Chương 3
Về các Tâm sở thiện
(Kusala Cetasikas)
087.- Các tâm sở thiện (Kusala cetasikas).
Trong Chương 3 nầy, các tâm sở thiện được cứu xét đến. Sau đây là các tâm sở thiện khiến cho tâm thức trở nên an lành:
1.- Saddha = Tín, sự tín ngưỡng, sự tin tưởng.
2.- Sati = Tỉnh giác, sự hiểu biết rõ, sự chuyên chú.
3.- Hiri = Tàm, sự biết hổ thẹn khi có lỗi lầm.
4.- Ottappa = Quí, sự biết lo sợ vể lỗi lầm.
5.- Alobha = Vô tham, sự chẳng tham lam, lòng rộng rãi.
6.- Adosa = Vô sân, sự chẳng giận hờn, lòng khoan dung, thiện chí
7.- Amoha = Vô si, sự chẳng si mê, sự sáng suốt, trí huệ.
8.- Metta = Từ, hảo tâm thương người, lòng nhơn ái, sự ban vui
9.- Karuna = Bi, sự thương xót, lòng ưu ái, trắc ẩn, sự cứu khổ.
10.- Mudita = Hỉ, sự chung vui, lòng hoan hỉ
11.- Upekkha = Xả, sự bình thản, sự buông xả.
12.- Sammavaca = Chánh ngữ, sự nói năng chơn chánh.
13. Sammakammanta = Chánh nghiệp, sự hành động chơn chánh.
14.- Samma ajiva = Chánh mạng, sự mưu sanh chơn chánh.
Mười bốn tâm sở thiện nầy khiến cho tâm thức được thanh tịnh và an lành.
(1) Tâm sở Tín (Saddha).
088.- Tâm sở tín hay tín tâm hoặc lòng tin tưởng.
Nếu ta tin tưởng vào những điều hợp lý, ta sẽ phát triển được tín tâm (Saddha). Tín tâm có hai đặc tánh: sự vững tin và sự trong sáng của tâm thức.
Sự vững tin .- Các sự tin tưởng sai lầm thường bác bỏ sự thật về nghiệp lực (kamma) cùng quả báo; sự thật về các đời sống thuộc về quá khứ và các đời sống thuộc về tương lai; sự thật về Nhứt thiết chủng trí (= chánh biến tri = trí huệ hiểu biết sự sự, vật vật cùng khắp) của Đức Phật, một bực trong cõi người đã biết tất cả mọi sự thật; về giáo lý của Phật, tức là Chánh pháp (Dhamma); và về các đệ tử của Ngài, tức là giáo hội Tăng-già (Sangha). Các sự bác bỏ sự thật đó chính là sự bất tín, một tâm sở bất thiện khác với tâm sở thiện là sự phân vân (vicikiccha); trong trường hợp tâm sở sau, vẫn còn có phân nửa tin tưởng và phân nửa ngờ vực.
Sự vững tin, ở đây, có nghiã là tin tưởng hoàn toàn vào nghiệp lực (kamma) cùng quả báo. Tín tâm (saddha) còn được gọi là sự quyết tâm dựa trên căn bản tín phục (Saddhadhimokkha). Như thế, sự tín tâm (saddha) là sự tin tưởng vững chắc vào các sự thật, vào bản thể chơn thật của mọi sự vật, và vì thế mới được gọi là một tâm sở thiện.
Sự trong sáng của tâm thức.- Đặc tánh thứ hai của tín tâm (saddha) là sự trong sáng của tâm thức. Trong khi bố thí cúng dường, hay giữ gìn giới luật, hoặc đang tu tập quán tưởng, tâm thức ta tràn đầy niềm tin và trở nên trong sáng. Cũng tựa như viên minh châu của vua Chuyển Luân Thánh Vương, khi được ngâm trong nước bùn cặn cáu, khiến cho các cặn bã, các chất ô uế từ từ lắng chìm xuống đáy và nước trở nên trong veo, cùng thế ấy, tín tâm (saddha) sẽ vẹt sạch mọi sự nghi ngờ, mọi phân vân, cùng các lậu hoặc khác (= các sự nhiễm ô về tâm linh), và thanh lọc tâm thức cho trở nên trong sáng. Đó là đặc tánh trong sáng của tín tâm.
Ngay các trẻ con và cả các thú vật được cưng nuôi, mặc dầu chúng chẳng hiểu biết gì đến đức tánh thứ nhứt của tín tâm (đó là sự vững tin), chúng vẫn bắt chước hay ganh đua với người lớn, để làm các việc thiện lành, như đảnh lễ ngôi Tam Bảo (Ti ratana), dâng lễ vật cúng dường hay giúp đỡ kẻ khác. Trong khi chúng làm như vậy, chúng thích thú thọ hưởng được đức tánh thứ nhì của tín tâm, tức là tâm thức chúng trở nên trong sáng hơn. Mà cả trong hàng các người chẳng tin tưởng nơi giáo lý, đôi khi vì lòng nhơn ái, hào hiệp, họ cũng góp phần vào việc cứu tế xã hội, hiến tặng cả bịnh viện, cô nhi viện, dưỡng lão viện nữa, và họ cũng được hưởng thọ sự trong sáng của tâm hồn.
(Xin để đến Chương 5 về Tánh tình, Hạnh kiểm (Carita), sẽ cứu xét thêm các chi tiết về tín tâm, như tín hạnh (saddha carita) sẽ được giải thích rõ.)
089.- Các sự tin tưởng sai lầm.
Lòng tin tưởng chơn thành cốt ở sự thanh tịnh của tâm thức và sự tín phục vào chơn lý của Chánh pháp. Nhưng trên thế gian nầy cũng có nhiều sự tin tưởng sai lầm. Thí dụ như có vài kẻ gian chẳng chút ngại ngùng đồn đãi rằng tượng Phật nầy hay ngôi chùa nọ chiếu hào quang lên, cốt để thêm nhìều người hâm mộ đến cúng dường. Những người nhẹ dạ ngây thơ sùng bái các thánh tích giả mạo, những kẻ cuồng tín tôn thờ các tà thuyết sai lầm, v.v. đều chẳng có được lòng chơn tín. Họ bị lừa phỉnh chỉ vì sự dốt nát, nhẹ dạ, ngây thơ, quá bình dị của họ và các tâm sở nầy nên được xếp vào loại tâm sở vô minh (moha) vốn là một tâm sở bất thiện (akusala cetasika).
Những người tin tưởng vào các tu sĩ diện mạo thanh tú, khả ái, giọng trong trẻo, hùng hồn, nói năng lưu loát, lại có thể làm các phép lạ mê hoặc lòng người, cho thuốc, trị bịnh v.v. cũng đều chẳng phải là những người có tín tâm chơn thật. Các sự tin tưởng sai lầm vừa kể được các sách luận sắp xếp vào loại mê tín (muddhappassana), vì si mê mà tin theo.
090.- Cần lưu ý đề phòng.
Thế giới ngày nay đầy dẫy những bọn lừa đảo, dối láo. Trong một vài tôn giáo, nhiều lý thuyết mới lạ và kỳ dị lan tràn; ngay trong Phật giáo cũng chẳng ít người mạo xưng danh nghiã nguỵ tạo nhiều dị thuyết, lắm cách hành thiền, biết bao lối chữa bịnh thần bí, để lừa gạt người nhẹ dạ, ngây thơ hùa theo, lập thành một bè phái đông đảo. Kẻ tin theo họ, khi cúng dường hay ủng hộ tiền của, công sức cho mấy tay dối người gạt đời đó, chẳng hưởng được phước báu đâu vì lẽ họ chẳng có được lòng tin chơn chánh. Và cũng vì các bực hiền giả ít quan tâm đến họ, nên mấy kẻ dối thế mới càng ngày càng làm lộng.
Thờì buổi bây giờ, các phụ nữ thường hăng say trong các công tác cứu trợ xã hội và các hoạt động tôn giáo; nhưng tiếc thay, một số lớn ít chịu xét đoán tường tận, khiến lòng tin của họ dễ lọt vào cạm bẫy điêu ngoa. Cẩn trọng phán đoán cần phải có, trước khi đặt niềm tin và ra sức ủng hộ. Vì thế cho nên, mọi người, kể cả quí vị phụ nữ, phải nỗ lực học tập kỹ lưỡng, thu thập kiến thức vững vàng về các vấn đề liên quan đến tôn giáo .
091.- Cần phân biệt: lòng tin khác với tình yêu.
Ngày nay vẫn còn nhiều người đức hạnh lầm lẫn giữa sự tín phục và tình thương quyến luyến. Nhiều người mộ đạo rất nễ trọng các vị pháp sư có giọng nói khả ái, đạo đức cao sâu, đã giảng dạy rất thấu đáo về Chánh pháp. Khi người tu học quí mến và kính nễ thầy dạy pháp cho mình, chỉ về phương diện đạo đức, đó là sự tín phục (saddha). Nhưng nếu họ trở nên quá quyến luyến vị giảng sư cũng như họ đang trìu mến người thân của họ, thì có sự pha trộn giưã lòng tin tưởng và tình thương yêu.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, các vị đệ tử như Tôn giả Vakkali, Xà nặc (Channa) chẳng những đã tôn sùngĐức Phật mà còn có lòng trìu mến đối với bản thân của Ngài. Như thế, mặc dầu niềm tín phục vẫn có trong tâm họ, nhưng lại còn có thêm sự ái luyến (samyojana), sự ràng buộc; tâm sở ái luyến nầy lại là một tâm sở bất thiện.
Một số người vì ái mộ bực hướng dẫn giáo lý mà chấp nhận và tin theo các học thuyết do thầy họ chủ trương; đôi khi sự ái mộ đó làm khởi lên thêm sức hiểu biết, trí huệ sáng suốt về giáo pháp và sự tập luyện về các hạnh Ba-la-mật (Paramis, các điều toàn thiện). Như thế, nếu vì sự ái mộ mà các tâm sở thiện khác được đào luyện thêm, thì cũng mang lại lợi ích cho ta. Trong Quyển Patthana, (= Quyển Luận Khảo thứ bảy, quyển chót của Luận Tạng A tỳ đạt ma [Abhidhamma]), có câu: “Akusalo dhammo kusalassa dhammassa upanissayapaccayena paccayo.”, xin tạm dịch gượng là: “Các tâm sở bất thiện cũng yểm trợ cho các tâm sở thiện, theo chiều hướng tương quan hỗ thuộc”. Do đó, một vài tâm sở bất thiện nhỏ cũng có thể đưa đến các tình trạng tốt cho tâm thức. Trong viễn ảnh đó, các vị giảng pháp, các nhà truyền giáo, nên thuyết dạy Chánh pháp một cách chơn tình và đầy thiện chí, để khuyến khích sự phát triển các tâm trạng thiện đó. Về phiá các đệ tử và các người mộ đạo, tưởng cũng nên thực tập kỹ lưỡng những gì được giảng dạy, để có thể hưởng được các kết quả khả quan.
