PHÁP LÀM CHO GIỚI TRONG SẠCH

1.      Tội báo trong sự phá giới (sīlavipatyādīnavakathā)

Nói tóm lại, pháp làm cho giới được trong sạch chỉ do 2 điều là: thấy tội trong sự phá giới; thấy phước trong sự trì giới.

Đây xin giải về sự phá giới trước. Trong phẩm Anguttaranikāya pañcakanipāta, Đức Phật có giảng 5 điều như vầy: 1) người phá giới, người không có giới hằng bị tiêu hủy của cải mau lẹ, vì là nguyên nhân sự dể duôi; 2) danh xấu của người phá giới, người không có giới hằng bị đồn xa đến các hướng; 3) người không có giới, khi vào chỗ đô hội, không được tươi tỉnh, hằng ái ngại hổ thẹn, gục mày; 4)người không có giới, hằng mê loạn tinh thần trong khi hấp hối; 5) người không có giới, khi ta rã ngũ uẩn hằng thọ sanh trong cảnh khổ .

Lại nữa, kẻ phá giới không được vừa lòng Chư thiên và không đáng cho bậc phạm hạnh dạy bảo, phải chịu điều khổ não hoặc lo ngại vì bị người đời chê trách. Kẻ phá giới hằng hối hận vì được nghe người đời ngợi khen bậc có giới, thường có màu da xấu xa dường như vải làm bằng vỏ cây và phải chịu sự khổ lâu dài trong đường dữ.

Người không có giới, nếu thọ lãnh vật dụng thì làm cho kẻ tín thí ít phước, là người khó trau dồi cho mình trở nên trong sạch được, ví như hầm phẩn chất chứa đã lâu năm, là người tiêu hoại, đã xa lìa các đức tánh của hàng Sa-môn và tài sản của cư sĩ, ví như đống tro tàn thiêu tử thi còn sót lại. Dầu có xưng mình là tỳ khưu cũng vẫn không-phải là tỳ khưu, ví như các con lừa theo dính bầy bò, hằng ngày làm cho bò giựt mình luôn. Kẻ ấy bị cho là cừu thù với tất cả loài người, không đáng cho người khác chung chạ, dường như tử thi, dầu có văn đức[17] (suta) cũng không đáng cho hàng phạm hạnh dâng cúng, dường như lửa trong rừng mộ địa không đáng cho bậc Bà-la-môn chiêm bái, là người abhabba trong sự giác ngộ các đức cao thượng, dường như ngưòi mù không thể xem thấy sắc, là người không còn trông cậy nơi Phật pháp, dường như trẻ con thấp hèn[18] không còn mong mỏi thọ hưởng ngôi vua, dầu tưởng rằng: ta có sự vui cũng chẳng khác chi được khổ.

Có kệ ngôn rằng: Abhivādanasādiyane kiṃ nāma sukhaṃ vipannasīlassa dalhavālarajjughaṃsanadukkha dhikadukkha bhāgissa. Nghĩa là: Vui trong ngũ dục mang quả khổ, bứt rứt nóng nảy nhiều hơn điều khổ phát sanh do sự ôm đống lửa. Khi người phá giới không chịu bỏ tánh xấu ấy ra, thì sự vui chánh thức không sao phát sanh được.

Saddhānaṃ añjalīkammasādane kiṃ sukhaṃ asīlassa sattippahāradukkhādhimattadukkhassayaṃ hetu. Nghĩa là: Tư cách nhận lãnh lễ bái của người có đức tin, là nguyên nhân chịu sự khổ rất lớn hơn sự khổ phát sanh do cách bị sát hại bằng gươm đao, sự vui không thể nào có đến cho kẻ phá giới, vì nguyên nhân chịu sự lễ bái của những người có đức tin ấy được.

Civaraparībhogasukhaṃ kiṃ nāma asaññatassa yena ciraṃ anubhāvitabbā niraye jalita ayopattasasamphassā. Nghĩa là: Người không thu thúc phải chịu khổ lâu ngày, vì bị lửa của các miếng sắt cháy hỏa hào trong địa ngục thiêu đốt. Sự vui trong cách thọ dụng các thứ y ca-sa như thế không sao có đến người không thu thúc ấy được.

Madhuropi piṇḍapāto halāhalavisupamo asīlassa ādittā gīlitabbā ayoyulā yena ciraṃrattaṃ. Nghĩa là: Hột cơm mà người không có giới dùng rồi, dầu là ngon miệng đến đâu, cũng ví như chất thuốc độc mạnh, vì kẻ dùng cơm ấy sẽ bị ăn những cục sắt mà lửa địa ngục đốt cháy đỏ lâu ngày.

