Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
Phẩm Cấu Uế: Tích Một Công Tử Bị Cắm Sừng
242. Malitthiyā duccaritaṃ,
Maccheraṃ dadato malaṃ;
Malā ve pāpakā dhammā,
Asmiṃ loke paramhi ca.
243. tato malā malataraṃ,
Avijjā paramaṃ malaṃ;
Ataṃ malaṃ pahatvāna,
Nimmalā hotha bhikkhavo.
Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhơ kẻ thí,
Tội ác là vết nhơ,
Đời nầy và đời sau.
Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh nhơ tối thượng,
Hãy trừ bỏ nhơ ấy,
Thành Tỳ kheo vô cấu.
Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Veḷuvana, đề cập đến chàng công tử nọ. Tương truyền rằng: Công tử ấy đã cưới vợ là một tiểu thư môn đăng hộ đối. Từ ngày về nhà chồng, cô vợ cứ tà hạnh mãi, công tử xấu hổ về việc làm của vợ, không thể đến gặp gỡ tiếp xúc cùng ai cả, nên cắt đứt luôn cả sự viếng thăm và hộ độ cúng dường Đức Phật. Thế rồi, sau vài ngày chàng lại viếng thăm Đức Bổn Sư, sau khi đảnh lễ Ngài xong rồi, ngồi qua một bên, Ngài hỏi công tử:
– Nầy công tử! Dạo nầy sao ngươi ít đến đây vậy?
Công tử liền đem việc nhà ra giãi bày cùng Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng:
– Nầy công tử! Xưa kia ta đã từng dạy rằng: Đàn bà giống như sông rạch và bậc hiền trí không nên giận nữ nhân. Nhưng vì ngươi do cõi luân hồi khuất lấp nên không thấu đáo đó thôi.
Công tử thỉnh Ngài thuyết giảng Bổn Sanh, Ngài ngâm lên rằng:
“Yethānadī ca pantho ca pānāgāraṃ sabbā papā
Evaṃ lokitthiyo nāma velā tālaṃ navijjatīti”.
“Đàn bà như thể rạch, sông
Đường đi, động đá, nhà công, quá chở
Đàn bà thế tục bẩn nhơ
Lăng loàn sá kể ngày giờ chi đâu”.
Sau khi thuyết xong Bổn Sanh, Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này công tử! Tà hạnh trắc nết là vết nhơ của nữ nhân, sự bón rít là vết nhơ của tín thí, nghiệp ác là vết nhơ làm hại chúng sanh cả đời nầy và đời sau. Vô minh là vết nhơ tối thượng của tất cả vết nhơ.
Nói rồi Ngài ngâm lên kệ ngôn rằng:
242. Malitthiyā duccaritaṃ,
Maccheraṃ dadato malaṃ;
Malā ve pāpakā dhammā,
Asmiṃ loke paramhi ca.
243. tato malā malataraṃ,
Avijjā paramaṃ malaṃ;
Ataṃ malaṃ pahatvāna,
Nimmalā hotha bhikkhavo.
Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhơ kẻ thí,Tội ác là vết nhơ,
Đời nầy và đời sau.
Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh nhơ tối thượng,
Hãy trừ bỏ nhơ ấy,
Thành Tỳ kheo vô cấu.
CHÚ GIẢI:
Duccaritaṃ : Aticaro: Tà hạnh, chỉ sự lăng loàn trắc nết, gian dâm, ngoại tình. Phàm đàn bà ngoại tình bị chồng đuổi trở về cùng cha mẹ, cũng bị mắng rằng: “Mầy không nên làm ô nhục, tồi bại gia phong, nhục nhã tông đường…”. Rồi bị cha mẹ đuổi ra khỏi gia tộc, nữ nhân ấy sống bơ vơ khổ sở vô cùng. Do đó mới nói rằng: “Tà hạnh là nhơ nữ nhân”.
Dadato: Đến thí chủ (dāyakassa). Người nào khi mới cày ruộng đã lập nguyện rằng “Nếu lúa trúng kỳ nầy, ta sẽ làm phước Trai Tăng hoặc rút thẻ để bát chẳng hạn”. Nhưng khi gặt hái có kết quả tốt đẹp, lại phát sanh tâm bỏn xẻn, ngăn chặn tâm bố thí. Do ảnh hưởng tâm bỏn xẻn thắng được tâm xả ly, người ấy không được hưởng ba phước lộc là nhân sản, thiên sản và Níp Bàn. Do đó mới nói rằng: Sự bỏn xẻn là vết nhơ của bố thí. Trong các câu khác đều có một lý chung như vậy.
Pāpakā dhammā: Chỉ những pháp bất thiện, là vết nhơ của chúng sanh từ đời nầy đến những đời sau.
Tato: Từ vết nhơ đã nói trên.
Malataraṃ: Ta sẽ thuyết về vết nhơ tối thượng cho các ngươi nghe.
Avijjā: Vô minh, dốt nát, các thầy vứt bỏ vết nhơ Vô minh mà thành bậc Vô nhiễm (nimmalā).
Cuối thời Pháp, nhiều thính giả chứng đắc Thánh Quả, nhất là Quả Dự Lưu.
Dịch Giả Cẩn Đề
Không may vớ phải thứ đàn bà
Trắc nết, lăng loàn thật xấu xa
Tủi phận láng giềng không tiếp xúc
Buồn duyên bạn lữ, chẳng giao hòa…
Chơn ngôn Phật dạy bình tâm xét
Chánh lý thầy khuyên mở tuột ra
Nghiệp báo, cửa nhà, con ấy nợ
Đa tình, trẻ đẹp, vợ oan gia.
DỨT TÍCH CÔNG TỬ BỊ CẮM SỪNG