Nội Dung Chính
5. Revata Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Revata)
Sau khi Đức Phật Sumana viên tịch, thọ mạng của loài người giảm từ chín chục ngàn năm xuống còn mười năm; và từ mười năm thọ mạng lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng lại giảm xuống sáu mươi ngàn năm thì Bồ tát Revata lúc ấy đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật và đang ở cung trời Đâu suất đà (Tusitā) theo đúng thông lệ của chư vị Bồ tát. Khi đang thọ hưởng đời sống chư thiên ở đó, Ngài nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của hoàng hậu Vipulā, là hoàng hậu của vua Vipula, tại kinh đô Sudhaññavatī. Mười tháng trôi qua, Ngài ra khỏi lòng mẹ như thiên nga chúa xuất hiện trên đỉnh núi Citta.
Đời sống ở vương cung
Khi Bồ tát, tức thái tử Revata đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện xinh đẹp bậc nhất, đó là Sudassana, Ratanagghi và Āvela – ba cung điện này xuất hiện do quả phước Ba-la-mật của Ngài trong quá khứ. Ngài thọ hưởng đời sống đế vương giống như ở thiên cung trong sáu ngàn năm cùng với chánh hậu là Sudassanā, được hầu hạ, phục dịch bởi ba mươi ba ngàn cung nữ.
Sự xuất gia
Sống trong cảnh cao sang quyền quý như vậy cho đến một hôm, hoàng hậu Sudassanā hạ sanh một hoàng nam tên là Varuṇa. Sau khi trông thấy bốn điềm tướng, trong bộ y rực rỡ do chư thiên dâng tặng – nét đặc thù của chư vị Bồ tát, Ngài ra đi xuất gia cỡi trên chiếc xe tuấn mã với một đoàn cận vệ đông đảo gồm bốn loại binh chủng: tượng binh, mã binh, xa binh và bộ binh – giống như mặt trăng trong đêm rằm được vây quanh bởi các tinh tú; giống như Đế Thích, vua của chư thiên với đông đảo chư thiên theo hầu; hoặc giống như Harita, vua của Phạm thiên, có chúng Phạm thiên theo hầu. Khi đến một khu rừng nọ, Ngài trao y cho vị quan giữ kho, tự cắt tóc rồi quăng lên hư không.
Mớ tóc ấy được Đế Thích đỡ lấy trong một cái bát bằng vàng và được tôn trí trong một bảo tháp bằng bảy báu ở trên đỉnh núi Tudi, thuộc cung trời Đao lợi (Tāvatiṃsa).
Sau khi đã mặc vào chiếc y hoa sen do Phạm thiên dâng tặng và trở thành vị Sa-môn, mười triệu nhân loại cũng theo gương Ngài mà xuất gia làm sa-môn.
Rồi Bồ tát Revata tinh tấn thực hành pháp khổ hạnh (dukkharacariyā) cùng với mười triệu Sa-môn tùy tùng trong bảy tháng.
Sự thành đạo
Sau khi đã hoàn thành pháp khổ hạnh, vào ngày rằm tháng tư (Vesakha) – ngày Thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do Sādhu Devī, con gái của một vị trưởng giả dâng cúng, và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala. Buổi chiều Ngài rời chúng Sa-môn tùy tùng và một mình lặng lẽ đi đến cội cây bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Varunindhara dâng cúng. Ngay khi Ngài trải nó dưới cội cây bồ đề, Vô địch bảo tọa (Aparajita Pallaṅka) cao năm mươi ba hắc tay xuất hiện.
Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài thể hiện bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng Ma vương và tùy tùng của ma vương. Rồi Ngài chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, thành bậc Thế Tôn của tam giới.
Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Revata (Dhammābhisamaya)
Sau khi thành đạo và trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh cây bồ đề, Đức Phật Revata nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên thuyết pháp độ sanh. Khi suy xét ai sẽ được tế độ trước tiên, Ngài thấy mười triệu vị sa-môn trước kia đã cùng Ngài xuất gia, chư thiên và nhân loại – những người đã gieo tạo đầy đủ phước duyên để có thể chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Quán xét về chỗ ở của họ, Ngài biết rằng họ đang ở tại khu vườn Varuna, cách cây bồ đề mười tám gāvuta. Sau khi đem theo y và bát, Ngài lập tức đi đến chỗ ngụ của họ tại khu vườn Varuna bằng con đường hư không.
(Xin lượt bỏ phần nói về các vị Sa-môn đón tiếp Đức Phật). Rồi Đức Phật Revata thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến mười triệu vị sa-môn và giúp họ giác ngộ Tứ diệu đế. Chúng sanh chứng đắc các tầng thánh Đạo và Quả thấp hơn thì vô số.
(Đây là Dhammābhisamaya thứ nhất)
Một dịp khác, Đức Phật Revata đến viếng thành phố Uttara – sở dĩ có tên như vậy vì đó là thành phố nổi trội hơn các thành phố khác và cũng là kinh đô của vua Arindama. Hay tin Đức Phật đến kinh đô của mình, đức vua cùng với ba chục triệu tùy tùng đã ra nghinh tiếp và mời Ngài cùng chúng Tăng đến thọ thực vào ngày mai. Trong bảy ngày đức vua đã phục vụ Đức Phật và chúng Tăng bằng những cuộc bố thí vĩ đại và tổ chức lễ hội đốt đèn khắp ba gāvuta để cúng dường Đức Phật. Đức Phật thuyết giảng những bài pháp thích hợp với căn tánh của đức vua. Trong dịp thuyết pháp ấy, mười ngàn triệu chư thiên và nhân lọai đã giác ngộ Tứ Diệu Đế, thoát khỏi luân hồi.
(Đây là Dhammābhisamaya thứ hai)
Lại một dịp khác, khi đang lưu trú gần thị trấn Uttara, nơi khất thực của Ngài, Đức Phật Revata đã nhập thiền Diệt (Nirodhasamapatti) trong bảy ngày. Dân thị trấn mang món cơm dẽo, những loại vật thực khác và thức uống đem dâng đến chư Tăng. Họ hỏi chư Tăng: “Bạch chư đại đức, hiện giờ Đức Phật đang ở đâu?” Các vị tỳ khưu đáp lại: “Đức Phật đang nhập thiền Diệt Thọ Tưởng Định.” Bảy ngày trôi qua, họ có cơ hội gặp Đức Phật và hỏi Ngài về những lợi ích của loại thiền ấy. Nhân đó, Đức Phật giảng giải về những lợi ích của thiền Diệt; khi ấy có một ngàn triệu chư thiên và nhân loại được an trú trong đạo quả A-la-hán.
(Đây là Dhammābhisamaya thứ ba)
Ba kỳ đại hội Thánh Tăng- Sannipāta
Có ba kỳ Đại hội của chư Thinh văn đệ tử của Đức Phật, kỳ thứ nhất diễn ra tại thành phố Sudhannavatī, ở đó Đức Phật Revata tụng Pāṭimokkha lần đầu tiên đến các vị A-la-hán, tất cả đều là Thiện lai tỳ khưu và số lượng không thể nghĩ bàn.
(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
Về sau, đại hội được tổ chức ở thành phố Mekhala, Đức Phật tụng Pāṭimokkha đến mười trăm ngàn triệu vị A-la-hán, tất cả đều là Thiện lai tỳ khưu.
(Đây là Sannipāta lần thứ hai)
Tại Đại hội Thánh Tăng lần thứ ba, Đức Phật Revata giảng giải về ba đặc tánh vô thường, khổ và vô ngã đến dân chúng khi họ đến để thăm hỏi bịnh tình của đại trưởng lão Varuṇa – vị đại đệ tử cánh tay phải của Đức Phật, bậc tướng quân của chánh pháp vì vị ấy có khả năng làm cho bánh xe Pháp thường xuyên luân chuyển. Tình trạng của trưởng lão lúc bấy giờ rất trầm trọng khiến nhiều người phải lo lắng và thắc mắc: “Liệu Ngài có sống được không?” Tại đại hội ấy, Đức Phật cũng truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu cho một trăm ngàn người và an trú họ trong Đạo Quả A-la-hán. Ngài tụng Pāṭimokkha giữa hội chúng Thánh Tăng Thiện lai tỳ khưu ấy.
