Chương 15: Những Tích Liên Quan Đến Mỗi Giới

Người Có Phước-Thiện Tránh Được Tai Nạn

Không đề cập đến 3 trường hợp chết trên, mà chỉ đề cập đến trường hợp thứ tư: chết vì tai nạn (chưa hết tuổi thọ cũng chưa mãn nghiệp-hỗ-trợ).

Người có phước-thiện hộ trì tự nhiên thoát khỏi mọi tai nạn một cách mầu nhiệm, ngoài khả năng của người ấy, cho nên, dù người khác có tác-ý trong ác-tâm cố gắng tìm mọi cách giết  hại người ấy cũng không thể giết chết được.

Ví dụ như trường hợp phú hộ Ghosaka:

Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Ghositārāma trong nước Kosambī, Ngài thuyết giảng tích Sāmāvatīvatthu(1), trong tích này có phần đề cập đến cuộc đời ông phú hộ Ghosaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, vùng Allakappa xảy ra nạn đói khát và bệnh dịch làm nhiều người chết.

Người chồng tên Kotuhalika dẫn người vợ tên Kāḷī bồng đứa con nhỏ đi đến nước Kosambī để lánh nạn. Hai vợ chồng đi đường đồ ăn uống đã cạn hết, bệnh đói khát làm rã rời tay chân, bồng đứa con cũng không nổi nữa, người chồng bàn với vợ rằng:

–   Này em! Vợ chồng chúng ta còn sống, hy vọng sẽ có con nữa, bỏ đứa con này, chúng ta đi thôi.

Người mẹ thương yêu con không đành bỏ con khi nó đang còn sống. Hai vợ chồng đồng ý thay phiên nhau bồng đứa con, mỗi người một đoạn đường. Sự đói khát lại càng làm bủn rủn tay chân, người chồng lại bàn tính với vợ bỏ đứa con, người vợ vẫn một mực năn nỉ chồng đừng bỏ đứa con.

Đứa con nhỏ được trao từ tay chồng sang tay vợ, rồi trao từ tay vợ sang tay chồng làm cho đứa trẻ như ngất xỉu trên tay người cha. Người cha biết đứa con mệt ngủ thiếp đi, nên đặt nó nằm trên đống lá cây khô, ở dưới bóng mát gốc cây, rồi bỏ đi theo vợ ở phía trước.

Người vợ nhìn lại không thấy đứa con bèn hỏi:

–   Này anh! Con của chúng ta đâu rồi?

Người chồng trả lời:

–   Này em! Anh để con nằm dưới bóng mát ở gốc cây kia rồi.

Người vợ khóc lóc, van xin chồng bồng đứa con lại cho mình, người chồng trở lại bồng đứa con, thì đứa con đã chết.

Hai vợ chồng tiếp tục đi đến một vùng, gặp một gia đình nuôi bò.

Hôm ấy, gia đình nuôi bò làm lễ cầu an cho bò. Hằng ngày, ông chủ thỉnh Đức-Phật Độc- Giác đến độ vật thực, đặc biệt hôm ấy là ngày lễ cầu an, nên người nuôi bò nấu cơm sữa bò nhiều.

Người chủ nhà nhìn thấy hai vợ chồng đói khát từ nơi xa đến, nên tiếp đãi rất tử tế và cho hai phần cơm sữa bò. Người vợ nói với chồng:

–   Này anh! Anh còn sống thì em sống được an-lạc, đã 7 ngày qua, anh chịu đói khát nhiều, anh nên dùng thêm một phần cơm sữa bò của em cho đủ no.

Người vợ nhường một phần cơm của mình thêm cho chồng ăn đủ no, còn người vợ  chỉ dùng một ít cơm với bơ còn lại mà thôi.

Người chồng chịu đói khát suốt 7 ngày qua, nay gặp món cơm sữa bơ ngon miệng nên ăn no.

Nhìn thấy người chủ nhà cho con chó cái nằm dưới ghế ăn cơm sữa bơ, người ấy ngồi nghĩ rằng:

“Con chó này có quả phước tốt thật, được ăn những đồ ăn ngon lành đến thế!”

Đêm hôm ấy, người chồng ăn vật thực no, không tiêu hóa được, nên bị chết. Khi sắp chết, nhớ tưởng đến con chó, nên sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh vào bụng con chó cái của chủ nhà.

Người vợ lo làm lễ hỏa táng cho chồng xong, xin ở lại làm công trong nhà người chủ nuôi bò ấy.

Người góa phụ làm công được một ít gạo, nấu cơm để bát cúng-dường Đức-Phật Độc-Giác, rồi bạch rằng:

–   Kính bạch Ngài, cầu xin phước-thiện này được thành tựu đến người chồng của con vừa qua đời.

Người góa phụ suy nghĩ rằng:

“Ta nên ở lại làm công nơi này, hằng ngày Đức-Phật Độc-Giác ngự đến đây khất thực, dù có ít thì ta cúng dường ít đến Ngài, dù không có thì ta có cơ hội đảnh lễ Ngài, phát sinh đức-tin trong sạch nơi Ngài, ta vẫn có được phước-thiện”.

