- PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VÀ PHẬT GIÁO BIẾN CẢI
Phật Giáo và triết học Phật Giáo đã tồn tại và có một thứ tiếng nói riêng biệt qua chính dòng văn học Pàli. Cho nên, một chút khái niệm về dòng văn học này rất cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu về cuộc đời và nhân cách của Đức Phật cũng như nền giáo lý mà Ngài đã để lại.
Kể từ sau sự có mặt của giống dân Aryan, kinh điển Veda đã có một vị trí độc tôn trong tầng lớp xã hội thượng lưu Ấn Độ . Tín ngưỡng Veda đã được người Aryan thờ phụng trong suốt nhiều thế kỷ. Họ là một dân tộc yêu đời nên vẫn xem lời cầu nguyện là một liều thuốc trường sinh. Chấp nhận chủ trương đa thần, họ cúng bái đủ thứ thần vật vốn chỉ là những cái thường thấy nhất trong thiên nhiên. Cái gì họ cũng coi là thần tượng rồi cứ vậy mà khấn nguyện, xưng tán.
Nguồn sống chủ yếu của người Aryan đương thời là nông nghiệp nên họ cũng nghĩ ra các thần linh thích ứng như thần Mưa, thần Gió,…
Thần thánh của người Aryan được chia thành ba cảnh giới: trên thiên đường, trong không gian và dưới mặt đất. Các vị thần ấy cũng có đời sống tâm sinh lý giống như con người hạ giới.
Người ta còn gán cho các vị thần những uy lực có thể trấn áp ma quỷ.
Và bên cạnh những thần linh có vẻ cụ thể đó, người Aryan còn tạo thêm những thần linh trừu tượng hơn, nhưng cũng không kém phần phổ biến, chẳng hạn như Thần Tín Lý, Thần Cuồng Nộ… Điều đáng lưu ý là trong tín ngưỡng Veda, chúng ta không hề bắt gặp một dấu vết nào về chuyện tạo thờ ngẫu tượng.
Từ quan niệm Đa Thần, người Aryan dần dần chuyển tới quan niệm Chiết Tôn Thần (Henotheism), tức là xác định rõ ràng vị trí cao nhất cho vị thần nào đó trong các thần. Chính tín ngưỡng Chiết Tôn Thần này về sau đã đưa tới quan niệm Nhất Thần (Monotheism)
Còn về bốn giai cấp xã hội thì ngay từ buổi đầu trong tập thứ mười của bộ Veda đầu tiên (Rịgveda) đã có nói đến, theo trật tự Bà- la -môn là cao nhất và Thủ-đà-la (giới tiện dân laođộng) là thấp nhất.
Từ chổ lý thuyết trong kinh văn, theo thời gian, quan niệm phân chia giai tầng xã hội đã được đem ra ứng dụng ngoài thực tế và nếp sống của ba tầng lớp cao cấp cũng được phân định theo hệ thống đạo đức nhân sinh rõ ràng hơn. Đó là bốn giai đoạn trong đời sống bắt đầu từ tuổi trẻ: thưở niên thiếu sống giữ mình theo các tín điều nghi lễ (Brahmacarya), tuổi thanh niên lập gia đình và tạo dựng sản nghiệp (gàrhasthya), tuổi trung niên tập sự sống ẩn dật giấu mình (vanaprastha) và tuổi già thì đi xuất gia để thúc chế bản thân (samyàsa).
Nói chung lại, người Aryan thời khai sinh tín ngưỡng Veda đã vì khiếp hãi trước cái kỳ vĩ của thiên nhiên mà tạo ra các thần tượng tôn giáo.
Họ xưng tụng oai linh chư thần và chính từ đây đã hình thành một lý tưởng tôn giáo. Nhưng rồi chuyện tưởng tượng cùng các lời cầu nguyện đã không đáp ứng nổi nhu cầu tôn giáo sâu sắc của thiên hạ nữa.
Người ta cần tới cái gì điển hình và hệ thống hơn. Thế là thứ đức tin mộng mị đã nhường chổ cho các nghi thức cụ thể, cách mặc tưởng sơ sài đã được thay thế bằng hàng đạo rõ ràng.
Kết quả của cuộc chuyển đổi này là sự ra đời của tầng lớp giáo sĩ cùng các Kinh Điển (với tên gọi buổi đầu là Bàn Môn Chư Kinh – Brahmanas) mà nội dung là đề nghị chuyện cúng bái hiến tế. Nói rõ hơn, chính các Bà-la-môn đương thời đã nghĩ ra một tổ chức tôn giáo với các lễ tiết nhằm mục đích xác định vai trò thần thánh của mình. Càng về sau, các nghi lễ hiến tế được bày vẽ ngày một rườm rà hơn và đến một ngày kia, việc sát sinh hiến tế đã trở nên một lễ tiết quan trọng nhất.
Cái gọi là tôn giáo lúc này đã thành ra phản tôn giáo, một thứ tôn giáo hắc ám, trái thiên lý, phản tác dụng. Sự tình tồi tệ đến mức đông đảo thiên hạ vốn chỉ biết tuân phục các giáo sĩ nay quay sang chống đối những nghi thức phiền toái, hao tốn và lắm lúc quá đỗi tàn bạo này. Vấn đề cấp thiết lúc bấy giờ là đại chúng đang rất cần tới một điểm tựa tinh thần, một cứu tinh có đủ năng lực giải phóng nỗi bức xúc của họ.
Và con người trác việt ấy chính là Đức Phật Cồ Đàm, Bậc Đại Giác toàn thiện đã đem lại cho cuộc đời những lời dạy vô giá. Các đệ tử của Ngài đã ngang nhiên tháo bỏ ngai vàng độc tôn ngàn đời của tín ngưỡng Veda khốc liệt, từ chối nỗi ám ảnh của các Bà-la-môn ham hố, phá nát tất cả tế đàn luôn đẫm máu các loài thú hiến sinh…
Về niên đại ra đời của đức Phật đến nay vẫn chưa được xác định thống nhất dù thời điểm giả định tương đối phổ thông vẫn thường được chọn là năm 563 trước Tây lịch.