Hiểu đúng cách hành thiền | 2019 | Thiền viện Kyunpin

NỘI DUNG TÓM TẮT BÀI GIẢNG CỦA NGÀI KYUNPIN CHO NHÓM THIỀN SINH MỚI

NGÀY 11/09, HẠ 2019, Thiền Viện Kyunpin, Myanmar.

Bấm vào đây để nghe bài giảng dạng tiếng (mp3)
Bấm vào đây để nghe bài giảng song ngữ Anh Việt dạng tiếng (mp3)
Bấm vào đây để tải toàn bộ văn bản

Hôm nay, Ngài Kyunpin (Ngài U Jaṭila) giảng về tác dụng của việc nghe giảng Pháp và trình bày kinh nghiệm hành thiền và lý do tại sao thiền sinh tiến bộ và không tiến bộ và về Thất Giác Chi – Bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ, về cách hiểu đúng việc hành thiền.

  1. Tác dụng của việc nghe giảng và trình pháp

Khi thiền sinh (TS) tham gia một khóa thiền tích cực ba tháng trong suốt hạ, nếu TS có cơ hội nghe giảng pháp ba đến bốn lần là đã đủ cho việc thực hành. Nếu TS biết cách áp dụng những gì mình nghe, học được, biết áp dụng những chỉ dẫn của Thiền sư vào trong thực hành, thì phỏng vấn một đến hai lần một tuần cũng đủ để TS có thể tiến bộ.

Ngài Mahasi đến thiền viện (TV) để hành thiền một năm, nhưng  vì sư phụ của Ngài bị bệnh nên Ngài chỉ hành thiền ở đó bốn tháng. Trong bốn tháng đó, Ngài chỉ có cơ hội nghe thầy của mình giảng pháp bốn lần và trình pháp ba đến bốn lần. Thỉnh thoảng Ngài cũng đến gặp thầy để hỏi thêm. Mặc dù không nghe giảng pháp và trình pháp nhiều, nhưng do hiểu đúng về cách hành thiền nên Ngài Mahasi tiến bộ rất nhiều, đạt được rất nhiều lợi ích.

Việc Thiền sư có giảng pháp và phỏng vấn nhiều hay không tùy thuộc vào sự hiểu của TS. Nếu TS hiểu rõ thì không cần nghe giảng pháp và trình pháp nhiều mà vẫn có thể tiến bộ. Ngược lại, nếu TS không hiểu đúng, nghe giảng pháp nhiều chỉ làm cho họ rối hơn và khi trình pháp thì TS lo lắng, sợ hãi, không biết trình bày kinh nghiệm hành thiền của mình như thế nào.

Như vậy việc hành thiền của TS có tiến bộ hay không phụ thuộc vào việc TS hiểu như thế nào. Nếu TS hiểu đúng thì TS có thể tiến bộ. Nếu TS không hiểu đúng thì dù có phỏng vấn hàng ngày thì cũng không giúp cho việc hành thiền, vì TS vẫn không biết cách thực hành như thế nào.

  1. Tại sao TS tiến bộ và TS không tiến bộ

Hôm nay, thiền sư muốn giải thích lý do tại sao một số TS tiến bộ, một số TS không tiến bộ.

Một số TS hiểu đúng cách hành thiền nên có thể tiến bộ. Hiểu đúng nghĩa là khi TS đến TV thì TS phải hành thiền một cách cẩn thận, hành thiền liên tục và với một thái độ cung kính. Cẩn thận ở đây có nghĩa là quan sát danh – sắc một cách cẩn thận. Khi TS quan sát cẩn thận thì TS thấy được các hiện tượng danh – sắc trong từng khoảnh khắc một. Mặc dù tâm rất nhanh, các đối tượng đến và đi rất nhanh, nhưng do quan sát kỹ lưỡng TS có thể  thấy các hiện tượng này đến và đi như thế nào.

