NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TẬP TỤC

Truyền thuyết Tây Tạng kể rằng Đức Thế Tôn lấy hột lúa sắp ra những nét đại cương của bánh xe, khi Ngài đi qua một cánh đồng. Dầu sự thật là như thế nào chăng nữa, ở Ấn Độ, ít ra tại chùa Sarvàstivàda, bánh xe trang trí bên trong cổng chùa đã gây cảm xúc mạnh mẽ trong tâm người hiểu biết ý nghĩa và gợi tánh tò mò cho những người khác.

Sự tàn phá các di tích Phật Giáo ở Ấn Độ rộng rãi đến độ không còn tìm được ở đâu những cánh cổng chùa có vẽ hình bánh xe luân hồi. Chỉ còn vỏn vẹn một bức họa đơn độc ở động Ajanta, hang số 17, có lẽ còn cái gì có hình thù tương tợ như bánh xe. Trong bản dịch được ghi nhận ở phần trên không thấy nhắc đến hình ảnh gì để diễn tả mười hai vòng khoen của giáo lý Phát-Sanh-Tùy-Thuộc, và người ta nói rằng về sau chính Ngài Nàgàrjuna (Long Thọ), một nhà truyền giáo vĩ đại của đạo Phật mà nhiều câu thơ sẽ được trích đăng ở phần sau – sẽ bổ túc. Từ Ấn Độ, cái mẫu bánh xe được Ngài Bande Yeshe đem đến Samye, ngôi chùa đầu tiên ở Tây Tạng, và từ đó chính nhờ hệ phái Sarvàstivàda (Nhứt Thiết Hữu Bộ) kiên cố bảo trì cho đến ngày nay. Do đó tập tục về bánh xe được vẽ ngay phía trong tiền đình, đập vào mắt của tất cả những ai bước chân vào ngôi chùa.

Truyền thuyết Tây Tạng đề cập đến hai loại bánh xe, loại xưa và loại nay. Loại vẽ theo xưa căn cứ trên bản văn kiện được dịch ở phần trên. Loại nay thì có thêm vào đó vài điểm mới. Nhà cải cách tôn giáo trứ danh Je Tsong-khapa (1357), người sáng lập trường phái Gelupgpa (Những Bậc Đức Hạnh, tức Hoàng Giáo Tây Tạng, mà Ngài Dalai Lama là người đứng đầu) đã cho phép phân bánh xe ra làm sáu phần, thay vì năm, và vẽ hình Bồ Tát Avalokitesvara (Đức Quán Thế Âm) thế vào hình một vị Phật trong mỗi phần không phải cảnh người. Cả hai loại bánh xe này đều có trong lối vẽ ở Tây Tạng. Cảnh thứ sáu mô tả hạng Asura (A Tu La) đang gây chiến tranh với những vị Trời Dục Giới. Trong bản vẽ của tôi (Đại Đức Khantipalo), tánh cách ma quỷ và lộn xộn ấy nằm trong một phần riêng biệt của cảnh Trời. Sự kiện đưa vào cảnh giới một nhân vật tượng trưng cho Đức Phật là để nêu cao đức từ bi vô lượng vô biên của Ngài, vì Đức Avalokitesvara là hiện thân của tâm bi mẫn sáng suốt. Người viết (Đại Đức Khantipalo) chọn lối diễn đạt xưa, hợp với bản văn được dịch trên, vì nó hoàn toàn thích hợp với Giáo Lý Nguyên Thủy.

Tánh cách khủng khiếp và hung bạo của vòng luân hồi – luôn luôn ở với ta trong mọi thời đại – đã được nhận thấy một cách phũ phàng trong sự cướp đoạt xứ Tây Tạng của người Trung Hoa xâm lăng. Các họa sĩ Tây Tạng còn giữ được nguyên vẹn tập tục cổ truyền cho đến ngày nay và vẫn còn thực hiện những bức vẽ, trong hoàn cảnh khó khăn của người tỵ nạn ở Ấn Độ. Tuy nhiên, đường lối trình bày Giáo Pháp cổ kính này đáng được truyền bá rộng rãi hơn. Nơi tôn nghiêm thờ phượng của người Phật tử nên có một bức tượng như vầy để nhắc nhở cho mình bản chất quay tròn của bánh xe sanh tử triền miên luân chuyển này. [^]

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app