Buổi 9: Giáo Lý Căn Bản – Tâm Sở Bất Thiện Nhóm Tham, Sân, Hôn Phần và Hoài Nghi – Sư Giác Nguyên

Buổi 9: Giáo Lý Căn Bản – Tâm Sở Bất Thiện Nhóm Tham, Sân, Hôn Phần và Hoài Nghi – Sư Giác Nguyên

(Thứ Ba, ngày 23/01/24 – Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng)

 

✴️ TÂM SỞ BẤT THIỆN

Thưa đại chúng, tôi xin nhắc lại cái chuyện chúng ta làm, muốn làm, trong cái lớp này là giúp cho các vị một cái căn chòi, một căn chòi, rồi sau khi có chòi rồi đương nhiên tôi đi tôi đâu có ở đó hoài, thì bà con cứ rút ra, rút ra từng phần nhỏ trong cái chòi đó thay vào cái khác tốt hơn, thì bà con có thể tìm đến nhiều vị Thầy khác, tìm đến các tài liệu A Tỳ Đàm trong khả năng của mình để mà lắp vô, lắp đầy những chỗ còn trống, còn thiếu hoặc là chưa vừa ý mình lắp vô thay thế.

Cứ nay một cây cột, mai một cây cột, rồi thay mái, thay vách rồi làm nền lại. Đôi khi chúng tôi chỉ cho nền đất thôi, nền đất, có cái chỏng tre nhỏ nhỏ bề ngang 6 tấc, bề dài 1m8 vậy đó, để nằm ngủ qua đêm vậy đó. Nhưng mà nó ngon hơn nó chắc ăn hơn là ngủ lều, và kỳ rồi tôi cũng ôn riết bây giờ cũng ngán rồi, bây giờ làm biếng ôn, chỉ nhắc chừng thôi.

Thì mình đang học về hai công thức làm nên đời sống tâm thức của chúng sinh. Chúng sinh phàm phu mình tối ngày chỉ có thiện với ác không, đương nhiên là ác nhiều hơn thiện. Có một điều dù cái nào nhiều hơn cái nào thì cấu trúc nó muôn đời là như vậy.
Ví dụ như ác một ngày nó chiếm 80% nhưng cấu trúc nó vẫn như vậy thôi, và cái thiện một ngày chỉ có 20% thời gian, 5% thời gian, 1% thời gian, thì cấu trúc nó vẫn vậy..

Từ đây cho đến ngày mà chúng ta chứng Thánh, rũ sạch Phiền não, viên tịch Niết bàn, hễ mà còn phiền não, còn vui, thì cấu trúc tâm thức y chang như vậy. Và tôi cũng xin nói rỏ cấu trúc đó được các Ngài chia chẻ, phân tích, mổ xẻ cho mình dễ hình dung, chứ cách phân tích đó không phải là tuyệt đối, không phải là tuyệt đối.

Ví dụ như bà con vào trong Kinh Tạng thì bà con không thấy cấu trúc này, tức là cấu trúc này chỉ có bên A Tỳ Đàm thôi. Giống như mình thấy nói về một thành phố cổ thì bên ngành địa chất, bên ngành khảo cổ, bên ngành sinh vật, chuyên gia hóa học thì mỗi người có một cách nói khác nhau về một cái thành phố. Rồi đứng từ góc độ xã hội thì lại phân tích khác, đứng về lịch sử chính trị lại phân tích khác.

Ví dụ như tại sao ? Tại sao thành phố đó bị mất ? Tại sao thành phố đó nó phát triển ? Thì mình có nhiều góc độ mình nói. Ví dụ mình nói đơn giản, tại vì ngày xưa cách đây 800 năm một trận dịch bệnh tàn khốc đã đi qua thành phố đó cho nên thành phố đó bị xóa sổ.

Đó là một cách nói. Nhưng mà cách nói khác không có sai, là thành phố đó nằm dưới quyền cai trị của ai đó, và đó là một vị hôn quân không có sự chuẩn bị thích hợp cho đời sống dân sinh. Thế là khi mà có đại nạn thiên tai dịch bệnh xảy đến thì trở tay không kịp. Như vậy thì ở đây mình thấy yếu tố chính trị được nâng lên hàng đầu. Nói như vậy cũng không sai, nhiều và nhiều lắm quý vị, nhiều và nhiều lắm, thì ở đây nói về cấu tạo sự sinh diệt, cấu trúc của Tâm Pháp, của Sắc Pháp, y chang như vậy, có nhiều cách nói.

Có nhiều cách nói.

Thì ở đây là một trong những cách phân tích, ở trong Kinh tạng thì không nói cái kiểu 13, 14, 25, mà trong đó chỉ nói là khi 6 Căn tiếp xúc với 6 Trần thiếu sự thu thúc, thiếu sự tỉnh thức, thiếu Niệm và Tuệ thì phiền não có mặt, mà hễ phiền não có mặt thì Sân làm cho mình khổ ngay trước mắt, Tham thì làm cho mình khổ sau này.

Bên Tạng Kinh chỉ nói như vậy thôi.

Còn bên Tạng A Tỳ Đàm thì phân tích theo hướng khác sâu, rộng và chi tiết hơn. Nhưng mà chốt lại tựu trung thì vẫn đơn giản là bốn điều sau đây:

1️⃣ Không có cái gì mà tồn tại độc lập, tất cả là sự lắp ráp.
2️⃣ Tất cả không có cái gì tự nhiên mà có, cái gì cũng do Duyên, mọi thứ do Duyên.
3️⃣ Luôn luôn và luôn luôn Nhân lành cho Quả Hỷ Lạc; Nhân xấu cho Quả Khổ Ưu. Luôn luôn và luôn luôn là như vậy.
4️⃣ Một đời sống nội tâm thiếu kiểm soát thì phiền não đương nhiên là có mặt.

Mình đang học A Tỳ Đàm, đang học về Tâm Sở. Tâm Sở thiện và bất thiện để mình nhớ hoài chuyện đó, nhớ hoài 4 nguyên tắc này :

1/ Mọi thứ là do Duyên mà có không phải khơi khơi, do tiền nghiệp quá khứ, do môi trường sống, khuynh hướng tâm lý.
2/ Mọi thứ là một khối tổng hợp được gọi là thiện ác, buồn vui, phàm thánh, đều là một khối tổng hợp của vô số thành tố, không có gì là một hết. Đây chính là lý do mà gọi là Vạn Pháp Giai Không. Cái gì cũng là một khối tổng hợp chứ không có gì là một, ở đây không thể tìm thấy một cái gì là tôi hay là của tôi, bởi vì nó là một khối tổng hợp. Không ai tìm thấy một chiếc xe trong một đống phụ tùng, không ai tìm thấy một chúng sinh trong khối tổng hợp của các thành tố, quan trọng lắm.
3/ Cái thứ ba là phải nhớ, tới chết cũng phải nhớ, hễ Nhân lành cho Quả hỷ lạc, Nhân xấu cho Quả khổ ưu.
4/ Đời sống thiếu Niệm, thiếu Tuệ, đời sống thiếu Tỉnh giác thì chỉ có khổ, chỉ có phiền não, thì kỳ rồi chúng ta học về các Tâm Sở thuộc về nhóm 14 Tâm Sở tiêu cực, thì nó cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính nó cho ra Tâm Bất Thiện, 14 Tâm Sở Bất Thiện mình mới học tới nhóm Si. Nhóm Tham.

Nhóm Tham mình học chưa hết, nhóm Tham.
Tham rồi thích, thích cái gì ?
– Thích hiện hữu
– Thích sở hữu
– Thích hưởng thụ.

Dù đó là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, dù đó là Dục ái, Sắc ái, Vô sắc ái, hay là Dục ái, Hữu ái, Phi hũu ái, kiểu gì đi nữa thì Tham luôn luôn là thích hưởng thụ, thích sở hữu và thích hiện hữu.

