Nội Dung Chính
Buddho
Những Bước Cơ Bản Đầu Tiên Để Thực Hành Thiền
Khi thực hành thiền niệm Buddho, trước hết bạn cần bắt đầu với những bước cơ bản ban đầu như sau. Hãy làm tăng trưởng đức tin trong sạch trong tâm mình, rồi sau đó đảnh lễ trước Tam Bảo ba lần, và đọc:
Araham sammā-sambuddho bhagavā
- Con xin đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài là bậc Alahán cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy.
Buddham bhagavantam abhivādemi
- Con xin đem hết lòng thành kính cúi đầu làm lễ Đức Thế Tôn, bậc Giác ngộ.
(Đảnh lễ một lạy) Svākhato bhagavatā dhammo
- Con xin đem hết lòng thành kính đảnh lễ Pháp Bảo Đức Thế Tôn đã khéo thuyết giảng.
Dhammam namassāmi
- Con xin đem hết lòng thành kính cúi đầu làm lễ Pháp Bảo.
(Đảnh lễ một lạy)
Supatipanno Bhagavato sāvaka-sangho
- Con xin đem hết lòng thành kính đảnh lễ Tăng Bảo, chư Đại đức Tăng chúng đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc thiện hạnh.
Sangham namāmi
- Con xin đem hết lòng thành kính cúi đầu làm lễ Đức Tăng.
(Đảnh lễ một lạy)
Namo tassa bhagavato arahato sammā-sambuddhassa.
- Con xin đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Ngài là bậc Ứng cúng cao thượng, được chứng quả Chánh Biến Tri do Ngài tự ngộ, không thầy chỉ dạy.
Hãy niệm tưởng đến các ân đức của Đức Phật, bậc thầy cao thượng của chư thiên và nhân loại, bậc đã hoàn toàn dứt tuyệt khỏi mọi phiền não, nhiễm ô và đau khổ, bậc luôn luôn an tịnh và là nơi nương tựa xứng đáng cho chúng ta. Rồi sau đó đảnh lễ ba lần.
Chú ý: những bước căn bản ban đầu này chỉ đơn giản là ví dụ mà thôi. Nếu bạn muốn tụng kinh nhiều hơn thế thì cũng tốt, nhưng đầu tiên bạn nên đảnh lễ Đức Phật mỗi khi vào ngồi thiền, chỉ trừ khi nơi bạn ngồi thiền không thuận tiện để làm việc đó mà thôi.
Và bây giờ thì hãy vào ngồi thiền, chân phải đặt lên trên chân trái, tay trong lòng, tay phải đặt lên trên lòng bàn tay trái. Ngồi thẳng lưng. Niệm thầm từ Buddho trong tâm, đặt tâm ở ngực, ngay nơi trái tim. Đừng để sự chú tâm đi lang thang ra phía trước hay phía sau. Hãy chánh niệm giữ tâm mình ở một nơi, an trú vững chắc ở một điểm đó thôi và bạn sẽ đi sâu vào định.
Khi đã thể nhập vào định, tâm bạn có thể trở nên trống rỗng đến mức bạn không hề biết là mình đã ngồi được bao lâu nữa. Lúc xuất ra khỏi định thì nhiều giờ đã trôi qua. Vì lý do đó, bạn không nên ấn định trước thời gian cho mình trong khi ngồi thiền. Hãy để mọi việc trôi chảy thuận theo tự nhiên.
Tâm an trú thực sự ở trong định là cái tâm ở trong trạng thái nhất tâm. Nếu tâm vẫn chưa đạt đến nhất tâm thì nó vẫn chưa phải là định (toàn định), bởi vì cái tâm đích thực chỉ có một. Nếu có nhiều trạng thái tâm vẫn cứ tiếp tục hoạt động, tạo tác, khi đó bạn vẫn chưa thể thể nhập sâu vào chân tâm được. Bạn mới chỉ chạm được đến nó mà thôi.