(2) Sự tỉnh giác (Sati).
092.- Thế nào là tâm sở tỉnh giác (Sati)?
Nhớ lại, tưởng niệm, lưu tâm, chú ý là những tiếng để chỉ vào sự tỉnh giác mà danh từ chuyên môn trong tiếng Pali gọi là sati. Có nhiều hình thức của sự tỉnh giác (sati). Thí dụ như, khi ta nhớ lại các việc lành đã làm trong quá khứ; khi ta chăm chú lắng nghe bài giảng về Chánh pháp (Dhamma); khi trong một buổi quán tưởng, ta tập trung tâm ý vào một đề mục mà chẳng hề xao lãng. Đó là bản chất của sự tỉnh giác (sati).
Đôi khi, hướng về tương lai, ta nghĩ đến các việc thiện sẽ được làm vào ngày mai. Ta cẩn trọng giữ gìn các điều răn cấm trong giới luật (sila), sao cho khỏi vi phạm đến. Ta tỉnh giác để tự kềm chế, khi một ý tưởng tham lam, sân hận, si mê hay kiêu mạn khởi lên trong tâm thức. Ta nhớ đến các lời khuyên lơn răn dạy của các vị đạo sư. Chỉ những hình thức tỉnh giác như thế, liên quan đến các việc thiện lành, mới được gọi là tỉnh giác (sati). Sự tỉnh giác chơn thật đó còn được gọi bằng danh từ Pali là appamada, sự thận trọng, sự canh chừng cẩn mật, sự chẳng hề lơ là quên lãng. Vì thế, một vị tỳ-kheo (bhikkhu) khi chỉ dạy về giới luật (sila) cho các hàng đệ tử tại gia, thường nhắc nhở họ phải tinh cần tuân theo giới luật bằng sự tỉnh giác thích đáng. Khi kết thúc bài giảng, vị ấy thường nói: “Appamadena sampadetha”, có nghiã là: “Hãy thi hành các điều thiện một cách tinh chuyên, chẳng hề giải đãi!” Đức Phật đã dạy: ‘Satin ca khvaham bhikkhave sabbatthikam vadami.”, “Hởi các tỳ-kheo, ta tuyên bố sự tỉnh giác rất cần có nơi mọi động tác.” Mặc dầu có thể có sự quá mộ đạo, nhưng chẳng hề có sự quá tỉnh giác bao giờ.
Khi Đức Phật Thích-ca sắp nhập Đại Bát-Niết-bàn (Parinibbana), lời trối sau cùng của Ngài là:“Appamadena sampadetha.”, câu mà các vị tỳ-kheo thường nhắc lại khi chấm dứt bài pháp giảng về giới luật, như đã được nói ở trên.
093.- “Nhớ lại”, “nghĩ đến” chưa đủ để gọi đó là tỉnh giác.
Khi một người nhớ đến người thân, khi một kẻ khát khao trông đợi người yêu, khi bạn bè nhớ đến các buổi hẹn, khi một người nhớ lại các giây phút ngất ngây quí báu, v.v., tất cả các sự hồi tưởng nầy đều có tính cách luyến ái (tanha), với sự ràng buộc trìu mến. Khi một người nhớ đến sự báo thù vì mình bị tổn thương; khi một người ghi nhớ mãi trong tâm các kế hoạch bạo ác; khi một người lưu tâm đến các nguy hiểm có thể xảy ra cho mình dọc đường, tất cả các trường hợp nhớ, nghĩ đó đều hàm chứa bên trong sự sân hận (dosa). Bất cứ hình thức nào của các tâm sở vừa kể, vì có sẵn bên trong, hoặc được kèm theo, sự luyến ái hay sự sân hận, đều chẳng được sắp xếp vào loại tâm sở tỉnh giác (sati).
Các tâm sở nêu trên đều thuộc về ký ức (sanna), sực nhớ lại, hay về tưởng nghĩ (vitakka), cố nghĩ đến việc gì; chẳng nên lẫn lộn chúng với tâm sở tỉnh giác (sati). Bản thể của các tâm sở: sanna (nhớ) và vitakka (tưởng), sẽ được cứu xét trong các Chương sắp đến.
(3) Tàm (Hiri) và (4) Quí (Ottappa)
094.- Thế nào là Tàm (Hiri) và Quí (Ottappa)?
Biết hổ thẹn khi làm điều quấy, đó là có tâm sở tàm (hiri). Biết sợ hãi khi làm việc ác, đó là có tâm sở quí (ottappa). Tâm sở tàm hiện khởi rõ ràng nơi người biết quí trọng danh dự và nhơn cách. Tâm sở quí phát sanh rõ ràng nơi người biết kính trọng cha mẹ, thầy học, bạn bè và người thân.
Khi một người suy nghĩ như vầy: “Tôi là người trong một gia đình đàng hoàng. Tôi chẳng nên sa ngã vào các hành vi bất thiện, cũng chẳng nên lấy nghề chài lưới, nghề săn bắn làm kế mưu sanh.” Như thế, anh ta cảm thấy hổ thẹn khi phương tiện mưu sanh của mình chẳng chơn chánh và giữ tròn được danh dự cho gia đình, thân tộc.
Người có học thức suy luận rằng: “Ta là người có học, ta phải biết xấu hổ về các hành vi bất thiện. Ta phải tự kềm chế, đừng sát sanh, trộm cắp, v.v.”
Người già cả ngẫm nghĩ rằng: “Ta là người đã trộng tuổi, phải tỏ ra chín chắn và có đức hạnh. Nếu ta làm ác, ta sẽ rơi vào cảnh đáng hổ thẹn.”
Trong ba thí dụ vừa kể, tâm sở tàm (hiri) nổi bật lên như một tâm sở thiện, trong đó các đương sự biết quí trọng danh dự và nhơn cách. Những người hay tỏ ra ân cần tử tế với người khác thường lý luận rằng: “Nếu tôi làm ác, cha mẹ tôi, anh em, bè bạn và thầy dạy tôi sẽ bị trách lây vì tôi. Vì thế, tôi phải tránh các hành động bất thiện, đừng làm chuyện chẳng lành.” Đấy là một thí dụ cụ thể về tâm sở quí (ottappa). Thế nên, một người phát triển tâm sở tàm và quí, bằng cách có thiện cảm, biết luôn nghĩ đến kẻ khác và trân trọng gìn giữ danh dự và phẩm cách của những người thân thương. Nếu ta chẳng đoái nghĩ gì đến danh dự, phẩm giá của gia đình, của thầy học, v.v. ta sẽ khiếm khuyết mất sự tàm quí và sẽ làm điều xấu ác trong đời ta.
Tàm (hiri) và quí (ottappa)bảo vệ con người, tránh được sự loạn luân, kềm chế con trai có thái độ bất chánh đối với mẹ, anh em trai đối với chị em gái. Do lẽ đó, hai tâm sở tàm, quí được xem như hai vị thủ hộ canh giữ an lành cho Pháp giới (Lokapala dhamma; loka = thế giới, chúngsanh; pala = người canh giữ; dhamma = pháp), khiến ta xa lánh được sự vô luân. Với tánh cách trong sáng và thiện lành, hai tâm sở nầy thường được Kinh sách Pali gọi là Sukka Dhamma, tịnh khiết pháp, vừa thanh tịnh vừa chói sáng. Nhờ có hai tâm sở tàm, quí, con người biết khép mình trong kỷ luật và luân lý, mới vượt lên trên hàng súc sanh.
Thiếu hai tâm sở tàm, quí, nhơn loại sẽ chìm sâu xuống bùn nhơ của tội lỗi, nào khác chi thú vật. Thời nay, có nhiều kẻ chẳng biết hổ thẹn, chẳng sợ tội ác, chẳng kể chi đến luân thường đạo lý, cho nên họ ăn uống, phục sức và cư xử thật sỗ sàng và vô sỉ. Nếu sự suy đồi của luân lý tiếp tục lan tràn mãi, thế giới nầy sẽ sớm sụp đổ trong hoang tàn, và loài người sẽ rơi xuống ngang hàng với loài thú.
095.- Tàm và quí giả hiệu.
Mặc dầu tàm và quí là hai tâm sở thiện (kusala cetasikas) nhưng cũng có những trường hợp giả hiệu của tàm và quí. Sự hổ thẹn, sự sợ hãi các lỗi lầm, sự tránh xa các hành vi bất thiện (duccarita) là những hình thức chơn thật của tàm và quí. Nhưng nếu có sự hổ thẹn hay sợ hãi khi phải tuân theo các giới luật trong lễ Bố tát (Uposatha) (lễ tụng đọc giới luật vào đầu tháng và giữa tháng); khi phải đến viếng đền, chùa; khi phải nghe giảng Chánh pháp (Dhamma); khi phải nói chuyện trước công chúng; khi phải làm các việc chơn tay cực nhọc và dơ dáy; hoặc khi có
sự gặp gỡ giữa trai, gái, v.v. các trường hợp nầy là sự hổ thẹn, sợ hãi, giả hiệu, chẳng phải phát sanh từ hai tâm sở tàm và quí, mà chính là sự trá hình của việc tự phụ rởm. Theo Luận A tỳ đạt ma (Abhidhamma, Luận Tạng), các trường hợp đó được gọi chung lại dưới danh từ tanha là sự ái dục.
096.- Bốn trường hợp cần dẹp sự hổ thẹn qua một bên.
Trong các sách luận, ta thường thấy nêu lên bốn trường hợp mà ta chẳng cần phải quá hổ thẹn: (1) trong việc kinh doanh hay thương mãi; (2) trong khi theo học với một minh sư; (3) khi lãnh phần lương thực và (4) trong khi “làm tình” Bốn trường hợp đó được nêu ra để nói lên đến mức nào, con người phải tỏ ra bạo dạn, khi biết việc mình đang làm một việc chẳng phải là bất thiện, bất lợi.
Lại còn có các trường hợp, như sợ hãi khi ra pháp đình hầu thẩm phán, như ngại ngùng đi tiểu tiện lúc ngồi xe đi xa, như sợ chó, sợ ma, sợ các nơi xa lạ, sợ người khác phái, sợ người già cả, sợ hầu chuyện với bực trưởng thượng, đều chẳng phải do tâm sở tàm hay quí khởi lên, mà do sự rụt rè, sự thiếu tự tín, nói chung đều do tâm sở bất thiện domanassa (sự khổ sở tâm linh) từ bên trong thúc đẩy.
097.- Con đường ở giữa.
Các trường hợp nêu trong tiểu mục trước đã chứng minh cho sự cần thiết phải đào luyện cho mình có được đầy đủ hai tâm sở chính hiệu tàm và quí. Chẳng hề phải nên sợ hãi hay hổ thẹn khi ta biết ta đang làm một hành vi thiện. Nhưng nói như thế chẳng hề có nghiã là ta lúc nào cũng phải liều lĩnh, quá bạo dạn trong mọi trường hợp. Sự liều lĩnh thường đưa đến sự thiếu kính trọng đối với các bực trưởng thượng, cùng sự sân hận và sự kiêu mạn. Nếu sự can đảm tinh thần cùng sự vô uý (vô= chẳng; úy = sợ hãi; vô uý = chẳng lo lắng sợ hãi) đáng được ngợi khen, thì sự liều lĩnh, sự bất kính lại đáng chê trách.
