Gương Bậc Xuất Gia – Bốn Thứ Vật Dụng Catupaccaya Đối Với Tỳ Khưu & Sa Di

BỐN THỨ VẬT DỤNG (Catupaccaya) 

Ðời sống của Sa di, Tỳ khưu hoàn toàn tùy thuộc vào bốn thứ vật dụng: y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh… của thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Thí chủ là những người cận sự nam, cận sự nữ cúng dường 4 thứ vật dụng đến chư Tỳ khưu Tăng, là phước điền, để họ gieo duyên lành, tạo phước thiện hầu mong được quả báu tốt lành, sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc trong kiếp hiện tại và nhiều kiếp vị lai. 

Trong bộ Thanh Tịnh Ðạo, phân loại có 4 cách thọ dụng (paribhoga), 4 thứ vật dụng, đối với 4 hạng Tỳ khưu, Sa di như sau: 

1- Theyyaparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người trộm cắp. 

2- Iṇaparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người mang nợ. 

3- Dāyajjaparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người thừa hưởng. 

4- Sāmiparibhoga: Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người chủ. 

1- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người trộm cắp như thế nào? 

Những người thí chủ đem 4 thứ vật dụng dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng, là bậc có giới đức trong sạch. Nếu Tỳ khưu, Sa di nào, là người không có giới, giới không trong sạch (dussīla) dùng 4 thứ vật dụng ấy; thì Tỳ khưu, Sa di ấy thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người trộm cắp.

2- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người mang nợ như thế nào?

Có số Tỳ khưu, Sa di là người có giới, nhưng khi thọ dụng 4 thứ vật dụng không quán tưởng:

– Mỗi khi mặc y, không quán tưởng về y. Như vậy, mặc y ấy như người mang nợ.

– Mỗi khi thọ thực, không quán tưởng về vật thực: – trước khi thọ thực, – đang khi thọ thực, – sau khi thọ thực, qua canh đầu, canh giữa, canh chót không quán tưởng vật thực, đến khi rạng đông, bắt đầu sang ngày khác. Như vậy, sự thọ thực ấy như hạng người mang nợ.

– Mỗi khi sử dụng chỗ ở: chỗ ngồi, chỗ nằm không quán tưởng về chỗ ở. Như vậy, sử dụng chỗ ở như hạng người mang nợ.

– Mỗi khi dùng thuốc trị bệnh không quán tưởng về thuốc. Như vậy, sự dùng thuốc trị bệnh như người mang nợ.

Bởi vậy cho nên, Tỳ khưu, Sa di có giới, khi thọ nhận thứ vật dụng nào, phải nên có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy, nhất là khi Tỳ khưu, Sa di đang thọ dụng (sử dụng) thứ vật dụng nào, cần phải nên có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy.

Tỳ khưu, Sa di nào, khi thọ nhận thứ vật dụng nào, có trí tuệ quán tưởng, nhưng đến khi thọ dụng vật dụng ấy, không quán tưởng rõ ràng, Tỳ khưu, Sa di ấy không tránh khỏi là người mang nợ. Như vậy, gọi là Tỳ khưu, Sa di thọ dụng 4 thứ vật dụng như người mang nợ.

Trường hợp Tỳ khưu, Sa di nào, khi thọ nhận thứ vật dụng nào, không quán tưởng, nhưng đến khi thọ dụng có trí tuệ quán tưởng rõ ràng vật dụng ấy, Tỳ khưu, Sa di ấy không mang nợ.

3- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người thừa hưởng như thế nào?

Bậc Thánh Hữu học (Sekkha), đó là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, là những người con của Ðức Phật, nên có quyền thừa hưởng 4 thứ vật dụng mà thí chủ có đức tin trong sạch nơi Ðức Phật cúng dường. Do đó, bậc Thánh Hữu Học dùng 4 thứ vật dụng như người thừa hưởng.

Ngoài bậc Thánh Hữu Học ra, Tỳ khưu, Sa di có giới, đang thực hành theo Giới – Ðịnh – Tuệ, khi thọ dụng thứ vật dụng nào, Tỳ khưu, Sa di có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy, cũng có thể kể như hạng người thừa hưởng 4 thứ vật dụng của Ðức Phật cho phép. Như vậy, Tỳ khưu, Sa di thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người thừa hưởng.

4- Thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người chủ như thế nào?

Chỉ có bậc Thánh A-ra-hán đã tận diệt tất cả mọi tham ái cùng mọi phiền não không còn dư sót, không còn là tôi tớ của tham ái nữa, là người chủ nhân thật sự thọ dụng 4 thứ vật dụng. Như vậy, bậc Thánh A-ra-hán thọ dụng 4 thứ vật dụng như chủ nhân.

Bốn Pháp Quán Tưởng

Mỗi khi thọ dụng thứ vật dụng nào, Tỳ khưu, Sa di phải nên có trí tuệ quán tưởng thứ vật dụng ấy. Nếu quán tưởng bằng tiếng Pāḷi, thì cần phải hiểu rõ nghĩa từng chữ, từng câu Pāḷi, hoặc quán tưởng bằng tiếng Việt cũng nên. Ðiều quan trọng của sự quán tưởng 4 thứ vật dụng là để hiểu rõ sự lợi ích của chúng, cốt để diệt tham ái, phiền não phát sanh do nương nhờ 4 thứ vật dụng ấy.

