Bài 18:
CON ÐƯỜNG ÐI ÐẾN NIẾT BÀN
PHẦN MỘT
“Con đường đi đến Niết Bàn” hay có thể gọi là con đường đi đến hạnh phúc tuyệt đối. Cô đọng những lời dạy của Ðức Phật, chúng ta có bài kệ:
“Không làm các điều ác
Vâng làm mọi điều thiện
Thanh tịnh tâm giải thoát
Ðây lời chư Phật dạy” (Pháp Cú. 183)
Mặc dù, đây chỉ là bài kệ rất cô đọng, tuy nhiên nó chứa đựng mọi lời Ðức Phật dạy. Bài kệ thể hiện trọn vẹn ba giai đoạn tu tập trên đạo lộ dẫn đến hạnh phúc tối thượng hay Niết Bàn. Có ba giai đoạn phát triển tự thân để hướng đến hạnh phúc tối thượng này. Trình tự phát triển của nó phù hợp với Bát Chánh Ðạo (Attha Magganga Majjhima patipàda) được sắp thành ba nhóm, đó là: Giới (Sìla), Ðịnh (Samàdhi) và Tuệ (Pannà). Hai bước đầu tiên trên Thánh Ðạo Tám Ngành; Chánh Kiến nghĩa là sự hiểu biết chân chánh về bản chất của tự ngã, cũng như bản chất của thế gian và Chánh Tư Duy được xếp vào nhóm Tuệ. Ba bước kế: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng được xếp vào nhóm giới; Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh được xếp vào nhóm Ðịnh.
Chúng ta có thể hỏi và điều này đã từng được hỏi là:
Tại sao phải ba giai đoạn? Tại sao không chỉ một giai đoạn duy nhất làm cơ bản?
Lý do phải có ba giai đoạn là vì chúng ta có ba cấp độ phiền não – Kilesas hay những bất tịnh như: Tham (Lobha), Sân (Dosa) và Si (Moha) v.v… và mỗi trong 10 phiền não (Kilesas) này có ba cấp độ. Chẳng hạn, Tham hay Sân có ba cấp độ, cấp độ thứ nhất, cấp độ gốc mà tiếng Pàli gọi là anusaya (Tuỳ Miên). Ở cấp độ này các phiền não như là Tham, Sân v.v… ngủ ngầm trong mỗi người chúng ta và chưa bộc phát lên mức độ ý tưởng, cảm thọ và xúc cảm, tuy nhiên, chúng vẫn ngấm ngầm trong mỗi người. Chúng ta có thể chứng minh được điều này. Sự kiện đôi lúc chúng ta có thể bị vấn đề gì đó làm cho kích động và giận hờn, chứng tỏ là trong bản thân chúng ta có những khuynh hướng như nóng nảy, sân hận – mặc dù bình thường chúng ta vẫn được mọi người gọi là người “Tốt”. Chúng ta chỉ tốt khi người khác đối xử tốt với chúng ta. Ngược lại, chúng ta có thể bộc lộ sự nóng nảy và xúc cảm như thường. Chính điều này đã chứng minh rằng chúng ta có những khuynh hướng bất thiện ngủ ngầm trong tâm. Nếu những hành động của chúng ta hợp theo giới luật thì đó là Chánh Nghiệp, khi hành động của chúng ta không những không làm hại (vô hại) mà còn có tính giúp đỡ – nghĩa là hành động vì lợi ích bản thân cũng như tha nhân, lúc đó chúng ta có thể nói hành động của mình là chính đáng. Có nhiều điều chúng ta nghĩ đó là tốt nhưng chúng chỉ tốt đối với chúng ta hoặc chỉ tốt theo quan niệm riêng của chúng ta.
Ðể hành động của mình chân chánh, tâm chúng ta phải thoát khỏi những chi phối của tham, sân, ganh ty, bỏn xẻn v.v… khi tâm chúng ta trong sạch, chúng ta mới có thể thấy và biết mọi vật đúng như bản chất của nó. Lấy trường hợp một cái bình chứa đầy nước làm thí dụ, cái bình được đổ đầy ở ba chặng: đáy bình, giữa bình và phần trên cùng. Anusaya (Tuỳ Miên) là chặng đầu hay cấp độ gốc, ở đây các khuynh hướng bất thiện còn ngủ ngầm. Sự việc bạn có thể khiêu khích một người khiến họ sân hận, chứng tỏ rõ ràng người đó có sân hay gốc sân ngủ ngầm trong họ. Trong cấp độ đầu tiên này phiền não rất là âm thầm, kín đáo – kín đáo đến độ chúng ta dường như trở thành bất khả xâm phạm.
Ngay cả ở giai đoạn thứ hai – Pariyutthàna (phiền não tại triền) cũng vậy, các phiền não vẫn còn nằm trong phạm vi ý nghĩ hay cảm xúc thôi. Ngạn ngữ Anh nói “im lặng là vàng”, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Chúng ta có thể nói rằng im lặng đôi khi còn nguy hiểm hơn ồn ào nữa là khác.
Kế tiếp, ở giai đoạn cuối cùng chúng ta trở nên dữ tợn, bực bội, không kiềm chế được ở cả lời nói và hành động: (Vìtikkama). Ðây là cấp độ trên cùng của những phiền não. Như vậy, ba cấp độ phiền não là: Anusayà: tuỳ miên phiền não, Pariyutthàna: tại triền phiền não và Vìtikkama: quá độ phiền não.
Pháp hành của đạo Phật là làm thế nào để chế ngự, làm thế nào để vượt qua những khuynh hướng bất thiện ngủ ngầm trong tâm này. Thực tập việc chế ngự, chúng ta cần ba giai đoạn tu nhằm vào việc phát triển – Giới (Sìla) – Ðịnh (Samàdhi) – Tuệ (Pannà).
Trước tiên là tu tập giới. Việc giữ giới có thể giúp chúng ta vượt qua được cấp độ phiền não sau cùng – tức quá độ phiền não, cấp độ phiền não bộc lộ ra ngoài mặt có thể thấy được chứ chưa diệt được hai cấp độ kia. Ðiều này cũng giống như chúng ta chặt một cái cây ở phần cành và ngọn. Giới chỉ có thể chế ngự hay kiểm soát lời nói và hành động chứ không phải tâm. Nó có thể làm cho chúng ta trở thành quý bà hay quý ông theo cái nghĩa trí thức thế gian, chứ chưa tạo cho ta thành con người chân chánh được.
Phải chăng có đôi lúc khi chúng ta đang ngày Bát quan trai giới, chúng ta vẫn có ý nghĩ hay lời nói “chừng nào bà (ông) xả giới, mày sẽ biết tay bà?”. Cho nên, việc phải có ba giai đoạn tu tập là điều rất cần thiết cho chúng ta và trước tiên là tu tập giới để loại trừ cấp độ phiền não thô tháo bên ngoài, hiện diện trong con người chúng ta. Tuy nhiên, vì giới chưa loại trừ được hai cấp độ phiền não còn lại, cho nên những phiền não mà chúng ta đã trừ khử đó vẫn khởi sanh trở lại và có thể rất sớm. Vì vậy, chúng ta cần tu tập giai đoạn thứ hai – tu tập Ðịnh (Samàdhi) làm cho chúng ta có thể loại trừ cấp độ phiền não thứ hai, mà việc giữ giới không trừ khử được. Ðịnh là chế ngự và tu tập tâm. Giống như chặt một cái cây ở phần thân. Tuy nhiên, vì vẫn còn cấp độ phiền não thứ ba hay phiền não gốc chưa được trừ khử, nên chi những phiền não cũng sẽ phát khởi trở lại. Dù sao chi định vẫn có thể dẹp sạch mọi phiền não trong một thời gian đáng kể, vì thế, nó sẽ không khởi sanh quá sớm như trừ khử bằng giới được.