Sự liều lĩnh vô ích, sự can đảm rởm cùng với sự bất kính đều bất hảo cả; con người chỉ nên bạo dạn, cang trường khi đang làm điều phải mà thôi. Hổ thẹn hay sợ hãi quá mức cũng chẳng tốt. Thế cho nên, ta phải biết chọn con đường ở giữa mà theo, chẳng nên quá liều lĩnh trong các trường hợp cần phải sợ hãi, và phải biết sợ hãi trước các điều bất thiện.
Đức Phật dạy: “Abhayitabbe bhayanti, bhayitabbe na bhayare.”, nghiã là: “Nhiều người quá sợ hãi những điều chẳng đáng sợ hãi và lại chẳng biết sợ hãi những điều đáng sợ.”
(5) Sự vô tham (Alobha).
098.- Thế nào là Vô tham (Alobha)?
Chẳng tham lam, chẳng đòi hỏi quá, là sự vô tham (alobha). Vô tham là chẳng trìu mến vào sự vật, trái ngược hẳn với sự tham lam. Tham và vô tham khác nhau như lửa với nước. Tham lam thì ham muốn sự vật, còn vô tham thì chẳng mong cầu điều gì cả, vì bản chất của nó là sự hào phóng, sự từ thiện. Trong cuộc sống hằng ngày, ta dễ nhận định thái độ khác nhau giữa người tham lam và người biết đủ.
099.- Vị tỳ-kheo tham lam.
Vị tỳ-kheo tham lam thường quá chú trọng đến lễ vật được cúng dường hay khi đi khất thực. Vị ấy cố giảng pháp cho thật hay, cốt để được sự hiến tặng hậu hỉ.Khi đã được đôi chút, thì lại trìu mến, bo bo giữ lấy, chẳng hề nghĩ đến lòng từ ái mà đem chia xẻ với kẻ khác. Vị ấy lại còn tỏ ra tự phụ và hãnh diện với số thâu hoạch của mình. Vị ấy biết đâu rằng đang tự làm giảm mất phẩm cách của chính mình khi phải cố tỏ ra vẻ quá ân cần và quá lễ độ đối với những người sắp mở lòng từ tâm ra dưng cúng.
100.- Một kẻ tham lam.
Tánh tham lam của một người tại gia cũng chẳng khác chi mấy với tánh của vị tỳ-kheo tham lam. Anh ta cố làm giàu bằng mọi phương tiện, tốt xấu chẳng cần, vì tâm tư anh bị lòng tham tràn ngập. Vì tham, anh đeo đuổi ráo riết theo việc thu lợi làm giàu, càng nhiều lại càng muốn thêm. Anh thường bảo: “Cái nầy của tôi, món kia cũng của tôi; vật đó thuộc quyền sở hữu của tôi.” Khi chết đi, anh sẽ tái sanh vào cảnh giới đau khổ của loài qủi đói (peta). Tâm tham lam sẽ đẩy anh lọt vào các nẻo ác đạo (apayas) của vòng Luân hồi.
101.- Vị tỳ-kheo vô tham.
Vị tỳ-kheo vô tham chẳng hề trìu mến các sở hữu vật chất. Khi nhận được lễ vật cúng dường, vị ấy chẳng tỏ ra hãnh diện vì biết rằng sự hiến tặng là do thiện chí và lòng hảo tâm của ngưòi thí chủ hay của kẻ mộ đạo. Nói chi đến các vị tỳ-kheo là con của Phật, ngay cả thường nhơn cũng cảm thấy hổ thẹn, nếu tỏ ra tham đắm vào lễ vật cúng dường. Một bực tu hành có đức hạnh bao giờ lại tham lam, trái lại, luôn luôn phát khởi lòng nhơn từ, quảng đại. Cùng thế ấy, một vị tỳ-kheo vô tham chẳng hề xem trọng sự sung mãn về vật chất.
102.- Một người vô tham.
Giữa những kẻ còn tại gia, người vô tham, khi tu tập theo Bát Chánh đạo, thực hành đúng chánh mạng, dùng các phương tiện chơn chánh để làm sanh kế. Anh ta thường cố tránh các thú vui nhục dục. Anh có lòng nhơn từ và tỏ ra hào phóng đối với người nghèo khó. Mỗi khi có dịp cúng dường hay trai tăng, anh chẳng hề có chút ngần ngại lúc tham gia. Thiện chí đó, trong kinh sách Pali gọi là muttacagi, nghiã là sẵn sàng hiến tặng, chẳng chút miễn cưỡng. Hạng người như thế có thể từ bỏ cả ngai vàng, sự nghiệp, quyền lực, để trở thành tu sĩ với một tâm hồn mãn nguyện sống trong một túp lều tranh giữa rừng.
Như hai người đâu lưng lại, chạy về ngả nghịch chiều, hai tâm sở tham lam và vô tham trái ngược hẳn với nhau. Những ai có niềm tin vững chắc muốn mình được trở nên con người đức hạnh hay một vị Bồ-tát (Bodhisatta) thực hành các hạnh Ba-la-mật (Paramis), tất phải thường quán chiếu lấy tâm thức mình, với câu tự vấn: “Tôi có tham lam chăng, hay đã tỏ ra vô tham?” Nếu nhận thấy nơi mình lòng tham vẫn còn đấy, thì nên mau cải thiện lại tâm thức, ngay trong đời nầy. Nếu tự phán xét cẩn thận thấy mình vô tham, thì nên tinh tấn làm thêm nhiều việc thiện hơn nữa, để vun bồi căn bản vững chắc và tốt đẹp đó. Vì thế cho nên, ai ai cũng phải đào luyện sự tỉnh giác (sati) nơi tâm thức mình để sớm trở thành một người vô tham và hào phóng.
(6) Vô sân (Adosa).
103.- Thế nào là vô sân (Adosa)?
Vô sân (Adosa) là chẳng hề hờn giận, chẳng bạo ác, chẳng dã man. Con rắn khác với con cắc kè thế nào thì tâm sở vô sân khác với tâm sở sân hận thế ấy.Người vô sân hiền lành, lễ phép bao nhiêu thì người sân hận dữ dằn, hung tợn bấy nhiêu. Người vô sân giữ tâm thức mình lắng yên chẳng chút xao động ngay cả khi người sân hận đang bừng bừng nổi giận trước mặt, vì tâm thức của người vô sân rất an hoà, êm ả. Chẳng những tâm thức họ hoà nhã mà ngay cả sắc diện của họ cũng tươi đẹp và khả ái, nào khác chi vầng trăng ngà chiếu sáng long lanh so với cảnh mặt trăng ủ dột sau đám mây mờ là tâm trạng của kẻ đang bị sân hận(dosa) nung nấu. Hơn nữa giọng điệu dịu dàng của họ khiến lời nói của họ dễ cảm ai nghe đến mà lại ghét bỏ cho được.Do đấy, bản chất bên trong của lòng vô sân đem lại nhiều lợi lạc cho người có tâm sở đó. Trên thực tế, tiếng vô sân (adosa) đồng nghiã với lòng từ (metta) . (Tâm từ sẽ được xét tiếp sau).
104.- Tâm vô tham và vô sân của Bồ-tát.
Trong Lịch sử các tiền thân của Đức Phật Thích-ca, khi Ngài còn là Bồ-tát, bấy giờ làm thái tử của vua Brahmadatta ở thành Ba la nại cũ (Baranasi). Khi Hoàng hậu thăng hà, vua Brahmadatta phong cho một vương phi trẻ đẹp lên làm Hoàng hậu. Thái tử Mahapaduma (tiền thân của Phật) được cử giữ chức nhiếp chánh, khi vua phải đi dẹp loạn. Khi vua cha sắp hồi loan, thái tử đến yết=kiến vị hoàng hậu để báo tin. Lúc ấy, bà ta đang ở một mình trong cung, và vì nhục tình nổi lên, bà đã ba lần quyến rũ Thái tử . Nhưng thái tử đã lạnh nhạt từ khước sự dụ dỗ mời mọc khiến bà thẹn thùng và căm giận hết sức. Để báo thù, bà mới cáo gian với vua rằng thái tử đã khuấy phá bà để xâm phạm tiết hạnh. Nhà vua lại tin lời vu cáo đó. Hoàng hậuđã hiểm độc dùng mưu gian (pariyaya, xảo ngôn và maya, che đậy, phú tàng) để hại đời thái tử.
Vì bất minh, vua liền ra lịnh xử tử . Nhưng thái tử là người được dân chúng mến phục, cho nên vua ngại họ sẽ giải thoát thái tử, mới đích thân chỉ huy bọn võ sĩ hành hình, dẫn thái tử lên ngọn núi cao và xô xuống. Sức mạnh của lòng từ (metta) nơi thái tử đã cảm động đến sơn thần(=thần núi) và thái tử được cứu sống.
105.- Nhận định.
Câu chuyện kể được trích trong Quyển Kinh Jataka, Lược sử về tiền kiếp của Đức Phật Thích-ca. (Jataka là quyển thứ 10 thuộc Tiểu Bộ Kinh,Khuddhaka Nikaya, trong Tam Tạng, Tipitaka). Trong phần đầu câu chuyện, khi hoàng hậu gặp thái tử, bà bị lòng ái dục (tanha) xâm chiếm. Trái lại, nơi thái tử, tâm sở vô tham (alobha) được nuôi dưỡng mạnh, nên việc tham muốn dục tình chẳng xảy ra. Sau đó, để che dấu lỗi lầm dụ dỗ của mình, bà ta đã cáo gian. Sự vu cáo nầy do tâm sở maya, phú tàng và musavada, xảo ngôn (= lời nói gian xảo) phối hợp nhau mà thúc đẩy tâm thức bà hoàng hậu. Về phiá nhà vua, ông bị tâm sở sân hận nung nấu từ lúc nghe lời điêu ngoa gian cáo cho đến khi xô con mình rơi xuống núi để giết chết. Tâm tánh của thái tử lại nổi bật lên với các tâm sở vô tham (alobha), vô sân (adosa) và từ tâm (metta), khiến cho chàng đã chẳng bị quyến rũ dâm loạn, chẳng giận hờn vì bị xử oan, lại nhẫn nhục chịu cực hình, khoan dung chẳng trách cha và dì.
Trong mẩu chuyện, thái tử là tiền thân của Phật Thích-ca, hoàng hậu sẽ tái sanh làm Cincamanavika, nhà vua chính là Đề-bà-đạt-đa (Devdatta) trong một kiếp sau.
106.- Nhơn và quả.