Đó là Tham.

Tiếp theo là Tà Kiến.
– Là thấy sai sự thật, lẽ ra phải thấy mọi thứ do Duyên mà có, thấy như vậy trừ được Đoạn kiến, thấy rằng mọi thứ có rồi phải mất đi trừ được Thường kiến.

Nhưng mà chính vì mình không có đủ cái duyên lành Balamật cho nên trong vô lượng kiếp luân hồi mình gặp cái mình không thích mình bất mãn gieo Nhân bất thiện.

Mình gặp cái gì mình vừa ý mình đam mê đắm đuối, lại tiếp tục gieo Nhân bất thiện, mà như vừa nói Nhân bất thiện cho ra Quả xấu.

Mà ở đâu nó ra ? Là Tà kiến.

Tà kiến ở đâu ra ?

Do Vô minh.

Vô minh cái gì ?

Vô minh trong Bốn đế.

Không biết mọi thứ là khổ, thiện ác, buồn vui, sướng khổ, thảy đều là Khổ. Cái nhận thức này rất là khó nuốt, mình không học đạo mình chỉ thấy cái gì làm cho mình khó chịu trong thân, trong tâm, thì cái đó mới gọi là Khổ. Nhưng mà trong Phật Pháp rốt ráo thì nói không. Cái mà làm cho mình khó chịu thân tâm nó chỉ là một phần ba của cái chữ Khổ.

Bởi vì khổ gồm có :

KHỔ CẢM GIÁC và KHỔ BẢN CHẤT.
– Khổ cảm giác là làm cho khổ thân, khổ tâm.
– Khổ bản chất là sự bất toàn bất trắc, cái sự lệ thuộc các Duyên mà có.
Thì cái đó gọi là Khổ bản chất, như vậy khi mình hiểu Khổ là sự khó chịu của thân và tâm thì mình chỉ hiểu 1/3 thôi, có nghĩa là gì ?

– KHỔ KHỔ là sự có mặt của những gì làm cho mình khó chịu.
– HOẠI KHỔ là sự vắng mặt của cái gì làm cho mình dễ chịu.

Trời nực là khổ, nực nội nóng bức là khổ, nhưng mà cái quạt đang làm việc, cái máy lạnh đang làm việc mà tự nhiên nó ngưng nó không làm nữa, đó là Hoại Khổ.

Đang mát mà tự nhiên hết mát đó là Hoại Khổ.

– Còn HÀNH KHỔ là sao ?
Là sự có mặt trong xứ nóng, bản thân có mặt trong xứ nóng đó, bản thân sự hiện hữu đó gọi là Hành Khổ.
Đó. Nhớ nha.

Đó là ví dụ, còn nói rộng, cái gì làm cho mình khổ thân, khổ tâm, buồn khổ, hờn giận, sợ hãi, hoặc là đau đớn, nhức mỏi, tê buốt, oằn oại, vật vã, thì cái đó được gọi là Khổ Khổ.

Còn những cái gì sự vắng mặt, sự biến mất của cái gì đó cho mình sung sướng, tự nhiên là tình yêu đổ vỡ, tiền bạc mất mát, sức khỏe không còn, tiếng tăm danh vọng chức vụ bị mất đi, thì cái đó gọi là Hoại Khổ.

Còn bản thân sự có mặt trong cuộc đời này, trong hành tinh này, trong trái đất này, trong vũ trụ này, trong thái dương hệ này, thì sự có mặt bản thân nó là Hành Khổ, mà không thấy cái này, không thấy mọi thứ là khổ.

Cho nên không hiểu được điều thứ hai là không hiểu được rằng mọi thứ đam mê đều là đam mê trong khổ, đam mê và bất mãn đều trong khổ, muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa. Bởi vì thích là đầu tư.

Mà bây giờ mình không hiểu được chuyện đó tiếp tục thích là tiếp tục đầu tư, và ba nhận thức này cộng lại đó chính là

CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ.
Nó được phân tích rộng ra thành BÁT CHÁNH ĐẠO.
Còn hẹp là GIỚI ĐỊNH TUỆ.

Nói một cách khác nữa đó là ba nhận thức vừa rồi, nhận thức về Khổ, Tập, Diệt, ba nhận thức này cộng lại làm ra là ĐẠO ĐẾ.

Và chính vì Vô Minh làm nền cho Tà Kiến, cho nên vị thánh Tu Đà Hườn vẫn còn Vô Minh nha. Vì sao ?

Vì cái Vô Minh của một vị Tu Đà Hườn khác mình từ chỗ này, cái Vô Minh của mình là mù tịch, mù tịch, hoàn toàn không biết gì Bốn Đế. Nhớ nha. Phàm phu là mù tịch, còn vị Tu Đà Hườn thì cái Vô Minh của họ là gì ? Là họ hiểu chưa có hết, chưa có rốt ráo Tứ Đế chứ không phải họ không hiểu, họ hiểu mà hiểu của họ còn góc tối, còn góc khuất chưa có hiểu hết cho nên họ còn Vô Minh, nhưng chỉ cần họ hiểu căn bản thôi họ không còn Tà Kiến nữa, họ dứt hẳn Tà Kiến, cái Tà Kiến trong trường hợp đặc biệt này được gọi là Thân Kiến.

Tất cả Đoạn và Thường Kiến đều nằm gọn trong cái Thân Kiến. Rồi.

Tham nó có nhóm gồm có ba :

THAM, TÀ KIẾN, NGÃ MẠN

Ba cái này nó nằm trong Nhóm Tham Phần.
– Vị Tu Đà Hườn vẫn còn tâm tham nhưng không còn tà kiến, bởi vì vô minh của vị đó nó khác vô minh của mình, vô minh của vị đó là chưa hoàn tất, chưa rốt ráo, còn vô minh của mình là zero trong nhận thức, mình là zero trong nhận thức, còn người ta đã có một phần tư trong nhận thức, nó khác, khác nhiều lắm. Người ta có một phần tư trong nhận thức; còn mình zero, cho nên mình vừa ngu, vừa đui, vừa khùng nữa.

Khùng tức là Tà kiến
Đui tức là Vô minh

Mù, vừa mù mà vừa khùng nữa mới ghê, còn người ta khùng người ta không có, người ta chỉ bị cận thôi, viễn thị, loạn thị, cận thị thôi, đôi khi có những vị Tu Đà Hườn có vụ siêu thị nữa. Còn mình thì không, mình vừa khùng mà vừa mù nữa.

Tham, Tà kiến… Rồi tới Ngã Mạn.

Ngã Mạn ở đây mà không học đạo thì mình cứ tưởng Ngã Mạn tức là kiêu ngạo, tự tôn, tự đại, tự phụ, tự đắc. No. Hiểu như vậy mới có hiểu 1/3 của Ngã Mạn thôi, 1/3 thôi.

Bởi vì Ngã Mạn nó gồm có 9 nhưng gom lại có 3, nói rộng là 9 nhưng 9 đó được phân ra từ 3. Đó là:
– So hơn,
– So bằng,
– So thua.

So hơn có nghĩa là coi người ta dưới mình, coi mình trên người ta. Gọi là so hơn.

So bằng là nó tới đâu là tôi tới đó, nó tới đâu là tôi đâu có ngán nó đâu, như tôi kể hoài cái chuyện mà thằng bé vô chùa bị ông Thầy Trụ Trì la, về nói với bố nó mà nói thêm là ông Trụ Trì đòi đánh nó, không, Trụ Trì đánh nó, thì bố nó giận lắm cưng con quá chạy vô gây với ông Sư Trụ Trì,
– Tại sao Thầy có gì thì nói với người lớn tại sao lại đánh con nít.
Thì ông Thầy mới nói :
– Mô Phật, bần tăng chưa có đánh ai bao giờ.
Ông bố :
– Thầy không đánh mà Thầy chửi nó tùm lum hết.
– Mô Phật, bần tăng cũng chưa có chửi ai bao giờ.
Thì ông bố cũng lỡ rồi :
– Thầy liệu Thầy đó.
– Mô Phật, bần tăng chưa có ngán ai bao giờ.