Sukhasammatopidukkho asīlino māncapīthaparibhogo yaṃ bādhissanti ciraṃ jalita ayomāncapīthāni dukkhāni. Nghĩa là: cách dùng giường và chõng của người không có giới, dầu là nói được vui, cũng phải chịu khổ, vì người ấy sẽ bị giường và chõng mà lửa địa ngục đốt cháy đỏ, làm hại lâu ngày, bởi sự dùng giường và chõng ấy.

Dussīlassa vihāre saddhādeyyamhi kānivāsaratī jalitesu nivasitabbaṃ yena ayokumbhīmajjhesu. Nghĩa là: sự vui thích do cách nương ngụ trong tịnh thất của người bố thí bằng đức tin, không sao có đến người phá giới được, vì người ấy bị vào ở trong giữa chảo sắt mà lửa địa ngục đã đốt cháy hảo hào.

Sabbabhayehiamutto mutto sabbehi adhikamasukhehi supitahitasaggadāro apāyamaggaṃ samārulho. Nghĩa là: kẻ phá giới không sao tránh khỏi sự kinh sợ đâu. Sự vui trong các cõi đã dứt hẳn rồi, cửa vào cõi trời cũng đã đóng chặt rồi, kẻ ấy chỉ còn có đi trên con đường cảnh khổ thôi.

2.      Giải về phương pháp làm cho giới trở nên trong sạch (Suddhi kathā)

Nơi cuối cùng đây, xin giải về 4 Suddhi:

Bốn thanh tịnh giới như đã giải, nếu gọi theo suddhi là sự phải làm cho trở nên trong sạch, mỗi khi đã phá giới ấy, có 4 tên khác nhau như: 1) desanā suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “sám hối”, là nói về “biệt biệt giải thoát thu thúc giới” (pātimokkhasamvarasīla); 2) samvara suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “thu thúc” là nói về “lục căn thu thúc giới” (indriyasamvarasīla); 3) pariyetthi suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “tìm kiếm”, là nói về “nuôi mạng thanh tịnh giới” (ājīvarisuddhisīla); 4) paccavekkhana suddhi: giới trong sạch vì phẩm cách “quán tưởng”, là nói về “thọ vật dụng giới” (paccayasannissitasīla).

Biệt biệt giải thoát thu thúc giới được trong sạch do phẩm cách sám hối là khi đã phạm rồi, cần phải sám hối giữa tăng, hoặc 1, 2, 3 vị tỳ khưu mới có thể trở nên trong sạch được. Lục căn thu thúc giới được trong sạch do phẩm cách thu thúc, là khi phạm rồi cần phải nguyện rằng “Ta không nên làm như thế nữa”, rồi dè dặt thu thúc thêm, mới có thể trở nên trong sạch được. Nuôi mạng thanh tịnh giới được trong sạch do phẩm cách tìm kiếm, là khi phạm rồi phải dứt bỏ anesana, là nguyên nhân phá giới, rồi tìm vật dụng phát sanh đúng theo điều luật mà dùng, mới có thể trở nên trong sạch được. Thọ vật dụng giới được trong sạch do phẩm cách quán tưởng, là muốn cho giới ấy trở nên trong sạch thì cần phải quán tưởng theo cách thức quán tưởng như đã có giải.

Cho nên hành giả có 1 trong 4 giới nào không được trong sạch nên trau dồi theo cách đã giải trên, chẳng nên điềm nhiên giữ lấy vật “ô nhiễm” ấy để trong mình. Những điều đã giải trên đây, chỉ là phương pháp để sửa mình cho hành giả phá giới xu hướng theo. Hành giả là người thành tâm thương giới, cần phải gìn giữ giới cho trong sạch luôn luôn, chẳng nên vì lẽ gì mà phá giới. Phải hành cho đúng theo kệ ngôn, đã có ghi chép rằng: Dhanaṃ caje aṅgavarssa hetu aṅgaṃ caje jīvitaṃ rakkha māno aṅgaṃ dhanaṃ jīvitancāpi sabbaṃ caje naro dhamma manussaranto. Nghĩa là: Chỉ phải dứt bỏ tài sản và tứ chi thân thiết là: nếu thương yêu tứ chi, thì cần phải bỏ của cải ra đổi, khi muốn gìn giữ sanh mạng thì phải bỏ tứ chi ra đổi, khi nhớ thấy chánh pháp thì phải bỏ cả tứ chi, của cải và luôn cả sanh mạng đem ra đổi”.

