Phần 2 

TĂNG BẢO 

 

1-Thời Ðiểm Bắt Ðầu Của Tỳ Khưu

Ðức Bồ Tát Siddhattha chứng đắc thành Bậc Chánh Ðẳng Giác vào ngày rằm tháng tư, đồng thời Phật bảo và Pháp bảo bắt dầu xuất hiện trên thế gian; đến ngày rằm tháng sáu, Ðức Phật thuyết pháp chuyển pháp luân đầu tiên tại khu rừng phóng sinh nai, gọi là “Isipatana”, để tế độ nhóm 5 đạo sĩ, có Ngài Koṇḍañña trưởng nhóm. 

Sau khi Ðức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattanasutta) xong, trong nhóm 5 đạo sĩ,  chỉ  có Ðại Ðức Koṇḍañña là vị đầu tiên chứng  ngộ  chân  lý  Tứ  thánh  đế,  chứng  đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama. Sau khi Ðại Ðức Koṇḍañña đã chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, Ngài kính xin Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu.

Ðức Phật quán xét biết rõ phước thiện ba la mật đầy đủ của Ðại Ðức Koṇṇañña, nên Ngài cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách “Ehi Bhikkhu”, đây là thời điểm bắt đầu Tăng bảo xuất hiện trên thế gian.

Ðại Ðức Koṇḍañña là vị Tỳ khưu đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama, đồng thời ngôi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo xuất hiện đầy đủ trên thế gian bắt đầu kể từ ngày ấy.

Và tiếp theo ngày 16 tháng sáu, Ðại Ðức Vappa chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu cũng bằng cách “Ehi Bhikkhu”.

– Ngày 17 tháng sáu, cũng như vậy, Ðại Ðức Bhaddiya trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu bằng cách “Ehi Bhikkhu”.

– Ngày 18 tháng sáu, Ðại Ðức Mahānāma trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu bằng cách“Ehi Bhikkhu”.

– Ngày 19 tháng sáu, Ðại Ðức Assaji trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, được phép thọ Tỳ khưu bằng cách “Ehi Bhikkhu”. 

Từ đó về sau, việc thọ Tỳ khưu được lưu truyền cho đến ngày nay, đã trải qua 2.591 năm, và hy vọng việc thọ Tỳ khưu sẽ tiếp tục duy trì trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama cho đến khi gần mãn tuổi thọ Phật giáo 5.000 năm.

2- Thời Ðiểm Bắt Ðầu Của Tỳ Khưu Ni

Lúc Ðức Phật ngự tại chùa Nigrodhārama, gần kinh thành Kapilavatthu, khi ấy bà Mahāpajāpatigotamī vào hầu Ðức Phật xong, ngồi một bên hợp lẽ, bèn bạch với Ðức Phật rằng: 

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Thế Tôn ngăn cản rằng:

– Này Mahāpajāpatigotamī, không nên xin như vậy, không nên khẩn khoản van xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Như Lai.

Bà Mahāpajāpatigotamī kính xin lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con kính xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ðức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn ngăn cản lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

– Này Mahāpajāpatigotamī, không nên xin như vậy, không nên khẩn khoản van xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Như Lai.

Lúc ấy bà Mahāpajāpatigotamī thất vọng nghĩ rằng: “Ðức Thế Tôn không cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài”, nên bà khổ tâm, tủi phận khóc, cung kính đảnh lễ Ðức Thế Tôn ra về.

Ðó là lần đầu tiên bà Mahāpajāpatigotamī xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài, nhưng Ðức Phật khuyên bà không nên xin như vậy.

Vào hạ thứ năm của Ðức Phật, Ngài an cư nhập hạ tại tịnh xá trong khu rừng lớn thuộc xứ Vesalī, cũng trong thời gian ấy, Ðức vua Suddhodana, phụ vương của Ðức Phật, còn tại vị trên ngai vàng, tiến hành thiền tuệ chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo, A-rahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán xong, tịch diệt Niết Bàn ngay trong ngày hôm ấy.

Sau khi Ðức vua là bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết Bàn, một lần nữa, bà Mahāpajāpatigotamī cùng nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya đều cạo tóc, mặc y cà sa màu lõi mít, chân không, đi bộ từ kinh thành Kapilavatthu dẫn nhau đến xứ Vesalī, làm cho đôi chân của Bà Mahāpajāpatigotamī sưng phồng lên, thân mình dính đầy bụi đường, khổ thân, khổ tâm, buồn tủi đứng khóc bên ngoài cổng tịnh xá, nơi Ðức Phật đang an cư nhập hạ.

