnh, nào là trải vàng mua đất và cất Tịnh xá dâng cúng cho Ðức Phật; nào là trai tăng bố thí mỗi ngày cả năm trăm vị Tỳ khưu, làm như vậy cho đến hết cả sự nghiệp, trở thành một người nghèo. Vì vậy mà ông Cấp cô độc bị người cười là người thiếu sự bỏn xẻn, là người không biết tiếc của cải.
Ð – Chẳng phải vì bỏn xẻn hay không bỏn xẻn mà có kẻ giàu người nghèo.
Cái giàu của Bá hộ Ananda, trước nhứt nhờ phước gieo trồng từ kiếp quá khứ. Nhờ phước ấy, nên mới thọ hưởng được của phụ ấm; có của phụ ấm, rồi nhờ nghề nghiệp chân chánh, mới phát đạt thêm lên, là nhờ trước kia có bố thí, trì giới, xem kinh, nghe pháp, làm lành lánh dữ; nhờ kiếp này siêng năng cần mẫn, làm ăn ngay thật nên Ananda mới giàu. Xét kỹ bỏn xẻn không phải là nguyên nhân làm ra tiền, trái lại nó là một tật xấu xa làm cho con người trở thành nô lệ cho tài sản; không dám ăn mặc no ấm, huống hồ tính đến việc phước thiên. Người như Bá hộ Ananda là người có giống lành, nhưng vì bỏn xẻn nên tối mê, không biết gieo trồng hột giống lành mới, để dành ngày vị lại. Giàu như Bá hộ Ananda đã không bổ ích cho mình, mà cũng không bổ ích chi cho nhân quần xã hội.
Bá hộ Cấp cô độc cũng là người có tạo phước lành trong đời quá khứ, nhứt là giàu lòng từ thiện, thương người giúp của, cho nên kiếp này trở thành một triệu phú gia. Cũng đồng hưởng phước lộc như Ananda, nhưng Cấp cô độc lại là người trọng nghĩa khinh tài, làm ra tiền cung cấp vợ con gia đình, giúp đỡ thân bằng quyến thuộc, chia sớt cho kẻ tật bệnh đói khó, xử tròn nhân đạo. Sau khi nghe được giáo pháp của đức Thế Tôn, Cấp cô độc nhận thấy lý vô thường ảo mộng của thế gian, lại càng sốt sắng tu bồi đức tánh, ân cần bố thí, tinh tấn trì giới, nhẫn nại nghe pháp. Thường ngày chẩn tế xã hội, cúng dường Tam Bảo, tiêu phí trong việc phước thiện rất nhiều, cho đến nỗi huê lợi không đủ cung cấp. Lâu ngày Cấp cô độc trở nên nghèo, nhưng không thối chí, vẫn vui thích, tùy sức tiếp tục làm việc phước – thiện mãi mãi đến ngày cùng. Cái nghèo của Cấp cô độc bị người khinh bỉ bao nhiêu, thì cái giàu của Ananda lại được kính phục bấy nhiêu.
Thế gian yêu chuộng tánh ích kỷ của Ananda và bội bạc đức hy sinh cao cả của Cấp cô độc. Cấp cô độc chẳng vì đó mà ghét đời, bỏ đời, biết rằng: Làm việc phước thiện tất là gieo trồng giống tốt cho đời vị lai, có bao nhiêu lúa trong bồ đều đem ra gieo mạ cả thảy, gặp đất nào cũng cày cấy, nếu gặp được Phước điền (chư Tăng) lại càng tha hồ trồng tỉa.
Phải chăng, đó gọi là giúp đỡ người nên giúp đỡ, bố thí cho kẻ nên bố thí, cúng dường đến bực đáng cúng dường.
Nên xét lại coi Ananda và Cấp cô độc ai ngu, ai trí, ai thấy xa, ai hiểu cận.
V – Lành thay! Lành thay! Giảng giải như thế ấy mới hết hoài nghi. Vậy xin dạy thêm cho biết coi thế gian phải làm cách nào để diệt trừ bỏn xẻn?
Ð – Phải dùng trí tuệ suy xét thấy rõ rệt các điều lầm lạc và tội lỗi phát sanh do sự bỏn xẻn, với các quả lành đem lại bởi sự không bỏn xẻn, nhứt là so sánh tư cách xấu xa của Bá hộ Ananda với tinh thần cao quý của Cấp cô độc.
V – Ðến trình độ nào, chúng sanh mới hết còn bỏn xẻn?
Ð – Phải tiến hóa đến TU ÐÀ HƯỜN ÐẠO TUỆ.
* * *
Câu Hỏi Thứ Nhì
– Nhờ ân Ðức Thế Tôn chỉ dạy phân minh đệ tử đã hiểu rõ hai ác pháp Ganh tị và Bỏn xẻn là nhân làm cho chúng sanh trong mỗi giới như Trời, Người, Long vương, A tu la, Càn Thất Bà kết oan trái, gây thù oán và làm hại lẫn nhau. Nhờ nghe được Pháp mầu mà đệ tử và chư thiên có mặt nơi đây được mở mang trí tuệ bội phần. Vậy xin đức Thế Tôn cho phép đệ tử tìm hiểu thêm các nguyên lai bí mật của hai pháp Ganh tị và Bỏn xẻn, mong một ngày kia được đoạn trừ trọn cả hai ác pháp ấy. Ðệ tử muốn biết pháp nào là duyên trợ lực cho ganh tị và bỏn xẻn phát sanh?