Khi thái tử bị xô đẩy rơi xuống núi, có vị Xà vương (= vua rắn) đưa người về hang động lánh nạn trong một năm. Sau đó, thái tử trở lại với loài người và sống cuộc đời ẩn tu. Mấy năm sau, có người thợ săn trông thấy mới tâu lên vua. Vua cha mới đến gọi thái tử trở về cung điện, nhưng thái tử từ chối và tiếp tục cuộc đời tu hành ẩn dật. Ngay khi vừa biết được sự thật, nhà vua liền ra lịnh quẳng bà hoàng hậu gian ác từ trên núi xuống. Bà đã chịu đau đớn, khổ sở trước khi chết.
(7) Vô si (Amoha) và Trí huệ (Panna).
107.- Thế nào là vô si (amoha) và trí huệ (panna)?
Vô si (Amoha) có nghiã là sự thông minh sáng suốt, đồng một nghiã với trí huệ (panna). Tâm sở vô si giúp tâm thức ta vẹt được màn u tối của sự dốt nát và mê lầm đang che dậy phủ lấp mất chơn lý. Tâm sở si mê (moha) và tâm sở vô si (amoha) trái ngược hẳn nhau.
108.- Trí huệ hay Bát nhã (Panna).
Sự thông minh có hai loại: trí huệ chơn chánh và sự thông minh giả hiệu, chẳng chơn chánh. Trí huệ Bát nhã (Panna), thuộc về loại thứ nhứ nhứt, là sự hiểu biết rõ ràng về hành động gây ra nghiệp (kamma) và các hậu quả (vipaka) tiếp theo. Trí huệ Bát nhã là sự thông suốt kinh luận trong Chánh pháp (Dhamma), sự thuần thục về tỉnh giác minh sát (Vipassana nana), sự thấu triệt cả về đạo (magga nana), quả (phala nana), cùng Nhứt thiết chủng trí của Phật. Tất cả những hình thức hiểu biết chẳng nhiễm ô, chẳng hề lầm lẫn đó được gọi là Trí huệ Bát nhã.
(Danh từ Trí huệ Bát nhã vốn được Bắc tông dùng để chỉ vào chữ Panna trong tiếng Ba-li; sở dĩ dùng cả tiếng Phạn Prajna = Panna [phiên âm là Bát nhã] và tiếng Hán Trí huệ, là vì ngại có sự lẫn lộn giữa trí thông minh thông thường của người đời với trí huệ của người tu hành).
109.- Sự thông minh giả hiệu.
Thường có kẻ được người đời khen là khôn lanh, bặt thiệp, khéo nói …, rất thiện xảo trong việc thuyết phục người khác, nói đã hay mà dối gạt cũng giỏi, lừa đảo đã tài tình mà giả nhơn giả nghiã cũng tột bực. Hạng người ấy có trí thông minh giả hiệu, vancana panna, có nghiã là cái trí khôn giảo hoạt gạt gẫm người. Tâm thức họ bị tâm sở ái dục (tanha) bất thiện làm tràn ngập. Cũng có một số người rất giỏi về tranh chiến, thạo nghề sử dụng võ khí tối tân. Nhưng đấy là do sự thúc đẩy của vitakka, tâm sở tầm, xét cho kỹ cũng chẳng qua là một tâm sở bất thiện của trí năng. (Xin đừng lầm tâm sở tầm với tâm sở tàm; tâm sở tầm là tiến trình suy tư nhằm đưa tâm thức tiếp xúc riêng với đề mục đang quán chiếu và gạt bỏ các việc khác qua một bên).
Tuy nhiên, tưởng cũng nên lưu ý là trí khôn giả hiệu chẳng thể có ở nơi người ngu ngơ, ngốc ngác, với hệ số thông minh thấp (hệ số thông minh được dùng để tạm dịch một tiếng chuyên môn trong Tâm lý học hiện đại là IQ, intelligence quotient). Trí khôn ấy chỉ thường thấy ở những người thông minh có học thức cao. Nói cách khác, có sự tương quan hỗ thuộc giữa hai loại trí, trí thông minh chính hiệu có sẵn, làm căn bản, giúp điều kiện cho trí thông minh giảo hoạt nầy nở, chiếu theo định luật về tương quan giữa các pháp(Pakatupanissaya Paccaya) được dạy trong Quyển Khảo luận Patthana, là quyển chót của Luận tạng A tỳ đạt ma (Abhidhamma). Vì lẽ đó, các người được phú sẵn trí thông minh, nếu theo con đường chánh đạo để làm việc thiện (kusala) thì tạo được nhiều công đức; còn nếu họ theo tà đạo, làm việc bất thiện thì các tội ác của họ sẽ gây tai hại chẳng ít vậy.
110.- Căn bản trí và hậu đắc trí.
Trí huệ chơn chánh được phân biệt ra hai thứ: (1) căn bản trí, Jati panna và (2) hậu đắc trí, Pavatti panna. Những người khi sanh ra được phú sẵn đầy đủ các tâm sở vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) được gọi là Tihetuka puggulas, nghiã là những chúng sanh sẵn đầy đủ ba thiện căn. (Tihetuka = ba căn lành [căn = gốc rễ]; puggala = chúng sanh, sanh linh). Do đó, tâm sở vô si (amoha) bắt đầu phát triển kể từ lúc mới sanh, đã khiến cho họ học hỏi, hiểu biết rất mau chóng và có thể suy nghĩ sâu xa, mặc dầu còn trẻ. Trí thông minh nầy được gọi là căn bản trí (jati panna).
Hậu đắc trí (pavatti panna) là trí thông minh thủ đắc khi lớn lên nhờ sự học tập và huấn luyện. Họ thưa hỏi, tham dự các buổi diễn giảng và cố ghi nhớ mọi kiến thức. Người thiếu căn bản trí (kati panna) có thể phát triển hậu đắc trí (Pavatti panna) bằng cách tinh tấn học hành với một vị thầy giỏi. Những người được phú sẵn căn bản trí, nếu tập luyện thêm để được hậu đắc trí, về sau sẽ thành công về mọi mặt trong đời
111.- Làm cách nào để đào luyện căn bản trí?
Căn bản trí được phú từ lúc sơ sanh chẳng những sau nầy đem đến sự thành công và lợi lạc trong đời, mà còn mở đường cho việc tu tập có tiến bộ trong việc quán chiếu thiền định, việc thực hành Chánh pháp (Dhamma). Chỉ những người có căn bản trí phát triển mới chứng đắc được đạo (magga nana) và quả (phala nana) của sự Giác ngộ. Vì thế, ngay trong đời nầy phải đào luyện căn bản trí thì vào các đời sau mới mong được giác ngộ. Nhắm vào mục tiêu đó, ngay bây giờ ta phải có một quyết tâm kiên cố để mở mang kiến thức và trí huệ. Với quyết tâm cao cả đó, ta nên tìm đọc các sách quí, thường thưa hỏi các vị giáo sư lỗi lạc, tham vấn các bực thiện tri thức. Hãy tìm lắng nghe các lời khuyến nhũ của các bực trí đức đó. Các nỗ lực như thế sẽ khai mở rộng rãi căn bản trí nơi mình và sẽ khiến cho ta trở nên một người có một nền học vấn hợp lý và bao quát, gieo mầm trí huệ cho các đời sống trong tương lai của Luân hồi (samsara). Tuy nhiên, ta cũng đừng nên bao giờ tỏ ra tự mãn về những thành quả thâu thập được trong hiện tại mà phải cố gắng mãi thêm lên.
Để có thể ngày càng gia tăng thêm sự hiểu biết và trí huệ, ta phải thường chăm sóc cách phục sức sạch sẽ và trang nghiêm, giữ tư cách đứng đắn, đàng hoàng. Mỗi khi bố thí (dana) hay làm các việc thiện khác, ta phải tâm niệm trong lòng: “Nguyện công đức thiện lành nầy giúp tôi được tăng thêm trí huệ!” Khi ta cúng dường, trai tăng một vị tỳ-kheo, ta nên rải rộng thiện tâm và thiện chí ra như vầy: “Nguyện cầu vị đại đức nầy có đầy đủ khả năng để giảng dạy Chánh pháp hằng ngày và được hào quang trí huệ soi sáng!” Nếu đủ sức về tiền bạc, ta nên xây dựng chùa chiền, tu viện để giúp các tăng ni có nơi học tập về Chánh pháp. Đồng thời, ta cũng phải tỏ lòng tín phục và ủng hộ các vị minh sư trong công cuộc hoằng dương Phật pháp.
Ta cũng nên trợ giúp, tuỳ theo khả năng của mình, các trường học, các cơ sở giáo dục để nâng cao nền văn hoá nước nhà. Điều cần nhứt là ta phải luôn luôn vui lòng đem chia xẻ những kinh nghiệm mình đã học hỏi.Được thúc đẩy bởi các nỗ lực đó, ta sẽ trở nên một người hiền triết trong khi còn trôi lăn trong các cuộc sống của sanh tử Luân hồi (samsara).
Đấy là đại cương các điều cần làm để mong, khi tái sanh lại, được phú sẵn cho trí huệ Bát nhã căn bản (Jati panna).
112.- Sự khác biệt giữa niềm tin (saddha) và trí huệ (panna).
Bản thể của niềm tin (saddha) là được vừa lòng với sự hiến tặng và sự thực hành bố thí, để được phước lành vào các đời sau trong cõi Luân hồi. Niềm tin tưởng đó ít khi làm hứng khởi lên các lý tưởng muốn cho quốc gia, nòi giống và tôn giáo càng ngày càng tiến triển. Trí huệ (panna) phát triển các hành vi thiện lành với lý tưởng phục vụ cho quốc gia, dân tộc và đạo pháp, mà chẳng cần nghĩ đến sự an lạc, hạnh phúc cho cá nhơn của riêng mình, vì lẽ đã thừa biết rõ và chắc một khi đã làm điều lành tất sẽ được quả báo tốt. Đó làđiểm khác biệt căn bản giữa niềm tin và trí huệ.
Một người có thể nhìn quốc gia của mình qua cặp mắt của niềm tin, hay qua cặp mắt của trí huệ, hoặc dưới cả hai nhãn quan đó. Thảng hoặc một trong hai nhãn quan, niềm tin hay trí huệ, mà đi quá mức thì cách nhìn cùng sự phán đoán sẽ lệch lạc và thiên vị. Vì thế, rất cần thiết cho sự phán đoán, phải giữ mối quân bình giữa niềm tin và trí huệ, thì mới đạt được kết quả mỹ mãn. Có câu tục ngữ: “Niềm tin đi quá mức sẽ trở nên sự ái dục (tanha); trí huệ đi quá mức sẽ đưa đến sự phú tàng (maya, che dấu dối gạt).
Ghi chú: Trong quyển sách nầy, tôi chẳng có ý định cứu xét tường tận một phương cách quân bình giữa niềm tin và trí huệ; cần có một quyển khảo luận riêng cho vấn đề nầy.
113.- Lời kêu gọi.
