KẾT TẬP TAM TẠNG LẦN THỨ SÁU

Phật giáo đã trải qua thời gian khá lâu, Tam tạng, Chú giải, Ṭīkā… đã in ra thành sách, việc sao đi chép lại, in đi in lại nhiều lần, khó mà tránh khỏi sự sai sót. Do đó, các bộ Tam tạng, Chú giải… của mỗi nước có chỗ sai chữ dẫn đến sai nghĩa, làm cho pháp học Phật giáo không hoàn toàn giống y nguyên bổn chánh.

Chính phủ Myanmar thành lập hội Phật giáo có tên “Buddhasāsanasamiti” vào Phật lịch 2497 để lo tổ chức kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu, tại động nhân tạo Lokasāma (Kaba Aye) thủ đô Yangon, Myanmar, thỉnh tất cả mọi bộ Tam tạng, Chú giải hiện có trên các nước Phật giáo để làm tài liệu đối chiếu từng chữ, từng câu của mỗi bổn.

Kỳ kết tập Tam tạng lần thứ sáu này gồm 2.500 vị Ðại Ðức thông hiểu Tam tạng, Chú giải… rành rẽ về ngữ pháp Pāḷi, chia thành nhiều ban đối chiếu sửa chữa lại cho đúng. Công việc bắt đầu từ ngày rằm tháng tư Phật lịch năm 2498 cho đến ngày rằm tháng tư Phật lịch năm 2500, ròng rã suốt 2 năm mới hoàn thành xong bộ Tam tạng, Chú giải, Ṭīkā… Sau đó, chính phủ Myanmar thỉnh chư Ðại Ðức kết tập Tam tạng bằng khẩu, do Ngài Ðại Trưởng Lão Revata chủ trì, Ðại Trưởng Lão Shobhana vấn, Ðại Trưởng Lão Vicittasārābhivaṃsa thông thuộc Tam tạng trả lời theo Tam tạng, Chú giải.

Trong buổi lễ này, Chính phủ Myanmar, đứng đầu là Thủ tướng U Nu, tổ chức khánh thành kết tập Tam tạng rất long trọng, có mời Nguyên thủ quốc gia của các nước Phật giáo cùng phái đoàn chư Tăng, câïn sự nam, cận sự nữ gồm có 25 nước trên thế giới đến tham dự, để đánh dấu lịch sử Phật giáo đã trải qua một nửa tuổi thọ, 2.500 năm, dưới sự bảo trợ hộ độ của Chính phủ Myanmar và Phật tử trong nước và ngoài nước.

Bộ Tam tạng, Chú giải được kết tập lần thứ sáu này được xem là mẫu mực cho các nước Phật giáo hệ phái Theravāda.

Phật giáo là gì?

Phật giáo dịch từ chữ Buddhasāsana: nghĩa là: lời giáo huấn của Ðức Phật, bằng ngôn ngữ Pāḷi, có ba loại:

– Pariyatti sāsana: pháp học Phật giáo.

– Paṭipatti sāsana: pháp hành Phật giáo.

– Paṭivedha sāsana: pháp thành Phật giáo.

* Pháp học Phật giáo: đó là học thuộc lòng, thông hiểu Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭīkā… bằng ngôn ngữ Pāḷi, là ngôn ngữ mà Ðức Phật dùng để giáo huấn. Vì vậy, ngôn ngữ riêng của mỗi nước Phật giáo chỉ giúp để hiểu ý nghĩa đúng theo ngôn ngữ Pāḷi ấy, để thực hành cho đúng.

* Pháp hành Phật giáo có rất nhiều pháp, tóm lại có ba pháp hành chính là:

–  Hành giới: đó là tác ý (cetanā) giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi điều bất thiện, cố gắng hành thiện. Do nhờ hành giới, có thể diệt từng thời những phiền não loại thô (vitikkamakilesa) không thể phát hiện ra thân và khẩu, làm nền tảng cho định phát sanh.

–  Hành định: đó là tiến hành thiền định để cho tâm an trú trong một đề mục nhất định, có thể đưa đến sự chứng đắc các bậc thiền sắc giới, thiền vô sắc giới, thọ hưởng sự an lạc của bậc thiền ấy. Do nhờ hành định nên có thể chế ngự được các phiền não loại trung (pariyuṭṭhānakilesa) không để cho phát sanh trong tâm, làm nền tảng cho tuệ phát sanh.

–  Hành tuệ: đó là tiến hành thiền tuệ để phát sanh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của danh pháp, sắc pháp; sự sanh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp, nên hiện rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã, đưa đến sự chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Ðạo, Thánh Quả và Niết Bàn. Do nhờ pháp hành tuệ có thể diệt đoạn tuyệt được phiền não loại vi tế (anussayakilesa).

* Pháp thành Phật giáo: là kết quả của pháp hành. Ðó là 4 Thánh Ðạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, gọi là 9 Siêu tam giới pháp.

Trong ba loại Phật giáo này, pháp học Phật giáo là gốc, là nhân chính làm nền tảng căn bản để cho pháp hành và pháp thành Phật giáo có khả năng phát triển. Nếu không có pháp học Phật giáo, nghĩa là pháp học mà không hiểu đúng theo ý nghĩa lời giáo huấn của Ðức Phật, thì pháp hành và pháp thành cũng không thể có được.

Phật giáo đến nay đã trải qua 2.546 năm kể từ khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, các nước Phật giáo hệ phái Theravāda vẫn trung thành theo tôn chỉ lời giáo huấn của Ðại Trưởng Lão Mahākassapa trong kỳ kết tập tam tạng lần thứ nhất, cố gắng giữ gìn duy trì Tam tạng, Chú giải y nguyên theo bổn chánh, do nhờ chư Tỳ khưu, Sa di theo học các lớp Tipiṭaka, Aṭṭhakathā, Ṭīkā… bằng ngôn ngữ Pāḷi, để giữ gìn chánh pháp. Chư Ðại Trưởng Lão vẫn giữ gìn được truyền thống và mọi cách hành tăng sự bằng ngôn ngữ Pāḷi, y theo Luật tạng làm nền tảng căn bản. Do đó, Tỳ khưu của mỗi nước tuy khác nhau về ngôn ngữ riêng của mình, nhưng khi hành tăng sự thì giống nhau, và những nghi lễ tụng kinh Parittapāḷi cũng hầu hết giống nhau, có thể hòa đồng tụng chung với nhau được.

Những người tại gia, cận sự nam, cận sự nữ của mỗi nước vẫn còn giữ được truyền thống nghi lễ thọ Tam quy, ngũ giới, bát giới… tụng kinh bằng ngôn ngữ Pāḷi. Cho nên ngôn ngữ Pāḷi trở thành ngôn ngữ chung cho các hàng xuất gia và tại gia trong các nước Phật giáo thuộc hệ phái Theravāda.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ.

Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭthasmiṃ.

Cầu mong Chánh pháp được trường tồn trên thế gian. 

Cầu mong Chánh pháp được trường tồn trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Tổ Ðình Bửu Long, Phật lịch 2546

Tỳ khưu Hộ Pháp

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app