– Ganh tị và Bỏn xẻn phát sanh bởi sự thương và ghét. Sự thương và ghét là trợ duyên làm cho phát sanh ra Ganh tị và Bỏn xẻn vậy.
*
V – Chẳng hay, thương là thương cái chi? ghét là ghét cái chi?
Ð – Thương là thương Satta (chúng sanh), thương Sankhàra (pháp hành). Ghét là ghét Satta (chúng sanh) và Sankhàra (pháp hành).
V – Thế nào gọi là Satta (chúng sanh)?
Ð – Satta (chúng sanh) là các động vật có thức tánh, có sinh mạng. Satta (chúng sanh) có ba hạng: Hạng thấp là: Ðịa ngục, Ngạ quỷ, A Tu La, Súc sanh, Hạng trung là: Người. Hạng cao là Trời. Nghĩa chánh của chữ Satta là dính chặt vào.
V – Dính chặt vào đâu?
Ð – Vào mồi.
V – Mồi là cái chi?
Ð – Ngũ trần là mồi.
V – Ngũ trần là vật chi?
Ð – Ngũ trần là:
1) Những vật thấy bằng mắt, rờ bằng tay được, có thức tánh hay là không có thức tánh gọi là Sắc.
2) Các thứ tiếng phát âm bởi vật có thức tánh hoặc không có thức tánh gọi là: Thinh.
3) Những mùi thơm thúi của vật có thức tánh hoặc không có thức tánh gọi là: Hương.
4) Những thức mặn, ngọt, chua, cay, nếm bằng lưỡi được gọi là: Vị.
5) Những vật cứng hoặc mềm, nóng hoặc lạnh mà ta có thể rờ đụng bằng tay chơn gọi là: Xúc.
V – Theo định nghĩa nói trên của ngũ trần, thì vật có thức tánh (là chúng sanh) và vật không có thức tánh cũng là sắc, thinh, hương, vị, xúc cả thảy hay sao?
Ð – Ðúng như vậy.
V – Nếu vậy, chúng sanh cũng là sắc, thinh, hương, vị, xúc, mà mồi để nhử chúng sanh cũng là sắc, thinh, hương, vị, xúc, điều ấy rất khó hiểu, xin giải rộng thêm?
Ð – Các thứ mồi đều là vật ngoại thân, cho nên vật có thức tánh cùng vật không có thức tánh cũng đều là mồi cả. Trong trường hợp một Satta (chúng sanh) này là mồi của Satta (chúng sanh) khác, chúng sanh làm mồi thuộc về khách quan, chúng sanh bị dính mồi gọi là chủ quan.
V – Vậy, giữa hai chúng sanh, hay muốn nói cho dễ hiểu, giữa cặp Nam – Nữ, bên nào là mồi, bên nào là người bị dính mồi.
Ð – Nếu nói rằng: Người nữ là mồi của người nam, hoặc người nữ là ngũ trần làm cho người nam sa mê, hay nói ngược lại người nam là mồi, là ngũ trần làm cho người nữ luyến ái, cũng chưa đúng.
Sự thật 2 bên nam và nữ cũng đều là mồi cả. Vì sắc, thinh, hương, vị, xúc của người nam là mồi của người nữ, và đồng thời sắc, thinh, hương, vị, xúc của người nữ là mồi của người nam.
Nói cho đúng thêm nữa, sắc, thinh, hương, vị, xúc của mỗi chúng sanh là mồi làm cho một chúng sanh khác bị dính vào tùy theo sự ưa thích của chúng sanh ấy.
Trong chú giải của bộ kinh Dighanikàya, bài Sakkapanhà này có ghi rằng:
1) Kẻ nào đương trìu mến và nhờ cậy một người bạn, hoặc là được một nhà quyền thế trọng dụng, khi thấy ai giao hữu với bạn mình, hoặc thân cận với chủ mình thì sanh lòng đố kỵ, ganh gổ. Ấy gọi là vì thương hay là vì được thương mà sanh ra ganh tị.
2) Có kẻ vì một lẽ riêng, đem lòng ghét một người nào, hoặc bị người nào ghét, khi thấy ai thân cận với người ấy, thì tìm cách làm cho 2 bên xa nhau, ấy gọi là vì ghét hay là bị ghét mà sanh ra ganh tị.
3) Có kẻ vì mến tiếc của cải, không muốn rứt bỏ ra cho ai, hoặc vì quá yêu chuộng một người nào không muốn cho ai thương. Ấy gọi là vì tiếc hay thương mà bỏn xẻn.
4) Có kẻ có nhiều đồ vật cũ kỹ giấu cất không xài, mà ai xin chẳng khứng cho vì nghĩ rằng: Ðồ của mình đã chê bỏ nên không vui lòng cho kẻ khác dùng. Ấy gọi là vì ghét mà bỏn xẻn.
* * *
Câu Hỏi Thứ Ba
– Bạch Ðức Thế Tôn, bởi có thương có ghét nên có ganh tị và bỏn xẻn, chẳng hay thương và ghét có bởi từ đâu?
– Thương và ghét phát sanh bởi sự vừa lòng (đây ngụ ý nói gồm cả vừa lòng và không vừa lòng).
*
V – Thế nào gọi là vừa lòng?
Ð – Vừa lòng trong năm điều là:
1) Vừa lòng sự tìm kiếm (Tìm kế sinh sống, kinh doanh sự nghiệp).
2) Vừa lòng sự được của. (Làm ra của).
