Chương 15: Những Tích Liên Quan Đến Mỗi Giới

Tích Người Phạm Điều-Giới Sát-Sinh

Trong thời kỳ Đức-Phật Gotama còn hiện hữu trên thế gian, một cận-sự-nam tên Mahākāla là bậc Thánh-Nhập-lưu, bị vu oan giá họa là kẻ trộm-cắp, với tang chứng rõ ràng, nên ông bị đánh chết. Câu chuyện được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang  ngự  tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy một người cận-sự-nam Mahākāla(1) là bậc Thánh Nhập-lưu có ngũ-giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. Ông thường thọ bát-giới uposathasīla vào những ngày giới hằng tháng.

Hôm ấy, nhằm vào ngày giới uposathasīla, ông cận-sự-nam Mahākāla đến ngôi chùa Jetavana xin thọ bát-giới uposathasīla xong, rồi ở lại  chùa nghe pháp, hành thiền suốt đêm, gần sáng ông mới trở về nhà.

Khi ra khỏi chùa Jetavana, ông đến hồ nước trước cổng chùa để rửa mặt. Trong đêm ấy, bọn trộm-cắp lén vào một nhà trong thành lấy trộm của cải, tài sản.

Người chủ nhà hay biết thức dậy, bọn trộm- cắp liền mang theo của cải chạy trốn thoát.

Người chủ nhà cho người đuổi theo bọn trộm- cắp khắp các ngõ đường. Một tên trộm trong bọn chạy dọc theo ven đường đến chùa Jetavana.

Biết đằng sau có người đang đuổi theo mình, tên trộm không thể mang theo gói của cải lấy trộm được, nên tên trộm liền ném gói của cải lấy trộm ấy xuống hồ nước, để nhẹ người chạy thoát thân cho mau.

Chẳng may gói của cải lấy trộm ấy lại rơi gần bên cạnh ông cận-sự-nam Mahākāla đang ngồi rửa mặt lúc rạng đông. Khi ấy, nhóm gia nhân của chủ nhà đến, nhìn thấy gói của cải lấy trộm nằm bên cạnh ông cận-sự-nam Mahākāla, nên chúng bắt ông cận-sự-nam Mahākāla, rồi bảo rằng:

–    Đêm qua, ngươi vào nhà lấy trộm của cải của chúng ta, có tang chứng rõ ràng.

Ông cận-sự-nam Mahākāla nói rằng:

–    Đêm qua tôi đã ở chùa giữ bát-giới upo- sathasīla, nghe pháp, hành thiền, sáng nay tôi mới rời khỏi chùa trở về nhà.

Nhóm gia nhân không tin lời cận-sự-nam Mahākāla nên chúng đã đánh đập ông đến chết, rồi chúng bỏ thây bên hồ nước.

Buổi sáng hôm ấy, một số tỳ-khưu trẻ và sa-di mang nồi đi lấy nước ở hồ, nhìn thấy tử thi của ông cận-sự-nam Mahākāla, rồi bảo nhau rằng:

“Ông cận-sự-nam Mahākāla giữ bát-giới upo- sathasīla, nghe pháp, hành thiền suốt đêm hôm qua tại chùa, nay ông bị đánh đập chết oan, thật không công bằng.”

Chư tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bạch về cái chết oan của ông cận-sự-nam Mahākāla.

Đức-Phật dạy rằng:

–     Này chư tỳ-khưu! Người cận-sự-nam Mahākāla bị chết như vậy là không công bằng ở kiếp hiện-tại này, nhưng lại công bằng theo ác- nghiệp sát-sinh mà tiền-kiếp của cận-sự-nam Mahākāla đã tạo.

Chư tỳ-khưu, sa-di lắng nghe Đức-Phật dạy như vậy, liền đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, kính thỉnh Ngài thuyết giảng về ác-nghiệp sát-sinh nào của người cận-sự-nam Mahākāla đã tạo trong kiếp quá-khứ.

Tiền-kiếp của người cận-sự-nam Mahākāla đã tạo ác-nghiệp sát-sinh như thế nào?

Trong thời-kỳ quá khứ, trong nước của Đức- vua Bārāṇasī, vùng biên giới có bọn cướp ẩn náu thường quấy nhiễu dân chúng qua lại, cướp của giết người; nên Đức-vua truyền phái một đội binh lính đến vùng biên giới, đặt trạm canh phòng làm phận sự dẫn đường đưa dân chúng đi lại từ vùng này đến vùng khác, để bảo vệ dân chúng được an toàn cả sinh-mạng lẫn của cải.