Trừ khử phiền não bằng Giới – Sìla, tiếng Pàli gọi là Tadanga pàhàna (Bỉ phần xả đoạn hay trấn áp tạm thời). Cũng giống như tạm thời dọn dẹp cành nhánh của một cái cây vậy. Trừ diệt bằng phương tiện Thiền Ðịnh gọi là Vikkhambhana Pahàna (trấn phục đoạn trừ). Ðịnh tiêu biểu cho một giai đoạn tu tập tâm cao hơn và có nhiều năng lực hơn, vì vậy nó có hiệu quả hơn là giới. Ðến giai đoạn tu tập thứ ba, Tuệ (Pannnà): Qua việc phát triển tuệ giác hay trí tuệ mà người ta có thể diệt trừ cấp độ phiền não thứ nhất – cấp độ tuỳ miên hay ngủ ngầm của phiền não. Ðiều này cũng tựa như chặt một cái cây ở phần gốc để cho nó không còn mọc lại được. Nếu những phiền não được diệt bằng tuệ, những phiền não này chắc chắn sẽ không còn sanh khởi lại. Giai đoạn này gọi là Samuccheda Pahàna (chánh đoạn xả đoạn hay tuyệt diệt đoạn trừ).
Do vì ba giai đoạn này tương quan và tương duyên lẫn nhau nên Giới, Ðịnh, Tuệ cần phải được thực hành cùng lúc chứ không hành rời từng giai đoạn. Trong giáo pháp (Dhamma) chúng ta sắp nó thành ba giai đoạn riêng biệt, nhưng trong thực hành chúng ta phải hành đồng thời cả ba một lúc. Chẳng hạn khi chúng ta tu Ðịnh, việc đắc định sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta sống một cách chân chánh (Giới) và hiểu biết các pháp một cách chân chánh (Tuệ). Cũng vậy, thực hành Tuệ quán hay chánh kiến có thể giúp chúng ta sống chân chánh (Giới) và định tâm chân chánh (Ðịnh). Pháp hành này không chỉ áp dụng trong lúc hành thiền mà cũng cần áp dụng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta nữa.
Là những chúng sanh có lý trí, việc hành xử của chúng ta đối với môi trường chung quanh, với những hoàn cảnh hay biến cố trong cuộc đời phải làm sao cho hợp lý, không võ đoán theo bản năng hoặc xúc cảm riêng tư.
Cái chúng ta cần trong thế gian này là được sống một cách có trí tuệ – có cơ hội để vận dụng sức mạnh trí tuệ của chúng ta – nhưng không may thay cho thế gian này là trong hầu hết mọi trường hợp mọi người đều phán đoán theo bản năng và xúc cảm tư riêng của mình.
Chuẩn mực phát triển tinh thần (tâm) ngày nay rất thấp, bởi vì phương pháp giáo dục phổ thông hoàn toàn sai lầm, cả phương pháp nuôi dạy trẻ em cũng sai lầm như vậy. Bần Tăng có thể chứng minh điều này cho quý vị thấy. Thậm chí những bài hát nhà trẻ dạy cho lứa tuổi thiếu nhi cũng vẽ ra những câu chuyện mang đầy tính bạo lực, giết chóc và không có một mảy may nhân ái nào trong đó. Lại nữa, một nhóm các nhà luân lý học phương Tây mới đây đã đi một vòng thăm các cơ sở giáo dục để thực hiện một cuộc trắc nghiệm tâm lý đối với các em đang học tại đó. Họ đã yêu cầu một đứa trẻ làm một câu với những từ “mẹ”, “em bé” và “mèo”. Ðứa bé trả lời: “Con mèo cào em bé khiến cho nó khóc, mẹ nổi giận và đánh con mèo”. Cũng câu hỏi này được các nhà luân lý học đem hỏi tại các trường trong toàn tỉnh, chỉ có một em duy nhất đưa ra câu trả lời sau và được trao một phần thưởng vì câu trả lời của em chứa đựng một chút tình thương và trìu mến nào đó cần phải có giữa các chúng sanh khác nhau trên thế gian này “Chú mèo đùa với em bé, mẹ rất hài lòng với chú mèo đến độ cho chú một phần sữa để uống”.
Chính Bần Tăng đã có dịp chứng kiến một phụ nữ, bà này mua một cây mía nơi người bán hàng và cho đứa bé trai của mình để cầm chơi. Ðứa bé thay vì cầm chơi, đã dùng cây mía đánh vào bà. Nhiều bậc cha mẹ không biết dạy dỗ con cái mình trở thành người tốt, thuần tính và ngoan ngoãn, ngược lại, còn khuyến khích chúng sống hung bạo, ưa cãi vã và thích sinh sự bằng cách cho chúng những món đồ chơi như súng ống, đao kiếm, nhất là các loại súng bắn bằng hơi. Vì vậy, mà việc dạy dỗ trẻ em trong thế giới khoa học ngày nay thật rất sai lầm. Các rạp xi nê phần lớn chiếu các phim ảnh đồi truỵ – những cuốn phim chỉ khuyến khích việc bắn giết và dối trá lẫn nhau.
Vậy thì pháp hành của Ðức Phật như thế nào?
Trước hết là Giới. Những chuẩn mực đạo đức này đã được Ðức Phật giải thích trong ngũ giới (Panca sìla) của người tại gia cư sĩ. Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say. Ở Miến phần lớn mọi người đều nghĩ rằng chỉ cần giữ năm giới này một cách tiêu cực thôi là đã tốt rồi. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần tránh không sát sanh thì chưa đủ gọi là tốt; do vậy chúng ta phải chú trọng đến phương diện tích cực của nguyên tắc bất sát này – tức là phải có lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh, kể cả loài vật.
Trong bài giảng về Tâm Từ (Mettà) chúng ta đã nói đến Adosa (vô sân) là phương diện tiêu cực của lòng từ, nhưng “vô sân” không phải đã hoàn toàn. Trong việc thực hành Mettà (tâm từ) chúng ta phải có lòng bi mẫn và từ ái đối với tất cả chúng sanh trong thế gian. Trường hợp giữ ngũ giới cũng vậy, không sát sanh được nhiều người hiểu là không tước đoạt sinh mạng, tuy nhiên, từ ngữ “không sát sanh”đủ rộng để bao hàm tất cả những hành động nhân ái và dịu dàng.
Giới thứ hai – không lấy của không cho hay không trộm cắp. Chuẩn mực phát triển tinh thần trong thế gian ngày nay – thậm chí cả người lớn cũng thế – dường như thấp hơn rất nhiều so với một đứa trẻ lên mười có tri thức. Có vẻ như con người ngày nay về thể xác của họ, không thể xếp loại như một con thú, nhưng bằng vào những hành động thì nhiều người cư xử tồi tệ hơn cả loài vật. Phương diện tích cực của giới thứ hai này không phải chỉ tránh không trộm cắp thôi mà còn phải biết bố thí hay giúp đỡ mọi người. Ðược như vậy, có lẽ chúng ta không cần đến một lực lượng cảnh sát khổng lồ hay một hệ thống toà án để xử những trường hợp phạm pháp hoặc cả một Cục Ðiều Tra Ðặc Biệt (Bureau of Special Investigation) làm gì. Kế tiếp là giới “không tà dâm”.
Giới thứ tư là “Musàvàda” – (không nói dối) không nói dối là điều rất khó giữ. Phương diện tích cực của giới này không những là phải nói sự thật, mà còn phải dùng những ngôn từ tế nhị, êm ái và phù hợp với người nghe. Ðối với giới không nói dối, nếu đa số chủng tộc chúng ta đều không nói dối có lẽ không cần thiết đến pháp luật nữa.