3) Vừa lòng sự ăn xài (Sự chia sớt, xài như ăn, mặc, nuôi con, giúp quyến thuộc, bố thí cho kẻ nghèo, cúng dường cho cha, mẹ, và các bực Sa môn, Bà La Môn).
4) Vừa lòng sự tiết kiệm.
5) Vừa lòng sự sa mê theo ngũ trần (Sự trụy lạc trong tửu, sắc, tài, khí) [13].
Như ngoài xã hội, khi thật hành năm điều nói trên, hoặc lúc sống chung giao thiệp, hoặc trong những sở vọng xu hướng, nếu gặp được sự vừa lòng thuận cảnh thì sanh ra thương yêu triều mến, bằng gặp điều trái ý nghịch lòng thì sanh ra ghét bỏ, xô đùa.
* * *
Câu Hỏi Thứ Tư
– Bạch Ðức Thế Tôn, sự vừa lòng sanh lên do nơi nhân nào?
– Do nơi sự suy nghĩ là nhân sanh sự vừa lòng.
*
V – Thế nào gọi là suy nghĩ?
Ð – Suy nghĩ theo trường hợp này là: Tưởng niệm những điều không chân chánh, gọi là: Micchàsankappa nghĩa là: Tà tư duy.
Tà tư duy theo Chú giải có dạy rằng: “Suy nghĩ về tình dục. Cho rằng: Sắc, thinh, hương, vị, xúc này là của tao, kia là của người”.
Ðây nói về suy nghĩ theo thường tình thế gian, suy nghĩ về quyền lợi cá nhân, tức là toan tính phương pháp, sắp đặt mưu chước để đem lại hạnh phúc an vui cho mình trong năm điều nói trên.
Nếu được kết quả mỹ mãn tất là được vừa lòng bằng không được thì oán ghét.
Có chỗ giải Tà tư duy tức là ba điều suy nghĩ tà, là:
– Suy nghĩ đến sự oán thù
– Suy nghĩ đến phương thế cột oan trái.
– Suy nghĩ về sự tìm kiếm tài, sắc, danh, lợi.
* * *
Câu Hỏi Thứ Năm
– Bạch Ðức Thế Tôn! Pháp nào là duyên sanh sự suy nghĩ ấy?
– Pháp Papancasanna (pháp làm cho trở ngại) là trợ duyên của sự suy nghĩ.
*
V – Pháp trở ngại là pháp chi?
Ð – Pháp trở ngại có ba điều là:
1) Tanhà là Ái dục.
2) Màna là Ngã mạn.
3) Ditthi là Tà kiến.
Tanhà: Ái dục là nhân làm cho luyến ái tình yêu, say mê lạc thú và trong khi ấy, nếu có gặp điều trở ngại thì nhứt quyết diệt trừ.
Màna: Ngã mạn là tự cho mình cao quý hơn người về dòng giống, quyền tước, tài sản, kiến thức, vinh dự, sắc đẹp.
Ditthi: Tà kiến là hiểu quấy, thấy lầm, rồi chấp đó là phải, là đúng, cho nên chẳng bao giờ gặp được chân lý, không phân biệt được nẻo chánh với đường tà, nhân đó con đường giải thoát bị bế tắc.
Có đoạn chú giải khác giải thêm rằng:
– Ái dục làm cho yêu mến các pháp khác hơn Niết Bàn.
– Ngã mạn làm cho tôn trọng các pháp khác hơn Niết Bàn.
– Tà kiến làm cho hiểu và cố chấp các pháp khác đúng hơn Niết Bàn.
Ái dục, Ngã mạn và Tà kiến là ba nhân làm cho con người say đắm trong Dục hải, mê tân, lại còn tự tôn tự đại và ngoan cố bướng bỉnh trong sự tưởng quấy hiểu lầm; cửa chân lý (Phật pháp) dầu cho mở rộng, cũng chẳng có người vào.
Bởi thế cho nên Ái dục, Ngã mạn, Tà kiến gọi là ba pháp trở ngại, ngăn lấp con đường Niết Bàn.
* * *
Câu Hỏi Thứ Sáu
– Bạch Ðức Thế Tôn, đệ tử lấy làm thỏa mãn lãnh hội được Papancasannà (Pháp làm cho trở ngại) rồi. Xin Ðức Thế Tôn từ bi cho biết thầy Tỳ khưu hành thế nào gọi là hành để dục tắt Papancasannà (Pháp làm cho trở ngại) ấy.
– Muốn vượt qua khỏi pháp làm cho trở ngại nói trên, phải biết tùy trường hợp thuận nghịch để nung đúc cùng dập tắt 3 pháp sau này là:
- Somanassa: Sự vui
2. Domanassa: Sự phiền lòng
3. Upekkhà: Sự xả (không vui không buồn).
Khi nào nhận thấy ba pháp đó làm cho Ác pháp phát sanh, Thiện pháp tiêu hoại, thì mau mau dập tắt. Trái lại, khi nào 3 pháp ấy làm cho phát triển Thiện pháp và thiêu hủy Ác pháp thì nên nung đúc.
*
V – Trong trường hợp nào sự vui đem lại các pháp ác và trong trường hợp nào trổ sanh các pháp lành?
Ð – Ðây chỉ về sự vui thích trong gia đình tiếng Phạn gọi là Gehasitaso manssa, và sự vui thích ngoài gia đình (xuất gia) tiếng phạn gọi là Nekkhammasi tasomanassa.
V – Thế nào gọi là vui thích trong gia đình và thế nào gọi là vui thích ngoài gia đình?
