Nội Dung Chính
Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Tỳ Kheo
Vị Sa Môn Và Long Vương
Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi…..
Thế Tôn dạt những lời này khi Ngài đang ở tại Pubbarama, liên quan đến Sa-di Sumana
_______________________
Chuyện quá khứ:
Chàng Annabhhàra Nghèo Khổ Và Quan Chưởng Khố Sumana Giàu Có
Vào thời Phật Padumuttara, có một thanh niên gặp Phật vào lúc Ngài đang ở giữa tứ chúng tuyên bố một thầy Tỳ-kheo nọ là Thiên nhãn đệ nhất. Lòng mong muốn đạt đến địa vị ấy, chàng thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo đến nhà thọ thực suốt bảy ngày, rồi phát nguyện: “Bạch Thế Tôn, con nguyện xin được thành Thiên nhãn đệ nhất dưới thời một vị Phật tại thế”.
Đức Phật Padumuttara quán sát rồi thọ ký:
– Một trăm ngàn kiếp nữa, dưới thời Phật Thích Ca, người thanh niên này sẽ được Thiên nhãn đệ nhất, mang tên A-na-luật.
Sau khi được thọ ký, mỗi ngày chàng đều cảm thấy như sẽ được đắc thần thông vào ngày mai. Phật nhập Niết-bàn rồi, chàng hỏi các thầy Tỳ-kheo phải tu hành như thế nào để đắc Thiên nhãn thông. Chàng cho thắp đuốc thành vòng tròn bảy hải lý quang ngôi tháp vàng thờ Phật, lấy ánh sáng tôn vinh Ngài. Hết kiếp ấy, chàng thọ sanh lên cõi trời. Sau nhiều kiếp tái sanh suốt một trăm ngàn kiếp, chàng đầu thai vào một nhà nghèo ở Ba-la-nại. Chàng khuân vác cỏ mướn cho quan chưởng khố Sumana nên có tên là annabhàra, người khuân vác cỏ ăn. Quan chưởng khố Sumana thường cúng dường bố thí rộng rãi tại đôi thị này.
Một hôm, đức Phật Độc Giác Uparittha xuất diệt tận định, và tự quán sát: “Hôm nay ta sẽ độ ai?” Một tư tưởng liền đến trong đầu Ngài: “Hôm nay ta sẽ độ annabhara”, và ngài tiếp tục quán sát: “Lúc này Annabhara đang mang cỏ cắt trong rừng về”. Ngài bèn lấy y bát, dùng thần thông bay đến trước mặt Annabhara. Chàng thấy bát trống trong tay Ngài, bèn thưa:
– Bạch Ngài, Ngài chưa được cúng dường ư?
– Ta đang khất thực, hỡi chàng trai tốt phước.
– Vậy thì, bạch Ngài, xin Ngài đợi giây lát.
Ném bó cỏ, chàng vội vã về nhà hỏi vợ:
– Mình ơi, có để dành phần ăn cho tôi không?
– Dạ có ạ.
Annabhara lại vội quay về gặp vị Phật Độc Giác, đỡ lấy bát của Ngài. Chàng nghĩ thầm: “Lâu nay mỗi lần muốn cúng dường, mình không có gì để cúng. Còn khi có vật thực để cúng, mình lại chẳng gặp được vị nào. Hôm nay mình có được cả hai, thật may mắn làm sao!”. Chàng về đến nhà, múc cơm vào bình bát, mang đến cúng dường đức Phật, phát nguyện:
– Bạch Ngài, xin cho con được thoát khỏi cuộc sống đọa đày hiện nay của con. Xin cho con đừng bao giờ phải nghe tiếng “không có”.
Vị Phật Độc giác liền hồi hướng công đức cho chàng:
– Này thiện nam tử, sẽ được vậy.
Vị thần trú trong chiếc lọng của quan chưởng khố Sumana kêu lên:
– Ôi đức Phật Uparittha được cúng dường món vật thực cao quý biết bao!
Và thần ba lần tán thán Annabhara.
Quan chưởng khố hỏi:
– Lâu nay ông không thấy ta bố thí sao?