Còn về giới cuối cùng của ngũ giới – không uống rượu và các chất say – vấn đề uống rượu hầu như đã trở thành một thói quen thường ngày ở mỗi bữa ăn trong xã hội văn minh này. Thực sự mà nói, không uống tí rượu nào là điều rất cần thiết để giữ cho người ta khoẻ mạnh cả về thể xác, đạo đức lẫn tinh thần. Có một lần tại Anh quốc, một thính giả nghe Pháp đã lý luận rằng: “Vì trong đời sư không uống chút rượu nào, vì sư là người hoàn toàn kiêng rượu (teetotaller) nên sư không hiểu được những lợi ích phát sinh do việc uống rượu”. Uống rượu làm cho chúng ta mất tự chủ – ít nhất cũng trong lúc đó, và những người uống rượu thái quá có thể bị xem như đã trở thành một gã điên. Uống rượu là đi ngược lại quy luật của tự nhiên cũng như những giới điều Ðức Phật đã ban hành. Uống rượu còn gây ra các chứng bệnh về tâm như đãng trí và đần độn, một khi quá độ chúng ta có thể trở thành một kẻ điên rồ hoàn toàn. Theo đạo Phật, uống rượu là nguyên nhân của mọi khổ đau và phiền muộn. Rượu còn khiến cho chúng ta bị khích dục và đối với người say thì rất dễ nói dối hay sát nhân…
Ðể kết luận, bần tăng mong rằng quý vị, các sư cũng như các cận sự nam (Upàsikas) và cận sự nữ (Upàsikàs) chú trọng đến mặt tích cực của năm giới này. Bần Tăng cũng muốn đề cập đến lối sống của Ðức Phật, có thể nói đây là một hệ thống trau dồi tu tập tự thân – nghĩa là nâng cao tâm thức của chúng ta lên. Ðó là một lối sống hiền thiện, chánh trực và hạnh phúc. Ðức Phật nói rằng: “Khi một hành động thiện được thực hiện vài lần, nó sẽ tạo cho ta có khuynh hướng rất rõ rệt là thích lặp lại hành động này”. Như vậy, đúng thời nó sẽ trở thành một thói quen. Do thói quen họ trở thành nô lệ cho rượu, nô lệ cho cờ bạc và nô lệ cho hàng tá thứ dục vọng cũng như những thứ xấu xa khác. Bần tăng xin trích dẫn ra đây một câu ngạn ngữ của người Nhật để quý vị thấy thói quen tác động đến chúng ta thế nào: “Ðầu tiên thì người uống rượu, kế đó rượu uống rượu và cuối cùng rượu uống người”.
Bất kỳ hành động bằng thân nào, nếu cứ lặp đi lặp lại một thời gian sẽ trở thành thói quen. Cũng như vậy, những ý nghĩ nếu cứ để cho nó phát sinh liên tục cũng tạo ra một khuynh hướng rõ rệt, phỏng theo loại tư duy đó và vì vậy mà trở thành thói quen. Ðức Phật đã dùng cái sức mạnh có khả năng tái tục của tâm, cũng như của thân này để phát triển tự thân. Nhờ trau dồi những thói quen tốt của tâm và thân chúng ta sẽ tự mình phát triển một cách hoàn thiện. Ðiều này được gọi là Pàramì (ba la mật) trong ngôn ngữ Pàli, nghĩa là sự chu toàn hay hoàn thiện. Nói một cách khác, tạo những thói quen ngược lại bất cứ khi nào chúng ta có chiều hướng muốn sân hận, làm như vậy chúng ta có thể phát triển các trạng thái tâm từ ái và bi mẫn sao cho những trạng thái tâm từ này được lặp đi, lặp lại mãi mãi trong chúng ta. Cuối cùng, chúng sẽ trở thành những thói quen rất ư là thường tình đến độ chúng ta chẳng bao giờ còn gặp lại những tư tưởng sân hận, oán thù, ganh tỵ, cũng như những tư duy đại loại như vậy. Những khuynh hướng bất thiện sẽ biến mất trước những khuynh hướng từ bi này, cũng như bóng đêm sẽ mờ nhạt dần trước ánh bình minh.
Ðây là pháp hành do Ðức Phật đưa ra cho hàng đệ tử của Ngài. Có thể nói đây là một hệ thống rất thực tiễn nhằm thay đổi và phát triển bản chất nội tại của chúng ta.
PHẦN HAI
Tiếp tục bàn về ba giai đoạn phát triển tâm, đó là: Giới – Ðịnh – Tuệ. Chúng ta đã đề cập đến giai đoạn tu tập đầu tiên là Giới ở phần trước. Lần này chúng ta sẽ bàn sơ lược về Ðịnh (Samàdhi), tức Thiền Ðịnh và cũng là giai đoạn để phát triển trí tuệ. Ðây là những giai đoạn tu tập khá nghiêm mật, vì khi đến giai đoạn hành thiền này chúng ta thường thấy rằng đó là một tiến trình tu tập rất tẻ nhạt. Thiền không phải là một đề tài để người ta nói về, mà là để thực sự hành theo, chúng ta không kham nổi những công việc khá đơn điệu bình thường. Nói về một điều gì đó thì rất dễ, tổ chức một điều gì đó cũng rất dễ. Một số người cho là cần phải có một năng khiếu tổ chức mới làm được các công việc đó; tuy nhiên, việc hành thiền còn khó khăn hơn rất nhiều.
Chính vì vấn đề khó khăn này mà Bần Tăng sẽ đọc cho quý vị nghe một phần trong cuốn sách do Bần Tăng viết về đề tài thiền và làm thế nào để tiến hành thiền định trong Phật giáo.
THIỀN ÐỊNH (SAMÀDHI)
Người có trí, sau khi đã được trang bị với Giới (Sìla), và làm chủ các giác quan (Căn) của mình, có khuynh hướng nghiêng về việc phát triển loại hạnh phúc cao cả hơn và bền vững hơn (nghĩa là hơn cái loại hạnh phúc thế gian thông thường) bằng Thiền Ðịnh để chế ngự và tu tập tâm; giai đoạn thứ hai trên đạo lộ giải thoát.
Ðịnh là sự tu tập tâm, không có định chúng ta không thể có tuệ. Bằng thiền định chúng ta có thể gặt hái được hạnh phúc – một loại hạnh phúc cao cả hơn hạnh phúc thông tục của thế gian. Hạnh phúc thế gian là hạnh phúc lệ thuộc. Nó cần sự hỗ trợ và đồng hợp tác của một người cộng sự (vợ hay chồng). Riêng loại hạnh phúc tinh thần cao cả này không đòi hỏi bất kỳ sự trợ giúp bên ngoài nào hoặc người cộng sự nào. Hạnh phúc này có thể được đạt đến qua thiền (Jhànas). Jhànas (Skr: dhyàna: thiền na) là một từ phát xuất từ căn Jhe, tư duy một cách gắn bó hay kiên cố vào một đề mục, hoặc để thiêu đốt các pháp chướng ngại, Nivarana có nghĩa là năm triền cái ngăn trở tiến bộ tâm linh, Jhàna đã được dịch là nhập định, an chỉ định trạng thái xuất thần. Tuy nhiên, ở đây định là một kinh nghiệm đặc biệt thoát khỏi đời thường.
Ở Miến chúng ta không nói về thiền định (Jhàna) chúng ta thường nói nhiều đến Vipassanà (thiền minh sát hay thiền quán). Sở dĩ thiền định (Samàtha hay Jhàna) ít được nghĩ đến ở Miến là vì nguời Miến cho rằng thiền định không phải là giai đoạn cao tột, mà chỉ là giai đoạn thứ hai trên lộ trình đi đến Niết Bàn. Ðó là lý do thứ nhất. Còn có một lý do khác nữa là, với những người quan tâm đến thiền Minh sát (Vipassanà) nghĩ rằng đây là con đường ngắn nhất hay đường tắt đi đến Niết Bàn. Trong một vài trường hợp, người ta nghĩ rằng để đạt đến Niết Bàn vấn đề chỉ là thời gian thôi, nghĩa là chỉ cần thực hiện vài ngày hoặc vài tuần là đủ. Họ thích đi thẳng đến Niết Bàn chứ không muốn chờ đợi lâu. Chẳng thế mà họ tham dự những khoá thiền ba ngày hoặc 7 ngày để mong đạt đến mục đích đó.