3.      Giải về vật ô nhiễm của giới (sīlassasaṅkilesakathā)

Điều ô nhiễm của giới là: trạng thái giới đứt, trạng thái giới lủng, trạng thái giới vá, trạng thái giới rổ.[19] Cả 4 trạng thái ấy gọi là ô nhiễm của giới, nhất là trạng thái giới đứt, là nói về trạng thái làm cho đứt giới vì 5 nguyên nhân và 7 điều methunasamyoga.[20]

Trạng thái làm cho đứt giới vì 5 nguyên nhân ấy là: Trong 7 phần tội nếu tỳ khưu đứt điều học thứ nhất hoặc điều học cuối cùng vì theo lợi, tham danh gọi là “giới đứt” như y ca-sa đứt bìa. Nếu đã đứt điều học giữa, gọi là “giới lủng” như y ca-sa lủng khoảng giữa. Nếu đứt 2 hoặc 5 điều học liên tiếp nhau gọi là “giới vá” như bò đen hoặc vàng có màu sắc khác nhau nơi lưng, nơi bụng. Nếu đứt điều học từ khoảng gọi là “giới rổ” như bò có nhiều đúm trắng hồng, đen, nhiều chỗ. Trạng thái giới đứt có 5 nguyên nhân vì theo lợi, tham danh như thế.

Phá giới do 7 điều methunasamyoga là: 1) thầy Bà-la-môn đã tự nguyện rằng hành đạo phạm hạnh rồi lại ưa thích trong sự vuốt ve, rờ rẫm vật dụng của phụ nữ rồi ưa thích theo; 2) không làm đến thế, chỉ vui cười giỡn hớt với phụ nữ rồi ưa thích theo; 3) không làm đến thế, chỉ liếc mắt trừng mày với phụ nữ rồi ưa thích theo; 4) không làm đến thế, chỉ nghe tiếng cười, lời nói hoặc tiếng hát của phụ nữ rồi ráng lóng nghe và ưa thích theo; 5) không làm đến thế, chỉ nhớ đến cách cười, tiếng nói, hoặc thói quen đã tiếp xúc với phụ nữ từ trước rồi ưa thích theo; 6) không làm đến thế, chỉ thấy thí chủ hoặc con cháu thí chủ rồi say mê theo ngũ trần và ưa thích giùm hoặc muốn cho được như họ; 7) không làm đến thế, chỉ muốn cho được thành hạng Chư thiên, rồi tu phạm hạnh, cố ý rằng “ta sẽ làm được vị trời như vầy, do sự trì giới này”, rồi ưa thích làm theo. Cả 7 điều ấy gọi là methunasamyoga, xấp xỉ với sự hành dâm. Nếu hạng Bà-la-môn hành theo thể thức ấy, thì giới hoặc pháp phạm hạnh của Bà-la-môn đó bị gọi là: đứt, lủng, vá, rổ như đã giải.

4.      Giải về điều trong sạch của giới (sīlassavo dānakathā)

Điều trong sạch của giới là: trạng thái của giới không đứt, trạng thái của giới không lủng, trạng thái của giới không vá, trạng thái của giới không rổ. Ấy là 4 điều trong sạch của giới.

Những hành giả giữ giới không dứt, lủng, vá, rổ được thì cần phải dè dặt không dám phạm 1 điều học nào, hoặc nếu đã phạm 1 giới nào phải mau hối hả tu bổ lại cho trong sạch và phải ráng ngăn ngừa không cho 7 điều là methunasamyoga và 14 ác pháp làm hại đến tâm tánh. Phải nên trau dồi 9 đức tính, mới có thể làm cho giới trong sạch được.

Mười bốn ác pháp: Đó là: 1) kodho: giận, 2) upanāho: cố giận, 3) makkho: quên ơn người, 4)palāso: tự cao đem mình so sánh với bậc có tài đức, 5) issā: ganh gỗ, 6) macchariyaṃ: bón rít, giấu không cho ai thấy của mình, 7) mayā: giấu lỗi mình, 8) sātheyyaṃ: khoe tài đức mà mình không có, 9) thambho: cương ngạnh, cứng đầu, 10) sārambho: tranh đua, dành phần hơn, 11) māno: tự kiêu, 12) atimāno: khinh người, 13) mado: say mê, 14) pamādo: cẩu thả, dể duôi, buông lung theo ngũ trần (sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, đụng chạm nơi êm ái).

Chín đức tánh: 1) appicchatā: không ham muốn hoặc ham muốn ít; 2) santuthitā: vui thích bình đẳng đối với vật đã được, hoặc với vật dụng của mình; 3) sallekkhatā: tu hành cho giảm lần phiền não; 4) pavivekatā: ưa thích nơi thanh vắng; 5) apacayatā: không cho phiền não đông đặc hoặc thu thập phát sanh lên được; 6) viriyārambhatā: tiến hành không cho ác pháp phát sanh; 7) subharatā: làm người dễ nuôi; 8) appakiccatā: làm người ít bận việc; 9) sallahukavuttitā: người nhẹ nhàng như loài chim chỉ có cặp cánh và đuôi bay đi đến nơi nào cũng được dễ dàng.