Trước khi bắt tay vào hành thiền, đầu tiên bạn nên biết về sự khác biệt giữa tâm trí và chân tâm, bởi vì chúng không phải là một. Tâm trí là cái tư duy, suy nghĩ và tạo lập các loại tưởng, các loại khái niệm, tư tưởng đủ loại. Chân tâm chỉ đơn giản tĩnh lặng và hay biết rằng nó tĩnh lặng mà không hề tạo tác, gia công thêm bất cứ loại suy nghĩ, tư tưởng nào khác. Sự khác nhau giữa chúng cũng như sự khác nhau giữa con sông và sóng nước trên mặt sông vậy.
Tất cả mọi thứ kiến thức và tất cả mọi phiền não chỉ có thể sanh khởi lên bởi vì tâm trí chúng ta suy nghĩ tới chúng và tạo tác các loại ý nghĩ, tư tưởng và rồi lạc đường đi tìm kiếm chúng. Bạn chỉ có thể thấy rõ được những điều này bằng chính chân tâm của mình, khi tâm trí đã trở nên tĩnh lặng và bạn tiếp cận được với chân tâm.
Bản chất của nước vốn luôn luôn trong và sạch. Nếu ai đó pha thuốc màu vào nước, khi đó nước cũng đổi màu theo. Nhưng một khi nước đã được lọc và để lắng trong, nó sẽ trở thành nước sạch và trong suốt như trước khi pha màu. Tâm trí và chân tâm của chúng ta cũng giống như vậy.
Thực ra, Đức Phật dạy rằng tâm trí của chúng ta cũng chính là chân tâm. Nếu không có tâm trí đó thì cũng chẳng thể có tâm. Tâm trí chỉ là một nhân duyên, một điều kiện. Còn bản thân chân tâm thì không có điều kiện, không cần nhân duyên. Trong pháp hành thiền, dù cho bất cứ phương pháp nào mà người thầy hướng dẫn, nếu phương pháp đó đúng đắn thì nhất định nó phải giúp bạn xuyên thấu tới chân tâm của chính mình.
Khi đã tiếp cận đến chân tâm, bạn sẽ thấy được tất cả các loại phiền não của mình, bởi vì tâm trí chúng ta tích tụ tất cả các loại phiền não ở chính trong nó. Vì vậy, giờ đây cách thức xử lý chúng như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc vào chính bạn.
Khi bác sỹ muốn điều trị cho bệnh nhân, thì trước hết họ phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho người đó. Chỉ khi đó rồi họ mới có thể điều trị bằng các phương thuốc thích hợp cho người bệnh.
Khi chúng ta bắt đầu thực hành thiền ngày một nhiều hơn, niệm thầm Buddho, Buddho, Buddho… (Bút-thô, Bút-thô, Bút-thô) lặp đi lặp lại hoài như thế, tâm chúng ta sẽ dần dần buông bỏ bớt những sự xáo động, bất an và quy tụ trở lại, an trụ với Buddho. Tâm sẽ an trụ với Buddho làm đề mục duy nhất, cho đến khi bạn thấy được trạng thái tâm đang niệm Buddho đó hoàn toàn là một với chính chân tâm mình, trong mọi lúc, bất kể dù bạn đang đi, đứng, nằm, ngồi gì đi nữa. Dù đang làm bất cứ công việc gì, tâm bạn vẫn luôn luôn sáng suốt, rõ ràng với Buddho. Khi đã đạt tới giai đoạn này, bạn hãy giữ tâm mình như thế càng lâu càng tốt. Đừng vội vàng muốn thấy được cái này, cái kia – bởi vì tham muốn, mong cầu là một trở ngại lớn nhất để đạt tới tâm định. Một khi đã có tham muốn, mong cầu móng khởi là định tâm của bạn sẽ suy thoái ngay lập tức, bởi vì nền tảng định tâm của bạn – Buddho – không vững chắc. Khi điều này xảy đến, bạn sẽ không thể bám víu vào bất cứ bến neo nào được nữa, và bạn sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Tất cả những gì bạn nghĩ đến lúc đó là trạng thái tâm an lạc và tĩnh lặng mình đã từng đạt được trước kia, và chính điều này sẽ lại làm bạn càng thêm trạo cử, bất an hơn nữa.