Hởi các công dân! Dầu cho kiến thức có chơn thật hay giả tạm, điều quan trọng vẫn nằm trong bản thể của tâm thức con người. Cũng như quả tim là cơ quan chánh yếu của mọi sanh vật, một thái độ đứng đắn có tầm quan trọng tối thượng ngay bây giờ và về sau. Trí huệ quyết định sự thịnh vượng của đời nầy cũng như những đời sau. Chỉ có bực hiền giả mới hiểu biết rõ ràng và đầy đủ các lợi lạc của bố thí (dana), giới luật (sila) và các hạnh Ba-la-mật khác (Paramis, các sự toàn thiện). Chỉ khi có đủ trí huệ, ta mới có thể thành tựu được các hạnh Ba-la-mật.
Ngoài đời, hạnh phúc gia đình tuỳ thuộc hoàn toàn vào trí huệ của người gia trưởng. Trong sự quản trị giađình cho được khởi sắc và phát đạt, có trí huệ mới có sự mẫn cán để đạt mục tiêu mong muốn. Trong các cộng đồng xã hội, chỉ có bực hiền đức sáng suốt mới được sự tín cẩn của mọi người. Những kẻ kém thông minh và thiếu học có bao giờ vươn lên điạ vi cao tột, dầu cho họ là người giàu có lớn.
Kiến thức đóng vai trò chủ yếu trong thế giới hiện đại. Kẻ làm giàu thu nhiều của cải là nhờ biết ứng dụng các kiến thức thực tiễn của các nhà trí thức, các chuyên viên kỹ thuật mà họ cộng tác và học hỏi Từ một cuộc xung đột nhỏ đến các cuộc chiến tranh toàn diện trên hoàn cầu, sự chiến thắng bao giờ cũng về phiá những kẻ thông minh, những người tiến bộ về kỹ thuật. Trong bản kinh Catu dhamma Jataka, một con khỉ nhỏ (tiền thân của Đức Phật) đã chiến thắng một con cá sấu khổng lồ ngay trên dòng sông là giang sơn của loài sấu, chỉ nhờ vào chiến thuật khéo léo. Mặc dầu chiến thuật đó chẳng đáng được xem như một hình thức chơn chánh của trí huệ, nhưng nghiã sâu của bản kinh Jakata là muốn dạy ta rằng trí thông minh có thể mang đến sự thành công, thắng lợi trên đường đời.
Trong một bản kinh khác, kinh Mahosadha Jataka, xứ sở của Ngài Mahosadha bị quân đội hùng mạnh do chính vua Culani và tể tướng Kevatta chỉ huy đã tràn qua xâm chiếm. Nhờ trí huệ thông minh và tài thao lược, Ngài Mahosadha (tiền thân của Đức Phật) đã đẩy lui được kẻ thù xâm lăng tàn bạo, phải bỏ chạy trong tán loạn.
Trong quá khứ, quốc gia Miến-điện (Myanmar) còn lạc hậu về khoa học và kỹ thuật, nên phải rơi vào tay bọn đế quốc và bị chiếm đóng trong một thời gian dài hơn 100 năm. Nước Miến-điện rất giàu về tài nguyên thiên nhiên nên làm món mồi ngon cho ngoại bang, dựa vào ưu thế kỹ thuật, đã khai thác trục lợi các nguồn lợi về dầu khí, khoáng sản và lâm sản.
Mãi cho đến ngày nay, các doanh nhơn, các thương gia ngoại quốc, do sự bền chí và mẫn cán vẫn còn thu hoạch nhiều mối lợi ở Miến-điện. Chúng ta đã là nạn nhơn trước sự lấn áp của ngoại bang, chỉ vì chúng tađã chẳng đáp ứng kịp thời các nhu cầu cấp thiết của tình thế. Chúng ta thiếu sự cảnh giác và sự kỹ xảo. Sự thật, chúng ta còn “đang thiu thiu ngáy ngủ như một chú lễ sanh (= người phụ tế dùng giúp việc cúng tế) nằm dựa gốc cây da, bên cạnh giỏ lễ vật.”
Hởi các công dân! Một quốc gia còn kém kỹ thuật và khoa học thực tiễn thế nào cũng tuột xuống từng dưới chót của cộng đồng thế giới. Các nhà giáo dục ái quốc phải nên hướng dẫn dân chúng đi đúng con đường. Sinh viên phải hết lòng ráo riết thu thập các kiến thức.Các phú gia hiền đức, các vị tỳ-kheo (bhikkhu) cũng phải đóng góp vào công cuộc phát huy trí huệ và học vấn. Chỉ với một nỗ lực như thế trên khắp cả nước, chúng ta mới mong “hồi phục lại”(bồi dưỡng một tầng lớp trí thức lãnh đạo mới) trong đời nầy và trở nên người hiền đức với trí huệ Bát nhã căn bản (Jati panna) và trong các đời sắp đến.
(8) Tâm từ (Metta)
114.- Tâm từ chẳng phải là một tâm sở riêng biệt.
Chẳng có một tâm sở nào riêng biệt được gọi là tâm sở từ (metta). Chính tâm sở vô sân (adosa cetasika), khi nó bao hàm ý nghiã ước mong cho kẻ khác được an lạc, thanh bình và tiến bộ, thì đó là tâm từ (metta). Do đó, ta phải ghi chú rằng tâm từ là ý chí thành thật muốn giúp đỡ kẻ khác khiến cho họ được thành tựu và an vui.
115.- Tình yêu chưa hẳn là tâm từ.
Có một hình thức của tâm từ (metta) phát sanh giữa những người thân yêu nhau, giữa các tình nhơn, giữa chồng với vợ. Tâm từ nầy cũng hiển lộ ra sự ước mong và hành động giúp đỡ lẫn nhau. Họ được xem như đang “yêu” nhau. Họ dùng danh từ metta (tâm từ) để nói đến sự quyến luyến nầy. Nhưng thật ra, đó chỉ là một sự trìu mến mà ta nên dùng danh từ tình thương trong gia đình (gehasita pema) để nói đến thì mới thích hợp hơn. Đây chẳng phải là tâm từ (metta) thực sự và thành thật. (Về tình thương yêu nhau trong gia đình, chúng ta đã xét qua dưới tiểu mục “Tham” (Lobha).
Xưa kia, có một người tín chủ đến thưa hỏi vị tỳ-kheo (bhikkhu) bổn sư của y, nên làm cách nào cho đúng đắn để được an trú trong tâm từ (metta bhavana). Vị tỳ-kheo nói: “Hãy rải tâm từ đến người nào mà mình yêu mến nhứt.” Người được tín chủ yêu thương nhứt chính là vợ của ông ta, cho nên ngay đêm ấy, ông ngồi quán tưởng và rải tâm từ đến người vợ, tại bên ngoài phòng ngủ của vợ. Sau một thời gian quán tưởng, lòng ông ta tràn ngập tình yêu vợ, nên vội vã bước vào phòng “người yêu”. Trong cơn hấp tấp, vì phòng bị khoá chặt, ông đụng đầu vào cửa và mang lấy một cục u trên trán. Tình yêu trong trường hợp nầy, chẳng phải là tâm từ mà chỉ là tình yêu thương giữa vợ chồng trong gia đình (gehasita pema) mà thôi.
116.- Tình yêu giữa bò mẹ và bò con.
Chúng ta chẳng thể nói các hình thức tình yêu giữa người thân (pema) chẳng hề đem đến tâm từ chơn thật; ngay cả trong hàng thú vật, tình yêu thương của bò mẹ đối với bò con cũng làm phát khởi được tâm trạng thiện (kusala citta) đó nữa. Vào một thời xưa kia, có một con bò mẹ đang cho con bú với cả một tấm lòng từ chơn thật (metta). Chính ngay lúc ấy, có một người thợ săn bắn một mũi tên vào bò mẹ. Nhưng vì tâm từ bao la của bò mẹ đang rải đến cho con thật mạnh mẽ khiến cho mũi tên trở nên yếu ớt như chiếc lá và chẳng tổn thương chi đến bò mẹ cả. Điều nầy chứng tỏ tình thương yêu giữa người thân, giữa cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè có thể phát triển thành tâm từ chơn chánh.
117.- Tâm từ của Hoàng hậu Samavati.
Xưa kia ở Ấn độ, nơi vương quốc Câu-đàm-di (Kosambi), Vua Utena có ba vợ là các bà: Samavati, Magandi và Vasuladattadevi. Trong khi bà Samavati rất tôn sùng Ngôi Tam Bảo (Ti ratana, ba ngôi trân bảo: Phật, Pháp và Tăng), bà Magandi, từ thuở còn là con gái, đã có ác cảm đối với Đức Phật. Bà Magandi thường soi mói tìm lỗi của bà Samavati, trong khi bà nầy lại thường xuyên thực tập an trú trong tâm từ (metta bhavana). Vua Utena luân phiên đến thăm viếng lần lượt cung của các vị vương phi. Nhà vua lại là một người chơi đờn thụ cầm rất giỏi
Một hôm, đến phiên bà Samavati được vua ngự đến, bà Magandi đem một con rắn độc mà bà đã xin được của chú bà, bỏ vào trong cái ngăn của cây đờn thụ cầm, rồi lấy nhiều tràng hoa nhét vào để chận rắn bò ra ngoài. Rồi bà ta liền đến tâu với vua, chẳng nên đến phòng của bà Samavati hôm ấy vì đêm vừa qua bà Samavati đã trải qua một cơn ác mộng dữ dội. Thuở ấy, người ta tin tưởng rằng cơn ác mộng là điềm xấu. Nhưng vua chẳng để ý gì đến lời cảnh cáo, bước vào phòng bà Samavati. Bà Magandi theo sau, làm như quá lo lắng cho sự an toàn của nhà vua.
Khi nhà vua buông mình trên ghé dựa, sau bữa cơm chiều, bà Magandi lén rút các cành hoa để cho con rắn bò ra khỏi cái ngăn của chiếc thụ cầm. Con vật độc bị nhốt lâu trở nên thật hung dữ, rít lên lanh lãnh và bòđến gần bên vua. Bà Magandi giả bộ thất đảm kinh sợ, quát mắng bà Samavati và bọn thể nữ và trách vua đã chẳng nghe lời cảnh cáo trước của bà ta.
Vua Utena chẳng biết mưu gian hiểm độc của bà Magandi, liền nổi cơn thịnh nộ, rút tên, giương cung ra bắn bà Samavati và bọn thể nữ. Vào ngay lúc nguy khốn đó, bà Samavati bảo các thể nữ chẳng được khởi lên oán hận nhà vua và bà Magandi, mà phải hết sức thành tâm ban rải tâm từ (metta) đến họ. Vào lúc ấy, chẳng có ai đến cứu mạng cả, ngoài tâm từ ra. Bà thúc dục tất cả thể nữ phải làm phát khởi mạnh mẽ các tư tưởng tâm từ càng nhiều càng quí, đến nhà vua và bà Magandi và xóa hết cho sạch mọi ý nghĩ thù hằn, oán giận, báo cừu trong tâm.