Thì mình thấy rõ ràng ở đây không có so hơn, ở đây không có so thua, nhưng mà so bằng, tức là anh tới đâu là tôi tới đó, anh ra anh xuất chiêu Đoàn Nam Đế thì tôi cũng Dương Trùng Dương chớ không phải thường.

Đó là so bằng.

Còn so thua là sao ?

So thua có nghĩa là tự ti, mặc cảm, tự ti mặc cảm, tự tôn tự đại thì Ngã Mạn đúng rồi, còn so bằng có nghĩa là sánh vai với thiên hạ mà không ngán ai, người ta tới đâu mình tới đó. So bằng.

So thua nữa, có nghĩa là mình sống bằng với tự ti mặc cảm là không được. Phải thấy VẠN PHÁP NHƯ NÓ LÀ.

Là sao ? Người ta giàu là vì ngay lúc này người ta đang nhằm lúc người ta hưởng phước, mình nghèo là vì ngay lúc này mình đang chịu Quả bỏn xẻn, bủn xỉn.
Chỉ vậy thôi.

Anh đang là cái cây được tưới nước tưới tẩm, còn tôi đang là cây bị thiếu nước. Hết. Chỉ vậy thôi, chứ đây không có vấn đề là tự ti.

Khi mình có ý tự ti mặc cảm, gọi là khuất nhục đó, thì đó là sai, sai. Nhớ nha. Sai.

Vị Thánh khiêm tốn nhưng mà không có tự ti, vị Thánh tự trọng nhưng mà không có tự ái. Nhớ nha.

Bây giờ vạch áo ra coi có chỗ trống xâm cái này vào, xâm cái câu này vào :
– THÁNH NHÂN KHIÊM TỐN MÀ KHÔNG CÓ TỰ TI.
Khiêm tốn, khiêm hạ, khiêm cung, nhưng mà không có tự ti.
– TỰ TRỌNG MÀ KHÔNG CÓ TỰ ÁI.
– TỰ TIN MÀ KHÔNG CÓ TỰ HÀO.

Nhiều người tự tin tự hào là tốt, nhưng không, trong cái nhìn của Thánh Nhân tự hào cũng là một cái bậy.
Không có gì tự hào hết.

Chỉ có tự tin biết là chuyện này mình làm được, tự tin thì có, nhưng mà không có tự hào, tự trọng mà không có tự ái, có tự trọng nha. Không có làm gì để người ta coi thường. Đúng. Nhưng mà không có tự ái.
Và đặc biệt đó là khiêm tốn, khiêm cung, khiêm hạ cực kỳ nhưng không hề tự ti, còn mình thì tùm lum hết, mình mấy chuyện nhỏ nhỏ mình đã không phân biệt nổi rồi.
– Mình không phân biệt được bủn xỉn và tiết kiệm.
– Mình không phân biệt được hào sảng và phung phí. Đấy.
– Nhiều khi mình xài tiền, mình xài là vì sĩ diện, mặt mũi, mà mình không biết cái đó không phải là rộng rãi mà cái đó là sĩ diện hảo, đó là hoang phí, đó là xài ngu.
– Còn cái này mình phân biệt rõ ràng hào sảng khác, trao ra đúng chỗ đúng người đúng việc.
Đấy. Đó là hào sảng.
– Còn hoang phí là sĩ diện mua lấy mặt mũi, cái đó không phải hào sảng. Nha.
– Tiết kiệm là không xài chỗ không đáng xài, còn bủn xỉn là chỗ đáng xài vẫn không dám xài.
Nhớ nha.

Mấy cái này nhỏ nhỏ chứ ghê lắm, học đạo thậm chí ở ngoài đời có bằng cấp tùm lum chứ sống như con ruồi vậy đó. Tại vì mấy chuyện nhỏ xíu không hiểu, mà cứ tự mình nhặt ra một số chuẩn mực về ngôn từ, chuẩn mực về đạo đức xã hội và theo đó bu đeo, bám víu, mà không ngờ mình trật lất, sai bét, phải có một định nghĩa ngon lành.

Rồi.. Tà kiến, Ngã mạn là vậy đó. So bằng, so hơn, và so thua.

Tiếp theo là nhóm Sân.

Nhóm Sân ở đây gồm có 4. Nhóm Si gồm có 4: Si, Vô tàm, Vô úy, phóng dật. Tham cũng bắt đầu từ Tham, Tà kiến, Ngã mạn.

– Sân cũng có 4, bắt đầu cũng từ Sân, Sân ở đây gồm có 2. Nhớ nha.

Sân gồm có 2:
– Tham hồi nãy mình kể, đúng ra mình học hỏa tốc chứ còn có dịp mình ngồi mình tán, ngồi học thoải mái Tham mênh mông.

Ví dụ như là Tham.

Tại sao tôi đang nói Tham mà tôi quẹo qua Sân ? là bởi vì hồi nãy tôi tính nói mà tôi quên, mà cũng không phải quên, mà ém ém, ém hàng, giấu hàng thì đúng hơn. Bởi vì mình không có thời gian, Tham nó gồm có là đam mê, đam mê trong dục, trong thiền, trong hiện hữu, trong hưởng thụ, trong sở hữu. Đó là Tham.
Nhưng mà Tham còn có cái nữa là gì ? Tham là muốn có cái mình thích và muốn tránh cái mình ghét, cũng là Tham, cái đó cũng là một cách phân tích.

Sân cũng vậy, Sân mà nói sơ sơ mà đại khái đó thì Sân là bất mãn, nó gồm có cái gì ? Nghe cho kỹ nha, nghe cho kỹ nha.

Bất mãn là muốn chạy trốn, muốn phủ nhận, muốn xóa sổ, xóa dấu cái gì đó.

Ví dụ như là sợ hãi cũng là Sân, nhớ nha sợ hãi là Sân. Tức tối, hờn giận, căm thù, bất mãn, cũng thảy đều là Sân, là vì đó là tâm thái chống đối muốn xóa sổ, muốn phủ nhận, muốn triệt tiêu cái gì đó, không muốn nhìn thấy cái gì đó. Thì gọi là Sân. Nhớ nha.

Như vậy thì chốt lại Sân có 2 cho dễ nhớ. Sân có 2.
Đó là sự bất mãn không vừa ý trong hai tình huống sau đây :
1️⃣ SÂN LÀ BẤT MÃN VÌ KHÔNG CÓ ĐƯỢC CÁI MÌNH MUỐN.
2️⃣ SÂN LÀ BẤT MÃN VÌ KHÔNG TRÁNH ĐƯỢC CÁI MÌNH GHÉT.
Vạch áo ra XĂM cái này vô, XĂM cái này vô.

Tham cũng có 2 :
1️⃣ MUỐN CÓ ĐƯỢC CÁI MÌNH THÍCH.
2️⃣ MUỐN NÉ ĐƯỢC CÁI MÌNH GHÉT.
Nói cho gọn vậy đi.

Còn phân rộng ra thì Tham nó nhiều lắm, ví dụ như là:
– Thích hưởng thụ
– Thích sở hữu
– Thích hiện hữu.

Đó cũng là một cách phân tích tùy trường hợp, nhưng trường hợp gọn mình chỉ nói Tham gồm có 2 thôi.
Tức là muốn có cái mình thích và muốn né cái mình ghét. Sân cũng vậy.