Pháp quán tưởng:

1- Cīvara paccavekkhaṇā.

– Paṭisaṅkhā yoniso cīvaraṃ paṭisevāmi, yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa – makasa – vātātapa – sarīsapa – samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva hirikopīnappaṭicchādanatthaṃ.

2- Piṇḍapāta paccavekkhaṇā.

– Paṭisaṅkhā yoniso piṇḍapātaṃ paṭisevāmi, neva davāya na madāya na maṇḍanāya na vibhūsanāya, yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsūparatiyā brahmacariyānuggahāya, iti purāṇañca vedanaṃ paṭihankhāmi, navañca vedanaṃ na uppādessāmi, yātrā ca me bhavissati anavajjatā ca phāsuvihāro ca.

3- Senāsana paccavekkhaṇā.

Paṭisaṅkhā yoniso senāsanaṃ paṭisevāmi yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsamakasa-vātātapa-sarīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva utuparissayavinodana-paṭisallānārāmatthaṃ.

4- Bhesajja paccavekkhaṇā.

Paṭisaṅkhā yoniso gilānappaccayabhesajja-parikkhāraṃ paṭisevāmi, yāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya, abyāpajjhaparamatāya.

Tỳ khưu, Sa di quán tưởng khi đang thọ dụng mỗi thứ vật dụng có ý nghĩa như sau:

1- Quán tưởng về y phục:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: “Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới mặc y phục chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít. Và cũng chỉ để che kín phần đáng hổ thẹn trong thân thể mà thôi”.

2- Quán tưởng về vật thực:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: “Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới dùng vật thực không phải để vui chơi như trẻ con, cũng không phải để tăng cường sức mạnh như người lực sĩ, cũng không phải để làm đẹp thân thể như đàn bà, cũng không phải để bồi dưỡng thân thể xinh đẹp như kỹ nữ. Sự thật, tôi dùng vật thực để nuôi dưỡng duy trì sắc thân, để làm giảm đi sự khổ thân, chỉ để thực hành phạm hạnh cao thượng mà thôi. Do nhờ sự thọ thực này, tôi có thể làm giảm được sự đang đói khổ và sẽ làm cho sự khổ mới không phát sanh.

Sự thọ thực như vậy không có lỗi, được điều hòa tứ đại, tứ oai nghi, sự sống an lạc sẽ phát sanh lên đối với tôi”.

3- Quán tưởng về chỗ ở:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: “Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới sử dụng chỗ ở chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, để ngăn ngừa sự nóng, để ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít mà thôi. Và cũng chỉ để tránh sự tai hại do thời tiết, được an lạc nơi thanh vắng, để hành phạm hạnh cao thượng”.

4- Quán tưởng về thuốc trị bệnh:

Tỳ khưu nên có trí tuệ quán sáng suốt tưởng đúng theo sự thật rằng: “Tôi đã quán tưởng bằng trí tuệ rồi, mới dùng thuốc trị bệnh, bảo vệ sanh mạng, chỉ để điều trị khổ bệnh đã và đang phát sanh, để không khổ do bệnh hoạn ấy”.

Quán tưởng 4 thứ vật dụng là tứ đại, đáng nhờm (Dhātupaṭikūlapaccavekkhaṇa)

1- Cīvara paccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ cīvaraṃ, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbāni pana imāni cīvarāni ajigucchanīyāni imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyāni jāyanti.

2- Piṇḍapāta paccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ piṇḍapāto, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumatako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbo panāyaṃ piṇḍapāto ajigucchaniyo imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyo jāyati.

3- Senāsana paccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ senāsanaṃ, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbāni pana imāni senāsanāni ajigucchanīyāni imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyāni jāyanti.

4- Bhesajjapaccavekkhaṇā.

Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumattame-vetaṃ yadidaṃ gilānapaccayabhesajjaparikkhāro, tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño.

Sabbo panāyaṃ gilānapaccayabhesajjaparikkhāro ajigucchanīyo imaṃ pūtikāyaṃ patvā, ativiya jigucchanīyo jāyati.

Khi thọ nhận thứ vật dụng nào, Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thứ vật dụng ấy chỉ là tứ đại (dhātu) mà thôi; và ngay cả người thọ nhận 4 thứ vật dụng cũng chỉ là thực tánh pháp: danh pháp sắc pháp, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới v.v… không phải chúng sinh, là pháp vô ngã, không phải ta. Thật ra, 4 thứ vật dụng không phải là vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở thành vật đáng nhờm vô cùng.

Trí tuệ sáng suốt quán tưởng khi thọ nhận 4 thứ vật dụng như sau:

1- Quán tưởng về y phục:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận y phục, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: “Y phục này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi; và người thọ nhận y phục này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta”.