Các thể nữ, nhờ được tập luyện trước dưới sự hướng dẫn của bà Samavati, nên đang nhiệt thành gieo rắc tâm từ đến vua và bà Magandi. Nhà vua chẳng kềm chế nổi cơn giận, buông tên về phiá bà Samavati. Do sức mạnh của tâm từ, mũi tên lại quay ngược về hướng nhà vua. Vua liền tỉnh ngộ, qùi trước mặt bà Samavati và xin bà tha thứ. Bấy giờ nhà vua mới ý thức được sự vô tâm khinh suất của mình.
118.- Bài học đạo đức của mẩu chuyện
Bà Magandi đã ganh ghét bà Samavati vì bà nầy có nhan sắc hơn và được mọi người kính mến. Bà Magandi bị hai tâm sở: ganh tị (issa) và sân hận (dosa) cấu xé. Do đấy mà bà đã lập gian kế với tâm sở phú tàng (maya) để che đậy tội ác. Vua Utena khi trông thấy con rắn độc đã bị tâm sở sân hận (dosa) áp đảo. Khi mũi tên quay ngược trở lại, nhà vua đang trải qua cơn sợ hãi dưới ảnh hưởng cuả hai tâm sở sân hận (dosa) vàđau đớn về tâm linh (domanassa) (*). Còn hoàng hậu Samavati và các thể nữ, tâm tánh thật là hiền đức, đã trải rộng tâm từ (metta) ngay cả đến những người thù chực giết họ.
[(*). Thiện Nhựt thiển nghĩ, lúc mũi tên quay ngược lại, có lẽ nhà vua tỏ lòng hối tiếc (kukkucca cetasika) mới phải, hơn là lòng sân hận (dosa).]
Vào thời buổi bây giờ, những ai muốn sống cuộc đời phạm hạnh đạo đức cao, tưởng nên thi đua với thái độ và tư cách của Hoàng hậu Samavati. Trước sự ganh tị, ác tâm, ta nên thanh tịnh hoá tâm thức mình và dập tắt ngay ý muốn báo thù. Khi có cơ hội để giúp đỡ kẻ khác, ta nên thi hành ngay cả với những người đã hiềm thù mình. Hãy khéo léo tận dụng võ khí vô giá là tâm từ. Tâm từ là nước, còn sân hận là lửa; càng có nhiều nước từ (metta) càng dễ dàng nhanh chóng dập tắt ngọn lửa sân (dosa) đang ngùn ngụt. Vì vậy, mọi người nên cố gắng giảm bớt lòng sân hận và nuôi dưỡng tâm từ đối với mọi chúng sanh.
(9) Tâm bi (Karuna).
119.- Sự thương hại chưa hẳn là tâm bi.
Tâm bi (Karuna) có nghiã là tỏ lòng thương xót những kẻ thiếu may mắn và có ý chí muốn cứu giúp họ khiến cho họ được nhẹ bớt nỗi khổ đau.
Khi thấy một người đang trong cơn khốn khổ, lòng ta khởi lên ý muốn giúp đỡ. Nếu ta chẳng giúp đỡ được, thì trong lòng thấy xốn xang và ngại ngùng. Đó còn chưa phải hẳn là tâm bi đúng nghiã. Đó chỉ là một nỗi bất an, khó chịu về tâm linh, được gọi chung dưới danh từ là các tâm sở thống khổ về tâm linh (domanassa), dựa trên lòng thương hại, thường thấy nơi những người hiền từ. Mặc dầu đó là một tâm sở chẳng thiện (akusala cetasika), nhưng sự thương xót chẳng đem lại điều tệ hại nào lớn. Trên thật tế, tỏ ra thông cảm, xót xa cho kẻ khác cũng là điều tốt thường thấy nơi những người có thiện tâm.
Đôi khi, một người cảm thấy đau xót, thương hại cho người thân hay bạn bè của mình đang gặp cảnh khó khăn và muốn cứu giúp. Tâm sở nầy, thật ra là tâm sở phiền muộn (soka), chưa hẳn là sự thương hại của tâm bi. Tâm bi, đúng với nghiã của nó, làm khởi lên sự thương hại, thông cảm và ý muốn mạnh mẽ muốn cứu giúp; trong khi đó sự phiền muộn (soka) chỉ đưa đến niềm lo lắng và nỗi buồn rầu nơi chính đương sự mà thôi.
120.- Tâm thức của người đức hạnh.
Tất cả những người thiện tâm đều cảm thấy có tâm bi (karuna) đối với các kẻ bất hạnh, ngay khi vừa trông thấy họ. Tuy nhiên các người hiền đức đó chỉ rải tâm từ đến cho người thân trong nhà hay họ hàng, bè bạn mà thôi. Nhưng những người thật là hiền đức, đang tu tập theo các hạnh Ba-la-mật (Paramis, các sự toàn thiện) và các bực đã thành tựu viên mãn các hạnh Ba-la-mật, như các vị Bồ-tát (Bodhisattas), thì luôn luôn thương xót đến mọi chúng sanh, lo ngại cho chúng sanh phải thất lạc vào các nẻo ác (apaya) do hậu quả xấu của hành vi bất thiện, cũng như cha mẹ đang lo lắng cho đàn con khờ dại phải chịu đau khổ vậy. Các bực ấy lại rải tâm từ đến muôn loài chẳng hề có sự kỳ thị, cũng như cha mẹ thương con cái đồng đều, kể cả các đứa ngỗ nghịch.
Từ (Metta) và Bi (Karuna) đã có gốc rễ thật vững chắc và sâu xa nơi thân tâm của các vị Bồ-tát, xuyên qua các kiếp sống mà các Ngài đã giữ đúng theo các hạnh Ba-la-mật. Và hai tâm sở đó trở nên thuần thục và chín muồi vào lúc các Ngài chứng đắc Giác ngộ Tối thượng. Y cứ vào điều nầy, thì sẽ biết về thái độ của Đức Phật, ngay trong đêm sắp lên ngôi vị Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác. Với tâm từ chẳng gì lay chuyển nổi, Ngài đã chinh phục được Ma vương lúc ấy đang cố gắng tận lực gây khó khăn cho Ngài. Đức Phật đã đem tâm từ ra ban rải không ngừng đến Ma vương, tha thứ cho ý đồ của hắn muốn hại Ngài. Cùng thế ấy, Đức Phật cũng đã ban rải tâm từ đến Đề-bà-đạt-đa (Devadatta), người đã ba lần mưu sát Đức Phật.
Vào thời buổi ngày nay, những ai muốn trở nên người có đức hạnh và cao quí, cần noi theo gương lành của các vị Bồ-tát. Họ phải dẹp bỏ các quan niệm nầy: “Tôi đối xử tốt, chỉ với người tốt. Tôi lấy điều lành, chỉ để trả lại điều lành mà thôi.”Thay vì thế, họ cần thay đổi thái độ lại như vầy: “Mặc dầu kẻ ấy là người xấu ác, tôi cũng chỉ lấy điều tốt mà đối xử với anh ta. Ai ai, dầu tốt, dầu xấu, bao giờ tôi cũng một niềm đối xử tốt với tất cả mọi người.” Và phải luôn luôn ghi nhớ trong lòng, đem tâm từ và tâm bi ra ban rải cho mọi chúng sanh.
(10) Tâm hỉ (Mudita)
121.- Thế nào là Tâm hỉ (Mudita)?
Mối thiện cảm tỏ lòng vui mừng trước sự thành công, sự an lạc và sự thịnh vượng của kẻ khác được gọi tâm hỉ (mudita), một tâm sở hoan hỉ trước việc đáng mừng. Ở đời lại lắm kẻ tâm điạ xấu ác hay có bụng ganh tị, tật đố, tham lam, v.v. mỗi khi thấy ai, hoặc được món lợi, hoặc được thăng chức, hoặc được nổi tiếng, hoặc có địa vị cao sang, hoặc giàu có lớn. Trái lại, những bực hiền đức, tâm hồn cao thượng, mỗi khi nghe, thấy các dịp tốt đó, liền thành thật hoan hỉ chung vui với người được may mắn. Các bực ấy lý luận như vầy: “—! Họ được thêm tiền của, chức vị, quyền thế, thành công, nổi tiếng, đó là vì họ đã gieo trồng căn lành (kusala kamma) trong quá khứ, nay được hưởng phước báo đền đáp công đức thiện lành của họ.” Đó chính thật là tam hỉ (mudita) chơn chánh.
122.- Hoan hỉ quá mức.
Tỏ ra quá vui mừng, quá sướng thích trước sự an lạc của người thân của mình, lại chẳng phải là tâm hỉ chơn chánh. Sự vui thích đó, tuy giống như tâm hỉ (mudita) nhưng thật ra chẳng phải hoàn toàn là tâm hỉ. Các sự vui mừng quá mức như thế, đến độ chảy nước mắt, được gọi là piti somanassa, sự vui mừng đã bị hai tâm sở bất thện: ái dục (tanha) và tham lam (lobha) đi kèm theo. Nhưng ta chớ nên cho rằng các sự vui mừng và thoả thích ấy là trái với tâm hỉ, vì chúng cũng vẫn có thể trở thành tâm hỉ được. (Piti = Somanassa = sự vui mừng).
(11) Tâm xả (Upekkha).
123.- Thế nào là Tâm xả (Upekkha)?
Danh từ Pali Upekkha có nghiã là sự bình thản, sự tĩnh lặng của tâm thức, hay sự quân bình của tâm thức (chẳng hề bị lay động) trước mọi hiện hữu. Trong các bản văn của Luận tạng A tỳ đạt ma (Abhidhamma), Upekkha được nói đến dưới danh từ Tatramajjhattata cetasika.
(Tatra = đây và đó + majjhattata = sự quân bình của tâm thức + cetasika = tâm sở.)
(Chữ tâm xã là danh từ mượn trong kinh sách Bắc tông để tạm dịch chữ Upekkha.).
Upekkha, tâm xả, chẳng giống với tâm từ, vì ở đây chẳng có tình thương tham dự vào. Nó chẳng giống với lòng trắc ẩn, vì ở đây chẳng có sự tham dự của sự thương hại. Nó chẳng giống với tâm hỉ, vì ở đây chẳng có sự vui mừng tham dự vào. Nó chẳng giống với tâm sở sân hận, vì ở đây chẳng có sự hờn giận, sự gian hiểm dính dấp vào.
Upekkha cứu xét và trình bày cặn kẽ về sự kiện là: nghiệp lực (kamma) tuỳ theo nhơn duyên mà đưa đến quả báo tốt hay xấu. Chủ đề của upekkha là kammassaka, nghiã là: “Nghiệp của ai, chính là sở hữu của người ấy”.
Nhưng ngày nay, người ta thường dùng chữ upekkha có liên quan đến việc con cái ngỗ nghịch hay học trò chẳng biết vâng lời. Đìều đó có nghiã là, nhiều bực phụ huynh hay giáo chức lơ là, chẳng chịu quan tâm đến con em, chúng có cư xử tốt xấu thế nào cũng mặc. Như thế nào có khác gì là đang trốn tránh bổn phận và trách nhiệm.