Ðại Ðức Ānanda nhìn thấy cảnh thật đáng thương như vậy, bèn hỏi rằng:

– Thưa bá mẫu Mahāpajāpatigotamī, tại sao đôi chân bá mẫu sưng phồng lên, thân mình dính đầy bụi đường, khổ thân, khổ tâm, gương mặt ướt đẫm nước mắt, buồn tủi đứng khóc bên ngoài cổng tịnh xá như thế này?

Bà Mahāpajāpatigotamī thưa rằng:

– Thưa Ðại Ðức Ānanda, bởi vì Ðức Thế Tôn không cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðại Ðức Ānanda thưa rằng:

– Thưa bá mẫu Mahāpajāpatigotamī, nếu như vậy, xin bá mẫu chờ ở đây một lát, đợi bần đạo vào xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Khi ấy Ðại Ðức Ānanda vào đảnh lễ Ðức Thế Tôn, ngồi một nơi hợp lẽ, rồi bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, bá mẫu Mahāpajāpatigotamī đôi bàn chân sưng phồng, thân mình dính đầy bụi đường, khổ thân, khổ tâm, gương mặt ướt đẫm nước mắt, đứng khóc bên ngoài cổng tịnh xá, do thất vọng rằng: “Ðức Thế Tôn không cho phép người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài”.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này Ānanda, con chớ nên xin như vậy! Con chớ nên chiều ý mà xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Như Lai.

Ðại Ðức Ānanda kính xin lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, xin Ðức Thế Tôn cho phép người nữ được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Phật dạy lần thứ nhì, lần thứ ba rằng:

– Này Ānanda, con chớ nên xin như vậy! Con chớ nên chiều ý mà xin cho người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Như Lai.

Ðại Ðức Ānanda nghe Ðức Thế Tôn không hài lòng cho người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài. Vì vậy, Ðại Ðức nghĩ cách gián tiếp xin Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Ngài, có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, Ara-hán Thánh Quả được hay không? Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này Ānanda, người nữ thọ Tỳ khưu ni trong giáo pháp của Như Lai, có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-ra-hán Thánh Quả được.

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, nếu người nữ thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài, thì có thể chứng đắc Nhập Lưu Thánh Ðạo, Nhập Lưu Thánh Quả, Nhất Lai Thánh Ðạo, Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Ðạo, Bất Lai Thánh Quả, cho đến A-ra-hán Thánh Ðạo, A-rahán Thánh Quả được. Kính bạch Ðức Thế Tôn, bá mẫu Mahāpajāpatigotamī là dì mẫu của Ngài, đã từng chăm nom săn sóc, ban cho bầu sữa ngon lành của bá mẫu để nuôi dưỡng Ngài kể từ khi Phật mẫu quy thiên.

Kính bạch Ðức Thế Tôn, vậy xin Ðức Thế Tôn cho phép bá mẫu Mahāpajāpatigotamī được thọ Tỳ khưu ni, trong giáo pháp của Ngài.

Ðức Thế Tôn dạy rằng:

– Này Ānanda, nếu dì mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp này, thì đó là sự thọ Tỳ khưu ni của dì mẫu.

TÁM TRỌNG PHÁP (Garudhamma)

Tám trọng pháp là:

1- Dầu Tỳ khưu ni có 100 hạ, cũng phải đứng dậy đón tiếp, chấp tay cung kính đảnh lễ Tỳ khưu vừa mới thọ Tỳ khưu trong ngày hôm ấy.  

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời. 

2- Tỳ khưu ni không nên an cư nhập hạ nơi chùa chiền không có Tỳ khưu. 

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

3- Tỳ khưu ni luôn luôn quan tâm 2 điều:

– Hỏi ngày Uposatha: ngày lễ tụng giới bổn.

– Nghe lời giáo huấn của Tỳ khưu hằng nửa tháng 1 lần.

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

4- Tỳ khưu ni sau khi an cư nhập hạ xong, phải làm lễ Pavāraṇā: thỉnh mời giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng và Tỳ khưu Tăng.

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

5- Tỳ khưu ni phạm tội nặng (saṃghādisesa), phải bị hành phạt mānatta suốt 15 ngày giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng và Tỳ khưu Tăng.

