Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Tiểu Sử Thiền Sư Đầu Đà Pháp Minh

Ngài Thiền Sư PHÁP MINH thế danh là NGUYỄN VĂN LONG, sinh ngày 15-3-1918, tại Làng Phước Hải, Huyện Long Đất, Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thân phụ của Ngài là Cụ NGUYỄN VĂN TÀI, thân mẫu là Bà PHẠM THỊ MINH.

Ngài xuất thân trong một gia đình có tinh thần yêu nước, có truyền thống đạo đức lâu đời, thuộc gia đình trí thức, ngài đậu bằng Diplome (Trung học).

Năm 1965, Ngài xuất gia Sa di với Hòa thượng BỬU CHƠN tại chùa Phổ Minh, Gò Vấp, Gia Định, lúc 10 giờ 30 ngày 7-2, tức tháng 6 Â. L. năm Ất Tỵ. Ngày 6-1-1968, tại chùa Pháp Bảo, Mỹ Tho, Ngài thọ Đại giới Tỳ kheo với Thầy Tế độ là Hòa thượng GIỚI NGHIÊM.
Sau khi tu tại chùa Phổ Minh một thời gian, Ngài vân du hành đạo tại chùa Phước Hải Vũng Tàu. Sau đó, Ngài đến Tịnh Xá Ngọc Hương, Thủ Dầu Một.

Năm 1967, Ngài đi hành đạo ở Tịnh Xá An Lạc, Bắc Mỹ Thuận. Cuối năm ấy, Ngài về Tổ Đình Bửu Quang ở Gò Dưa để thực hành pháp môn Đầu đà, độc cư thiền tịnh.

Năm 1968, Ngài rời chùa Bửu Quang đến Núi Nhỏ Vũng Tàu, tìm nơi độc cư thiền định. Năm 1969, Ngài lại trở về Tổ Đình Bửu Quang để tiếp tục sự nghiệp tu hành.

Tháng 12-1974, theo lời thỉnh cầu của Ban Quản Trị Thích Ca Phật Đài Vũng Tàu, Ngài đến khu Thắng Tích để hành đạo và hoằng dương Chánh Pháp. Từ năm 1975 đến 1976, bước chân Ngài đã vân du đến Tô Châu, Hà Tiên, Rạch Giá.

Năm 1977, 1978, 1979, 1980, Ngài lại trở về Tổ Đình Bửu Quang để thiền định. Từ đó đến nay, Ngài sống Hạnh độc cư, trì bình khất thực tại Cốc Bình Thủy, Gò Dưa, Thủ Đức.

Vào lúc 9 giờ ngày thứ Tư 27 tháng 1 năm 1993 (mùng 5 tháng giêng năm Quý Dậu), Ngài đã an nhiên thị tịch trong khi ngồi thiền định với tư thế kiết già liên hoa tọa.

Từ khi xuất gia cho đến giờ viên tịch, Ngài luôn luôn thực hành pháp hạnh Đầu Đà khất thực, hạnh đầu đà không nằm… Ngài giữ hạnh tri túc, thường ít nhận tứ sự cúng dường của chư Tăng và các Phật tử, Ngài sống vô cùng đơn giản.

Trong thời gian còn sinh tiền, Ngài đã soạn dịch nhiều tác phẩm Kinh điển như:
Bộ Chú Giải Kinh Pháp Cú.
Sưu Tập Kệ Pāli

Ngài đã trước tác nhiều tác phẩm mà hiện nay vẫn còn là bản thảo, như:
1. Sổ Tức Quan thực tập 1, 2, 3…

2. Cổng vào Niết Bàn.
3. Lâm Tuyền Pháp.
4. Chiến Sĩ Thượng Thặng.
5. Ba cách Làm Phước.
6. Siêu Pháp Tiết Chế Tình Dục.
7. Việc Tập Tâm.
8. Tứ Oai Nghi.
9. Hạnh Nguyện Bồ Tát.
10. Thiền Luận.
11. Tùy Bút Pháp Hành.
12. Kệ Kinh Tam Bảo Pāli…

Ngài thông suốt nhiều ngoại ngữ như Tiếng Pháp, Anh, Thái, Khơmer, Pāli… Ngài còn là một họa sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, y sĩ… Ngài hiểu biết sâu sắc trong khoa học và nghệ thuật. Trong thời gian còn sinh tiền, Ngài đã từ bi tế độ cho nhiều hành giả thực hành pháp môn Thiền Quán Minh Sát Khổ có kết quả, nhiều hành giả đã ngồi thiền bảy giờ (07 giờ) liên tục với tư thế Kiết già liên hoa tọa.

Ngài Thiền Sư PHÁP MINH là một trong những vị Cao Tăng, chân tu, thực hành Hạnh Đầu đà vô cùng tinh tấn của Hệ phái Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam. Ngài ra đi nhưng Ngài vẫn còn sống mãi với hình ảnh là một bậc chân tu khả kính, thực hành GIỚI-ĐỊNH-TUỆ, in đậm nét trong tâm trí của toàn thể chư Tăng, Tu nữ và hàng Phật tử gần xa.

Toàn thể Tăng Tín đồ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam cung kính nghiêng mình trước đạo hạnh Cố Đại Đức Thiền Sư Đầu Đà PHÁP MINH.