Mấy tháng sau, con chó mẹ sinh ra một con chó đực khôn ngoan dễ thương. Người chủ nuôi con chó con bằng sữa bò, nên chó con mau lớn khôn.

Mỗi khi Đức-Phật Độc-Giác độ vật thực xong, phần còn thừa, Đức-Phật cho con chó ăn phần vật thực ấy.

Cho nên, con chó rất kính yêu Đức-Phật Độc- Giác. Mỗi ngày nó đi theo người chủ đến hầu Đức-Phật Độc-Giác. Trên đường đi đến nơi rừng cây rậm rạp, e sợ có thú dữ rình mồi, người chủ lên tiếng ‘sù! sù’ 3 lần, nếu có thú dữ thì chúng lánh đi nơi khác.

Một hôm, người chủ bạch với Đức-Phật Độc- Giác rằng:

–   Kính bạch Ngài, ngày nào con không có cơ hội đến kính thỉnh Ngài được, con sẽ cho con chó này đến kính thỉnh Ngài đến nhà con.

Từ đó trở về sau, khi nào người chủ nhà không có cơ hội đến hầu Đức-Phật Độc-Giác được, thì người chủ sai bảo con chó rằng:

–   Này con! Con hãy đến kính thỉnh Đức-Phật Độc-Giác nhé con!

Nghe xong, con chó liền vẫy đuôi chạy thẳng đến cốc của Đức-Phật Độc-Giác. Trên đường đi, đến nơi rừng cây rậm rạp, chó phát tiếng sủa 3 tiếng, để cho thú dữ lánh đi nơi khác. Con chó chạy đến cốc lá của Đức-Phật Độc-Giác, nhẹ nhàng đến trước cửa nằm mọp xuống ngẩng đầu sủa 3 tiếng, để báo tin cho Đức-Phật Độc-Giác biết, rồi nằm im lặng chờ Đức-Phật Độc-Giác đi ra.

Con chó đi đằng trước dẫn đường, Đức-Phật Độc-Giác đi theo đường về nhà, nó  rất kính  yêu Đức-Phật Độc Giác.

Về sau, bộ y của Đức-Phật Độc-Giác cũ quá, người chủ kính dâng cúng dường vải may y đến Đức-Phật Độc-Giác. Công việc may y làm một người rất khó, nên Đức-Phật Độc-Giác nói với người chủ rằng:

–   Này thí chủ! Công việc may y làm một mình không thuận tiện, cho nên Như-Lai phải tìm bạn đồng phạm hạnh cùng giúp may y.

Người chủ bạch rằng:

–   Kính bạch Ngài, kính thỉnh Ngài đi may y xong, con kính thỉnh Ngài trở lại.

Con chó đứng nghe Đức-Phật Độc-Giác và người chủ nói chuyện với nhau. Tại nơi ấy, Đức- Phật Độc-Giác dùng phép thần thông bay lên hư không hướng về núi Gandhamādana. Con chó đứng nhìn theo Đức-Phật Độc-Giác bay lên hư không, và sủa theo với tất cả tấm lòng kính yêu Đức-Phật Độc-Giác, cho đến khi không còn nhìn thấy bóng dáng Đức-Phật Độc-Giác nữa, con chó chết ngay tại nơi ấy.

Con chó chết với đại-thiện-tâm kính yêu vô hạn nơi Đức-Phật Độc-Giác, nên sau khi con chó chết, đại-thiện-nghiệp cung kính ấy cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập- tam-thiên trong lâu đài nguy nga tráng lệ, có

1.000 (một ngàn) thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.

Khi thiên-nam này nói nhỏ bên tai vị chư- thiên nào, thì tiếng nói ấy vang xa đến 16 do- tuần (1 do-tuần khoảng 20 km), nếu thiên-nam này nói bình thường, tiếng nói vang rộng xa đến 10.000 (mười ngàn) do-tuần.

Cho nên, vị thiên-nam này tên là “Ghosaka- devaputta (Thiên-nam có giọng nói vang)”. Đó là quả của phước-thiện kiếp chó sủa với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Đức-Phật Độc- Giác. Vị thiên-nam Ghosaka hưởng mọi sự an- lạc trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Vị thiên-nam Ghosaka say mê trong đối- tượng ngũ-dục, quên dùng vật thực, thể xác không thể duy trì được, nên chết từ cõi trời Tam- thập-tam-thiên, dục-giới đại-thiện-nghiệp của kiếp trước cho quả tái-sinh đầu thai vào lòng một kỹ nữ xinh đẹp ở kinh-thành Kosambī.

Cuộc Đời Ghosaka Có Phước Thoát Chết 7 Lần

1- Trẻ Sơ Sinh Ghosaka Bị Bỏ Trong Đống Rác

Ngày Ghosaka sinh ra đời, người kỹ nữ hỏi người tớ gái rằng:

–   Này con! Bé trai hay bé gái?

Người tớ gái thưa rằng:

–   Thưa Bà, bé trai ạ.

Người kỹ-nữ bảo người tớ gái đem đứa bé trai ấy bỏ nơi đống rác, vì kỹ-nữ chỉ nuôi con gái, không nuôi con trai, bởi vì con trai không kế nghiệp nghề kỹ-nữ được.