Một hôm, đôi vợ chồng trẻ, người vợ rất xinh đẹp đi trên một chiếc xe bò đến trạm canh phòng lúc về chiều.

Người trạm trưởng nhìn thấy người vợ trẻ xinh đẹp đem lòng thương yêu, và ganh tỵ với người chồng trẻ.

Hai vợ chồng trẻ yêu cầu người trạm trưởng cho lính dẫn đường sang vùng bên kia. Người trạm trưởng đang có mưu đồ đen tối xấu xa, nên đã từ chối một cách khéo léo rằng:

–   Này anh chị! Trời sắp tối rồi, đợi sáng mai tôi sẽ cho lính đưa anh chị đi sớm.

Hai vợ chồng trẻ khẩn khoản năn nỉ nhờ người trạm trưởng cho lính dẫn đường đi ngay lúc đó, bởi vì, thời gian còn đi lại được, hai vợ chồng trẻ cũng có công việc gấp, nên không muốn về nhà trễ.

Người trạm trưởng có mưu đồ đen tối xấu xa, nên vẫn tiếp tục khuyên hai vợ chồng trẻ rằng:

–   Này anh chị! Tối nay xin mời anh chị về nhà tôi nghỉ lại, sáng sớm tôi sẽ cho lính dẫn đường đưa anh chị đi.

Hai vợ chồng trẻ không còn cách nào khác, nên đành phải đến nhà người trạm trưởng, tạm ở lại qua đêm.

Người trạm trưởng mời hai vợ chồng trẻ nghỉ trọ trong nhà khách, tiếp đãi cơm nước rất đàng hoàng, tử tế.

Ban đêm, khi hai vợ chồng đang ngủ say, người trạm trưởng lén đem viên ngọc maṇi giấu vào chiếc xe của họ. Gần rạng đông, người trạm trưởng kêu la lên là có kẻ trộm lén vào nhà lấy viên ngọc maṇi quý giá, rồi cho người nhà đi lục soát tìm khắp mọi nơi.

Lúc ấy, hai vợ chồng trẻ thức dậy đang sửa soạn chiếc xe bò để đi sớm, người trạm trưởng bảo người nhà lục soát trong chiếc xe bò, nhìn thấy viên ngọc maṇi giấu trong chiếc xe. Chúng bảo với hai vợ chồng trẻ rằng:

–   Ngươi lấy trộm viên ngọc maṇi quý của chủ ta, rồi sáng sớm định sửa soạn chạy trốn thoát hay sao!

Chúng liền bắt người chồng trẻ đem đến trình chủ là người trạm trưởng rồi thưa rằng:

–   Thưa ông chủ! Chúng tôi bắt được người này lấy trộm viên ngọc maṇi của ông, đây là viên ngọc maṇi tang chứng rõ ràng.

Người trạm trưởng quở mắng người chồng  trẻ rằng:

–   Này ngươi! Ta đã cho vợ chồng ngươi đến nghỉ đêm nhà ta, cho ăn uống tử tế, thế mà ngươi không biết ơn, còn lén vào nhà lấy trộm viên ngọc maṇi quý giá của ta.

Ông chủ trạm sai bảo người nhà đánh đập người chồng trẻ đến chết, đem thây vào bỏ  trong rừng, rồi bắt người vợ trẻ xinh đẹp làm vợ của mình.

Sau khi người trạm trưởng chết, ác-nghiệp sát-sinh ấy cho quả tái-sinh vào đại-địa-ngục Avīci, bị thiêu đốt, bị hành hạ chết đi rồi tái-sinh trở lại trong địa-ngục, chịu bao nỗi khổ cực suốt thời gian trong cõi địa-ngục, do ác-nghiệp sát- sinh mà mình đã tạo, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Do nhờ dục-giới đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh trở lại làm người, kiếp nào cũng bị vu oan giá họa, rồi bị đánh đập đến chết suốt 100 kiếp.

Người trạm trưởng phạm điều-giới sát-sinh trong thời quá khứ ấy chính là tiền-kiếp của người cận-sự-nam Mahākāla này.

Tuy người cận-sự-nam Mahākāla đã trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, song quả của ác-nghiệp sát-sinh còn có năng lực dư sót, nên kiếp hiện- tại này ông bị vu oan giá họa, rồi bị đánh đến chết như vậy.

Cho nên, người cận-sự-nam Mahākāla bị đánh chết là công bằng theo ác-nghiệp sát-sinh của ông đã tạo trong kiếp quá-khứ (khi làm người trạm trưởng).

