Hiểu biết đúng đắn và những vấn đề hay gặp

NỘI DUNG TÓM TẮT BÀI GIẢNG CỦA NGÀI KYUNPIN CHO NHÓM THIỀN SINH MỚI (NAM & NỮ)

NGÀY 7/8, HẠ 2019, Thiền Viện Kyunpin, Myanmar

Ngài Thiền Sư  giảng về sự hiểu biết đúng đắn khi hành thiền và về những vấn đề mà thiền sinh hay gặp.

Bấm vào đây để nghe bài giảng dạng tiếng (mp3)
Bấm vào đây để nghe bài giảng song ngữ Anh Việt dạng tiếng (mp3)
Bấm vào đây để tải toàn bộ văn bản

Thiền sinh (TS) hành thiền theo phương pháp Mahasi, nhưng phương pháp này không phải của Ngài Mahasi mà là thực hành theo lời dạy của Đức Phật. Nếu TS có sự tinh tấn dõng mãnh, sự hiểu biết đúng đắn, hiểu rõ cách thức thực hành thì TS có thể loại trừ được ô nhiễm, thoát khổ và chứng ngộ Niết Bàn ngay trong kiếp sống này.

  1. Hiểu đúng:
  2. Hiểu đúng rất quan trọng, Thiền sư chỉ cho lời hướng dẫn hành thiền ngắn gọn, nhưng nếu hiểu đúng thì sẽ thấy lời hướng dẫn ngắn gọn này là đầy đủ, trọn vẹn và rất hữu ích.

Ngài Mahasi khi bắt đầu hành thiền đã xin Thầy của mình là Ngài Mingun-jetavan hướng dẫn, Ngài Mingun đã dạy: “Tỳ khưu, ai muốn sống an lạc trong cuộc đời này, khi đi tới, đi lui, khi nhìn đó đây, khi co tay, duỗi tay, khi vấn y, rửa bát, ăn, uống, nhai, nuốt, đi vệ sinh, đứng lên, ngồi xuống, khi thức giấc, khi nói chuyện và tĩnh lặng, phải tỉnh giác và chánh niệm.”

Ban đầu, khi được hướng dẫn ngắn gọn như vậy thì Ngài Mahasi nghĩ rằng đây chỉ là hướng dẫn căn bản cho người mới bắt đầu, khi tiến bộ hơn Ngài sẽ được hướng dẫn thêm để chứng ngộ Niết Bàn. Ngài không xin hướng dẫn gì thêm và chú tâm hành thiền một cách tôn trọng, quan sát đề mục cẩn thận và kỹ lưỡng. Sau 20 ngày hành thiền, Ngài Mahasi nhận ra hướng dẫn này không chỉ dành cho người mới bắt đầu mà là một hướng dẫn trọn vẹn cho tất cả các cấp bậc gồm cả bậc trung và bậc cao. Thực hành theo hướng dẫn này có thể loại trừ được ô nhiễm và thoát khổ.

  1. Một số TS trước khi đến đây đã đọc sách và nghe pháp thoại về hướng dẫn hành thiền Tứ Niệm Xứ, nếu có, thì TS nên quên hết và chỉ nghe theo lời hướng dẫn của Thiền sư. Vì sách và pháp thoại có nhiều thông tin và ý tưởng không giống với lời hướng dẫn của Thiền sư, TS sẽ so sánh, hoài nghi đây là thiền Tứ Niệm Xứ hay là thiền định và hoài nghi như vậy làm cho việc hành thiền khó khăn hơn. TS chỉ cần quan sát Phồng – Xẹp (PX); nó lớn hay nhỏ, nặng hay nhẹ, nhanh hay chậm, dài hay ngắn thì cũng chỉ quan sát. Con người thường thích sự thoải mái, dễ chịu, an lạc nhưng khi hành thiền không phải lúc nào cũng thấy như vậy, có khi đau, nhức, ngứa, khó chịu, suy nghĩ, phóng tâm, thấy hình ảnh, nghe âm thanh, dù có điều gì thì cũng chỉ quan sát mà không phân tích, không thắc mắc, không chối bỏ, không chống trả, không than phiền, không tạo ra, không kiểm soát, chỉ quan sát để thấy bản chất của Thân và Tâm. Khi những hiện tượng trên xảy ra nơi Thân và Tâm thì không có gì sai cả, không cần đi Bác sĩ, nếu TS đi Bác sĩ khám bệnh thì việc hành thiền sẽ khó khăn hơn. TS chỉ cần quan sát cẩn thận, kỹ càng, các hiện tượng như thế nào thì cứ quan sát như vậy. Nếu quan sát một hồi mà chúng không mất thì quay trở lại quan sát PX. Hoặc nếu các hiện tượng này xuất hiện mà TS không biết cách quan sát thì cứ tiếp tục quan sát PX. TS phải quan sát đề mục chính PX, Dở-Bước-Đạp (DBĐ) cẩn thận, kỹ lưỡng.
  1. TS cần có hiểu biết đúng đắn. Một số TS khi hành thiền thì mong chờ sự dễ chịu, an lạc và khi không được như vậy thì bực bội, thất vọng. Đây là thái độ sai lầm. Một số TS nghĩ rằng mình sẽ hành thiền tốt, chánh niệm sẽ mạnh, không có phóng tâm, nhưng mọi việc không phải lúc nào cũng như vậy. Có khi TS cố gắng quan sát kỹ mà vẫn không chạm được tới đề mục thì cũng không sao cả, không cần phải bực bội mà chỉ tiếp tục quan sát.

Có khi TS đã cố gắng quan sát mà vẫn có phóng tâm nhiều thì vẫn cứ tiếp tục quan sát, đừng có thất vọng. Khi thân bị lắc lư, vặn vẹo, gập trước hay sau thì cũng đừng cố gắng điều khiển mà tiếp tục quan sát.

Tất nhiên đôi khi TS cũng có thể điều khiển nhưng điều khiển không phải là câu trả lời. Rồi có khi đau, ngứa, khó thở, tâm phóng chạy đó đây hoặc có những khó khăn này khác thì không chỉ  riêng TS nào mới gặp khó khăn mà ngay cả Thiền sư, Ngài Mahasi hay các vị Thiền sư khác cũng đều trải qua những chuyện như vậy. Bản chất của Thân và Tâm là như vậy nên TS chỉ cần quan sát không cần phải lo lắng, bực tức. Trong một giờ ngồi thiền, nếu định tâm, chánh niệm chưa đủ mạnh thì có thể có rất nhiều hiện tượng như phóng tâm, buồn ngủ, thấy những hình ảnh này nọ, thân bị gập xuống hay, nghiêng, lắc…dù có chuyện gì xảy ra thì cũng đừng cho rằng đó là sai, mà chỉ quan sát.  Nếu TS không hiểu được điều này thì không ai có thể giúp được.

Khi gặp khó khăn, hoài nghi, hoang mang về việc hành thiền của mình, TS đi nơi khác thì việc đổi nơi hành thiền không phải là giải pháp. Dù cho TS có đi các nơi khác, thực hành theo các phương pháp khác thì cũng phải trải qua những hiện tượng, khó khăn như vậy. Tất cả các TS đều có những khó khăn, không riêng ai cả.

Tuy nhiên, nếu khi ngồi mà đau quá không chịu được thì TS có thể thay đổi tư thế, trong 1giờ có thể thay đổi một lần, hoặc ngứa quá thì cũng có thể gãi nhưng không phải lúc nào đau cũng đổi tư thế hay cứ ngứa là gãi.

