PHẦN PHỤ LỤC

Chú Thích Những Từ Có Nghĩa Rộng Trong Tích Công Chúa Sumedhā

I- ÐỨC VUA MANDHĀTURĀJĀ

Tóm lược tích tiền thân của Ðức Phật là Ðức vua Mandhāturājā.

Ðức vua Mandhātu là một vị Chuyển luân thánh vương ở thời kỳ tuổi thọ con người 1 a tăng kỳ năm, lên ngôi trị vì 4 châu lớn thiên hạ, gồm có 2.000 châu nhỏ, có nhiều thần thông. Khi cần thất bảo, lấy bàn tay phải vổ bàn tay trái, thất bảo từ hư không rơi xuống như mưa. Dầu vậy, cũng không thể làm hài lòng tâm tham muốn trong ngũ trần của Ðức vua.

Một hôm, Ðức vua cảm thấy ngũ trần cõi người chưa đủ, muốn biết còn có cảnh giới nào có ngũ trần sung túc hơn. Một vị quan tâu rằng:

– Tâu Hoàng Thượng, cõi Tứ đại thiên vương có ngũ trần sung túc hơn cõi người.

Ðức vua Mandhātu dùng xe báu dẫn đầu chở các quan, quân tùy tùng lên cõi Tứ đại thiên vương. Tứ đại thiên vương cung kính đón rước rồi dâng ngai vàng đến Ðức vua Mandhātu. Ðức vua Mandhātu lên ngôi một thời gian lâu cũng cảm thấy ngũ trần chưa đủ, muốn biết còn có cảnh giới nào có ngũ trần sung túc hơn. Tứ đại thiên vương tâu rằng:

– Tâu Hoàng Thượng, cõi Tam thập tam thiên có ngũ trần sung túc hơn cõi Tứ đại thiên vương này.

Thế là, Ðức vua Mandhātu lại ngự lên cõi Tam thập tam thiên. Ðức vua trời Sakka cõi trời này cung kính đón rước, rồi dâng đến Ðức vua Mandhātu một nửa giang sơn cõi Tam thập tam thiên. Ðức vua Mandhātu làm vua cõi Tam thập tam thiên thời gian trải qua 36 đời vua trời Sakka băng hà, (mỗi Ðức vua trời Sakka có tuổi thọ cõi trời là 1.000 năm, so với cõi người có 36 triệu năm. Như vậy, 36×36 triệu năm = 1.296 triệu năm), mà Ðức vua Mandhātu vẫn còn sống. Ðức vua Mandhātu phát sanh tâm tham, muốn truất phế Ðức vua trời Sakka, để một mình làm vua cai trị toàn thể cõi Tam thập tam thiên. Ðức vua Mandhātu không thể truất phế đức vua trời Sakka được. Tâm tham muốn đã thiêu đốt làm cho tuổi thọ suy thoái, đức vua Mandhātu có sắc thân là con người, vì vậy không thể băng hà trên cõi trời, nên rơi xuống cõi người tại vườn Thượng uyển.

Người giữ vườn đi trình cho các quan trong triều đình và hoàng tộc được rõ. Các quan đến chầu, đem long sàng cho Ðức vua Mandhātu yên nghỉ, Ðức vua phán rằng:

– Các ngươi loan báo cho tất cả dân chúng rằng: Ðức vua Mandhātu Chuyển luân thánh vương trị vì bốn châu lớn thiên hạ, gồm 2.000 châu nhỏ; còn làm vua trị vì cõi trời Tứ đại thiên vương suốt thời gian lâu dài, và làm vua trị vì một nửa cõi Tam thập tam thiên thời gian trải qua 36 đời vua trời Sakka. Thế mà, lòng tham muốn trong ngũ trần chưa đủ đã phải băng hà.

Ðức vua Mandhātu phán như vậy xong thì băng hà. Ðức vua Mandhātu là tiền thân của Ðức Phật Gotama.