Sân định nghĩa tùm lum, nhưng mà nói gọn lại Sân là bất mãn khi không có được cái mình thích và Sân là bất mãn vì né không được cái mình ghét.

Đó là ngon lành nhất, định nghĩa vậy là ngon nhất.

Như vậy thì sợ ma, sợ chuột, sợ gián, ghen tuông, tức tối, hờn giận, sợ hãi …
Tất thảy đều là Sân hết.

Cái đầu tiên là SÂN.

Thứ hai là TẬT.

Tật có nghĩa là gì ta ?
– Là tỵ hiềm, là ghen ghét, là gato, Tật áh. Tật tỵ hiềm, ghen ghét, ganh tỵ, gato.
– Gato là gì ? Gato là ghen ăn tức ở, cái tức mà mình vay mượn ngữ âm Nhật bản, gato mình viết tắt lại là ghen ăn tức ở.
– Bủn xỉn, bỏn xẻn là khó chịu khi thấy mình bị mất đi cái gì.
– Ganh tị là khó chịu khi thấy người ta được cái gì.
Nhớ nha. Nhớ chữ được, chữ mất này hay lắm, cho dễ nhớ.
– Ghen tị là gato, là không có vui khi mà thấy người khác được cái gì, sợ người khác được cái gì, hoặc là khó chịu khi thấy người ta đã được cái gì.
Cả hai cái khó chịu, khó chịu vì người ta nghĩ là người ta sẽ được, hoặc là người ta đã được, thì cái khó chịu đó gọi là ganh tị.

Cả ba khó chịu là vì :
– Người ta đã được, sẽ được và đang được cái gì đó.
Còn bủn xỉn khó chịu là vì :
– Đã mất, đang mất và sắp mất cái gì đó.
Gọi là bủn xỉn.
Mặc dù cái đó thuộc về tinh thần hay là vật chất.
Nhớ nha. Mấy định nghĩa này là phải XĂM hết, chứ còn tôi ớn nhất hỏi bủn xỉn là gì ? ganh tị là gì ?
Nói ấm a ấm ớ …ấm a ấm ớ … tôi ghét quá đi.

Trước khi tôi vào giảng có mấy phút thôi, có mấy tay trong nước hỏi tôi thấy câu hỏi, không. Họ không có hỏi tôi, người khác nhờ hỏi giùm.
Tôi trả lời thế này : Cô ơi nếu mà người hỏi mà học nghiêm túc thì
1/ Là tự họ tìm ra câu trả lời.
2/ Là họ hẹn ở buổi nào đó rồi gặp riêng, gặp trực tiếp đi, chứ còn hỏi nhắn kiểu này thì tôi phải trả lời như thế nào đây. Nếu mà dân không nghiêm túc mới hỏi nhắn, bởi vì hỏi nhắn nó khó thế này, hỏi nhắn có nghĩa là tôi trả lời bằng miệng thì nó cũng rơi rớt.
Tại vì ông bà mình nói “Tam Sao Thất Bổn” có nghĩa là 3 lần photo nó ra tới 7 bản.
Tam sao thất bổn là như vậy đó, tức là 3 lần photo nó ra tới 7 bản. Đó là nói về tin nhắn, nói về nói miệng, còn trả lời bằng tin nhắn thì tôi xin lạy các vị. Phật Pháp nói riêng và kiến thức ở đời nói chung, mà qua một tin nhắn khó lắm, chỉ trừ ra mấy cái như là số điện thoại thì còn nhắn được. Số điện thoại còn nhắn được, nhưng mà cũng chưa chắc nữa.
Tôi nhớ có một buổi trưa hè oi bức có cú phone gọi vô nhà, thì ông bố mới bóc phone lên hỏi ai đó ? bóc phone chưa trả lời thì đằng kia có tiếng như thế này :
– Công chúa của anh, anh là hoàng tử thông minh đây.
Thì ông bố nghe vậy mới nói :
– Kiếm công chúa làm gì ? công chúa đi vắng rồi.
Thì ảnh hết hồn :
– Con xin lỗi bác, con muốn hỏi Lan có ở nhà không ?
– Công chúa đi vắng rồi, bây giờ cần gì ?
– Dạ, con nghe nói Lan mới mua iPhone, bác cho con xin số phone chứ gọi phone nhà bất tiện.
Ông bố nói :
– Ghi đi 123456789 Zero,
đó ghi đi, mình là hoàng tử thông minh thì mình tự xếp các số đó lại, hoàng tử thông minh mà, xếp mấy số đó lại rồi gọi.
Đây không phải là chuyện cười, mà ở đây tôi muốn nói ở đây là ngay cả số phone đó, số phone mà nó sai là cũng khỏi gọi luôn, nói chi là mấy vấn đề tâm linh siêu hình như A Tỳ Đàm mà trả lời tin nhắn là trả lời cái gì ?
Nhớ nha. Rồi.

Cho nên học là phải ra sức, phải ra sức. Rồi. Mình đang học 4 nhóm Tâm Sở Sân Phần.
SÂN, TẬT, LẬN, HỐI.
– SÂN ở đây là sự khó chịu bất mãn vì không tránh được cái mình ghét và không có được cái mình thích gọi là Sân.
– TẬT ở đây là ghen tị, tị hiềm, sự khó chịu khi thấy người ta đã đang và được, đã, đang, sẽ, được cái gì đó.
– LẬN là Tâm Sở Bủn Xỉn.
Tiếng Việt xưa kêu là bỏn xẻn, có nhiều bà con ở bên ngoài không biết đạo thấy nghe chữ bỏn xẻn không hiểu thành ra là bủn xỉn, bủn xỉn, bắc kỳ kêu là bủn xỉn.
Vắt chày ra nước thì cái đó gọi là gì ? Là sự khó chịu.
Cái gì cũng khó chịu, trong cái nhóm này cái gì cũng khó chịu hết.
Sân là khó chịu, bất mãn khi mà không tránh được cái mình ghét, không có được cái mình thích.
– TẬT là tật đố, tỵ hiềm, khó chịu, bất mãn, khi thấy người ta đã đang và sẽ được cái gì đó.
– BỦN XỈN nó là sự khó chịu, sự bất mãn, khi mà thấy mình đã, đang và sẽ mất cái gì đó.
Đó là SÂN, TẬT, LẬN.

Còn HỐI là cái gì ?
– HỐI gồm có 2 : Có nghĩa là sự ray rứt, sự tiếc nuối, với chuyện mình đã làm và cái chuyện mình chưa làm, không làm. Chỉ có hai.
Ray rứt gồm có 2 :
– Ray rứt vì tại sao mình đã làm chuyện đó ? Tại sao mình nói chuyện đó ? Tại sao mình lại nghĩ ra chuyện đó ? Đó là mình hối hận vì chuyện đã làm.
– Còn hối hận chuyện chưa làm, chuyện không chịu làm, đó là tại sao mình không chịu làm chuyện đó ? Tại sao có câu đó mình không chịu nói ? Hoặc là tại sao chuyện đó mình không nghĩ ra ? Tại sao mình không nghĩ được chuyện đó ta, kỳ vậy ta ? Tại sao mình lại suy nghĩ theo hướng đó mà không nghĩ theo hướng kia.
Như vậy HỐI có 2.
Có nghĩa là ray rứt vì chuyện đã làm hoặc không chịu làm, đã nói không chịu nói, hoặc là chuyện mình đã suy nghĩ mà lại không chịu nghĩ cho nó tới. Thì đó là Hối.
SÂN, TẬT, LẬN, HỐI.
Thì bốn ông Thầy này cộng lại là nhóm Sân Phần.