* Tích Người Phạm Điều-Giới Sát-Sinh Và Gây Oan Trái

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn đang ngự  tại  ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành  Sāvatthi,  khi ấy Đức-Thế-Tôn  thuyết giảng đề cập đến  nữ dạ-xoa Yakkhinī (1), được tóm lược như sau:

Một đôi vợ chồng không có con, người vợ đi tìm một người đàn bà về làm vợ nhỏ cho chồng, để sinh con nối dòng và giữ gìn của cải, tài sản gia đình.

Khi tìm được người vợ nhỏ cho chồng, người vợ lớn lại nghĩ rằng:

“Nếu người vợ nhỏ có con, thì tất cả của cải, tài sản đều thuộc về người vợ nhỏ”.

Nên bà vợ lớn bảo với bà vợ nhỏ rằng:

–   Này em! Khi nào em có thai, hãy báo cho chị biết.

Vâng lời bà vợ lớn, khi có thai, bà vợ nhỏ liền báo cho bà vợ lớn biết. Bà vợ lớn làm thuốc phá thai trộn lẫn vào thức ăn, đồ uống cho bà vợ nhỏ dùng, nên người vợ nhỏ đã bị hư thai lần thứ nhất.

Người vợ nhỏ có thai lần thứ nhì, cũng như lần trước người vợ nhỏ liền báo cho người vợ lớn biết, người vợ lớn làm thuốc phá thai làm cho người vợ nhỏ bị hư thai lần thứ nhì.

Người vợ nhỏ có thai lần thứ ba, bà nghĩ rằng:

“Ta đã bị hư thai hai lần là bởi do bà vợ lớn, lần này ta không báo cho bà vợ lớn biết”.

Cái thai trong bụng của bà vợ nhỏ càng ngày càng lớn dần, bà vợ lớn biết vậy, liền quở trách bà vợ nhỏ rằng:

–    Tại sao em có thai,mà không báo cho chị biết!

Bà vợ nhỏ thưa rằng:

–   Thưa chị! Hai lần trước em có thai, báo cho chị biết, chị cho uống thuốc làm cho em hư thai hai lần, cho nên, lần này em không dám báo cho chị biết.

Bà vợ lớn sẵn có mưu đồ đen tối xấu xa, nên bà tìm cơ hội lúc bà vợ nhỏ sơ hở, bà trộn thuốc vào thức ăn, đồ uống, bà vợ nhỏ không biết nên ăn uống vào, làm cho bào thai bị hư. Lần này bào thai không thể ra ngoài được, làm cho bà vợ nhỏ phải chết.

Trước khi chết, bà vợ nhỏ nguyện kết oan trái với bà vợ lớn rằng:

“Kiếp này, ngươi đã hại ta hai lần bị hư thai, lần thứ ba này, ngươi không chỉ làm cho ta bị hư thai, mà còn giết hại sinh-mạng của ta  nữa. Kiếp sau ta sẽ giết hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.

Bà vợ nhỏ chết với tâm oan trái trả thù, cho nên sau khi bà chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái- sinh làm con mèo cái trong gia đình ấy.

Gây Oan Trái Lẫn Nhau

Người chồng biết được người vợ lớn là thủ phạm đã hai lần làm người vợ nhỏ bị hư thai, lần này không chỉ làm hư thai, mà còn làm người vợ nhỏ chết, ông nổi giận đánh đập người vợ lớn đến chết.

Sau khi người vợ lớn chết, ác-nghiệp sát-sinh cho quả tái-sinh làm con gà mái cũng ở trong gia đình ấy.

Khi gà mái đẻ trứng ra, cả hai lần đều bị con mèo cái đến ăn trứng, đến lần thứ ba, sau khi ăn trứng xong, con mèo cái vồ con gà mái cắn cổ chết rồi ăn thịt gà luôn.

*   Con gà mái trước khi chết nguyện gây oan trái với con mèo cái rằng:

“Kiếp này, ngươi đã ăn trứng của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi không chỉ ăn trứng của ta mà còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau ta sẽ giết hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.

*   Con gà mái sau khi chết, ác-nghiệp oan trái trả thù cho quả tái-sinh làm con cọp cái. Còn con mèo cái sau khi chết, do ác-nghiệp sát-sinh cho quả tái-sinh làm con nai cái.

Khi con nai cái sinh con lần thứ nhất, con cọp cái tìm đến ăn thịt nai con, khi con nai cái sinh con lần thứ nhì, con cọp cái cũng tìm đến ăn thịt nai con.