Ðể đắc thiền (Jhana) bạn phải chứng minh điều đó bằng cách thực hiện những pháp thần thông – chẳng hạn như đi trên nước, ngồi trên mặt nước, làm người chết đứng dậy v.v… Nhưng để đạt đến Niết Bàn ở giai đoạn Nhập Lưu (tức Tu Ðà Hoàn quả) thì chẳng cần bằng chứng gì cả. Ðó là một lý do thêm nữa, giải thích tại sao người ta lại quan tâm đến thiền Minh sát đến như thế. Chính Ðức Phật đã đạt đến những trình độ rất cao trong thiền định (Jhànas), Bần Tăng nhân đây cũng muốn nói đôi điều về loại thiền này. Một số người đề nghị là nếu chúng ta muốn truyền bá đạo Phật một cách hiệu quả ở thế gian này, chúng ta phải làm điều đó khác với những điều chúng ta hiện nay đang làm. Nhờ thiền định chúng ta có thể bay lên trời, chúng ta có thể xuất hiện và biến mất trong không gian. Vì vậy, một số người nói rằng đạo Phật có thể được truyền bá nhanh hơn và rộng rãi hơn nếu chúng ta có thể chứng minh Ðạo Phật qua thiền định. Dù sao chăng nữa thì thiền định này cũng là một phần trong lời dạy của Ðức Phật.
Thiền (Jhànas) nghĩa là tư duy, tập trung vào một đề mục để vượt qua Năm triền cái. Jhànas cũng có nghĩa là thiêu đốt các pháp chướng ngại (Nivarana) những pháp che lấp tiến bộ tâm linh. Phát xuất nơi từ phát sinh [*] này chúng ta có “Jhar-pa-na” là hoả thiêu trong trường hợp người chết. Jhanas đã được dịch là nhập định, an chỉ định hay trạng thái xuất thần (ecstacy); tuy nhiên, trong đạo Phật Jhànas là một loại kinh nghiệm thuộc về tinh thần (tâm),hay có thể gọi là kinh nghiệm vượt ngoài đời thường. Người muốn tiến bộ trên lãnh vực tinh thần (tâm) này sẽ chọn một trong 40 đề mục đã liệt kê trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo). Ðề mục mà hành giả chọn cần thích hợp với tính khí (bản tánh) của mình, chẳng hạn như tánh ưa xúc cảm, sân hận v.v… 40 đề mục đó được chia thành 6 nhóm theo loại bẩm tánh của con người. Do vậy, nếu bạn muốn hành thiền có kết quả, nghĩa là đắc thiền, bạn phải chọn một trong số 40 đề mục thích hợp với bẩm tánh của mình.
[*] Derivative: “Từ phát sinh” là từ được tạo ra từ một yếu tố gốc bằng cách thêm, bớt hay thay một vài thành tố nào đó (ND).
Về phương pháp đã được giải thích đầy đủ trong Thanh Tịnh Ðạo. Ðề mục hành giả chọn được gọi là Parikammanimitta (chuẩn bị tướng). Hành giả chú tâm trên đề mục này trong một thời gian, có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng hay vài năm, cho đến khi nào hành giả có thể mường tượng được đề mục không chút khó khăn. Khi hành giả có thể mường tượng được đề mục mà không nhìn vào nó, hành giả tiếp tục tập trung trên đề mục mường tượng này (Uggahanimitta: sơ tướng hay tợ tướng) cho đến khi hành giả phát triển nó thành một đề mục đã được khái niệm hoá (Patibhàganimitta:quang tướng). Ở vào giai đoạn này người có kinh nghiệm tâm linh được xem như đắc cận định (Upacàra – samàdhi) và tạm thời vượt qua năm triền cái (Nivarana) đó là: tham dục, sân hận, hôn trầm – thuỵ miên, trạo cử, phóng dật và hoài nghi.
Ðể minh hoạ lại những gì chúng ta đã nói. Nếu hành giả chọn cho mình đề mục thích hợp là một biến xứ đất (Pathavì – Kasina), hành giả giữ kỹ một vòng tròn làm bằng đất sét gọi là Kasina (Biến Xứ đất). Trong tiếng Anh thường được dịch là Hypnotic circle (vòng thôi miên), thực ra không chính xác lắm. Hành giả làm một vòng tròn bằng đát sét đường kính khoảng một gang và bốn ngón tay (ba tấc). Hành giả cố gắng làm sao cho nó thật phẳng và sơn bằng màu bình minh. Vòng này được đặt trước mặt cách khoảng 1 mét, hoặc xê xích một chút sao cho mắt nhìn thấy rõ. Ở phương Tây hiện nay cũng có một số người hành theo cách này. Tuy nhiên, ở Ấn Ðộ phương pháp này đã có từ lâu đời, vì vậy nó rất phổ thông; người Tây phương thực hành pháp môn thiền định đơn giản chỉ để xem tác dụng của nó và nhờ thực hành như vậy mà một số người đã thâu thập được một năng lực định rất sâu. Khi việc chuẩn bị vòng Kasina đất đã hoàn tất và hành giả đặt nó trước mặt ở khoảng cách thuận tiện, sao cho hành giả có thể nhìn vào nó một cách dễ dàng thoải mái. Trong lúc hành thiền hành giả phải giữ cho đầu, cổ và lưng thẳng đứng để duy trì tâm gắn bó với đề mục.
Thông thường không tập trung chúng ta không thể biết tâm mình ở nơi đâu. Dù thế nào chăng nữa hành giả cũng phải cố gắng tập trung tâm vào đề mục vật lý này, Parikammanimitta (chuẩn bị tướng). Như đã giải thích ở trên, có khi hành giả phải mất vài ngày, vài tháng hoặc vài năm mới có thể mường tượng được hay hình dung được đề mục mà không cần đến chuẩn bị tướng (tức đề mục vật lý). Ðức Phật khuyên chúng ta không nên quá căng thẳng khi làm bất kỳ điều gì. Hành giả không nên cưỡng ép tâm lực mình. Hành giả phải xem mình như thể đang trong cuộc chơi, thưởng thức nó với tâm hân hoan vui vẻ, cũng như những thanh thiếu niên đang thích thú xem một màn trình diễn trong xi nê vậy.
Nhưng đồng thời Ðức Phật cũng khuyên chúng ta không nên để tâm lơi lỏng. Chúng ta hành thiền để giúp đỡ tha nhân, để đóng góp hạnh phúc của mình vào hạnh phúc chung của mọi người. Hành thiền với tinh thần như vậy, ngay cả việc quét nhà cũng trở nên thú vị. Trong việc hành thiền, hành giả cũng phải có thái độ như trong lúc đang chơi, có vậy việc hành mới trở nên thú vị, bởi vì hành thiền là một việc làm rất tốt và là một điều cần thiết phải làm để trau dồi bản tâm. Trừ khi chúng ta giải toả được tâm mình như vậy, bằng không chúng ta chẳng thể nào thực hiện nổi những chặng đầu của pháp (Dhamma), nói chi đến việc chứng ngộ Niết Bàn, mục tiêu cao tột của đạo Phật.
Vì vậy, hành giả tập trung trên đề mục hay “chuẩn bị tướng” cho đến khi có thể mường tượng ra nó mà không cần đề mục. Hình ảnh mường tượng này trong Pàli gọi là “Uggahanimitta” (sơ tướng hay thô ảnh tướng tợ), có thể nói đó là bản sao chính xác của đề mục được thấy. Khi hành giả đến giai đoạn này thì không đòi hỏi phải có đề mục vật lý nữa. Kế đó, hành giả tiếp tục tập trung vào đề mục mường tượng. Sự khác biệt giữa đề mục thứ nhất và đề mục thứ hai là: đề mục đầu tiên là một đề mục vật lý, đề mục thứ hai thuộc tâm (do mường tượng mà ra). Tuy nhiên nó chính xác cùng một đề mục. Hành giả nỗ lực tập trung vào đề mục mường tượng này cho đến khi nó trở nên sáng chói giống như một ngôi sao. Sự khác biệt giữa giai đoạn hai và ba này là: trong giai đoạn hai hành giả thấy đề mục với những thô tướng, nhưng trong giai đoạn ba hoàn toàn không có các thô tướng này nữa, mà nó tựa như một ngôi sao đang chiếu sáng. Lúc này đề mục đã được khái niệm hoá và gọi là Patibhàganimitta (quang tướng hay quang ảnh trong sáng). Hành giả đắc cận định và tạm thời vượt qua năm triền cái (Nivarana); đó là: Tham Dục, Sân Hận, Hôn Trầm – Thuỵ Miên, Trạo Cử – Phóng Dật và Nghi Cái.