Đứa bé trai sơ sinh bị bỏ nơi đống rác, các bầy quạ, diều, chó vây quanh đứa bé, mà không con nào dám vào ăn thịt.

Đó là quả của đại-thiện-nghiệp kiếp chó sủa với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Đức-Phật Độc-Giác.

Khi ấy, một người thấy các bầy quạ, diều, chó vây quanh đống rác, liền đi lại xem có gì lạ thường, thì thấy một đứa bé trai, người ấy vui mừng hớn hở bồng đứa bé như đứa con của mình, sung sướng kêu lên rằng:

“Ta được đứa con trai!”, rồi người ấy bồng đứa bé về nhà nuôi nấng tử tế.

2-   Bé Ghosaka Bỏ Trước Cổng Chuồng Bò

Khi ấy, phú hộ kinh-thành Kosambī đi đến chầu Đức-vua, giữa đường gặp vị quân sư nhà vua chuyên môn xem sao trên hư không mà đoán số. Ông phú hộ hỏi vị quan rằng:

–   Thưa vị quân sư, hôm nay có điều lành dữ thế nào?

Vị quân sư thưa:

–   Hôm nay, Đức-vua và triều đình, hoàng gia cho đến thần dân thiên hạ đều bình an và có một điều lành.

“Đặc biệt, đứa bé nào sinh ra đời ngày hôm nay, về sau, nó sẽ trở thành một phú hộ nước Kosambī này”.

Nghe nói như vậy, ông phú hộ có phu-nhân đang mang thai, già ngày già tháng rồi, nên ông phú hộ sai bảo gia nhân trở về nhà xem phu- nhân của mình đã sinh hay chưa, rồi trở lại báo tin cho ông biết.

Gia nhân báo tin cho ông phú hộ biết rằng bà phú hộ chưa sinh.

Ông phú hộ đến chầu Đức-vua xong, vội vàng trở về nhà, gọi người tớ gái thân tín tên Kāḷi và trao cho 1.000 đồng (một ngàn đồng) kahāpana (tiền Ấn-Độ thời xưa), để bà đi tìm kiếm trong kinh-thành có đứa bé nào sinh trong ngày, thì bà trao cho họ số tiền 1.000 đồng kahāpana ấy, rồi bồng đứa bé về.

Bà Kāḷi đi hỏi thăm tìm hỏi khắp nơi, lần lượt đến nhà một người, nhìn thấy có đứa bé bèn hỏi người nhà ngày sinh của đứa bé ấy. Người nhà bảo đứa bé vừa mới sinh trong ngày.

Bà Kāḷi trao cho người chủ nhà 1.000 đồng kahāpana, rồi bồng đứa bé về cho ông phú hộ.

Ông phú hộ nghĩ rằng:

“Nếu phu-nhân của ta sinh con gái, ta sẽ cho con gái của ta làm vợ nó, rồi cho nó tước vị phú hộ, nếu phu-nhân ta sinh con trai, thì ta sẽ giết nó chết”.

Ông phú hộ bảo người nuôi nấng săn sóc đứa bé ở trong nhà. Vài ngày sau, phu-nhân của phú hộ sinh con trai, nên ông phú hộ tính kế giết đứa bé này, để con mình lớn lên được tước phú hộ.

Ông phú hộ gọi bà Kāḷi đến sai bảo rằng:

–   Này Kāḷi! Sáng sớm mai, bà hãy bồng đứa bé Ghosaka này bỏ trước cổng chuồng bò, để khi bò ra sẽ đạp đứa bé này chết. Bà đứng xem đứa bé chết hay sống thế nào rồi về trình cho ta biết.

Bà Kāḷi làm theo lời của phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ trước cửa cổng chuồng bò. Người chăn bò mở cổng, thường ngày con bò đầu đàn đi ra sau chót, nhưng hôm ấy nó đi ra trước, bốn chân đứng như bốn trụ cột, đứa bé nằm ở giữa, đàn bò hằng trăm con lấn hai bên sườn con bò đầu đàn đi ra. Người chăn bò thấy điều lạ thường, nghĩ rằng:

“Con bò đầu đàn này hằng ngày đi ra sau cùng, hôm nay ra trước đứng yên một chỗ, có chuyện gì lạ vậy”.

Đến xem thấy đứa bé đang nằm giữa bốn chân con bò đầu đàn, người chăn bò vui mừng sung sướng bồng đứa bé, kêu lên rằng:

“Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.

Bà Kāḷi trở về trình cho ông phú hộ biết tất cả sự việc đã xảy ra. Ông phú hộ liền trao cho bà 1.00 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn bò và bồng đứa bé trở về.

3-   Bé Ghosaka Bị Bỏ Trên Đường

Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:

–   Này Kāḷi! Sáng sớm ngày mai sẽ có đoàn xe bò 500 chiếc chở hàng hóa đi bán. Bà bồng đứa bé Ghosaka này đặt nằm ngang trên đường, để cho bò đạp chết, hoặc xe cán nó chết. Bà đứng đó theo dõi nó sống chết thế nào rồi về trình cho ta biết.

Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka đặt nằm ngang trên đường. Khi ấy, người trưởng đoàn xe đi trước, khi đi đến gần chỗ đứa bé nằm, con bò đứng sững lại, không chịu bước tới trước, dù người trưởng đoàn la bảo thế nào hai con bò vẫn không chịu bước, chỉ đứng sừng sững tại một chỗ. Chờ đến gần sáng, người trưởng đoàn nghĩ rằng:

“Tại sao hai con bò này lại đứng sừng sững như vậy?”.

Người trưởng đoàn bước xuống xe nhìn thấy đứa bé nằm ngang trên đường, người trưởng đoàn vui mừng sung sướng kêu lên rằng:

“Ta được đứa con trai!” rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.

Bà Kāḷi về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú hộ nghe. Ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người trưởng đoàn xe, rồi bồng đứa bé trở về.

4-   Bé Ghosaka Bị Bỏ Nơi Nghĩa Địa

Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:

–   Này Kāḷi! Bà bồng đứa bé Ghosaka này bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, để cho chó rừng, quạ, diều ăn thịt, hoặc các hàng phi nhân giết hại nó chết. Bà xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết.

Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka bỏ nơi nghĩa địa, cho nằm giữa bụi cây, bà đứng ở một nơi theo dõi xem xét. Bầy quạ, diều, chó rừng, phi nhân v.v… không con nào dám đến gần đứa bé, vì đại-thiện-nghiệp của đứa bé trong tiền-kiếp hộ mạng nó.

Khi ấy, người chăn dê thả đàn dê vào nghĩa địa ăn lá cây, một con dê mẹ đi ăn vào giữa bụi cây, nhìn thấy đứa bé, dê mẹ quỳ gối xuống để cho đứa bé bú sữa.

Người chăn dê la bảo dê mẹ không chịu ra, nên đi vào bụi cây đuổi dê mẹ thì nhìn thấy dê mẹ đang quỳ gối cho đứa bé bú sữa. Người chăn dê sung sướng vui mừng kêu lên rằng:

“Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.

Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc đã xảy ra cho ông phú hộ nghe, ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người chăn dê, rồi bồng đứa bé về.

5-   Bé Ghosaka Bị Ném Xuống Hố Sâu

Khi ấy, ông phú hộ gọi bà tớ gái Kāḷi rồi sai bảo rằng:

Này Kāḷi! Bà bồng đứa bé Ghosaka này lên đỉnh núi nơi ném bọn cướp, rồi ném đứa trẻ xuống hố sâu để thân hình nó đụng vào đá tan xương nát thịt rơi xuống đất.

Bà theo dõi xem xét nó sống chết thế nào, về trình cho ta biết.

Bà Kāḷi làm theo lời của ông phú hộ, bồng đứa bé Ghosaka lên đỉnh núi rồi ném đứa bé xuống hố sâu. Đứa bé rơi xuống nằm trên bụi tre có dây tơ hồng chằng chịt như nằm trên tấm thảm làm bằng lông thú êm ấm.

Hôm ấy, người thợ đan tre và đứa con lên núi đốn tre, khi đốn cây tre xong, lôi cây tre ra, làm cho bụi cây rung chuyển, đứa trẻ khóc lên tiếng.

Người thợ đi vòng quanh, nhìn lên ngọn bụi tre, thấy đứa bé nằm trên ấy, người thợ sung sướng kêu lên rằng:

“Ta được đứa con trai!”, rồi bồng đứa bé về nhà nuôi dưỡng tử tế.

Bà Kāḷi trở về trình lại sự việc xảy ra cho ông phú hộ nghe, ông phú hộ lại trao cho bà 1.000 đồng kahāpana, bảo bà đưa cho người thợ đan tre, rồi bồng đứa bé về.

6-  Nghĩ Hại Người, Lại Tự Làm Khổ Mình

Ông phú hộ nghĩ mưu kế nào cũng không giết hại được đứa bé Ghosaka, đành nuôi nấng chờ tìm mưu kế khác. Đứa bé Ghosaka càng ngày càng khôn lớn trưởng thành, ngây thơ và tưởng mình là con của ông phú hộ, không hề hay biết ông phú hộ tìm mưu kế giết hại mình.

Khi ấy, phú hộ nghĩ ra mưu kế giết hại cậu Ghosaka, ông phú hộ đến chỗ làm đồ gốm, gặp người thợ đồ gốm quen thân, hỏi rằng:

–   Này người thợ! Khi nào sẽ đốt lò.

Người thợ trả lời:

–   Thưa ông phú hộ, ngày mai, tôi sẽ đốt lò.

Ông phú hộ bảo rằng:

–   Này người thợ! Ngươi hãy nhận số tiền 1.00 đồng kahāpana này, rồi giúp tôi một việc.

Người thợ hỏi:

–   Thưa ông phú hộ, tôi giúp ông việc gì?

Ông phú hộ bảo rằng:

–   Này người thợ! Tôi có một đứa con ngỗ nghịch, vong ơn, tôi sẽ sai nó đến chỗ anh, anh dẫn nó vào trong phòng chặt nó làm nhiều đoạn, bỏ vào trong hũ, rồi đem đốt trong lò. Tôi xin thưởng cho anh trước 1.000 đồng  kahāpana, khi nào anh làm xong, tôi sẽ hậu tạ xứng đáng cho anh.

Người thợ đồ gốm nhận lời.