Nhóm Si Phần :
SI, VÔ TÀM, VÔ ÚY, PHÓNG DẬT
Thì bốn cái đó tới A La Hán mới trừ được, mới trừ hẳn, nhưng mà Vô tàm, Vô úy mình nghe như vậy mình nói Tu Đà Hườn giống tôi.
No, no, no. Tu Đà Hườn cũng có Vô tàm, vô Úy mà Vô tàm, Vô úy ở trong cái gì ? Tâm thôi.
Ví dụ như họ có một tí xíu Vô tàm, Vô úy thoáng qua để họ sân giận, họ ham thích cái gì đó nhẹ thôi, cái đó thuộc về Ý nghiệp thôi.
Thánh Hữu Học.
Chứ Vô tàm, Vô úy của vị Tu Đà Hườn tuyệt đối không có giống như mình, mình Vô tàm, Vô úy mình có thể là sao ? Loạn luân, lấy vợ bạn, lấy chị dâu, đâm cha chém chú, đâm heo thuốc chó, đốt nhà, cướp của, giết người, cưỡng bức phụ nữ, tàn sát đồng loại, bán rẻ luân thường đạo lý, mãi quốc cầu vinh. Đó.
Cái Vô tàm, Vô úy của mình, mình có khả năng đốt chùa, giết Tăng, phá tượng, thậm chí giết La Hán, giết Cha giết Mẹ, làm thân Phật chảy máu. Ví dụ như vậy.
Vô tàm, Vô uý phàm phu mình là coi như là bao trọn gói tất cả ác nghiệp Thân, Khẩu, Ý.
Không có từ nan cái gì hết.
Còn Tu Đà Hườn thì không.
Cái Vô tàm Vô úy của họ chỉ là thoáng qua trong những lúc mà họ có Sân một tí, có thích một tí, có hờn giận một tí. Đó nghe vậy đó.
Thì mình phải hiểu như vậy chứ không thôi mình tưởng mình học mình thấy Vô tàm, Vô uý chỉ có La Hán mới trừ, mấy tầng thánh ở dưới không có vậy mấy vị giống mình y chang. No. Không có, không có, không có.
Không có đâu.
Người ta chỉ có tý sình thôi, còn mình là nguyên một cánh đồng sình, hai cái đó nó khác nhau nha. Rồi.

THAM cũng vậy,
Tham mình thấy THAM, TÀ KIẾN, NGÃ MẠN, mình thấy Tà kiến Tu Đà Hườn là không có, Ngã mạn thì lên tới La Hán mới hết. Mình nghe vậy mình khoái quá. Ồ! Như vậy mình với mấy vị Thánh Hữu Học giống nhau. No. Lại bậy nữa.
Cái Ngã Mạn của mình là không biên giới, mình sẵn sàng so hơn, so bằng, so thua, trúng trật gì cũng so.
– Người ta hơn mình mà mình tưởng người ta bằng mình.
– Người ta hơn mình mà mình tưởng người ta thua mình.
– Mình thua người ta mà mình tưởng mình bằng người ta, hơn người ta, tùm lum tùm la vì cái Ngã Mạn của mình nó đủ làm cái nền để chuyện ác nào mình cũng làm được hết.
Nó khổ như vậy đó.
Ngã Mạn của mình đó, vì mặc cảm tự ti có thể dẫn đến chuyện giết người, mặc dù giết bằng Tâm Sân. Nhưng cái Nền là Ngã Mạn. Có thể. Vì mặt mũi sĩ diện mà mình có thể đốt nhà, cướp của, giết người. Nhưng mà Thánh Nhân thì không.
Mấy vị Thánh Hữu học trở lên người ta đã hiểu Bốn Đế rồi, cho nên cái Ngã Mạn người ta chỉ đơn giản nhẹ thôi, người ta thấy là thằng này nó ngu hơn mình, thằng này nó thông minh hơn mình. Chỉ như vậy thôi.
Chứ nó không đủ để mà cao hơn, xa hơn, nặng nề, mù mịt hơn là không có.
Còn mình là không giới hạn, không kiểm soát nổi. Nhớ nha.

Cho nên Ngã Mạn là phải La Hán mới trừ dứt hẳn.
– Tà kiến là Hữu Học là hết.
– Tham của người phàm phu là nó phải đi liền với Tà kiến, có khả năng đi liền với Tà kiến, nhưng Tham của Bậc Thánh Hữu Học không đủ, nó không đủ, tại vì Tham đó không đủ để làm những ác nghiệp mà dẫn đến chuyện sa đọa.
Trong A Tỳ Đàm nói rất rõ, cái Tham của Tu Đà Hườn không có đủ để vị đó sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu hại người. Nhớ nha. Cái Tham của vị Tu Đà Hườn không đủ để mà làm cái chuyện vi phạm 5 giới, 8 giới. Không đủ.
Cái Tham đó không đủ.

Là bởi vì sao ?
Bởi vì cái Tham đó không có Tà Kiến đi cùng.
Rồi Sân cũng vậy.
Nói Tham trước đi.
Mình nghe nói Tham mình khoái quá, trời ơi như vậy là Tham A La Hán mới dứt hết vậy là tui với Tu Đà Hườn giống nhau. No.
Tu Đà Hườn người ta Tham nhẹ thôi, ví dụ như người ta ăn ngon cũng thấy thích, nhưng mà thích là thích, người ta thấy nó thơm, nó ngon, nó giòn, nó béo, nó bùi, thì họ thấy thích nhưng mà sao ? Biết như vậy mà lập tức họ biết liền, đây là đồ giả, cái thích này là giả, cái ngon này là giả, họ biết liền cái thân này có thể chiều nay nó lăn ra nó chết, họ biết liền cái thân này là đống rác đầy ắp hôi hám bất tịnh, họ biết cái thân này là ổ bệnh, họ biết cái thân này là nghĩa trang chứa các thứ xác chết động vật, họ biết hết. Và họ không còn Thân Kiến nữa cho nên họ thấy họ thích vậy mình tưởng họ giống mình là sai.
Bây giờ mình hỏi thiệt nha.
Ở đây trong zoom này có ai là bác sĩ, dược sĩ không ? Đói bụng thì cũng tấp vô quán vỉa hè kêu cơm tấm chả giò ăn, nhưng mà trời đất ơi, với cái đầu bác sĩ, cái đầu y tá, cái đầu dược sĩ, nó ăn mà nó ớn muốn chết luôn.
Nó biết cái miếng này nè có thể là đồ cũ nó đã chiên tới chiên lui tám chục lần rồi, mà dầu nó chiên nếu mình ngó kỹ thì nó đen hơn là hắc ín dầu hắc nữa.
Biết hết áh, biết chứ.
Nhưng mà đói quá thì vẫn ăn, còn ba cái chả cuốn, gỏi cuốn trời đất ơi ruồi con nào con nấy như chim sẻ bay lượn lờ. Họ biết hết.
Nhưng mà đói quá thì ăn mà vẫn thấy ngon nha, nước chấm thì cho nó tới, đủ cay, đủ chua, đủ mặn, đủ ngọt, thì nó cũng đã lắm. Hít hà, hít hà đã lắm, nhưng mà đã là đã vậy thôi, chứ cái đầu của bác sĩ mà, mới trong bệnh viện mổ người ta xong rửa tay là nhào ra là ăn liền, máu me nó còn lãng vãng trong đầu, họ đói thì họ ăn chứ còn …
Có một lần đó, năm đó năm 19 tôi về tôi thăm Sư Phụ ở bệnh viện … quên cha nó … Hồng Bàng hay Phạm Ngọc Thạch gì đó. Sư Phụ bệnh phổi, mà tôi vô thăm Sư Phụ mừng quá tại vì Chư Tăng huynh đệ không muốn Sư Phụ biết tôi về, muốn bất ngờ, đợi cho tôi lù lù lù tôi đi vô, tôi ôm cái chân Sư Phụ nằm trên giường, tôi nắm chân Sư Phụ.
Sư Phụ mừng vui dữ lắm, Sư Phụ mới nói : Thôi trưa nay ở lại đi ở bệnh viện có bán cơm, có bán cơm ở đây ăn cơm với tôi đi.
Tôi nói : Dạ nóng quá con ăn cũng không nổi, con cũng có lu bu trong nhà con chạy về chùa tí rồi mai chiều con qua thăm Sư tiếp.
Mà tôi giấu tôi đâu có nói, từ ở ngoài cửa hồi nãy mà tôi vô tới cái phòng quý vị thấy đờm, đờm … đàm áh …
Nam với Bắc đứa kêu đờm, đứa kêu đàm, tôi không biết kêu làm sao … thôi kêu cả hai đờm, đàm đi. Xong.
Đàm xanh mà nó một bãi to đùng như vầy, ở Việt Nam mình mà để cấm khạc nhổ, cấm hút thuốc, mà trời ơi khói thuốc thì nó như miểu bà chúa xứ, mà đàm nó phẹt phẹt … từ ở ngoài cổng mà nó vô … cứ lâu lâu gặp một bãi … lâu lâu gặp một bãi, mà con ruồi con nào con nấy mập ú mà to đùng, con nhặng Bắc kỳ kêu là con nhặng, miền Nam kêu là ruồi xanh, sà vô cất cánh … dọt, sà vô cất cánh …dọt, bây giờ tôi tưởng tượng tôi thấy đồ ăn bán đầy phía trước bệnh viện, mà bây giờ nếu tôi ngồi ở lại với Sư Phụ cái là mua ở đâu ? Sư Phụ nói đồ ăn ở đây được lắm. Thế là mấy người Phật tử ở đó họ đi ra ngoài cổng họ mới khiêng cái đó vô làm cho 2 dĩa, 3 dĩa, kỳ đó 4 Sư, đem vô 4 dĩa, các vị nghĩ coi các vị có thấy muỗng nĩa hàng rong họ rửa kiểu nào ? có cái sô đó rửa từ cái đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh Thanh có sô 1.
Qua các triều đại thăng trầm lịch sử có sô 1.
Nó rửa chừng nào mà coi như nước rửa nó sệt lại nó mới tha, chứ ngoài đường làm gì có nước, các triều đại, nước đó rửa riết vậy đó.
Cơm thì dơ kỷ lục, xong rồi nó chọt cái muỗng vô đem vô mình ăn, mà ruồi con nào con nấy mình nhìn mình thấy nổi óc.