TS quan sát cẩn thận như vậy là TS hiểu đúng. Hiểu đúng tức là chỉ quan sát mà không kiểm soát, không điều khiển. Khi có suy nghĩ, phóng tâm thì TS biết, biết suy nghĩ phóng tâm đến khi nào, đi khi nào. Hoặc các hiện tượng khác như đau, ngứa, khó chịu, dễ chịu, khi chúng đến và đi thì TS biết chúng đến và đi như thế nào, đến và đi lúc nào. Do TS quan sát cẩn thận trong từng khoảnh khắc một, TS có thể thấy danh – sắc trong từng khoảnh khắc một.

Hành thiền với thái độ cung kính, cung kính nghĩa là khi quan sát, thì tất cả các cử chỉ, hành động dù là nhỏ nhất TS cũng không bỏ lỡ. Khi TS nhắm mắt, mở mắt, co tay, duỗi tay, khi ngồi xuống, đứng lên, khi đóng cửa, mở cửa, TS phải chánh niệm, chú tâm quan sát từng hoạt động như vậy. Mỗi khoảnh khắc có rất nhiều hoạt động, vì vậy TS phải luôn có sự chú tâm quan sát thì mới có thể thấy được. Có khi TS muốn nhắm mắt, mở mắt, muốn ngồi xuống, đứng lên, muốn đi toa-lét, nếu TS hành thiền với một thái độ cung kính thì TS có thể thấy được từng hoạt động nhỏ của thân.

Tuy nhiên, một số TS không hiểu đúng, không chú tâm quan sát liên tục, khi kết thúc thời thiền ngồi thì đứng dậy nhìn đó đây, đi uống nước hoặc đi vệ sinh không có chánh niệm, không chú tâm quan sát. Còn một số TS khác thì hiểu đúng, biết cách hành thiền nên họ quan sát liên tục, chánh niệm liên tục. Khi hết thời thiền ngồi, họ đứng lên vẫn giữ được chánh niệm, giữ được sự chú tâm quan sát, tiếp tục thiền đi vẫn giữ được chánh niệm, sự chú tâm quan sát như vậy. Khi những TS này nhắm mắt, mở mắt, trong tất cả các hoạt động khác, đều có sự chú tâm quan sát, có chánh niệm, giữ được sự quan sát liên tục.

Khi TS quan sát đối tượng một cách cẩn thận, liên tục và cung kính thì TS có thể thấy được danh – sắc. Đôi khi đó là những ham muốn, hoặc đôi khi là tâm bực bội, lo lắng, vọng động, có khi vui, có khi buồn, có khi rơi vào tâm trạng rất chán nản hoặc khổ sở, hoặc buồn ngủ, có khi phóng tâm, có khi cảm thấy hối hận, nghi ngờ.

TS quan sát một cách cẩn thận và cung kính, thì khi những hiện tượng này xuất hiện, ví dụ khi ham muốn xuất hiện thì TS chỉ quan sát những ham muốn này, do đó TS thấy được chúng đến và đi như thế nào. Khi TS quan sát như vậy, khi có tâm sân đến, TS quan sát, tâm sân này sẽ biến mất. Khi buồn ngủ, hôn trầm đến, TS quan sát, buồn ngủ cũng biến mất.

Nếu TS quan sát một cách cẩn thận, liên tục, cung kính như vậy thì TS có thể vượt qua khó khăn một cách dễ dàng. Những hiện tượng như phóng tâm, buồn ngủ, nghi ngờ, hối hận, những ham muốn này nọ, có khi chúng rất ngắn, có khi chúng kéo dài, kéo dài đến vài phút, nếu TS tiếp tục quan sát thì cuối cùng chúng sẽ biến mất.

Nếu TS chú tâm quan sát những hoạt động của thân trong từng khoảnh khắc một, khi những hoạt động này xuất hiện, TS quan sát thì chúng biến mất. Khi quan sát liên tục như vậy, TS không có thời gian để đánh giá, phán xét. Khi hiểu đúng, thì TS sẽ quan sát cẩn thận, liên tục và TS chỉ thấy danh – sắc. Thân có thể nóng, lạnh, đau, gập về phía trước, ngã về phía sau, hoặc xoay, rất nhiều hiện tượng xuất hiện. Khi chúng xuất hiện, TS quan sát rồi chúng cũng sẽ biến mất.

