Dhamma gắn kết chúng ta thành một – Thiền Sư S.N. Goenka
Sau đây là một trích đoạn đã được hiệu đính từ cuộc nói chuyện vào tháng 12 năm 2014 tại cuộc họp các thiền sư phụ tá tổ chức tại Dhamma Giri, Ấn Độ. Người nói là nhà sư,Tỳ khưu Udawana Ratanapala, một Thiền sư Tu sĩ cư trú tại Sri Lanka và đã đi khắp nơi để chia sẻ những lời dạy Dhamma cho người khác.
Sau khóa học Vipassana đầu tiên, tôi nghĩ rằng hầu hết nếu không nói là tất cả mọi người cảm thấy rằng họ đã đạt được một cái gì đó, kinh nghiệm được một điều gì đó làm cho họ tốt hơn trước đây. Nhưng nếu bạn hỏi tôi về những gì tôi đã kinh nghiệm được trong khóa học đầu tiên của mình, thì tôi sẽ vẽ một con số “không” thật to.
Tôi đã không hiểu gì cả. Sau khóa 10 ngày đầu tiên tôi đã thực hành phương pháp thiền— đó là, Anapana và Metta— nhưng không phải là Vipassana.
Tuy nhiên, do may mắn 11 năm sau, lúc đó tôi đang ở Kolkata, Ấn Độ, và tôi đã gặp một nhóm người đến từ Myanmar. Họ nói rằng họ đang trên đường đến trung tâm thiền của thầy Goenka, tôi được truyền cảm hứng và quyết định tham gia cùng họ. Rất tử tế và từ bi, những người này đã cho tôi theo cùng với họ để tới Igatpuri.
Đó là khóa thứ hai của tôi, sau một khoảng thời gian dài, và tôi đã cảm nhận được lợi ích. Đơn giản là Thiền đã thay đổi tôi. Nếu tôi đã không được học Vipassana thì hôm nay tôi đã không có mặt ở đây trong hội trường này. Nhờ thầy Goenka, tôi nghĩ rằng cuộc đời tu sĩ của mình đã được cứu vớt. Tôi rất biết ơn Phật, Pháp, Tăng. Tôi biết ơn thầy Goenka và người thầy của ông là ngài Sayagi U Ba Khin, trước đó là ngài Saya Thet Gyi, ngài Ledi Sayadaw và rồi tới một chuỗi của các thầy trong Tăng đoàn kéo dài trở về trước trong một dòng truyền thừa thầy-trò tới các ngài Sona và ngài Uttara và trước họ là chính Đức Phật. Đức Phật đã phải chịu biết bao đau khổ để tái khám phá ra con đường này, phải tu tập hết kiếp này đến kiếp khác trong những hoàn cảnh khác nhau để phát triển các phẩm hạnh của mình để mà Ngài có thể đem Dhamma đến cho những người đang đau khổ!
Thực hành Vipassana chúng ta dần dần thoát khỏi những sankhara tham muốn, sân hận và vô minh, chúng ta phát triển sự rộng lượng, lòng từ bi và trí tuệ. Chúng ta phải rất cảnh giác. Nếu không chú ý cẩn thận, tại bất kỳ thời điểm nào tham muốn, ghét bỏ hay vô minh đều có thể phát sinh, mang lại khổ đau.
Thầy Goenka đã làm việc ngày và đêm để truyền bá Dhamma. Kết quả là, gia đình Vipassana bắt đầu lớn mạnh. Không trông mong tên tuổi hay danh vọng, thầy tiếp tục làm việc. Bằng những nỗ lực của thầy Goenka, Dhamma đã lan rộng khắp Ấn Độ và vượt ra ngoài biên giới, đến tận các nước phía đông và phía tây, phía bắc và phía nam, đến khắp mọi nơi. Những người thực hành thiền Vipassana tại các nước này nói những ngôn ngữ khác nhau và đại diện cho những nền văn hóa khác nhau. Nhưng khi họ đến với Dhamma, họ đều là một.
Khi Dhamma lan rộng và gia đình Vipassana bắt đầu lớn mạnh, Thầy Goenka đã cảnh báo chúng ta rằng những sự khác biệt về quan điểm có thể xuất hiện, đó là lúc xung đột cá nhân có thể bắt đầu. Người ta có thể trở nên dính mắc vào các quan điểm của mình. Ngài cảnh báo rằng chúng ta phải rất cẩn trọng trong tình huống như thế. Nó giống như lửa. Tốt nhất là không để cho một đốm lửa nào nhen nhóm, nhưng nếu lửa đã cháy, phải chắc rằng nó được dập tắt ngay lập tức. Không cho phép nó lan rộng.
Hãy luôn nhớ những lời của Đức Phật:
Vivādaṃ bhayato disvā,
avivādañca khemato,
samaggā sakhilā hotha—
esā buddhānusāsanī.
Thấy nguy hiểm trong tranh chấp
và an toàn trong hòa hợp,
sống cùng nhau trong tình thân
Đây là lời dạy của chư Phật.
—Khuddakanikāya, Apadānapāḷi-1, 1.79
Chúng ta phải luyện tập chăm chỉ để phát triển tình yêu thương từ ái, lòng bi mẫn, hoan hỷ và tâm bình thản, buông xả; điều này sẽ giúp giải quyết dễ dàng bất cứ khó khăn nào. Có một lần, thầy Goenka đã nói với các thiền sư phụ tá của mình, thầy trích dẫn lời nhà thơ Kabir nổi tiếng của Ấn Độ: “Hãy cắt bỏ cái đầu của bạn (có nghĩa là, “cái tôi”/bản ngã của bạn) nếu bạn muốn đi theo Dhamma”. Đó là lời hướng dẫn rất tốt cho chúng ta ngày nay. Chúng ta phải tiếp tục làm tăng trưởng Dhamma trong bản thân. Nếu chúng ta thấy bất kỳ điểm yếu nào ở mình, chúng ta nên tiếp tục thực hành và phát triển tình yêu thương từ ái, lòng bi mẫn và tâm hoan hỷ. Mâu thuẫn phát sinh từ những bất tịnh trong tâm. Chúng ta phải tiếp tục thanh lọc tâm mình thông qua việc thực hành Vipassana hàng ngày.
Tất cả các quý vị ở đây là thiền sư phụ tá hay thiền sư. Các quý vị gánh vác một trách nhiệm rất lớn là truyền bá Dhamma cho mọi người. Hãy vững mạnh trong Dhamma của chính mình để giúp đỡ người khác.
Nguyện cho tất cả quý vị có thể truyền bá Dhamma bằng cách phát triển những phẩm hạnh của mình, phát triển Dhamma của mình, vì lợi ích và hạnh phúc của nhiều người.
Nguyện cho tất cả quý vị được hạnh phúc!
—————–
Đoạn thơ tiếng Hindi của thầy Goenka
Sampradāya nahiṅ dharama hai,
dharama na bane divāra;
dharama sikhāye ekatā,
dharama sikhāye pyāra.
Chủ nghĩa giáo phái không phải là Dhamma;
Dhamma không tạo các tường cản.
Dhamma dạy sự hợp nhất,
Dhamma dạy tình yêu thương từ ái.
Jāta pāṅta nahiṅ dharama hai,
dharama na baneṅ dīvāra;
dharama sikhāye ekatā,
manuja manuja meṅ pyāra
Giai cấp hay thứ bậc không phải là Dhamma;
Dhamma không tạo các tường cản.
Dhamma dạy sự hợp nhất,
tình thương dành cho mình và cho tất cả.