Ð – Vui thích trong ngũ trần gọi là vui thích theo trong gia đình. Vui thích trong sự giải thoát ra khỏi ngũ trần, vui thích trong pháp Minh sát tuệ (Vipassanàpannà) [14], vui thích trong mười phép niệm (Anussati) [15], vui thích trong bốn bực thiền định [16]; gọi là vui thích ngoài gia đình [17].
V – Vui thích trong ngũ trần là vui thích thế nào?
Ð – Người đời hay phát tâm vui thích trong khi nhớ lại những sự vừa lòng đẹp ý dĩ vãng, trong tình dục đang có và trong sở ước vị lai về sắc, thinh, hương, vị, xúc. Ấy gọi là vui thích trong ngũ trần.
V – Trong khi nói rằng: Vui thích trong ngũ trần là vui thích trong gia đình, có nên hiểu rằng: Ngũ trần là nhà ở được chăng?
Ð – Ðược.
V – Xin giải thêm cho dễ hiểu?
Ð – Nhà là chỗ ở của người thế tục, ngũ trần chẳng khác chỗ ở của phàm tâm, bởi tâm hằng duyên theo ngũ trần, khi lặn hụp trong ngũ trần thì hớn hở tự tại và khi xa cách ngũ trần thì bực bội xốn xang, chẳng khác loài thủy tộc, lúc sống dưới nước thì tươi nhuận thơ thới. Khi bị đem lên khỏi nước thì chới với, ngột hơi [18].
V – Về sự phiền lòng lúc nào nên đoạn tuyệt, lúc nào nên duy trì?
Ð – Trên đường thế tục thường hay xảy ra những sự trái ý nghịch lòng, làm cho con người phải bực tức xốn xang. Vì vậy mà có lắm kẻ chuốc giận mang sầu trong lòng, phiền muộn này nếu không khéo dập tắt thì phải vì khổ tâm mà phạm nhiều tội ác, lúc này nên đoạn tuyệt.
Về phần người xuất gia, thường cố gắng nhẫn nại tu tập, hành thiền, mong mau đắc đạo quả Niết Bàn, mà ngày qua tháng lại bước đường giải thoát vẫn thấy chậm tiến, nên không được toại lòng. Trong trường hợp này, càng không được vừa ý chừng nào, bực trí thức càng tinh tấn hành đạo thêm lên chừng ấy.
Phải chăng sự phiền lòng này có năng lực diệt trừ pháp ác và làm cho phát triển pháp lành. Lúc này là lúc nên duy trì.
V – Còn pháp Xả, xin hoan hỉ giải rõ?
Ð – Xả nghĩa là không vui không buồn [19] đối với tất cả ngũ trần.
Pháp Xả của người thế tục là rộng mở ngũ căn để tha hồ đón rước ngũ trần, càng tiếp rước chừng nào, càng say đắm chừng ấy, nên chẳng bao giờ lo nghĩ đến sự hạn chế, huống hồ là tìm phương giải thoát. Ấy gọi là Gehasita Upekkhà (xả trong nhà) [20].
Còn Nekkhamma Upekkhà là xả ngoài gia đình, là không ham mê “nhà” ngũ trần, hành pháp Minh Sát Tuệ, mười pháp niệm và bốn bực thiền.
V – Ba pháp: vui, phiền lòng và xả trong gia đình, trong ngũ trần là nhân làm cho pháp dữ phát sanh pháp lành tiêu diệt. Cách sanh diệt của hai pháp dữ lành ra thế nào?
Ð – Sự vui trong ngũ trần là nhân sanh hai ác pháp là: Tham ái và Tham lam [21] và cũng là nhân diệt hai thiện pháp là Viràga “không tham ái” và Alobha “không tham lam”.
Tham lam: Ham tiền là Tham, Ham ăn là Lam.
Sự phiền lòng là nhân sanh Pangha “giận dữ” và Dosa “sân hận” [22] và cũng là nhân diệt tâm Từ và tâm Bi.
Sân hận: Oán giận trong lòng.
Sự xả đối với ngũ trần là nhân sanh si mê và cũng là nhân diệt trí tuệ.
Tóm lại vì ngũ trần mà con người phải mang lấy ba chứng bịnh trầm kha là: Tham, Sân, Si.
Chính Tham, Sân, Si là nguồn cội của các hành vi đê tiện của bốn điều tây vị [23].
V – Sự vui, sự phiền lòng, sự xả ngoài gia đình cao quý thế nào, khiến cho pháp lành phát sanh?
Ð – Ba pháp vui, phiền lòng và xả ngoài gia đình có năng lực thiêu hủy các ác pháp là: tham, sân, si và bồi dưỡng thêm thiện pháp là: giới, định, huệ. Chính đó là chỗ cao quý của ba pháp ấy vậy [24].
* * *
Thiên Vương Đế Thích Đắc Thánh Quả
Thiên vương Ðế Thích được nghe Ðức Phật giảng về pháp xả tỉnh ngộ, phát tâm trong sạch, không còn ham mê theo ngũ trần, liền đắc quả Tu Đà Hườn và liền khi ấy thác sanh trước mặt Ðức Thế Tôn rồi cũng tái sanh lại làm Thiên vương Ðế Thích trong nháy mắt. Tất cả Chư Thiên có mặt tại nơi đó chẳng hay biết.
Sự sanh tử của các vị Trời rất mau lẹ, khi hết tuổi thọ thì tiêu tan tức khắc, chẳng phải bỏ xác thúi sình như người thế gian, các vị Trời ví như ngọn đèn đang cháy bị gió thổi tắt mất.
