CHƯƠNG I

GIỚI THIỆU ÐẠO PHẬT

-ooOoo-

Bài 1:

ÐỨC PHẬT

Ðức Phật là ai? Phật là người đã đạt đến giác ngộ. Giác ngộ ở đây muốn nói đến trạng thái lý tưởng của sự hoàn thiện cả về tri thức lẫn đạo đức, trạng thái nầy có thể được đạt đến bởi con người và bằng những phương tiện hoàn toàn nhân bản. Ðể làm sáng tỏ sự kiện Ðức Phật đã đạt đến giác ngộ như thế nào, chúng ta hãy quay trở lại cuộc đời của Ngài.

Khoảng 623 năm trước công nguyên, tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbìnì) gần kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapila-vatthu), nơi mà ngày nay được mọi người biết đến như Padaria, một huyện lỵ thuộc Nepal, một vị Hoàng tử dòng Thích Ca (Sakya) Ấn Ðộ, tên là Sĩ Ðạt Ða Cồ Ðàm (Siddhattha Gotama) đã ra đời, để đánh dấu địa điểm này như là nơi khai sinh của bậc đại đạo sư nhân loại, Hoàng đế A-Dục (Akosa) năm 239 trước công nguyên đã cho dựng một thạch trụ khắc dòng chữ, “Nơi đây bậc giác ngộ đã đản sanh”. Phụ thân của Ngài là Suddhodana (Tịnh Phạn), vua xứ Ca Tỳ La Vệ, thủ phủ chính của dòng tộc Thích Ca; và mẫu hậu, người đã chết sau khi sanh Ngài được 7 ngày, là Mada hoàng hậu, bà cũng thuộc dòng Thích Ca. Dưới sự chăm nom săn sóc và bảo dưỡng của di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Ðềø (Pajàpatì Gotamì), thái tử Sĩ Ðạt Ða đã trải qua thời kỳ thơ ấu trong an lạc, xa hoa và được giáo dục kỹ lưỡng. Năm mười sáu, Ngài kết hôn với người bà con của mình là công chúa Da Du Ðà La (Yasodhara) con gái của vua Thiện Giác (Suppabuddha) vua xứ Devadaha, họ có một hoàng nam tên là Rahula (La Hầu La).

Trong gần 13 năm, thái tử Sĩ Ðạt Ða đã thụ hưởng cuộc sống vương giả của một ông hoàng Ấn Ðộ, chỉ thấy quanh mình những cái đẹp và khả ái. Tuy nhiên, năm 29 tuổi, sự thật đã dần dần hé mở trước mắt, Ngài nhận chân ra rằng tất cả mọi người không ngoại lệ ai đều phải chịu sanh, lão, bệnh, tử, và rằng mọi lạc thú của thế gian chỉ là đầu mối dẫn đến khổ đau. Thấu rõ được nỗi khổ đau chung của nhân loại như vậy, Ngài khởi lên một khát khao muốn tìm cho ra nguồn gốc của nó, cũng như một phương thuốc thần diệu chữa trị cho căn bệnh chung nầy. Thế là Ngài từ bỏ đời sống trần tục để khoác vào mình chiếc y vàng giản dị của một du sĩ khổ hạnh.

Lang thang làm kẻ đi tìm an lạc cho đời, Ngài đã tự hạ mình chịu sự hướng dẫn tâm linh của hai vị thầy Bà la môn tiếng tăm thuở đó là A la lam (Àlàra) và Uất Ðầu Lam Phất (Uddaka). Àlàra đạo sĩ là người lãnh đạo của một số lớn tìn đồ tại Vesàli (Tỳ Xá Ly), ông là người trung thành với Kapilà, người sáng lập lừng danh thời đó về hệ thống triết lý chủ trương thường hằng (Sassata: thường hằng luận), Kapilà nhấn mạnh đến niềm tin vào bản ngã hay linh hồn. Ông ta coi việc bất tín đối với sự tồn tại của một linh hồn như là không có khuynh hướng hướng đến tôn giáo. Theo ông, nếu không có niềm tin vào một linh hồn vĩnh cửu và bất tử, người ta sẽ không thể tìm ra phương pháp cứu độ nào cả, tựa như con chim rừng hoang dã khi thoát khỏi cái bẫy lâu nay giam giữ nó, linh hồn con người một khi đã thoát khỏi những giới hạn vật chất của nó chắc chắn sẽ tự tại hoàn toàn, khi cái linh hồn này nhận rõ được bản chất vô hình của mình sẽ vươn đến sự giải thoát chân thực. Ðối với Bồ Tát thì những lời như vậy không làm cho Ngài cảm thấy thoả mãn, thế là Ngài từ giã Àlàra để đến học đạo với Uddhaka (Uất Ðầu Lam Phất).

