IX. CÁC SỬ LIỆU PÀLI

– Dìpavamsa: Về thể loại này, bộ Dìpavamsa được xem là bộ sử liệu xưa nhất bằng chữ Pàli. Sách ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ thứ tư và thứ năm Tây lịch, và được viết trong thể văn kệ với vài chỗ bằng thể văn xuôi. Về nội dung của sách, ta có thể tóm tắt như sau:

Lúc còn tại thế, Đức Phật đã ba lần ngự sang đảo Tích Lan. Tương truyền rằng trong chuyến đi đầu tiên, Ngài đã biết trước công cuộc hoằng dương của Trưởng lão Mihinda (con vua A Dục) tại đảo sau này nên Ngài đã dùng thần thông dời chổ ở của các Dạ Xoa hung bạo có khả năng phương hại đến đại sự đó. Sau khi nhắc lại sự kiện Đức Phật viếng thăm Tích Lan, bộ Dìpavamsa có nhắc sơ qua phả hệ của Đức Phật, rồi tiếp theo đó là việc ra đời của các bộ phái Phật Giáo sau kỳ kiết tập thứ nhất và thứ hai. Kế đến sách kể lại những giai thoại về Phật lực, về chuyến đi của Ngài Mihinda sang Tích Lan và cả kỳ kiết tập thứ ba dưới triều vua A Dục. Bộ Dìpavamsa còn nhắc đến cuộc xâm lược của hoàng tử Vijaya (con vua Sihabàhu xứ Bengal) vào đảo Tích Lan.

Sau thời Vijaya, còn rất nhiều triều đại khác nhưng bộ Dìpavamsa đã đặc biệt kể lại một các tỉ mỉ Vương triều Devanampiyatissa. Vị vua này được xem là cùng thời với vua A Dục và dưới triều đại của ông, Phật Giáo đã có được vị trí vững chắc tại Tích Lan. Sau khi ông băng hà, Phật Giáo Tích Lan lại rơi vào những tháng ngày đen tối nhất. Mọi sự bắt đầu từ cuộc đột nhập của giống mọi Tamil (Damila) từ miền Nam Ấn Độ tràn sang. Nhưng rồi vua Tích Lan Dutthagàmanì đã đánh đuổi họ ra khỏi lãnh thổ để tái lập hòa bình cho đất nước. Ông đưọơc xem là vị vua vĩ đại nhất của Tích Lan. Phật giáo trong thời đại của ông đã được hùng trưng mạnh mẽ. Người kế thừa của Ông là vua Vattagàmanì, một ông vua Phật tử nổi tiếng bởi dưới thời ông, toàn bộ Tam TẠng và Sớ giải đã được sao chép đầy đủ tại Tích Lan. Vị vua cuối cùng mà bộ Dìpavamsa nhắc đến là vua Mahàsena, thời gian trị vì kéo dài từ năm 325 đến 352 sau Tây lịch.

Bản thân bộ Dìpavamsa có lắm điều rắc rối cần lưu ý cả về mặt từ vựng lẫn ngữ âm. Đã vậy, bố cục nội dung đôi chỗ có vẻ lỏng lẻo và các vấn đề được giải quyết không cân đối, đôi khi chi li một cách không cần thiết để rồi lại có chổ sơ sài đến mức khó chấp nhận. Đại khái, nội dung và kết cấu của bộ Dìpavamsa là những mô phỏng thiếu hoàn chỉnh và các dữ kiện dường như được vay mượn từ các sử liệu góp nhặt từ tập sớ theo truyền thống Tích Lan.

Bên cạnh Dìpavamsa, Phật Giáo Tích Lan còn có một bộ Sử nữa là bộ Mahàvamsa của tác giả Mahànàma, một người có lẽ ra đời dưới triều vua Dhàtusena, nhằm vào thế kỷ thứ sáu sau Tây Lịch.

Nhìn chung, cả hai bộ Dìpavamsa và Mahàvamsa đều vận dụng một nguồn sử liệu nhưng dường như bộ Mahàvamsa có vẻ mạch lạc, chặt chẽ và đầy đủ hơn bộ Dìpavamsa. Theo một số học giả Ấn Dộ thì Mahàvamsa như là phần bổ túc và chú giải cho Dìpavamsa. Trên nội dung tổng lược thì cả hai bộ tương đối giống nhau mặc dù vẫn có những điểm dị biệt nhất định. Chẳng hạn như Bộ Mahàvamsa đã kể lại khá rõ từng chi tiết về sự kiện Ngài Mahinda sang truyền đạo ở Tích Lan xong rồi mới nhắc đến những sự kiện xảy ra dưới triều vua Mahàsena.