Sau khi chết rồi, được sanh lại ngôi vị cũ, Thiên vương Ðế Thích trẻ tuổi rất vui mừng, và nghĩ rằng: Ta nay đã sanh vào hàng Nhập lưu, là mức đầu của bốn bực Thánh nhơn cao quý. Ta không thể vói đến bực cao thượng hơn nữa, vì duyên nghiệp ta chỉ có bấy nhiêu. Vậy ta nên thừa dịp này học hỏi thêm con đường hành trình để diệt trừ phiền não.
Suy nghĩ rồi Thiên vương Ðế Thích tiếp tục hỏi thêm.
* * *
Câu Hỏi Thứ Bảy
– Bạch Ðức Thế Tôn, thầy Tỳ Khưu hành thế nào gọi là người hành theo: Patimokkhasanvarasìla (Ba La đề mọc xa) “Biệt biệt giải thoát thu thúc giới”?
– Phải hành bằng thân, khẩu, nhưng phải biết điều nào nên hành, điều nào không nên hành.
Ðiều nào làm cho pháp ác phát sanh, pháp lành tiêu diệt, điều ấy không nên hành [25]
Ðiều nào làm cho pháp lành phát sanh pháp ác tiêu diệt, điều ấy nên hành.
Sự tìm kiếm có hai điều, những điều tìm kiếm nào làm cho pháp ác phát sanh pháp lành tiêu diệt, thầy Tỳ Khưu không nên tìm kiếm.
Sự tìm kiếm nào làm cho pháp ác tiêu diệt, pháp thiện phát sanh, điều ấy nên tìm kiếm.
*
V – Trong sự thu thúc về phần thân, động tác nào không nên có và hành vi nào phải có?
Ð – Không tuân theo lời răn cấm, và cố ý làm việc đê tiện. Như Ðề Bà Đạt Đa chia rẽ tăng chúng. Cả 2 điều ấy không nên làm.
Nghiêm trì giới luật và hành động theo tư cách cao thượng, cả 2 điều ấy cần phải thường xuyên ứng dụng.
V – Chẳng hay do nơi đâu mà có tội phước về phần khẩu?
Ð – Phạm các điều răn cấm, như khoe mình đắc quả cao thượng hoặc xúi người làm việc xấu xa đê tiện, đó là điều tội lỗi về phần khẩu.
Giảng giải những điều luật răn cấm, chỉ dạy những pháp hành cao thượng, nhứt là thuyết minh những đặc ân của Tam Bảo, đó là Thiện ngôn cao quý
V – Phận sự của hàng xuất gia là tìm kiếm con đường giải thoát ra khỏi nẻo sanh tử luân hồi. Nhưng trong sự tìm kiếm ấy có lắm điều sai lạc, xin chỉ dạy giùm.
Ð – Chẳng nên tìm kiếm cái chi còn già, còn đau, còn chết, còn than van đau khổ, chẳng nên tìm kiếm những điều nhơ đục, những sự gian xảo lường gạt [26], sự bất kính [27], sự tà mạng [28].
Về phần Tại gia không nên tìm kiếm sự sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, đâm thọc, chưởi rủa, nói lời vô ích. Nên tìm kiếm việc lành điều phải như: giúp đỡ quyến thuộc, bố thí, dùng lời chân thật dịu ngọt khuyên dạy người, và nuôi mạng chơn chánh.
* * *
Câu Hỏi Thứ Tám
– Bạch Ðức Thế Tôn, thầy Tỳ Khưu hành thế nào gọi là lục căn thu thúc?
– Khi lục căn tiếp xúc lục trần bực xuất gia luôn luôn phải cẩn thận quyết đoán hai điều.
- Ðoạn tuyệt
2. Bồi dưỡng.
Khi sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nào là nhân sanh ác pháp, mau mau dứt bỏ. Trái lại trần nào đem lại thiện pháp thì cố gắng vun trồng nuôi nấng mãi mãi.
*
Chú giải:
1) Sắc nào làm cho phát sanh Tưởng bất tịnh (Asubhasannà) nghĩa là: tưởng thấy sắc như tử thi, làm cho tâm trong sạch, hoặc khiêu gợi tưởng vô thường (Aniccasannà).
2) Thinh nào làm cho phát sanh sự chán nản.
3) Hương nào làm cho phát sanh sự bất tịnh.
4) Vị nào làm cho phát sanh tưởng vật trược (Patikulasannà) hoặc đem lại sức khỏe để đạt Ðạo Quả cao thượng.
5) Xúc nào làm cho yên lặng phiền não và phát triển sự tinh tấn.
6) Pháp nào làm cho phát sanh việc lành điều phải nhứt là lòng từ thiện.
Ðó là sáu loại trần cần thiết cho Chư Thiên và nhân loại để gieo trồng Thiện pháp và diệt bỏ lần lần sự thương yêu, sân hận, si mê.
Giải thêm: Thầy tỳ khưu phải hành thế nào cho lục căn thanh tịnh.
1) Phải xa lánh các pháp làm cho phát sanh điều phiền não là: Không nên xem, nghe, nếm, ngửi, chạm và nhớ những loại trần nào làm cho tâm phóng túng, và thường niệm mười pháp tưởng [29], Tứ vô lượng tâm [30], chín điều Minh sát [31], để ngừa tâm không cho ô nhiễm.
2) Phải có sự ghi nhớ, đừng cho tâm mê thích, sân hận cùng duyên theo khi lục căn tiếp xúc với lục trần, nhứt là luôn luôn phải tưởng nhớ đến các điều tai hại có thể làm cho thiêu hủy công phu tu học.
