TIỂU SỬ NGÀI THIỀN SƯ SAYAGYI U BA KHIN (1899 – 1971)

“Dhamma đoạn diệt khổ đau và mang lại hạnh phúc. Ai mang lại hạnh phúc này? Không phải là Đức Phật mà chính Dhamma, sự hiểu biết về vô thường trong cơ thể con người, mang lại hạnh phúc ấy. Đó là lý do tại sao bạn phải thiền và luôn ý thức về sự vô thường.” – Sayagyi U Ba Khin.

U Bakin

Sayagyi U Ba Khin sinh ngày 6 tháng 3 năm 1899 tại Rangoon, thủ đô nước Miến Điện. Ông là con út trong một gia đình hai con, có mức sống khiêm tốn tại một xóm lao động. Vào thời đó, Miến Điện bị người Anh cai trị cho đến sau Thế chiến thứ II. Chính vì thế mà việc học tiếng Anh là rất quan trọng. Trên thực tế, để thăng tiến trong công việc người ta cần có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Lúc lên 8 tuổi, U Ba Khin may mắn được một ông cụ làm tại một nhà máy gần đó giúp cậu vào một trường trung học của giáo phái Giám lý. Cậu bé U Ba Khin tỏ ra là một học sinh có năng khiếu. Cậu có khả năng nhớ hết các bài học trong đầu, và nhớ nằm lòng toàn bộ cuốn sách ngữ pháp tiếng Anh. Năm nào cậu cũng đứng đầu lớp và giành được học bổng vào trung học. Một giáo viên người Miến đã giúp cậu vào học Trường Thánh Paul, và tại đó năm nào cậu cũng lại đứng nhất lớp.

Vào tháng 3 năm 1917, cậu thi đậu phổ thông trung học, giành huy chương vàng và một xuất học bổng đại học. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn của gia đình lúc đó U Ba Khin đã buộc phải thôi học để đi làm kiếm sống.

Công việc đầu tiên của U Ba Khin là tại một tờ báo Miến Điện mang tên The Sun (“Ánh Dương”), nhưng sau đó không lâu cậu đã chuyển sang làm nhân viên kế toán tại văn phòng của Bộ Trưởng bộ Kế Toán Miến Điện. Ngoài cậu ra, chỉ có một số ít người Miến làm việc tại đây vì hầu hết các viên chức tại Miến Điện vào thời đó đều là người Anh hoặc người Ấn Độ. Năm 1926 cậu thi đậu kỳ thi nghiệp vụ Kế toán do chính quyền địa phương của Ấn Độ tổ chức. Năm 1937, khi Miến Điện tách khỏi Ấn Độ, U Ba Khin được bổ nhiệm chức Giám sát viên Văn phòng Đặc biệt.

Thiền Sư U Ba Kin Sayagyi U Ba Khin Light of the Dhamma Pagoda Myanmar

Sayagyi thực tập thiền lần đầu tiên vào ngày 1 tháng 1 năm 1937. Một thiền sinh của ngài Saya Thetgyi, vốn là một phú nông và đồng thời là một thiền sư, đến thăm U Ba Khin và giải thích cho ông về phương pháp thiền Anapana (quan sát hơi thở). Khi Sayagyi thử phương pháp thiền này, ông đã trải nghiệm trạng thái định tâm rất tốt, và điều này đã gây ấn tượng rất mạnh đối với ông đến nỗi ông quyết định tham gia trọn vẹn cả khóa thiền. Ngay sau khi quyết định ông đã nộp đơn xin nghỉ phép 10 ngày và đến trung tâm thiền của ngài Saya Thetgyi.

Có thể thấy quyết tâm học thiền Vipassana của U Ba Khin mạnh mẽ như thế nào qua việc ông nhanh chóng xin nghỉ phép. Vì rất tha thiết học thiền nên chỉ sau một tuần thực hành phương pháp thiền Anapana, ông đã lên đường đến trung tâm thiền của ngài Saya Thetgyi tại làng Pyawbwegyi.

Ngôi làng nhỏ bé Pyawbwegyi nằm ở phía nam Rangoon; khách đến làng sẽ phải qua sông Rangoon và đi tiếp qua cánh đồng trải dài hàng dặm nữa. Ngôi làng chỉ cách thành phố tám dặm (12,8 km), nhưng những cánh đồng bùn lầy trước mùa gặt khiến con đường tới đó dường như dài hơn, tựa một biển cạn mà ai đến làng đều phải băng qua.

