Buổi 16: Vô Lượng Chúng Sinh Chỉ Là Những Khối Tổng Hợp – Sư Giác Nguyên 12/04/24

Buổi 16: Giáo Lý Căn Bản – Vô Lượng Chúng Sinh Chỉ Là Những Khối Tổng Hợp – Sư Giác Nguyên 12/04/24

Lớp Phật Pháp Căn Bản 16 – Thứ Sáu, ngày 12/04/2024

(Lý Ngọc Nga ghi chép bài Sư Giác Nguyên giảng; Tử Du ghi chép phần chữ Pali)

 

 

✴️ GIÁO LÝ ĐẠO PHẬT (2)

Thưa bà con, chúng ta đã học đại khái về cấu trúc của Danh và Sắc.
Sắc Pháp gom gọn là toàn bộ Vật Chất ở trong và ngoài chúng sinh, gom gọn thì nó là 4 Đại cộng với 14 Sắc Pháp đi kèm tức là 18, còn sở dĩ mà kể 28 là kể thêm 10 cái bóng của 18 Sắc kia, chứ còn Sắc Chân Đế, sắc bản chất, vật chất, cái phần bản chất, bản thể đó, vật chất bản thể chỉ có 18, tức là 4 Đại cộng với 14 thứ nữa, mình đã học rồi. Thì đó là về vật chất. Tùy thuộc vào trình độ tâm linh, tùy thuộc vào cảnh giới tái sinh, chủng loại và khuynh hướng tâm lý mà chúng sinh có đủ Sắc Pháp hay không, vật chất có đủ hay không, đủ đây có nghĩa là hình hài của họ được cấu tạo bởi bao nhiêu thứ vật chất và đời sống của họ phải lệ thuộc bao nhiêu thứ vật chất mới có thể tồn tại được.

Giờ phần quan trọng nhất mà tôi muốn nói đây đó là Danh Pháp, tinh thần ấy, thì tinh thần ở đây mình thấy nó có hai công thức. Nghĩa là một. Một đây là Tâm. Tâm Thức chỉ có 1 cộng với 52 Tâm Sở, thì cái 1 này nè mà cộng với 52 cái kia nó mới biến bố ra thành 121 hoặc là 89. Cho nên các vị nhìn vô bản đồ các vị thấy hiện lên bản đồ A Tỳ Đàm bên tay trái, nguyên cột dọc bên tay trái nó là 121 Tâm, mà 121 Tâm đó nói gọn nó chỉ là 1 thôi. Đó là Tâm Thức. Và Tâm đó được gọi là Tâm gì thì nó dựa vào ba điều kiện, ba khía cạnh :
– Một là Tâm đó nó nương dựa vào Căn nào trong các Căn.
Thí dụ như là Tâm Thức đó nó dựa vào Nhãn Căn, tức là thần kinh thị giác thì gọi là Tâm Nhãn Thức.
Nó dựa vào thần kinh xúc giác thì mình gọi là Tâm Thân Thức.
Ngoài ra năm thứ Tâm biết Cảnh Vật Chất này, toàn bộ các Tâm Thức còn lại biết cảnh trừu tượng thì được gọi là Ý Thức. Chỉ vậy thôi. Toàn bộ đời sống trong Thức, tinh thần của chúng sinh, nó gồm có hai công thức, nói gọn đó nha, nói gọn cho người sơ cơ gồm có hai công thức đó là Thiện và Ác. Thiện ở đây là Tâm Thức nó gồm có :
– 1 là cái Biết thôi chứ không có gì hết, cộng với 13 Tâm Sở Trung Tính cộng với 14 Tâm Sở Tiêu Cực thành ra là Tâm Bất Thiện.
– Rồi cái 1 đó, cái 1 Tâm Thức cộng với 13 Trung Tính mà cộng với 25 Tích Cực thì nó thành ra là Tâm Thiện.

Thì buổi giảng chiều nay tôi đặc biệt nói về quan hệ giữa 14 và 25 đó trong đời sống cũng như trong cuộc tu của chúng ta. Trong tinh thần giáo lý A Tỳ Đàm, ngày nào mà chưa có chứng Thánh thì chúng ta có đủ 14 Tâm Sở Tiêu Cực và trong đó có những Tâm Sở quan trọng.
Ví dụ như là Vô minh nè, Tham ái nè, Tà kiến nè, đó là những Tâm Sở quan trọng.
Tại sao gọi là quan trọng ?
Là bởi vì khi mà chứng Thánh thì đây là những phiền não được triệt tiêu, một là triệt tiêu một phần, hai là toàn phần. Thí dụ như mình chứng Thánh, chứng Tu Đà Hườn là tầng Thánh thấp nhất trong 14 đó, mình trừ cái Tà Kiến mà trong từ nhà Phật gọi là Thân Kiến. Có nghĩa là cái hiểu sai của mình về sự hiện hữu của bản thân, về năm Uẩn, gọi là Thân Kiến.

Rồi tiếp theo đó là Tâm Sở Hoài Nghi. Hoài Nghi ở đây là hoài nghi trong những quan trọng nó liên hệ, cái hoài nghi mà có thể dẫn tới Tam Nghiệp thiện ác để mà đầu tư tái sinh. Thí dụ như mình biết mình được cấu tạo ra sao, bản chất của Danh Sắc thiện ác là thế nào, từ cái chỗ hoang mang nghi hoặc đó nó dẫn tới chuyện mình đầu tư thiện ác tiếp tục sa đọa, chứ cái Hoài Nghi này, nhớ nha, hoài nghi đây nó không phải là hoài nghi trong đời sống thường nhật. Thí dụ như mình đi trước ngã ba, mình đứng trước ngã ba không biết giờ quẹo phải hay quẹo trái. Đấy. Hoặc là bây giờ mình bị bệnh mình cầm hai ba cái lọ thuốc mình phân vân không biết nên uống loại nào, liều lượng ra sao, thành phần, chất liệu nào nó làm nên mấy viên thuốc này, mình hoang mang mình không biết, thì cái đó không kể là Hoài Nghi trong Phiền Não, Nha. Cái đó chỉ là thiếu Trí Văn thôi, chứ không phải là sự hoài nghi. Hoài Nghi đây là những thắc mắc mà nó đủ để dẫn đến cái chuyện mà mình làm thiện, làm ác, thì cái đó mới gọi là sự Hoài Nghi. Thì Thân Kiến và Hoài Nghi này nè nó là hai thứ phiền não trong số 14 đó, chính nó đó, là cái mà vị Sơ Quả phải triệt tiêu, dứt trừ triệt để, sau khi chấm dứt hai cái này rồi thì vị đó không còn khả năng tái sinh quá bảy lần. Không có. Tự nhiên là phải kết thúc, hai cái phiền não rất là quan trọng, và khi hai phiền não đó đã biến mất thì nó kéo theo những phiền não khác cũng đi theo luôn. Thí dụ như một cách căn bản mà nói thì vị Sơ Quả Tu Đà Hườn còn gọi là Thất Lai, Nhập Lưu, đó là những từ đồng nghĩa nha.
(Thất Lai, Nhập Lưu, Tu Đà Hườn, Sơ Quả), bốn chữ là đồng nghĩa.

