Faq: Làm Sao Tuyển Chọn Thành Viên Trong Ban Điều Hành & Thiền Sư Phụ Tá?

Hỏi: Thưa thầy, làm sao để thầy tuyển chọn thành viên trong ban điều hành, thiền sư phụ và thiền sư từ những người hành thiền?

Thầy Goenka: Hãy hỏi Thầy cách không lựa chọn họ như thế nào. Những lý do nào để không lựa chọn ai làm thiền sư phụ tá, ban điều hành, hay những chức vụ khác.

Con đã biết đây là truyền thống tương đối mới – Thầy nhận lấy trách nhiệm khai mở một truyền thống mới của những thiền sư Vipassana là những cư sĩ.

Chúng ta rất biết ơn Đại Sư Ledi Sayadaw một trăm năm trước đã phá bỏ tục lệ. Trước đây, Vipssana chỉ dành riêng cho những vị Bhikkhu (Tăng). Ngài nói: “Tại sao chỉ có Bhikkhu? Ngay cả cư sĩ cũng nên học Vipassana”. Và Ngài bắt đầu truyền cho các cư sĩ. Rồi Ngài còn mở một cánh cửa nữa cho cư sĩ – cũng phải có thiền sư cư sĩ. Ngài bổ nhiệm vị thiền sư cư sĩ Vipassana đầu tiên – Saya Thetgyi. Đó là sự khai mở rất lớn, bởi vì Ngài thấy tương lai rất rõ. Tới giờ đã gần hết 2,500 năm, Buddha-sasana (thời kỳ giáo huấn của Đức Phật hiện diện) kế tiếp sắp sửa bắt đầu.

Trong những nước mà dân chúng là tín đồ của Đức Phật – hay ít nhất họ tự xưng là Phật tử – và một vị Bhikkhu ngồi trên ghế Dhamma, họ rất vui, họ sẽ chấp nhận mọi điều vị Tăng nói và nghe theo vị Tăng này. Nhưng trong những nước mà tôn giáo không phải là Phật giáo, nếu một vị Bhikkhu tới đó và nói: “Này, hãy tới đây, ta sẽ dạy Dhamma (Pháp) cho quý vị”, sẽ không có ai tới, họ sẽ lánh xa. Họ sẽ nghĩ: “Ồ, vị này tới để cải đạo chúng ta sang đạo của vị này”. Nhưng nếu một thiền sư cư sĩ giảng dạy thì không còn trở ngại đó. Và người thiền sư phải hết sức cẩn trọng nói rõ là chúng ta không màng đến chuyện cải đạo con người từ một tôn giáo này sang một tôn giáo khác. Như vậy đó là một lý do tại sao truyền thống thiền sư cư sĩ này khởi nguồn – bởi vì Ngài Ledi Sayadaw tiên đoán được nhu cầu này.

Vào thời của Thiền sư Sayagyi U Ba Khin có rất ít thiền sinh, và bây giờ con số này gia tăng. Như vậy truyền thống hiện nay phải bắt đầu một cách đúng đắn. Bất cứ lỗi lầm nào xảy ra hôm nay sẽ tồi tệ hơn trong những thế hệ sau. Theo kinh nghiệm và kiến thức của Thầy, Thầy phải chắc rằng sự khởi đầu phải bằng đường lối hết sức tinh khiết.

Đường lối tinh khiết nào? Dhamma hết sức tinh khiết. Ngay khi Thầy biết có người ngỏ ý muốn làm thiền sư phụ tá, Thầy cảm thấy rất tội nghiệp cho người này, nhưng Thầy phải có giới hạn, người này không phù hợp làm một thiền sư phụ tá. Người nào thổ lộ, “Nếu tôi trở thành một trustee (tín viên, thành viên ban điều hành), tôi sẽ rất giỏi, tôi có thể làm cái này, tôi có thể làm cái này,” người đó sẽ bị vào sổ đen. Người nào ngỏ ý với Thầy muốn trở thành chủ tịch hay tổng thư ký của một tổ chức Vipassana nào đó – vào sổ đen. Thầy không cần biết là người này có thân cận với Thầy tới đâu đi nữa, bởi vì người này chưa thấm nhuần trong Dhamma. Họ chỉ muốn chức vụ, quyền lực, địa vị, đối với họ quan trọng hơn là phục vụ.

Nhưng giả thử có người tới nói với Thầy, “Con có thể phục vụ bằng mọi cách, và con muốn phục vụ. Con có nhiều thì giờ, xin vui lòng cho con biết con phục vụ bằng cách nào.” Nếu thế, Thầy bắt đầu cho điểm tốt. Và khi Thầy thấy rằng người này thực sự phục vụ một cách vô vị lợi mà không trông mong một chức vụ hay quyền lực hay địa vị v.v.. nào, thì từ từ người này sẽ được chọn.

Ai đó đã được chọn và sau đó Thầy thấy họ càng ngày càng có nhiều ngã mạn, họ trở nên lỗ mãng khi đối xử với người khác, tạo ra không gì ngoài thù hận và oán ghét, và làm hại chính họ. Thầy cảm thấy thương người này, “Hãy xem, tôi chịu trách nhiệm về việc người này sinh ra bất tịnh. Nếu tôi không đặt người này vào chức vụ cao, người này chắc chắn không sinh ra ngã mạn như thế này, không nói lời hằn học, và không làm hại người khác.” Tốt hơn là nên đợi.

Thầy không thể bãi nhiệm người đó, nhưng Thầy sẽ không cho người này làm việc đó nữa và cắt cử làm việc khác. Và Thầy giải thích, “Này, đây là lỗi của con. Khi không còn lỗi lầm, con sẽ có việc quan trọng hơn – quan trọng theo nghĩa là con có cơ hội để phục vụ nhiều người hơn, giúp họ tăng tiến trong Dhamma.” Điều này trở thành trách nhiệm lớn của một vị thầy Dhamma khi muốn bắt đầu một truyền thống của cư sĩ.

Cũng vậy, khi Thầy thấy một thiền sư phụ tá hay tín viên – người đã được giao một trọng trách – vô tình hay cố ý thành lập phe nhóm với ý tưởng, “Đây là một người trong nhóm của tôi, và tôi nên hỗ trợ người trong nhóm của mình, tôi sẽ cố dìm người không thuộc nhóm của mình xuống” – thì Thầy nhận thấy những người này không phải là người Dhamma chút nào. Những việc như thế xảy ra trong một đảng phái chính trị, trong các tổ chức xã hội cũng không sao, nhưng không được xảy ra trong một tổ chức Dhamma tinh khiết. Giây phút điều đó xảy ra, nhiệm vụ của Thầy là chặn đứng ngay lập tức. Giải tán những nhóm này và không cho phép một ai tạo ra tình trạng như thế.

Điều này không phải dành riêng cho Thầy nhưng cũng cho những thiền sư chủ quản trong tương lai để họ có sự hướng dẫn về phương cách lý tưởng để điều hành những trung tâm và ban điều hành Dhamma. Những điều này cần được đặt ra bây giờ. Như thế vì lý do này, ngay như Thầy có sai lầm, Thầy sẽ cố sửa chữa.

Như Thầy đã nói, chúng ta không thể bãi nhiệm một thiền sư phụ tá bởi vì bất cứ ai ngồi trên chỗ Dhamma và dạy Dhamma phát triển sự quan hệ với thiền sinh.Thầy không muốn cắt đứt sự quan hệ này. Bởi vậy người đó vẫn tiếp tục – trừ khi hoàn toàn không tránh khỏi. Dĩ nhiên trong trường hợp như thế, Thầy phải nói với người này, “Không, con không được làm thiền sư phụ tá nữa.” Điều này rất hiếm khi xảy ra. Nó đã xảy ra nhưng rất hiếm.

Nhưng đối với thành viên ban điều hành, quản lý trung tâm v.v … thì chắc chắn Thầy không ngừng thay thế họ. Trong ban điều hành, mỗi năm họ phải từ chức, và Thầy có thể bổ nhiệm người khác hay tái bổ nhiệm một vài người trong số họ. Tại sao như thế? Không phải vì có gì sai trái trong những người này. Nhưng rắc rối là khi người giữ một chức vụ nào quá lâu thì có thể sinh ra sự bám víu một cách vô tình hay cố ý, “Ta là tổng thư ký, không ai khác có thể làm được việc này. Ta quá toàn hảo trong việc này, ta phải tiếp tục. Nếu ta không tiếp tục mọi việc sẽ hư hỏng.” Cái gì đang xảy ra? Người đó đang làm gì thế? Người đó bắt đầu nghĩ rằng không ai có thể thay thế được mình. Đây không phải là Dhamma. Do đó mỗi năm phải thay đổi. Một lý do khác là để nhiều người có cơ hội phát triển Paramis, thêm nhiều người tham gia việc phục vụ người khác, phục vụ thiền sinh.

Khi Thầy yêu cầu một tìn viên hay một chủ tịch hay một tổng thư ký từ chức, thời kỳ thử thách cho người đó bắt đầu từ giây phút đó. Thầy tự xét đoán, “Bây giờ người này phục vụ như thế nào? Khi còn là chủ tịch, người này phục vụ hết sức nhiệt tình, và làm việc hăng say. Bây giờ không còn là chủ tịch hay tổng thư ký nữa thì như thế nào?” Nếu Thầy thấy rằng người này không còn để tâm tới công việc Dhamma nữa, thì người đó chỉ muốn chức vụ để thổi phống bản ngã chứ không màng gì đến việc phục vụ. Do đó Thầy có tình thương với người này và cố giảng giải, cố mang họ trở lại với Dhamma. Đây là công việc của vị Thiền sư Dhamma chủ quản, để chắc rằng những con trai và con gái Dhamma không ngừng tăng tiến trong Dhamma. Điều này rất quan trọng. Tất cả những việc này xảy ra và ta quan sát.