Thiền Sư U Ba Kin Sayagyi U Ba Khin and Mother Sayamagyi 2

Khi U Ba Khin qua sông Rangoon, thủy triều đã xuống, và chiếc xuồng ông thuê chỉ chở được ông đến làng Phyarsu, tức khoảng nửa quãng đường, dọc theo phụ lưu nối với Pyawbwegyi. Saygyi leo qua bờ sông, bùn ngập đến đầu gối. Ông đi bộ đoạn đường còn lại, băng qua cánh đồng, và đến nơi với đôi chân dính đầy bùn.

Cũng vào đêm đó, U Ba Khin và một thiền sinh người Miến Điện, vốn là một học trò của ngài Ledi Sayadaw, được thiền sư Saya Thetgyi hướng dẫn phương pháp thiền Anapana. Hai thiền sinh tiến bộ nhanh chóng, và được hướng dẫn thiền Vipassana vào ngày hôm sau. Sayagyi tiến bộ nhiều trong khóa thiền 10 ngày đầu tiên. Ông tiếp tục thực hành thiền trong những chuyến thăm thường xuyên tới trung tâm thiền của thầy mình và những lần gặp gỡ với thiền sư Saya Thetgyi mỗi khi ông đến Rangoon.

Khi trở về văn phòng, Sayagyi thấy một phong bì trên bàn. Ông sợ rằng đó là quyết định cho thôi việc, nhưng đã ngạc nhiên khi nhận ra rằng đó là một quyết định thăng chức. Ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám sát viên Văn Phòng Đặc biệt trong văn phòng mới của Bộ trưởng bộ Kiểm toán của Miến Điện.

Năm 1941 đã xảy ra một sự việc dường như ngẫu nhiên nhưng lại quan trọng đối với cuộc đời của Sayagyi. Khi đang đi công tác tại miền Bắc Miến Điện, ông đã tình cờ gặp Webu Sayadaw, một vị sư đã đạt được những thành tựu cao trong thiền. Webu Sayadaw rất ấn tượng với sự uyên thâm của U Ba Khin trong việc hành thiền và đã thuyết phục ông dạy thiền. Webu Sayadaw là người đầu tiên đã khích lệ Sayagyi giảng dạy.

Nội dung của cuộc gặp gỡ lịch sử này, và những lần liên lạc thường xuyên giữa hai nhân vật quan trọng này, được miêu tả lại trong bài viết “Hòa thượng Webu Sayadaw và ngài Sayagyi U Ba Khin”.

Thiền Sư U Ba Kin 1WebuSayadaw

Phải đến 10 năm sau cuộc gặp lần đầu với Ngài Webu Sayadaw thì U Ba Khin mới bắt đầu chính thức dạy thiền. Saya Thetgyi cũng khuyến khích ông dạy Vipassana. Một lần, trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Miến Điện, Saya Thetgyi đến Rangoon và ở với một học trò của ông là một nhân viên chính phủ. Khi thiền sinh này và những thiền sinh khác ngỏ ý được gặp Saya Thetgyi thường xuyên hơn, ông trả lời, “Thầy như một bác sĩ, chỉ có thể gặp các con vào một số thời điểm nhất định. Nhưng U Ba Khin thì như một y tá, sẽ gặp các con bất cứ lúc nào.”

Sayagyi tiếp tục làm việc cho chính phủ thêm 26 năm nữa. Ông trở thành Bộ trưởng bộ Kế toán vào ngày 4-1-1948, khi Miến Điện giành được độc lập. Trong 20 năm tiếp theo, ông được bổ nhiệm nhiều cương vị khác nhau trong chính phủ, gần như lúc nào cũng kiêm nhiệm ít nhất hai chức vụ cùng một lúc và luôn là chức đứng đầu một bộ. Có lúc ông đứng đầu ba bộ riêng biệt trong ba năm, và lúc khác ông lại đứng đầu cùng lúc tới bốn bộ trong khoảng một năm. Khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Thị trường Nông nghiệp Nhà nước năm 1956, chính phủ Miến Điện trao tặng ông danh hiệu “Thray Sithu” – một danh hiệu cao quý. Chỉ trong bốn năm cuối đời mình Sayagyi mới dành trọn thời gian cho việc giảng dạy thiền.

Trong toàn bộ các thời gian khác, ông kết hợp kỹ năng trong thiền với việc tận tụy phục vụ chính phủ và trách nhiệm đối với gia đình.

Sayagyi là một cư sĩ có gia đình với năm người con gái và một con trai.