Thì khi mà các vị sơ Quả này nè trừ được Thân Kiến, Hoài Nghi thì vị đó cũng kéo theo đó là dứt luôn bủn xỉn và ganh tỵ, mà ganh tỵ ở đây là nó kéo theo cái gì ? Là ghen tuông, ganh tỵ trong tình cảm thì gọi là ghen tuông, còn ngoài vụ tình cảm nam nữ ra thì nó lọt vô cái khung là ganh tỵ hết. Phải không. Ganh tị nghĩa là không có muốn người khác được gì, còn bủn xỉn là không muốn mình mất gì. Đấy. Khi mà vị Sơ Quả không còn Thân Kiến, Hoài Nghi thì vị đó cũng đương nhiên, mặc nhiên là dứt hẳn luôn hai phiền não này, rồi dứt luôn những phiền não khác. Ví dụ như là māyāsāṭheyya nghĩa là giấu lỗi và khoe khoang, thì trong Chú Giải nói rất rõ, dấu lỗi là sao ? Dấu lỗi có nghĩa là cái bậy của mình nó có thiệt mà mình không muốn người khác biết. Rồi sāṭheyya là đức độ mình không có mà mình lại mong người khác nghĩ mình được như vậy. Có nghĩa là māyāsāṭheyya vị Tu Đà Hườn không có hai thứ này nữa, không có lòng giấu lỗi và cũng không có lòng khoát lác về thứ đức lành mà mình không có. Phải không. Còn phàm phu mình có cả hai, cái bậy thì mình có lòng giấu, cái tốt mà tốt chưa kịp có mình cũng khoe luôn. Tiếng Việt Nam kêu là nổ. Gọi là khoát. Nói khoát. Tổng cộng lại thì 14 phiền não này, trong đó có những phiền não gốc. Gốc ở đây có nghĩa là gì ? Gốc đây có nghĩa là chứng đạo là phải trừ liền, chứng ở tầng thấp nhất là phải trừ liền, đó gọi là phiền não gốc. Còn mấy phiền não kia là phiền não ngọn, nghĩa là có cho vui vậy thôi, chứ còn nó không có đủ sức để dẫn tới sa đọa. Nha. Có cho vui thôi chứ không đủ dẫn tới sa đọa. Rồi.

Bây giờ tôi muốn nói cái gì ? Tôi muốn nói cái này. Chuyện đầu tiên cái cấu tạo, cái bản chất của Tâm là gồm có Thiện, Ác. Còn cấu tạo của nó là gì ? Nó là sự kết hợp của các thành tố, và tùy thuộc vào trình độ tâm linh của mình là phàm hay thánh mà những thành tố ấy nó khác nhau hay là giống nhau. Như như là vị Thánh thấp nhất, tầng Thánh Sơ Quả, vị đó có Trí Tuệ thấy rõ Bốn Đế dầu chỉ thấy chưa rốt ráo nhưng mà có thấy, thấy bằng sự thực chứng của mình chứ không phải thấy qua chữ nghĩa, ngôn ngữ từ chương, không phải, mà thấy bằng Trí Tuệ tự thân. Gọi là thể nghiệm và thân chứng. Thì với cái thấy đó thì vị đó tự nhiên sẽ tránh đi những thứ phiền não mà có liên quan. Còn hễ ngày nào mà mình chưa là Thánh thì mình có đủ 14, và chính từ 14 này nè nó mới tạo ra các loại Nghiệp. Ví dụ như ngũ nghịch đại tội, giết Cha giết Mẹ, giết La Hán, xâm hại thân thể của Đức Phật hay là chia rẻ Tăng, thì cũng là từ 14 cái này ra. Đâm heo, thuốc
chó, dối Thầy, gạt bạn, buôn dân, bán nước, bất cứ tội lỗi gì trên đời này thì cũng đều từ 14 này mà ra.

Còn 25 Tâm Sở Tích Cực thì nó bao gồm tất cả những đức lành, những công đức từ Thập Thiện cho tới 10 Ba La Mật, 37 Bồ Đề Phần, trong đó gồm có Bát Chánh Đạo, Thất Giác Chi, Ngũ Căn, Ngũ Lực, thì tất cả cũng nằm ở trong mấy chục Tâm Sở thôi. Có cái nằm trong nhóm 13. Có cái thì nó nằm ở trong nhóm 25. Nhưng mà căn bản hầu hết nó nằm ở nhóm 25. Chỉ có mấy cái đặc biệt như là Tinh Tấn nè, Định nè, hoặc là Tầm nè, thì mấy cái đó nó nằm bên nhóm 13, Còn đa phần còn lại nó nằm hết trong nhóm thiện cho nên là mình tu thập thiện, bố thí, trì giới, tham thiền, thuyết pháp, nghe pháp, phục vụ, cung kính, hồi hướng, cải tạo kiến thức gì đó, cải tạo nhận thức, thì tất cả cái đó cũng là nằm ở trong 25. Rồi trong Thập Độ tức là 10 Ba La Mật của vị Bồ Tát Phật đạo ấy, thì có bố thí, trì giới, nhẫn nhục, chân thật, trí tuệ, gì đó. Thì nó cũng nằm ở trong 25 này.
Cho nên mình tu là cái gì ?
Mình tu là mình hoán đổi 14 nó thành 25. Xưa giờ đó là mình sống thường xuyên bằng sự tác động của 25, ăn uống, nói cười, phải không ? Đi đứng, nằm ngồi, đều là 14 hết. Thì bây giờ mình biết đạo rồi thì mình đổi cái 14 thành cái 25. Tức là cũng đi đứng, nằm ngồi, nói cười, nhưng mà bằng sự tác động của 25. Nói là chỉ nói bằng 25. Im lặng cũng im lặng bằng 25. Là sao ta ? Ngồi thiền, chánh niệm, chỉ và quán cũng 25. Rồi nói năng hành động bằng thân nghiệp hay là nói năng bằng ý nghiệp, thì đều phải là 25. Thì gọi là tu là thế như vậy đó. Tại sao mà các Ngài phân tích rộng ra 14, 25 chi ? Nó có nhiều lý do. Thứ nhất là phải chẻ ra như vậy đó để cho mình thấy cái gọi là thiện ác, buồn vui, chúng sanh, người thú, chư thiên, phàm thánh, chỉ là một khối tổng hợp thôi. Là một món đồ lắp ráp thôi. Không có gì là một hết Phải chia ra để mà thấy chứ. Thứ hai phải chia ra như vậy đó mới thấy được thế nào là sự khác biệt giữa các tầng Thánh, tầng nào giải quyết phiền não nào, và thiện pháp ở mỗi tầng khác nhau như thế nào. Thí dụ như cũng là thiện nhưng mà cái thiện của vị Tam Quả, vị đó cũng có thể bố thí, cũng có thể trì giới, nghe pháp. Nhưng mà cái thiện của vị đó không có thể dẫn đến chuyện tái sanh cõi dục. Mặc dù trên hình thức thì nhìn y chang, các vị Tam Quả nhìn y chang như vị Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm vậy đó, cũng làm việc lành, cũng đi đứng nằm ngồi chánh niệm, lim dim vậy đó, nhưng mà tất cả những hạnh lành vị này làm không có khả năng dẫn đến chuyện mà quay lại lui cõi dục. Nhớ nha.