3) Trong khi gặp những điều vừa lòng hợp ý nên quán tưởng về tánh cách vô thường, khổ não, vô ngã, của các pháp cho tâm chán nản.
4) Niệm Tứ vô lượng tâm để diệt trừ các điều bực tức, bất bình, sân hận, oán thù. Dùng chín pháp Minh sát tuệ để thiêu hủy các sự say đắm. Tưởng đến vật bất tịnh “như tử thi” để diệt lòng yêu thương về tình dục.
Về phần người tại gia cư sĩ, phải tập dứt bỏ lần sự tham lam sân hận và si mê bằng cách thọ trì Bát quan trai giới, nghe pháp, xem kinh và tập tham thiền trong tám ngày giới, không nên thương yêu oán ghét cùng say đắm trong những nhân vật nào khác và tập giảm lần sự thương yêu, oán ghét những nhân vật trong gia đình.
* * *
Câu Hỏi Thứ Chín
– Bạch Ðức Thế Tôn, ngôn ngữ, giới hạnh và tín ngưỡng của toàn thể Sa Môn và Bà La Môn có giống nhau chăng?
– Không thể giống nhau được, vì lẽ Dhàtu “bẩm tính” khác nhau.
*
Ghi chú:
DHÀTU. – Tiếng Dhàtu nghĩa là chất, nhưng đối với người, ý nói là tính nết, bản chất, bẩm tánh.
Mỗi người khi sanh ra có bẩm tánh khác nhau, kẻ thông minh, người kém trí, kẻ nhiều lòng tham, ít tánh sân, kẻ nhiều lòng sân v.v… Vì sự hành động không giống nhau trong mọi phương diện, nên hay sanh ra sự xung đột giữa loài người, từ chỗ bất đồng ý kiến đến chỗ tưởng khác về tín ngưỡng.
Vì lẽ ấy, nên sự hành đạo của mỗi người mỗi khác. Riêng Phật Giáo Ðức Thế Tôn ngự chế giới luật dạy thân, khẩu. Còn tâm thì có thiền định, 40 pháp thích hợp theo căn cơ của mỗi cá nhân.
* * *
Câu Hỏi Thứ Mười
– Bạch Ðức Thế Tôn, có nên tin rằng: Tất cả Sa Môn và Bà la Môn đều là bậc đã giải thoát khỏi vòng diệt vong, không còn bị ở dưới quyền chi phối của Luật tàn phá tiêu hoại vì bởi các Ngài đồng thực hành pháp cao thượng như nhau?
– Ðại Vương chớ nên lầm tưởng như thế ấy, chẳng phải toàn thể Sa Môn và Bà La Môn đều được siêu thoát khỏi vòng điêu linh, khỏi bị vấn vít trong tình trạng diệt vong, vì bởi mỗi người mỗi hành đạo cao thấp khác nhau.
Lẽ cố nhiên trong hàng Sa Môn và Bà La Môn nếu ai có chí nguyện giải thoát, tinh tấn tu tập, noi theo con đường hành trình của các bậc Thánh Nhơn, cố gắng diệt trừ phiền não Ái dục, thì chung quy sẽ đắc đạo quả Niết Bàn chẳng sai. Bằng ai dãi đãi bơ thờ, hoặc thiếu hùng lực, kém nhẫn nại, không cố tâm [32] sưu tầm đạo quả, hiến thân làm nô lệ cho dục vọng, thì chớ mong thoát khỏi con đường diệt vong.
– Bạch đức Thế Tôn, đêm nay đệ tử rất hân hạnh nếm được hương vị Niết Bàn. Nhờ đấng Cao minh mở đạo dắt đường đệ tử đã đắc quả Sơ Thánh “Tu đà Hườn” vào hàng Nhập Lưu, đệ tử đã đoạn tuyệt được mối hoài nghi và nhổ bỏ được mũi tên độc của Ái dục.
Từ đây đệ tử để trọn đức tin nơi ngôi Tam Bảo, quyết chẳng bao giờ thay đổi, cũng như mặt quả địa cầu chẳng hề rung động.
* * *
Nói dứt lời Thiên vương Ðế Thích đảnh lễ và đọc 3 lần lời ca tụng đức Phật như vầy: “Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammà Sambuddhassa”
Có tám muôn vị Trời được đắc đạo quả trong khi nghe Pháp và cả thảy vua tôi đồng bái tạ Ðức Phật kiếu từ ra về với tấm lòng hân hoan và dẫy đầy đức tin trong sạch với đấng Cao Minh là đức Phật tổ Như Lai.
– CHUNG –
Viết xong tại KỲ VIÊN Tịnh Xá,
ngày 13 tháng năm A.L. (Nhâm Thìn)
Phật lịch 2496 (DL. 1955)
Ghi chú:
[1]. Mỗi vị Trời trước khi chết có 5 triệu chứng phát sanh là: 1. Bông hoa trong vườn héo. 2. Ðồ trang điểm hết đẹp. 3. Mồ hôi ra nách. 4. Hào quang lu mờ. 5. Tâm chán nản buồn rầu (trước khi ấy không bao giờ biết buồn).
[2] Càn Thất Bà Tàu âm chữ Gandhabba của Pàli, nghĩa là Nhạc Sĩ.
[3] Trong thời kỳ ấy, mỗi đêm chỉ có 3 canh.
[4] Ðức Ðế Thích mới thuật lại các việc tranh tụng hằng ngày giữa chư Thiên và cách phân xử của Ngài cho đức Phật nghe như đoạn trước.