5.      Phước báu của sự trì giới

Những người vâng giữ các điều học trong sạch được thọ hưởng 5 quả phước là: 1) người có giới hằng được nhiều tài sản vì không có sự dể duôi lười biếng; 2) danh dự của người có giới hằng bay khắp hướng; 3) người có giới hằng đi đến nơi nào đô hội hằng được tươi tỉnh, không hổ thẹn gục mày; 4)người có giới hằng không tán loạn trong khi hấp hối; 5) người có giới sau khi mạng chung hằng được thọ sanh trong nhàn cảnh.

Chẳng phải có thế thôi, người có giới hằng là nơi yêu mến sùng bái vừa lòng của bậc phạm hạnh. Chỉ đến khi chứng quả Niết-bàn thì mới diệt tận những lậu phiền não, y theo kệ ngôn sau này:

1) Nagaṅgā yamunā vāpi sarabhūvā sarassati ninnagā mahī vāpi mahā nadī sakkunanti visodhetuṃ taṃ malaṃ idha pāṇinaṃ visodhayati sattānaṃ yaṃ vesīlajalaṃ malaṃ ‒ Nước của các sông lớn là sông Gangā, Yamunā, Sarabhū, Sarassati, Āciravatī, Mahi[21] cũng không có thể rửa sạch điều nhơ nhớp của tất cả chúng sanh trong thế gian, chỉ có nước tức là giới này mới mong rửa sạch điều nhơ nhớp của tất cả chúng sanh được.

2) Na taṃ sajaladā vātā na cāpi haricandanaṃ nevahārā na manayo na candakiranakkurā samayantīdha sattānaṃ parilāhaṃ surakkhitaṃ yaṃ sametīdaṃ ariyaṃ sīlaṃ accantasītalaṃ ‒ Các ngọn gió có nước, hoặc có mùi thịt đỏ, hoặc các thứ ngọc xích châu mã não, hay là ánh sáng mặt trăng cũng không sao dứt trừ sự bực tức nóng nảy của tất cả chúng sanh trong thế gian này được. Chỉ có giới thanh cao mà người đã vâng giữ chơn chánh rồi là phước đức rất mát mẻ, mới có thể dứt trừ được.

3) Sobhantevanna rāyāno muttāmanvibhūsitā yathā sobhanti yatino sīlabhūsanabhūsitā ‒ Các bậc đế vương trang điểm bằng ngọc xích châu và mã não thường cho là được tốt đẹp rồi, nhưng cũng không bằng hành giả đã trau dồi bằng vật trang sức, tức là sự trì giới đâu.

4) Attānuvādādibhayaṃ viddhaṃsayati sabbaso janeti kittiṃ hāsañca sīlaṃ sīlavataṃ sadà ‒ Giới của các bậc thiện trí thức hằng diệt trừ được những điều kinh sợ, nhất là sự bực bội, không còn thương xót và thường làm cho danh dự và điều ưa thích đước phát sanh.

5) Appakàpi katākarà sīlavan te mahapphālahontiti sīlavā hoti pūjāsakkārabhājanaṃ ‒ Lễ vật mà thí chủ đã cúng dường đến người có giới, dầu là chút ít cũng được nhiều phước báu, vì người có giới đáng gọi là đồ đựng lễ vật cúng dường.

6) Sīlavantaṃ na bādhenti āsavā diṭṭhadhammikā samparāyikadelakkhānaṃ mūlaṃ khaṇati sīlavā ‒ Các pháp phiền não có tánh các giết hại và buộc trói người trong kiếp hiện tại nhưng không sao làm hại những bậc có giới hạnh được. Chẳng phải chỉ có thế thôi, những người hằng đào bứng gốc rễ các thống khổ trong ngày vị lai không cho phát sanh lên được.

7) Yā manussesu sampatti yā cadevesu sampadā na sā sampannasīlassa icchato hoti dullabhā ‒ Những người có giới hạnh đầy đủ, muốn được tài sản trong cõi người và trời cũng không khó.

8) Accantasantā pana yā ayaṃ nibbānasampadā sampannasīlassa mano tameva anudhāvati nibbāna sampatti ‒ Đức tính tuyệt vời không xót xa vì phiền não, người có giới đầy đủ hằng lướt tới, để đạt tài sản Niết-bàn tức là nơi tịch tịnh.

Những hành giả khi đã niệm tưởng quả báu sự trì giới rồi, có thể gớm ghê xa lánh sự phá giới, làm cho giới được trong sạch đầy đủ, không sai. Cớ ấy, bậc thiện trí thức nên niệm tưởng đến tội trong sự phá giới và phước trong sự trì giới như đã có giải rồi, nên tinh tấn cho giới mình được trong sạch đầy đủ.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app