Nội Dung Chính
Buddho
Những Bước Cơ Bản Đầu Tiên Để Thực Hành Thiền
Buddho là một cái gì đó thật tĩnh lặng và mát lành. Nó chính là con đường đưa đến an lạc và bình an – con đường duy nhất sẽ giải phóng chúng ta ra khỏi mọi đau khổ trên thế gian này.
Vì vậy, bạn hãy thường xuyên kéo tâm mình quay lại với Buddho. Lần này thì nó bắt đầu lắng dịu trở lại. Khi đó, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được cái cảm giác mỗi khi tâm lắng đọng: nó an nghỉ, yên tĩnh và dễ chịu vô cùng, khác biệt hoàn toàn với cái tâm khi còn chưa vắng lặng, khi còn lao xao, trạo cử và bất an. Bạn cố gắng cẩn thận và tỉnh giác để gìn giữ tâm mình an trú trong trạng thái ấy và…Oops, nó lại chạy biến đi đằng nào mất tiêu rồi! Lần này thì nó lấy lý do tài chính ra để biện hộ. Nó nói rằng nếu bạn không làm việc này, không tìm kiếm cái kia thì sẽ đánh mất một cơ hội rất lớn. Nghe lời dụ dỗ của nó, bạn lại quay sang tập trung vào vấn đề ấy thay vì tập trung vào đề mục niệm của mình. Buddho chạy đi đâu mất nãy giờ bạn cũng chẳng hề biết nữa. Khi nhận ra Buddho đã biến mất thì đã quá muộn – chính vì thế mà người ta nói rằng cái tâm con người chúng ta luôn luôn tháo động, trơn tuột và rất khó kiểm soát, nó giống như con khỉ không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ.
Đôi lúc, khi đã ngồi thiền được khá lâu, bạn lại bắt đầu lo lắng: có thể máu không lưu thông được, tế bào thần kinh của mình có thể sẽ chết vì thiếu máu, có thể mình sẽ bị tê cứng và cuối cùng còn có thể bại liệt nữa. Nếu bạn hành thiền xa nhà, trong rừng sâu chẳng hạn, thì còn tệ hơn: bạn lo lắng mình có thể bị rắn cắn hay bị cọp xơi, bị ma đuổi, phi nhân quấy nhiễu…Nỗi sợ chết cứ đeo đẳng bạn bằng mọi cách, tất cả chỉ đơn giản là bạn đang tự nhát mình mà thôi. Sự thật thì chẳng giống như bạn tưởng tượng tý nào. Từ thửa cha sinh mẹ đẻ đến giờ, bạn đã bao giờ tận mắt nhìn thấy cọp ăn thịt một ai đâu. Bạn cũng chưa từng một lần nhìn thấy mặt mũi con ma nó ra sao nữa – bạn còn không biết nó trông như thế nào, nhưng bạn vẫn cứ vẽ ra một con ma ở trong tâm mình, khiến cho mình sợ chết khiếp.
Những trở ngại trong quá trình thực hành mà tôi nêu ra ở đây chỉ là các ví dụ mà thôi. Trong thực tế chúng có rất nhiều. Người hành thiền sẽ phải tự mình khám phá ra chúng trong quá trình thực hành của mình.
Nhưng nếu bạn gìn giữ đề mục Buddho thật sít sao trong tâm mình, và sử dụng chánh niệm để an trụ tâm chỉ trong Buddho chứ không gì khác, thì sẽ không có nguy hiểm nào đến ngáng đường bạn cả.
Tôi đảm bảo rằng sẽ không thể có một nguy hiểm nào cả – chỉ trừ phi bạn đã tạo một nghiệp xấu nào đó trong quá khứ, thì không ai có thể bảo vệ bạn được, điều đó nằm ngoài khả năng của bất cứ người nào. Ngay cả bản thân Đức Phật cũng không thể bảo vệ bạn tránh khỏi nghiệp được.