Khi con nai cái sinh con lần thứ ba, lần này con cọp cái tìm đến không chỉ ăn thịt nai con, mà còn bắt nai mẹ giết chết ăn thịt nữa.

*   Con nai mẹ trước khi chết, nguyện kết oan trái với con cọp cái rằng:

“Kiếp này, ngươi đã ăn thịt con của ta hai lần, lần thứ ba này, ngươi không chỉ ăn thịt con ta mà còn giết ta ăn thịt nữa. Kiếp sau, ta sẽ giết hại con của ngươi và cả ngươi nữa”.

*   Con nai cái sau khi chết, dục-giới đại-thiện- nghiệp khác cho quả tái-sinh làm nữ dạ-xoa Yakkhinī ở phương Bắc thuộc cõi trời Tứ Đại- thiên-vương.

Còn con cọp cái sau khi chết, dục-giới đại- thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh làm con gái của một gia đình trong kinh-thành Sāvatthi.

Nàng trưởng thành khôn lớn có chồng, và sống ở bên gia đình chồng. Lúc nàng sinh đứa con thứ nhất, nữ dạ-xoa theo dõi biết rõ, rồi biến hóa thành người bạn thân đến thăm nàng.

Nhìn thấy con nàng, nữ dạ-xoa liền bắt đứa con của nàng để ăn thịt. Nàng sinh đứa con lần thứ nhì, nữ dạ-xoa theo dõi biết, liền xuất hiện đến bắt đứa con của nàng để ăn thịt như lần trước.

Khi nàng có thai lần thứ ba, gần đến ngày sinh, nàng bàn tính với chồng, xin về nhà cha  mẹ của nàng để sinh con, bởi vì nếu nàng sinh ở đây thì nữ dạ-xoa sẽ đến bắt con của nàng để ăn thịt như hai lần trước.

Người chồng đồng ý, hai vợ chồng cùng đưa nhau về bên nhà cha mẹ nàng để sinh con.

Khi nàng sinh đứa con và làm lễ đặt tên cho con xong, hai vợ chồng bồng đứa con trở về lại bên nhà chồng.

Trên đường đang đi trở về nhà, khi đi ngang qua ngôi chùa Jetavana, nhìn thấy nữ dạ-xoa đang đi tìm nàng để bắt đứa con của nàng, nên nàng hoảng sợ quá, liền bồng đứa con chạy vào chùa Jetavana trốn thoát.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đang thuyết pháp tế độ chúng-sinh, nàng bồng đứa con đến gần Đức- Thế-Tôn rồi đặt đứa con của nàng phía dưới đôi bàn chân của Đức-Thế-Tôn bạch rằng:

–   Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con xin kính dâng đứa con này đến Ngài, cầu xin Ngài rải tâm đại bi cứu mạng đứa con của con.

Lúc này, bên ngoài cửa ngôi chùa, chư-thiên giữ cửa cấm không cho nữ dạ-xoa đi vào trong ngôi chùa Jetavana.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy Ngài Trưởng-lão Ānanda cho gọi nữ dạ-xoa được phép vào hầu.

Nữ dạ-xoa đi vào hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn.

Nhìn thấy nữ dạ-xoa, nàng hoảng sợ vô cùng khóc la bạch rằng:

–   Kính bạch Đức Thế Tôn, nữ dạ-xoa.

Đức-Thế-Tôn khuyên dạy, trấn an nàng rằng:

–   Này con! Con đừng sợ, không có điều tai- hại nào xảy đến cho đứa con của con và con đâu!

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn khuyên dạy rằng:

–   Này các con! Nếu các con không đến gặp Như-Lai thì sự oan trái giữa các con sẽ tiếp diễn mãi mãi.

Tại sao các con gây oan trái lẫn nhau, rồi trả thù lại bằng sự oan trái?

Sự thật, sự oan trái được dập tắt bằng sự không oan trái, chứ không phải dập tắt bằng sự oan trái.

Đức-Phật thuyết Dhammapadagāthā rằng:

“Na hi verena verāni,

sammantīdha kudācanaṃ.

Averena ca sammanti,

esa dhammo sanantano”.

“Trong đời này những sự oan trái,

Chẳng bao giờ dập tắt được oan trái,

Bằng hành động oan trái đáp lại.

Sự oan trái chỉ được dập tắt,

Bằng sự không oan trái mà thôi.

Đó là pháp có từ ngàn xưa,

Của chư bậc thiện-trí cao thượng”.