Năm 1950 ông thành lập Hội Vipassana của Văn phòng Bộ trưởng bộ Kế toán để những người cư sĩ – chủ yếu là nhân viên của văn phòng này – có thể học thiền Vipassana. Năm 1952, Trung tâm Thiền học Quốc tế (I.M.C.) được mở cửa tại Rangoon, cách ngôi chùa Shwedagon nổi tiếng hai dặm về phía bắc. Ở đây nhiều thiền sinh Miến Điện và thiền sinh nước ngoài có dịp may được thọ nhận sự giảng dạy Dhamma từ Sayagyi.

Sayagyi đã rất tích cực trong việc lên kế hoạch cho Đại hội Phật giáo Lần thứ Sáu, còn được gọi là Chatta Sangayana (Đại hội Kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ VI) được tổ chức từ năm 1954 đến năm 1956 tại Rangoon. Năm 1950, Sayagyi tham gia sáng lập hai tổ chức mà sau này sáp nhập lại thành Liên Hiệp Hội Đồng Phật Giáo Miến Điện (U.B.S.C.), bộ phận lập kế hoạch chính cho Đại Hội đồng. U Ba Khin làm điều hành viên của U.B.S.C. và là chủ tịch ủy ban patipatti (chuyên về phần thực hành thiền).

Thiền Sư U Ba Kin Webu Sayadaw and Sayagyi U Ba Khin 1

Ông cũng phục vụ với vai trò là kiểm toán viên danh dự của Đại hội và do đó có trách nhiệm quản lý những tài khoản dùng cho tất cả các khoản đóng góp thiện nguyện và thu chi khác nhau. Người ta đã có một kế hoạch xây dựng lớn cho Ðại hội. Trên một khu đất rộng hơn 170 mẫu, người ta dự định xây khu nhà ở, nhà ăn và nhà bếp, một bệnh viện, thư viện, bảo tàng, bốn ký túc xá và các khu nhà hành chính. Trung tâm của toàn bộ công trình này là Maha Pasanaguha (Hang Lớn), một sảnh lớn đủ cho khoảng năm nghìn vị sư đến từ Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia và Lào tập trung lại để đọc, gạn lọc, biên tập và xuất bản Tipitaka (Tam Tạng Kinh Điển). Các vị sư này làm việc theo nhóm, chuẩn bị các văn bản tiếng Pali cho việc xuất bản, so sánh với những phiên bản tiếng Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan và Campuchia với phiên bản bằng chữ cái La-tinh của Hội Thánh Điển Pali ở London. Các bản kinh này, sau khi được hiệu đính và phê chuẩn, sẽ được tụng tại Maha Pasanaguha. Có mười đến mười lăm nghìn cư sĩ đến nghe các vị sư tụng niệm.

Để quản lý hiệu quả số tiền khổng lồ hiến tặng cho công trình này, U Ba Khin đã lập ra một hệ thống in ấn những cuốn biên nhận với giấy nhiều màu khác nhau tương ứng với giá trị đóng góp khác nhau, từ nhỏ đến rất lớn. Chỉ một vài người được tuyển chọn cẩn thận mới được phép làm việc với những khoản đóng góp lớn hơn, và mọi khoản đóng góp thiện nguyện đều được quản lý nghiêm ngặt để tránh tuyệt đối việc tham ô, biển thủ.

Sayagyi tiếp tục đảm nhận nhiều công việc khác nhau tại U.B.S.C. cho đến năm 1967. Bằng cách hoạt động như vậy, ông đã kết hợp trách nhiệm và tài năng của mình, trong vai trò của một người cư sĩ và quan chức chính phủ, với quyết tâm phục vụ Dhamma mạnh mẽ của mình để truyền bá giáo huấn của Đức Phật. Ngoài việc tận tâm phục vụ đất nước của mình theo mục đích ấy, Sayagyi vẫn tiếp tục dạy thiền Vipassana đều đặn tại trung tâm của mình. Một vài người phương Tây đến Đại hội Phật giáo Lần thứ Sáu đã được giới thiệu tới Sayagyi để được hướng dẫn thực hành thiền vì vào lúc đó không có thiền sư Vipassana nào khác thông thạo tiếng Anh.

Vì những nhiệm vụ công chức chính phủ của ông đòi hỏi quá nhiều thời gian nên Sayagyi chỉ có thể dạy một số lượng nhỏ thiền sinh. Nhiều thiền sinh Miến Điện là những người có liên quan đến công việc chính phủ của ông. Nhiều thiền sinh Ấn Độ là do thiền sư S.N. Goenka giới thiệu. Các thiền sinh người nước ngoài của Sayagyi không nhiều về số lượng nhưng đa dạng, bao gồm các Phật tử hàng đầu của Phương Tây, các học giả, và thành viên của cộng đồng ngoại giao ở Rangoon.