Rồi những vị Sơ Quả, Nhị Quả dầu có đắc cái gì thì đắc, đắc tới là phi Tưởng Phi Phi Phi Tưởng, nhưng hễ mà còn là Sơ, Nhị, thì có tu gì thì tu, không cách nào mà sanh về cõi Ngũ Tịnh Cư được hết, vì cái cõi dành cho Tam Quả. Phải không. Nhớ. Cho nên mình thấy phải chia ra mới thấy ồh thì ra là khi mà chưa chứng La Hán thì cái bất thiện nó còn lại bao nhiêu, chứ nếu mà nói gọn nó còn có Tham Sân Si thì nó gọn quá. Phải chia nhỏ ra nữa, phải chia nhỏ ra mới thấy ồh cái này còn, cái này mất nè, cái thiện cũng vậy. Trong trường hợp nào cái thiện nó mang cái bí số mật mã là A1 có trí tuệ đi kèm, trường hợp nào nó mang bí số là A2 không có trí tuệ đi kèm, trường hợp nào có Giới Phần, trường hợp nào có Vô Lượng Phần. Cái này mình đâu có nói gọn được. Phải chẻ ra. Thứ nhất phải chẻ ra để thấy mọi thứ là khối tổng hợp, thứ hai phải chẻ ra để mở ra cơ hội đề cập đến nhiều, nhiều, nhiều vấn đề khác. Thứ ba phải chẻ ra như vậy đó thì mình mới đem kiến thức ứng dụng trong cuộc tu nó dễ hơn. Chứ còn phiền não mà chỉ nói tham sân si, cái bậc đại trí thượng thừa thì đủ rồi đó, vậy là nói phiền não tham sân si là đủ rồi. Nhưng mà đối với rất nhiều người nói vậy là không có được. Thí dụ tôi chỉ kể các vị nghe chuyện thôi, ngay cả bậc đại trí mà nhiều khi người ta cũng cần được nói rõ, như có một lần đó Ngài Anuruddha là Đệ Nhất Thiên Nhãn, Ngài vào Ngài gặp Ngài Xá Lợi Phất, Ngài nói rằng : Thưa Tôn Giả tôi có thể nhìn thấy 1000 vũ trụ nó rõ ràng như là tôi nhìn vô lòng bàn tay của tôi vậy đó. Nhưng mà với khả năng đó tôi vẫn chưa có chấm dứt hết phiền não. Thì Ngài Xá Lợi Phất Ngài nói rằng : Hiền giả phải ghi nhận như sau, khi mà trong câu nói của hiền giả đó, cả hai câu đó đều được tác động bởi hai thứ phiền não, khi hiền giả nói rằng tôi có thể nhìn thấy 1000 vũ trụ, Đệ Nhất Thiên Nhãn mà, 1000 vũ trụ, mà các vị biết vũ trụ là cái gì các vị mới khiếp, cái khoảng rộng nhất của vũ trụ mình, một vũ trụ thôi, một chỗ khoảng rộng nhất của nó là mấy trăm triệu năm ánh sáng, cái chỗ rộng nhất là mấy trăm triệu năm ánh sáng. Tức là ánh sáng nó đi với vận tốc 300.000 km/giây. Như vậy thì 1 giờ đồng hồ ánh sáng nó đi được bao nhiêu ? Tức là mình lấy 60 giây nó là 1 phút, rồi 60 phút là 1 giờ, mình lấy đó mình nhân lên, khiếp. Mà mấy trăm triệu năm ánh sáng. Nếu mà mình di chuyển bằng cái tốc độ ánh sáng phải mất mấy trăm triệu năm ánh sáng mới đi được từ bên đây qua bên kia cái khoảng rộng của vũ trụ, mà cái khả năng của Ngài Anuruddha Ngài thấy 1000 cái như vậy, đương nhiên nó vô số, mình chỉ nói riêng khả năng của Ngài, thì Ngài Xá Lợi Phất Ngài nói khi mà hiền giả nói như vậy về khả năng của mình là hiền giả đang nói bằng Tâm Kiêu Mạn. Tức là Tâm Sở Mạn. Và khi mà hiền giả chốt lại vế hai đó, tuy vậy tôi vẫn còn phiền não, thì lúc đó hiền giả nói băng Tâm Sở Hối. Sân, Tật, Lận, Hối. Trong 14 Tâm Sở đó. Khi mà nói rằng tôi có thể nhìn thấy tôi có khả năng như vậy đó là hành giả nói bằng Tâm Sở Mạn. Mà khi hành giả nói rằng là tuy vậy tôi vẫn chưa dứt được phiền não đó là nói bằng Tâm Sở Hối. Đương nhiên là trong trường hợp này thôi nha. Chứ đừng có nghe mà ôm chặt cái bài Kinh này rồi trường hợp nào cũng đem bài Kinh này ra trích dẫn là kẹt lắm nha. Rồi. Thì mình thấy phải chia ra như vậy mới có thể soi rõ vấn đề dễ hơn. Chứ còn ở trong Kinh Tạng thì Đức Phật, thiện Ngài chỉ nói có ba thôi. Đó là Vô Tham, Vô Sân, Vô Si. Còn ác thì Ngài chỉ nói có ba thôi, đó là Tham, Sân, Si. Có nhiều trường hợp Ngài nói gọn như vậy đó. Ác ba, thiện ba. Rồi.

Thì bữa nay tôi muốn nói cái gì ? Tôi muốn nói rằng đó là, chuyện đầu tiên mình học A Tỳ Đàm để thấy rằng mình chỉ là một khối tổng hợp của nhiều thành tố.
Thứ hai, từng thành tố trong khối tổng hợp ấy do vô số Duyên, vô số chứ không phải một, vô số Duyên mà có. Nói gọn thì mình nói trong Kinh kể 12, 24, 47, 52, nhưng mà nói rộng là vô số. Nếu mà nói về mặt Tục Đế thì vô số, vô số Duyên. Còn nói mặt Chân Đế mà nói rộng thì không có số nào mà tả được, nhưng mà nói gọn thì mình thấy có mấy số đó thôi. Cho nên chữ vô số đây là nói nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng, nghĩa đen thui áh. Tức là chuyện đầu tiên là thân tâm của một chúng sinh và vô lượng vũ trụ, bất cứ cái gì trong đời này chỉ là những khối tổng hợp, một cái sự gọi là gắn kết, kết nối của các thành tố, và từng thành tố trong đó có mặt được cũng là nhờ vô số Duyên. Thí dụ nha. Thí dụ như hôm nay tại sao mà mình có được bài giảng này, mình nói gọn thì nói gọn lắm. Phải không ? Mình nói gọn thì nói gọn lắm. Mình nói gọn tại vì có người muốn nghe, có người muốn nói. Hết. Đúng không ?

Đó là nói gọn. Chứ bây giờ nói rộng mà nói vô số nè.

Tình hình chính trị Việt Nam có ổn không ? Ổn. Việt Nam có đang bị chiến tranh không ? Không. Việt Nam có đang bị đại dịch như mùa Covid không ? Không. Tình trạng tài chánh, tình trạng sức khỏe, tình trạng gia đình, tình trạng quan hệ xã hội, công ăn việc làm, hãng xưởng, công ty, của quý vị có Ok không ? Có nghĩa là quý vị phải đang ở trong tình trạng tương đối Ok, hoặc là Ok, hoặc là rất Ok. Thì các vị mới có thể ngồi vô đây mà nghe chúng tôi nói chuyện, chứ đừng có ngồi đó mà nói đơn giản, nói thì ông muốn nói thì ông nói, tôi muốn nghe tôi nghe, hai cái muốn này cộng lại nó ra buổi nói chuyện này. Sai. Nói vậy thì gọn quá. Đâu phải lúc nào tôi muốn nói cũng nói được, như ngày hôm qua chẳng hạn, ngày hôm qua tôi muốn lắm chứ, muốn lắm. Tôi nhớ lớp chứ, nhưng tôi đâu có vô được, rồi từng người trong cái room này, đừng có tưởng là nhà mình có cái máy rồi mình muốn vô mình nghe được là nghe. No. Không có đúng. Nó tùm lum chuyện hết, nhức răng, chóng mặt, hiểu không ? Nhức đầu, tiêu chảy, đau lưng, buồn ngủ, buồn nôn, phải không ? Con, vợ, chồng, Cha Mẹ, Ông nội, Bà ngoại, trong nhà mình có vấn đề, một tin nhắn, một cú phone, một email, đủ để làm cho các vị rút lui không có nghe nữa. Nhớ nha. Nhớ cái đó, một tin nhắn thôi, để cái beeng, mở ra đọc đọc đọc đọc rồi, xong. Không còn bụng dạ tâm trí nào ngồi nghe nữa. Nha. Một tin nhắn thôi đó, mà cái người nhắn tin đó có thể là người thân, kẻ thù, người nam, nữ, bà con, bạn bè, chòm xóm, đồng nghiệp…V.v… Có nghĩa là cả cái vũ trụ này nó phải Ok thì mình mới có thể ngồi nghe được, chứ đừng có nói là tôi có máy tôi muốn ngồi tôi nghe là tôi nghe, tôi không tin chuyện đó. Một chút xíu lý do thôi, trục trặc chút xíu là nghe không được, cho nên chúng tôi nói vô số là như vậy đó. Thì mình phải học. Học kỹ để làm chi ? Học kỹ để thấy rằng mọi thứ nó là một khối tổng hợp thôi, cái gì cũng là một khối tổng hợp. Từ sợi tóc nó cũng là khối tổng hợp, lá me cũng là một khối tổng hợp, phải không ? mà tới lá bàng, lá chuối, lá sakê, thì nó to như vậy cũng là một khối tổng hợp. Đấy.