Sự tập trung hay định tâm của hành giả dần dần trở nên tăng tiến đến mức sắp đạt đến Jhàna (thiền). Vào giai đoạn này hành giả được bảo là đã có An Chỉ Ðịnh (Appanàsamàdhi). Cuối cùng, hành giả từng bước một đắc năm cấp độ thiền (từ sơ thiền đến ngũ thiền) và chính khi hành giả đạt đến ngũ thiền là lúc hành giả có thể dễ dàng phát triển năm năng lực siêu nhiên (các loại thần thông như: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, và biến hoá thông). Nhờ những thần thông này hành giả có thể thấy những điều mà bằng mắt thường không thể thấy được — dù cho vật ấy ở xa bao nhiêu, không có chướng ngại nào có thể ngăn cản được cái thấy của hành giả. Hành giả có thể thấy xuyên qua núi non, đến những nơi xa xăm nhất mà không bị chướng ngại vật nào ngăn cách. Ngay cả đến ngày nay ở Ấn Ðộ cũng có những vị Yogis đắc các pháp thần thông này, vì việc hành thiền định không nhất thiết chỉ giới hạn trong đạo Phật mà Ấn giáo (Hindus) cũng hành như vậy.
Trong đạo Phật việc hành thiền (Jhàna) là một trợ lực rất lớn giúp chứng ngộ Niết Bàn. Những người đã đạt đến mức độ cao như ngũ thiền này, tâm họ được tinh lọc rất cao và điều này giúp họ dễ dàng đạt đến các cấp độ phát triển tâm siêu thế (Lokuttara). Tuy nhiên, ở giai đoạn ngũ thiền hành giả cũng không hoàn toàn thoát khỏi những khuynh hướng bất thiện – lý do là vì Ðịnh, như đã đề cập ở trên, chỉ có thể vượt qua cấp độ phiền não thứ hai một cách tạm thời. Vì vẫn còn cấp độ phiền não thứ nhất (tức tuỳ miên phiền não) chưa trừ khử nên những tham dục đã được ức chế bằng Ðịnh chắc chắn sẽ khởi dậy lại nếu gặp điều kiện. Trong Anh ngữ, năm năng lực siêu nhiên hay thần thông này đôi khi còn gọi là năng lực tàng ẩn hay bí mật. Tuy nhiên, trong đạo Phật năm năng lực này không thể gọi là những năng lực bí mật được, vì mọi người đều có thể đạt được nếu họ chịu khó hành thiền định.
Giới làm cho người ta cao quý trong lời nói và việc làm, Ðịnh kiểm soát tâm làm cho vị ấy an tịnh, bình tĩnh và kiên định. Tuệ hay tuệ giác, giai đoạn tu tập thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng, giúp cho hành giả thắng phục hoàn toàn mọi phiền não. Như một cái cây đã bị triệt ở gốc chắc chắn sẽ không còn mọc lại, cũng vậy, các phiền não do Tuệ (Pannà) trừ diệt sẽ không bao giờ sanh khởi nữa.
Hành giả khi đã đạt đến giai đoạn thứ ba trên đạo lộ Giải thoát, cố gắng hiểu rõ thực chất của tự ngã, cũng như thực chất của các pháp thế gian nói chung. Giờ đây với cái tâm đã tịnh hoá cao độ, hành giả bắt đầu liễu tri rằng không có nguồn gốc của cái Ta hay tính đồng nhất khăng khăng của một “bản ngã” cả trong các hiện tượng nội giới và ngoại giới. Vị ấy nhận ra rằng cả thân và tâm, những thứ cấu tạo nên cá thể vị ấy, đều nằm trong trạng thái trôi chảy và biến dịch không ngừng, và rằng các pháp hữu vi đều vô thường (Anicca), phải chịu khổ đau (Dukkha), và không có tự ngã (Anatta). Ðối với vị ấy, lúc đó tri kiến hiểu biết phát sinh lên rằng mọi hình thức lạc thú của đời thường chỉ là đầu mối đưa đến khổ đau, và rằng mọi thứ nằm trong trạng thái biến dịch chắc chắn không thể là cội nguồn hạnh phúc thường hằng và thực sự được.
Sau đó, hành giả tập trung tâm vào ba đặc tánh thế gian, đó là: vô thường, khổ và vô ngã. Không luyến ái cũng không chán ghét đối với các pháp thế gian; hành giả tiếp tục một cách kiên trì, phát triển tuệ giác đối với cả hiện tượng nội và ngoại giới cho tới khi loại trừ được ba hạ phần kiết sử, đó là: Thân kiến = Ngũ uẩn tà kiến (Sakkàya ditthi), Hoài nghi (Vicikicchà) và Giới cấm thủ (Sìlabbata paràmàsa) chỉ khi nào hành giả thủ tiêu tận gốc ba kiết sử này thì hành giả mới chứng ngộ Niết Bàn, mục tiêu tối hậu của mình trong lần đầu tiên. Vào giai đoạn này hành giả được gọi là vị Tu Ðà Hoàn (Sotàpana), tức là người đã bước vào dòng (Nhập Lưu), dòng ở đây nghĩa là đạo lộ dẫn đến Niết Bàn. Ðức Phật đã mô tả giai đoạn này như sau:
Ðắc quả Tu Ðà Hoàn,
Hơn tái sanh thiên giới
Hơn quyền lực thế gian
Hơn chuyển luân thánh vương. (Pháp Cú, 178)
Hình ảnh biểu tượng một người đã đạt đến tầng thánh thứ nhất được ví như người bước vào dòng (Thánh) bởi vì, cũng như nước sống không bao giờ chảy ngược, mà đều đặn chảy một cách chắc chắn và hiển nhiên hướng ra đại dương. Cũng vậy, vị hành giả sẽ chắc chắn và nhanh chóng đạt đến sự giác ngộ cuối cùng của mình. Tuy nhiên, vì hành giả chưa diệt trừ bảy kiết sử còn lại nên có thể phải tái sanh tối đa là bảy lần nữa trong cõi dục.
Khi hành giả phát triển tuệ giác thâm sâu hơn và làm yếu đi hai kiết sử nữa, đó là: Dục Ái (Kàmaràga) và Sân (Patigha), hành giả trở thành một vị Tư Ðà Hàm (Sakadàgàni), còn gọi là bậc Nhất Lai. Sở dĩ được gọi như vậy là vì hành giả còn tái sanh trong cõi dục (Kàmaloka) chỉ một lần duy nhất nếu như hành giả vẫn chưa đắc giải thoát cuối cùng trong kiếp sống hiện tại này.
Tầng thánh thứ ba là A Na Hàm (Anàgàmi), Bất Lai Thánh Giả, người đã hoàn toàn cắt đứt hai kiết sử (Dục Ái và Sân) ở trên. Hành giả không còn tái sanh trong thế gian này hay bất kỳ cảnh giới nào trong dục giới. Tuy nhiên, nếu hành giả vẫn chưa đạt đến giác ngộ cuối cùng trong kiếp này thì vào lúc mệnh chung, chắc chắn sẽ tái sanh nơi một trong những cảnh giới thích hợp và cao hơn, từ đó hành giả sẽ nhập Niết Bàn luôn.
Giai đoạn thứ tư là tầng thánh A La Hán (Arahat),
bậc đã tiêu trừ năm thượng phần kiết sử là: Ái trong cõi sắc giới (Rùpà – ràga); Ái trong cõi vô sắc (Arùpa – ràga), Ngã Mạn (Màna), Phóng Dật (Uddhacca) và Vô Minh (Avijjà). Lúc đó hành giả biết rõ rằng sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, đây là sự an lạc cao quý nhất, bậc A la Hán vượt lên trên các cõi giới, chứng ngộ hạnh phúc Niết Bàn – một loại hạnh phúc bất khả thuyết.
-ooOoo-
Bài 19:
HẠNH PHÚC LÀ GÌ?
Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là một trạng thái tinh thần mà người ta có thể đạt tới xuyên qua việc tu tập tâm, và như vậy, về nguồn gốc nó khác với những nguồn thuộc vật chất như giàu sang, danh vọng, địa vị xã hội và tiếng tăm v.v… những thứ này chỉ là những nguồn hạnh phúc nhất thời tạm bợ, Bất cứ điều gì chúng ta làm chủ yếu cũng là vì mưu cầu hạnh phúc, mặc dầu chúng ta có thể nói tôi làm điều này vì tiền, điều kia vì quyền, nhưng thực sự ra bất cứ chúng ta làm điều gì chăng nữa thì cũng vì hạnh phúc. Thậm chí trong lãnh vực tôn giáo cũng thế, điều chúng ta làm là làm vì hạnh phúc cả. Vậy thì bất luận chúng ta làm điều gì thì chủ yếu chúng ta cũng vì mưu cầu hạnh phúc mà thôi. Nhưng liệu chúng ta có đạt được cái hạnh phúc đó không? Không. Tại sao? Bởi vì chúng ta đi tìm hạnh phúc không đúng chỗ.
Người ta nghĩ họ có thể tìm được hạnh phúc trong tiền bạc, vì vậy mà họ cố gắng hết sức để được giàu sang, nhưng khi giàu sang rồi liệu họ có hạnh phúc hay không? Nếu giàu sang là một nguồn hạnh phúc, như vậy người giàu có lẽ hạnh phúc hơn người nghèo. Nhưng trong rất nhiều trường hợp chúng ta thấy rằng, những người bình thường không giàu có mấy lại hạnh phúc hơn kẻ giàu. Thậm chí chúng ta còn nghe rằng một vài nhà tỷ phú đã phải tự tử. Nếu giàu sang là cội nguồn chính của hạnh phúc, có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc tự tử làm gì, do vậy rõ ràng là giàu sang không hẳn là một nguồn hạnh phúc như người ta tưởng.
Vậy thì quyền lực, tên tuổi hay tiếng tăm có lẽ là cội nguồn của hạnh phúc chăng? Khi người ta mất danh vọng, quyền lực hay địa vị họ liền rơi vào trạng thái lo lắng phiền muộn. Ðiều dó chứng tỏ rằng chức quyền, danh vọng cũng không phải là cội nguồn của hạnh phúc, bởi vì nó cũng còn là cội nguồn của lo lắng phiền muộn và phải chịu biến đổi vô thường. Một số khác nghĩ rằng có được một người chồng (hay vợ) tâm đầu ý hợp có thể là cội nguồn của hạnh phúc, điều này có nhưng chỉ ở mức độ nào thôi. Một số cho là con cái là hạnh phúc, nhưng khi vì một lý do nào đó chúng phải chia lìa, không sớm thì muộn điều này cũng xảy ra, họ sẽ cảm thấy đau khổ. Một số khác cho là đua ngựa, đua chó là hạnh phúc, chẳng thế mà họ đánh cuộc với nhau, tuy nhiên ngay cả khi họ là những người thắng cuộc họ cũng chỉ vui trong chốc lát. Rồi lại có những người mong tìm hạnh phúc trong men rượu, họ được vui hay hạnh phúc một khoảnh khắc nào đó. Sau cơn say họ lại buồn hơn bao giờ hết. Những nguồn hạnh phúc bên ngoài không phải là những nguồn hạnh phúc thực sự, cái chính là tâm, nhưng chỉ có tâm nào đã được kiểm soát và tu tập mới thực là nguồn hạnh phúc.
Vậy thì làm thế nào để có được hạnh phúc? Chúng ta định nghĩa hạnh phúc là thế nào? Hạnh phúc là một trạng thái, ở đây, là trạng thái tinh thần, trạng thái này hợp với bản chất của con người, hoặc lôi cuốn được bản chất của con người, làm thoả mãn bản chất con người, và nó có thể được áp dụng cho những mức độ như: vật chất hay thiên về vật chất, xúc cảm, tri thức, tinh thần (tâm linh).
Ðể sáng tỏ hơn, hãy lấy một bữa ăn ngon làm ví dụ. Bạn có dịp nào đó được thưởng thức một bữa ăn trưa hay chiều thật là khoái khẩu, nếu bạn là một người tự hào về những kiến thức thuộc lãnh vực vật lý của mình, chắc chắn bạn sẽ có loại hạnh phúc thuộc bản chất vật lý hay vật chất; bạn thưởng thức món ăn vì mục đích trau dồi thân thể, vì sức khoẻ bản thân và thấy được niềm vui thuộc bản chất thiên về vật chất từ nơi bữa ăn đó. Còn nếu như bạn tình cờ được ăn một món gì đó mà bấy lâu nay mình ao ước, chắc chắn bạn sẽ có hạnh phúc của một bản chất đa cảm và bạn sẽ nói là: “Tôi vô cùng thích thú, bởi vì đó là bữa ăn thật tuyệt, thật ngon”; bạn thưởng thức bữa ăn vì tính chất tuyệt vời của nó, bạn sẽ đạt được niềm vui từ bữa ăn đó, qua bữa ăn đó, và vì vậy hạnh phúc của bạn sẽ là loại hạnh phúc thuộc bản chất đa cảm, bạn chẳng màng quan tâm đến bữa ăn đó có lợi cho sức khoẻ hay không, mà chỉ cần quan tâm đến hương vị của bữa ăn. Nếu như bạn thuộc giới trí thức, quan tâm đến sự hợp lý, và tình cờ là bạn đang phải ăn kiêng, bạn có thể có loại hạnh phúc thuộc bản chất tri thức và nói “Món ăn này thật tốt bởi vì nó thích hợp với sức khoẻ của tôi”, bạn phán xét món ăn trên phương diện tri thức. Nếu như bạn là một người bản chất thiên về tâm linh hay tinh thần, bạn cũng vẫn tìm được hạnh phúc qua bữa ăn, tuy nhiên bạn sẽ nói: “Món ăn này rất tốt bởi vì nó trong sạch, tinh khiết, có lợi cho việc giữ giới; tốt vì hiệu quả của nó giúp ích cho tôi trong việc hành thiền”.
Vì vậy niềm vui của bạn trong trường hợp này sẽ khác hẳn, cũng như sự phán xét của bạn cũng khác với mọi người. Cũng một bữa ăn hay món ăn được mọi người thưởng thức, và hạnh phúc đạt được lại tuỳ thuộc vào bản chất của từng người. Hạnh phúc cao nhất mà con người có thể đạt đến là một trạng thái – trạng thái tâm, trạng thái này phù hợp và thoả mãn cho mọi mức độ. Thế nhưng, một trạng thái như vậy không phải luôn luôn dễ dàng cho chúng ta thành tựu. Nếu như chúng ta không thể có được cái hạnh phúc cao tột thoả mãn cho mọi mức độ này, lúc đó loại hạnh phúc kế tiếp hài hoà được những cấp độ tương đối hơn, nghĩa là nó sẽ cho chúng ta hạnh phúc lớn lao hơn những hạnh phúc chỉ hợp với những cấp độ thấp thỏi ở phía dưới.
Chúng ta phán xét, phản ứng và tiếp nhận mọi việc theo bản chất của mình, vì thế thật là cần thiết cho mọi người chúng ta để biết mình thuộc vào loại người nào. Chúng ta hành động và phản ứng đối với tác nhân kích thích bên ngoài theo bản chất của mình, nghĩa là chúng ta thấy mọi thứ qua cặp kính màu của cá nhân mình. Vì vậy nếu một người được xem là có lòng độ lượng và không có thành kiến, anh ta chỉ có thể là thế trong một chừng mực nào đó theo bản chất đặc biệt của anh ta thôi. Trừ phi chúng ta có những tiến bộ về tinh thần (tâm linh), bằng không thì chẳng ai trong chúng ta có thể có được một tấm lòng độ lượng và không thành kiến ở một mức độ lớn lao hơn, bởi vì chúng ta thấy và phán xét mọi vật theo cặp kính màu mà tự chúng ta đã làm cho mình, không phải ai khác mà cho chính chúng ta.