Một số TS không hiểu đúng như vậy, không hiểu đúng nên không quan sát một cách cẩn thận, không quan sát liên tục, cung kính. Khi TS muốn đi vệ sinh thì cứ đi mà không có chánh niệm, không chú tâm quan sát, khi muốn nói chuyện thì nói chuyện, muốn đi đây, đi đó thì cứ đi đây, đi đó, không có sự chú tâm quan sát. Rồi khi ngồi thiền, thân  lắc lư, rung, giật, gập về phía trước, phía sau, TS cảm thấy bực bội, khó chịu, thắc mắc tại sao, tại sao nó lại rung lắc như vậy. Khi có nghi ngờ hoặc lo lắng, hối hận đến thì TS thắc mắc tại sao lại có nghi ngờ, tại sao lại có lo lắng, tại sao lại có sự bực bội như vậy.

Nếu TS hiểu đúng, biết cách thực hành thì TS chỉ quan sát thôi. Khi TS đi ăn trưa, lấy thức ăn, cho thức ăn vào miệng, nhai, nuốt, uống nước, và khi đi vệ sinh cũng vậy, tất cả các hoạt động này TS chỉ quan sát, quan sát cẩn thận, quan sát liên tục. Bất kể chuyện gì xảy ra, khi chúng đến thì TS chỉ quan sát. Đây chính là mục đích của việc hành thiền, tức là thấy được các hiện tượng danh sắc, thân tâm như vậy.

Một số TS không hiểu đúng. Khi thấy nóng thì bật quạt, hoặc khi có vấn đề xảy ra trong thân như đau, nhức, ngứa, tê, lắc lư, hoặc các hiện tượng khó chịu thì TS muốn đi bệnh viện, đi khám bệnh. Hoặc TS tiếp tục suy nghĩ, phân tích, hỏi tại sao lại như vậy. TS càng suy nghĩ, càng phân tích, càng thắc mắc thì càng có nhiều suy nghĩ, phân tích hơn, càng rơi vào hoài nghi và có nhiều câu hỏi hơn. Cứ như vậy, TS không thể vượt qua được khó khăn.

Bởi vì không hiểu đúng nên TS cứ mãi suy nghĩ, cứ mãi phân tích, thắc mắc mà không quan sát, không quan sát một cách cẩn thận, liên tục và cung kính. Mặc dù hành thiền một hai ngày nhưng TS thấy phồng-xẹp cũng chỉ như vậy, không có gì khác. Khi thiền đi, quan sát dở-bước-đạp thì TS cũng thấy chỉ có như vậy, không có gì khác. Khi trình pháp, Thiền sư khuyên TS là không nên đánh giá mình có tiến bộ hay không, vì nếu TS đánh giá sai thì đã khổ lại càng khổ thêm.

Nếu TS biết cách quan sát một cách cẩn thận, liên tục thì TS sẽ thấy rằng các hiện tượng không giống nhau, phồng-xẹp, dở-bước-đạp không phải lúc nào cũng giống như vậy, mỗi lúc chúng mỗi khác. Nếu danh – sắc lúc nào cũng như vậy, không thay đổi thì Thiền sư sẽ không yêu cầu TS quan sát làm gì cả. Nếu danh – sắc không thay đổi thì tại sao người ta lại già đi. Cái thân không phải lúc nào cũng như vậy, nó có thay đổi. Nếu TS thấy rằng cái thân lúc nào cũng như vậy, không thay đổi là TS không hiểu, là ngu ngốc.

Nếu TS hiểu đúng cách thực hành thì TS mới có thể tiến bộ được. Nếu TS không hiểu đúng thì cả ngày không chú tâm quan sát, không có chánh niệm, thì làm sao có thể tiến bộ. TS không thấy sự thay đổi, thấy lúc nào nó cũng như vậy, ngày nào cũng thấy phồng-xẹp giống nhau, không có gì khác. Khi TS không thấy sự khác biệt như vậy, thì TS không thể tiến bộ được, càng ngày TS càng trở nên lo lắng, nghi ngờ, không muốn đi trình pháp, không muốn gặp Thiền sư để phỏng vấn nữa.