Nói sao thì nói, chúng ta vẫn không thể phủ nhận giá trị thông tin lịch sử từ các giai thoại truyền kỳ, thậm chí siêu thực, trong cả hai bộ sử nói trên nếu ta có được cái nhìn từ góc độ nghiên cứu của một người làm công tác khoa học hôm nay. Cả hai sử liệu đó đã soi rọi cho chúng ta những góc tối của lịch sử cổ đại, không những của Tích Lan mà còn của Ấn Độ nữa. Chúng ta còn có thể rút ra được không ít những thông tin giá trị khác về lịch sử Phật Giáo nói chung. Đó là chưa kể đến những chất liệu địa ký hết sức quý giá của cả Tích Lan lẫn Ấn Độ được tìm thấy trong hai bộ biên niên sử. Đã thế, Dìpavamsa và Mahàvamsa còn tự có giá trị của những tập thư tịch Pàli. Từ đó, cả hai đương nhiên có được vị trí quan trọng trong dòng văn học Nam Phạn.

Tiếp theo hai sử liệu trên, các tác phẩm sử ký Pàli vẫn hãy còn khá nhiều mà sau đây sẽ lần lượt được kể ra:

– Culavamsa: Một tập sử ký có nội dung bổ túc cho bộ Mahàvamsa. Đây là một công trình đựơc thực hiện bởi nhiều người qua nhiều thời đoạn không liên tục. Các tài liệu truyền thống của Tích Lan đều cho chúng ta biết rằng người khởi soạn Culavamsa là Trưởng lão Dhammakitti. Tương truyền Ngài đã từ Miến Điện đi sang Tích Lan vào thời vua Parakkamabàhu đệ nhị (thế kỷ XIII Tây lịch). Ở bộ Mahàvamsa, ta thấy một loạt lịch đại của các triều vua, từ Vijaya đến Mahàsena, còn ở Culavamsa thì mốc lịch sử được bắt đầu từ vua Sirimeghavan.n.a (con vua Mahàsena) cho đến thời Sirivikkamaràsìha.

– Buddhaghosuppatti: nội dung chủ yếu là tự truyện của Ngài Buddhaghosa. Nói là tự truyện nhưng kỳ thực đây chỉ là một tác phẩm văn học nhiều hơn là một tài liệu sử học để ta có thể tin cậy hoàn toàn. Tác giả của tập sách này là Ngài Mahàmangala và nếu đây là một tên gọi khác của Ngài Mangala, một văn phạm gia Pàli, thì Ngài phải là người của thế kỷ XIV Tây lịch. Điều đáng ghi nhận là có một số sự kiện được kể lại trong bộ Milindapanha và Mahàvamsa xem ra rất tương đồng, trong khi tập Buddhaghosuppatti cũng kể những sự kiện đó theo cùng một khuôn mẫu. Từ đó ta có thể suy ra là bộ Buddhaghosuppatti đã mô phỏng theo hai tác phẩm kia.

– Saddhammasangaha: của Ngài Dhammakitti có nội dung kể lại lịch sử Phật giáo bằng cách nhắc lại các kỳ kiết tập Tam Tạng cùng các dữ kiện lịch sử khác từ buổi đầu cho đến thế kỷ thứ XIV. Sách được viết trong cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ và được thực hiện vào cuối thế kỷ thứ XIV.

– Sandesakattha: chủ yếu được viết bằng văn xuôi. Nội dung là những bàn soạn khá chi tiết về các tập chú giải Thắng Pháp như Abhidhammatthasangaha của Ngài Anuruddha, Abhidhammatthavibhàvanì của Ngài Sumangalasàmì,… Đặc biệt tập này đã nhắc tới các vương quốc như Suvan.n.abhùmi, Kamboja, Cìna,… Đồng thời từ tác phẩm này ta cũng biết thêm đôi điều về mối quan hệ giữa Tích Lan và Miến Điện lúc bấy giờ.

Mahàboddhivamsa của tác giả Upatissa, được viết bằng văn xuôi, về niên đại ra đời thì rất mơ hồ. có người thì nói là thế kỷ thứ IV, có ý kiến cho là khoảng thế kỷ thứ X, thậm chí thế kỷ thứ XI. Tập sách nói về tiểu sử của cây bồ đề ở Anurathapura (Tích Lan), cây bồ đề của Ngài Ànanda, kể về sự kiện Đức Phật viên tịch, ba kỳ kiết tập đầu tiên và cả chuyến đi của Ngài Mahinda sang Tích Lan. Tác giả hầu như đã vay mượn tài liệu từ bộ Mahàvamsa.