Khi mới hành thiền, đức tin của thiền sinh vẫn còn yếu. Cho dù họ thực hành với đề mục nào đi nữa, những loại phiền não này chắc chắn vẫn can thiệp, chen ngang, bởi vì chúng cấu tạo nên nền tảng cho cả thế gian này và cả tâm của bạn nữa. Giây phút chúng ta hành thiền và làm cho tâm mình nhất tâm chuyên chú, phiền não thấy rằng chúng ta đang thoát khỏi tay chúng, vì vậy chúng xúm đến bu quanh hòng không để cho chúng ta vượt thoát ra khỏi thế gian này.
Nếu thấy ra được sự nguy hiểm và tai hại của phiền não, bạn cần phải làm cho tâm mình trở nên vững mạnh và tạo lập một đức tin vững chắc. Hãy tự nói với chính mình rằng: chúng ta đã để phiền não lừa đảo mình trong biết bao nhiêu kiếp sống rồi; giờ đây là lúc chúng ta phải đặt lòng tin vào Giáo pháp của Đức Phật và lấy Buddho (Buddho, tiếng Pali có nghĩa là Phật) làm nơi nương tựa cho mình. Rồi sau đó chúng ta củng cố chánh niệm cho thật vững chắc và gắn chặt tâm mình vào Buddho. Chúng ta đặt cả cuộc đời mình vào Buddho và sẽ không để cho tâm mình đi ra khỏi nó. Khi đã có quyết tâm dũng mãnh như vậy, bạn sẽ tiến thẳng vào nhất tâm và nhập định rất nhanh chóng.
Lần đầu tiên nhập vào an chỉ định, bạn sẽ có cảm giác như thế này: bạn không hề có một ýniệm gì về định hay trạng thái nhất tâm gì hết cả. Bạn chỉ đơn giản giữ chánh niệm tập trung vững chắc trên một đề mục duy nhất – và chính năng lực của tâm tập trung trên một đề mục đó sẽ là cái đưa bạn thể nhập vào định. Bạn không hề suy nghĩ xem định sẽ như thế này hay như thế kia, hay là mình muốn nó phải thế này hay thế nọ. Nó chỉ đơn giản hành động theo chính nó, một cách hoàn toàn tự động. Không ai có thể ép buộc được nó cả.
Khi đó, bạn cảm thấy dường như mình đã ở trong một thế giới khác (thế giới của tâm), với một cảm giác vô cùng dễ chịu và tách biệt, mà không có bất cứ một thứ gì trên thế gian này có thể so sánh được. Khi tâm xuất ra khỏi định, bạn sẽ cảm thấy tiếc nuối rằng cảm giác ấy đã qua đi, và bạn vẫn còn nhớ như in. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể nói về định khi đã xuất ra khỏi trạng thái đó. Khi tâm thể nhập và an trú trong đó, chúng ta không còn quan tâm đến bất cứ những gì người khác nói hay làm nữa.
Bạn phải huấn luyện tâm mình để nhập định thường xuyên, để trở nên thành thục, nhưng đừng cố gắng hồi nhớ lại những trạng thái định đã có trước đây của mình, và chớ mong muốn định của mình phải giống như lần trước – bởi vì nó sẽ không bao giờ như cũ cả. Làm như thế bạn sẽ chỉ càng tự gây thêm rắc rối cho chính mình mà thôi. Chỉ đơn giản niệm Buddho, Buddho… và giữ cho tâm mình niệm liên tục như vậy. Còn sau đó tâm có làm gì thì đó là việc của nó.
Khi đã nhập định lần đầu tiên, những lần tiếp theo sẽ không giống y hệt như thế nữa, nhưng chớ lo lắng về điều đó. Bất cứ nó là như thế nào, cũng đừng lo lắng, băn khoăn về nó. Chỉ cần đảm bảo là bạn tập trung hoàn toàn vào nó mà thôi. Khi kết quả đến theo nhiều cách khác nhau, sự hiểu biết của bạn cũng sẽ được mở rộng và bạn sẽ phát huy được rất nhiều kỹ thuật thiện xảo khác nhau để làm việc với tâm mình.