Thần đáp:
– Chẳng phải tôi tán thán ông cúng dường đâu. Tôi đang ca ngợi chàng Annabhara cúng dường Phật Uparittha đấy.
– Hay thay! Ta đã cúng dường biết bao nhiêu từ trước đến giờ thần chẳng ca ngợi. Còn chàng Annabhara làm mướn cho ta chỉ cúng một bữa ăn lại được khen. Ta sẽ trả giá mua phần cúng dường này về phần ta.
Quan chưởng khố cho gọi Annabhara đến hỏi:
– Hôm nay, anh có cúng dường ai không?
– Thưa ông chủ có ạ. Tôi đã cúng dường phần cơm tôi cho Phật Độc Giác Uparittha.
– Anh cầm đồng xu này và nhường cho tôi phần cúng dường ấy nhé!
– Thưa ông, không được đâu.
Quan chưởng khố tăng giá lên một ngàn đồng, Annabhara vẫn không chịu. Ông bèn nói:
– Thôi được rồi, nếu anh không nhường phần cúng dường ấy thì hãy lấy một ngàn đồng này và hồi hướng cho tôi phần phước vậy.
– Xin ông hãy để tôi hỏi ý kiến Ngài rồi quyết định ạ.
Chàng chạy đến gặp đức Phật Độc Giác.
– Bạch Ngài, quan chưởng khố trao con một ngàn đồng và yêu cầu hồi hướng công đức cho ông ấy. Con phải làm sao?
Đức Phật dùng thí dụ đáp:
– Như trong làng kia có một trăm nhà, một người chỉ thắp một ngọn đèn nhà mình rồi các nhà khác đến đó châm đèn mang về. Vậy ánh sáng đó phải của ngọn đèn dầu đầu tiên không?
– Bạch Ngài trong trường hợp ấy ánh sáng của cây đèn đầu tiên đã gia tăng lên.
– Thiện nam tử, việc cúng dường của anh cũng thế. Dù một môi cháo, một muỗng cơm, khi ta hồi hướng phước đức do công cúng dường ấy qua những người khác, phước sẽ gia tăng theo số người được hồi hướng. Đây anh chỉ cúng dường một phần ăn. Nhưng khi anh hồi hướng quan chưởng khố phước đức ấy thì nó tăng lên gấp đôi, một thuộc về anh và một thuộc quan chưởng khố.
– Bạch Ngài, quý hóa quá.
Annabhàra từ giã vị Phật Độc Giác đến gặp quan chưởng khố:
– Thưa ông, xin ông hãy nhận phần phước đức cúng dường của tôi.
– Đây anh cầm lấy tiền.
– Tôi không bán đâu ạ. Tôi tặng ông phần phước đức ấy là từ lòng tin của tôi thôi.
– Vậy cũng tốt. Về phần tôi, tôi cảm phục nhân cách cao quý của anh lắm. Anh bạn, hãy nhận số tiền này đi. Từ nay anh khỏi cần cực nhọc làm thuê mướn cho tôi nữa. Anh hãy cất một căn nhà nơi đường phố lớn mà ở. Lúc nào cần thức gì, anh cứ lại kho tôi lấy.
Aáy là quả hiện báo do cúng dường bữa ăn cho một vị xuất định diệt thọ tưởng. Nhà Vua nghe chuyện cũng cho gọi Annabhàra đến, xin chàng một phần phước đức, ban thưởng chàng rất hậu và cho làm chức chưởng khố.
Bây giờ Annabhàra là bạn hữu của quan chưởng khố Sumana. Chàng tiếp tục làm việc phước thiện cho đến khi mãn kiếp, được thọ sanh lên cõi trời. Qua nhiều lần tái sinh trong cõi trời và người, chàng thọ sanh vào một gia dình hoàng tộc dòng Thích Ca, hoàng thân Amitodana, tại thành Ca-tỳ-la-vệ, dưới thời đức Phật hiện tại. Sau mười tháng cưu mang, phu nhân Amitodana mới sinh chàng, đặt tên A-na-luật. Tôn giả là em út vương tử Mahanam, anh em chú bác của Phật. Tôn giả được nuôi dưỡng trong sự chăm sóc cưng chiều, là vị vương tử có phước báo rất lớn.