Tôi đã cố ý tôi nói cho lạc đề để các vị thấy cái gì ? Trong cái tâm tư của tôi lúc đó các vị nghĩ coi tôi ăn cái dĩa cơm tôi ăn bằng tâm thái như thế nào ? Mà vị Tu Đà Hườn còn ghê hơn cái đó nữa, ghê hơn cái đó nữa, vị Tu Đà Hườn ăn chén cơm, ngắm đóa hoa biết rõ đây là đóa hoa trước sà lim tử tù, ăn chén cơm biết đây là chén cơm chỉ dành cho người ung thư kỳ cuối, thì đóa hoa mà trồng trước xà lim tử tù, chén cơm1 của người ung thư kỳ cuối, thì hỏi chén cơm đó nuốt nổi không ? đóa hoa mà trước sà lim tử tù ngắm nổi không ? Không nổi.
Thì thấy nó đẹp cũng khen khen vậy, gió sớm mơn man rung rung nhẹ nhẹ, hoa hồng nhiều cái nó cũng thơm thơm thoang thoảng, dĩa cơm thì phải nói là đúng cái món mình thích luôn.
Nhưng mà mình biết đây là chế độ dành cho người, bị mình đang ở trong khu xạ trị, mà mình có những ác tính nữa, thì mình thấy lạt mồm lạt miệng đã đành rồi, còn có chiêu gọi là bữa cơm suất ăn trong khu điều trị đặc biệt ung thư kỳ cuối.
Rồi thêm nữa hoa này là hoa trồng ở trước dãi sà lim dành cho tử tù, thì mình ở trong đó nhìn ra bụng dạ nào mà thưởng thức.
Thì vị Tu Đà Hườn giống như vậy, luôn luôn ý thức được rằng Danh Sắc sanh diệt, sanh diệt chớp tắt liên tục và liên tục.

Cho nên mình nghe nói Tham mình tưởng Tu Đà Hườn giống mình. No.
Chén cơm người ta ăn là chén cơm tử tù, đóa hoa người ta đang ngắm là đóa hoa trồng trước sà lim tử tù.
Đó. Vậy đó. Nhớ nha.
Chứ đừng có ngồi tưởng mà nghe Tu Đà Hườn còn phiền não này, còn phiền não kia giống mình, như vậy cá mè một lứa. No.
Không dám đâu.
Cách nhau xa lắm một ngàn năm ánh sáng cách nhau ngàn năm ánh sáng đó, chịu nổi không, một giây đồng hồ là ba trăm ngàn km, một ngàn năm ánh sáng là họ xa mình lắm.

Bởi vì trong Kinh nói thế này, phàm phu cơ hội quay lại thân nhân thiên khó còn hơn rùa mù chun lỗ ván ngoài biển.
Chuyện này ai cũng biết hết tôi không nói rõ, trong Kinh nói có miếng ván ngoài biển, ví dụ nó có lỗ vừa vặn đầu con rùa, nhưng mà rùa đó rùa mù, trăm năm trồi lên một lần, trong một cơ hội hiếm hoi hạn hữu nào đó mà cái đầu nó tình cờ chọt vô lỗ ván.
Xác suất thấp lắm.
Cho nên phàm phu của mình nếu mà mình biết đạo có tu học thì coi như mình khá hơn, mình không đến nỗi trăm năm trồi lên một lần, ít ra cũng vài giờ mình trồi một lần.

Thứ hai GIAI ĐOẠN CẬN TỬ của phàm phu mình kinh hoàng lắm, sợ hãi, tiếc nuối, đau đớn, quằn quại, vật vã, khó mà đi lên lắm.
Biết đạo, học giáo lý, hành Thiền tùm lum … tới hồi tới cử mà nó đảo chánh kỳ cuối thì có người ra đi tôi hay nói hoài, có người họ chết êm là bởi vì cách đảo chánh nhưng bằng cách mạng nhung, tức là cuộc đảo chánh mà diễn ra trong êm đềm thì thôi, nghe nó lói cái, hước cái đi luôn, bị tim, đứt gân máu nghiến cái đi luôn, nhưng mà có em đảo chánh đổ máu, tức là trước khi chết phải có cuộc đảo chánh rần rộ kéo dài mấy tháng, mấy năm trời, thân xác kiệt quệ, quốc phòng, văn hóa, kinh tế, chính trị xã hội bị đánh sập hết nó mới chịu chết.
Có cái loại đó nữa.
Có cái loại đó nữa, đau đớn lắm.
Và trong những giây phút đó đi lên là khó lắm, nhưng mà Tu Đà Hườn lại khác, Tu Đà Hườn mà bây giờ có chết kiểu gì đi nữa, dứt khoát chỉ có một con đường lên không có con đường xuống, là mình thấy họ cách mình xa cỡ nào. Mình mà chết đàng hoàng, chết sạch sẽ, chết êm ái, thì còn may ra. Chết có hộ niệm, có trợ tử còn may ra. Chứ còn chết tai nạn, chết khẩn cấp, chết bất trắc là mấy cái chết đó khó lắm, khó lắm …
Còn Tu Đà Hườn thì không.
Tu Đà Hườn mình nói quá mà đúng, nói quá mà đúng, là họ còn cầu chết nữa, tại vì họ biết chết như vậy nó khỏe, họ đi lên kia thơm ngát và mát lạnh, sống thân này cũ xì, hôi hám, đau đớn, tanh tưởi, bất tịnh, nản lắm. Còn cầu. Không lẽ mình cầu là hỏng tới mà gần như vậy. Họ sẵn sàng đi về trển để cho khỏe, đi định cư nước ngoài, chứ còn ở phi trường lúc chờ bay họ cũng nản rồi. Còn mình thì không, cơ hội mình chỉ có đi Irac thôi chứ không có đi đâu.