Vị thầy sau nầy cũng chỉ lòng vòng quanh vấn đề cái “Ta”, tuy nhiên có nhấn mạnh hơn đến hiệu quả của nghiệp (Kamma) và sự đầu thai của linh hồn. Bồ Tát thấy học thuyết về nghiệp của ông có cái gì đó xác thực, nhưng Ngài lại không tin nổi về sự hiện hữu của một linh hồn cũng như sự đầu thai của linh hồn; vì vậy mà Ngài lại giã từ Uddaka và đi đến các vị giáo sĩ Bà La Môn đang chủ toạ các nghi lễ cúng tế nơi các đền thờ để xem ở đó Ngài có thể học được chút gì liên quan đến phương pháp giải thoát khỏi khổ đau và sầu muộn không. Tuy nhiên, trước những lễ hiến tế tàn ác và vô ích mà họ đang thực hiện trên các bàn thờ thần linh khiến cho bản chất từ hoà của Ngài phải kinh tởm, và tại đây Ngài đã giảng gải cho các vị giáo sĩ đó nghe về sự vô bổ và phi lý của việc chuộc tội bằng cách huỷ diệt cuộc sống của chúng sanh khác, và việc thực hành lễ nghi tôn giáo bằng cách xem thường cuộc sống đạo đức là điều không thể chấp nhận được.

Từ Vesàli Ngài lại lên đường lang thang đi tìm một hệ thống tốt đẹp hơn; Sĩ Ðạt Ða đã đi đến rất nhiều bậc thầy nổi danh thời đó, nhưng không một ai có đủ trình độ để thoả mãn cho những gì Ngài đang nhiệt tâm tìm kiếm. Tất cả những vị gọi là triết gia hay luận sư thuở đó đều là những người đang mò mẫm trong đêm tối, họ chẳng khác nào người mù dẫn dắt kẻ đui, vì chính họ cũng còn bị màn vô minh che phủ. Cuối cùng Ngài đi đến nơi cư ngụ của năm người học trò của đạo sĩ Uddaka do Kiều Trần Như (Kondanna) dẫn đầu, trong khu rừng già Uruvelà (Ưu Lâu Tân Loa) gần Gàya (Già Da) thuộc xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha). Tại đó, Ngài chứng kiến năm vị này đang hành pháp chế ngự các giác quan của mình để mong làm suy giảm đi những dục vọng, và họ cũng đang hành pháp sám hối bằng lối tu khổ hạnh. Bồ Tát rất khâm phục sự nhiệt tâm và nỗ lực nghiêm khắc của họ, Ngài cũng đã thử nghiệm theo các pháp khổ hạnh mà họ đang rèn luyện này, bởi vì vào thời ấy người ta tin rằng trừ khi con người sống đời khổ hạnh nghiêm khắc, bằng không họ sẽ không thể đạt đến sự giải thoát được. Do vậy, Ngài đã tự buộc mình vào các hình thức khổ hạnh nào mà Ngài có thể thực hành được. Gia tăng hết hình thức cầu nguyện này đến hình thức cầu nguyện khác, Ngài đã thực hiện một nỗ lực phi thường trong suốt 6 năm trường đằng đẵng, cho đến khi thân hìnhcủa Ngài cuối cùng phải teo rút lại tựa như một cành cây héo úa, máu Ngài khô cạn, da nhăn nhúm và gân xanh lộ hẳn ra ngoài, nhưng càng tự hành xác bao nhiêu thì Ngài càng xa dần mục tiêu bấy nhiêu. Tuy vậy, những cố gắng và nỗ lực dù không thành công này cũng đã dạy cho Ngài một bài học quan trọng, đó là tự hành xác khổ hạnh là việc làm hoàn toàn vô bổ, không đưa đến giải thoát.

Có được kinh nghiệm quý giá này, cuối cùng Ngài quyết định đi theo con đường riêng của mình, tránh xa hai cực đoan là khổ hạnh và lợi dưỡng, vì lợi dưỡng có khuynh hướng ngăn trở những tiến bộ tâm linh của con người, trong khi khổ hạnh ép xác sẽ làm suy giảm trí tuệ. Con đường mới là trung đạo (Majjhima patipadà), tức là con đường trung dung giữa khổ hạnh và lợi dưỡng, chính pháp hành trung đạo này sau đó đã trở thành một trong những nét đặc thù của Phật giáo.

Sáng sớm ngày trăng tròn tháng Vesàkha (tức rằm tháng tư âm lịch), khi Ngài đang ngồi lắng sâu trong thiền định, dưới gốc cây bồ đề, không do một quyền lực siêu nhiên nào trợ giúp và hướng dẫn, mà hoàn toàn nhờ vào những nỗ lực của tự thân, ý thức về tuệ giác chân thực đã chiếm hữu Ngài. Bồ Tát nhận ra các phương pháp sai lầm mà tất cả các tín ngưỡng khác chủ trương, Ngài cũng tuệ tri được cội nguồn từ đây khổ đau của thế gian sanh khởi và con đường dẫn đến sự diệt tận khổ đau này. Ngài thấy ra nguyên nhân của khổ (khổ tập) nằm trong sự chấp giữ ích kỷ vào cuộc sống, và rằng con đường thoát khỏi khổ nằm trong việc thực hành Bát Chánh Ðạo. Với sự thấu triệt những sự thật vĩ đại này cũng như sự chứng ngộ chân lý trong cuộc đời, Bồ Tát đã tẩy trừ hết mọi tham dục và đạt đến giác ngộ giải thoát – như vậy Ngài đã trở thành một vị Phật.

Sau khi chứng đạt Phật quả, trạng thái viên mãn tối thượng, Ngài đã hiến trọn phần đời quý giá còn lại của mình để phục vụ nhân sanh, cả bằng thân giáo lẫn ngôn giáo, không vì bất cứ động cơ cá nhân nào. Ðể tuyên thuyết bài pháp đầu tiên của mình, Ðức Phật đã khởi hành đi Ba La Nại (Benares) nơi đây đã từng nổi tiếng trong nhiều thế kỷ là trung tâm của cuộc sống và lý tưởng tôn giáo. Trên đường đi Ngài đã gặp một trong những người bạn quen của mình là Upaka, một tu sĩ theo đạo Loã Thể (Jain), bị choáng váng trước vẻ uy nghi rạng rỡ và đầy hân hoan của Ðức Phật, Upaka đã cất tiếng chào hỏi:

“Ồ! Ai là bậc đạo sư và dưới sự hướng dẫn tâm linh của vị nào mà bạn đã từ bỏ thế gian (xuất gia) này vậy?”.

Ðức Phật trả lời:

“Ta không có thầy, ta là Bậc Toàn Giác, là Phật; Ta đã đạt đến an lạc, đã chứng ngộ Niết Bàn. Ðể thành lập Vương Quốc của Chân Lý, ta sẽ đến Benares, ở đó, ta sẽ thắp sáng ngọn đèn chân lý vì lợi ích cho những ai đang bị phủ kín trong bóng tối của sự chết và tội lỗi”.

Lúc đó Upaka hỏi lại:

“Thế ra bạn tự nhận mình là Jina, bậc chinh phục thế gian sao?”.

Ðức Phật trả lời:

“Jina là người đã chiến thắng tự ngã và những dục vọng của tự ngã và là những người đã tự mình chiến thắng, đã kiểm soát được những dục vọng của mình và tránh xa tội lỗi. Ta đã chiến thắng được tự ngã và vượt qua mọi tội lỗi. Vì thế, ta là Jina”.

Tại Benares, Ðức Phật gặp Kondanna (Kiều Trần Như) và bốn người bạn đồng tu của ông ta trong vườn Lộc Giả. Nơi đây, bây giờ gọi là Saranath. Khi năm anh em Kiều Trần Như nhìn thấy Ðức Phật đang tiến về phía họ, họ đã chào Ngài bằng tên Cồ Ðàm, tức tên tộc của Ngài. Nhân đó Ðức Phật nói với họ: “Ðừng gọi ta bằng tên riêng như vậy, vì đó là cách chào hỏi thô lỗ và khiếm nhã đối với một người đã thành Phật. Tâm ta giờ đây không còn xao động, cho dù nguời ta có đối xử với ta bằng lòng kính trọng hay bất kính cũng vậy, thế nhưng xưng hô với một người có cái nhìn bình đẳng và lòng từ bi đối với tất cả chúng sanh bằng tên tộc của họ thì không tao nhã chút nào; chư Phật ra đời là để đem lại sự giải thoát cho thế gian, vì vậy họ cần phải được đối xử với lòng kính trọng”. Sau đó Ngài thuyết cho họ nghe bài pháp vĩ đại đầu tiên của mình, kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana sutta), trong đó Ngài giải thích Bốn Sự Thực Cao Thượng (Tứ Diệu Ðế) và Bát Chánh Ðạo. Cả năm người đều xuất gia Tỳ Khưu và tạo thành nhân tố đầu tiên của các bậc Thánh đệ tử gọi là Tăng đoàn (Sangha).

Trong suốt cuộc đời hoạt động tích cực của mình, Ðức Phật đã thực hiện nhiều cuộc cảm hoá từ bậc thượng lưu đến người hạ tiện, từ người giàu sang đến kẻ nghèo hèn, từ người có học đến người thất học, từ các hàng giáo sĩ Bà La Môn đến giai cấp Thủ Ðà La, du sĩ ngoại đạo và các gia chủ, kẻ cướp sát nhân và những cô gái giang hồ, từ hàng vua chúa đến dân giả, nam cũng như nữ thuộc mọi giai cấp và điều kiện xã hội đều trở thành đệ tử hoặc xuất gia hoặc tại gia của Ngài. Sau một sứ mạng tối thượng của 45 năm hoằng hoá, đức Phật trong chuyến du hành thuyết giảng cuối cùng của mình, đã đến Kusinàrà, một tỉnh nhỏ nằm ở miền đông xứ Nepal, nơi đây Ngài nhập vô dư Niết Bàn ở tuổi 80; những lời cuối cùng Ngài ban bố cho hàng đệ tử của mình là:

“Các pháp hữu vi đều phải chịu hoại diệt; hãy chuyên cần chánh niệm”.

Như vậy, Ðức Phật là một con người, Ngài sanh ra như một con người, Ngài sống như một con người, và như một con người, cuộc đời của Ngài cũng phải chấm dứt. Tuy nhiên, từ một phàm nhân Ngài đã trở thành một con người phi thường (Acchariya manussa), như chính Ngài đã tuyên bố trong Anguttara Nikàya (Tăng Chi Kinh); Ngài không nhận mình là hoá thân của Vishnu (một vị thần sáng tạo theo tín ngưỡng Ấn giáo) như những người Hindus tin tưởng, Ngài cũng không tự gọi mình là đấng cứu thế, cứu chuộc cho kẻ khác bằng sự giải thoát cá nhân của mình. Ðức Phật khích lệ hàng đệ tử hãy nương tựa nơi chính họ để giải thoát, vì thanh tịnh hay ô nhiễm đều do chính họ tạo. Trong Pháp Cú kinh Ðức Phật dạy: “Các ngươi hãy nỗ lực tự mình phấn đấu, chư Phật chỉ là bậc Ðạo Sư. Người chánh niệm bước vào đạo lộ (Bát Chánh Ðạo), giải thoát khỏi mọi trói buộc của tội lỗi”. Hoặc “Người khi đáng noã lực lại không tự mình nỗ lực, người khi đang còn thiếu niên, cường tráng đã dễ duôi lười biếng, ý chí nhu nhược, con người biếng nhác chay lười đó sẽ chẳng bao giờ thấy được con đường giác ngộ”, hay “Tinh cần là đường bất tử, giãi đãi là đường chết. Người tinh cần không chết, kẻ giãi đãi (dù sống) cũng như đã chết”.

Chư Phật khám phá ra con đường (giải thoát) và để nó lại cho chúng ta đi theo nếu muốn tự cứu mình; nương tựa vào tha lực để cứu chuộc là thái độ thụ động tiêu cực, nhưng nương tựa tự thân là hành động mang tính tích cực. Ðể khích lệ hàng đệ tử hãy nương tựa chính mình, Ðức Phật đã dạy trong kinh Niết Bàn là “Hãy tự mình làm ngọn đèn, làm nơi nương tựa cho chính mình; giữ vững chánh pháp (Dhamma) làm ngọn đèn; giữ vững chánh pháp làm nơi nương tựa; chớ tìm nơi nương tựa nơi ai khác ngoại trừ chính mình. Bất cứ ai tự mình làm nơi nương tựa và là ngọn đèn cho chính mình, chính người đó trong số những người tầm cầu giác ngộ – chắc chắn sẽ đạt đến đỉnh cao chót vót (giải thoát)”.

Hơn nữa, Ðức Phật không nhận độc quyền đối với Phật quả, mà thực ra, quả vị Phật này cũng không phải là đặc quyền dành riêng cho một con người đã được đặc chọn nào cả. Ðức Phật đã đạt đến trạng thái hoàn thiện viên mãn, và trạng thái nầy bất cứ ai cũng có thể trông đợi, Ðức Phật đã khai mở cho mọi người biết con đường thẳng duy nhất đó, để những ai mong cầu giải thoát cứ việc bước theo. Theo lời dạy của Ðức Phật, ai cũng có thể đạt đến trạng thái tối thượng đó nếu nỗ lực cần thiết. Như vậy, thay vì làm nản lòng những người theo mình và giữ độc quyền trạng thái tối tôn đó cho riêng mình, Ðức Phật đã khích lệ và thúc đẩy mọi người theo tấm gương cao quý của Ngài.

-ooOoo-

Bài 2:

ÐỨC PHẬT VÀ BỨC THÔNG ÐIỆP CỦA NGÀI

Phương pháp giải thoát được xem là nét đặc thù của đạo Phật rất khác với pháp giải thoát của các tôn giáo khác. Trong khi các tôn giáo như Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Bái Hoả giáo và Do Thái giáo chủ trương rằng: “Hãy quay về với Thượng Ðế và cầu nguyện, hiến mình trọn vẹn cho Ngài, hợp nhất với Ngài”. Nền tảng đạo lý của họ dựa trên ý niệm về Thượng Ðế, họ cho là nếu con người không thể tin nơi Thượng Ðế thì sẽ không thể nào có được cuộc sống chân chánh và hữu ích.

Chúng ta biết rằng hàng ngàn tín đồ của các tôn giáo này đã thực sự sống một cuộc sống trong sạch và thánh thiện. Thế nhưng, điều kỳ lạ là cuộc sống thánh thiện, vị tha, trong sạch đó cũng được hàng ngàn người con Phật sống, trong khi Ngài chẳng hề yêu cầu họ tôn thờ bất cứ vị thần nào như là bước đầu hướng đến sự giải thoát của họ cả. Ðức Phật dạy mọi người hãy nương tựa nơi chính mình, không nên trông chờ vào bất kỳ đấng cứu rỗi bên ngoài nào. Ngài cũng không hề tự đề cao mình như là một đấng trung gian giữa chúng ta và sự giải thoát cuối cùng của chúng ta. Tuy nhiên, Ngài có thể bảo cho chúng ta biết điều gì cần phải làm bởi vì chính Ngài đã làm điều đó và do vậy, Ngài biết rất rõ đường đi nước bước. Nhưng, trừ phi tự thân chúng ta thực hiện, bằng không thì Ðức Phật cũng không thể đưa chúng ta đến đích giải thoát được.

