PHÁP HÀNH THIỀN ĐỊNH QUYỂN 9

TAM GIỚI THẦN THÔNG CÓ 5 LOẠI 

Giảng giải:

1- Iddhividha abhiññā: Đa-dạng-thông

Định nghĩa: “Iddhiyā viya yassā’ti Iddhividhaṃ.”

Phép thần-thông (abhiññā) thành tựu nhiều phép, cho nên gọi là đa-dạng-thông (iddhividha abhiññā).

Đa-dạng-thông có 3 loại:

1.1- Adhiṭṭhānā iddhi: Đa-dạng-thông thành tựu do năng lực phát nguyện trở thành nhiều phép thần-thông như sau:

– Một người phát nguyện trở thành hằng trăm người, hằng ngàn người,…

– Hằng trăm người, hằng ngàn người phát nguyện trở thành một người.

– Hiện hình đến một nơi do ý muốn.

– Tàng hình không cho ai thấy.

– Hiện hình cho mọi người đều thấy.

– Đi xuyên ngang qua tường thành, như đi chỗ trống.

– Đi xuyên ngang qua núi đá, như đi chỗ trống.

– Làm cho mặt đất trở thành mặt biển, rồi lặn xuống.

– Làm cho mặt biển trở thành mặt đất, đi lại được.

– Bay nhanh trên hư không, như các loài chim.

– Chui xuống mặt đất, như lặn xuống nước.

– Tay sờ đụng mặt trăng, mặt trời.

– Xuất hiện lên cõi trời dục-giới, cõi trời sắc-giới.

– Phép thần-thông này có khả năng phát nguyện trở thành ra nhiều phép khác nhau, v.v…

1.2- Vikubbanā iddhi: Đa-dạng-thông thành tựu do năng lực biến hóa ra nhiều loài chúng-sinh, biến hóa ra loại nào, hành-giả trở thành loại ấy, như sau:

– Biến hóa ra trở thành đứa trẻ con, ông già,…

– Biến hóa ra trở thành chư-thiên, phạm-thiên, v.v…

– Biến hóa ra trở thành long nam, voi, ngựa, v.v…

– Biến hóa thành rừng, núi, sông, hồ, đại dương, chùa, tháp, xóm nhà, v.v…

– Phép thần-thông này có khả năng biến hóa ra trở thành nhiều phép khác nhau, v.v…

1.3- Manomayā iddhi: Đa-dạng-thông thành tựu do năng lực của tâm như sau:

– Hóa ra người khác hoạt động tự nhiên phát xuất từ tâm của mình, còn hành-giả vẫn là tự nhiên, không có gì thay đổi.

2- Dibbasota abhiññā: Thiên-nhĩ-thông

Định nghĩa: “Dibbasotaṃ viyā’ti dibbasotaṃ.”

Phép thần-thông (abhiññā) có khả năng nghe được mọi âm thanh, mọi thứ tiếng từ xa không giới hạn và vi-tế nhất như tai của chư-thiên, phạm-thiên, cho nên gọi là thiên-nhĩ-thông (dibbasota abhiññā).

Nhĩ-tịnh-sắc (sotapasādarūpa) của chư-thiên bậc cao trong 6 cõi trời dục-giới là sắc-pháp phát sinh do đại-thiện-nghiệp cao quý hoặc chư phạm-thiên trong các cõi trời sắc-giới là sắc-pháp phát sinh do sắc-giới thiện-nghiệp cao quý, nên nhĩ-tịnh-sắc là hoàn toàn trong sáng thanh-tịnh, không có một thứ gì làm dơ bẩn. Vì vậy, nhĩ-tịnh-sắc là hoàn toàn thanh khiết đặc biệt làm nhân phát sinh nhĩ-thức-tâm có khả năng nghe được âm thanh, tiếng nói nhỏ nhất từ xa bao nhiêu không giới hạn, thật là phi thường.

Thật vậy, trong các bộ Chú-giải giải rằng: Cõi người vô cùng cách xa với cõi trời dục-giới hoặc cõi trời sắc-giới, chư-thiên ở trên cõi trời dục-giới, hoặc chư phạm-thiên ở trên cõi trời sắc-giới, có khả năng nghe rõ được âm thanh, tiếng nói nhỏ nhất của con người, mà không có gì ngăn cản được cả, thậm chí tiếng nhỏ nhất như tiếng những con kiến, con mối, con rận, v.v…

Như tích Tissattheravatthu được tóm lược như sau:

Ngài Trưởng-lão Tissa có được một tấm y, phát sinh tâm hài lòng hoan hỷ tấm y ấy, Ngài nghĩ rằng: “Sve dāni naṃ pārupissāmi” Ngày mai ta sẽ mặc tấm y ấy.