Vậy thì làm thế nào có thể biết mình thuộc loại người nào? muốn biết điều này chúng ta phải tự nghiên cứu những phản ứng của chính mình đối với tác nhân kích thích bên ngoài, những đối tượng bên ngoài, nhờ xem xét và ghi nhận các phản ứng của chúng ta như vậy mà ta có thể biết hoặc tự sắp mình vào trong những phân loại dưới đây.
Trước tiên là cấp độ hay loại thiên về vật chất. Một người thuộc loại này có khuynh hướng thiên về vật chất, họ chỉ quan tâm đến việc kiếm lợi, những tính toán và tập trung chính yếu của anh ta là những gì liên quan đến thu thập vật chất, và tiện nghi vật chất, cũng như thể chất là điều rất hệ trọng đối với anh ta. Những người thuộc loại này rất là thực dụng và họ thích mọi thứ, kể cả tôn giáo hay triết học cũng phải “thực dụng” theo khuynh hướng thiên về vật chất chứ đừng là gì cả. Bất cứ điều gì đòi hỏi phải tư duy và tập trung tinh thần sẽ không hấp dẫn đối với họ, họ sẽ không bị tôn giáo hay triết học nào lôi cuốn, chỉ có những tiện nghi vật chất hay những ý tưởng nào đem lại lợi ích vật chất mới hấp dẫn được họ.
Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi thấy tại sao rất nhiều người không hề quan tâm đến tôn giáo, bởi vì tôn giáo như chúng ta đã biết, không trực tiếp cho ai giàu sang và khoẻ mạnh cả. Quý vị nghĩ coi có bao nhiêu người trong thế gian này đã mất cơ hội quan tâm đến tôn giáo? Ðiều quan trọng đối với hầu hết mọi người là lợi lạc vật chất. Khi chúng ta nói tôi mắc bận, nghĩa là chúng ta đang bận về việc kiếm tiền, kiếm lợi. Ðể làm gì? Nào là vì thú vui thể xác, vì hạnh phúc, vì ăn, vì mặc, vì nhà cửa, vì các loại tiện nghi vật chất v.v…; vì vậy, chúng ta hiểu được là phần lớn mọi người chúng ta đều có khuynh hướng thiên về vật chất này.
Kế tiếp, là loại có khuynh hướng đa cảm. Người nằm trong cấp độ này rất là nhạy cảm và chủ yếu quan tâm đến vấn đề thích và không thích, những cảm giác hay ấn tượng dễ chịu và khó chịu. Họ phán xét mọi việc theo tình cảm của họ, bất kể sự phán xét đó sai hay đúng cũng mặc. Những người thiên về tình cảm này thường quan tâm đến loại tôn giáo có tính cầu nguyện, nghĩa là tôn giáo hợp với tình cảm của họ, họ thấy rằng tôn giáo mà không có lễ nghi cúng kiến thì thật là buồn tẻ.
Cấp độ thứ ba là thiên về tri thức. Những ai ở vào cấp độ này phần lớn quan tâm đến sự hợp lý, họ thích nghiên cứu mọi vật theo tri thức. Họ tìm được niềm vui hay hạnh phúc trong văn chương và khoa học v.v… đạt đến hạnh phúc qua những theo đuổi có tính tri thức, tuy nhiên họ chỉ tích cực về mặt tinh thần mà không năng động về phần thể xác, họ biết rất nhiều qua việc đọc và học của họ, nhưng trong thực tế họ không mấy tích cực.
Thứ tư là cấp độ thiên về tinh thần hay đạo đức. Những ai nằm trong cấp độ này rất quan tâm đến việc phục vụ và sự hiểu biết có tính cảm thông trắc ẩn; họ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công lý hoặc xử sự phải lẽ; họ là loại người thực tế. Như chúng ta thấy, mỗi người hành động và phản ứng trước sự việc, chỉ trích, cảm xúc, và phán đoán theo bẩm chất đặc biệt riêng của họ, theo cấp độ đặc biệt của cá nhân họ. Nhờ biết rõ tại sao và thế nào chúng ta lại khác biệt trong cách tư duy, trong cảm xúc, trong phán đoán và trong cách nhìn cuộc sống (nhân sinh quan), chúng ta mới có thể rộng lượng đối với những loại người khác để họ hành xử theo bản chất của họ, nhờ vậy, chúng ta mới có thể tu dưỡng khuynh hướng khoan dung, nhẫn nại đối với mọi người.
Khi chúng ta kém tiến bộ về tâm linh thì đó là lúc mà vật chất, thú vui và hạnh phúc có tính nhục dục lôi cuốn chúng ta nhất. Không may thay, một số người chúng ta chẳng hề cố gắng để ra khỏi vết lầy này; thậm chí, trong cái mức thấp hèn như vậy họ còn cảm thấy hãnh diện với nó, họ không muốn thoát ra khỏi tình trạng đó, khi họ cảm nhận được chút lạc thú thế gian nào đó họ nghĩ mình đã đạt đến hạnh phúc. Họ không thích Niết Bàn, một loại hạnh phúc nghe có vẻ tẻ nhạt đối với họ. Tại sao vậy? Bởi vì về mặt tâm linh họ tiến bộ rất chậm, một khi phương diện tâm linh của chúng ta tiến triển, những nghiên cứu về văn chương, khoa học và triết lý mới có thể lôi cuốn được chúng ta. Một số người thậm chí không thể thưởng thức nổi những giá trị của việc đọc sách báo và học hỏi; họ cho đó là việc làm phí thời gian và không đem lại lợi ích nào cả. Phần lớn người Tây phương rất thực dụng, họ rất bận bịu và năng động về mặt thể xác.
Có một lần, một vị Mục Sư Tin Lành Anh Giáo hỏi bần tăng đôi điều về Niết Bàn, bần tăng trả lời: “Rất tiếc tôi không thể giải thích cho Ngài hiểu về Niết Bàn chỉ trong vài lời nói và trong một thời gian ngắn ngủi như vầy”. Vị Mục Sư nói rằng lúc nào ông ta cũng bận rộn, do vậy bần tăng hỏi lại ông: “Nếu Ngài bận rộn thì hãy cho tôi biết ngài có thể dành bao nhiêu thời gian để nghe tôi giải thích Niết Bàn?”, ông nói: “Rất tiếc là tôi không có nhiều thì giờ, mong ngài hãy vắn tắt cho tôi vài lời cũng được”. bần tăng nói: “Niết Bàn là một trạng thái ở đó, không còn khổ, không còn già, đau, bệnh và chết, và đó cũng là trạng thái cao tột nhất thoát khỏi mọi phiền não, lo âu và thống khổ”. Vị Mục Sư hỏi: “Có phải ý ngài muốn nói rằng nếu chúng ta đạt đến Niết Bàn, chúng ta sẽ chẳng còn gì để làm nữa đúng không?”. bần tăng nói: “Vâng, đúng thế”. “Thế thì tôi không thích Niết Bàn đâu, bởi vì tôi lúc nào cũng muốn mình phải làm một cái gì đó”, vị Mục Sư trả lời.
Một người đàn ông khác nói rằng anh ta không thể thưởng thức nổi thơ văn và khoa học, cả hai thứ đó dường như tạo cho con người những lạc thú kỳ lạ nào đó thì phải. Ông nói rằng mình đã đến thăm Phòng Tranh Quốc Gia (National Gallery), nơi đây phần lớn những bức tranh đẹp nhất được trưng bày, tuy nhiên ông ta nghĩ rằng những người đi xem tranh thật là ngốc nghếch, vì nếu họ muốn thưởng thức cái đẹp thực sự tại sao lại phí thời giờ để xem những thứ mô phỏng như thế này. Ông nghĩ, thơ văn đã làm hỏng cả ngôn ngữ, vì chẳng có một thứ tự từ ngữ gì ráo trọi. Văn chương đối với ông ta chẳng có ý nghĩa gì cả.