Những gì tôi nói ở đây, chỉ nên đơn giản coi đó là những ví dụ mà thôi. Khi bạn thực hành theo những chỉ dẫn này, đừng quá coi trọng nó, đừng quá đặt nặng vào nó, nếu không nó sẽ trở thành những ảo ảnh trong quá khứ và thiền tập của bạn rồi sẽ chẳng đi tới đâu cả. Chỉ cần đơn giản ghi nhớ chúng như là một kinh nghiệm dùng để so sánh, khi thiền tập của bạn đã tiến triển mà thôi.
Bất cứ phương pháp nào bạn thực hành – niệm Buddho, niệm phồng xẹp hay niệm sammā araham – khi tâm bắt đầu lắng đọng trong định, bạn sẽ không nghĩ rằng tâm mình đã lắng đọng, hay đang lắng đọng, hay bất cứ điều gì khác. Nó sẽ tự lắng đọng một cách tự động. Thậm chí bạn còn không biết là mình đã buông bỏ việc niệm đề mục như thế nào nữa. Tâm bạn chỉ đơn giản tĩnh lặng và an lạc, sự an lạc không hề có được trên thế giới này hay bất cứ nơi đâu. Thực tại chế định của thế gian không còn xuất hiện ở đó nữa, và do đó cũng chẳng có tuệ giác nào khởi sanh trong đó cả. Điểm chính là bạn chỉ đơn giản huấn luyện tâm mình tập trung và rồi sau đó so sánh nó với trạng thái tâm không tập trung, không định tĩnh để thấy được chúng khác nhau ra sao; cái tâm đã đắc định và xuất định để quán chiếu các pháp khác biệt so với cái tâm chưa đắc định như thế nào.
Chân tâm và tâm trí, bây giờ chúng ta sẽ nói thêm một chút về chân tâm và tâm trí để bạn có thể hiểu được chúng. Bởi cuối cùng thì chúng ta đều đang nói về quá trình luyện tâm để đạt tới định, nếu không hiểu biết về mối quan hệ giữa chân tâm và tâm trí, bạn sẽ không thể biết được mình đang ở chỗ nào và cách thực hành định ra sao.
Tất cả mọi chúng sanh được sinh ra – dù là con người hay động vật – cũng đều có chân tâm và tâm trí, song chân tâm và tâm trí có những chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Tâm trí suy nghĩ, lang thang và tạo dựng nên đủ loại ý tưởng theo sự dẫn dắt của các loại phiền não.
Còn chân tâm, nó chỉ đơn giản là cái hay biết. Nó không tạo tác nên bất cứ một ý tưởng nào cả. Nó nằm ở giữa, trung lập với tất cả mọi thứ. Chánh niệm trung lập: đó chính là chân tâm.
Chân tâm không hề có một cơ thể vật chất. Nó là một hiện tượng của tâm mà thôi. Nó chỉ đơn giản là sự chánh niệm. Bạn có thể đặt nó ở bất cứ nơi đâu. Nó không hề nằm trong hay nằm ngoài cơ thể. Khi chúng ta gọi trái tim cơ bắp trong ngực này là tâm, nó không phải là chân tâm thực sự. Nó chỉ là một cơ quan nội tạng bơm máu đi khắp cơ thể để nuôi sống chúng ta mà thôi. Nếu trái tim này không hoạt động nữa thì cuộc sống cũng chấm dứt.
Mọi người nói chung vẫn thường nói về tâm như thế này: “Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc trong tâm…tôi cảm nhận nỗi buồn…sự nặng nề…sự thanh thản nhẹ nhàng…trong tâm”. Tất cả đều quy về tâm. Các học giả chuyên về Vi diệu pháp ( Abhidhamma) thường hay nói rằng: có tâm bất thiện, tâm thiện, tâm vô nhân, tâm sắc giới, tâm vô sắc giới, tâm siêu thế và vân vân…nhưng không ai trong số họ hiểu được thế nào là tâm và thế nào là chân tâm.