Sáng ngày hôm sau, ông phú hộ gọi Ghosaka đến rồi bảo rằng:

–   Này Ghosaka! hôm qua, cha có gặp người thợ đồ gốm nhờ làm một việc, con hãy đến nơi ấy, gặp người thợ đồ gốm nói rằng:

“Cha tôi bảo tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong”.

Cậu Ghosaka vâng lời cha ra đi, vừa ra khỏi nhà, gặp đứa em trai (con ruột của ông phú hộ) đang chơi bắn bi có tính cách ăn thua với nhóm trẻ con.

Thấy anh Ghosaka đến, người em vui mừng nói rằng:

–   Này anh Ghosaka! Em chơi bị thua bọn trẻ này rất nhiều viên bi, bây giờ nhờ anh chơi hộ, bắn thắng lại số bi ấy cho em.

Cậu Ghosaka bảo với em rằng:

–   Này em thân thương! Anh phải đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung, ở đây chơi trò bắn bi sẽ bị cha rầy la, anh sợ cha lắm.

Biết cậu Ghosaka có tài chơi trò bắn bi rất giỏi, lúc nào cũng thắng bọn trẻ, nên người em năn nỉ rằng:

–   Này anh Ghosaka! Xin anh đừng sợ, để em đem tin của cha đến chỗ lò gốm đất nung thay anh, còn anh ở đây chơi trò bắn bi với nhóm trẻ, thắng lại số bi cho em, rồi anh chờ em trở lại.

Cậu Ghosaka nói với em rằng:

–   Này em thân thương! Nếu như vậy, em đến chỗ lò gốm, gặp người thợ đồ gốm nói rằng:

“Cha tôi sai bảo tôi đến hỏi ông, công việc cha tôi nhờ ông làm hôm qua, hãy làm cho xong”.

Người em là người con ruột của ông phú hộ đến gặp người thợ đồ gốm nói như vậy. Khi ấy, người thợ đồ gốm liền giết đứa con của ông phú hộ theo lời yêu cầu của ông, chặt đứa con từng đoạn bỏ vào hũ đặt vào lò nung thiêu cháy.

Cậu Ghosaka chơi trò bắn bi thắng nhóm trẻ, lấy lại số bi của người em đã thua, rồi ngồi chờ người em trở lại, mãi đến chiều không thấy em trở lại, nên trở về nhà. Ông phú hộ nhìn thấy Ghosaka liền hỏi:

–   Này Ghosaka! Sao con không đi đến gặp người thợ đồ gốm?

Cậu Ghosaka thưa với cha (ông phú hộ) rằng:

–   Kính thưa cha, khi con đi ra, gặp em trai chơi trò bắn bi bị thua bọn trẻ, nên nó nhờ con chơi để gỡ lại, còn nó thay con đi đến nhà bác thợ nung lò gốm.

Khi nghe như vậy, ông phú hộ liền kêu la rằng:

–   Xin đừng có giết con tôi!

Ông phú hộ đầu óc choáng váng, bước đi khệnh khạng, đến chỗ người thợ đồ gốm, hai tay ôm đầu kêu la:

–   Này anh thợ ! Xin đừng làm cho tôi thiệt hại.

Người thợ đồ gốm thấy ông phú hộ đến kêu la như vậy, bèn thưa với ông phú hộ rằng:

–   Thưa ông phú hộ, ông đừng lớn tiếng kêu la như vậy, công việc ông yêu cầu tôi đã hoàn thành xong rồi.

Ông phú hộ khổ tâm sầu não tột cùng, như bị quả núi lớn đè lên ngực của ông.

Người này mưu hại người kia, mà người kia không có tâm làm hại trở lại, hoặc người này mưu làm khổ người kia, mà người kia không có tâm làm khổ trở lại, thì người mưu làm hại này sẽ phải chịu 10 điều khổ não, như Đức-Phật đã dạy:

–   Chịu khổ tâm cùng cực.

–   Bị thiệt hại lớn.

–   Bị đau đầu, đứt mạch máu (vì sự nóng nảy).

–   Bị bệnh trầm trọng.

–   Bị phóng tâm, loạn trí, điên cuồng.

–   Bị tai-hại do từ Đức-vua.

–   Bị chê trách dữ dội.

–   Bà con, bè bạn bị tai nạn.

–   Của cải, sự nghiệp bị thiệt hại.

–   Sau khi chết sa vào địa-ngục.

7-   Mưu Kế Giết Hại Ghosaka Lần Cuối Cùng

Mặc dù vậy, vẫn chưa từ bỏ ý định giết hại cậu Ghosaka, ông phú hộ nghĩ ra được mưu kế:

“Ta sẽ sai Ghosaka đi đến nhà bác thâu thuế 100 gia đình của ta, nhờ bác thâu thuế giết nó”.

Nghĩ xong, ông phú hộ liền viết một lá thư gửi cho bác thâu thuế ấy rằng:

“Người cầm thư này là đứa con ngỗ nghịch vong ơn của tôi, nhờ bác giết chết nó, rồi ném xuống hầm. Khi giết chết nó xong rồi, tôi sẽ trọng thưởng cho bác”.