Một Bậc Thánh Nhân cũng là khối tổng hợp, một giây phút mình tu hay là một giây phút mình bất thiện cũng là một khối tổng hợp. Mình chỉ búng, mình chỉ tróc tay cái vậy thôi, nhưng mà trong A Tỳ Đàm nói, mình nói một tróc tay, một búng tay, một khẩy tay, thật ra nó có rất là nhiều điều kiện nhân duyên để làm nên cái tróc tay đó, chứ đâu phải mình muốn là làm được, một cái tróc tay hoặc là mình nháy mắt thấy đó là một cái chuyện rất là nhẹ nhàng, chớp nhoáng, chóng vánh, nhưng mà không, nó phải có vô số điều kiện mới có được cái nháy mắt chứ không phải dễ, nụ cười hoặc là lắc đầu, xòe tay, vẫy tay, nắm tay, siết tay, tất cả mỗi, mỗi, mỗi thao tác, động tác, lớn nhỏ, có tên hoặc là vô danh, thảy đều cần đến vô số điều kiện. Cho nên mình thấy mọi thứ là một khối tổng hợp, bởi vô số thành tố và mỗi thành tố ấy lại được có mặt bằng vô số điều kiện. Nói như vậy mình mới thấy ra được nhiều điều đặc biệt, mầu nhiệm ở đây là gì ? Đặc biệt ở đây là nếu hành giả học giáo lý rồi mà lại chuyên tâm miên mật sống chánh niệm, thì hành giả mới có cơ hội thấy được cái điều mà mình đã học. Chứ còn học cho vui, cho thỏa mãn trí lý luận. Phải không ? Xong rồi cứ đi tung tăng sống đời thế tục thì còn khuya mình mới có cơ hội mình hiểu được mấy cái này. Có sống Chánh Niệm thường trực, liên tục, miên mật, chặc chẽ, khít khao, thiết tha, thì mình mới có dịp mình thấy đúng. Thân này mình để yên, mình để yên nó coi, lắng là để ý. Nói theo kiểu ông Goenka, Thiền Sư Goenka là mình scan, mình quét ở dưới quét lên, từ ở dưới gót chân mà lên cái đầu mình, nó đủ thứ hết áh. Nói về xác của mình, thân xác mình, hình hài vật chất của mình, hình hài sinh học, từ cái gót lên cái đầu là đủ thứ vấn đề hết. Đó. Quét từ chân quét lên, quét lên, quét lên mắt cá, lên nữa… đầu gối, lên nữa… đùi, lên nữa… rún, bụng, lên nữa… đủ thứ chuyện hết phải không ? Chứ đâu phải mình cứ nghĩ là “tôi”, “hình hài của tôi”, “thân xác, cơ thể của tôi”. No, no.

Không có cái nào, cơ thể ở đây nó không có, trên đời này không có cái gì gọi là cơ thể. hình hài, không có. Nó là một khối tổng hợp của rất là nhiều thứ khác, và từng thứ li ti, từng thứ thành tố trong đó nó lại được tác động bởi vô số điều kiện trong và ngoài thân thể. Cho nó dễ chịu, khó chịu, nóng nực, tê mỏi, nhức buốt, đau đớn, mát mẻ…V.v… Đấy.

Tâm mình cũng vậy, sống bằng Chánh Niệm lắng lại một chút mới thấy nó bồn chồn, nó xôn xao, nó bao nhiêu là vấn đề thiện ác đủ thứ, mà ác thì dĩ nhiên nhiều hơn thiện. Bởi vì tôi nói hoài, tôi nói có năm thứ tốc độ, thì mình coi mình sống nhiều với tốc độ nào ?
– Một là từ ác này qua ác kia, tham này qua tham kia, từ sân này qua sân kia, từ tham chuyển qua sân, từ sân chuyển qua tham, từ tham chuyển qua si, si chuyển qua sân, sân chuyển qua tham. Từ cái bất thiện này qua bất thiện kia là mình rất là nhanh.
– Nhưng mà tốc độ hai là từ thiện chuyển qua bất thiện cũng rất nhanh. Từ ác qua ác thì nó nhanh đã đành, nhưng mà từ thiện qua ác cũng rất nhanh. Tại vì khả năng của mình là cái gì chứ còn ba cái chuyện mà bậy bạ, bất thiện, bê bối, là mình dễ lắm. Đang có tâm thiện mà muốn qua bất thiện rất nhanh, xài chữ muốn thì quý vị không đồng ý. Nhưng mà thật sự là rất nhanh. Ví dụ như mình đang nghe Pháp tâm mình đang vui thế này mà muốn cho bực mình dễ lắm, ai muốn làm cho mình sân dễ lắm. Chỉ cần kêu mình cái là mình khó chịu liền, một tiếng ồn hoặc một cái mùi gì đó nó thoáng qua là mình khó chịu liền, là phiền não liền. Cho nên:

1/ Tốc độ một là từ ác qua ác, từ xấu qua xấu.

2/ Tốc độ hai là từ tâm thiện qua tâm bất thiện, cái này mình cũng rất nhanh.

3/ Nhưng mà tốc độ ba đó là từ tâm bất thiện mà qua tâm thiện rất khó chứ đừng có nói mà nhanh hay chậm, mà phải nói là rất khó. Từ bất thiện chuyển qua thiện không phải dễ đâu. Các vị bữa nào thử coi ai mà tự hào, tự đắc nói mình học giáo lý nhiều, mình tu nhiều, mình hành giả, hành thiệt gì đó. Mình cứ tự coi bốn cái này, trong mấy cái này cái nào của mình mạnh, trong năm cái này nè.
1️⃣ Từ bất thiện chuyển qua bất thiện, mình là lúc nào cũng quá nhanh rồi.
2️⃣ Từ thiện chuyển qua ác. Rất nhanh.
3️⃣ Nhưng mà tới thứ ba mới khó nè, từ cái ác mà chuyển qua cái thiện rất khó. Vấn đề đây là khó với dễ chứ đừng có nói là nhanh với chậm nữa. Rất khó. Từ thiện chuyển qua thiện. Nó lại gồm có hai nhánh:
4️⃣ Thiện của người tu.
5️⃣ Thiện của người không tu.
Cho nên mới thành ra năm, còn nói gọn có bốn, nói cho đủ thì có năm.
Thiện có hai nhánh, thiện của người có tu và thiện của người không tu. Thiện của người không tu nó là cái thiện bản năng, thấy người ta xin thấy thương thì cho, hoặc là thiện mà còn cầu quả hữu lậu, quả sinh tử nhân thiên, gọi là thiện của người không có tu. Còn cái thiện thứ hai là thiện của người có tu là lúc nào cũng dốc lòng cầu giải thoát chứng ngộ quả bồ đề, thiết tha, lúc nào cũng mong thiết tha chừng đó thôi. Lúc nào cũng hiểu rằng MỌI HIỆN HỮU Ở ĐỜI CHỈ LÀ KHỔ có một điều, ai tu nhiều thì cái khổ đó nó màu xanh, màu tím. Còn ai không có tu làm toàn chuyện ác không thì khổ nó màu đen, màu xám. Ai mà có tu thì cái khổ nó màu nó đẹp mà nó thơm. Phải không ? Nếm vô ngọt ngọt, béo béo. Còn ai không có tu thì cái khổ nó màu xấu mà cái vị cũng khó khó nếm, mà cái mùi cũng khó ngửi. Khổ hết, khổ hết, khổ hết, nhưng mà cái khổ người này nó đẹp, nó thơm, nó ngon.
Thí dụ như mình được mang thân người nè, tướng tá ngon lành nè, đầu óc minh mẫn, thông minh nè, tài chánh Ok nè, sức khỏe, ngoại hình, sức khỏe Ok, ngoại hình Ok, tài chánh Ok, đầu óc Ok. Bốn cái Ok. Phải không. Rồi lớn lên có tình cảm Ok, quyền lực Ok, tiếng tâm Ok, ảnh hưởng cũng Ok. Đó.
Nguyên đống Ok.