Trong trường hợp của upekkha, những đương sự được cứu xét đến với một tâm niệm chẳng thiên vị, tránh xa hai cực đoan của sự thương yêu và sự oán ghét. Tâm sở Upekkha có thể phát sanh nơi người thường. Nhưng với jahna upekkha (jhana = thiền định), ta chỉ đạt được tâm sở nầy, sau khi đã luyện tập thật thuần thục ba tâm sở dẫn đầu đi trước là: từ (metta), bi (karuna) và hỉ (mudita).
124.- Bốn Tâm vô lượng (Brahmaviharas).
Từ (Metta), Bi (Karuna), Hỉ (Mudita) và Xả (Upekkha) được gọi chung lại là Tứ Vô lượng Tâm, bốn Brahmaviharas, bốn tâm trạng thánh thiện và cao thượng. [Brahma = thánh thiện + vihara = cuộc sống]. Ý muốn nói rằng, “thường xuyên hằng phát khởi lên tư tưởng từ, bi, hỉ, xả đối với mọi chúng sanh là sống cuộc đời cao thượng”. Sống một cuộc sống như thế thì chẳng hề bị khô cằn vì sức nung nóng của sân hận, ganh tị và đố kỵ. Đó là một cuộc sống đượm thắm và tẩm tưới trong sự thanh lương (= mát mẻ) của bốn Brahmaviharas, của Tứ Vô lượng Tâm.
Ở Myanmar (= Miến-điện), các tâm trạng cao quí đó được gọi chung là Brahmaso (thấm nhuần với tư tưởng thánh thiện). Nhưng có người nói, danh từ Brahmaso bắt nguồn từ chữ Pali là Brahmacariya (Brahma = thánh thiện + cariya = thái độ, lối sống).
(Trong kinh sách Bắc tông, danh từ Tứ Vô lượng tâm, chữ Vô lượng có nghiã là quảng đại, rộng rãi, bao la, được dùng để chỉ đến sự ban rải các tâm sở từ, bi, hỉ, xả tới muôn loài, người, thú cũng như vật, chẳng phân biệt lạ hay quen, thân hay thù).
125.- Phát triển và trao chuyển tâm từ (Metta).
Giữ sao cho tâm thức bất kỳ lúc nào cũng có sự hiện diện của tâm sở từ (metta), đó là cách phát triển lòng từ đến với mọi chúng sanh. Nói cách khác, cần phát triển tâm từ để cho tâm thức ta được thấm nhuần trong tình thương bao la.
- A) Ban rải tâm từ.- Khi bạn ban rải tâm từ hướng đến một người nào, bạn phải tập trung tư tưởng nghĩ về người ấy và ước nguyện: ‘Cầu mong cho anh ấy, hoặc chị ấy, v.v. được phát đạt luôn”, tâm từ của bạn sẽ cảm thông được với người ấy ở đầu bên kia. Điều đó xảy ra cũng tựa như tâm từ của bạn đã đến tận nơi tâm thức của người kia. Thế cho nên, khi bạn ban rải tâm từ hướng đến ai, người ta nói đó là “bạn đang trao chuyển tâm từ cho một người.”
- B) Phương cách thông thường trao chuyển tâm từ.- Hãy đọc tụng bài kệ bằng tiếng Pali sau đây:
“Sabbe satta avera hontu,
Abyapajja hontu,
Anigha hontu,
Sukhi attanam pariharantu.”
có nghiã là:
1.- Nguyện cầu mọi chúng sanh vượt khỏi mọi hiểm nguy.
2.- Nguyện cầu mọi chúng sanh thoát khỏi mọi thống khổ tâm linh (domanassa) và được an tâm.
3.- Nguyện cầu mọi chúng sanh tránh khỏi mọi đau khổ thể chất và được khoẻ mạnh.
4.- Nguyện cầu mọi chúng sanh được phát đạt và sống lâu.
- C) Cách hữu hiệu để trao chuyển tâm từ.- Chỉ khi nào thật chí thiết muốn cho ngưòi nào hay chúng sanh nào đưọc an lạc, ta mới có thể ban rải tâm từ một cách đúng đắn và hữu hiệu. Nếu bạn quen miệng chỉ đọc thuộc lòng“avera hontu” v. với một tâm tư tán loạn chẳng chút chú ý, thì bạn chẳng trao chuyển được tâm từ như ý bạn mong muốn. Nếu đọc tụng bài kệ bằng tiếng điạ phương nơi mình sanh sống, có lẽ lại hơn là đọc bằng tiếng Pali, để ta có thể hiểu rõ những lời mà miệng ta thốt ra. Lại nữa, bạn cũng nên nêu đích danh người mà bạn muốn trao chuyển tâm từ đến.
Thí dụ như: “Nguyện cầu cho mẹ tôi tránh khỏi mọi nguy hiểm và khó khăn; nguyện cầu mẹ tôi có đầy đủ sức khoẻ và an lạc; nguyện cầu mẹ tôi sức khoẻ dồi dào và được sống lâu.”
Bạn phải đọc lên với tất cả tấm nhiệt tình và thành tâm, Đối với cha hay thầy học, bạn cũng nên làm đúng như thế. Trong trường hợp trao chuyển tâm từ đến mọi chúng sanh, bạn thay thế hai chữ “mẹ tôi” bằng ba chữ “mọi chúng sanh”.
Một cách vắn tắt, bạn cũng có thể tụng rằng: ‘Nguyện cầu mẹ tôi thoát mọi hiểm nguy và được bình yên.”, “Nguyện cầu cha tôi,… thầy tôi,…”. Điểm chánh yếu là bạn phải có đủ nhiệt tâm và chí thành mong mỏi họ được an lạc và tiến bộ.
126.- Làm cách nào trao chuyển tâm bi (Karuna).
Tâm bi (Karuna cetasika) là một tâm sở thương xót các chúng sanh phải chịu khổ đau. Bản thể của tâm bi là sự ước mong chơn thành muốn được thấy họ vượt thoát nỗi thống khổ hiện nay. Bởi thế cho nên, khi ban rải tâm bi, ta đọc bài kệ tiếng Pali Dukkha muccantu, kệ Thoát khổ, có nghiã là: “Nguyện cầu họ thoát khỏi mọi thống khổ đang đè nặng.”Lòng bi tâm chơn thật là sự ước mong sâu xa muốn cho kẻ khác vượt thoát mọi khổ đau và được thọ hưởng hạnh phúc. Nhưng lời cầu mong “Nguyện cầu cho cụ ấy sớm được thở hơi cuối cùng!”, để mau chấm dứt việc thân tâm cụ đang bị hành hạ đau đớn, dó chẳng phải là tâm bi chơn chánh, mà lại là một byapada duccarita (thái độ trong tư tưởng chẳng lành do ác tâm) (xin tạm dịch chữ byapada duccarita là một ác hạnh).
Tâm bi chơn chánh có nghiã là một thái độ cao quí của một người có tấm lòng thực sự thương xót một người đang đau khổ và muốn làm vơi bớt sự thống khổ cho kẻ ấy. Chỉ đơn giản đọc bài kệ Dukkha muccantu, Thoát Khổ, chưa đủ để kết thành tâm bi chơn chánh.
127.- Làm thế nào trao chuyển tâm hỉ (Mudita).
Tâm hỉ là sự vui mừng có tánh cách vị tha, khi thấy người khác được thành công, được thịnh vương, được viên mãn. Đó là lòng mong muốn chơn thành ước ao kẻ khác được tiếp tục hưởng mãi sự giàu sang, tiến bộ, hạnh phúc, và danh vọng, v.v. Để trao chuyển, ban rải tâm hỉ, ta nên đọc tụng, với đầy đủ ý thức, câu kệ tiếng Pali:
“Yathaladdhasampattito ma vigacchantu”
có nghiã là:
“Nguyện cầu họ chẳng mất đi sự thắng lợi hay hanh phúc mà họ đã đạt được.”
Mỗi khi chứng kiến được sự an lạc của một người, bạn nên đọc tụng như trên và ban rải tâm hỉ đến người ấy. Đọc câu kệ thuộc lòng, trên chót lưỡi, chẳng thể là tâm hỉ thật sự được.
128.- Làm thế nào để trao chuyển tâm xả (Upekkha)?
Upekkha, là một tâm sở của sự quân bình, thăng bằng, tĩnh lặng, nhìn muôn vật một cách đứng đắn, chẳng hề thiên vị.(Upekkha được tạm dịch là tâm xả, còn chưa xác đáng lắm). Muốn làm phát khởi tâm sở nầy, ta suy nghĩ: “Mọi người đều mang lấy nghiệp (Kamma) của riêng mình, cũng như là tài sản, sở hữu của mình vậy; điều lành hay đìều dữ xãy ra cho họ, cũng đều do nghiệp riêng của họ.”
Nói như thế có nghiã là ta phải quán tưởng rằng: “Mặc dầu tôi trao chuyển tâm từ (metta) đến, mong cho người ấy được hạnh phúc, nhưng anh ta chỉ được sung sướng khi nào anh ta có thiện nghiệp. Mặc dầu tôi cảm thấy có lòng trắc ẩn đối với anh ta, nhưng anh ta chỉ thoát được khổ sở nếu anh đã sẵn có thiện nghiệp.Mặc dầu tôi hoan hỉ trưóc cảnh phồn vinh của anh và chẳng hề muốn anh phải mất đi sự dư dả, nhưng anh ta chỉ có thể duy trì đời sống sung túc được nếu anh đã sẵn có thiện nghiệp. Bởi thế cho nên, tôi chẳng nên quá quan ngại về anh, anh đã có nghiệp của riêng anh, đó là tài sản sở hữu của anh rồi.”
129.- Ghi chú thêm về bốn tâm trạng thánh thiện.
Bốn Brahmaviharas hay tứ vô luợng tâm là bốn tâm trạng thánh thiện và cao thượng, có nhiều sự phổ chiếu khác nhau. Tâm từ chíếu rọi lòng thương thân ái đến mọi chúng sanh. Tâm bi chiếu rọi lòng trắc ẩn và xót thương đến các chúng sanh còn đang đau khổ. Tâm hỉ lấy sự thành tựu của chúng sanh làm đối tượng và chiếu rọi lên niềm hân hoan vị tha. Tâm xả nhìn thấy mọi chúng sanh đang mang lấy nghiệp và phóng chiếu sự quân bình tĩnh lặng đến họ.
Do vậy, cần nên để ý rằng một người chẳng thể nào, cùng một lúc mà chiếu rọi cả bốn tâm vô lượng (Brahmaviharas) đến mọi chúng sanh hay đến cho riêng một người. Điều thứ hai cần nên lưu ý là, khi ta muốn ban rải các làn sóng tư tưởng của tâm từ một cách có hiệu quả, ta phải đọc tụng bốn câu kệ tiếng Pali “Avera hontu… pariharantu…” hay bản dịch ra tiếng điạ phương, với cả sự chú tâm nhiệt thành. Đối với các tâm sở khác về tâm bi, tâm hỉ, tâm xả, cũng nên như vậy. Đọc
tụng thuộc lòng suông câu kệ Pali mà chẳng hiểu nghiã, hay với tâm lơ đãng, thiếu sự mong muốn thành khẩn, chẳng đem đến hiệu quả nào. Thời bây giờ, các lễ nghi làm cho có lệ, thảo thảo cho xong, rất thường thấy trong giới Phật tử. Vì lẽ đó mà những tín đồ thuần thành và sùng đạo cần nên nêu gương lành cho cácđoàn hậu tấn noi theo.