Một số TS hiểu đúng, biết cách thực hành, quan sát cẩn thận, quan sát liên tục và cung kính, nên họ tiến bộ. Ngược lại, khi TS không hiểu đúng, không biết cách thực hành, khi có nghi ngờ, thay vì quan sát lại cứ hỏi tại sao, như thế nào, rồi phân tích, cứ suy nghĩ như vậy nên càng ngày càng gặp khó khăn nhiều hơn.

  1. Thất Giác Chi – Bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ

Khi TS phát triển được chánh niệm trên bốn nền tảng thì Thất Giác Chi – bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ sẽ tự động đến.

  • Thứ nhất là Niệm Giác Chi: Khi có Niệm Giác Chi, chánh niệm của TS rất mạnh, TS có thể quan sát được thân và tâm một cách dễ dàng trong từng khoảnh khắc một. TS có thể quan sát được bốn xứ rất tốt.
  • Thứ hai là Định Giác Chi: Khi có Định Giác Chi, định của TS rất mạnh, TS quan sát các đối tượng một cách dễ dàng.
  • Tinh Tấn Giác Chi: lúc này tinh tấn của TS rất mạnh, sự lười biếng sẽ biến mất, TS có thể quan sát đối tượng tốt. TS hành thiền cả ngày cũng không thấy mệt mỏi, cảm thấy tràn đầy năng lượng.
  • Hỷ Giác Chi và Thư Thái Giác Chi: TS cảm thấy vui thích, thân tâm thư thái, an lạc.
  • Khi có được năm yếu tố này thì TS thấy tất cả đều thay đổi, TS thấy được ba tướng: vô thường, khổ, vô ngã, lúc đó Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện.
  • Thứ bảy là Xả Giác Chi: khi TS đã thấy được vô thường, khổ, vô ngã, tâm của TS cũng thay đổi. Trước đây, tâm TS có lúc trồi, sụt, có lúc vui, lúc buồn, có lúc bực bội, khó chịu nên TS không thể chú tâm quan sát được. Khi có Xả Giác Chi, tâm của TS có thể bắt được đối tượng một cách tự động. TS thấy được đối tượng một cách tự động mà không cần phải cố gắng nỗ lực. Khi TS nghe, nhìn, ngửi, nếm, đụng, chạm, thì TS có thể ghi nhận, quan sát một cách cân bằng với tâm xả.

Trước đây, mỗi thời ngồi thiền, TS cảm thấy không được cân bằng, có sự trồi sụt yếu tố này hoặc yếu tố khác không có sự cân bằng hài hòa, nhưng khi có Xả Giác Chi rồi thì thời thiền nào TS cũng cảm thấy quân bình, TS không cần phải lo lắng có bắt được đối tượng hay không, tâm tự động bắt các đối tượng, tâm tự động hiểu được phải quan sát như thế nào.

Trước đây, khi chưa có Xả Giác Chi, TS thấy tâm vọng động hoặc bị kích động, có khi tâm buồn chán, thất vọng, muốn đi về, nhưng khi có Xả Giác Chi thì cảm giác tốt hay xấu không còn rõ ràng nữa, cảm giác vui hay buồn cũng vậy, không rõ ràng nữa.

Trước đây, khi thấy thức ăn, TS nhìn có cảm giác thích hay không thích nhưng khi có Xả Giác Chi rồi thì cảm giác thích hay không thích không còn nổi bật nữa, cái yêu, cái ghét cũng không còn rõ ràng nữa.

Khi TS có Định Giác Chi thì định của TS cũng thay đổi. Trước đây, tâm của TS phóng chạy đó đây, do phóng tâm nên TS không thể quan sát được. Khi bảy yếu tố này xuất hiện thì TS có thể quan sát được đề mục một cách rõ ràng.