Nhưng mà nguyên cái đống Ok này là sao ta ? Khổ, KHỔ. Kiếm được, KHÓ. Kiếm được rồi mà giữ được, KHÓ. Mà giữ không được thì KHỔ, mà tận hưởng nó thì ĐỌA.
Khổ vậy đó.
Nó khổ chỗ đó. Nha.
Cái Quả lành nó ác chỗ đó, mình làm lành thì có phải có Quả lành, nhưng mà cái quả lành nó có cái nó ác đó, nó quả gì thì quả, nhưng mà mình cũng phải có ra sức. Các vị cứ đi hỏi mấy ông đại gia trong nước coi, có ông nào tự nhiên bà Má sinh mình ra cái mình nằm không vậy đó tự nhiên tiền đổ vô mấy chục ngàn tỷ, không có, phải không ? Làm gì có. Cũng phải này nọ, vận động, rồi mồ hôi, đổ mồ hôi sôi nước mắt, chứ đâu phải tự nhiên. Kiếm được là khó, mà với cái sự hỗ trợ của phước báo đó nha. Chứ đâu phải ai mà nỗ lực cũng được như ý đâu. No. Mình có phước thì mình nỗ lực nó mới như ý. Rồi là một.
Có rồi giữ được không phải dễ. Có rồi đó. Có rồi đó muốn giữ không phải dễ, mà giữ không được là Khổ.
– Tìm là Khó,
– Giữ là Khó,
– Giữ không được là Khổ.
Mà hưởng lại có tội, nó khổ như vậy đó. Thí dụ như mình tận hưởng cái nhan sắc nè, quyền lực, tiếng tăm, tiền bạc, ngoại hình của mình, thử tận hưởng là là coi như mình gieo cái nghiệp đọa rồi. Tận hưởng có nghĩa là tối ngày chỉ biết nhiêu đó thôi đó thì gieo nghiệp đoạ. Đấy. Khổ vậy đó. Cho nên tu hay là không tu đều là gieo nhân khổ, có điều cái khổ của người có tu họ gieo bằng nhân lành. Còn cái khổ người không tu họ gieo bằng nhân xấu. Mà cái khổ mà nó được tạo bằng nhân xấu thì màu thì xấu, mùi khó ngửi, vị khó nếm, sanh ra trời ơi cái gì thấy cũng tang thương, làm chó, làm heo, làm người, thì thôi bệnh hoạn nghèo khó, mặt mũi khó coi, đủ thứ. Phải không ? Còn người có tu thì họ vẫn gieo nhân khổ nhưng mà gieo bằng nhân thiện, cho nên cái khổ của họ nó thơm, nó đẹp, nó ngon, nhưng mà đã là khổ thì sao ? Nuốt không vô. Nếu mà biết đạo, nếu mình có niềm tin Phật, còn nếu mình không tin thì thôi. Phải không ? Mình không tin Phật thì còn chuyện gì để nói, mà nếu mình tin Phật thì phải nói là nuốt không vô. Bao nhiêu vị ngọt trên đời nuốt không vô. Bởi vì hồi nãy tôi nói rồi, quả lành nó kẹt ở chỗ đó, quả lành thì nó ngọt mà nó thơm đúng không ? Đẹp, ngọt, thơm. Rồi. Đẹp, ngon, thơm, mà trong khi đó mình giữ được nó là khó, tìm được nó là khó, giữ không được là khổ, mà hưởng nó lại có tội. Quả lành. Thì hưởng là gì ? Hưởng nghĩa là mình cắm đầu vô trong cái mình có là hưởng. Nha. Thì phải học chi ly như vậy đó; thì mình mới thấy tại sao mà Phật dạy thân này là khổ. Vì khổ nó có hai :
– Khổ bản chất
– Khổ cảm giác.
Khổ cảm giác là cái gì làm cho thân tâm mình khó chịu. Nhưng còn cái khổ bản chất là cái gì mà nó bất toàn, bất trắc. Rõ ràng đó quả lành đó nó bất toàn bất trắc. Có nghĩa là nó là quả lành. Đúng. Nhưng mà hưởng không được, hưởng là có tội, các vị tưởng tượng bây giờ mình một tháng mình có được 10.000 tỷ, mà nếu đúng mình là phật tử hoặc là mình nhà sư mình có được 10.000 tỷ trong tay.

Nếu mà đúng là một người tu thì làm gì với ngàn tỷ này đây ? Mình đâu dám xài, mình đâu có dám ăn mặc, rồi xe cộ mua sắm như người không tu. Bởi vì mình cắm đầu vô trong đó là xong. Khổ vậy đó. Cái quả lành nó kẹt vậy đó, quả lành là có để mà lấy nó làm điều kiện, làm phương tiện để mà tiếp tục tu tập Ok. Lấy cái quả lành để tiếp tục tạo nhân lành thì Ok. Nhưng mà tận hưởng quả lành là không được. Bồ Tát Tất Đạt năm 29 tuổi là hoảng hồn bỏ cung đi, Ngài Ca Diếp, Mục Kiền Liên năm 44 tuổi đi. Hai anh em dắt nhau đi coi kịch tiếng Phạn gọi là …………….. , có nghĩa là cái lễ hội mà người ta diễn kịch nhân năm mới hoặc là mấy cái vụ mừng thu hoạch vụ mùa đó, người ta tổ chức thì mới có ca vũ nhạc kịch tùm lum hết. Thì hai huynh đệ đi coi, đi coi thì Bồ Tát Tất Đạt thì hơi khác một chút. Bồ Tát Tất Đạt đi dạo bốn cửa thành thấy người già, thấy người bệnh, thấy xác chết, thấy thầy tu, về chán đi tu. đã vậy trong lúc mà đang bần thần chán đời đi ngang trong cung điện, của Ngài mà, Ngài có quyền đi chứ. Ngài lướt ngang cái là Ngài nhìn thấy trời đất ơi. Sau bữa tiệc mừng Hoàng Tử La Hầu ra đời. Trong cung yến tiệc rồi say sưa, chè chén rồi ai nấy mấy bà, mấy cô, nằm ngã ngớn mất nết, hở hang. Ngài thấy Ngài nhìn giống như bãi chiến trường mà đầy xác chết vậy. Còn Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, thì hai anh em bạn dắt đi coi dự buổi nhạc kịch, tự nhiên thấy sao người nãy xấu quắc sao giờ lên đây phấn son đẹp quá. Rồi hồi nãy người đó rõ ràng là nam mà vô đây nữ. Rồi nhỏ nãy nữ sao vô đây thành nam. Rồi cái gì đâu mà thấy hồi thì con thành Cha, Cha thành con, em thì thành chị, rồi cái chị thành Mẹ, đại khái là nó cứ lùng sùng bùng vậy đó. Và nó đủ thứ vai, Ngài nhìn Ngài nói trời trời kỳ vậy ? Cái gì mà sao nó giống cuộc đời ở ngoài quá vậy ta ? Nói kịch chứ đâu phải kịch. Cái này là đời. Cái này là đời thật, cái này là đời thường chứ đâu phải kịch. Nghĩ vậy cái hai anh em nản quá bỏ nhà đi tu. Mà trong Kinh nói đó là hai vị đó ở ngoài là đại gia. Ngài Xá Lợi Phất mỗi lần mà Ngài đi đâu là Ngài có 500 chiếc xe ngựa. Ngài Xá Lợi Phất ấy. 500 chiếc xe ngựa. Cách đây mấy năm tôi coi báo tôi thấy đám ma của một ông đại ca xã hội đen bên Đài Loan, đám tang của ổng mà coi như là có mấy trăm chiếc xe là mình thấy là ớn rồi. Mà cả đời ổng chỉ có một lần đám tang đó thôi. Ổng chết có một lần đó thôi. Phải không. Còn đằng này Ngài Xá Lợi Phất là mỗi lần mà rời dinh là 500 chiếc xe ngựa. Tức là trong đó chở gọi là kẻ hầu người hạ, rồi vệ sĩ, rồi thức ăn nước uống, rồi hương liệu mỹ phẩm, rồi đủ thứ trong đó. Phục vụ cho 500 người mà. Còn Ngài Mục Kiền Liên mỗi lần đi là 500 cái kiệu, Ngài không khoái xe ngựa mà lại thích kiệu. 500 cái kiệu, nó rình rang như vậy, giàu đến mức vậy. Bỏ đi hết. Bỏ đi. Hai anh em mới dặn nhau, ai tìm được đạo giải thoát thì về nói lại cho người kia. Mà lần nào cũng vậy hết. Từ vô số kiếp xưa mà cho đến nay lúc nào Ngài Xá Lợi Phất cũng là cái người người đi trước, người về kéo áo Sư đệ.