Và những y phục này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

2- Quán tưởng về vật thực:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận vật thực, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: “Vật thực này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi, và người thọ nhận vật thực này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta”.

Và vật thực này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

3- Quán tưởng về chỗ ở:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận chỗ ở, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: “Chỗ ở này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi, và người sử dụng chỗ ở này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta”.

Và những chỗ ở này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

4- Quán tưởng về thuộc trị bệnh:

Khi Tỳ khưu, Sa di thọ nhận thuốc trị bệnh bảo vệ sanh mạng, nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng thấy rõ rằng: “Thuốc trị bệnh bảo vệ sanh mạng này chỉ là tứ đại, diễn biến theo tứ đại của chính nó mà thôi, và người sử dụng thuốc trị bệnh này cũng chỉ là thực tánh pháp, phi chúng sinh, phi bản mệnh vĩnh cữu, là pháp vô ngã, không phải ta”.

Và thuốc trị bệnh này không phải vật đáng nhờm, nhưng khi tiếp xúc với sắc thân uế trược này rồi, liền trở nên vật đáng nhờm vô cùng.

Tỳ khưu, Sa di đã dùng 4 thứ vật dụng trong ngày mà chưa quán tưởng, nên quán tưởng lại; nếu không quán tưởng cho đến lúc rạng đông (aruṇa), trước khi mặt trời mọc, vị Sa di, Tỳ khưu ấy thọ dụng 4 thứ vật dụng như hạng người mang nợ. Bởi vậy cho nên, hằng ngày trước lúc rạng đông, Sa di, Tỳ khưu nên có trí tuệ quán tưởng trở lại 4 thứ vật dụng đã dùng trong ngày một lần nữa như sau:

Quán tưởng lại 4 thứ vật dụng đã dùng trong ngày:

1- Cīvara paccavekkhaṇā.

Ajja māya apaccavekkhitvā yaṃ cīvaraṃ paribhuttaṃ, taṃ yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa – makasa – vātātapa – sarīsapa – samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva hirikopīnappaṭicchādanatthaṃ.

2- Piṇḍapāta paccavekkhaṇā.

Ajja mayā apaccavekkhitvā yo piṇḍapāto paribhutto, so neva davāya na madāya na maṇḍanāya na vibhūsanāya, yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsūparatiyā brahmacariyānuggahāya, iti purāṇañca vedanaṃ paṭihankhāmi, navañca vedanaṃ na uppādessāmi, yātrā ca me bhavissati anavajjatā ca phāsuvihāro ca.

3- Senāsana paccavekkhaṇā.

Ajja mayā apaccavekkhitvā yaṃ senāsanaṃ paribhuttaṃ, taṃ yāvadeva sītassa paṭighātāya, uṇhassa paṭighātāya, daṃsa-makasa- vātātapa-sarīsapa-samphassānaṃ paṭighātāya, yāvadeva utuparssayavinodanapaṭisallānārāmatthaṃ.

4- Bhesajja paccavekkhaṇā.

Ajja mayā apaccavekkhitvā yo gilānappaccaya-bhesajjaparikkhāro paribhutto, so yāvadeva uppannānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya, abyāpajjhaparamatāya.

1- Quán tưởng về y phục:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: “Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã mặc y phục nào, y phục ấy chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít. Và cũng chỉ để che kín phần đáng hổ thẹn trong thân thể mà thôi”.

2- Quán tưởng về vật thực:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: “Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã đã dùng vật thực nào, vật thực ấy không phải để vui chơi như trẻ con, cũng không phải để tăng cường sức mạnh như người lực sĩ, cũng không phải để làm đẹp thân thể như đàn bà, cũng không phải để bồi dưỡng thân thể xinh đẹp như kỹ nữ. Sự thật, tôi dùng vật thực để nuôi dưỡng duy trì sắc thân, để làm giảm đi sự khổ thân, chỉ để thực hành phạm hạnh cao thượng mà thôi. Do nhờ sự thọ thực này, tôi có thể làm giảm được sự đang đói khổ, và sẽ làm cho sự khổ mới không phát sanh.

Sự thọ thực không có lỗi, được điều hòa tứ đại, tứ oai nghi, sự sống an lạc sẽ phát sanh lên, đối với tôi”.

3- Quán tưởng về chỗ ở:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: “Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã sử dụng chỗ ở nào, chỗ ở ấy chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự tiếp xúc ruồi, muỗi, gió, nắng, rắn rít mà thôi. Và cũng chỉ để tránh sự tai hại do thời tiết, được an lạc nơi thanh vắng, để hành phạm hạnh cao thượng”.

4- Quán tưởng về thuốc trị bệnh:

Tỳ khưu, Sa di nên có trí tuệ sáng suốt quán tưởng đúng theo sự thật rằng: “Hôm nay, tôi không quán tưởng mà đã dùng thuốc trị bệnh nào bảo vệ sanh mạng, thuốc tri bệnh ấy chỉ để điều trị khổ bệnh đã và đang phát sanh, để không khổ do bệnh hoạn ấy”.

TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app