Thỉnh thoảng, Sayagyi được mời đến để thuyết giảng về Dhamma cho những người nước ngoài tại Miến Điện. Có lần, ông được mời trình bày một loạt bài giảng tại Giáo hội Giám Lý ở Rangoon.

Những bài giảng được xuất bản thành một cuốn sách nhỏ tựa đề “Phật giáo là gì”. Nhiều bản in của cuốn sách này được gửi đến Đại sứ quán Miến Điện và nhiều tổ chức Phật giáo trên khắp thế giới. Cuốn sách nhỏ này đã thu hút một số lượng lớn người phương Tây đến tham dự các khóa thiền với Sayagyi. Vào một dịp khác ông thuyết giảng cho một nhóm đại diện các nhà báo từ Israel, đến Miến Điện nhân dịp thủ tướng Israel David Ben Gurion có chuyến đi thăm nước này. Bài giảng này sau đó được xuất bản dưới tựa đề “Các Giá trị Thực của Thiền Phật giáo Chân chính”.

Thiền Sư U Ba Kin 113466060 1101191883257832 273283814899163553 n

Cuối cùng thì Sayagyi về hưu vào năm 1967, kết thúc sự nghiệp phục vụ chính phủ một cách xuất sắc của ông. Từ lúc đó đến khi qua đời vào năm 1971, ông sống tại I.M.C. và dạy thiền Vipassana. Một thời gian ngắn trước khi qua đời, ông nghĩ về tất cả những người đã giúp ông – ông lão đã giúp ông bắt đầu việc học hành, vị giáo viên người Miến Điện đã giúp ông vào trường St. Paul và, trong số nhiều người khác, một người bạn ông đã mất liên lạc trong hơn bốn mươi năm và giờ đây, ông thấy người bạn này được nhắc đến trong tờ báo địa phương. Ông đọc cho người khác viết hộ thư gửi đến người bạn cũ này và đến một vài thiền sinh và học trò người nước ngoài, trong đó có Giáo sư S.N.Goenka. Ngày 18 tháng 1, Sayagyi đột ngột ngã bệnh. Khi người bạn mới tìm lại được của ông nhận được lá thư vào ngày 20, ông đã sốc khi đọc được tin Sayagyi qua đời cũng trong tờ báo đó.

Thiền sư S.N.Goenka đang ở Ấn Độ phụ trách một khóa thiền khi hay tin thầy mình đã qua đời. Ông đã gửi một bức điện về I.M.C.,trong đó có một câu thơ nổi tiếng bằng tiếng Pali:

Anicca vata sankhara, uppadavaya-dhammino.
Uppajjitva nirujjhanti, tesam vupasamo sukho.

Những gì được kiến tạo đều vô thường, theo bản tính khởi lên và diệt đi.
Nếu chúng khởi lên và bị hủy diệt, sự chấm dứt của chúng mang lại hạnh phúc.

Thiền Sư U Ba Kin 11681720515Một năm sau, trong một bài viết tôn vinh thầy mình, thiền sư S.N. Goenka đã viết: “Ngay cả sau khi ông qua đời cách đây một năm, trước sự thành công liên tục của các khóa thiền, tôi ngày càng tin rằng chính tâm từ của Thầy đã cho tôi nguồn cảm hứng và sức mạnh để phục vụ nhiều người như thế. Nguồn lực của Dhamma quả là không thể đo lường được”.

Nguyện vọng của Sayagyi đang được hoàn tất. Giáo huấn của Đức Phật được gìn giữ cẩn thận qua biết bao thế kỷ, hiện đang được thực hành và vẫn mang đến những kết quả tốt đẹp – tại đây và bây giờ – cho nhiều người.

Dhamma đoạn diệt khổ đau và mang lại hạnh phúc. Ai mang lại hạnh phúc này? Không phải là Đức Phật mà chính Dhamma, sự hiểu biết về vô thường trong cơ thể con người, mang lại hạnh phúc ấy. Đó là lý do tại sao bạn phải thiền và luôn ý thức về sự vô thường. (Sayagyi U Ba Khin)

 

Những tác phẩm Kinh Sách do Thiền sư Sayagyi U Ba Khin giảng dạy, sáng tác, dịch thuật hoặc biên soạn:

Nguồn tổng hợp

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời