Phật Pháp Giảng Giải – Chương Iii – Những Bài Giảng Ðặc Biệt Liên Quan Ðến Ðịnh (samàdhi)

CHƯƠNG III

NHỮNG BÀI GIẢNG ÐẶC BIỆT LIÊN QUAN ÐẾN ÐỊNH (SAMÀDHI)

Bài 16:

CON ÐƯỜNG TRUNG ÐẠO
(THE MIDDLE PATH)

Thánh Ðạo Tám Ngành hay Bát Chánh Ðạo mà Ðức Phật đã thuyết trong bài pháp đầu tiên của Ngài là Trung Ðạo, vì nó không lạc quan cũng chẳng bi quan. Lạc quan có khuynh hướng đánh giá quá cao cuộc sống, trong khi đó bi quan lại có khuynh hướng đánh giá quá thấp; một đằng thì lao vào những thái quá của nhục dục và lạc thú đời thường thấp hèn, thô bỉ và vô bổ. Ngược lại, phía bên kia chủ trương khổ hạnh thái quá cũng không tốt và vô ích, đắm mê trong dục lạc làm cho người ta không phát triển được tinh thần, còn tự hành khổ mình lại làm suy yếu đi phần tri thức. Ðạo lộ chân chánh là con đường trung đạo nằm giữa hai cực đoan này, và giáo lý trung đạo chỉ có thể nắm bắt được bởi một người đã hiểu rõ mối tương quan tương duyên giữa hai cực đoan nêu trên. Tiến bộ chính là biết thay đổi qua lại trọng lực và sự nổi bật giữa hai khuynh hướng. Tuy nhiên, cũng như trọng lực của một kiếm thuật gia dường như luôn được giữ thăng bằng giữa đôi chân của ông ta, ông chỉ tựa trên một chân nào đó trong khoảng thời gian cần thiết đủ để thay đổi trọng tâm, trên lộ trình giải thoát cũng vậy, người hành đạo không nên trú ở một cực đoan nào cả mà phải cố gắng giữ quân bình ở mức trung tâm của nó, từ đó hai đối cực này đựơc quan sát một cách trung thực. Tất cả các cực đoan đều sanh ra những đối cực của nó, và cả hai đều bất lợi như nhau.

Ðối với tất cả mọi người, Trung Ðạo về một cuộc sống hiền thiện trong thế gian này là cách sống tốt đẹp nhất và an toàn nhất. Ðức Phật dạy: “Có hai cực đoan mà người sống đời cao thượng của một Tỳ Khưu không nên hành theo, hai cực đoan đó là gì? Ðó là sống kết hợp với dục vọng thấp hèn, đê tiện, tầm thường, không xứng đáng với bậc Thánh và sống kết hợp với tự hành hạ mình, tự làm khổ mình, không xứng đáng với bậc Thánh và vô ích”. (Samyutta Nikàya V. phẩm Chuyển Pháp Luân). Tránh xa hai cực đoan này Ðức Phật đã đạt đến trí tuệ thấy rõ Trung Ðạo, mà điều này đã làm phát sinh huệ nhãn và huệ trí cũng như hướng đến an tịnh, thắng trí và giác ngộ.

Vậy thì Trung đạo là gì lại khiến phát sinh huệ nhãn? Ðó chính là Bát Chánh Ðạo bao gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh. Hai chi đầu: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tạo thành khởi điểm cho cuộc hành trình của đời sống chân chánh thuộc về nhóm Tuệ. Ba chi kế: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng liên quan đến những điều kiện tu tập bên ngoài thuộc nhóm Giới, và ba chi cuối Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh liên hệ đến các điều kiện tu tập bên trong.

Mục tiêu trước mắt là phải đạt được sự kiểm soát hay chế ngự tâm; với sự chế ngự này mọi tham muốn vị kỷ có thể được và chắc chắn sẽ được nhổ sạch tận gốc và chấm dứt hoàn toàn, cứu cánh tối hậu là đoạn tận mọi hình thức bất toại nguyện và khổ đau qua sự chứng ngộ trí tuệ giải thoát viên mãn.

Bước thứ nhất trên đạo lộ hướng đến cứu cánh giải thoát là Chánh Kiến. Chánh Kiến ở đây liên hệ đến sự hiểu biết rõ ràng về Tứ Ðế, đó là: Khổ Ðế, Tập Ðế, Diệt Ðế và Ðạo Ðế. Vậy gì là khổ? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi, khổ, ưu não là khổ; phải xa lìa những gì mình yêu mến là khổ và không đạt được điều mình mong ước cũng khổ.

Cuộc sống sẽ tràn đầy khổ đau nếu như người ta không biết làm thế nào để sống cho phù hợp với nó. Về phương diện thể chất, sanh, già, chết là điều không thể tránh được, song có một phương diện khác ở đó đời sống luôn luôn sầu muộn. Tuy nhiên đó là một loại sầu muộn hoàn toàn có thể tránh được, người sống cuộc đời bình thường trong thế gian này lúc nào cũng cảm thấy mình bị vướng mắc vào đủ mọi loại phiền não. Nói rằng họ luôn luôn đau khổ thì có vẻ không thực lắm, nhưng phải nói là họ lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng, bất cứ lúc nào họ cũng có thể rơi vào những tình trạng đau khổ hay lo âu thái quá. Lý do của điều này là vì trong lòng họ chất chứa đầy những tham vọng trần tục, dĩ nhiên những điều đó không nhất thiết là xấu, mà chỉ là những tham muốn đối với các pháp thế gian, bởi vì những tham muốn này mà họ bị trói buộc và giam hãm trong ngục tù thế gian, họ luôn luôn gắng sức để đạt cho kỳ được cái mà họ chưa có, nhưng khi đã đạt được rồi họ lại lo sợ rằng sẽ mất nó, điều này là sự thực không phải chỉ đối với vấn đề tiền bạc mà còn cả vơi những vấn đề khác như địa vị, quyền lực và mọi thăng tiến trong xã hội nữa.

Còn có những đối tượng khác của lòng tham muốn, chẳng hạn như một người nam hay một người nữ khao khát được sự trìu mến yêu thương nơi một người nào đó nhưng không được họ đáp lại. Phát xuất từ những tham muốn bất toại nguyện như vậy thường đưa đến vô số những buồn tủi, ghét ghen, thù hận, quý vị có thể cho những tham muốn đó là điều hoàn toàn tự nhiên; hiển nhiên đó là điều hết sức tự nhiên, và nếu sự trìu mến thương yêu đó được đáp trả lại thì thật là vô cùng hạnh phúc nữa là khác. Tuy nhiên, nếu nó không được đáp trả lại thì sao? Người nam hay người nữ ấy phải có một sức chịu đựng mới có thể chấp nhận được tình trạng bẽ bàng này, và không để cho lòng tham muốn bất toại nguyện đó gây nên đau khổ. Khi chúng ta nói một vấn đề nào đó là tự nhiên, nghĩa là chúng ta muốn nói rằng đó là một việc mà chúng ta có thể trông đợi (sẽ xảy ra) đối với một người trung bình. Nhưng là một Phật tử, chúng ta phải cố gắng vươn lên trên cái mức trung bình ấy, nếu không làm sao chúng ta có thể giúp cho mọi người được? Chúng ta phải ở trên mức ấy thì khả dĩ chúng ta mới có thể mở rộng vòng tay giúp đỡ mọi người.

Chân đế thứ hai là nguyên nhân của khổ. Chúng ta đã thấy ra rằng nguyên nhân gây ra đau khổ luôn luôn là vì muốn được sở hữu và khát khao muốn giữ mãi những gì mình đã có. Ðức Phật dạy rằng cái khuynh hướng muốn sở hữu của con người là kẻ thù tệ hại nhất của họ, vì lòng tham muốn tích luỹ này đã tước đi của họ lý trí và khả năng hiểu biết, dính mắc vào một vật là phải buồn khi mất nó, ghét hay thù hận một cái gì là sẽ mất vui khi phải gần nó. Tham đắm vị kỷ đối với các đối tượng vật chất thế gian đưa đến hậu quả là phải hy sinh kho báu tinh thần để giành được cái mình mong muốn, mà vật ấy có thể lại ít giá trị hơn là khác. Vì thế tham muốn ích kỷ đã huỷ diệt khả năng phán đoán về giá trị, vì lòng tham này đặt sở hữu thế gian lên trên trí tuệ, và lợi ích cá nhân trên đạo lý.

Khi tuổi già ập đến, một số người tỏ vẻ buồn bực vì họ thấy là mình không còn khoẻ mạnh như trước kia nữa. Cần phải hiểu được tấm thân này đã hoàn tất tốt phận sự của nó mới thực sự là thái độ của người có trí, và nếu nó không còn làm được nhiều việc như trước đây, chúng ta sẽ làm những gì có thể làm được một cách nhẹ nhàng và an lạc, nhưng đừng tự làm khổ mình về những đổi thay vô thường đó, không bao lâu chúng ta sẽ có những cái thân mới, và cách để bảo đảm sẽ được một tấm thân tốt đẹp như ý là chúng ta phải tận dụng hết khả năng của mình để làm mọi điều thiện với tấm thân cũ này. Tuy nhiên trong bất kỳ trường hợp nào cũng cần phải bình thản, an tịnh và không bối rối, muốn làm được điều này nhất thiết chúng ta phải dừng lại mọi tham muốn, vị kỷ, đồng thời hướng tâm vị tha đến mọi người, giúp cho tha nhân với hết khả năng của mình.

Chân đế thứ ba là sự diệt khổ. Chúng ta đã biết làm thế nào để khổ đau dừng lại và làm thế nào để đạt đến an lạc; bằng cách luôn luôn hướng tâm đến những điều cao thượng. Chúng ta có thể sống trong thế gian này hoàn toàn hạnh phúc, nếu như chúng ta không để cho cái tham muốn điên rồ của mình dính mắc vào nó; chúng ta sống trong cuộc đời nhưng không bị cuộc đời trói buộc, ít ra cũng không đến mức bị cuộc đời gây cho ta lo lắng, phiền muộn và khổ đau. Hiển nhiên phận sự của chúng ta là để giúp đỡ mọi người trong những lúc họ khổ đau, phiền muộn, thế nhưng, để làm được điều này một cách hiểu quả, bản thân chúng ta phải đoạn tuyệt những tham muốn ích kỷ của mình. Nếu ta sống trong cuộc đời với triết lý như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ thấy rằng mọi sầu khổ trong ta hầu như đã hoàn toàn dừng lại. Hẳn sẽ có một số người cho rằng thái độ sống như vậy là một điều không thể đạt đến nổi. Không hẳn như vậy, chúng ta có thể vươn đến đến nó và chắc chắn sẽ làm được điều này, bởi vì chỉ khi chúng ta có được thái độ sống như vậy chúng ta mới thực sự có thể giúp cho tha nhân một cách hiệu quả.

NIẾT BÀN

Sự diệt tận tham ái hay tham muốn ích kỷ có nghĩa là sự thủ tiêu năm triền cái, vì tất cả mọi bất thiện pháp khác tự thân chúng cũng nằm trong một yếu tố căn để này; kết quả của sự diệt tận tham ái này được gọi là Niết Bàn. Từ Pàli “Nibbàna” được lập thành bởi “Ni” “Vàna”. “Ni” là một phân từ phủ định và “Vàna” có nghĩa là tham ái hay tham muốn ích kỷ. Vì vậy, Nibbàna nghĩa đen của nó là sự vắng mặt tham ái. Từ này còn được định nghĩa như là sự diệt tận dục tham, sân hận và si mê.

Phần lớn sự giải thích mang tính tiêu cực về cứu cánh tối hậu của đạo Phật, Niết Bàn, là do hậu quả của quan niệm sai lầm cho đó là “rỗng không” hay “sự huỷ diệt”. Tuy nhiên, chúng ta còn tìm thấy trong kinh điển những định nghĩa rất tích cực về Niết Bàn như “nơi nương tựa tối thượng” (Paràyama), nơi “an toàn” (Tana), “nơi độc nhất” (Kevala), “thanh tịnh tuyệt đối” (Visuddhi), “siêu thế” (Lokuttara), “giải thoát” (Mutti), “an lạc” (Santi) v.v… Trong hệ Sanskrit ngữ căn “và” nghĩa là “thổi” và tiếp đầu ngữ “nir” được dùng để biểu thọ cho “tắt”, nó có thể được so sánh với tiếp đầu ngữ “ex” của La Tinh. Vì vậy, Nivàna trong hình thức Sanskrit của nó có nghĩa là “thổi tắt”. Cái được thổi tắt ở đây cần phải hiểu là ngọn lửa tham dục của con người.

Vì vậy, Niết Bàn không phải là tiêu cực vì chính nó đang thổi tắt cái khuynh hướng tiêu cực của con người. Niết Bàn là sự giải thoát, nhưng không phải là giải thoát khỏi cuộc đời mà thoát khỏi những trói buộc do chính chúng ta tự buộc mình vào những hoàn cảnh của cuộc đời đó. Ai là người có đủ sức mạnh để tuyên bố “bất cứ điều gì xảy đến, tôi sẽ chấp nhận với hết khả năng của mình” người ấy thực sự được tự tại, bởi vì hiện tại anh ta đang sống trong tiến trình tiến hoá tinh thần của chính mình, không phải trong những lạc thú cá nhân, và anh ta có thể tận dụng mọi thứ cho mục đích tấn hoá đó.

Tự tại giải thoát không có nghĩa là người ta có thể làm mọi thứ mà họ nghĩ, hay người ta có thể hạ gục một con sư tử với một cái bớp tai. Nếu hiểu một cách đúng đắn thì tự do giải thoát không dung chứa những ý niệm hung hăng như vậy. Một số người có thể cho rằng tự do ý chí phải có nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn, thế nhưng, họ đã quên một điều là ngay chính những ước muốn đó đã hạn chế tự do của họ. Tự do nghĩa là người ta không còn bị người nào hay điều gì bắt buộc họ phải làm nô lệ. Một con người tự tại là người có thể sử dụng bất kỳ người nào hay vật gì như là một điều hữu ích. Tuy nhiên, chẳng ai có thể dùng người này như nô lệ của họ, bởi vì con người ấy đã thoát khỏi mọi tham muốn giận hờn, thù hận, ngã mạn, sợ hãi và bồn chồn dao động, những thứ phát sinh từ lòng tham vị kỷ. Những cảm xúc mù quáng như thế đã bị thổi tắt giống như người ta thổi tắt tất cả mọi ngọn nến vậy. Con người ấy thực sự tự tại trong thế gian này, đã đạt đến Niết Bàn trong cuộc đời này.

Chân đế thứ tư là con đường dẫn đến sự diệt tận khổ đau, đó chính là Trung Ðạo, là Bát Chánh Ðạo. Như vậy con đường tốt nhất dẫn đến đoạn tận khổ là Trung Ðạo. Giờ đây, chúng ta tiếp tục bàn đến những bước khác của đạo lộ.

Bước thứ hai là Chánh Tư Duy. Chúng ta phải tư duy đến các thiện pháp và không nên suy nghĩ đến các điều tà vạy. Chúng ta phải luôn luôn hướng tâm đến những ý tưởng cao thượng và tốt đẹp. Chánh tư duy phải bảo đảm không để dính mắc một ý niệm bất thiện nào trong đó; có một số người không hề cố ý tư duy đến những điều bất thiện hay xấu xa, tuy thế họ vẫn còn ôm ấp những tư tưởng gần kề như vậy – không xác định là bất thiện nhưng chắc chắn cũng hơi khả nghi. Ở đâu có điều gì dường như hơi khả nghi hay bất chánh khởi lên, ở đó cần phải dập tắt liền.

Chúng ta phải hoàn toàn chắc chắn là những tư duy của mình chỉ là những tư duy chân chánh và hiền thiện mà thôi. Chánh Tư Duy còn có một ý nghĩa khác nữa, đó là tư duy đúng đắn. Chúng ta thường suy nghĩ một cách sai lầm hay không trung thực về mọi người chỉ vì thành kiến hay si mê của mình với họ. Chúng ta thường có quan niệm cho rằng một người nào đó là người xấu, và vì thế mọi điều y làm chắc chắn phải là điều ác. Chúng ta gán cho họ những động cơ mà thường thì những động lực này hoàn toàn không có căn cứ nào cả, khi làm như vậy vô tình chúng ta đã suy nghĩ không trung thực về họ, do vậy tư duy của chúng ta không phải là tư duy chân chánh. Chúng ta chỉ nhìn vào một khía cạnh của người đó mà không để ý đến phương diện khác của họ.

Do có định kiến xấu về một người thay vì nghĩ tốt về họ, chúng ta đã vô tình làm gia tăng thêm cường độ và khuyến khích điều xấu đó. Ngược lại, nhờ tư duy chân chánh chúng ta cũng có thể tạo được sự khích lệ như thế cho khía cạnh tốt của họ phát triển.

Bước thứ ba là Chánh Ngữ, ở đây một lần nữa chúng ta phải luôn luôn nói về những điều thiện, hợp với chân lý. Công việc của chúng ta không phải để nói về những hành vi xấu của người khác, trong phần lớn các trường hợp thì những chuyện về người khác mà chúng ta nghe được là hoàn toàn không trung thực, cho dù chuyện đó có thực chăng nữa thì vẫn là điều sai lầm nếu chúng ta lặp lại nó. Trong một gia đình, nếu người chồng hay vợ, con cái hoặc anh em trong nhà có làm điều gì không đúng, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy rằng thật là sai lầm nếu đem phô trương điều không hay của những người mà mình thương mến đó cho thiên hạ biết, và chưa hẳn họ đã muốn nghe nữa là khác, chúng ta phải nói với lòng kính trọng đối với mọi người như điều mà ta mong rằng họ sẽ nói về ta như vậy. Một số người tự để cho mình rơi vào sự cường điệu và không trung thực quá mức, trong khi những chuyện quan trọng họ lại xem nhẹ; chắc chắn đó cũng không phải là Chánh Ngữ, người ta cũng có quan niệm cho rằng khi gặp bạn bè thì lúc nào cũng phải nói, nếu không họ sẽ cảm thấy bị tổn thương, với cái quan niệm ra vẻ khôn ngoan đó, họ liến thoắng kéo dài câu chuyện nửa đùa nửa châm chọc và hẳn là họ luôn luôn phô trương mọi thứ trong cái thái độ khôi hài lố lịch của mình, tất nhiên tất cả những lời nói như vậy đều được xếp vào lời nói hý luận hay lời nói vô ích. Nếu phải nói ít ra chúng ta cũng nên nói một điều gì hữu ích và hữu dụng. Ngôn từ cần phải nhã nhặn, trực tiếp, mang tính thuyết phục chứ đừng vớ vẩn lung tung.

Bước thứ tư là Chánh Nghiệp, ngay lập tức chúng ta nhận ra tại sao ba bước này nhất thiết phải tiếp nối theo nhau. Nếu chúng ta luôn nghĩ đến những điều thiện thì chắc chắn chúng ta sẽ không nói những điều ác; nếu tư duy và lời nói của chúng ta đã thiện thì hành động tiếp theo cũng sẽ phải là hành động thiện; hành động cần phải kịp thời. Tuy nhiên, có cân nhắc kỹ lưỡng và nhất là không hẹp hòi, ích kỷ, chúng ta sẽ làm những gì có thể làm được để giúp đỡ mọi người, chúng ta không chỉ sống một mình mà sống giữa mọi người. Do đó, bất cứ điều gì chúng ta nghĩ hoặc nói hay làm nhất thiết sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nguời, chúng ta phải nhớ rằng tư duy, lời nói và việc làm của chúng ta không phải chỉ là những phẩm hạnh thôi, mà nó còn là những sức mạnh, tất cả đều là phương tiện được dùng để phục vụ, và nếu dùng nó khác đi là chúng ta đã làm hỏng phận sự của mình.

Bước thứ năm là Chánh Mạng (nghề nghiệp chân chánh) đây là một vấn đề có thể đụng chạm đến phần lớn mọi người trong chúng ta, cách sinh nhai chân chánh là cách sinh nhai không gây tổn hại đến chúng sanh khác, điều này ảnh hưởng đến những việc buôn bán của những người hàng thịt hoặc hàng cá; tuy nhiên nó còn đi xa hơn thế nữa. Chúng ta không nên nuôi sống bản thân mình bằêng cách làm hại chúng sanh khác; vì vậy chúng ta có thể thấy rằng việc bán rượu cũng không phải là phương tiện sinh nhai chân chánh, bởi vì người bán rượu sống nhờ vào sự tai hại mà họ gây ra cho người khác. Quan niệm về chánh mạng này vẫn còn đi xa hơn nữa, lấy trường hợp của một thương gia, trong quá trình mua bán của ông ta dĩ nhiên là không chân chánh, đó cũng không phải là phương tiện sống chân chánh, vì việc buôn bán của họ không công bằng và có tính cách lừa dối mọi người. Khi chúng ta tín nhiệm một vị bác sĩ hay luật sư nghĩa là chúng ta hy vọng họ sẽ đối xử với ta một cách công bằng. Cũng như vậy, người mua hàng đi đến người bán cũng mong sao họ đối xử ân cần và sòng phẳng với mình, chính vì vậy mà người thương nhân cần phải lương thiện với khách hàng như ông bác sĩ với bệnh nhân và luật sư với thân chủ của mình vậy. Chúng ta có quyền kiếm lời một cách hợp lý trong quá trình mặc cả, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý đến phận sự của mình.

Bước thứ sáu là Chánh Tinh Tấn, đây là một bước vô cùng quan trọng. Chúng ta không nên thoả mãn với cái thiện có tính tiêu cực. Vấn đề được mong đợi ở chúng ta không phải chỉ đơn thuần tiết chế hay tránh làm điều ác, mà phải là hành động thiện mang tính tích cực. Khi Ðức Phật đưa ra lời giáo huấn ngắn gọn trong bài kệ, Ngài mở đầu bằng câu “không làm các việc ác” thế nhưng câu kế tiếp Ngài nói: “Hãy làm các điều thiện”. Mỗi người chúng ta có một sức mạnh, không phải chỉ ở thể xác, mà còn ở tinh thần, sức mạnh này có thể thực hiện một số công việc nào đó. Mỗi chúng ta cũng có một số ảnh hưởng nào đó giữa những bạn bè và quyến thuộc của mình. Ảnh hưởng đó có nghĩa là sức mạnh và chúng ta có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn sức mạnh này sao cho thật xứng đáng. Chung quanh chúng ta là con cái, thân quyến, kẻ ăn, người làm, và tác động trên những người này chúng ta có một số ảnh hưởng nhất định, ít nhất cũng bằng sự gương mẫu của mình. Do đó, chúng ta phải rất thận trọng đối với những gì chúng ta nói hoặc làm, vì mọi người sẽ bắt chước theo chúng ta.

Bước thứ bảy là Chánh Niệm, sự chú tâm cẩn mật này dẫn chúng ta đến cái thấy đúng đắn và đạt đến chánh tri kiến. Từ đó, chúng ta thấy vượt qua những cặp đối đãi (tốt – xấu, thiện – ác..v.v…). Người không thực hành chánh niệm chẳng khác nào món đồ chơi của những ảnh hưởng phức tạp mà họ va chạm trong cuộc sống; họ như cái nút bấc nổi trôi mặc cho sóng nước dập vùi. Họ phục tùng một cách vô ý thức cho những đòi hỏi của thế xác và môi trường tâm linh của họ.

Chúng ta cần phải ý thức (chú niệm) đối với những hoạt động của mình, cả ở thân lẫn tâm, không để cho những gì diễn ra bên trong chúng ta thoát khỏi mà không kịp ghi nhận. Chúng ta cũng phải ý thức được các cảm thọ khi nó sanh khởi và hiểu rõ nó. Một khi khả năng ghi nhận này tăng cao và khi người ta đã tiến đến mức, ở đây không một hiện tượng nào sanh khởi bị bỏ sót. Lúc đó, chúng ta tiếp tục quan sát để tìm ra nguyên nhân sanh khởi của các hiện tượng. Khi sân hận phát sinh, chúng ta biết rõ mình đang sân và thấy ra nguyên nhân của nó, đồng thời dự đoán trước hậu quả của nó. Bằng cách này chúng ta sẽ kiểm soát được mọi cảm thọ, đố kỵ, dục vọng và âu lo..v.v.. . của mình. Nếu có làm một hành động thiện, chúng ta cũng sẽ tự hỏi mình xem vì động cơ gì mà làm. Kết quả của việc tự vấn này thường có một ảnh hưởng mạnh mẽ để giảm thiểu hoá bản chất ích kỷ của chúng ta.

Việc thực hành chú niệm hoàn hảo là một phương tiện để tự tri và để hiểu rõ cái thế giới chúng ta đang sống, kết quả sẽ đưa đến chánh tư duy.

Pháp hành khác trong lãnh vực chánh niệm này là luyện tập ký ức, chẳêng hạn cuối mỗi ngày chúng ta hồi tưởng lại những việc mình đã thực hiện, những cảm thọ mình đã trải qua, những tư tưởng mình đã ấp ủ. Việc làm này được tiến hành ngược lại, có nghĩa là chúng ta bắt đầu hồi tưởng đến ý nghĩ cuối cùng mà mình đã ấp ủ trong ngày hôm đó, cứ như thế chúng ta trở lui lại cho đến khoảnh khắc đầu tiên sau khi thức dậy. Mục đích của việc luyện tập này đơn giản dạy cho chúng ta không cho phép những gì mà ngũ quan của mình đã tiếp nhận, hoặc những ý niệm thoáng qua tâm chúng ta bị mờ nhạt đi; pháp hành này khi đã phát triển đúng mức sẽ đem lại kết quả giúp ta đạt đến Túc Mệnh Minh (trí nhớ được các kiếp sống đã qua).

Bước thứ tám là Chánh Ðịnh, đây chính là sự tập trung chân chánh trên một đối tượng. Thiền chỉ được thực hành sau khi có sự tập trung này. Trong thiền định chúng ta khởi sự với những đề mục đơn giản, và trong thiền quán chúng ta đưa cái ý niệm rõ ràng về đề mục đơn giản đó lên cấp độ tâm và trí cao hơn. Ðể rõ ràng hơn về điều này, chúng ta hãy tưởng tượng một người nào đó đang đổ nước từ trên vào một cái thùng, nếu cái thùng đó bị lủng lỗ hai bên hông và dưới đáy nước sẽ tuôn ra ngoài; nhưng nếu những lỗ thủng này được bịt lại, nước sẽ dâng lên. Ða số chúng ta đều giống như cái thùng đầy lổ thủng và sẵn sàng rò chảy này, vì thế chúng ta không thể tập trung tư tưởng của mình lại được. Thiền cũng như đổ nước, tập trung (Ðịnh) cũng như bịt lại các lỗ thủng. Sự tập trung hay định này giúp cho tâm chúng ta kiên cố, không bị rò chảy và thiền đổ vào đó với tri kiến rõ ràng và trí tuệ. Nhờ thiền trên một đối tượng chọn sẵn, chúng ta sẽ quan sát đối tượng đó một cách rõ ràng và hiểu được chức năng của nó trong sự liên hệ với các điều khác, vì thế cho nên nhờ hành thiền mà chúng ta mở rộng được tri kiến và trí tuệ.

Khi việc hành thiền của chúng ta đã phát triển đầy đủ nó sẽ mở lối cho trí tuệ trực giác và những năng lực siêu phàm khác, những năng lực này có thể được chứng nghiệm ngay trước khi chúng ta đạt đến trạng thái Niết Bàn. Về một phương diện nào đó thì thực sự đây là những năng lực huyền bí, vì chúng rất khó hiểu đối với những người chưa phát triển tâm họ theo cách này. Mặt khác, những năng lực này hoàn toàn không có gì huyền bí, vì nó rất dễ hiểu đối với những người đã thực hành chánh định một cách tích cực và chân thành. Thực ra, chúng chỉ là hình thức mở rộng của những năng lực người ta sử dụng trong đời thường. Vào lúc những năng lực này phát triển chúng ta có thể thấy những điều mà trước đây chúng ta không thể thấy, và vì tâm của chúng ta rất thanh tịnh, giống như một gương mặt bóng láng có thể phản chiếu mọi vật xuất hiện trước nó. Nếu mặt gương không sạch, chúng ta chẳng thấy được gì trong đó,cũng vậy, không có thiền tâm chúng ta và những tư duy của chúng ta có thể bị pha lẫn với tham, sân, si. Tuy nhiên khi chúng ta đã được tịnh hoá và pháp triển bằng thiền pháp, chúng ta sẽ thấy được thực tướng của các pháp và trí tuệ của chúng ta sẽ chói sáng từ đó.

-ooOoo-

Bài 17:

TÂM TỪ TRONG ÐẠO PHẬT

Tâm từ (Mettà) là một nhu cầu cấp thiết của thế giới ngày nay. Thực vậy, nó là một đòi hỏi to lớn hơn bao giờ hết từ trước đến nay. Như chúng ta biết, thế giới hiện nay đã có đủ vật chất và tiền bạc, chúng ta cũng biết rằng hiện nay có rất nhiều nhà trí thức cấp tiến, các nhà văn, triết gia, tâm lý gia, khoa học gia lỗi lạc. Ngoài ra, chúng ta còn có các nhà hoạt động tôn giáo, các vị đứng đầu về luật pháp, đạo đức và tôn giáo v.v…. Mặc dù, có những con người tài hoa xuất chúng như vậy, nhưng thế gian này vẫn không sao có được một nền hoà bình và hạnh phúc thực sự. Ðiều đó chứng tỏ rằng còn có một cái gì đó chúng ta đang thiếu. Cái chúng ta đang thiếu đó là Mettà (tâm từ).

Mettà là một từ Pàli đã được người ta dịch sang Anh ngữ là “Love” (tình thương). Khi bạn dùng từ “Love” bạn đã có những ý niệm hoàn toàn khác trong sự giải thích từ này, và dĩ nhiên là bạn có thể muốn nói đến những gì đó khác hơn, bởi vì đó là một từ đã bị sử dụng một cách lỏng lẻo và trong một vài trường hợp nó còn bị lạm dụng hay dùng sai cả ý nghĩa. Chính vì thế khi bạn nói về tình thương (Love), người ta sẽ có một ý niệm khác. Vì vậy chúng ta dùng từ Pàli “Mettà” để nói về lòng từ – không phải là loại tình thương uỷ mị theo xúc cảm, nhục dục và thường tình. Như mọi người biết, từ “tình thương” (Love) đã được định nghĩa rất nhiều cách trong Anh ngữ, tuỳ theo quan niệm trong tâm của mỗi người thuộc các tôn giáo khác nhau.

Chẳng hạn, trong một cuốn sách nhỏ vừa mới xuất bản mang tựa đề “Love” (tình thương) mà một người bạn đã tặng cho bần tăng để nghiên cứu, và nhân đây bần tăng cũng muốn phê bình một chút về cuốn sách này. Về các quan niệm đặc biệt khác trong cuốn sách bần tăng sẽ không đề cập đến, mà chỉ muốn trình bày cho quý vị thấy rõ nó khác biệt như thế nào so với Mettà – một định nghĩa mà từ “Love” (tình thương) có thể đã dùng. Tác giả cuốn sách là giáo sư của một bộ môn tín ngưỡng hữu thần nào đó rất đáng kính. Theo định nghĩa của ông về “Mettà”, ở đây ông lại dùng từ Pàli của đạo Phật “Tình thương (Love) là Thượng Ðế, tình thương tự nó phát ra trong bất kỳ sự sáng tạo nào của Thượng Ðế và con người là tối thượng” (Love is God. Love emanates itself in any of the creations of god. Man is fore most). Bần tăng xin phép được trích đọc một đoạn nói về “tình thương” đối với loài vật trong cuốn sách này: “Con người đòi hỏi phải có sinh lực, sức mạnh và sinh sôi nảy nở để phục vụ Thượng Ðế… để bảo vệ con người và các loài khác cũng như để kiểm soát thế gian này một cách hiệu quả. Muốn được khoẻ mạnh và có năng lực con người cần phải ăn nhưng thực phẩm bổ dưỡng và vì lý do này mà Thượng Ðế đã chỉ thị cho con người giết và ăn thịt.. .bò, lạc đà. Con người không được phép giết các loài thú hoang… Nếu không, chính họ sẽ trở nên hoang dã theo tiến trình thời gian. Vì thịt của những loài gia súc được con người ăn, cái chất thiện của chúng sẽ hoà nhập với linh hồn con người và như vậy (nguyên văn) nó sẽ gián tiếp được lên thiêng đàng. Cái giá trị này đã được con người chuyển hoá cho nó – một hành động đầy bi mẫn mà con người biểu lộ với loài vật. Trong cuộc sống, việc làm như vậy không tội lỗi gì cả”.

Không hề có ý bất kính đối với tác giả, sở dĩ bần Tăng đọc cho mọi người nghe đoạn văn này vì chỉ để tìm sự so sánh. Tác giả đã đặt Mettà (tâm từ) ngang hàng với Love (tình thương) theo quan niệm của ông. Ðối với người Phật tử chúng ta thì cách nhìn sự vật như vậy khá ngộ nghĩnh. Ý niệm về tâm từ của đạo Phật là như thế nào? Mettà đã được các nhà phiên dịch ngày nay dịch sang tiếng Anh là “có khuynh hướng rộng lượng, từ ái, ban rải tình thương đến tha nhân”. Tuy nhiên, theo lời dạy của Ðức Phật mettà mang một ý nghĩa sâu xa hơn – một sự bao hàm rộng lớn hơn so với định nghĩa này rất nhiều. Tâm từ có ý nghĩa nhiều hơn là nhân ái, vô hại (Ahimïsa) lòng trắc ẩn. Ở đây cũng nên đề cập thêm một điểm nữa là: theo Thánh Kinh Thiên Chúa “thiện tâm” (good will) được xem là rất tốt. Thế nhưng chúng ta nhớ bức thông điệp thiện tâm mà các thiên thần truyền rao khi Chúa Con giáng sinh. Thánh kinh nói, các thiên thần đã truyền rao Bức Thông Ðiệp Thiện Tâm cho thế gian “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Peace on earth to men of good will). Khi đọc kỹ bức thông điệp này chúng ta nhận ra rằng các Thiên Thần đem sự bình an đến trần thế chỉ cho những người có thiện tâm thôi, chứ không phải cho tất cả mọi người.

Ðối với đạo Phật, Mettà (tâm từ) được nhấn mạnh, nó mang ý nghĩa sâu xa hơn là thiện tâm. Cũng như sự Vô Hại là nguyên tắc đạo đức vô cùng to lớn và rất tốt, thế nhưng nó chỉ là phương diện tiêu cực. Theo lời dạy của Ðức Phật thì Tâm Từ có hai phương diện. Một là tiêu cực, đó là vô sân (Adosa) theo giải thích trong Vi Diệu Pháp; đây cũng là một sự giải thích về Mettà nhưng trên phương diện thụ động, nó mang ý nghĩa “vắng mặt sân hận và thù nghịch”. Mặc dù vắng mặt sân hận là một điều rất quý, thế nhưng nó không đủ tốt nếu không nhấn mạnh đến khía cạnh tích cực của nó – đó là từ ái; không làm điều ác là tốt nhưng đó chỉ là mặt thụ động – hành thiện là mặt tích cực. Tâm từ (Mettà) cũng có phương diện tích cực và năng động của nó vậy.

Tình thương (Love) là gì? Tình thương này cũng đã được tự điển Oxford định nghĩa. Theo Oxford thì Love có nghĩa “sự trìu mến nồng nàn, luyến ái, nhiệt tâm có tính trìu mến v.v…” những từ này được xem là đồng nghĩa với tình thương và chúng hoàn toàn liên quan đến thứ tình cảm thế gian uỷ mỵ. Vì vậy, Mettà không có từ tương đương hoàn chỉnh trong Anh ngữ bởi vì Mettà (tâm từ) mang ý nghĩa cao cả hơn sự trìu mến thông tục – tức sự trìu mến nồng nàn. Chữ Pàli Mettà dịch nghĩa đen là: “tình thân hữu” (Friendliness) – cũng là một loại tình thương nhưng không có ước muốn chiếm hữu mà chỉ ước mong giúp đỡ, hy sinh lợi ích cá nhân cho sự thịnh vượng và hạnh phúc chung của nhân loại. Tình thương này không mang tính chọn lựa hay loại trừ nào cả. Nếu bạn chọn một số người tốt và loại trừ một số người khó ưa, như vậy là bạn đã không nắm bắt rõ ý nghĩa của Mettà (tâm từ) này. Tâm từ không phải là một cảm tình huynh đệ, mà là một nguyên tắc đạo đức cho chúng ta thực hành. Nó cũng không chỉ đơn thuần là ý tưởng quảng đại mà là những việc làm thể hiện lòng nhân từ, là một sứ mạng tích cực vì lợi ích của một người và mọi người. Một đề tài – không phải để nói suông về mà phải sống với – áp dụng nó trong cuộc sống của chúng ta – làm cho nó thấm nhuần trong bản thân chúng ta. Chỉ khi đó, một nguồn sinh lực mới thấm nhuần đến mọi chúng sinh, không loại trừ bất cứ ai, với những tư duy sáng tạo và năng động của tâm từ, một khi những tư duy này có đủ cường độ, tự động chánh hạnh sẽ theo sau.

Người ta thường đưa ra những ý niệm để phản bác lại những quan niệm khác. Người Phật tử chúng ta không cần đến những quan niệm mới, vì chúng ta đã có quá đủ trong giáo huấn của Ðức Phật. Phát xuấât từ Tứ Vô Lượng Tâm (Bràhma Vihàra) Mettà (tâm từ) này là một trong bốn phạm trú đó, đủ khả năng để sáng tạo những điều cao thượng, những điều kỳ diệu, để kiến tạo an lạc và hạnh phúc ngay trong cuộc sống gia đình, xã hội và cả thế gian này. Mettà – lòng từ trong sạch – bao hàm hết thảy chúng sinh ở khắp mọi nơi, hoặc trên đất liền, trên bầu trời hay trên thiên giới. Nó cũng bao trùm mọi chúng sanh không phân biệt cao hay thấp; bởi vì người nghèo, người hạ tiện, người ác, người ngu dốt là những người cần đến tâm từ này nhất. Vì trong lòng họ tâm từ đã khô héo vì thiếu tình thương ấm áp và tình thân thiện – Tâm từ này hợp với họ như dòng suối yếu ớt chảy vào bãi sa mạc cằn khô. Lòng từ này bao trùm cả người mình thương hay không thương, người tốt hay xấu, tất cả đều được chia sẻ như nhau cả.

Bạn có thể hỏi: “Chúng ta phải thương cả những người ngu ngốc luôn sao?” – thật là điên rồ! Ðó là một câu hỏi rất phổ biến, được hỏi tại những nước Tây phương “Chúng ta phải có lòng từ với rắn rít sao?” phụ nữ Châu Âu cũng đặt vấn đề “Chúng ta phải có lòng từ cả với chuột nữa sao?” vì họ không thích loài chuột. Dù thế nào chăng nữa chúng ta cũng không nên ghét bỏ một người nào cả, cũng như vị bác sĩ không bao giờ ghét bệnh nhân, mà phận sự của ông ta là để chặn đứng, để loại trừ căn bệnh mà người bệnh đang phải đau đớn vì nó. Một lương y có phận sự chữa trị cho con người, không kể người đó là ai; lòng từ cũng vậy, phải bao trùm mọi chúng sanh không phân biệt. Mettà hoàn toàn khác hẳn với sự thèm khát nhục dục mà thế giới ngày nay đã xem nó như là tình thương (Love), cũng như nó đã được ngưỡng mộ và nói đến như một loại cảm xúc trong tình thương. Tâm từ này cao cả hơn rất nhiều; thực sự như vậy, nó là một hình thức tột đỉnh của tình thương. Nó vượt hẳn cái loại tình thương đầy dục tính và uỷ mị.

Về hình thức bề ngoài thì tình thương uỷ mị xem ra rất ngọt ngào, tuy nhiên nó chẳng khác nào ngọn lửa – thực sự nó còn tồi tệ hơn lửa nữa. Một khi nó sinh ra, nó phát triển rất nhanh, có lúc nó ngọt ngào như những bông hoa và rồi có lúc nó lại đốt cháy, thiêu rụi người sở hữu nó, để lại những vết thương lòng và những vết hằn vô cùng xấu xí. Ðó là lý do tại sao ở Miến Ðiện người ta thường nói “Achitkyi, amyetky” (thương nhau lắm thì cắn nhau đau), bạn càng giàu tình cảm, bạn càng nhiều thù hận và khổ đau; bởi vì tình cảm cũng giống như ngọn lửa, rất dễ đốt cháy mọi thứ. Ngược lại, Tâm Từ (Mettà) có một ảnh hưởng mát mẻ giống như sự xúc chạm mềm mại của một bàn tay dịu dàng – mềm mại nhưng rất kiên quyết khôngđổi thay lòng trắc ẩn của nó. Chính vì vậy mà Tâm Từ chỉ tạo ra một bầu không khí an lạc và dễ chịu mà thôi. Khổ đau vì những người mình thương mến không phải là dấu hiệu của lòng từ này. Mettà là sức mạnh, vì nó là một loại tâm từ thuần khiết và tạo ra sức mạnh, chứ không phải là sự yếu đuối, uỷ mị.

Bần Tăng xin được đọc, không phải bằng Pàli mà là một đoạn dịch từ kinh Từ Bi (Mettà sutta), một bài kinh rất có giá trị mà chúng ta thường nghe chư tăng tụng bằng tiếng Pàli trong hầu hết các dịp lễ.

Ðoạn kinh này đưa ra một điển hình cho chúng ta thấy Tâm Từ thực sự là gì. Tuy đây không phải là một thí dụ hoàn chỉnh, nhưng vì muốn cụ thể hoá cho mọi người dễ cảm nhận nên Ðức Phật đã chọn tình thương của một bà mẹ. Trong kinh Từ Bi ngài dạy:

“Ví như người mẹ hiền,
Suốt đời lo che chở
Ðứa con một của mình
Hãy phát tâm vô lượng
Cùng tất cả sinh linh
Từ bi gieo cùng khắp
Cả thế gian khổ hải
Trên dưới và quanh mình
Không hẹp hòi oan trái
Không hờn giận oán thù
Khi đi, đứng, nằm, ngồi
Bao giờ còn thức tỉnh
Giữ niệm từ bi này
Thân tâm thường thanh tịnh
Phạm hạnh chính là đây…… ” (V.M dịch)
.

Ðây là mẫu mực Ðức Phật đã chống đỡ thế gian này. Nó chính là lý tưởng sống mà con người cần thể hiện đối với con người – nghĩa là phải giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ gánh nặng cho nhau. Ðây cũng là lời kêu gọi thức tỉnh mọi con tim, là sự phục vụ đối vơi mọi người bằng hình thức tình thương của bà mẹ. Phải chăng người mẹ chỉ toả rạng tình thương của mình trong việc nuôi dưỡng con cái không thôi? Liệu có người nào có thể bộc lộ được tình thương bất tử như của bà mẹ đối với con mình, tình thương mà bà luôn luôn nuôi dưỡng trong lòng này không? Nếu bạn suy gẫm về tình mẫu tử này, bạn sẽ thấy rằng nó thật là bao la. Chẳng thế mà trong kinh Pàli nó được gọi là “Appamànà” nghĩa là nó không có giới hạn nào cả.

Tình thương của bà mẹ đối với đứa con duy nhất của mình là một ví dụ được Ðức Phật chọn để so sánh với tâm từ. Hãy hình dung tình thương của bà mẹ xem; khi con đói bà thận trọng cho con ăn trước khi nó đòi. Khi con gặp hiểm nguy, bà dám hy sinh cả sinh mạng để bảo vệ con. Thế đó, bà đã giúp con mình trong mọi phương diện. Chính vì vậy mà Ðức Phật mong mỏi chúng ta thương yêu mọi người như tình mẫu tử. Nếu chúng ta có thể làm được điều này dù chỉ ở mức độ nào đó thôi, Bần Tăng nghĩ thế gian này sẽ là một nơi khác – hạnh phúc hơn và bình an hơn.

Mặc dù chúng ta nói rất nhiều về tình thương và lặp đi lặp lại cái công thức “Sabbe sattà averà hontu, avyàpàjjhà hontu v.v…” (cầu cho tất cả chúng sinh thoát khỏi nguy hiểm; cầu cho tất cả chúng sinh không còn bị áp bức v.v…) nếu tâm ta không thực sự từ bi thì làm sao có thể mang lại kết quả. Ðoạn kinh này không phải để tụng đọc suông. Ðức Phật không yêu cầu chúng ta phải học thuộc lòng những lời của ngài chỉ để tụng suông như vậy. Về bản chất chúng chỉ là những toa thuốc. Vị lương y có thể chẩn bệnh, tìm ra nguyên nhân căn bệnh cho bạn và kê toa thuốc theo những gì ông ta tìm ra đó. Thế nhưng, liệu bệnh của bạn có được chữa lành chỉ đơn thuần bằng cách đọc đi đọc lại cái toa thuốc đó không? Cũng như bạn có thể có một phương thức làm thế nào để nấu các món ăn, chẳng hạn như làm sao để nấu món cà ri cho thật ngon. Bạn có thể đọc đi đọc lại cái công thức đó, nhưng chắc chắn sẽ không có món cà ri được.

Vì vậy, tụng đọc là điều không thực tế. Lý thuyết là tốt nhưng vẫn không đủ tốt, vì nó không phải là cứu cánh của một vấn đề, nó chỉ là bước khởi đầu thôi. Cũng thế, tụng đọc Từ Bi kinh là tốt, nhưng Ðức Phật không có ý định thuyết kinh đó để chúng ta tụng suông, Ngài khuyến khích chúng ta nên theo những lời chỉ dẫn của ngài trong kinh để hiểu rõ tâm từ là gì, Mettà là trạng thái tâm đẹp nhất trên thế gian. Vì vậy, lời khuyên của Bần Tăng là, chúng ta không nên tự mãn với việc chỉ đọc tụng kinh điển mà thôi, mà phải cố gắng hiểu rõ ý nghĩa của kinh trên quan điểm thực hành và “trở thành một với kinh” – đó là làm cho nó hoà nhập trong cuộc sống của chúng ta, vấn đề là ở chỗ đó. Thiền không phải là chỉ đơn thuần tư duy đến nó, mà phải thực hành Mettà trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Bần Tăng mong quý vị hành thiền một chút về loại thiền tâm từ này. Ðể giúp quý vị làm quen với việc hành thiền, bần tăng sẽ chỉ cho quý vị một pháp hành đơn giản mà quý vị có thể hành ở bất cứ nơi nào cũng được.

Bây giờ, trở lại với bức thông điệp của tình thương. Chúng ta được yêu cầu là phải có lòng từ đối với tất cả chúng sanh như tình thương của người mẹ đối với đứa con độc nhất của mình. Vì thế cho nên, tâm từ phải đi đôi với sự sẵn lòng giúp đỡ, với thiện chí và một tinh thần hy sinh cao cả vì lợi ích của người khác.

Trong Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya), Ðức Phật dạy rằng hầu hết mọi đức hạnh như lòng vị tha, trắc ẩn và từ ái đều bao gồm trong Mettà (tâm từ) này. Nếu như chúng ta thực sự có lòng từ, chúng ta có thể có hầu hết các đức hạnh này; chúng ta có thể ban rải một sự an lạc cao quý và rộng khắp. Chính tâm từ này đã cố gắng tháo bỏ mọi chướng ngại ngăn cách giữa chúng sinh này với chúng sinh khác.

Một số người có thể hoài nghi không hiểu tâm từ này có thể làm nền tảng vững chắc cho chính sách hoà giải hay không? Nhiều người còn xem tâm từ như một đức tính của phái nữ. Họ nói đó là một đức hạnh mềm mỏng, nhu mì của phái nữ. Nhưng tâm từ thực sự là một sức mạnh năng động của nam giới, nó có thể phá bỏ mọi chướng ngại và có tính cách xây dựng. Ai là người đã xây dựng được những Ðế quốc bền vững nhất? Ðó có phải là Alexander đại đế, là Cesar hay là Ðức Phật? Chúng ta thường đề cập đến đế quốc La Mã, đế quốc Pháp, đế quốc Nga. Thử hỏi những đế quốc đó hiện giờ nơi nao? Những đế quốc đó chỉ kéo dài trong nhất thời vì chúng được dựa căn bản trên thù hận, ngã mạn và lừa dối. Chúng không dựa trên từ bi. Bất cứ chính sách nào mà người ta sử dụng nếu không dựa trên nguyên tắc từ bi thì chắc chắn nó không thể tồn tại lâu dài được.

Liên hệ đến điều này, Bần Tăng muốn dùng một hình ảnh để thí dụ. Cuộc sống giống như một bánh xe to lớn, chuyển động liên tục. Bánh xe lớn này có vô số những bánh xe nhỏ trong đó và mỗi bánh xe nhỏ có những kiểu mẫu riêng của nó. Bánh xe lớn và các bánh xe nhỏ – hay vũ trụ rộng lớn và các cá nhân sống trong đó liên kết chặt chẽ với nhau đến độ chúng ta phải tuỳ thuộc vào nhau để phục vụ, để có được hạnh phúc và để phát triển. Chính vì vậy, bổn phận của chúng ta là phải khai thác triệt để những cái hay của mình – cái hay, cái thiện đó phải hài hoà với khuôn mẫu của thế gian. Muốn cho tất cả các bánh xe xoay chuyển hài hoà với nhau, cái tốt đẹp nhất trong mỗi người chúng ta cần phải được phát huy. Chẳng hạn như trong một chiếc xe, muốn cho nó chạy tốt – sử dụng được thì mọi cơ phận của nó phải được hoàn chỉnh. Nếu chúng ta muốn tạo lập một gia đình hạnh phúc, an vui, một mái nhà ấm cúng hoà thuận, thì mọi người trong căn nhà đó hay ít nhất cũng là đa số những thành viên của gia đình đó cần phải hoà hợp với nhau. Nếu bản thân chúng ta muốn đóng góp vào sự hài hoà đó, thì các đức tính tốt của ta cũng phải được phát triển sao cho phù hợp với an vui và hạnh phúc của mọi người.

Ðiều này chúng ta có thể làm được ngay tại đây và bây giờ bằng cách thực hiện những phận sự hàng ngày, hàng giờ của mình với từ ái, nhã nhặn và chân thực. Cái lý tưởng mà Ðức Phậtđặt ra trước chúng ta là sự hỗ tương phục vụ – con người sống cần có nhau, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn cho nhau. Trong Nikaya (Kinh Tạng) có đề cập đến ba loại phận sự mà chúng ta phải thực hiện – hay còn gọi là ba mẫu mực cư xử dành cho một vị Phật. Tiếng Pàli là: “Buddhatta Cariyà, nàtattha cariyà, Lokattha cariyà” (phận sự nỗ lực để thànhđạt Phật quả, làm lợi ích cho thân quyến và bè bạn, làm lợi ích cho toàn thế gian). Tương tự như vậy, mỗi chúng ta cũng có ba mẫu mực phải hành xử – “Atta – Cariyà”, nghĩa là nỗ lực để phát triển tự thân sao cho đạt được hạnh phúc, tự tu và tự ngộ. Mẫu mực cư xử thứ hai là “Nàtattha Cariyà” là làm lợi ích cho bà con thân quyến và bè bạn. Thứ ba là làm lợi ích cho toàn thế gian không phân biệt giai cấp, màu da hay tín ngưỡng – “Lokattha Cariyà”. Ðức Phật yêu cầu chúng ta thực hành ba loại hành xử này.

Ðạo Phật là một con đường nhằm phát triển tự thân – là sự giáo dục tâm hồn. Vì vậy công việc của chúng ta là phải thực hành ba nguyên tắc Ðức Phật đã đề ra ở trên để tinh lọc bản chất của chúng ta, để nâng mình lên bình diện của một con người.

Giáo dục hiện đại như quý vị đã biết, là một nền giáo dục chỉ chú trọng đến các phương tiện kiếm ra tiền, làm thế nào để sắp đặt và kiểm soát nó. Trong khi đạo Phật nhằm vào việc giáo dục, dạy dỗ tâm. Vì thế cho nên, nếu tôn giáo chỉ được đón nhận như một niềm tin có tính tri thức trong tâm thôi thì không có sức mạnh nào cả. Nếu tôn giáo không có thực hành, chúng ta không thể tạo được chút hiểu quả nào. Trong Pháp Cú kinh (Dhammapàda) Ðức Phật có dạy:

“Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc nhưng không hương
Nói hay, làm không được
Kết quả có chi lường” (Pháp Cú, 51)

Chính vì vậy hành động chứ không phải suy đoán; thực hành chứ không phải lý thuyết mới là vấn đề. Cũng theo Dhammapàda thì “ý chí” nếu không có hành động tuơng xứng kèm theo, không có gì đáng kể cả, do vậy cái chính của đạo Phật là phải thực hành những lời dạy cao quý này.

Liên quan đến điểm này, bần tăng cũng muốn nói thêm rằng tâm từ (Mettà) – lòng từ bao la này – thường có mặt khi có sự liên hệ đến người khác, nhưng trên thực tế thì từ ái với chính mình phải có trước. Nó không phải là một tình thương vị kỷ, mà là tình thương dành cho bản thân – một loại tình thương thuần khiết – đến trước. Khi chúng ta hành thiền từ ái, chúng ta rải tâm từ đến bản thân mình trước (Aham avero homi v.v..) (cầu mong cho tôi thoát khỏi mọiđiều tai hại). Nhờ có lòng từ thuần khiết (Mettà) như chúng ta đã định nghĩa, với chính mình như vậy; những khuynh hướng ích kỷ, thù hận, nóng nảy sẽ bị tiêu trừ. Vì vậy, trừ khi bản thân chúng ta có tâm từ trong người, bằng không chúng ta chẳng thế nào chia sẻ với ai được, chúng ta không thể rải hay gởi gấm tâm từ này đến người khác được.

Giả sử bạn không có tiền trong túi thì làm sao bạn có thể cho ai được, dù chỉ là một xu nhỏ thôi? Vì vậy, thiền từ ái cần phải khởi sự với tự thân trước; bạn có thể nói là tôi thương bản thân mình được chứ?. Nếu bạn có thể nói bạn yêu bản thân mình, liệu bạn có thể tự hại mình bằng cách nuôi dưỡng những ý tưởng thù hận trong tâm không? Nếu bạn thương một người liệu bạn có hại người đó được không? Không bao giờ. Thương bản thân mình nghĩa là sống không ích kỷ, thù hận, nóng nảy v.v…. Vì thế cho nên, để bản thân chúng ta thoát khỏi những cảm giác không đáng ưa này, chúng ta phải thương hay có lòng từ với chính mình. Theo Ðức Phật thì trước tiên hãy thương tự ngã mình, vì đạo Phật luôn luôn chú trọng đến tinh thần tự giác, chỉ khi nào có tự giác chúng ta mới làm lợi ích cho tha nhân một cách hiểu quả được. Chúng ta nói về độ tha hay giác tha, chính là nói đến việc giúp đỡ cho tha nhân này; tuy nhiên, như Ðức Phật đã dạy: “Nếu một người không thể tự độ mình, họ không thể độ người khác được”.

“Người trí trước đặt mình
Vào nếp sống chánh hạnh
Sau ra giáo hoá người
Ắt khỏi bị khiển trách” (Pháp Cú, 158)

Cũng trong kinh Pháp Cú Ðức Phật dạy rằng: “không kẻ thù nào có thể làm hại con người tồi tệ hơn là chính những ý nghĩ tham ái, sân hận và ghanh ghét v.v..của họ”..

“Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm niệm ác
Do chính ta hại ta” (Pháp Cú, 42)

Nếu người ta không tìm thấy an lạc trong tự thân, họ không thể nào tìm nó ở nơi nào khác. Kinh Ðiển cũng thường nói rằng: “Người không tự chế được mình sẽ không tìm thấy an lạc”. Trong công việc phụng sự xã hội, cái gọi là những người làm công tác xã hội sẽ không cảm thấy an vui trong khi thi hành những phận sự của họ, nếu như bản thân họ không an tịnh. Nếu như tự thân họ không an tịnh chắc chắn họ không thể đem an lạc đến cho mọi người được. Vì vậy, chúng ta phải được rèn luyện một cách thích hợp không những về sự tổ chức bên ngoài mà còn cả ở sự tu dưỡng nội tâm trong chúng ta.

Trong trường hợp của rất nhiều người mệnh danh là làm công tác xã hội, điều thực sự mà họđang làm là chỉ dẫn người khác phải làm những gì giống như những ông chủ vậy, và rồi họ nói rằng: “Chúng tôi đã cố gắng hết cách, nhưng mọi người không tỏ thiện chí chấp nhận sự giúp đỡ của chúng tôi”. Thực ra mọi người đều rất cần sự giúp đỡ, thế nhưng sự giúp đỡ đó phải được thể hiện một cách ân cần theo nhu cầu mà họ mong đợi, chứ không phải theo tư ý của người giúp. Muốn được như vậy người phục vụ xã hội chân chánh phải là một người có lòng từ ái đối với bản thân mình trước đã – nghĩa là trong lòng họ phải chứa đầy tình thương, một tình thương thuần khiết, không ích kỷ. Chỉ lúc đó họ mới có thể cảm nhận được hạnh phúc gấp đôi; đó là bản thân họ có lòng yêu thương trong sạch, chân chánh, cảm thấy hân hoan trong khi giúp người khác, đồng thời làm cho người khác an vui.

Chúng ta nhớ những mẫu chuyện tiền thân (Jàtaka) của Ðức Phật, khi còn là một vị Bồ Tát ngài luôn luôn nỗ lực tự hoàn thiện mình bằng cách giúp đỡ mọi người – sao cho người khác được an vui, và niềm vui của người khác thúc đẩy ngài hoàn thiện hơn nữa để phục vụ.

Lại nữa, nếu một người không thể thành thực với bản thân mình làm sao họ có thể thành thực với người khác được. Một bác sĩ không có những kinh nghiệm và phẩm chất theo yêu cầu có thể cố gắng giúp bệnh nhân, nhưng việc làm của ông ta không chừng chỉ làm hại thêm cho bệnh nhân. Vì vậy, một người lãnh đạo của bất kỳ xã hội, chính trị hay tôn giáo, nếu không tu dưỡng tâm có thể đưa những người theo mình đi lạc hướng.

Chúng ta quá chú trọng đến việc luyện tập bề ngoài đến độ quên đi sự tu tập bên trong, việc tu dưỡng bản thân mình. Chúng ta thích dạy dỗ kẻ khác và quên việc dạy mình. Chúng ta có khuynh hướng luôn luôn cho mình là đúng còn mọi người đều sai. Việc đổ lỗi cho người khác dường như đã trở thành một đặc tính chung của mọi người, chẳng hạn khi trễ nải một việc gì, chúng ta liền đổ thừa hoan cảnh… nào là vì vợ, vì bạn bè hay một người nào đó v.v… bần tăng không có ý muốn nói là chúng ta chỉ nên tự trách mình thôi. Khổng Tử có câu nói rằng: “Kẻ ngu dốt trách cứ người, kẻ có học tự trách mình, con kẻ hiểu biết không trách ai cả”. Thật là một câu nói rất minh triết. Vấn đề là ở chỗ “Ðâu là cái sai chứ không phải ai là người sai”.

Theo nguyên lý của đạo Phật, tự độ mình là ưu tiên; sự hoàn thiện cá nhân phải được chú trọng trước nhất, có được như thế thì toàn thể cơ cấu mới hoàn hảo. Thế giới bên ngoài chính là sự phản ánh bản chất nội tại của chúng ta.

Ðể kết luận bài giảng, bần Tăng mong quý vị dành ít phút để hành thiền từ ái, để cho thân, khẩu, ý của chúng ta thấm nhuần từ bi.

Từ một cái tâm có tu tập này, những ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta mới chân chánh và từ hoà được. Hành thiền thực sự, trước tiên chúng ta làm tràn ngập chính mình với ý nghĩ từ bi “cầu mong cho tôi được an vui hạnh phúc”. Sau một lúc chúng ta mở rộng lòng từ đến tất cả mọi người, nguyện thầm trong tâm “cầu mong cho tất cả chúng sanh đều được an vui, hạnh phúc”. Nghĩ sao thì cảm nhận như vậy. Chúng ta cũng cố gắng thấy thế gian nàyđược ngập tràn với lòng từ của chúng ta, với tâm ước mong mãnh liệt rằng mọi người, mọi vật đều được an vui, một ước mong như ước mong của bà mẹ đối với đứa con độc nhất của mình vậy.

Nếu quý vị rải tâm từ này trước khi đi ngủ, bần tăng cam đoan rằng quý vị sẽ có một giấc ngủ an lành kỳ diệu. Nếu quý vị có thể duy trì tâm từ này mãi mãi, chắc chắn quý vị sẽ có một cuộc sống an hoà, hạnh phúc và thành công, mọi người sẽ yêu mến bạn vì bạn đang từ ái với mọi người. Thế gian cũng như tấm gương soi, nếu bạn nhìn vào gương với khuôn mặt tươi vui, bạn sẽ thấy khuôn mặt xinh đẹp tươi vui của mình. Nếu bạn nhìn với khuôn mặt đưa đám, như người Anh thường nói, chắc chắn bạn sẽ thấy khuôn mặt vô cùng xấu xí của mình. Trong hình thức chào hỏi cũng có một câu thành ngữ tương tự “Chào bạn, thế gian này đối xử với bạn thế nào?” câu trả lời thường là “Tốt, tôi rất an vui”. Nhưng với người Phật tử, câu trả lời sẽ là “Tốt, thế gian đối với tôi cũng như tôi đối với thế gian này vậy”.

Nếu quý vị xử sự với thế gian một cách hợp lẽ, nhân từ, thế gian cũng sẽ đối xử lại với bạn nhân từ như vậy. Chúng ta không nên trông đợi mọi người đối xử với chúng ta tử tế trước, mà chúng ta cần phải xử sự tốt đẹp với mọi người trước. Ðó là cách sống của người Phật tử chân chánh.

-ooOoo-

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app