cách đây một A Tăng Kỳ và một trăm ngàn đại kiếp. Đấy. Có một đạo sĩ tên là Sarada chứng Tứ Thiền Ngũ Thông trong rừng, có hàng ngàn đệ tử, dạy thiền cho đệ tử trong rừng. Lúc đó Đức Thế Tôn Ngài Anomadassi xét thấy huệ căn của vị này thượng thừa không phải là dạng thường. Cho nên Ngài đi vào trong đó, thì khi mà Ngài Sarada Ngài nhìn thấy Đức Thế Tôn mà nhìn thấy vị Đệ Nhất Thinh Văn ngồi bên cạnh và tận mắt nhìn thấy, tận tai nghe vị đó thuyết pháp thì Ngài đạo sĩ Sarada đuối rồi chịu không nổi. Bao nhiêu mấy ngàn đệ tử ổng đắc La Hán hết. Nhưng mà riêng ổng thì không. Cứ nhìn vị Đệ Nhất Thinh Văn kia hoài. Ông ước sao trở thành cái người giống vậy. Ngồi bên cạnh Đạo Sư. Phải không. Mà thuyết pháp coi như ào ào như thác chảy, ngôn từ ý tứ mênh mông biển trời, dưới cái sự gọi là ấn khả của Đạo Sư. Cha lành của ba cõi. Đâu phải là chuyện dễ. Sau khi Ngài cúng dường. Ngài dùng thần thông tạo ra đủ thứ để cúng dường cho Đức Phật Anomadassi Ngài nguyện :
– Con mong chỉ một điều thôi, là trong tương lai thành một con người giống như cái vị mà nãy thuyết pháp vậy đó.
Thì chính Đức Phật Ngài nhìn nhận đó là con trai lớn của ta. Trưởng Tử của ta. Đấy. Con trai lớn, con trai tinh thần, Đệ Nhất Thinh Văn, Đệ Nhất Trí Tuệ. Là người mà gọi là “pavattitaṃ dhammacakkaṃ anuppavatteyya” có thể chuyển vận Pháp Luân mà ta đã gợi ý “pavattitaṃ” là đã chuyển vận, đã làm “pavattitaṃ dhammacakkaṃ anuppavatteyya”. Không có một vị nào mà được Chư Phật khen như vậy. Chỉ có vị Đệ Nhất Trí Tuệ, mỗi vị Phật có vị đệ tử lớn như vậy. Được khen một cách giống nhau. Đó là vị ấy có thể gọi là CHUYỂN BÁNH XE PHÁP LUÂN mà ta đã vận chuyển. Có nghĩa là Ngài có thể bằng một một Pháp Thoại mà Ngài triển khai thành ra là một hệ thống Giáo Lý ngàn trùng. Và Ngài tuyệt đối có thể gọi là lập giáo, nghĩa là bằng vào cái gì Ngài hiểu. Ngài thuyết riêng một Bộ Tam Tạng y chang như là Bộ Tam Tạng của Đức Phật vậy đó. Trí Tuệ mới có thể làm được việc đó. Thì Ngài nguyện xong rồi, ông Đạo Sĩ Sarada là tiền thân Ngài Xá Lợi Phất, được Đức Phật thọ ký xong là 100 A Tăng Kỳ, 100 ngàn đại kiếp nữa thì ngươi sẽ là một vị Đệ Nhất Thinh Văn, Đệ Nhất Trí Tuệ tên là Sāriputta của Thế Tôn Gautama. Sau đó đạo sĩ Sarada mới về nhớ lại người bạn cũ trước khi mình đi tu. Ổng tên là Sirivaḍḍhana thì mới quay về để kiếm ông bá hộ Sirivaḍḍhana. Tôi mới vừa Nguyện Đệ Nhất, còn ghế trống ông nguyện đi. Vị kia nghe vậy thỉnh Phật về Trai Tăng đúng một tuần bảy ngày. Và lần này Đức Thế Tôn Anomadassi đem theo vị Đệ Nhị Thinh Văn cho vị này nhìn thấy. Thích quá. Mỗi vị Phật như vậy đệ tử nhiều lắm. Đệ tử mà đệ tử chung chung là vô số. Còn đệ tử mà đệ tử tiêu biểu thì có mấy chục. Ví dụ như Đệ Nhất này. Đệ Nhất kia. Thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy. Ngài có vô số đệ tử, đệ tử Thinh Văn lớn Mahākassapa, thì gồm chia thành hai nhánh. Một nhánh là chủ về Định Học. một vị nhánh chủ về Tuệ Học. Trong Chú Giải có kể cho mình bao nhiêu, mấy chục vị đứng dùm bên nhóm Định. Bao nhiêu nhóm đứng bên nhóm Tuệ. Và nếu mà phải chọn ra ba vị tiêu biểu, thì đời Phật nào cũng phải có ba vị tiêu biểu cho Tam Học. Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni thì Ngài cũng có ba vị tiêu biểu đó là Ngài Ca Diếp tiêu biểu cho Giới Học, chứ không phải Upāli nha, Upāli là Luật, Luật khác, Giới Học khác. Luật là một phần nhỏ của Giới thôi. Ngài Mahākassapa Đệ Nhất Đầu Đà tiêu biểu cho Giới Học. Trong Chú Giải gọi là Tatiya Sāvaka, tức là Đệ Tam Thinh Văn giềng mối của Giáo Pháp. Mahākassapa tiêu biểu cho Giới Học. Ngài Mục Kiền Liên Đệ Nhất Thần Thông tiêu biểu cho Định Học. Và Ngài Xá Lợi Phất Đệ Nhất Trí Tuệ tiêu biểu cho Tuệ Học. Nhớ nha. Rồi.