Vậy đó, chúng ta thấy có rất nhiều giai đoạn phát triển. Khi chúng ta lớn tuổi hơn, chúng ta sẽ hiểu được cái hạnh phúc đạo đức hay tâm linh, đó là loại hạnh phúc thực sự cao quý nhất, bởi vì nó là một loại hạnh phúc trường cửu và chân thực. Tuỳ theo bản chất thực tiễn của mình mà mỗi người hành xử và phản ứng trước sự việc, và bằng cách ấy họ tự tạo cho mình hoặc là hạnh phúc hay khổ đau. Sự phát triển hay tấn hoá từ mức thấp lên mức cao này có thể đạt đến được, thực sự thì nó không đến nỗi quá khó như người ta tưởng. Ngay như hạnh phúc Niết Bàn cũng còn có thể đạt đến trong chính kiếp hiện tại này, vì nếu nó quá khó như phần lớn chúng ta tưởng thì tại sao chúng ta lại có 6 đặc tính của Pháp? chính Ðức Phật đã nhiều lần lặp lại 6 đặc tính pháp (Dhamma) này, một trong 6 đặc tính đó là Sanditthika, nghĩa là hiệu quả tức thời hay thiết thực hiện tại. Nếu đó là sự thực, sao ta lại không đạt đến bản chất thực của hạnh phúc (Niết Bàn) được chứ? Niết Bàn có thể được đạt đến bất cứ lúc nào, Akàlika (phi thời gian), nghĩa là không cần ngày mai hay tháng tới, mà bạn có thể đạt đến nó tuỳ theo nỗ lực và sự hiểu biết của chính mình.
Một số người đã hỏi bần tăng là có một mục đích gì trong cuộc đời hay không? Ðối với vấn đề này bần tăng khẳng định là “Có, cuộc sống này có mục đích của nó”. Mục đích của cuộc sống là để phát triển, tấn hoá từ vô minh (si mê) đến giác ngộ và từ khổ đau đến hạnh phúc. Chính Ðức Phật đã nhiều lần xác nhận rằng mục đích của cuộc sống là để đạt đến sự giác ngộ. Một trong số những triết gia Hy Lạp nói rằng ông đến cuộc đời này chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là tự hoàn thiện chính mình. Như vậy, sự tấn hoá hay phát triển này có thể thực hiện ngay tại đây và ngay bây giờ. Cũng như nhờ thường xuyên luyện tập mà chúng ta có thể phát triển được các cơ bắp của thân hình, tâm chúng ta cũng vậy, có thể được phát triển và chúng ta chắc chắn có thể đạt đến sự hoàn thiện này, người thiên về tâm linh thì qua việc đạt đến hạnh phúc và chứng ngộ Niết Bàn, người thiên về tri thức thì thiên về việc thành tựu tri kiến, thiên về đa cảm thì qua việc chế ngự và vận dụng tốt những tình cảm của mình, và thiên về vật chất hay thể xác thì qua việc luyện tập, cũng như qua việc kiểm soát thân mà nhờ đó đạt được sức khoẻ kiện toàn.
Mỗi cấp độ như vậy đều phát xuất từ những hành động (nghiệp) quá khứ, cũng như, do những hành động này mà tương lai sẽ diễn tiến. Hành động là sự biểu thị của tâm và một khát khao đối với điều gì đó kích thích tâm. Mỗi cấp độ đều có hành động và phản ứng, đó là nhân và quả. Do vậy, chính hành động của ta đối với tác nhân kích thích bên ngoài là điều chúng mà chúng ta cần chế ngự. Hành động và phản ứng này vận hành ở mọi cấp độ, như cấp độ thiên về vật chất hay thể xác tác động qua sự hoạt động, cấp độ đa cảm qua cảm xúc, cấp độ tri thức qua tư duy và cấp độ tinh thần (hay tâm linh) thì qua sự chứng ngộ. Mỗi loại đều có mặt tốt và xấu, cũng như phương diện thiện và ác của nó. Chẳng hạn, một người bẩm tánh thiên về vật chất có thể tác hại đến thể chất, nghĩa là nếu anh ta sử dụng sức mạnh vật chất hay khí cụ vật chất của mình sai lầm sẽ tạo ra khổ đau, điều này đã thể hiện mặt xấu của anh ta. Ngược lại, mặt tốt của cấp độ thiên về vật chất là anh ta có thể làm được những hành động thiện bằng thân của mình. Vì vậy, mọi người cần thể hiện thân hành để phục vụ, vì nhờ đó chúng ta có thể phát triển từ cấp độ này lên cấp độ cao hơn.
Bất luận làm điều gì dù bằng tâm hay bằng tình cảm, nếu không thể hiện ra bằng thân đều không hoàn hảo. Có một câu chuyện thế này:
Xưa trong ngôi làng nọ có một tảng đá giặt (Washing stone), có lẽ nói tảng đá giặt thì người phương Tây thường không hiểu, bần tăng nghĩ như vậy vì có một lần, một phụ nữ Anh trong số thính giả đã hỏi bần tăng là: “Tảng đá giặt là thứ gì?”, cô ta chưa hề nghe đến một vật gì như thế, bần tăng giải thích rằng: “Tảng đá giặt là một tảng đá có một mặt bằng phẳng, dùng trong các xứ phương Ðông để giặt các quần áo dơ trên đó, quần áo sau khi đã xát xà bông được đem đập trên đá đó cho ra hết chất dơ”. Vâng, có một tảng đá giặt như vậy, ở bên ngoài một ngôi làng được dân địa phương dùng để giặt quần áo, thế rồi một ngày kia có một nhà địa chất đi đến và thấy tảng đá chứa nhiều mảnh đá rất quý. Ông ta nghĩ rằng những người dân địa phương ở đây thật là khờ khạo, dùng một tảng đá giá trị như vầy chỉ để giặt quần áo, thật phí phạm! Thế là, ông ta ra sức thuyết phục dân làng, kể cả người chủ làng để đổi lấy tảng đá lớn hơn và đẹp hơn. Mọi người đều đồng ý, ông ta đem đến cho họ một tảng đá rộng hơn và rất đẹp, đồng thời lấy tảng đá cũ đi. Tất cả mọi người đều vui mừng và biết ơn ông ta, trong khi ông ta lại tỏ ra biết ơn họ rất nhiều, vì từ tảng đá đó ông ta có thể lấy ra những viên ngọc quý giá.
Ðức Phật khuyên chúng ta sống có hiểu biết như nhà địa chất kia và không nên như những dân làng quá dốt nát nọ. Chúng ta sử dụng thân mình không chỉ vì tầm cầu lạc thú mà để phục vụ, được vậy dù chúng ta có muốn hay không muốn, chúng ta cũng sẽ có một ngoại hình đẹp đẽ và sức khoẻ dồi dào. Ðức Bồ Tát xưa kia đã dùng cả thân và tâm mình để phục vụ ở bất cứ nơi nào ngài đi qua, thậm chí trong kiếp chót khi ngài đã thành Phật. Quý vị còn nhớ câu chuyện một vị Tỳ Khưu bị bệnh nằm trên đống đồ dơ uế của mình không? Không một ai còn kiên nhẫn để giúp đỡ cho vị Tỳ Khưu này nữa. Ðức Phật đã không ngại ngùng tắm rửa và thay y áo cho vị này, thật không có gì trên thế gian này xứng đáng với phẩm cách cao quý của ngài.
Vì mọi vật trên thế gian này đều phải chịu vô thường biến hoại, nên không thể có một hạnh phúc chân thực và trường cửu trong những thứ thuộc vật chất ở thế gian. Ðây ắt hẳn sẽ là một quan niệm sống đầy bi quan nếu không có sự kiện là con có một lối thoát, một hạnh phúc thực sự vượt ngoài vật chất, chính điều này đã làm thay đổi quan niệm bi quan đó thành một nhân sinh quan thực tiễn và đầy lạc quan cho người Phật tử chúng ta. Sự tu tập chính là lời giải thích cho vấn đề, tu tập ở đây không nhất thiết ở thân thôi mà còn ở tâm nữa, xa hơn; chúng ta sẽ tu tập bản chất đạo đức cao thượng để thành tựu hạnh phúc Niết Bàn.
-ooOoo-