  1. Hiểu hướng dẫn hành thiền đúng rất quan trọng, hành thiền là “quan sát các hiện tượng đúng như chúng là vậy”, không thay đổi gì cả. PX lớn, nhỏ, nặng, nhẹ, rõ hay không rõ…chỉ cần quan sát…và quan sát một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Lúc đầu, quan sát kỹ không được thì cũng không sao, bị mất chánh niệm (thất niệm) cũng không sao, TS chỉ cần quyết tâm mạnh mẽ là mình sẽ quan sát đề mục cẩn thận, sẽ phát triển chánh niệm liên tục trong từng khoảnh khắc. Làm được như vậy, TS sẽ tiến bộ mỗi ngày. Nếu TS thất niệm mà không quan tâm, quan sát đề mục không cẩn thận cũng không quan tâm, thái độ tu tập như vậy thì không thể tiến bộ.
  1. Thân và tâm có sự kết nối với nhau: Thân đau thì Tâm khổ, Tâm khổ thì Thân cũng mệt mỏi…Có nhiều yếu tố tác động đến Thân như: nghiệp, tâm, thời tiết, vật thực. Dù có điều gì xảy ra thì cũng đừng có tìm hiểu lý do tại sao mà chỉ quan sát, chỉ cần hay biết những gì đang xảy ra trên Thân và Tâm. Khi chánh niệm mạnh thì TS sẽ hiểu được lý do tại sao.
  1. Những vấn đề mà TS hay gặp:
  2. Nghi ngờ: khi gặp khó khăn thì không quan sát kỹ mà lại suy nghĩ, phân tích, phán xét…nên nảy sinh nghi ngờ, hoài nghi về phương pháp, nghi ngờ về khả năng của bản thân và như vậy việc hành thiền lại càng khó khăn hơn.
  1. Mong cầu: mong rằng mình sẽ đạt được điều này, trạng thái này, tiến bộ như thế này, thế kia. Những mong cầu này chỉ làm cho việc hành thiền khó khăn hơn.
  1. TS không quan sát kỹ càng, cẩn thận, không thực hành với thái độ tôn trọng và không chánh niệm liên tục từ khi thức giấc cho tới khi ngủ.
  2. TS không hiểu rõ hướng dẫn của Thiền sư, không chịu quan sát mà cứ đi tìm kiếm, trông chờ cái này đến, cái kia đến, cứ làm điều mà TS muốn mà không làm theo hướng dẫn.

Những vấn đề trên làm cho việc hành thiền trở nên khó khăn.

  1. Quyết tâm: 

Để thấy được bản chất của Thân và Tâm thì phải chánh niệm trong từng khoảnh khắc. Thân và Tâm thay đổi nhanh chóng, sinh diệt liên tục, vừa mới đau xong thì cảm thấy an lạc, hoan hỉ, vừa mới hôn trầm lại thấy tâm trong sáng, vừa mới khổ lại thấy hạnh phúc, rất khó dự đoán cái gì sẽ xảy ra, cách duy nhất đó là quan sát cẩn thận, kỹ lưỡng.

Hành thiền Vipassana đòi hỏi phải chú tâm quan sát liên tục, lúc nào cũng vậy nên nếu TS không có quyết tâm mạnh mẽ thì làm sao có thể tiến bộ được? TS nên có quyết tâm rằng mình sẽ không nhìn đó đây, sẽ nhìn xuống, quyết tâm quan sát liên tục trong từng khoảnh khắc. Nếu quan sát cẩn thận và kỹ càng từng khoảnh khắc liên tục trong khi ngồi thiền, đi kinh hành và sinh hoạt hàng ngày, TS sẽ tiến bộ mỗi ngày.

IV-  Niệm thầm:

Khi hành thiền việc niệm thầm hay không là tùy từng tình huống. Niệm thầm như (Phồng, Xẹp, Dở, Bước, Đạp) hỗ trợ cho việc quan sát và phát triển định tâm nhưng nếu chỉ niệm thầm mà không có chánh niệm biết rõ những gì đang diễn ra thì việc niệm thầm đó không có ích lợi gì. Khi ăn, nhai, nuốt, hoặc khi uống nước…thì việc niệm thầm khó khăn hơn, khi đó TS chỉ cần chánh niệm, ghi nhận, hay biết, cảm nhận, biết những hiện tượng xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại: nóng biết nóng, lạnh biết lạnh, suy nghĩ, phóng tâm biết có suy nghĩ phóng tâm…TS có thể dùng các từ khác nhau như:  biết mình đang làm gì, cảm nhận, hay biết, ghi nhận, thấy, quan sát, chánh niệm… (know what you are doing, feel, aware, note, see, observe, mindful…) tất cả đều chung một nghĩa.

TS khi đến TV để hành thiền được cung cấp nhiều thứ như chỗ ở, điện, nước, không phải nấu ăn, rửa bát…với những điều kiện thuận tiện như vậy mà TS nào không tận dụng cơ hội để hành thiền, phát triển chánh niệm, loại trừ ô nhiễm trong 3 tháng hạ này thì TS đó thiếu trí tuệ.

Bấm vào đây để xem toàn bộ bài giảng năm 2019 tại Thiền Viện Kyunpin, Myanmar.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app