Một điều nữa cần phải ghi nhớ: Đây là một truyền thống thiền sư cư sĩ. Vào thời của Đức Phật đã có thiền sư cư sĩ, nhưng sau đó chỉ có Bhikkhus làm thiền sư. Khi một Bhikkhu sống đúng theo vinaya (giới luật) thì không có gì sai trái bởi vì vị này không tích tụ tài sản. Vị này không thể tích tụ tài sản bởi vì mọi nhu cầu đã được cung ứng. Nếu Thầy thấy một Bhikkhu không giữ giới luật, vị ấy phá giới, vị đó chỉ muốn tích tụ tiền tài hay cái này cái kia, thì Thầy thấy rằng vị đó không xứng đáng để giữ chức vụ đó. Đó là vấn đề liên quan tới thiền sư Bhikkhu. Nhưng Thầy chỉ quan tâm đến thiền sư cư sĩ. Thầy phải bắt đầu một truyền thống lành mạnh, trong sạch cho thiền sư cư sĩ; Thầy phải hết sức cẩn trọng.

Giả thử một ai đó làm thiền sư – phụ tá hay cấp cao hay bất cứ là gì – và họ không có phương tiện để sinh sống. Là một chủ gia đình người này chắc chắn phải có trách nhiệm nào đó đối với gia đình, nhưng lại không có phương tiện sinh sống. Thì có thể, bởi vì hoàn cảnh, người đó bắt đầu xin xỏ, “Này, con trai tôi, con gái tôi đau ốm, con trai hay con gái tôi đám cưới, gia đình tôi gặp khó khăn này nọ.” Và thiền sinh, vì cảm tình hay kính nể thiền sư có thể cúng dường. Nếu điều này xảy ra, toàn thể truyền thống sẽ bị ô nhiễm.

Do đó Thầy phải xét xem người mà Thầy định bổ nhiệm có đủ lợi tức để nuôi sống gia đình hay không. Nếu được như thế thì rất tốt. Khi Thầy thấy người này không có phương tiện sinh sống, thì mặc dù có hoàn hảo để làm thiền sư đến đâu đi nữa, Thầy không bổ nhiệm. Trông có vẻ như Thầy bất công với những người nghèo, nhưng thật ra, nếu có người trở thành thiền sư mà không thể nuôi sống gia đình thì rất có hại cho truyền thống.

Hiện giờ chúng ta đang phải đối diện với những vấn đề này và cố gắng tìm ra giải pháp thỏa đáng thuận theo Dhamma, để làm gương cho thế hệ mai sau. Với những việc đã hoàn thành, luôn luôn nên nhớ rằng sự tinh khiết của Dhamma không bị ô nhiễm. Ta không nên dùng Dhamma làm kế sinh nhai – điều đó rất nguy hiểm. Người ta không nên phục vụ để thổi phồng bản ngã hay lòng kiêu hãnh, và rồi trở nên tự cao tự đại và bắt đầu nói năng khiếm nhã với người khác. Tất cả những điều này là để giúp cho những Thiền sư chủ quản trong tương lai, bởi vì điều này sẽ xảy ra. Chúng ta thấy điều đang xảy ra hiện nay, và trong một hay hai thế hệ nó sẽ lan tràn khắp thế giới.

Nếu điều lệ đúng đắn cho truyền thống này không được đặt ra bây giờ, nếu nguyên tắc thích đáng không được đặt ra, nó sẽ rất tai hại cho mai sau. Đây là Vinaya (giới luật) cho thiền sư cư sĩ. Khi tình huống khác xảy ra, có thể có thêm luật mới. Ngay vào thời của Đức Phật, Ngài đặt ra một số điều lệ về Vinaya (giới luật), và rồi vài chuyện xảy ra nên cần thêm điều lệ mới. Và rồi lại xảy chuyện khác và lại thêm điều lệ. Theo cùng một kiểu cách, qua kinh nghiệm, chúng ta không ngừng thêm hay thay đổi điều lệ để phù hợp với thực tế. Nhưng toàn thể mục đích là để giữ cho sứ mạng Dhamma được tinh khiết. Không nên đi sai đường. Đây là cách duy nhất mà Thầy bổ nhiệm người.

Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka tại các cuộc họp hàng năm – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người

Bài viết được trích từ cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người – Thiền Sư S.N. Goenka. Quý vị có thể tải cuốn sách PDF bản tiếng Việt tại đây, và PDF bản tiếng Anh tại đây.

AUDIOS TOÀN BỘ CUỐN VÌ LỢI ÍCH CỦA NHIỀU NGƯỜI

* Các Bài Viết Này Được Trích Từ Cuốn Vì Lợi Ích Của Nhiều Người - Thiền Sư S.N. Goenka. Phương Pháp Thiền Vipassana Này Do Thiền Sư S.N. Goenka Giảng Dạy Theo Truyền Thống Thiền Sư Sayagyi U Ba Khin. Tài Liệu Thuộc Bản Quyền Của Viện Nghiên Cứu Vipassana VRIDhamma.org & Pariyatti.org. Tài Liệu Chỉ Mang Tính Tham Khảo. Để Học Phương Pháp Thiền Này, Quý Vị Nên Tìm Hiểu Thông Tin & Đăng Ký Tham Dự Khoá Thiền Tại Dhamma.org.
Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app