II- CÂU CHUYỆN NƯỚC MẮT

Trong kinh Assusutta, Ðức Phật có dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, nước mắt của các con đã chảy vì gặp phải chuyện không hài lòng, vì xa lìa người hay vật hài lòng, trong suốt thời gian lâu dài như thế ấy, so với nước bốn biển đại dương, phần nước nào nhiều hơn?

Chư Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng con được nghe, được hiểu biết theo lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn thuyết giảng rằng: “Trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, phần nước mắt của chúng con đã chảy vì gặp phải chuyện không hài lòng, vì xa lìa người hay vật hài lòng, trong suốt thời gian lâu dài như thế, nhiều hơn phần nước bốn biển đại dương. Phần nước bốn biển đại dương không nhiều hơn nước mắt của chúng con”. Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, đúng vậy, các con đã hiểu biết rõ lời giáo huấn của Như Lai…

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi…

III- CÂU CHUYỆN SỮA

Trong kinh Khirasutta, Ðức Phật có dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy, vô chung không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, dòng sữa mẹ đã nuôi dưỡng con trong suốt thời gian lâu dài như thế ấy, so với nước bốn biển đại dương, phần nước nào nhiều hơn?

Chư Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, chúng con được nghe, được hiểu biết theo lời giáo huấn của Ðức Thế Tôn thuyết giảng rằng: “Trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, phần sữa mẹ đã nuôi dưỡng chúng con trong suốt thời gian lâu dài như thế, nhiều hơn phần nước bốn biển đại dương. Phần nước bốn biển đại dương không nhiều hơn phần sữa mẹ đã nuôi dưỡng chúng con”. Bạch Ngài.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, đúng vậy, các con đã hiểu biết rõ lời giáo huấn của Như Lai…

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi…

IV- BỘ XƯƠNG

Trong kinh Puggalasutta, Ðức Phật dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, khi mỗi chúng sinh sanh rồi tử, tử rồi lại sanh chỉ suốt trong một đại kiếp. Nếu có thể gom những bộ xương ấy lại chồng chất lên thì cao bằng ngọn núi cao Vepulla này…

V- MẸ VÀ MẸ CỦA MẸ (Bà Ngoại)

Trong kinh Tiṇakaṭṭhasutta, Ðức Phật dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này, này chư Tỳ khưu, ví như, một người đàn ông chặt cỏ, cây, cành trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này, gom lại thành một đống. Chặt, chẻ ra thành mỗi que dài 4 lóng tay. Lấy 1 que đặt xuống chế định rằng, đây là mẹ tôi; lấy que thứ 2 chế định đây là mẹ của mẹ tôi (bà ngoại tôi); theo tuần tự “mẹ của mẹ” như vậy. Tính ngược chiều thời gian về quá khứ “mẹ của mẹ” chưa đến chỗ cùng, mà cỏ, cây, cành trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này đã hết sạch. Ðiều ấy tại sao vậy? Bởi vì, trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, khi mỗi chúng sinh sanh rồi tử, tử rồi lại sanh không thể biết được…

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi…

VI- CHA VÀ CHA CỦA CHA (Ông Nội)

Trong kinh Paṭhavisutta, Ðức Phật dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, vòng tử sanh luân hồi này từ vô thủy đến vô chung, không thể biết được. Ðối với chúng sinh có vô minh che án, có tham ái trói buộc, dắt dẫn trong vòng tử sanh luân hồi không thể thấy rõ được sự bắt đầu.