Ông phú hộ gọi cậu Ghosaka rồi bảo rằng:

–   Này Ghosaka! Con mang thư này đi đến trao cho bác thâu thuế của nhà ta ở vùng ấy.

Ông phú hộ bảo cậu Ghosaka cất giữ cẩn thận lá thư trong chéo áo. Cậu Ghosaka không biết đọc chữ, vì từ nhỏ đến lớn cậu không được đi học chữ, cho nên cậu Ghosaka đem lá thư giết mình, nhưng vẫn không biết. Cậu thưa với người cha rằng:

–   Thưa cha, trên đường đi con sẽ ở trọ nơi nào?

Ông phú hộ bảo rằng:

–   Này Ghosaka! Con đừng lo, trên đường đi đến vùng bên ấy, đến tỉnh thành có một gia đình phú hộ là bạn thân của cha, con đến nhà ông phú hộ ăn và nghỉ lại đêm nơi ấy, rồi sáng mai đi tiếp.

Cậu Ghosaka đảnh lễ cha rồi từ giã ra đi, đến tỉnh ấy hỏi thăm nhà ông phú hộ, gặp phu-nhân của phú hộ ở nhà, cậu tự giới thiệu tên là Ghosaka, con trai của phú hộ Kosambī.

Được biết như vậy, bà phú hộ vô cùng hoan hỷ, bởi vì phú hộ xứ Kosambī với gia đình bà vốn là bạn thân thiết với nhau. Phu-nhân phú hộ nhìn thấy Ghosaka đem lòng thương yêu như con của mình.

* Gia-đình phú hộ tỉnh này có một đứa con gái được 16 tuổi rất xinh đẹp đáng yêu. Cô ở trong một căn phòng sang trọng đặc biệt trên tầng lầu thứ 7, với một người tớ gái lo phục vụ cho cô. Khi ấy, cô sai bảo đứa tớ gái đi chợ.

Nhìn thấy đứa tớ gái, phu-nhân phú hộ gọi lại hỏi rằng:

–   Này con! Con đi đâu?

Người tớ gái thưa rằng:

–   Thưa bà, tiểu thư sai con đi chợ mua sắm đồ.

Phu-nhân phú hộ bảo người tớ gái rằng:

–   Này con! Con hãy lo nước tắm, nước rửa chân, sắp đặt chỗ nghỉ cho cậu Ghosaka, con của phú hộ, rồi con đi chợ sau.

Người tớ gái làm công việc mà bà phú  hộ sai bảo xong mới đi chợ nên về trễ, bị tiểu thư quở trách.

Người tớ gái thưa chuyện với tiểu thư rằng:

–   Thưa tiểu thư, sở dĩ em về trễ là vì em phải lo chỗ ở cho công tử Ghosaka là con của phú hộ Kosambī xong, em mới đi chợ, xin tiểu thư đừng trách em.

Nghe đến tên công tử Ghosaka là con trai phú hộ Kosambī, con gái phú hộ cảm thấy con tim rung động, lòng yêu thương dạt dào trong lòng, khiến nàng không thể ngồi yên trên tầng lầu.

Thật ra, tiền-kiếp của cô con gái phú hộ này tên là Kāḷī có người chồng yêu quý tên là Kotuhalika, và tiền-kiếp của cậu Ghosaka tên là Kotuhalika có người vợ yêu quý tên Kāḷī.

Như vậy, cô con gái phú hộ với cậu Ghosaka đã từng là vợ chồng thương yêu với nhau trong tiền-kiếp, cho nên, tình nghĩa vợ chồng yêu thương với nhau trong kiếp trước đã phát sinh trở lại với cô, khiến cho cô muốn gặp lại người chồng yêu thương trong kiếp trước.

* Tình Thương Yêu Phát Sinh Do Hai Nhân

Đức-Phật dạy rằng:

Tình yêu phát sinh do hai nguyên nhân:

Tình yêu vợ chồng đã từng sống chung trong kiếp trước.

Tình nghĩa giúp đỡ lẫn nhau trong kiếp hiện-tại.

Cô gái phú hộ hỏi người tớ gái rằng:

Này em! Bây giờ công tử Ghosaka đang ở đâu vậy em?

Người tớ gái thưa rằng:

Thưa tiểu thư, công tử Ghosaka đang nghỉ ở trong phòng khách.

Cô gái phú hộ hỏi rằng:

Này em! Công tử Ghosaka có mang gì theo không?

Người tớ gái thưa rằng:

Thưa tiểu thư, công tử Ghosaka có mang theo lá thư được cất giữ trong chéo áo.

Cô gái phú hộ nôn nao muốn biết nội dung của lá thư. Cô từ tầng lầu thứ 7 vội vàng đi xuống. Trong nhà không ai hay biết, nàng lén vào phòng ngủ của công tử Ghosaka, thấy công tử Ghosaka đang nằm ngủ say, tình yêu thương vô hạn phát sinh, nàng muốn biết lá thư nói gì, nên lấy lá thư trở về phòng đọc, nàng giật mình nghĩ rằng:

“Người gì mà khờ khạo đến thế! Mang thư giết mình mà không hay biết, nếu ta không đọc thư này, thì chắc anh ta chết mất thôi!”.