(Đây là Sannipāta lần thứ ba)
Đức Phật Revata thọ ký cho Bà la môn Atideva Bồ tát Gotama
Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama là Bà-la-môn Atideva, đã thông suốt tất cả kiến thức trong bà-la-môn giáo được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua những vị giáo sư nổi tiếng. Sau khi được yết kiến Đức Phật Revata và nghe pháp của Ngài, Bồ tát quy y Tam bảo và xướng lên một ngàn câu kệ để tán dương các ân đức của Đức Phật như giới, định và tuệ của Ngài và dâng cúng chiếc áo khoác trị giá một ngàn đồng tiền vàng của vị ấy.
Nhân đó, Đức Phật Revata công bố lời tiên tri: “Sau hai A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp kể từ đại kiếp hiện tại này, ngươi sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”
Được Đức Phật thọ ký như vậy, tâm của Bồ tát trở nên phấn chấn hơn và vị ấy dũng cảm quyết tâm nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật với chí nguyện: “Ta sẽ quán tưởng và tu tập các pháp Ba-la-mật và cố gắng thành đạt Phật quả mà ta đã hằng mong ước.”
Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Revata
Nơi sanh của Ngài là kinh đô Sudhañña,.
Phụ vương là vua Vipula, mẫu hậu là hoàng hậu Vipulā.
Ngài cai trị vương quốc trong sáu ngàn năm và ba cung điện của Ngài là Sudassana, Ratanagghi và Āvela.
Hoàng hậu là Sudaddanā, có 33 ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là Varuna.
Sau khi trông thấy bốn điềm tướng, Ngài từ bỏ thế gian ra đi bằng xe song mã, thực hành khổ hạnh trong bảy tháng.
Hai đại đệ tử là trưởng lão Varuṇa và trưởng lão Brahmadeva. Thị giả là trưởng lão Sambhava.
Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Bhaddā và trưởng lão ni Subhaddā.
Cây giác ngộ là cây Nāga.
Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Paduma và trưởng giả Kuñjara. Hai cận sự nữ bậc thánh là Sirimā và Yasavatī.
Đức Phật Revata cao tám mươi hắc tay. Ngài chiếu sáng khắp phương như lá cờ của Đế Thích. Thân Ngài tỏa hào quang khắp quanh một gāvuta, cả ngày lẫn đêm.
Thọ mạng trong thời kỳ của Ngài là sáu chục ngàn năm. Ngài sống bốn phần năm thời kỳ thọ mạng này, cứu độ vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi những cơn lũ của luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.
Sau khi đã thuyết giảng Giáo pháp bất tử đến thế gian bằng cách thể hiện Thập lực của các đấng Chánh biến tri, Đức Phật Revata viên tịch đại Niết bàn như ngọn lửa khổng lồ vụt tắt khi nhiên liệu đã cạn hết
Kinh cảm quán
Kim thân ấy của Đức Phật Revata giống như viên bảo ngọc rắn và giáo pháp vô song của Ngài tất cả biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!
Khi sắp viên tịch, Đức Phật Revata nguyện rằng: “Nguyện cho Xá lợi của Ta không kết thành một khối mà rời ra thành những viên nhỏ và truyền đến nhiều nơi để khi Ta viên tịch thì Xá-lợi giúp cho tất cả chúng sanh có thể đạt đến các cõi chư thiên và Niết bàn (theo quả của chúng).
Ngài viên tịch tại rừng cây Nāga, không gần cũng không xa thành phố. Xá lợi của Ngài không kết lại thành một khối mà phân tán đi khắp nơi trong xứ Diêm phù đề theo đúng với ý nguyện của Ngài và được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.