Mặc dù chúng ta có thể “nương tựa (quy y) Ðức Phật”, đây là lời phát nguyện của người Phật tử trong các nghi lễ giản dị, tự hứa sống một cuộc sống chân chánh. Ngoài ra, không qua bất kỳ niềm tin mù quáng nào mà Ngài có thể cứu vớt chúng ta. Ðức Phật có thể chỉ cho chúng ta thấy con đường, Ngài có thể nói cho chúng ta biết những khó khăn cũng như những cái tốt đẹp của nó mà khi bước lên con đường đó chúng ta sẽ thấy, nhưng Ngài không thể đi thế cho chúng ta được, mà tự thân mỗi chúng ta phải thực sự bước lên con đường đó.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bị bỏ rơi không có sự trợ lực nào trong công việc khó khăn này, vì để giúp chúng ta bước lên đường đến được mục đích giải thoát của mình (tức Niết Bàn), Ðức Phật đã phác hoạ lại cuộc sống đạo đức cần phải sống theo. Giống như viên kỹ sư xây dựng một con đường đi lên đỉnh núi hiểm trở. Ðức Phật cũng vậy, Ngài đã xây dựng một quy trình đạo đức, trước tiên là ngũ giới (Panna sìla) cho người tại gia cư sĩ, đó là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu và các chất say. Ðây không phải là những điều răn của Ðức Phật, phạm vào là mang tội, mà chúng chỉ tiêu biểu cho những lý tưởng tiên khởi của một nếp sống đạo đức mà một người cần phải chấp nhận một cách nhiệt thành, nếu như họ tự gọi mình là một Phật tử. Người ấy không buộc phải hứa với Ðức Phật rằng sẽ không phạm giới mà chỉ tự hứa với bản thân, vì nguyên văn “Pànàtipàtà v.v…” có nghĩa là “con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh” v.v… Ðối với các giới khác cũng vậy. Mỗi người, khi lặp lại những học giới là tự đặt mình trong danh dự sẽ cố gắng hết sức không để phạm giới.

Và nếu họ phạm giới thì sao? Lúc đó, cách sám hối duy nhất mang tính xây dựng là tự mình hứa giữ giới trở lại. Thực vậy, càng sám hối nhiều càng tốt, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, và năm này sang năm khác cho tới khi họ chiến thắng được bản chất thấp hèn của mình mới thôi. Chúng ta phải tự mình vươn đến mục tiêu, tự mình làm cho mình cao thượng và thanh khiết chứ không phải Ðức Phật, không phải chư thiên, không phải bất kỳ đấng Thượng Ðế nào có thể đưa chúng ta đến giải thoát được.

Như vậy, chúng ta thấy việc thực hành lối sống đạo đức chính là cốt lõi và điểm chính yếu của đạo Phật; nhân cách là sản phẩm của những hành động hàng ngày, hàng giờ, có thể nói đó chính là những việc làm từ ái, bố thí và vị tha của chúng ta trong đời sống hàng ngày. Nhờ thực hiện những hành động chân chánh mà chúng ta trở nên chánh trực , và chúng ta xét đoán sức mạnh bằng khả năng hành động của con người. Tương tự như một nhạc sĩ, họ không phải là ngươi chỉ biết yêu thích âm nhạc, mà còn là người có thể biết kết hợp và hoà điệu các thanh âm trong một cách nào đó để đem lại sự thích thú cho người nghe. Cũng vậy, chính cái chất lượng hành động của chúng ta sẽ quyết định phẩm hạnh của chúng ta.

Theo Phật giáo, trong tâm của mỗi chúng sanh hữu tình đều ngầm chứa một tia giác ngộ (trí tuệ). Tuy nhiên, đối với những người bình thường trí tuệ này chưa phát triển thành năng lực của nó bởi sự nhu nhược của tham, sân và si. Mỗi kiếp sống là một chặng đường trong cuộc hành trình tâm linh từ nhỏ đến lớn, từ ít đến nhiều và từ si mê đến giác ngộ. Mỗi người là nhà kiến trúc cho chính số phận của mình, chúng ta sẽ gặt hái trong tương lai, có thể ở kiếp này hoặc kiếp kế, những gì chúng ta đang gieo hôm nay. Vì những năng lực trong quá khứ khiến cho hiện tại chúng ta như thế này, do đó chúng ta cũng có năng lực hiện tại tương đương để tạo cho ta một tương lai hạnh phúc và hữu ích. Ðể đạt đến chiến thắng cuối cùng và tự toàn thiện mình nhất thiết chúng ta phải đánh bại ba kẻ thù lớn bên trong đó là: tham, sân và si. Muốn đánh bại ba kẻ thù này mỗi người chúng ta cần phải sống một cuộc sống rộng lượng, mở rộng lòng thương đến mọi chúng sanh và phát triển tia sáng trí tuệ sao để trở thành năng lực hoàn hảo nhất của nó.

Chỉ khi nào ba kẻ thù này bị đánh bại, chỉ khi nào giành được chiến thắng cuối cùng của sự giải thoát, lúc đó mới không còn chiến tranh, và lúc đó chúng ta mới có một nền hoà bình và hạnh phúc thực sự trường cửu.