Các con nghĩ gì về điều này,

Này chư Tỳ khưu, ví như, một người lấy đất trên địa cầu này, viên thành viên nhỏ đặt xuống chế định rằng: đây là cha tôi, viên thứ 2 chế định, đây là cha của cha tôi (ông nội tôi); theo tuần tự “cha của cha” như vậy. Tính ngược chiều thời gian về quá khứ “cha của cha” chưa đến chỗ cùng, mà đất của địa cầu đã hết. Ðiều ấy tại sao vậy? Bởi vì trong vòng tử sanh luân hồi từ vô thủy, khi mỗi chúng sinh sanh rồi tử, tử rồi lại sanh không sao biết được…

Này chư Tỳ khưu, sự thật như vậy! Cũng đủ để cho các con nhàm chán ngũ uẩn, danh pháp, sắc pháp này; cũng đủ để cho các con diệt tâm tham ái; cũng đủ để cho các con mong muốn giải thoát khổ tử sanh luân hồi…

VII- CON RÙA MÙ

Trong kinh Chiggaḷasutta, Ðức Phật dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, ví như mặt đất này bị nước tràn ngập sâu như biển. Một người ném một tấm ván xuống mặt nước biển, tấm ván có một lỗ nhỏ vừa đầu con rùa chui vào; hễ gió hướng đông, tấm ván trôi về hướng tây; gió hướng tây, tấm ván trôi về hướng đông; gió hướng nam, tấm ván trôi về hướng bắc; gió hướng bắc, tấm ván trôi về hướng nam… Có con rùa mù ở dưới đáy biển sâu ấy, cứ trải qua 100 năm, ngoi đầu lên một lần.

Các con nghĩ thế nào, con rùa mù kia, cứ trải qua 100 năm, nổi lên một lần chui đầu ngay vào cái lỗ của tấm ván ấy có được dễ dàng không?

Chư Tỳ khưu bạch với Ðức Thế Tôn rằng:

– Kính bạch Ðức Thế Tôn, con rùa mù kia, phải trải qua 100 năm nổi lên một lần, chui đầu ngay vào cái lỗ nhỏ của tấm ván, thật là một điều quá khó!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu, được tái sanh làm người là điều khó hơn thế nữa. Ðức Chánh Ðẳng Giác xuất hiện trên thế gian là điều quá khó hơn nữa.

Chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng được phát triển trên thế gian này là điều vô cùng khó hơn thế nữa.

Nay các con đã được sanh làm người rồi!

Ðức Chánh Ðẳng Giác cũng xuất hiện trên thế gian này rồi !

Chánh pháp của Như Lai đã thuyết giảng đang phát triển trên thế gian này rồi !

Này chư Tỳ khưu, vì vậy, các con hãy nên tinh tấn không ngừng tiến hành thiền tuệ, hầu mong chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế: Khổ thánh đế, Nhân sanh Khổ thánh đế, Diệt khổ thánh đế và Pháp hành Bát chánh đạo đưa đến sự chứng ngộ Niết Bàn, pháp diệt Khổ thánh đế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Vinayapiṭaka và Aṭṭhakathā, Ṭīkā.

– Suttantapiṭaka và Aṭṭhakathā, Ṭīkā.

– Padarūpasiddhi của Ngài Bhaddanta Buddhappiyācariyatthera.

– Upasampadakammavācā của Ngài Mahāsi sayadaw.

– Mahābuddhavaṃsa của Ngài Vicittasārābhivaṃsa sayadaw.

– v.v…

GƯƠNG BẬC XUẤT GIA

Tỳ khưu Hộ Pháp

Chịu trách nhiệm xuất bản:

THIỀU QUANG THẮNG

Chịu trách nhiệm bản thảo:

PHẠM NGỌC HẬU

Biên tập:

ĐỖ THỊ QUỲNH

Sửa bản in:

Tỳ khưu HỘ PHÁP

Trình bày và vi tính:

RAKKHITASĪLA Antevāsika

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

10 Chu Văn An – Hà Nội

Số điện thoại: 08048106, FAX (84).08048240

In 2.000 bản, khổ 13,5×20,5cm, tại Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng. Địa chỉ: 100 Lê Đại Hành, P.7, Q.11, TP. HCM. ĐT: 8555812. Email: [email protected]. Số xuất bản: 24-759/XB-QLXB ngày 10/7/2002. In xong và nộp lưu chuyển Quý III năm 2002.

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app