Một số TS cho rằng định có nghĩa là tâm tập trung vào một đối tượng, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Khi có định tâm, TS muốn quan sát cái gì, quan sát đối tượng nào thì TS cũng có thể quan sát được. Định và Niệm đi liền với nhau, có khi bảy yếu tố này đến cùng một lúc, có khi yếu tố Tinh Tấn vượt trội hơn hoặc có khi Xả Giác Chi vượt trội hơn hoặc có khi Định, Trạch Pháp rõ hơn, trội hơn, tùy thuộc vào sự thực hành của từng người. Khi TS thực hành, chú tâm quan sát cẩn thận, liên tục, cung kính thì bảy yếu tố này tự động đến.

Trước khi bảy yếu tố này xuất hiện thì TS phải nỗ lực rất nhiều để quan sát một cách cẩn thận, quan sát liên tục, cung kính. Khi TS hành thiền như vậy, TS phát triển được chánh niệm, có định, TS có thể thấy được danh – sắc trong từng khoảnh khắc một, TS không bỏ sót một đối tượng nào cả, bất kỳ đối tượng nào xuất hiện thì TS cũng có thể bắt được, có thể quan sát được. Và như vậy, TS thấy được danh – sắc một cách liên tục. Khi đó, nếu TS không có chánh niệm thì tâm tự động nhắc TS chánh niệm và TS tự động có chánh niệm trở lại. Hoặc khi TS quên, tâm tự nhắc và TS tự động chánh niệm trở lại.

Khi bảy yếu tố này xuất hiện thì dù trong khi ngồi thiền, thiền đi hay trong sinh hoạt hàng ngày, dù ở cốc hay ở thiền đường, hay TS có rời TV, về nhà làm các việc khác như: lái xe, đi chợ, nấu ăn, làm việc, nói chuyện, dù làm gì thì TS cũng có chánh niệm, có sự chú tâm quan sát các đối tượng một cách liên tục, cẩn thận, cung kính. Việc hành thiền không chỉ mang lại lợi ích cho TS khi ở TV mà mang lại lợi ích cho TS trong suốt cả cuộc đời.

Khi TS có đầy đủ Thất Giác Chi thì TS có thể chứng ngộ Niết Bàn một cách tự nhiên. Vì vậy khi Ngài Ananda hỏi Đức Phật có một Pháp nào mà khi thực hành có thể dẫn đến Tứ Niệm Xứ, có thể đạt được bảy Yếu Tố Dẫn Đến Giác Ngộ và chứng ngộ Niết Bàn. Đức Phật trả lời, tỳ khưu khi chú tâm quan sát hơi thở ra vào – là đề mục chính vào thời đó, còn bây giờ là phồng-xẹp –  một cách cẩn thận, lặp đi lặp lại, thì có thể phát triển được Tứ Niệm Xứ, Thất Giác Chi và chứng ngộ Niết Bàn.

  1. Hiểu đúng

Khi TS đến TV này, TS phải hiểu đúng, hiểu được cách hành thiền, cách quan sát phồng-xẹp. Phồng-xẹp có lúc dài, lúc ngắn, lúc lên, lúc xuống, có lúc to, nhỏ, có lúc tròn, hoặc các hình dạng, các hướng khác nhau. TS phải cố gắng quan sát liên tục, lặp đi lặp lại, không phân tích, không thắc mắc gì cả. Nếu TS cứ đặt ra câu hỏi tại sao đau, tại sao nóng, tại sao thân lắc lư, tại sao tâm lại phóng chạy đó đây, tại sao buồn ngủ, tại sao lại có hoài nghi, tất cả những điều này hoàn toàn không cần thiết. TS chỉ cố gắng chú tâm quan sát thôi.

TS chỉ cần hướng tâm quan sát phồng-xẹp cẩn thận, lặp đi lặp lại. Khi TS hiểu được cách quan sát phồng-xẹp, thì TS sẽ tự động hiểu được cách quan sát tâm, cũng như quan sát các cảm giác và các hiện tượng khi nghe, khi thấy. TS không những có thể quan sát được mà TS sẽ thấy các hiện tượng danh – sắc, thân – tâm thay đổi như thế nào, thân thay đổi như thế nào, tâm thay đổi như thế nào, các cảm giác thay đổi như thế nào, các hiện tượng khi nghe, khi thấy thay đổi như thế nào.