Trong đêm hôm ấy, Ngài Trưởng-lão Tissa có tâm hài lòng tấm y ấy, nên sau khi Ngài Trưởng-lão Tissa chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm con rận nằm trong tấm y ấy (tasmiṃ yeva cīvare ūkā hutvā nibbatti).

Chư tỳ-khưu làm lễ hoả táng thi thể của Ngài Trưởng-lão xong, đem những thứ vật dụng của Ngài Trưởng-lão phân chia đến các tỳ-khưu, nhưng khi đụng đến tấm y ấy, con rận ở trong tấm y bò qua bò lại khóc than rằng: “Ime mama santakaṃ vilumpanti” “Những vị tỳ-khưu này chiếm đoạt của tôi”.

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đang ngự ngôi chùa Jetavana nghe tiếng khóc than của con rận bằng thiên-nhĩ-thông, nên gọi Ngài Trưởng-lão Ānanda truyền dạy rằng:

– Này Ānanda! Con nên đến bảo các tỳ-khưu ấy hãy để tấm y ấy tại chỗ cũ. 7 ngày sau, mới được đem chia đến tỳ-khưu khác.

Qua 7 ngày, con rận ấy chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm thiên nam trên cõi trời Tusita: Đâu-suất-đà-thiên.

Thiên-nhĩ-thông là phép thần-thông có khả năng nghe âm thanh, tiếng nói dù xa, dù nhỏ bao nhiêu cũng nghe rõ được như tai của chư-thiên, phạm-thiên.

Cho nên gọi là Thiên-nhĩ-thông (Dibbasota abhiññā).

3- Paracittavijānana abhiññā: Tha-tâm-thông

Định nghĩa:

“Paresaṃ cittaṃ vijānātī’ti paracittavijānanā.”

Phép thần-thông (abhiññā) có khả năng biết được tâm của người khác, cho nên gọi là tha-tâm-thông (para-cittavijānanā abhiññā).

Paracittavijānana abhiññā này còn có tên gọi là cetopariya abhiññā: Phép thần-thông (abhiññā) biết rõ chính xác tâm của người khác.

Cách luyện tập phép tha-tâm-thông (paracittavijānana abhiññā), nếu hành-giả chưa có sự thuần thục trong phép tha-tâm-thông này thì nên thực tập phép thiên-nhãn-thông (dibbacakkhu abhiññā) trước, để suy xét màu của máu có trong tim, nếu tính chất của tâm như thế nào thì màu của máu cũng bị thay đổi như thế ấy.

Ví dụ: Nếu người có tính-tham thì máu có màu đỏ đậm; nếu người có tính-sân thì máu có màu đen; nếu người có tính-si thì máu có màu như nước rửa thịt; nếu người có tính-suy-diễn thì máu có màu đậu đen; nếu người có tính-tín thì máu có màu vàng; nếu người có tính-giác thì máu có màu hồng trong sáng,…

Khi hành-giả có phép thiên-nhãn-thông thấy màu máu của người ấy mà suy đoán tâm của họ.

Về sau, đã thuần thục cách luyện tập phép tha-tâm-thông, hành-giả chỉ cần phát nguyện rằng:

“Xin cho tôi biết rõ tâm của người ấy.”

Hành-giả nhập đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi xả đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm ấy ra, đồng thời lộ trình tâm phép-tha-tâm-thông, paracittavijānana abhiññā-vīthicitta phát sinh, biết rõ chính xác tâm của người khác.

Khi đã thuần thục cách luyện tập phép tha-tâm-thông rồi, hành-giả không cần thực tập phép thiên-nhãn-thông (dibbacakkhu abhiññā) trước nữa, mà chỉ luyện tập phép-tha-tâm-thông mà thôi.

4- Pubbenivasānussati abhiññā: Tiền-kiếp-thông

Định nghĩa:

“Pubbenivāsānaṃ anussati pubbenivāsānussati.”

Phép thần-thông (abhiññā) nhớ lại nơi sinh và ngũ uẩn v.v… đã từng sinh, đã từng gặp trong tiền-kiếp, cho nên phép thần-thông (abhiññā) này gọi là tiền-kiếp-thông (pubbenivāsānussati abhiññā).

Tiền-kiếp-thông có 2 loại:

4.1- Ajjhāvutthapubbenivāsa: Tiền-kiếp của mình đã từng sinh trong các cõi-giới: Nghĩa là tiền-kiếp của mình có ngũ uẩn, kiếp chúng-sinh, tên, dòng dõi, gia đình, giai cấp, v.v… đã từng sinh trong các cõi-giới.

4.2- Ārammaṇapubbenivāsa: Tiền-kiếp của chúng-sinh khác là đối-tượng để biết tiền-kiếp của họ: Nghĩa là tiền-kiếp của chúng-sinh khác có ngũ uẩn, kiếp chúng-sinh, tên, dòng dõi, giai cấp, v.v… trong các cõi-giới mà hành-giả đã từng gặp, từng thấy trong tiền-kiếp của mình.