Tâm là cái suy nghĩ, lý luận và tạo dựng nên các ý tưởng. Nó phải sử dụng đến 6 giác quan làm công cụ. Ngay khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm giác sự xúc chạm –nóng, lạnh, cứng, mềm – và ý suy nghĩ, nắm bắt các ý tưởng theo dòng phiền não, tốt hay xấu: nếu bất cứ điều gì cảm nhận là tốt, tâm liền thích thú; nếu xấu, nó chán ghét. Tất cả những điều này đều là công việc của tâm, hay của phiền não. Ngoài sáu giác quan này, tâm trí không thể sử dụng được cái gì nữa. Trong kinh điển, chúng được chia ra thành sáu căn, sáu trần và sáu giới, đại loại như vậy, nhưng không có thứ nào trong đó nằm bên trong sáu giác quan cả. Do vậy, những thứ này cũng đều là những đặc tính của tâm: cái không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ.
Khi bạn huấn luyện tâm mình, hay nói cách khác là tu tập định, bạn phải chế ngự tâm mình vốn luôn lang thang chạy theo sáu giác quan và buộc nó đứng yên lại ở một điểm: đó chính là đề mục niệm Buddho. Đừng để nó tuột chạy đi đằng trước hay thụt lại đằng sau. Làm cho nó an trụ và hay biết rằng nó đang an trụ: đó chính là chân tâm. Chân tâm không có việc gì phải làm đối với sáu giác quan cả, chính vì thế nó được gọi là chân tâm.
Nói chung khi mọi người nói về chân tâm, họ thường ám chỉ về nơi tâm điểm của nó. Thậm chí, ngay cả khi họ nói về chân tâm của mình, họ cũng chỉ vào giữa ngực mình. Thực ra chân tâm chẳng nằm ở một nơi nào trong thân này cả, mặc dù nó vẫn luôn nằm ở nơi trung tâm của tất cả mọi thứ.
Nếu bạn muốn hiểu thế nào là chân tâm, bạn có thể thử làm một thí nghiệm sau đây. Hãy hít vào một hơi và giữ một lúc. Vào lúc đó, chẳng thể có cái gì sất cả, ngoại trừ một điều: chánh niệm đơn thuần, hoàn toàn trung lập. Đó chính là chân tâm, hay là “cái hay biết”. Nếu bạn cố gắng nắm bắt chân tâm của mình theo cách này, bạn sẽ không thể nắm giữ nó được lâu, chỉ lâu đến mức có thể nhịn thở được mà thôi, nhưng bạn có thể thử làm như vậy, chỉ để thấy ra được thế nào là chân tâm thực sự mà thôi.
(Giữ hơi thở có thể giúp làm giảm nhẹ cơn đau trên thân. Những người phải chịu những cơn đau đớn vật vã thường giữ hơi thở như là một cách giảm đau khá hiệu quả).
Khi bạn đã nhận ra rằng tâm trí và chân tâm có những chức năng và đặc tính khác biệt nhau như thế, bạn sẽ thấy công việc huấn luyện tâm của mình trở nên dễ dàng hơn nhiều. Thực ra thì chân tâm và tâm trí cũng chỉ là một mà thôi. Như Đức Phật đã nói, chân tâm cũng chính là tâm trí. Khi thực hành thiền chỉ, thì chỉ cần huấn luyện tâm mình là đủ; một khi tâm đã được huấn luyện, thì ngay tại đó chúng ta sẽ thấy được chân tâm của mình.