Sau khi lắng nghe câu kệ xong, nữ dạ-xoa liền chứng đắc thành bậc Thánh Nhập-lưu, và các hàng đệ tử cũng được nhiều lợi ích, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả, Niết-bàn tùy theo trí-tuệ ba-la-mật của mỗi người.

Bắt đầu từ khi ấy, sự oan trái hoàn toàn bị dập tắt, tâm-từ và nhẫn-nại phát sinh giữa nữ dạ-xoa và nàng có đứa con, họ thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau thương yêu đứa con nhỏ.

Tóm lược thay đổi qua mỗi kiếp và gây oan trái

Người vợ lớn → Người vợ nhỏ

↓                                   

Sinh kiếp gà mái Sinh kiếp mèo cái

↓                                       

Sinh kiếp cọp cái Sinh kiếp nai cái

↓                                      

Sinh kiếp con gái Sinh kiếp nữ dạ-xoa.

Vấn: Sự khác nhau giữa oan trái và ác- nghiệp như thế nào?

Đáp: Người gây oan trái chắc chắn tạo ác- nghiệp. Người tạo ác-nghiệp, có khi có oan trái, có khi không có oan trái.

Oan trái có thể dập tắt bằng sự không oan trái, còn ác-nghiệp không thể dập tắt bằng đại- thiện-nghiệp, song đại-thiện-nghiệp có khả năng làm giảm bớt tiềm lực cho quả của ác-nghiệp.

Vấn: Hai người đàn bà gây oan trái với nhau, những đứa con của mỗi người có liên quan gì mà phải chịu khổ?

Đáp: Cái thai (của người vợ nhỏ), trứng gà (của gà mái), nai con (của nai cái), đứa con (của người đàn bà) không liên quan trực tiếp đến sự oan trái của người mẹ, mà chịu ảnh hưởng gián tiếp về quả của ác-nghiệp của mẹ mình.

Những người con còn nhỏ thường chịu ảnh hưởng quả của dục-giới đại-thiện-nghiệp, hoặc quả của ác-nghiệp của cha mẹ.

Nếu cha mẹ giàu có, thì đứa con sinh ra được sống sung túc, nếu cha mẹ nghèo khổ, thì đứa con sinh ra chịu cảnh thiếu thốn.

Ngược lại có trường hợp đặc biệt, cha mẹ chịu ảnh hưởng quả của dục-giới đại-thiện- nghiệp hoặc quả của ác-nghiệp của người con, từ khi mới đầu thai hoặc khi sinh ra đời rồi.

Ví như: * Trường hợp Ngài Trưởng-lão Sīvali, khi Ngài đầu thai vào lòng mẹ là bà Suppa- vāsa, hoàng-hậu của Đức-vua dòng Koliya, trong các kho của cải lúc nào cũng đầy đủ, sung túc, không bao giờ thấy bị hao hụt, giảm bớt chút nào.

Đó là quả báu của đại-thiện-nghiệp bố-thí ba-la-mật của thai nhi Sīvali làm ảnh hưởng tốt lành đến mẫu-hậu và phụ-vương của Ngài và những người thân trong hoàng tộc.

* Trường hợp Ngài Trưởng-lão Losakatissa, khi Ngài đầu thai vào một gia đình trong xóm dân chài có một ngàn gia đình, từ khi thai nhi Losakatissa đầu thai, không chỉ gia đình cha mẹ của Ngài phải chịu cảnh đói khổ thiếu thốn, mà còn ảnh hưởng đến một ngàn gia đình trong xóm dân chài ấy cũng phải chịu cảnh đói khổ thiếu thốn nữa.

Đó là quả của ác-nghiệp tiền-kiếp của thai nhi Losakatissa gây ảnh hưởng đói khổ đến gia đình cha mẹ của Ngài và những gia đình trong xóm dân chài. 

* Bậc Thánh A-Ra-Hán Không Tránh Khỏi Quả Của Ác-Nghiệp Sát-Sinh

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna, bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức- Phật Gotama thường xuất hiện lên các cõi trời hỏi về các tiền-kiếp của các thiên-nam, thiên-nữ đã làm những phước-thiện nào mà có quả báu rồi thuyết lại cho dân chúng nghe, nên tất cả những người ấy đã bỏ nhóm ngoại đạo đi theo cúng dường chư tỳ-khưu trong Phật-giáo.

Nhóm ngoại đạo mất dần dần lợi ích cúng dường nên tìm mưu kế giết Ngài Đại-Trưởng- lão Mahāmoggallāna.