SÂN, TẬT, LẬN, HỐI
SÂN là bất mãn vì không tránh được cái mình ghét, không có được cái mình thích.
Tu Đà Hườn còn, nhưng mà nghe vậy mình tưởng mình với họ giống nhau. No. Không có giống, cái Sân của mình nó đủ để mình làm tất cả các ác nghiệp. Nhớ nha. Nhớ cái câu này phải XĂM vô người. CÁI SÂN CỦA PHÀM PHU NÓ ĐỦ ĐỂ LÀM TẤT CẢ CÁC ÁC NGHIỆP.
Nhớ nha.
Chẳng qua bây giờ mình thấy nết na hiền hậu, tôi gặp rồi, gặp nhiều lắm. Trời ơi gặp Chư Tăng cái cung kính, đi đảnh lễ chào chào cái đi lùi không hà, không dám quay lưng nha, quay lưng sợ phạm thượng, thất lễ, bất kính, đi lùi .. lùi .. lùi …Trời đất ơi tới hồi cơn nó lên, nó chửi như là chửi con, nó nói không còn non nước nào hết, mà nó còn bịa thêm, nó còn dặm vá tùm lum tà la hết, nó nói cho tan nhà nát cửa, kinh khủng như vậy.
Bình thường trời ơi nó nết na, ngoan hiền, mình nhìn chết lên chết xuống với nó luôn, đi lùi không hà, không dám quay lưng, mà tôi đang nói một người ngoan hiền đó nha, tín ngưỡng nha, ngoan hiền dễ thương cực phẩm luôn, cơn của nàng lên rồi chỉ có chết thôi.
Đó là nữ đó.
Cái Sân của phàm phu ta nói kinh hoàng lắm, chuyện gì nó cũng làm, đâm cha chém chú là chuyện nhỏ xíu, nhưng mà vị thánh Tu Đà Hườn trở lên thì không, Tu Đà Hườn dĩ nhiên A Na Hàm dứt hẳn Sân rồi. Nhưng mà Sân của Tu Đà Hườn chỉ là một chút bất mãn, một chút khó chịu, đủ để cho vị đó có một chút biểu lộ, ví dụ như vị đó buồn thương thì có khóc, ví dụ như Ngài A Nan Ngài có khóc, nhưng mà những trường hợp đại sự nhân duyên, như Ngài nghe Da-du mất Ngài khóc, bà Gotami mất Ngài khóc, Ngài Xá Lợi Phất mất Ngài khóc.
Ngài chỉ đổ lệ trong những tình huống cực kỳ, những nhân vật cực lớn. Bà Da-du, Bà Gotami, Ngài Xá Lợi Phất, đương nhiên cuối cùng là Đức Phật, khi mà Ngài nghe Đức Phật dự hứa Niết Bàn ba tháng nữa Ngài khóc, Ngài không kềm được bởi vì mình nghe mình tưởng chắc Ngài quyến luyến Đức Phật. No. Không phải. Trên cái quyến luyến đó nữa, bởi vì hơn ai hết một vị Tu Đà Hườn lại là Đệ Nhất Đa Văn Ngài biết sự vĩ đại của Đức Phật đến dường nào, sự hiếm hoi của một Đức Phật đến dường nào, lòng đại bi của Đức Phật là bao la đến dường nào, kể từ hôm nay cái nhân cách đó, cái con người vĩ đại đó, cái con người mà cái gì cũng biết, ai Ngài cũng thương, khó khăn nào gặp Ngài rồi cũng có hướng giải quyết, mà con người này sắp sửa không còn nữa, Đế Thích, Ngọc Hoàng, Thượng Đế hữu sự còn phải xuống quỳ lại chầu hầu Thế Tôn để mà xin một lời hướng dẫn. Vậy mà hôm nay con người đó, nhân cách vĩ đại đó sắp bỏ mình mà đi, và Ngài biết rằng trên đời này không có ai mà thay thế Đức Phật. Trước đó là sư huynh Xá Lợi Phất của Ngài, bây giờ đến phiên Đức Phật, nghĩ tới đó mà điếng người, điếng như vậy, một người như bà Da Du Đà La làm sao tìm ra, một người đàn bà mà như bà Da-du cái độ hiếm đó cũng tầm tầm như là Đức Phật, cỡ cỡ đó vậy đó, mà người đó thương quý Ngài A Nan biết là bao nhiêu mà bây giờ phải tịch, rồi một người như bà Gotami đâu phải là dễ kiếm, mà thương quý Ngài A Nan biết là bao nhiêu, xét trong tình thân là chỗ máu mủ huyết thống, đặc biệt những nhân cách đáng kính, đáng quý, cực kỳ hiếm hoi, mà đã ra đi thì Ngài dằn lòng không được.
Chỉ vậy thôi.

TẬT LẬN trong chú giải nói rất rỏ Tu Đà Hườn không còn bủn xỉn, không có còn ganh tị vì vị đó không còn Thân Kiến. Khi một người không còn Thân Kiến thì vị này không còn khả năng tỵ hiềm ghen ghét và bủn xỉn. Không còn. Vị đó không có khả năng, khả năng tâm lý không có, lòng vị đó chỉ có buông bỏ thôi, vui với Nhân lành Quả lành của người khác, biết chạnh lòng trước Nhân xấu Quả xấu của người khác, và vị đó tuyệt đối không có một tí ti lý do gì mà để giữ lại cái gì đó cho riêng mình bằng cái lòng bủn xỉn. No.
Người đã dứt Thân Kiến không có khả năng đó, không có khả năng bất thiện loại đó và vị đó chỉ còn Hối thôi.