Nàng bỏ lá thư ấy, viết lại lá thư khác, dựa theo lời của ông phú hộ, đổi ý nghĩa lại rằng:

“Thưa bác, con của tôi tên Ghosaka, mang thư này đến bác, nhờ bác thâu thuế 100 nhà, rồi làm một nhà lầu 2 tầng, có hàng rào xung quanh chắc chắn, có người canh gác cửa ngày đêm. Nhờ bác thay mặt tôi đứng ra làm lễ thành hôn con trai của tôi Ghosaka với con gái phú hộ trong tỉnh thành ấy. Khi công việc xong rồi, tôi sẽ trọng thưởng cho bác”.

Viết xong nàng gấp lại, xuống lầu đến phòng ngủ của công tử Ghosaka, nàng cất giữ lá thư vào trong chéo áo của cậu ta như trước.

Cậu Ghosaka nghỉ một đêm, sáng dậy ăn uống no đủ, từ giã ông bà phú hộ đi đến nhà bác thâu thuế. Bác thâu thuế nhìn thấy cậu Ghosaka hỏi:

– Này công tử! Công tử đến có công việc gì?

Cậu Ghosaka thưa rằng:

– Thưa bác! Thân phụ của con gửi lá thư cho bác đây.

Cậu Ghosaka trao lá thư cho bác thâu thuế xem, đọc xong thư bác thâu thuế vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng:

“Ông phú hộ đã giao cho ta công việc quan trọng, rất vinh dự lớn lao”.

Ông thông báo với 100 gia đình đóng thuế biết rằng:

– Thưa quý bà con! Công tử Ghosaka của ông phú hộ mang lá thư đến cho tôi, trao một phận sự quan trọng rất vinh dự là thay mặt ông phú hộ đứng ra lo công việc làm lễ thành hôn công tử lớn của phú hộ với cô tiểu thư của gia đình phú hộ trong tỉnh thành này.

Chúng ta hãy mang vật liệu, v.v… để xây cất một căn nhà lầu 2 tầng thật xinh đẹp xong, rồi chúng ta sẽ tổ chức làm lễ thành hôn cho công tử của ông phú hộ với tiểu thư của ông phú hộ trong tỉnh thành này.

Tất cả mọi người vô cùng hoan hỷ chung lo xây cất nhà, rồi làm lễ thành hôn công tử Ghosaka của phú hộ Kosambī với cô tiểu thư của phú hộ trong tỉnh thành này xong, cho người báo tin cho ông phú hộ Kosambī biết rằng:

“- Kính thưa ông phú hộ, công việc mà ông phú hộ giao cho tôi, bây giờ tôi đã làm xong”.

Ông phú hộ Kosambī nghe người đem tin thuật lại mọi sự việc ngoài ý muốn của mình, ông than vãn rằng:

“Ta muốn làm điều nào, thì điều ấy không thành tựu, ta không muốn làm điều nào, thì điều ấy lại thành tựu”.

Ông phú hộ Kosambī phát sinh khổ tâm buồn phiền lâm bệnh nặng, một phần vì thương tiếc đứa con ruột, một phần uất ức đứa con nuôi, đã bao nhiêu lần giết nó mà vẫn không giết được, cho nên căn bệnh của phú hộ càng ngày càng trầm trọng, không có thuốc men nào điều trị cho khỏi được.

Phần tiểu-thư của ông phú hộ sau khi làm lễ thành hôn với công tử Ghosaka rồi, nàng bảo nhóm gia nhân rằng:

– Nếu có người nhà ông phú hộ xứ Kosambī đến mang tin tức gì, các người hãy cho ta biết trước, không được cho cậu Ghosaka biết trước.

Ông phú hộ Kosambī tuy đã lâm bệnh nặng, nhưng ông nghĩ rằng:

“Ta sẽ không cho đứa con nuôi xấu số này thừa hưởng của cải sự nghiệp của ta”.

Ông phú hộ Kosambī sai người đem thư đến gọi đứa con nuôi Ghosaka về gặp ông hai lần mà phu nhân của Ghosaka vẫn giấu kín, không cho phu quân Ghosaka biết, mãi cho đến lần thứ ba, người nhà phú hộ Kosambī đem tin đến, bảo công tử Ghosaka trở về nhà cho ông phú hộ gặp mặt gấp.

Lần này phu nhân của công tử Ghosaka hỏi thăm tình trạng và biết ông phú hộ lâm bệnh nặng trầm trọng, không thể sống lâu được nữa, nàng mới báo tin cho phu quân biết rằng:

– Cha của anh bị bệnh nặng trầm trọng, hai vợ chồng chúng ta nên sắp đặt trở về thăm cha.

Nàng muốn kéo dài thời gian, nên nàng tính đem xe chở của cải hàng hóa thâu thuế 100 nhà về nhà chồng.

Khi cậu Ghosaka về đến nhà, thì ông phú hộ đã quá yếu rồi, người nhà báo tin cho ông phú hộ biết cậu Ghosaka về đến.

Theo sự sắp đặt của của phu nhân, công tử Ghosaka đứng phía dưới chân của người cha, vợ của công tử Ghosaka đứng ở phía trên đầu.