Nhóm ngoại đạo hội họp bàn bạc với nhau rằng:

“Sở dĩ chúng ta mất nhiều lợi lộc cúng dường là vì Ngài Mahāmoggallāna xuất hiện lên cõi trời hỏi các chư-thiên, khi ở cõi người đã tạo đại-thiện-nghiệp nào, mà nay được hưởng mọi sự an-lạc như thế này; hoặc gặp các loài ngạ- quỷ hỏi kiếp trước đã tạo ác-nghiệp nào, mà nay phải chịu khổ như thế này, v.v…

Ngài Mahāmoggallāna tường thuật lại cho dân chúng nghe và họ tin theo Ngài, nên phần đông họ chỉ làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng đệ-tử của Đức-Phật mà thôi.

Vì vậy, chúng ta càng ngày càng mất nhiều lợi lộc cúng dường. Chúng ta nên tìm cách giết hại Ngài Mahāmoggallāna, rồi chúng ta sẽ có lại những lợi lộc cúng dường như trước đây”.

Nhóm ngoại đạo đều đồng tâm nhất trí, họ thuê mướn bọn cướp sát nhân với số tiền trên 1.00 đồng kahāpana (tiền Ấn-Độ thời xưa) để giết hại Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

Bọn cướp đồng ý với số tiền ấy, rồi làm theo sự yêu cầu của nhóm ngoại đạo.

Bọn cướp sát nhân kéo nhau đến vây hãm chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna tại làng Kāḷasila.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna vốn là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, đệ nhất xuất chúng về phép-thần- thông. Khi biết bọn cướp đến vây hãm, Ngài Đại-Trưởng-lão bay lên hư không, nên bọn chúng vào không thấy Ngài Đại-Trưởng-lão.

Những ngày kế tiếp, bọn chúng cũng đến vây hãm chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão, khi thì Ngài Đại-Trưởng-lão bay lên hư không, khi thì Ngài Đại-Trưởng-lão biến mất, nên bọn chúng không sao tìm gặp được Ngài Đại-Trưởng-lão, cứ như vậy kéo dài cả tháng mà bọn chúng vẫn không sao bắt được Ngài Đại-Trưởng-lão.

Đến cuối tháng, khi bọn chúng kéo đến vây hãm chỗ ở của Ngài Đại-Trưởng-lão, lần này suy xét thấy đến lúc hết tuổi thọ, đồng thời ác- nghiệp sát-sinh (đánh đập cha mẹ đến chết đem bỏ trong bụi cây mà tiền-kiếp của Ngài đã tạo trong thời quá-khứ xa xưa) cũng đến lúc cho quả ác-nghiệp ấy, nên Ngài Đại-Trưởng-lão không thoát ra khỏi chỗ ở.

Bọn cướp xông vào bắt Ngài Đại-Trưởng-lão, rồi đánh đập Ngài Đại-Trưởng-lão tan xương nát thịt, bọn cướp tưởng Ngài Đại-Trưởng-lão đã chết, nên đem bỏ thây ở bụi cây.

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna nghĩ rằng:

“Ta nên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép tịch diệt Niết-bàn”.

Nghĩ xong, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmog- gallāna vận dụng phép thần-thông gắn liền xương thịt lại rồi bay lên hư không đến hầu đảnh lễ Đức-Phật xong, bạch rằng:

–  Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kính xin Đức-Thế- Tôn cho phép con tịch diệt Niết-bàn ngay trong ngày hôm nay. Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn cho phép Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna tịch diệt Niết-bàn tại làng Kāla- sila xứ Magadha.

Như vậy, 1 tháng sau hạ thứ 45 của Đức-Phật, vào rằm tháng 10, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử tịch diệt Niết-bàn tại làng Nālākagāma xứ Magadha, và cuối tháng 10 (30 tháng 10) Ngài Đại-Trưởng- lãoMahāmoggallāna tịch diệt Niết-bàn tại làng Kāḷasila xứ Magadha.

Thế là hai vị Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ- tử của Đức-Phật đều đã tịch diệt Niết-bàn.

Sau khi Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmog- gallāna tịch diệt Niết-bàn, Đức-vua Ajātasattu đất nước Magadha truyền lệnh truy tìm kẻ chủ mưu giết hại Ngài Đại-Trưởng lão Mahāmog- gallāna.