SÂN, TẬT, LẬN, HỐI
HỐI còn nhưng mà Hối còn là sao ?
Hối là tại sao cái việc thiện đó, cái câu nói đó hồi nãy mình không chịu nói ? đó chỉ nhẹ nhẹ như vậy thôi, chứ còn Hối tại sao mình lại làm như vậy, mình bất kính, mình phạm thượng với Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Tại sao mình làm như vậy với Sư phụ, với Cha Mẹ, Thầy Tổ, Bậc hữu ân. No.
Vị Tu Đà Hườn không có cái đó, vị Tu Đà Hườn làm gì có chuyện đó đâu mà Hối.
Hối nhẹ thôi.
Hối tại sao hồi nãy tiễn đi mà tại sao không chịu nói một câu cho vị đó an lòng, đó cái đó thì có nhẹ nhẹ vậy đó, hồi nãy sơ ý quá y rách vị đó rõ ràng y rách đó, mình sơ ý mình có y mới, mình có dư mà bất cẩn quá, sơ ý quá, biết vậy đưa là vị đó có y mới mặc rồi, Hối nhẹ vậy đó.
Chứ còn Hối kiểu tại sao mình đâm cha chém chú, cướp bóc giết người, hại người đoạt mạng thì không.
Nhớ nha.
Và chốt lại, nãy giờ nói phiền não của A Tỳ Đàm, còn nói theo Tạng Kinh thì cái vị Tu Đà Hườn tầng Thánh đầu tiên, tầng Thánh thấp nhất ngay sau giây phút chứng Quả, chứng Đạo Tu Đà Hườn vị đó không còn hành xử theo BỐN PHÁP THIÊN VỊ. Nha. Nhớ nha.
Tham sân si vị đó còn nguyên, tà kiến không còn, ganh tị bủn xỉn không còn. Đúng. Nhưng tham sân si vẫn còn, nhưng mà vị đó không có hành xử, cư xử, đối xử, xử sự ở đời theo bốn pháp thiên vị.
Là thiên vị vì thương, vì ghét, vì dốt, vì sợ, như là phàm phu, phàm phu mình cái chuyện đó là ai cũng không có được làm nhưng mà người mình thương là được, được hết, nó khác như vậy đó, không có ai được làm chuyện đó hết, nội quy đã cấm, luật đã cấm, mà mình cũng ghét chuyện đó nữa, ai cũng không được làm chuyện đó nhưng mà người mình thương thì mình Ok, đâu có gì đâu, mình tìm cách mình bao biện, biện hộ, mình ngụy biện, thì cái đó được gọi là thiên vị vì thương.
Vị Tu Đà Hườn không, vị Tu Đà Hườn phiền não vẫn còn, cái còn, cái mất. Đúng. Nhưng đã hành động thì cứ thẳng ruột ngựa đúng mực tàu mà hành động, không vì thương ai mà làm sai, không vì ghét ai mà làm sai, không lấy cái dốt của mình để màn hành xử, và cuối cùng cũng không vì sợ ai mà hành động bậy bạ, thiếu công bằng sai trái với lẽ phải. No.
Vị Tu Đà Hườn không hành động cái đó. Nhớ nha.
Mình học về Tâm Sở là phải học đại khái như vậy đó, chứ còn mà trời đất ơi … hành Thiền áh, nhiều người họ nói với tôi mà tôi nói hồi đầu tôi cũng khó chịu, hồi đầu tôi giận riết, tôi cũng khó chịu rồi bây giờ tôi cũng chán, rồi bây giờ tôi gọi là Mackeno rồi, tiếng Nhật Mackeno là “MẶC KỆ NÓ” đó.

Giáo lý thì không chịu học mà hễ cứ mở miệng ra là khoe không, con muốn học quá mà lúc này con mắc đi dự khóa thiền ở dưới Hà tiên, rồi con sắp đi dự khóa gì của Ngài nào bên Miến qua dạy ở Đà Lạt, dạy ở resort, Nha trang, Đà lạt, Vũng tàu, Long hải, thì Ok. Mình nghe mình tùy hỷ họ có lòng tu. Nhưng mà mình nghe mình khó chịu lắm. Tại vì trời ơi giáo lý, họ khoe với mình rồi có khi trước khi khoe và sau khi khoe, họ hỏi mấy cái điều mà mình hết hồn. Trời đất ơi, cái này không biết thì làm sao mà Thiền ? Tôi nói riết, bây giờ quý vị muốn ăn rau luộc thì quý vị cũng phải biết cái mà quý vị luộc đó là rau gì ? luộc nó ra làm sao ? mình muốn kho, muốn chiên, muốn xào, muốn nấu thì mình phải biết cái món đó là cái gì ? mình biết nước mắm, nước tương, là cái gì ? muối, bột nêm, ớt tiêu tỏi, hành đường là cái gì ? mình muốn quét nhà thì phải biết đồ hốt rác khác cây chổi chỗ nào ? Cái chổi là cái này.. này.. này, cái này là cây chổi phải không ? cái này là đồ hốt rác phải không ? Đúng. Mà quét là sao ta ? quét sao.. quét sao, giờ đang có gió mình nên khép cửa lại đúng không ? rồi mình mới lùa vô, mình gom đống, rồi sao nữa ? hất nó vô đây phải không ?
Đây là những kiến thức rất căn bản, gió vô lồng lộng mà cứ chổng mông quét đã thấy mệt rồi, quét nhà cũng phải học nữa, quét nhà cũng phải học, rửa chén cũng phải học.
Trời ơi trú xứ của tôi bên Mỹ, châu Âu cũng vậy, người ta tới rửa chén mà tôi đứng nhìn tôi mệt luôn.
Có người họ chỉ chấm một miếng xà bông, tại vì những cái gì mình ghét mình hay chú ý, họ chấm một miếng xà bông là họ rửa tam hoàng ngũ đế, vạn vật vũ trụ, càn khôn âm dương là có một miếng xà bông đó xài suốt mùa thu cách mạng, còn có người trời ơi.. nó xài xà bông quá sức nhiều, mà chưa hết, còn có người xà bông bọt đầy hết mà chỉ tráng sơ.. úp.. tráng sơ… úp.. có nghĩa là mỗi lần ăn miệng mình sủi bọt mép như là rắn hổ cắn vậy đó.
Rửa chén cũng phải học.
Quét nhà cũng phải học.
Tâm của mình là vô hình vô tướng, các vị nghĩ sao không chịu học, không có biết cái này là Ngã mạn, cái này là Ganh tỵ, cái này là Bủn xỉn, cái này là Hoài nghi. Không chịu học.
Rồi nói Thiền là Thiền cái gì ? Thiền là sao ?
Rồi nhiều người còn độc nữa, giáo lý không chịu học mà đi hỏi mấy cái vui lắm, kiết già bây giờ đau lắm, bây giờ kiết không nổi, giờ chỉ có bán thôi, mà bây giờ không biết chân trái gác lên phải hay là phải gác lên trái ? Thì thôi bây giờ tôi biểu gác lên vai theo cái kiểu bị dị tật vậy đó, chứ đâu có cách khác. Chứ bây giờ mình tu tâm chứ đâu phải tu cái chân, tập trung lo tu cái chân, cũng là chân tu nhưng mà không phải là tu thứ thiệt, mà chân tu là tu chỉ có cái chân thôi. Rồi.
Rồi hai tay này cái nào nằm trên, để cái này trên hay để cái này trên ? Khoan, còn hai cái này dư thì sao đây ? gài vô hay là bật ra ? như càng cua hay là xếp vô như con ghẹ ? ghẹ luộc hay là ghẹ sống ? Quá mệt.
Cho nên không chịu học mà đòi đi Thiền là Thiền cái gì ? luộc rau mà không biết rau đó rau gì ? luộc nhầm ba cái mắt mèo bả đậu ăn vô cho chết, quét nhà rửa chén mà cũng không xong là chết. Pha cà phê mà không biết, pha trà không biết là thấy nổi khùng lên rồi.

 

TỔNG HỢP TÀI LIỆU LỚP GIÁO LÝ CĂN BẢN

Tài liệu tổng hợp các bài giảng trong lớp Giáo Lý Căn Bản do Sư Giác Nguyên (Toại Khanh) giảng dạy trên Zoom Theravāda VN, khai giảng vào ngày 26/12/2023; các bài giảng cũng được phát trực tiếp trên kênh Youtube Phật Giáo Theravāda VN và 1 số kênh khác như Kalama Journal..

* Theo dõi các videos bài giảng trên Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=3HAD6u27B6A&list=PLQac44oRjtcVoXv89xKMr8EDKMqc43zgo
* Theo dõi các audios bài giảng trên Soundcloud: https://soundcloud.com/phatgiaotheravada/sets/lop-giao-ly-can-ban-su-giac-nguyen-toai-khanh-giang-day
* Theo dõi văn bản do học viên gõ text kèm videos, audios trên website và app mobile Theravpda: https://theravada.vn/cac-tac-gia/ty-khuu-giac-nguyen/lop-giao-ly-can-ban-2023-2024/
* Ngoài ra Btc cũng cập nhật thường xuyên trên nền tảng Facebook và nhóm Zalo của lớp …

Xin thành kính tri ân Sư Giác Nguyên, tri ân BTC, tri ân các thí chủ đã trợ duyên tổ chức lớp học và toàn thể quý vị học viên! Chúc các vị những ngày an vui! ????????

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app