Tôi đánh một vòng giống như lạc đề để cho các vị thấy, sau khi Ngài Xá Lợi Phất Ngài chia tay Ngài Mục Kiền Liên rồi Ngài mới về, Ngài một mình đi tìm đạo. Hai anh em dắt nhau đi tu, nhưng mà thấy không xong, thấy ông thầy dõm quá, hai anh em nói thôi ông này không xong, thôi giờ mình đi tiếp. Ai mà tìm được đạo giải thoát nhớ kiếm người kia. Có nghĩa là đã đi theo một ông thầy Sañjaya Belatthiputta rồi, thấy không xong hai anh em mới đi lang thang tiếp, thì Ngài Xá Lợi Phật Ngài gặp Ngài Assaji Ngài chứng Tu Đà Hườn, Ngài mới trở về Ngài tìm Ngài Mục Kiền Liên. Ngài Mục Kiền Liên từ xa nhìn thấy sắc diện Ngài Xá Lợi Phất là Ngài biết có chuyện rồi. Ngài nói có phải hiền hữu đã tìm được đạo giải thoát. Đọc cái đó mình mới thấy đặc biệt. Có nghĩa là khi người ta đã buông được Thân kiến, Hoài nghi, người ta lạ lắm. Lạ lắm.

Việt Nam mình có câu “Gió Xuân đầy mặt”, khi mình có cái gì vui vui tự gió xuân đầy mặt. Mà đó là chuyện thế gian, chuyện ruồi bu. Có chuyện vui vui về tình cảm, về tài chánh, về công việc, về xã hội, là cái mặt mình gió Xuân đầy mặt. Còn cái này là người ta Chứng Đạo Bồ Đề, dù là Tu Đà Hườn, khi buông được Thân kiến, Hoài nghi rồi người ta đi giống như cách đi hỏng mặt đất. Mình phải tin chuyện đó. Phải tin chuyện đó. Tôi tuyệt đối tin chuyện đó.

Thân Kiến buông được rồi con người an lạc lắm. Không còn nghĩ rằng “đây là tôi”, “của tôi”, “trong tôi có Danh Sắc”, “trong Danh Sắc có tôi”, “trong Năm Uẩn có tôi”, “trong tôi có Năm Uẩn”, “Năm Uẩn là tôi”, “tôi là Năm Uẩn”. Buông mấy cái đó. Buông 20 cái Thân Kiến. Người đó nhẹ ghê lắm. Mà quý vị không hiểu tại sao nhẹ, tôi chỉ gợi ý thôi, nó nhẹ nè, khi mà Má mình đi lạc, bà Má đi lạc, mà mình nghe có cái xác trôi sông của một cụ già là mình chết điếng. Nhưng mà khi mình tận mắt mình nhìn cái xác không phải Má mình thì sao ta ? Nhẹ. Hoặc là mình là vua ghen mà mình nghe nói ông xã, bà xã mình đang cặp với ai đó, mình mới bèn hùng hục lao tới quán cà phê và thấy, xác định được cái người đó không phải là ông xã, bà xã, của mình. Hoặc là họ đang ngồi với em ruột hoặc chị ruột của người ta. Khi mà xác định được nghe nó nhẹ dữ lắm. Ở đây cũng vậy. Vị Tu Đà Hườn xác định được thì ra cái cục này không phải là của mình, mình không phải là cục này. Nhẹ lắm. Nhẹ ghê lắm. Nhẹ lắm. Còn mình không có học đạo mà đã vậy thiếu Trí Văn, thiếu Trí Tư mới ghê chứ. Cái đầu không có xài, để đội nón thôi. Cho nên mình nghe nói Thánh Nhân an lạc mình không hình dung được. Phải có Trí Tư. Phải có Trí Văn. Mình cứ nghĩ một chuyện an lạc lắm. Phải không ? An lạc lắm. Chỉ cần biết cái này không phải là tôi, tôi không phải là cái này, trong cái này không có tôi, mà không có cái trong tôi làm gì trong tôi có cái này. Đấy. Nhớ nha.

Tôi đi một vòng giống như lạc đề đó để chốt là cái gì ? Là để thấm thía được CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT BẮT BUỘC PHẢI HỌC GIÁO LÝ. Mình chưa có đủ cái tầm để gọi là VÔ SƯ TỰ NGỘ. Mà mình cũng không đủ cái tầm mà gọi là NGHE MỘT CÂU THẤY ĐƯỢC ĐẠO BỒ ĐỀ VÔ THƯỢNG. Mình chưa đủ đâu. Mình phải học. Mình phải học như là một cái kho chứa, kho lớn, kho nhỏ gì chưa biết, nhưng mà phải học như cái kho chứa. Ít ít, nhỏ nhỏ, cũng là cái tủ. Phải không ? Ở đây ai có nhà cửa, có kho, có tủ, thì biết. Áo quần một tủ lựa nó mới thoải mái, vật dụng phải có một kho lựa nó mới thoải mái. Phải không.

Kiến thức cũng vậy. Phải học Giáo Lý. Tôi không có nói bà con phải bỏ nhà, bỏ Cha, bỏ Mẹ, bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con, bỏ cái, để đi học Đạo. Tôi không có nói nha. Tôi không có nói. Tùy duyên. Nhưng. Tôi không nói như vậy, tôi không kêu các vị bỏ, nhưng tôi vẫn nói khẽ một điều, tận dụng mọi điều kiện như có thể, chứ đừng có ngồi đó mà nghĩ rằng, tôi là Cư Sĩ tôi có quyền dốt. Cái phần Giáo Lý uyên thâm là để của Tăng Ni, người không có tóc, người ở chùa chiền Tự Viện. Còn tôi là có tóc, tôi có chồng, có vợ, có con cái, tôi có quyền dốt giáo lý. Thì tôi nói thiệt, nếu mà bà con nào mà nghĩ như vậy đó, thì tôi xin chia buồn. Bởi vì quý vị là người rất là không bình thường. Có nghĩa là dưới mức trung bình. Bởi vì Tăng Ni hay là Cư Sĩ đó là một chuyện. Nhưng mà cái chuyện đó là về mặt xã hội, về mặt hình thức, về mặt tổ chức, mặt đoàn thể gì đó. Nhưng mà về mặt rốt ráo, trên mặt sinh tử thì Tăng Ni, Cư Sĩ, hễ còn Phàm thì trách nhiệm đối với bản thân tuyệt đối giống nhau. Tôi nói thiệt chậm. Tuyệt đối giống nhau. Trách nhiệm sinh tử, trách nhiệm đối với bản thân trong chuyện sinh tử. Nghĩa là sao ? Mỗi ngày mình sống như thế nào ? Nói năng và tư duy, nói năng, hành động, tư duy, như thế nào ? Tam Nghiệp. Thì khi mà tắt thở sẽ cầm cái đó mà đi. Về cái khoản này nè. Tăng Ni, Cư Sĩ, nam nữ, tuyệt đối giống nhau. Chứ không thể nào mà nói rằng tôi có quyền. Đúng. Đúng. Quý vị không học không ai nói gì hết, nhưng mà tôi xin nói nhỏ thôi, quý vị có quyền không học, có quyền không tu. Phải không. Có quyền tà kiến, đủ thứ quyền hết, các vị tuyệt đối đủ thứ quyền hết. Nhưng mà cái đó là trên lý thuyết, chứ trong thực tế, trách nhiệm đối với bản thân trên đường sinh tử thì Tăng Ni và Cư Sĩ tuyệt đối giống nhau. Trong giờ hấp hối mình không có thể nào mình thương lượng, mình thỏa hiệp, với một thế lực nào đó rằng là trong mấy chục năm qua tôi không có tu học tại vì tôi là Cư Sĩ. No. No. Không có một thế lực nào để mình thương lượng, mình hòa giải, năn nỉ. No. Chuyện đó rất là khoa học. Tức là một ngày mình mất bao nhiêu giờ để mình chạy bộ, thì cơ thể mình nó sẽ nhờ vậy mà nó được khỏe hay là không khỏe. Chứ không có một thế lực nào để mình thương lượng nói bây giờ tôi có cách nào tôi nằm yên mà tôi khỏe không ? Không. Nó rất là khoa học. Một ngày như vậy anh chạy bộ được bao nhiêu ? Mỗi ngày như vậy anh có ăn kiêng hay không ? Một ngày như vậy đời sống tinh thần và đời sống sinh học anh nó như thế nào ? Một ngày như vậy đó, anh tiêu thụ bao nhiêu calo ? Một ngày như vậy anh gọi là cơ bắp anh nó được vận động như thế nào ? Cái đó mới là vấn đề khoa học. Thì tùy thuộc vào nền tảng đó mà anh khỏe hay anh bệnh. Ở đây không ai để anh thương lượng hết.