[5] Lòng từ bi khoan hậu nơi đoạn trước có mãnh lực xua đuổi các Ác Pháp. Nhờ rải lòng từ bi mà đức Phật toàn thắng voi Nàlagirì .Xem kinh nói về “Tám oai lực Phật”.
[6] Ðây ý nói rằng: phước đức cũng che chở được sự tai hại. Phước ví như ánh sáng, tội ví như bóng tối, chỗ nào có ánh sáng, cái tối bị dang ra. Hoặc phước ví như bức thành kiên cố, có thể ngừa được kẻ gian phi và kẻ cướp thành.
[7] Nếu không phải là kết quả của một cái nghiệp cũ của mình, thì cũng là kết quả của một nghiệp mới do người khác gây ra cho mình lần đầu tiên.
[8] Vì vô tình không biết người làm hại mình, nên không cột oan trái.
[9] Chú giải của bài kinh này và đoạn nói về ganh tị có dạy rằng: Bao giờ đắc được Tứ thánh quả là từ Tu Ðà Hườn quả sắp lên mới dứt hẳn được ganh tị.
[10] Lúc Phật ra đời, xã hội Ấn Ðộ, chia ra làm bốn hạng người là: 1. Vua chúa, 2. Bà La Môn. 3. Nông gia, Thương gia. 4. Dân Nô lệ.
[11] Trong kinh Pháp cú có chép rằng: Thuở nọ có một ông Tỳ Khưu trẻ tuổi được một bà thí chủ trong sạch hộ độ đầy đủ thường ngày, nhưng ông không có duyên tế độ bà ấy được Bà tính đi nghe đức Phật thuyết pháp. Ông Tỳ Khưu ấy cản trở hoài không cho bà đi. Ngày nọ, bà lén đi vào chùa nghe đức Thế Tôn thuyết pháp. Ông Tỳ Khưu hay được đến trước mặt đức Thế Tôn bạch rằng: Bà lão ấy kém trí tuệ, xin đức Thế Tôn đừng thuyết pháp cao sâu cho bà lão ấy nghe.
Thầy Từ Khưu ấy sợ bà thí chủ của mình trong sạch với Phật, mà không cúng dường cho Thầy nữa. Tư cách đê hèn làm cho thấy quên mình dám dạy đức Toàn Giác thuyết pháp. Ấy là bỏn xẻn dòng giống.
[12] Ðoạn này đức Thế Tôn có dạy trong bộ kinh Pancakanipatta Anguttaranikàya.
[13] Trên đường đời, trong gia đình.
[14] Vipassanàpannà “Minh sát tuệ” sau khi xả thiền, thừa lúc tâm còn thanh tịnh trong sạch, đem một pháp nào như vô thường, khổ não, vô ngã ra suy xét cho mau phát hiệu có nhiều hành giả suy nghĩ như thế đắc được đạo quả.
[15] Mười pháp niệm là: 1. Niệm ân đức Phật, 2. Niệm ân đức Pháp, 3. Niệm ân đức Tăng, 4. Niệm giới (suy nghĩ về giới của mình), 5. Niệm sự bố thí (nhớ đến sự bố thí của mình), 6. Niệm ân đức Chư Thiên (nhớ đến Chư Thiên được sanh về cõi trời do một đặc ân gì), 7. Niệm sự chết, 8. Niệm thân, 9. Niệm số tức quán, 10. Niệm đến Niết Bàn là nơi yên tịnh.
[16] Sơ thiền – nhị thiền – tam thiền – tứ thiền.
[17] Có chú giải thêm đoạn này rằng: Bậc trí tuệ thấy ngũ trần là vô thường, khổ não, vô ngã, nên vui thích ngoài ngũ trần, là hành pháp minh sát tuệ, hoặc hành một trong mười pháp niệm, hoặc 4 pháp thiền định. Ấy gọi là vui thích trên đường giải thoát.
[18] Thấy nhà là ngũ trần chứa đầy tội lỗi phiền phức, nên bực Thượng trí nhẫn nại kềm thúc không cho tâm vui thích trong sắc, thinh, hương, vị, xúc.
[19] Bỏ, không chấp lấy.
[20] Nhà ngũ trần, gia đình.
[21] Tham ái: Thương mến, yêu thương.
[22] Giận dữ: Giận tỏ vẻ ra bề ngoài.
[23] Bốn điều tây vị là:
1) Chandàgati: tây vị vì sự thương.
2) Dosàgati: tây vị vì sự ghét.
3) Mohàgati: tây vị vì si mê. (Ý nói vì mình ngu dại không đủ trí phán doán, thấy bên nào già mồm lẹ trí thì tây vị theo).
4) Bhayàgati: tây vị vì sợ.
[24] Ðây nói về pháp hành của các bực cao thượng người tại gia cũng nên cố gắng hành theo để diệt lần Ái dục, Ngả mạn và Tà kiến.
[25] Chẳng nên hiểu lầm rằng, trong giới Ba la đề mọc xa có điều răn cấm làm cho pháp ác phát sanh, pháp lành tiêu diệt. Giới ba la đề mọc xa có nhiều ý nghĩa cao xa, chẳng hạn như thầy Tỳ Khưu có thiện tâm muốn bẻ hoa và đã bẻ hoa cúng dường cho Phật, đành rằng tâm thiện nhưng bẻ hoa là phạm vào giới Pacittiya “Ưng đối trị”. Giới Ba la đề mọc xa có nhiều ý nghĩa thầy Tỳ Khưu, ngoài sự học nằm lòng giới bổn, còn phải thông hiểu nghĩa lý cho thấu đáo bằng chẳng vậy lắm khi phạm nhiều điều lỗi mà không hay, không biết vì không thấy ẩn ý trong luật, như đoạn nói trên. Muốn hiểu luật cần phải thân cận với các vị Luật Sư và phải kinh nghiệm nhiều năm.