Khi TS tiến bộ đến mức như vậy thì các tâm bất thiện sẽ giảm đi. Chánh niệm (Sati) không đi cùng với tâm bất thiện, tâm bất thiện rất sợ chánh niệm, vì vậy khi có chánh niệm thì tâm bất thiện không thể xuất hiện. Khi có chánh niệm, có sự chú tâm quan sát thì tham, sân, si sẽ giảm xuống hoặc tự động mất. Cứ năm phút có chánh niệm thì trong năm phút đó tham, sân, si không thể xuất hiện. Nếu TS có chánh niệm một ngày thì một ngày không có tham, sân, si. Nếu TS có chánh niệm, chú tâm quan sát một tháng, một năm thì một tháng, một năm không có tham, sân, si. Nếu TS có thể chánh niệm cả đời, thì suốt đời không có tham, sân, si.  Khi tham, sân, si có mặt nghĩa là lúc đó TS không có chánh niệm. Khi có các tâm bất thiện là TS không có chánh niệm, không chú tâm quan sát.

Trong khi hành thiền, TS không cần phải lo lắng về các tâm bất thiện, không cần lo lắng về tham, sân, si. Khi chúng xuất hiện, TS không cần phải lo lắng gì cả. Vì khi TS hiểu được cách hành thiền và cách phát triển chánh niệm như thế nào thì các ô nhiễm tham, sân, si, các tâm bất thiện, sẽ tự động giảm, tự động mất đi, không cần phải lo lắng làm gì. TS không cần phải lo lắng khi có những ham muốn về công việc, về tiền bạc, hay ham muốn về tình dục. Khi cảm thấy thất vọng, buồn ngủ, buồn chán, hoặc có phóng tâm, hối hận, hoài nghi, TS cũng không cần lo lắng. TS chỉ cần phát triển chánh niệm, chú tâm quan sát thì những tâm bất thiện này sẽ tự động giảm, sẽ biến mất.

TS hiểu được cách thực hành, cách phát triển chánh niệm, chú tâm quan sát trong khi ngồi thiền, đi kinh hành, cũng như các sinh hoạt hàng ngày và có thể thực hành thì các lợi ích sẽ tự động đến, các tâm bất thiện sẽ tự động giảm, TS sẽ phát triển được chánh niệm trên bốn nền tảng Thân – Thọ – Tâm – Pháp, Thất Giác Chi sẽ tự động đến.

TS đến TV gặp rất nhiều khó khăn về thức ăn, về thời tiết, về môi trường, mọi thứ đều khác so với ở nhà, ngôn ngữ cũng khác. Vì có đức tin, TS đến đây để hành thiền, nhưng nếu chỉ có đức tin không thì vẫn chưa đủ mà còn phải hiểu đúng cách hành thiền, cách thiền ngồi, thiền đi hay chú tâm quan sát các sinh hoạt hàng ngày.

Khi gặp khó khăn, một số TS khóc, dù cho nước mắt TS chảy ra thành cả đại dương thì cũng không giúp được gì. Nếu TS thấy bực bội, khó chịu, buồn chán, bỏ đi đến các TV viện khác, tìm vị Thầy khác, tìm phương pháp khác, nhưng nếu TS không hiểu đúng thì làm như vậy cũng không giúp được gì cả, ngược lại, chỉ mất thêm tiền bạc, sức lực, TS càng khổ hơn, càng thấy lo lắng, hoang mang, bối rối hơn. Nếu TS biết cách thực hành thì ở đây, TV có thể đảm bảo TS sẽ tiến bộ.

Lời Đức Phật dạy vẫn còn sống mãi cho đến nay. TS muốn tiến bộ phải hiểu đúng lời dạy của Đức Phật, hiểu đúng những chỉ dẫn hành thiền, biết cách hành thiền như thế nào.

Ngài hy vọng, hôm nay TS có thể hiểu đúng những lời giảng của Ngài, từ đó, TS có thể tiến bộ và thấy được pháp. Ngài kết thúc bài giảng hôm nay ở đây./.

Bấm vào đây để xem toàn bộ bài giảng năm 2019 tại Thiền Viện Kyunpin, Myanmar.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app