Khi tâm đã được huấn luyện hoàn toàn đầy đủ bằng chánh niệm, an trụ trong Buddho như một đề mục duy nhất, nó sẽ không còn chạy theo ngoại cảnh nữa mà sẽ quy tụ vào một điểm. Đề mục niệm sẽ biến mất mà bạn không hề hay biết và bạn sẽ cảm nhận được một cảm giác bình an và dễ chịu không gì so sánh nổi. Những người chưa từng cảm nhận được sự bình an này trước kia, khi lần đầu tiên cảm nhận được nó, họ không thể nào diễn tả được, bởi vì không có ai trên thế gian này từng được kinh nghiệm qua sự an lạc và bình yên đến thế. Mặc dù nhiều người khác cũng đã kinh nghiệm được, nhưng nó không hoàn toàn giống y hệt như nhau. Chính vì lý do này mà bạn cảm thấy rất khó để diễn tả được nó – mặc dù bạn có thể tự diễn tả được cho chính mình. Nếu muốn diễn tả lại cho người khác hiểu, bạn phải dùng đến những lối nói ẩn dụ, so sánh hay những ví dụ tương đương. Những thứ như thế này thường là những kinh nghiệm rất cá nhân: chỉ mình bạn tự biết, tự hiểu được mà thôi.
Ngoài ra, nếu bạn đã phát triển được một số tiềm năng trong những kiếp quá khứ, thì sẽ có rất nhiều điều lạ lùng xảy đến. Chẳng hạn bạn sẽ có thể thấy được những cảnh giới chư thiên hay ngạ quỷ. Bạn có thể nhớ được những kiếp quá khứ hay thấy trước được tương lai của mình và của người khác. Trong kiếp trước bạn đã là thế này, kiếp sau bạn sẽ thế kia…Mặc dù bạn không dự định là mình sẽ thấy được những điều đó, song khi tâm đã đắc định nó có thể tự hiểu biết được nhiều điều rất lạ lùng.
Những điều lạ lùng như thế thường làm cho những thiền sinh mới mê mẩn. Khi những điều này xảy đến với họ, họ rất thích đem đi khoe khoang với người khác. Những người khác cố gắng hành thiền, nhưng không đạt được những khả năng như vậy thì lại đâm ra chán nản, thất vọng và nghĩ rằng mình không có đủ phước hành thiền và rồi bắt đầu đánh mất đức tin vào pháp hành.
Còn đối với những người thấy được những điều đó, khi khả năng đó bị suy thoái đi – bởi vì họ đã bị những thứ bên ngoài lôi đi và không lấy chân tâm làm cứ điểm cho mình – thì họ không thể bám víu vào bất cứ cái gì được nữa. Khi nghĩ lại những điều họ đã thấy, tâm họ lại càng trở nên bất an, khuấy động hơn. Những người đã trót khoe khoang với người khác về khả năng của mình thì thường dựa trên những gì trước kia mình hay thấy để mà nói phóng đại lên. Những người khoái chuyện lạ rất thích nghe những chuyện như thế, nhưng đối với những thiền sinh nhiệt tâm thì họ không thèm để ý – bởi vì, một thiền sinh đích thực chỉ muốn nghe những điều thực tế và ngay trong hiện tại mà thôi.
Đức Phật dạy, sau này giáo pháp của Như Lai có được phát triển hay suy tàn đi là phụ thuộc vào những người thực hành giáo pháp. Giáo pháp sẽ ngày càng suy tàn khi những thiền sinh mới chỉ biết được chút ít đã vội đi khoe khoang, khoác lác với người, nói những chuyện trên trời dưới biển mà chẳng có thực chất chút nào, thay vì việc chính phải làm là giảng giải nguyên tắc hành thiền căn bản để hướng dẫn mọi người thực hành. Khi làm như thế, chính họ đang làm cho giáo pháp suy tàn mà không hề ý thức được điều đó.
Người làm cho giáo pháp hưng thịnh là những người chỉ nói những điều lợi ích và chân thật. Họ không nói chỉ vì muốn vui vẻ.
Họ nói về nhân quả: “Khi bạn thực hành như thế này, niệm câu đó lặp đi lặp lại theo cách này, nó sẽ giúp tâm bạn quy tụ về một điểm, dập tắt phiền não và bất an như thế này…”.