Cách chúng ta thực hành thiền cũng giống như cách người nông dân trồng lúa. Họ không hề vội vàng. Họ cày bừa, làm đất, gieo mạ, làm cỏ, cấy lúa…từng bước một, không bỏ sót một bước nào. Rồi sau đó chờ cho lúa lớn. Mặc dù không thấy được ngay hạt lúa đang đơm bông, ra hạt, nhưng họ tin tưởng chắc chắn rằng nhất định một ngày nào đó hạt lúa sẽ xuất hiện trên cây. Khi lúa đã đơm hạt, họ chắc chắn rằng nhất định mình sẽ gặt hái được vụ mùa ấy. Họ không cầm cổ cây lúa mà kéo lên cho mau lớn, cho nó đẻ ra hạt như mình mong muốn. Người nào làm như thế nhất định sẽ chẳng thể thu được chút xíu kết quả nào.
Trong thiền cũng vậy. Bạn không thể nào nóng vội được. Bạn không thể bỏ qua bất cứ một giai đoạn nào. Bạn phải tin tưởng chắc chắn rằng: “Đây chính là đề mục niệm chắc chắn sẽ làm cho tâm mình trở nên định tĩnh”. Chớ nên lo lắng, hồ nghi rằng liệu đề mục niệm này có phù hợp với căn cơ của mình hay không, và cũng chớ nên nghĩ rằng: “Người ấy, người nọ đã sử dụng đề mục niệm này và đạt được kết quả thế này, thế ia, nhưng khi tôi niệm từ Buddho này thì tâm lại chẳng hề định tĩnh. Nó không thích hợp cho tôi tý nào”. Thực ra, nếu tâm bạn an trụ vững chắc vào đề mục niệm bạn đang thực hành đó, thì bất kể đề mục niệm đó là từ gì, chắc chắn nó sẽ có kết quả – bởi vì bạn niệm đi niệm lại từ đó chỉ đơn giản với mục đích làm cho tâm vững chắc và an trụ mà thôi, chỉ thế thôi. Còn có đạt được các kết quả khác ngoài mục đích ấy hay không, điều ấy hoàn toàn tùy thuộc vào tiềm năng và khả năng của cá nhân mỗi người.
Một lần nọ, trong thời Đức Phật, có một vị Tỳ Khưu đang ngồi thiền ở gần một cái ao. Vị ấy nhìn thấy một con chim bói cá đang nhào xuống ao để bắt cá, và vị ấy lấy luôn hình ảnh đó làm đề mục thiền cho mình cho đến khi đắc quả Alahán, ngay tại bên bờ ao ấy. Tôi chưa từng đọc trong bất cứ một cuốn sách thiền nào nói rằng người ta có thể lấy hình ảnh con chim bói cá bắt mồi làm đề mục thiền cả, thế nhưng vị Tỳ Khưu ấy đã làm được việc đó, đã có thể lấy sự việc đó làm đề mục thiền cho mình và đắc quả Alahán. Ví dụ này minh họa rất rõ cho những gì tôi đã nói ở trên.