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

6- Giới tử là Sikkhāmānā đã thực tập 6 giới trong sạch và đầy đủ suốt 2 năm rồi mới được làm lễ thọ Tỳ khưu ni giữa chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng trước và Tỳ khưu Tăng sau.

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

7- Tỳ khưu ni không được chửi rủa mắng nhiếc Tỳ khưu trong bất cứ trường hợp nào.

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

8- Sau khi thọ Tỳ khưu ni rồi cấm dạy Tỳ khưu, chỉ có Tỳ khưu dạy Tỳ khưu ni mà thôi.

Ðó là điều mà Tỳ khưu ni phải tôn trọng, cung kính thực hành theo cho đến trọn đời.

Này Ānanda, nếu dì mẫu Mahāpajāpatigotamī chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp này, thì đó là sự thọ Tỳ khưu ni của dì mẫu.

Ðại Ðức Ānanda ghi nhớ rõ 8 trọng pháp của Ðức Phật dạy xong, Ngài đi gặp bà Mahāpajāpatigotamī dạy lại 8 trọng pháp của Ðức Phật cho bà.

Bà Mahāpajāpatigotamī bạch rằng: 

– Kính bạch Ðại Ðức Ānanda, con xin chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp, cung kính thực hành đầy đủ cho đến trọn đời. Ví như cô gái, cậu trai thích ăn mặc đẹp đẽ, khi đã tắm rửa sạch sẽ rồi, trân trọng đón nhận được đóa hoa thơm, vòng hoa lài bằng hai bàn tay đặt lên trên đầu.  

(Trích dịch từ luật Tạng Cūḷavagga).

Sau khi bà Mahāpajāpatigotamī chấp thuận, thọ nhận 8 trọng pháp xong, Bà trở thành Tỳ khưu ni đầu tiên trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama. 

Như vậy, sự bắt đầu của Tỳ khưu ni là vào thời kỳ hạ thứ 5 của Ðức Phật, khi Ngài đang an cư nhập hạ tại tịnh xá trong khu rừng lớn thuộc xứ Vesalī. 

Và nhóm 500 cận sự nữ dòng Sakya, được Ðức Phật cho phép thọ Tỳ khưu ni bằng cách tụng ñatticatutthakammvācā: 1 lần tụng tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần thành sự ngôn giữa Tỳ khưu Tăng, vì khi ấy chưa có Tỳ  khưu ni Tăng.

Kể từ đó về sau, mỗi khi thọ Tỳ khưu ni, mới có đủ chư Tăng 2 phái: Tỳ khưu ni Tăng và Tỳ khưu Tăng, mỗi phái tụng ñatticatutthakammavācā, gồm đủ 8 lần (aṭṭhavācika). 

Tỳ khưu ni Tăng dần dần phát triển, trải qua thời gian khá lâu, mãi cho đến kỳ kết tập tam tạng lần thứ tư tại Tích Lan vào 450 năm, sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, Tỳ khưu ni Tăng vẫn còn thịnh hành trên xứ Srilankā ấy.

3-Thời Ðiểm Cuối Cùng Của Tỳ Khưu Ni

Thời kỳ bắt đầu của Tỳ khưu ni, thời gian được xác định rõ ràng, đó là vào hạ thứ 5 của Ðức Phật tại xứ Vesalī, khi bà Mahāpajāpatigotamī được phép thọ Tỳ khưu ni đầu tiên, trong giáo pháp của Ðức Phật Gotama. Nhưng thời gian cuối cùng của Tỳ khưu ni không được xác định rõ ràng.

Thời kỳ Ðức Vua Asoka, Tỳ khưu ni Tăng còn rất đông, được gởi sang truyền bá xứ Srilankā. Những người cận sự nữ tại bản xứ thọ Tỳ khưu ni cũng nhiều.

Theo lịch sử của Srilankā, thời Ðức vua Vaṭṭagamanī trị vì, Ðức vua có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, đứng ra hộ độ chư Tỳ khưu Tăng kết tập Tam tạng lần thứ tư, vào thời gian 450 năm sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn. Trong thời kỳ kết tập Tam tạng lần thứ tư này, Tỳ khưu ni Tăng vẫn còn tồn tại, mãi cho đến khoảng 500 năm sau Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn, do không có người nữ kế tục thọ Tỳ khưu ni nên Tỳ khưu ni mất hẳn.

Ðó là thời kỳ chấm dứt Tỳ khưu ni trên thế gian.

(Dựa theo lời nói đầu của bộ Therīgāthā)

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app