– Tập Thùpavamsa: của tác giả Vàcissara, được viết bằng văn xuôi, ra đời vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ thứ XIII. Sách gồm ba chương. Chương đầu kể lại các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. Chương hai kể lại cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sanh đến khi Niết-bàn, rồi chuyện phân chia Xá lợi của Bà-la-môn Dona, việc vua A-xà-thế lập tháp phụng thờ,… Chương ba nói về lịch sử Xá lợi Phật. Trong bộ Thùpavamsa còn bao gồm một số sự kiện vay mượn từ các tài liệu như Vidànakatha, Samantapàsadika, Mahàvamsa cùng các tập chú giải khác. Thùpavamsa còn nhắc đến tên tuổi những vị Trưởng lão được Ngài Mục Liên Đế Tu (Moggalliputtatissa) cử đi hoằng pháp ở một số địa bàn tại Ấn Độ. Đồng thời sách còn để lại cho ta một số thông tin rất giá trị về địa dư của các địa phương đương thời như Tàmalitti (Tàmralipti), Gandhàra, Kasmir (Kashmir), Suvan.n.abhùma, Pàvà,…

– Tập Hatthavanagallavihàravamsa: gồm có 11 chương. Tám chương đầu kể chuyện về vua Sirisanghabodhi. Ba chương cuối nói về những hoạt động tôn giáo cũng như cúng dường Tam Bảo bằng cách hộ độ chư tăng và xây dựng đền miếu mà ông đã một lòng thực hiện trong suốt những ngày tháng sau cùng của đời mình.

– Tập Dàthavamsa của Ngài Dhammàkitti, là một thi phẩm được chia thành 5 trường đoạn, được thực hiện vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Tác giả cho ta biết rằng D.àthavamsa nguyên thủy được viết bằng chữ Tích Lan, sau đó được Ngài Dhammàkitti bổ túc rồi dịch sang tiếng Pàli. Theo học giả Keru thì nguyên tác D.àthavamsa được thực hiện vào đầu thế kỷ thứ IV với nhan đề là Dal.adàvamsa. Nội dung chủ yếu của tập thơ này là kể về hành trình của Chiếc Răng Nhọn của Đức Phật. Trong đó, ta bắt gặp lại cách kể chuyện của bộ Mahàvamsa. Ngoài giá trị lịch sử kể về một bảo vật trấn quốc của Tích Lan, bản thân D.àthavamsa còn là một thi phẩm tuyệt vời. Xét về thi pháp, chỉ riêng mặt ngữ điệu đã tạo cho D.àthavamsa một nét duyên dáng riêng biệt, độc đáo.

– Chakesadhàtuvamsa: một tác phẩm của Miến Điện, được viết bằng cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ, kể về công trình xây dựng ngôi đại tháp tôn thờ một nhúm tóc của Đức Phật do vua Miến Điện Anuruddha thực hiện với sự giúp sức của các Thiên Nhân và Phi nhân như vua Trời Đế Thích, Thần Mưa Pajjuna, Tiên nữ Manimekhalà, Long Vương Varun.a và một số khách thương hồ.

– Tập Gandhavamsa: được biên soạn tại Miến Điện, gần như là một tập biền văn, có nội dung như một tập thư tịch, kể rõ các tác phẩm và tác giả Pàli, cách san định Tam Tạng và đằng sau đó là danh tánh các vị A-xà-lê tiền bối trong ba thời kỳ kiết tập đầu tiên. Các vị còn được gọi là những Chú Giải Sư, tác giả các tập sớ Phật ngôn, như Ngài Mahàkaccàyana (một nhà văn phạm Pàli lừng danh) cùng các luận sư (Gandhakàcariya), cũng như các tác phẩm của họ và các tác phẩm khuyết danh. Trong Gandhavamsa, các tác giả viết kinh được chia làm hai nhóm: những vị ở Tích Lan và những vị ở Ấn Độ. Sách còn kể rõ từng hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm. Từ đó, phải nói rằng Gandhavamsa là một tác phẩm rất có giá trị trong lịch sử văn học Pàli.

– Tập Sàsanavamsa: gồm mười chương, được biên soạn vào năm 1861. Nội dung là lịch sử Phật Giáo Ấn Độ từ khởi thủy đến sau kỳ kiết tập thứ ba. Sau đó là lịch sử Phật Giáo ở Tích Lan cùng các xứ Phật giáo Nam phương khác, đặc biệt là Miến Điện (mà gọi theo địa danh trong nguyên tác là xứ Aparantarattha). Để thực hiện tác phẩm, tác giả đã vận dụng triệt để các nguồn sử liệu trích lục từ bộ Samantapasadikà (Chánh Sớ Luật Tạng), Dìpavamsa, Mahàvamsa cùng các sử liệu khác của Miến Điện.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app