Khi tâm đã an trú trong đề mục niệm Buddho, với chánh niệm luôn luôn hiện hữu, thì chắc chắn nó sẽ vượt qua được những sự phá phách, nổi loạn của tâm trí. Chúng ta phải huấn luyện và chế ngự nó, bởi vì chúng ta đang đi tìm kiếm sự an lạc và bình an cho tâm mình. Thông thường, cái tâm con người ta luôn luôn bận rộn đi tìm kiếm những thứ làm tâm phân tán, xao lãng, tháo động và hầu như mọi lúc, nó hay bị lạc đường như thế này: bạn niệm Buddho, Buddho, Buddho được một lúc, ngay khi tâm vừa mới tập trung vào từ Buddho đó, thì nó đã lại không còn an trụ ở đó nữa. Nó bắt đầu chạy đi, lo lắng nghĩ ngợi đến những việc mình dự định làm hay những việc mình còn chưa làm xong. Nó nghĩ đến phải làm việc này, phải hoàn thành xong việc kia, cho đến khi nghĩ ngợi đủ hết mọi việc, nó lo lắng, băn khoăn rằng không biết công việc có hoàn thành tốt đẹp không, có như mình mong muốn không … Nó lo lắng rằng nếu mình không làm công việc người ta yêu cầu, hay không hoàn thành được việc mình muốn làm thì sẽ lãng phí thời gian vô ích hay sẽ làm mình mất mặt…vân vân và vân vân.
Đây chính là một loại xao lãng thường cản trở những thiền sinh mới hành thiền, không cho họ đạt được định tâm. Bạn phải kéo tâm mình quay lại ngay với đề mục niệm Buddho và tự nhắc mình: “Những suy nghĩ như thế này không phải là con đường đúng đắn để đạt tới sự an lạc; con đường đích thực tới an lạc là giữ tâm mình an trú với Buddho và không quan tâm tới một điều gì khác” – và rồi tiếp tục kiên trì niệm Buddho, Buddho, Buddho thật nhiều… Chỉ một khoảnh khắc sau, tâm lại phóng đi tiếp, lần này thì nó nghĩ tới gia đình – nghĩ tới con cái, nghĩ đến vợ, đến chồng: không biết họ thế nào, có khỏe không? Có ăn được không? Nếu họ ở xa thì bạn lại bắt đầu suy nghĩ xem bây giờ họ đang ở đâu, đang làm gì…Người ở xa thì nghĩ đến người ở nhà. Người ở nhà thì nghĩ đến người đi xa – lo lắng người đó có an toàn hay không, có bị ai sinh sự, quấy nhiễu không vì chẳng có ai bên cạnh, vì người đó đang cô đơn một mình…nói chung là nghĩ đến 108 thứ khác nhau, nghĩ đến bất cứ cái gì mà tâm có thể tưởng tượng ra. Mà tất cả những điều đó chỉ là sự phóng chiếu của chính chúng ta, chẳng hề đúng với sự thật tý nào.
Hoặc giả, nếu như bạn còn trẻ và độc thân, bạn sẽ nghĩ đến những phút vui với bạn bè, nghĩ đến những nơi mình đã từng đi chơi với nhau, nghĩ đến những thời gian vui vẻ đã qua, đến những việc mình hay làm – nghĩ nhiều đến mức có lúc bạn còn thốt ra lời hoặc cười to lên nữa. Loại phiền não này là loại tệ hại nhất trong cả bọn.
Khi bạn niệm Buddho, Buddho, Buddho, các phiền não của bạn thấy rằng chúng không còn kiểm soát được tình thế nữa, bạn sẽ chạy thoát khỏi bàn tay chúng, vì vậy chúng tìm mọi phương cách để trói bạn chặt thêm nữa. Từ bé đến giờ bạn chưa bao giờ thực hành thiền định như thế này, và bạn đơn giản để cho tâm mình chạy đi theo phiền não. Chỉ đến bây giờ bạn mới bắt đầu tập hành thiền, do đó khi bạn niệm Buddho, Buddho, Buddho để khiến tâm vắng lặng, tịnh chỉ, thì khi đó cái tâm bắt đầu vùng vẫy, quẫy đạp như con cá bị vớt lên bờ, vùng vẫy thoát ra khỏi lưới để trở về với dòng nước quen thuộc của nó. Vì thế, bạn luôn luôn phải kéo tâm mình quay trở lại với đề mục niệm Buddho.