[26] Lường gạt có 5 điều là “Thầy Tỳ Khưu” có mánh lới lường Thiện Tín: 1. Giả làm cách tề chỉnh. 2. Giả làm cách vui vẻ. 3. Nói ướm. 4. Giả bộ dọa hẩm. 5. Ðược nơi này đem cho nơi khác, được nơi kia đem cho nơi nọ.
[27] Bất kính có sáu điều là:
- Satthàri Agàravo. Không kính trọng đức Giáo chủ.
2. Dhamma Agàravo. Không kính trọng Pháp.
3. Sangha Agàravo. Không kính trọng Tăng.
4. Sikkhàya Agàravo. Không kính trọng Pháp học, nghĩa là không có trì giới được trong sạch.
5. Appamada Agàravo. Không kính trọng sự không dễ duôi.
6. Patisanthara Agàravo. Không tiếp rước
(Theo mặt luật thầy Tỳ khưu trụ trì một chùa nào, hoặc ở chỗ nào, như ở tham thiền nơi rừng vắng, hoặc có vị nào đến, phải tiếp rước kính trọng. Nếu biết thầy Tỳ khưu mới đến nhỏ hạ hơn thì chỉ chỗ thấp cho ngồi, bằng cao hạ hơn phải nhường chỗ cho khách cao hạ ngồi. Gọi là tiếp rước cung kính.
[28] Tà mạng nghĩa là nuôi mạng không chân chánh theo Phật Pháp có hai mươi mốt điều là:
- Cho cây tre.
2. Cho lá cây.
3. Cho bông hoa.
4. Cho trái cây. (Ðây là cho đồ của Tăng, hay là của mình chẳng hạn, đều không được).
5. Cho cây xỉa răng (khi xưa các thầy Tỳ khưu đều có cây xỉa răng).
6. Cho nước rửa mặt.
7. Cho vật để tắm (khi xưa có đồ để kỳ mình, hoặc thứ tro phẩn bò, hay là đất nhuyễn để kỳ mình, vì không có xà phòng như ta bây giờ).
8. Cho vật thoa dồi (Khi xưa các thầy Tỳ khưu có dầu mè để thoa mình trong mùa lạnh cho khỏi nứt da).
9. Cho đất của Tăng.
10. Tôn kính kẻ thế.
11. Thật ít dối nhiều.
12. Giữ con cho người.
13. Làm tay sai cho người.
14. Làm thầy thuốc chữa bịnh cho người.
15. Làm kẻ đem tin cho người.
16. Chịu cho người sai khiến.
17. Ðem cơm cho người rồi đi khất thực sau mà ăn.
18. Cho đi cho lại.
19. Xem Thiên văn và Ðịa lý cho người.
20. Xem ngày tháng, sao hạng cho người.
21. Xem tài tướng, xem thai đàn bà sanh trai hay gái.
Chú giải thêm: Phải tìm kiếm Niết Bàn và các điều luật răn cấm.
[29] Mười phép tưởng là:
- Asubhasannà: Tưởng tử thi.
2. Maranasannà: Tưởng trong sự chết.
3. Àhàrapatikulasannà: Tưởng vật thực bất tịnh
4. Sabbakoke Anabhiratasannà: Tưởng của người không ham mê trong đời.
5. Aniccasannà: Tưởng vô thường.
6. Anicce Dukkhasannà: Tưởng sự khổ trong vật không thường.
7. Dukkhe Anattasannà: Tưởng khổ trong vật vô ngã.
8. Pahànasannà: Tưởng đến những vật nên dứt bỏ (Tất cả tài, sắc, danh, lợi, xác thân).
9. Viràgasannà: Tưởng trong sự chán nản tình dục.
10. Nigrodhasannà: Tưởng sự giải thoát khỏi khổ.
[30] Tứ vô lượng tâm là: Từ, bi, hỉ, xả.
[31] Chín điều Minh sát (Vipassanànàna) là:
- Udayabbayanàna: Trí tuệ quan sát thấy sự sanh và diệt.
2. Bhangànupassanànàna: Trí tuệ quan sát thấy sự sanh diệt.
3. Bhayatùpatthànanàna: Trí tuệ quan sát thấy các pháp hành đáng sợ.
4. Àdìnavànupassanànàna: Trí tuệ quan sát thấy các tai hại của Pháp hành.
5. Nibbidànupassanànàna: Trí tuệ quan sát thấy sự chán nản.
6. Muncitukàmayatànàna: Trí tuệ quan sát muốn giải thoát Luân hồi.
7. Patisankhànupassanànàna: Trí tuệ quan sát tìm đường giải thoát.
8. Sankhàrupekkhànàna: Trí tuệ quan sát để tâm xả trong pháp hành.
9. Saccànulomanàna: Trí tuệ quan sát hiểu theo phép TỨ ÐẾ.
[32] Chú giải: Cố tâm sưu tầm đạo quả Niết Bàn là nhân diệt trừ Ái dục. Cố tâm nghĩa là đem hết tâm trí để tìm kiếm và thu hoạch một mục đích, một nguyện vọng, không thối chuyển, không thay đổi ý định.