3. CÁC HỆ PHÁI PHẬT GIÁO
Dòng giáo lý Thượng Toạ Bộ (Theravàda) tức hệ thống Phật Giáo Nguyên Thủy được truyền thừa từ các Trưởng Lão buổi đầu, còn có tên gọi theo hậu sử là Hìnàyana (Tiểu Thừa). Theo thời gian, một tôn phái hùng hậu ra đời, có quan điểm kình chống với Phật giáo truyền thống và thường được biết tới qua tên gọi Đại Thừa hay Đại Thặng (Mahàyana). Thời điểm khai sinh đích xác của Đại Thừa Giáo vẫn còn mơ hồ. Theo các di liệu lịch sử tương đối cụ thể thì chắc là vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Trước hết, hệ phái này xuất hiện ở Andhara, địa bàn của hệ phái Đại Chúng Bộ (Mahàsanghika), một nhánh Phật giáo biến chất đi ra từ Phật Giáo Nguyên Thủy. Đại Thừa Giáo lớn mạnh từ từ và chính thức nên hình nên dạng dưới triều vua Kanishka. Vào giữa thế kỷ thứ hai sau Tây lịch thì Đại Thừa Giáo đã chiếm lĩnh toàn bộ khu vực Bắc An và qua tay các truyền nhân kiệt xuất như Long Thọ (Nàgarjuna), Thánh Thiên (Aryadeva), Vô Trước (Asanga), Thế Thân (Vasubhandhu). Hệ phái này đã thật sự khẳng định được vị trí của mình.
Về nội dung giáo lý, Tiểu Thừa và Đại Thừa có những dị biệt cơ bản. Theo Đại Thừa Giáo thì thật ra Đức Phật có những ý chỉ mà Ngài cố tình trao truyền riêng tư cho một số đệ tử, mà trong dòng giáo lý mật truyền này, có không ít những quan điểm đối lập với giáo lý nguyên thủy. Nói khách quan thì mỗi dòng giáo lý đều có cái hay riêng, nhưng ta phải nhận rằng một số chủ trương của Đại Thừa Giáo đã ra mặt chà đạp các tác phẩm kinh điển của Phật giáo truyền thống. Đã thế, tính cách thực tế, giản đơn và quá nghiêm túc của giáo lý Tiểu thừa xem ra không có vẻ hấp dẫn đối với đại chúng. Từ đó, Đại thừa giáo càng có cơ hội lớn tiếng lấn lướt.
Theo quan điểm của Đại Thừa Giáo thì Đức phật không phải là một con người bình thường. Ngài là một siêu nhân, một Thánh thể. Và quả vị La-hán chỉ là một công đoạn tu chứng sơ cơ sau khi người ta bỏ ra chút công phu tự chế. Người của Đại Thừa Giáo đặt Bồ tát (thực ra vẫn còn là phàm nhân) lên vị trí cao hơn La-hán (Bậc đã thực sự đoạn trừ tất cả phiền não). Theo họ, lòng bi mẫn hướng ngoại quan trọng hơn trí tuệ giác ngộ tự thân, thay vì theo tinh thần Phật giáo truyền thống thì ngược lại. Một số nhà Tiểu thừa (theo cách gọi của các Sử gia) đã chấp nhận quan điểm Pháp thân (Tôn giáo vũ trụ) của Đại Thừa Giáo. Tân phái này có ý thiết lập một thứ siêu hình học mù mờ đặt cơ sở trên tín lý xa vời của Đại Thừa Giáo mà họ từ đó thoát thai. Họ còn đưa ra quan điểm sát-na Vĩnh Cửu để cho mọi thứ đều là KHÔNG, trong khi theo Đại Thừa Giáo buổi đầu thì mọi thứ đều là CÓ. Đời sống, trong cách nhìn của các tín đồ Đại Thừa Giáo, chẳng có gì đáng để nhàm chán. Họ sống trong niềm tin mãnh liệt vào một cõi Phật nào đó tràn đầy hạnh phúc và luôn sẵn sàng chào đón họ.
Các nhà Tiểu Thừa luôn coi rẻ Đại Thừa giáo. Họ xem Đại Thừa giáo là một phiên bản tật nguyền của Phật Giáo truyền thống. Còn Đại Thừa giáo thì tự xem các quan điểm mới mẻ của mình là những bổ khuyết cho Tiểu Thừa, dòng Phật Giáo mới được phôi dựng và chưađược hoàn chỉnh, vốn chỉ thích hợp cho những người hạ căn thiểu trí.
Sau đây là một số quan điểm đặc trưng và khá phổ thông của Đại Thừa giáo:
– Kêu gọi sự nhận thức về thế giới hiện tượng, đồng thời xác định tính KHÔNG của cái gọi là CON NGƯỜI. Quan điểm này đi ra từ giáo lý vô ngã của Phật giáo truyền thống nhưng bản thân nó thì có lắm điều phải xét lại.
– Niềm tin vào sự có mặt của vô lượng Chư Phật và Bồ-tát vẫn từng lúc hiện hữu trong khắp nơi.
– Chấp nhận thờ phụng các Thần Thánh, kể cả những quỷ thần vay mượn từ Bà-la-môn giáo.
– Phù chú, chân ngôn vẫn có thể là con đường đạt tới giải thoát.
– Xác nhận vai trò của TÂM với quan điểm “nhất thiết duy tâm tạo”.