-ooOoo-

Bài 3:

ÐẠO PHẬT LÀ GÌ?

Ðạo Phật là gì? Có phải đó là một triết lý, một tôn giáo hay một hệ thống luân lý không?Một cách nghiêm túc mà nói thì đạo Phật không phải là một triết lý, vì nó không bao gồm một hệ thống chi ly các lý thuyết và các sự kiện dành riêng để suy gẫm, mặc dù phải nhìn nhận rằng Ðức Phật đã dự kiến trước rất nhiều những suy đoán hiện nay. Cái được mọi người biết đến như là đạo Phật gồm có ba phương diện, giáo lý hay pháp học (Pariyatti), pháp hành (Patipatti) và chứng đắc hay pháp thành (Pariyatti) cả ba tuỳ thuộc và tương quan lẫn nhau. Phần lý thuyết được lưu giữ trong Tam Tạng kinh điển (Tipitaka), Tam Tạng này chứa đựng những lời dạy của Ðức Phật, được đánh giá là lớn gấp mười một lần cỡ thánh kinh Thiên Chúa. Như từ ngữ tự nó đã hàm chứa; Tam Tạng bao gồm ba Tạng đó là: Tạng Kinh (Sutta pitaka), Tạng Luật (Vinaya pitaka) và Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma pitaka).

Tạng Luật (Vinaya pitaka) được chia ra năm quyển, bàn đến những giới luật và phép tắc điều hành giáo đoàn tăng và ni, đồng thời nó cũng đưa ra lời giải thích chi tiết về cuộc đời và sứ mạng của Ðức Phật. Tạng Kinh bao gồm những bài pháp do Ðức Phật thuyết và trong một vài trường hợp do các vị đệ tử xuất sắc của Ngài là Tôn giả Xá Lợi Phất, Moggalàna (Mục Kiền Liên) và Ànanda (A-nan) v.v… thuyết. Tạng Kinh được chia ra làm 26 quyển và nó khá giống như bộ sưu tập các toa thuốc, vì các bài pháp được đề xuất hay trình bày hợp theo thời điểm và căn cơ của từng cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, Tạng Diệu Pháp được xem là quan trọng nhất và lý thú nhất, bởi vì tạng này trình bày cặn kẽ bốn pháp cùng tột, đó là: Tâm (Citta), Tâm Sở (Cetasika), Sắc Pháp (Rùpa) và Niết Bàn (Nibbàna). Như vậy, chúng ta thấy rằng đạo Phật liên hệ đến sự thực và các sự kiện, đạo Phật không liên quan gì đến những triết lý mơ hồ, nghĩa là những điều có thể được chấp nhận như chân lý ngày hôm nay nhưng cũng có thể bị người ta ném vào sọt rác ngày hôm sau. Thực ra, Ðức Phật không đưa ra giới thiệu với chúng ta những triết thuyết mới mẽ và đáng kinh ngạc gì, Ngài cũng chẳng mạo hiểm sáng tạo ra bất kỳ một loại khoa học vật chất mới nào cả, nói khác hơn Ngài chỉ giải thích cho chúng ta thấy những gì ở bên trong và không xa rời những quan tâm của chúng ta về vấn đề giải thoát, và tối thượng hơn cả, Ngài đã đưa ra một lộ trình giải thoát được xem là độc đáo nhất.

Ðiều cũng cần phải hiểu là Ðức Phật không bao giờ thuyết giảng hết những gì Ngài biết. Một dịp nọ khi đang băng qua một khu rừng, Ðức Phật bốc một nắm lá trong tay và nói với các vị Tỳ Khưu: “Nầy các Tỳ Khưu, những gì Như Lai nói có thể được so sánh với lá trong tay Như Lai, và điều Như Lai không nói tựa như khối lá ở trong rừng vậy”. Vì Ngài chỉ dạy cho chúng ta những điều cần thiết liên quan đến sự giải thoát. Tuy nhiên, vô hình trung, Ngài đã đưa ra những lời tuyên bố mà ngày nay được mọi người đều phải chấp nhận như những sự thật mang tính khoa học.