(12), (13), (14).- Ba Tâm sở Tiết chế (Virati cetasika): Chánh ngữ (Sammamavaca); Chánh nghiệp (Sammakammanta); Chánh mạng (Samma ajiva).
Khi nghiên cứu về ba tâm sở Virati cetasikas, (virati = sự kiêng cử, sự cấm đoán, ngưng chẳng được làm + cetasika = tâm sở), xin tạm dịch là ba tâm sở tiết chế (tiết chế = giảm bớt, đình chỉ, chẳng làm), thông thường ta phải hiểu rõ trước về mười điều tệ hại (duccaritas) tức là mười loại hành vi xấu ác trong hạnh kiểm. Nhưng quyển sách nầy sẽ chẳng đi sâu vào chi tiết của mười điều tệ hai, duccaritas đó.
130.- Mười điều tệ hại được chia ra làm hai loại.
Mười điều tệ hại liên quan đến các hành vi về hạnh kiểm của con người, có thể được phân ra làm hai loại:
– những điều tệ hại liên quan đến sự mưu sanh;
– những điều tệ hại chẳng liên quan đến việc mưu sanh.
Thí dụ như, giết người để cướp của, ám sát người để được trả tiền công mướn giết, hoặc làm nghề săn bắn, chài lưới, đó là những điều tệ hại có liên quan đến việc mưu sanh, được dùng làm phương tiện sanh sống. Nhưng vì tức giận, oán thù mà giết người là một điều tệ hại chẳng có liên quan đến sanh kế.
Làm chứng gian trước Toà, hô hào nhiều người ủng hộ một tà thuyết, kể chuyện hoang đường, thần tiên, ngụ ngôn, ma qủi để lấy tiền người nghe, v.v…. đó là những điều tệ hại có liên quan đến việc mưu sanh. Còn nói dối, nói thô cộc, đặt điều vu khống, v.v. mà chẳng có ý muốn được lợi về vật chất, đó là các điều tệ hạivaci duccarita (vaci = lời nói), tệ hại về lời nói, chẳng liên quan đến sanh kế.
131.- Các tâm sở tiết chế (Viratis).
Tự kềm chế thân chẳng hành động xấu ác, để tránh các tệ hại về thân, kaya duccaritas (kaya = thân; duccarita = điều tệ hại), và tự kềm chế miệng chẳng nói xấu ác, để tránh các tệ hại về lời nói,vaci duccaritas (vaci = lời nói), là do sự phát sanh các tâm sở tiết chế (viratis). Nếu ta tiết chế trong lời nói để khỏi vọng ngữ, mặc dầu ta có thừa cơ hội để nói dối, tùy theo có liên quan đến sanh kế hay không; nếu không, thì gọi đó là sammavaca virati; bằng nếu có, thì được gọi là samma ajiva virati, (ajiva = mưu sanh, sanh kế, lối sanh sống).
Sự tự kềm chế chẳng giết hại, ngay cả khi có thừa đủ thuận tiện để giết, nếu chẳng liên quan đến sanh kế, thìđược gọi là sammakammanta virati (samma kammanta = chánh nghiệp). Còn nếu sự tự kềm chế chẳng giết hại có liên quan đến sanh kế, thì được gọi là samma ajiva virati (samma ajiva = chánh mạng).
132.- Các hành động lành khác chẳng thuộc về nhóm Tiết chế (Virati)
Trong đời sống hằng ngày, có nhiều hành động thiện lành chẳng phải do ba tâm sở tiết chế kể trong tiểu mục vừa qua làm phát khởi lên. Các hành động đó được gọi là thiện pháp (kusala) (Chữ pháp trong chữ thiện pháp chỉ có nghiã là sự, vật, hành vi, chớ chẳng có nghiã là pháp tu). Các thiện pháp nầy chẳng có liên quanđến sự tiết chế, sự tự kềm giữ, nên chẳng thuộc về các tâm sở tiết chế, virati cetasikas. Thí dụ như nói lời khả ái, dịu dàng, tụng đọc các giới điều, được gọi là sammama vaca, chánh ngữ; như cúng dường trai tăng, kính lễ Tâm Bảo, nghe giảng Chánh pháp, v.v., được gọi là sammakammanta, chánh nghiệp; như các chức nghiệp chơn chánh theo truyền thống, buôn bán, kỹ nghệ, v.v. được gọi là samma ajiva, chánh mạng. Trong các thí dụ vừa kể về chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, người thi hành chẳng có dịp và cũng chẳng thấy cần thiết để tự tiết chế, nên chẳng thuộc về tâm sở tiết chế (virati cetasika), mà được xem là các thiện pháp (kusala cetanas; kusala thiện, lành; cetana = ý định).
133.- Ba hình thức của các tâm sở tiết chế (virati).
Ba tâm sở tiết chế được xét trước đây, thường thể hiện ra dưới ba hình thức, (1) samadana virati, (2) sampatta virati, (3) samuccheda virati.
- A) Hình thức thứ nhứt: samadana virati. Đây là sự tiết chế, do vì biết tuân giữ theo giới luật (sila). Nếu ta có dịp để giết một con bò, nhưng lại chẳng giết vì phải tuân giữ theo giới cấm sát sanh; nhờ biết giữ giới mà chịu tự tiết chế nhu thế, ta sẽ có được một công đức gọi là công đức về samadana virati.
Xưa kia, có một người nông phu, thọ giáo một vị tỳ-kheo và được truyền dạy giữ giới. Một hôm anh kiếm con bò đi lạc, phải lên ngọn đồi, bỗng bị một con rắn lớn quấn chơn. Anh rút dao, định chém con rắn, nhưng sực nhớ lời dạy chẳng nên sát sanh, nên chẳng giết con rắn. Nhờ sức mạnh của giới đức, con rắn liền bò đi, chẳng phạm đến anh nông phu. Đây là mẩu chuyện cho thấy rõ, tâm sở tiết chế chẳng sát sanh của người nông phu đã phát khởi lên nhờ đã biết trì giới đàng hoàng. Đó là samadana virati [samadana = tuân giữ giới luật; virati = sự tự tiết chế, tự kềm giữ chẳng phạm điều ác.]
- B) Hình thức thứ hai: sampatta virati. Đây là trường hợp tâm sở tiết chế khởi sanh lên do một chuyện ngẫu nhiên. Xưa kia, ở nước Tích-lan (ngày nay gọi là Sri Lamka), có một người tên là Cakana săn sóc mẹ già đang lâm bịnh. Vị thầy thuốc bảo phải tìm thịt sống một con thỏ mới trị lành. Anh liền đi tìm, bắt được một con thỏ nhỏ, định giết. Nhưng khi nhìn lại thấy con thú hiền lành, anh có lòng thương hại, nên thả nó ra. Về nhà, anh kể lại chuyện cho mẹ nghe và thốt lên rằng: “Kể từ ngày con biết phân biện được điều lành với việc ác, con chẳng bao giờ cướp lấy sanh mạng của một sanh vật, với ý muốn giết hại.” Nhờ ý tưởng cao thượng đó, mẹ anh đã khỏi bịnh. Trong mẩu chuyện, việc ngẫu nhiên nhìn thấy con thú hiền lành đã khiến anh phát khởi tâm sở tiết chế chẳng giết hại,; đó chẳng phải do anh đã biết giới luật trước, cho nên sự tiết chế nầy được gọi là sampatta virati . [Sampatta = do ngẫu nhiên làm ác; virati = sự tiết chế].
- C) Hình thức thứ ba: samuccheda virati . Đây là trường hợp sự tiết chế có liên quan đến Đạo tâm (Magga citta), để cắt đứt tận gốc rễ các lậu hoặc còn tiềm phục trong tâm (lậu hoặc = các tật xấu gây nên phiền não; tiềm phục = nằm im chờ sẵn đó). Khi bực tu hành đã đắc được Đạo tâm (Magga citta), sự tiết chế, sự tự kềm giữ xảy ra vì hành giả muốn tận diệt hết mọi lậu hoặc còn dây dưa trong tâm. [Samuccheda = do sự tận diệt các lậu hoặc còn ngấm ngầm; virati = sự tiết chế].
Kết luận về Chương 3.
Đến đây chấm dứt Chương 3 về các tâm sở thiện (kusala cetasikas) là những tâm sở lành có ảnh hưởng tốtđến tâm thức. Các tâm sở bất thiện (akusala cetasikas) làm ô nhiễm tâm thức, đã được cứu xét ở Chương 2. Bây giờ là lúc chúng ta nên tìm xem các tâm sở nào, tốt và xấu, thường phát khởi nơi tâm thức.
Chúng ta đã thấy các tâm sở thiện đều có những hình thức đối nghịch, chẳng thiện, cùng phát sanh, như các trường hợp tín tâm giả hiệu, sự hổ thẹn giả bộ, sự tỉnh giác chẳng chơn chánh, v.v. Nhưng với các tâm sở bất thiện, chúng chẳng có thành phần đối nghịch như thế. Do vậy, chúng ta nên nhận định rõ các tâm trạng thiện và bất thiện đều có thể cùng khởi lên song song nhau, chồng chất lên nhau, hoặc tuy riêng rẻ khởi lên mà lại thường hay xảy ra trong tâm thức của chúng ta.
Giờ đây, chúng ta đã biết các tâm sở bất thiện, các tư tưởng xấu ác, các hành vi chẳng lành là nguyên nhơn làm cho ta trôi lăn mãi trong cảnh Luân hồi. Con người được phú sẵn trí huệ thông minh, tưởng nên phải biết, nếu để cho hành vi bất thiện chiếm đa số hơn hành vi bất thiện, thì chẳng thể nào chứng đắc được cảnh an lạc của Niết-bàn (Nibbana), cho dầu có siêng năng cầu nguyện cách mấy đi nữa. Tôi thành tâm khuyến tấn mọi người trong cộng đồng tu sĩ nên vì lòng tự trọng mà gắng sức trrở thành một người thật sự có tâm hồn cao thượng, hơn là làm kẻ ngụy thiện, giả nhơn giả nghiã.
Về phần tôi, tôi ườc mong sao có đủ khả năng để nuôi dưỡng một tâm hồn cao thượng, thanh khiết vào cácđời sắp tới, và sớm được thoát khỏi sự xảo ngôn (pariyaya),sự phú tàng (maya) và sự khoa trương (satheyya).
Nguyện cầu các vị cộng tác với tôi và các thân hữu của tôi vững tiến mãi trên con đường chánh đạo và trở nên các bực chơn hiền đức.
-ooOoo-