Tỳ Khưu BỬU CHÁNH

Phụng soạn

Kính Cáo

Sau mỗi tích chuyện có phần Cẩn đề là những bài kệ vịnh trích ra từ bộ Chú giải Kinh Pháp Cú mới dịch xong trong mùa Hạ kỳ 1984 nầy. Mong rằng các hành giả sơ cơ đang cần học tập, ôn nhuần Kinh Pháp Cú để áp dụng vào đời sống thực tế của mình cho hạp theo Chánh Pháp, sẽ được gợi hứng để có thể hoàn tất sự học cũng như chúng tôi đã hoàn tất sự dịch ra Việt ngữ vậy. Ngoài ra, với những kệ nầy, quý bạn thức đêm đầu đà có thể bày ra những câu đố về sự tích hoặc căn bản giáo lý chứa đựng trong bộ Pháp Cú mà các Phật tử phương Tây rất quý trọng, nhất là ở Tây Đức. Nếu mọi người hiểu rành Kinh Pháp Cú và thực hành theo đó thì thế giới có thể hòa bình, an lạc. Rất mong thay!

Tỳ khưu PHÁP MINH

PANĀMA GĀTHĀ (KỆ LỄ BÁI TRƯỚC KHI HỌC)

1. Mahāmohatamonaddhe, loke lokantadassinā;
Yena saddhammapajjoto, jālito jalitiddhinā.
2. Tassa pāde namassitvā, sambuddhassa sirīmato;
Saddhammañcassa pūjetvā, katvā saṅghassa cañjaliṃ.
3. Taṃ taṃ kāraṇamāgamma, dhammādhamesu kovido;
Sampattasaddhammapado, satthā dhammapadaṃ subhaṃ.
4. Desesi karuṇāvega-samussāhitamānaso;
Yaṃ ve devamanussānaṃ, pītipāmojjavaḍḍhanaṃ.
5. Paramparābhatā tassa, nipuṇā atthavaṇṇanā;
Yā tambapaṇṇidīpamhi, dīpabhāsāya saṇṭhitā.
6. Na sādhayati sesānaṃ, sattānaṃ hitasampadaṃ;
Appeva nāma sādheyya, sabbalokassa sā hitaṃ.
7. Iti āsīsamānena, dantena samacārinā;
Kumārakassapenāhaṃ, therena thiracetasā.
8. Saddhammaṭṭhitikāmena, sakkaccaṃ abhiyācito;
Taṃ bhāsaṃ ativitthāra-gatañca vacanakkamaṃ.
9. Pahāyāropayitvāna, tantibhāsaṃ manoramaṃ;
Gāthānaṃ byañjanapadaṃ, yaṃ tattha na vibhāvitaṃ.
10. Kevalaṃ taṃ vibhāvetvā, sesaṃ tameva atthato;
Bhāsantarena bhāsissaṃ, āvahanto vibhāvinaṃ;
Manaso pītipāmojjaṃ, atthadhammūpanissitanti.
1. Kính lạy dưới chân Ngài Đại Giác,
Bậc oai hùng trên các Nhân Thiên,
Kính lạy Chánh Pháp chân truyền,
Kính lạy Tăng chúng hữu duyên của Ngài.
2. Cõi phàm tục lâu dài tăm tối.
Vì si mê lạc lối đọa sa,
Pháp đăng, ngọn đuốc Thiền na,
Ngài soi rõ thấu ngõ ra luân hồi.
3. Phật thông suốt đường lui, nẻo tới,
Chánh hay tà, nhân bởi tại đâu?
Từ Bi, Ngài dạy lắm câu,
Pháp Cú, nghĩa lý thâm sâu ngọt ngào!
4. Khắp nhân thiên dồi dào hỉ lạc,
Đón mừng kinh tuyệt tác của Ngài,
Từ xưa cho đến đời nay,
Một bản chú giải rất hay còn truyền.

5. Đảo Tích Lan là miền hữu phước,
Được thấm nhuần di chúc Phật Đà,
Nhưng còn có biết bao là,
Nhân dân Phật tử gần xa mong cầu.
6. Tôi được nghe rõ câu ước nguyện,
Ngài Ca Diếp
(1) thánh thiện thốt ra,
Thành tâm, tin tưởng thiết tha,
Ngài mong Chánh Pháp chan hòa mọi nơi.
7. Do đó tôi vâng lời chỉ dạy,
Ráng dịch và sửa lại rõ ràng,
Những câu thổ ngữ mơ màng,
Thành kinh Nam Phạn đàng hoàng để coi.
8. Chú giải thật rạch ròi cặn kẽ,
Những điểm nào Pháp kệ không soi,
Nhưng bao giờ tôi cũng noi,
Đúng theo diệu lý hẳn hòi kệ ngôn.
9. Mong rằng khắp chư Tôn trí giả,
Hỷ hoan cùng bản đã dịch đây,
Cốt làm phát triển đủ đầy,
Lý, Pháp, Tâm, Tuệ liền đây chẳng rời
(2).
10. Chúng con sanh trong thời Tượng Pháp,
Nguyện rằng công tu tập Kệ ngôn,
Hầu đến Ân Phật Thế Tôn,
Cúng dường cao thượng Pháp môn chân truyền.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app