Phật giáo không phải chỉ đơn thuần lưu giữ trong kinh sách, cũng không phải là một đề tài để mọi người nghiên cứu trên quan điểm văn chương và lịch sử. Ngược lại, Phật giáo cần phải được học hỏi và đem áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, vì nếu không thực sự hành Phật giáo chắc chắn người ta không thể thưởng thức được hương vị của giáo pháp. Trước tiên cần phải nghiên cứu và thực hành, nhưng trên hết vẫn là sự chứng đắc, sự tự chứng, đây mới chính là mục tiêu cùng tột của đạo Phật. Như vậy, đạo Phật có thể được so sánh với chiếc bè, là phương tiện cho mục đích duy nhất thoát khỏi đại dương sanh tử luân hồi; vì thế, một cách nghiêm túc không thể gọi đạo Phật là một triết lý.

Vậy thì đạo Phật có phải là tôn giáo không? Ðạo Phật không phải là một tôn giáo theo nghĩa trong đó từ này thường được mọi người hiểu, vì đạo Phật không phải là một hệ thống của đức tin và thờ phượng, đạo Phật không đòi hỏi sự tin tưởng mù quáng nơi các tín đồ; ở đây, đức tin thuần tuý bị hạ bệ và được thay thế bằng tín (Saddhà), niềm tin dựa trên trí hiểu biết về sự thực. Tín (Saddhà) được người Phật tử đặt nơi Ðức Phật như niềm tin của người bệnh đối với thầy thuốc vậy, hay cũng có thể nói là niềm tin của người học trò đối với thầy của mình. Người Phật tử quy y nơi Ðức Phật bởi vì Ngài là người đã khám phá ra con đường giải thoát. Người bệnh tin dùng phương thuốc mà thầy thuốc đã chẩn đoán và kê toa để được lành bệnh, người học trò học hỏi nghiên cứu những gì thầy của họ giảng dạy để trở thành người hiểu biết thông thái. Cũng tựa như vậy, một người Phật tử có tín tâm sẽ theo những chỉ dẫn của Ðức Phật để đạt đến mục đích giải thoát.

Khởi điểm của đạo Phật là trí hay sự hiểu biết, nói một cách khác, đạo Phật khởi đi từ chánh kiến (Sammàditthi). Ðối với những người đi tìm sự thực (chân lý) Ðức Phật dạy: “Không nên tin điều gì chỉ do đồn đại; không nên tin bất cứ điều gì vì điều đó thuộc về truyền thống hay chỉ vì đó là tập tục lâu đời được truyền xuống qua bao thế hệ; không nên tin vào bất cứ điều gì do người khác nói; không nên tin chỉ vì đó là xác chứng văn bản của một hiền giả xa xưa nào đó trình bày đến ta; không nên tin điều gì bởi vì phong tục nhiều năm khiến ta phải xem nó như sự thực, không nên tin điều gì chỉ vì thẩm quyền của bậc thầy hay giáo sĩ của mình. Theo kinh nghiệm riêng của ta, và sau khi đã thẩm xét đầy đủ, bất luận điều gì hợp với chân lý và đem lại lợi ích cho bản thân cũng như mọi người, các ông hãy chấp nhận đó là sự thực và sống hợp theo điều ấy”.

Như vậy đạo Phật có phải là một hệ thống luân thường đạo lý không? Ðiều hiển nhiên là đạo Phật có bao gồm một hệ thống luân lý tuyệt hảo, được xem là thích ứng cho mọi xứ sở và thời đại, thế nhưng nó vượt hơn hẳn cái luân lý bình thường này. Trong các bản kinh như Singàla sutta (Kinh Thiện Sanh), Mangala sutta (Hạnh Phúc Kinh), Mettà sutta (Từ Bi Kinh) hay Dhammika sutta v.v… nếu đọc một cách cẩn trọng chúng ta sẽ hiểu những chuẩn mực đạo đức cao vời của nó. Tuy nhiên, đạo đức, hay giới (sìla) chỉ là bước khởi đầu của đạo Phật.

Vì vậy, có thể nói đạo Phật không phải là một triết lý, một tôn giáo hay một hệ thống luân lý bình thường, mà đạo Phật chính là giáo lý thực tiễn, một phương tiện giải thoát, hay như trong Pàli thường gọi, đạo Phật là Dhamma (Pháp).

-ooOoo-

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app