Hành-giả luyện tập phép tiền-kiếp-thông (pubbe-nivāsānussati abhiññā) này có khả năng nhớ rõ, biết rõ được 2 loại tiền-kiếp-thông này.

Hành-giả có khả năng nhớ rõ, biết rõ những tiền-kiếp được nhiều hoặc ít hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của các pháp-hạnh ba-la-mật của hành-giả.

5- Dibbacakkhu abhiññā: Thiên-nhãn-thông

Định nghĩa:

“Dibbacakkhu viyā’ti dibbacakkhu.”

Phép thần-thông (abhiññā) có khả năng thấy rõ đối-tượng từ xa không giới hạn và thấy rõ đối-tượng vô cùng vi-tế nhất như mắt của chư-thiên, phạm-thiên, cho nên gọi là thiên-nhãn-thông (dibbacakkhu abhiññā).

Nhãn-tịnh-sắc (sotapasādarūpa) của chư-thiên bậc cao trong 6 cõi trời dục-giới là sắc-pháp phát sinh do đại-thiện-nghiệp cao quý hoặc chư phạm-thiên trong các tầng trời sắc-giới phạm-thiên là sắc-pháp phát sinh do sắc-giới thiện-nghiệp cao quý, nên nhãn-tịnh-sắc là hoàn toàn trong sáng thanh-tịnh, không có một thứ gì làm dơ bẩn. Vì vậy, nhãn-tịnh-sắc là hoàn toàn thanh khiết đặc biệt làm nhân phát sinh nhãn-thức-tâm có khả năng nhìn thấy được đối-tượng từ xa không giới hạn và vô cùng bé nhỏ, thật là phi thường.

Thật vậy, trong các bộ Chú-giải giải rằng: Cõi người vô cùng cách xa với cõi trời dục-giới hoặc tầng trời sắc-giới phạm-thiên, chư-thiên ở trên cõi trời dục-giới, hoặc chư phạm-thiên ở trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên, có khả năng nhìn thấy rõ từ xa không giới hạn và thấy vật vô cùng bé nhỏ nhất không có gì che khuất được cả, thậm chí những vật nhỏ nhất được bao bọc kỹ kín đáo, thế mà chư-thiên, phạm-thiên đều có khả năng nhìn thấy rõ được.

Thiên-nhãn-thông ((Dibbacakkhu abhiññā) là phép thần-thông có khả năng nhìn thấy rõ những vật dù xa, dù nhỏ bao nhiêu, dù bao bọc kín đáo cũng nhìn thấy rõ được như mắt của chư-thiên, phạm-thiên, cho nên gọi là thiên-nhãn-thông (dibbacakkhu abhiññā).

Thiên-nhãn-thông (Dibbacakkhu abhiññā) này còn có 2 loại:

5.1- Yathākammūpaga abhiññā: Phép thần-thông này có khả năng thấy rõ, biết rõ chúng-sinh sinh trong cõi-giới ấy theo nghiệp của họ.

Hành-giả có phép thần-thông (abhiññā) này thấy rõ, biết rõ đại-thiện-nghiệp hoặc ác-nghiệp của tất cả chúng-sinh đã cho quả tái-sinh trong các cõi-giới khác nhau, và thấy rõ, biết rõ chúng-sinh ấy đang hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của họ hoặc đang chịu quả khổ của ác-nghiệp của họ đã tạo trong kiếp trước.

5.2- Anāgataṃsa abhiññā: Phép thần-thông này có khả năng thấy rõ, biết rõ kiếp vị-lai:

Hành-giả có phép thần-thông (abhiññā) này có khả năng thấy rõ, biết rõ chính mình và chúng-sinh khác trong kiếp vị-lai, nghiệp nào sẽ cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào, và còn thấy rõ, biết rõ kiếp ấy thuộc loài chúng-sinh nào, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp của họ, hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp của họ.

* Đối với Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, thì thiên-nhãn-thông này có 2 loại trí-tuệ đặc biệt là:

1- Cutūpapātañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ sự tử và sự tái-sinh của tất cả chúng-sinh.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ này nên thấy rõ, biết rõ tất cả chúng-sinh sau khi chết, nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào, hưởng quả an-lạc của thiện-nghiệp của họ như thế nào, hoặc chịu quả khổ của ác-nghiệp của họ như thế nào, v.v…

2- Anāgataṃsañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có trí-tuệ này nên thấy rõ, biết rõ kiếp vị-lai của tất cả chúng-sinh, cho nên Đức-Phật thọ ký chúng-sinh ấy còn lại thời gian bao nhiêu a-tăng-kỳ nữa sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, hoặc Đức-Phật-Độc-Giác, hoặc bậc Thánh thanh-văn-giác của Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu nào trong thời-kỳ vị-lai ấy.

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app