Khi bạn hành thiền với đề mục niệm Buddho, hãy kiên nhẫn. Đừng nóng vội. Hãy đặt lòng tin vào đề mục thiền và sử dụng chánh niệm để an trụ tâm mình trong Buddho. Đức tin là cái sẽ làm cho tâm bạn vững vàng, không dao động, có thể buông bỏ tất cả mọi hoài nghi, do dự trong mình. Tâm bạn sẽ quy tụ về câu niệm đó và chánh niệm sẽ giữ cho nó an trụ trong Buddho suốt trong mọi lúc. Dù bạn đi đứng ngồi nằm hay trong bất cứ công việc gì bạn làm, chánh niệm sẽ luôn luôn giác tỉnh với chỉ Buddho mà thôi, không hề để tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài nó. Nếu chánh niệm của bạn còn yếu, kỹ thuật còn non thì bạn phải bám chắc vào Buddho làm nền tảng cho mình. Nếu không pháp hành của bạn sẽ không thể tiến triển được, hoặc nếu có tiến triển đi nữa thì nó cũng không có một nền tảng nào cả.
Để đạt được định tâm vững mạnh, bạn cần phải có quyết tâm. Khi chánh niệm vững mạnh, và bạn có quyết tâm, bạn quyết định rằng đây chính là điều mình muốn làm: “Nếu tôi không nắm bắt được Buddho, không thấy Buddho trong tâm mình hay không an trụ tâm được trong Buddho, tôi sẽ không đứng dậy khỏi chỗ ngồi thiền. Ngay cả khi mạng sống của tôi chấm dứt, tôi cũng không cần”. Khi bạn quyết định như vậy thì tâm của bạn quy tụ về nhất tâm nhanh hơn rất nhiều. Đề mục niệm Buddho, hay bất cứ cái gì có thể gây xao lãng, bối rối cho bạn sẽ nhanh chóng biến mất trong nháy mắt. Ngay cả cái thân này bạn đã dính mắc với nó bao lâu nay cũng sẽ không còn làm bạn phải bận lòng nữa. Tất cả những gì còn lại chỉ là chân tâm – chỉ còn lại chánh niệm đơn thuần– tĩnh lặng, mát lạnh và vô cùng dễ chịu.
Người hành thiền sẽ rất thích thú khi cảm giác này xuất hiện. Lần sau, họ lại mong ngóng cảm giác đó xuất hiện trở lại, và chính vì thế nó sẽ không đến nữa. Đó là bởi vì tâm tham đã ngăn cản không cho nó xảy đến. Định là một thứ rất vi tế và nhạy cảm. Bạn không thể ép buộc nó phải xảy ra như thế này hay thế khác được – và bạn cũng không thể cưỡng ép tâm mình nhập định được.
Nếu bạn nóng vội thì mọi việc sẽ lại chỉ càng rối hơn mà thôi. Bạn phải rất kiên nhẫn. Dù tâm có đắc định được hay không, nhưng bạn đã thực hành niệm Buddho từ trước tới nay rồi thì cứ tiếp tục niệm Buddho như vậy đi. Hãy thực hành như thể trước đây bạn chưa bao giờ niệm Buddho vậy. Hãy làm cho tâm quân bình và trung lập, để cho hơi thở điều hòa nhẹ nhàng, và dùng chánh niệm chú tâm vào mỗi Buddho mà thôi, không để ý đến bất cứ cái gì khác ngoài nó. Khi thời điểm đã chín muồi để tâm nhập định thì nó sẽ tự làm việc đó. Bạn không thể bố trí, thu xếp cách nó phải xảy đến như thế nào. Nếu nó là thứ mà chúng ta có thể sắp xếp được thì hẳn là tất cả mọi người trên thế giới này đã trở thành bậc thánh Alahán từ lâu rồi.
Biết cách thực hành thiền, nhưng không làm đúng theo nó; làm đúng được một lần, rồi sau đó lại muốn nó phải tiếp tục xảy đến theo cách như vậy nữa, nhưng nó không xảy ra: tất cả những điều đó đều là những trở ngại cho bạn trong quá trình thực hành thiền định.