Quân lính điều đình điều tra biết rõ bọn cướp sát nhân đã nhận tiền thuê mướn của nhóm  ngoại đạo, để giết hại Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

Đức-vua Ajātasattu truyền lệnh bắt bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo 500 người để xét xử, tất cả đều nhận tội. Đức-vua truyền lệnh đem tất cả bọn chúng chôn một nửa người xuống đất, phủ rơm lên trên thiêu sống, dùng cày sắt cày xới, làm cho bọn cướp sát nhân và nhóm ngoại đạo chết tan xương nát thịt cả thảy.

Đó là quả của ác-nghiệp sát-sinh, đánh đập bậc Thánh A-ra-hán đến chết (tịch diệt Niết-bàn).

Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đã tịch diệt Niết-bàn, chư tỳ-khưu bàn luận rằng:

“Thật là đáng động tâm biết dường nào! Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử đệ nhất phép thần- thông xuất chúng trong hàng thanh-văn đệ-tử, thế mà Ngài Đại-Trưởng-lão bị bọn cướp đánh đập đến gần chết, phải tịch diệt Niết-bàn như vậy. Thật là không công bằng chút nào”.

Khi ấy, Đức-Phật vừa ngự đến, bèn hỏi rằng:

Này các con! Các con đang hội họp bàn luận chuyện gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:

Kính bạch Đức-Thế-Tôn, chúng con đang bàn luận về Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmog- gallāna tịch diệt Niết-bàn như vậy.

Thật là không công bằng chút nào. Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

Này chư tỳ-khưu! Mahāmoggallāna tịch diệt Niết-bàn như vậy không công bằng trong kiếp hiện-tại này, song Mahāmoggallāna tịch diệt Niết-bàn lại công bằng xét theo ác-nghiệp sát- sinh mà tiền-kiếp của Mahāmoggallāna đã tạo trong quá khứ xa xưa.

Chư tỳ-khưu đảnh lễ kính thỉnh Đức-Thế-Tôn thuyết giảng về ác-nghiệp sát-sinh trong tiền- kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy được tóm lược:

Trong thời quá khứ xa xưa, xứ Bārāṇasī, có một người con trai có lòng hiếu thảo đối với cha mẹ mù lòa, có lòng biết ơn và đền đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình.

Hằng ngày, người con trai lo cơm nước, giặt giũ quần áo, tắm rửa, phụng dưỡng cha mẹ. Sau khi xong công việc trong nhà mới đi làm việc ngoài như vào rừng, ra ruộng,… để kiếm tiền bạc của cải đem về nuôi dưỡng cha mẹ già một cách rất chu đáo, với tấm lòng hiếu thảo và tôn kính cha mẹ.

Một hôm, cha mẹ nói với người con chí hiếu yêu quý của mình rằng:

– Này con yêu quý! Một mình con chịu làm lụng vất vả ngoài đồng, về nhà còn phải lo bao nhiêu công việc trong nhà. Cha mẹ muốn tìm cho con một người vợ, để giúp đỡ con lo công việc trong nhà, nghe con.

Người con trai một mực từ chối, xin với cha mẹ rằng:

– Thưa cha mẹ, con không muốn lấy vợ, con chỉ muốn một mình con lo phụng dưỡng cha mẹ mà thôi.

Mỗi ngày, cha mẹ khẩn khoản năn nỉ, người con trai đành phải chiều theo ý của cha mẹ, chịu cưới vợ để làm cho cha mẹ hài lòng.

Người vợ giúp đỡ chồng lo công việc trong nhà, lo phục vụ cha mẹ chồng mới chỉ được 2 – 3 ngày mà thôi, rồi những ngày tiếp theo nàng tỏ vẻ bực dọc cảnh cha mẹ chồng mù lòa, không muốn sống chung với cha mẹ chồng nữa.

Người vợ than vãn với chồng rằng:

– Này anh yêu quý! Em không muốn sống chung với cha mẹ mù lòa của anh nữa.

Nàng đặt điều nói xấu cha mẹ chồng. Ban đầu người chồng không tin theo lời người vợ.

Một hôm, khi người chồng đi ra ngoài làm công việc, người vợ ở nhà bày đồ đạc, đổ vỡ rải rác trong nhà. Người chồng đi làm về hỏi người vợ rằng:

– Này em yêu quý! Tại sao đồ đạc đổ vỡ rải rác như thế này?

Người vợ nói với người chồng là do hai ông bà mù lòa làm đồ đạc đổ vỡ rải rác, nàng phải dọn dẹp mệt nhừ cả người, mà vẫn không làm hết việc, nàng không thể nào chịu nổi.

Bây giờ nàng không muốn sống chung với hai ông bà già mù lòa ấy nữa.