Ông phú hộ gọi người thủ kho báo cáo tất cả của cải vàng bạc trong kho của ông và của cải bên ngoài. Người thủ kho báo cáo: “Của cải có 400 triệu (bốn trăm triệu), còn ruộng đất, đàn gia súc: trâu, bò, ngựa, xe cộ, v.v… có chừng  ấy, chừng ấy,…”.

Ông phú hộ Kosambī nghĩ trong tâm không muốn cho cậu Ghosaka số của cải, tài sản ấy, nhưng miệng lại nói cho, ngược lại với điều ông đã nghĩ, bởi vì, do phước-thiện của cậu Ghosaka khiến ông phú hộ Kosambī nói trái với điều ông suy nghĩ.

Sau đó, ông phú hộ Kosambī qua đời (chết), tất cả của cải, tài sản sự nghiệp của ông phú hộ Kosambī đều thuộc về của cậu Ghosaka.

* Cuộc Đời Ghosaka Trở Thành Phú Hộ

Sau khi ông phú hộ Kosambī chết, các quan tâu lên Đức-vua Udena nước Kosambī.

Đức-vua truyền hỏi:

–  Ông phú hộ Kosambī có đứa con nào không?

Các quan tâu:

–  Muôn tâu Bệ hạ, ông phú hộ xứ Kosambī có một công tử tên là Ghosaka.

Đức-vua truyền lệnh gọi công tử Ghosaka vào chầu, rồi phong tước Ghosaka thừa kế tước vị phú hộ của người cha để lại.

Từ đó, cậu Ghosaka trở thành phú hộ nước Kosambī.

Một hôm, phu nhân phú hộ nhìn phu quân Ghosaka mỉm cười. Phú hộ Ghosaka hỏi phu- nhân cười việc gì?

–  Thưa phu quân Ghosaka! Nay phu quân trở thành phú hộ nước Kosambī như thế này là nhờ em giúp một phần.

Nàng kể lại việc công tử Ghosaka đem lá thư đến bác thâu thuế, nhờ bác ấy giết công tử, chính nàng đã bỏ lá thư ấy, rồi viết lại lá thư khác, nhờ bác thâu thuế đứng ra làm lễ thành hôn công tử Ghosaka với tiểu thư của ông phú hộ trong tỉnh thành ấy.

Phú hộ Ghosaka không tin lời của phu nhân, bởi vì phú hộ Ghosaka tin rằng:

“Ta là người con trai thừa kế của cải tài sản và tước vị của người cha để lại.”

Phú hộ Ghosaka không hề hay biết gì về thân phận của mình, và những sự việc mà ông phú hộ cha nuôi đã đối xử với mình.

Vì vậy, phú hộ Ghosaka không tin lời của phu-nhân.

Biết phú hộ Ghosaka vẫn chưa tin đó là sự thật, nên nàng cho người gọi bà tớ gái Kāḷi đến hỏi để biết sự thật.

Bà tớ gái Kāḷi thân tín kể sự thật thuật lại đầy đủ cuộc đời của cậu Ghosaka từ khi còn là đứa trẻ sơ sinh, ông phú hộ đã tốn nhiều tiền, với tác-ý trong ác-tâm muốn giết Ghosaka 6 lần trước, nhưng không thể nào giết chết cậu Ghosaka được.

Đến lần thứ 7, như lời phu nhân đã nói đó là điều hoàn toàn đúng theo sự thật.

Như vậy, công tử Ghosaka thoát chết 7 lần, nay trở thành phú hộ Ghosaka nước Kosambī này.

Phú hộ Ghosaka nghe qua tiểu sử cuộc đời của mình như vậy, nên suy nghĩ rằng:

“Ta đã tạo ác-nghiệp gì nặng mà ta bị tai nạn như thế, và ta đã tạo đại-thiện-nghiệp gì, mà ta được thoát khỏi chết như vậy. Từ nay về sau, ta không nên dể duôi, cố gắng tạo mọi phước-thiện”.

Từ đó, phú hộ Ghosaka mỗi ngày đem của cải ra làm phước-thiện bố-thí cho mọi người nghèo khổ đói khát, người đi đường, v.v…

Về sau, khi nghe tin Đức-Phật, Đức-Pháp, Đức-Tăng đã xuất hiện trên thế gian, phú hộ Ghosaka với hai người bạn cũng là phú hộ tên Kukkuṭa và Pāvārika cùng nhau đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật tại kinh-thành Sāvatthī, nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, cả ba phú hộ đều trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

Cả 3 phú hộ thỉnh Đức-Phật ngự đến xứ Kosambī cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, rồi mỗi ông phú hộ cho người xây cất mỗi ngôi chùa dâng cúng dường đến chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì.

Ông Phú hộ Ghosaka cho người xây cất ngôi chùa đặt tên là Ghosakārāma.

Ông Phú hộ Kukkuṭa cho người xây cất ngôi chùa đặt tên là Kukkuṭārāma.

Ông Phú hộ Pāvārika cho người xây cất ngôi chùa đặt tên là Pāvārikārāma.

Ba ông phú hộ nước Kosambī có đức-tin trong sạch vững chắc nơi Tam-bảo: Đức-Phật- bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, và phụng sự, hộ trì Tam-bảo cho đến trọn đời.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app