Thì chuyện tu học y chang vậy. Không có ai để mình thương lượng hết. Không có. Cho nên phải học giáo lý. Chiều nay tôi muốn nói cái gì ? Chiều nay tôi muốn quay lại một chuyện để chuẩn bị bài cho tuần sau thôi. Có nghĩa là bà con phải học giáo lý. Đặc biệt là học A Tỳ Đàm. Đây là cái điều tôi không biết, tôi không nhớ là tôi đã có nói qua chưa, A Tỳ Đàm nó đặc biệt chỗ này, A Tỳ Đàm nói riêng và giáo lý nói chung. Phải học để Biết. Và khi muốn biết nó là của mình hay không, thì mình học xong nhiều khi mình không có nhớ, làm sao cái đầu mình nhớ hết tất cả được. Nhưng mà khi đụng chuyện nó bật ra. Lúc đó cái đó là của mình đấy. Còn cái thứ mà trả bài cho Thầy rào rào, rào rào, mà đụng chuyện nó không có bung ra được, cái đó nghĩa là mình đã trả lại cho Thầy. Cho nên tôi phải nói rõ A Tỳ Đàm có điểm hay thế này, cứ học cho biết. Rồi mình quên nó đi. Nhưng mà trong thực tế hành trì, tự nhiên mình là Thầy cho mình, tự nhiên mình là bạn của mình, tự nhiên mình gỡ rối, mình tháo cởi những nghi nan, những nghi hoặc của mình. Là ở đâu ra ? Là nhờ kiến thức mình học, còn bình thường mình là người rất là bình thường, mình không không có nhớ gì hết. Nhưng mà phải học. Học rồi quên nó đi, khi cần thì nó có. Chứ không phải nói như vậy rồi tôi bắt các vị suốt ngày giống như người mất trí cứ suốt ngày ê, a, 15, 18, 35, 41, No. Tuyệt đối không có Kinh điển nào mà dạy kỳ cục vậy. Phải không. Cứ học, cứ nhét vô, nhét vô mà tùy duyên, nhét vô cái gì, nhét vô bao nhiêu. Cứ nhớ cái gì và bao nhiêu ? Bao nhiêu và cái gì ? Cái gì và bao nhiêu ? Cứ nhét vô, lắng nghe, lắng nghe, ghi chép, rồi có một ngày khi mình hữu sự, mình bèn có cái xài. Những cái đó là Thầy của mình, là bạn của mình. Chính Đức Phật trước khi Niết Bàn Ngài cũng đã nói : Giáo Pháp của ta, Giáo Pháp và Giới Luật của ta là Thầy của các ngươi. Ngài nói rồi. Chứ không phải tôi nói. Ngài nói:
“yo vo, ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā” – “những Pháp Luật nào mà ta đã thuyết giảng, đã ban hành, thì chính những Pháp này “so vo mamaccayena satthā” – là Thầy của các ngươi sau khi ta không còn nữa, mamaccayena – khi ta viên tịch, satthā là Đạo Sư, Đạo Sư của các ngươi khi mà ta không còn nữa, khi mất. Đó là Phật nói. Chứ thời buổi này mình không thể nào mình biến mình thành con chuột bạch, mình nhắm mắt giao cái mạng mình cho một Sư Phụ nào đó. Chuyện đầu tiên là đã sai lời Phật. Chính Đức Phật Ngài không có phó chúc, ký thác một ai thế Ngài hết. Ngài giao hẳn cái đó cho Giáo Pháp và Giới Luật. Cho nên chuyện đầu tiên mình đã thấy sai rồi, thứ hai bao nhiêu thầy bà đi nữa họ chỉ đáng là thầy của mình khi mà họ dựa trên nền tảng của Tam Tạng, của Giáo Pháp, mà nếu họ phải dựa thì điều đó cũng có nghĩa là ông thầy tối cao vẫn phải là Kinh điển. Còn nếu mình quý ông thầy đó mà ông thầy nói sai Kinh điển mà mình vẫn bái Sư, thì cái đó là xin chia buồn. Phải không. Còn nếu mà ông thầy nói đúng Kinh điển, như vậy cũng có nghĩa là Kinh điển tiếp tục là thầy của mình. Phải không. Nhớ cái đó, và như tôi nói rất là nhiều lần, tùy căn cơ của mỗi người mà chúng ta đón nhận được bao nhiêu giáo
pháp, rồi chúng ta gặm nhắm, chúng ta tiêu hóa được bao nhiêu ? Rồi cuối cùng là hành trì được bao nhiêu ? Đó là việc của chúng ta. Còn bao nhiêu thầy bạn, chỉ là những địa chỉ tham khảo thôi. Nha. Địa chỉ tham khảo.

Àh quên nữa, sẵn ở đây chúng tôi cũng nói chuyện hơi lạc đề, trong vòng một tháng nữa chúng ta sẽ có một cuốn sách gần 400 trang, do chúng tôi sắp phát hành, nói ra không phải để bán, nhưng mà để cho bà con thấy rằng Kālāma mình vẫn tiếp tục giữa bao nhiêu chướng duyên mình vẫn hoạt động. Quyển sách đó có tựa đề SÂN CHÙA NGỒI GẪM khoảng 400 trang. Đây là quyển sách tôi cho là kỳ lạ nhất từ đó đến giờ, tức là đó là sách tranh, tranh là tranh thủy mặc, tranh thiền, mình có mua bản quyền đàng hoàng nha. Mỗi trang như vậy mình có được những bài học giáo lý nhỏ nhỏ, vui vui. Tôi cho rằng rất là cần. Hôm đó có cái bà nào đó cực kỳ vô duyên, bên Úc áh, thì bả khuyên, bả nói, thôi in Phật Ngôn đi. Thì tôi nói thiệt Phật Ngôn thì bà con cứ mở Kinh Tạng ra thì có. Chứ bây giờ tự nhiên lấy ra in khó quá, phải không ? Rồi bán cho ai ? Không phải bán mà là đem đưa ai đem về đọc, thì có sẵn Tam Tạng sao không chịu đọc, mắc gì phải in riêng ra, còn Kālāma trường hợp đặc biệt chúng tôi vẫn đang làm, làm cho đến quyển 5 mới ngưng. Bây giờ chúng tôi đã có đủ rồi, đã có đủ bản thảo rồi, bản thảo cho cuốn 4 rồi. Mà hình như nó có tràn qua quyển 5 nữa, có một phần cho quyển 5, quyển 4 là đủ rồi, có dư qua quyển 5. Thì chỉ cần chỉnh sửa lại rồi là có quyển 4, phần đó chúng tôi không có bỏ, nhưng mà sắp tới chúng ta trong tháng, một tháng nữa, 30 ngày. Kể từ hôm nay chúng ta có thêm cuốn SÂN CHÙA NGỒI GẪM, thì trong đó có rất là nhiều vấn đề mà tôi nghĩ là đi toilet đem theo không tệ.
Chúc các vị một ngày vui.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app