Mỗi ngày, từ đồng ruộng trở về, người chồng nghe vợ than vãn, không sao chịu nổi. Người con trai liền lập mưu kế nói lừa dối cha mẹ, muốn đưa cha mẹ đi thăm người bà con bên làng ấy, người con thưa rằng:

– Thưa cha mẹ, người bà con bên làng ấy muốn mời cha mẹ đến thăm viếng, để con đánh xe đưa cha mẹ đi.

Nghe người con trai chí hiếu nói vậy, cha mẹ tin con nói thật, nên đồng ý đi thăm. Người con sửa soạn chiếc xe bò rồi bồng cha mẹ đặt ngồi lên xe và đánh chiếc xe bò chở cha mẹ đến một khu rừng rậm, tại đây người con thưa với cha mẹ rằng:

– Thưa cha mẹ, nơi đây thường có bọn cướp sát nhân, xin cha mẹ ngồi trên xe, để con xuống xe đi quan sát xong, con sẽ trở lại.

Người con bước xuống xe bò, rồi một lát sau giả làm bọn cướp sát nhân hung ác la hét chạy đến đánh đập cha mẹ mù lòa.

Tuy cha mẹ thân già yếu mù lòa bị đánh đập đau đớn, nhưng vẫn luôn nghĩ thương đứa con thân yêu, nên hai ông bà la lớn bảo rằng:

– Này con yêu quý! Con hãy chạy thoát thân, cha mẹ già yếu mù lòa có chết cũng cam phận.

Mặc dù cha mẹ gào thét như vậy, nhưng người con vẫn giả giọng kẻ cướp sát nhân đánh đập cha mẹ già cho đến chết, và đem thây cha mẹ ném trong rừng, rồi đánh xe trở về nhà.

Đức-Phật thuyết giảng về tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna giả làm bọn cướp sát nhân đánh đập cha mẹ già yếu mù loà đến chết, bỏ thây trong rừng trong thời quá-khứ ấy.

Người con ấy đã tạo  ác-nghiệp  trọng  tội giết cha mẹ thuộc về ác-nghiệp vô-gián trọng- tội (ānantariyakamma), nên sau khi chết, ác- nghiệp vô-gián trọng-tội ấy chắc chắn cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, không có nghiệp nào có thể ngăn được, chịu quả khổ cùng cực của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài trong các cõi địa-ngục, cho đến khi mãn quả ác-nghiệp ấy, mới được thoát ra khỏi cõi địa-ngục.

Đó là tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đã từng đánh đập cha mẹ cho đến chết, tạo ác-nghiệp vô-gián trọng-tội trong thời quá-khứ xa xưa.

*  Kiếp hiện-tại, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahā- moggallāna là bậc Thánh A-ra-hán Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama, đó  là do phát nguyện và quả của đại-thiện-nghiệp đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật của Ngài Đại- Trưởng-lão.

Và Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna bị bọn cướp sát nhân đánh đập tan xương nát thịt dẫn đến tịch diệt Niết-bàn, đó là quả của ác- nghiệp vô-gián trọng-tội đánh đập cha mẹ đến chết trong thời quá-khứ xa xưa còn dư sót.

Vì vậy, Đức-Phật dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Mahāmoggallāna bị đánh đập dẫn đến tịch diệt Niết-bàn ấy là công bằng theo ác-nghiệp vô-gián trọng-tội đánh đập cha mẹ cho đến chết mà tiền-kiếp của Mahā- moggallāna đã tạo trong quá-khứ xa xưa.

* Còn nhóm ngoại đạo và bọn cướp sát nhân có tác-ý trong ác-tâm đánh đập Ngài Đại-Trưởng- lão Mahāmoggallāna, bậc Thánh A-ra-hán đến chết, tất cả đều phạm ác-nghiệp vô-gián trọng- tội giết hại bậc Thánh A-ra-hán, nên tất cả chúng nó đều bị Đức-vua truyền lệnh đem hành hình.

Sau khi tất cả bọn chúng chết, ác-nghiệp vô- gián trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp  trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy lâu dài suốt nhiều đại-kiếp trái đất.

Sự Chết Của Chúng-Sinh

Tất cả mọi chúng-sinh trong 3 giới 4 loài đều phải chết. Sự chết có 4 trường hợp:

1-   Chết vì hết tuổi thọ.

2-   Chết vì mãn nghiệp hỗ trợ.

3-   Chết vì hết tuổi thọ và mãn nghiệp-hỗ-trợ.

4-   Chết vì tai nạn (chưa hết tuổi thọ cũng chưa mãn nghiệp-hỗ-trợ).

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app