_______________________
Chuyện hiện tại:
A-Na-Luật Xuất Gia
Một hôm sáu vị vương tôn chơi đánh bạc ăn bánh, A-na-luật thua, nhờ người đi xin bánh nơi thân mẫu. Phu nhân sắp đầy bánh vào một đĩa vàng lớn đem đến. Các vương tôn ăn bánh xong chơi tiếp. A-na-luật thua, lại xin bánh. Phu nhân ba lần cho mang bánh tới, lần thứ tư bà nhắn: “Không có bánh nữa”. Chưa bao giờ nghe chữ “không có” nên nghe mẫu thân nhắn, chàng tưởng tượng: “Chắc có thứ bánh gọi là “không có” bèn bảo người hầu:
– Đi xin ít bánh “không có” Phu nhân nghe vậy bèn nghĩ: “Con ta chưa hề nghe tiếng “không có”. Ta làm sao giảng cho nó hiểu đây?”.
Phu nhân rửa sạch một chiếc bát vàng, lấy chiếc bát vàng khác úp lên, rồi bảo người hầu đem đi nói:
– Đây, con trao cái này cho cậu.
Lúc ấy, chư thiên cõi trời giữ thành tự nghĩ: “Trong kiếp trước, chủ nhân chúng ta là Annabhàra đã cúng dường phần thức ăn mình cho vị Phật Độc Giác Uparittha, và phát nguyện: “Xin đừng bao giờ nghe tiếng “không có”. Chúng ta biết hết đầu đuôi câu chuyện mà có thái độ thờ ơ, coi chừng đầu nứt thành bảy miếng. Nghĩ vậy, chư thiên bèn cho vào chiếc tô ấy đầy những chiếc bánh chư thiên vẫn dùng. Người hầu mang tô đến, đặt trước mặt sáu vị vương tôn và mở ra. Mùi bánh thơm ngào ngạt khắp cả kinh thành. Hơn thế, mỗi miếng bánh được cho vào miệng liền gây cảm giác khoan khoái cho đủ cả bảy ngàn dây thần kinh vị giác.
Vương tử A-na-luật nghĩ thầm: “Đúng là lâu nay mẹ không thương mình, chưa bao giờ mẹ làm cho mình ăn thứ bánh “không có” này.
Chàng đến gặp mẹ, hỏi:
– Mẹ ơi, mẹ không thương con phải không?
– Kìa con, nói gì vậy? Mẹ cưng con hơn mắt mẹ, quý con hơn tim mẹ mà.
– Mẹ thân yêu ơi, nếu mẹ thương quý con, sao trước giờ mẹ không cho con ăn thứ bánh “không có” này?
Phu nhân hỏi người hầu:
– Này con, trong chiếc bát có gì không?
– Thưa phu nhân, có. Trong bát đầy những chiếc bánh con chưa từng thấy bao giờ.
Phu nhân suy nghĩ: “Con ta thường làm việc thiện. Chắc chư thiên đã cho bánh của các vị”.
Vương tử A-na-luật lại bảo:
– Mẹ thân yêu ơi, con chưa bao giờ được ăn thứ bánh ấy. Từ rày mẹ chỉ chiên bánh này cho con ăn thôi nhé.
Về sau mỗi khi cậu đòi “cho con ăn bánh”, phu nhân lại rửa sạch một chiếc bát vàng, lấy chiếc bát vàng khác úp lên cho mang đến, và chư thiên lại sắp đầy bánh của cõi trời vào bát. Cậu cứ thế sống trong sự chăm chút nâng niu của gia đình, chẳng bao giờ biết đến nghĩa chữ “không có”, và ăn toàn bánh chư thiên.
Khi nhiều vị vương tôn công tử thuộc hoàng tộc Thích-ca nối tiếp nhau lần lượt xuất gia, nhập vào Tăng đoàn đức Thế Tôn, ngài Mahanam đến gặp cậu em A-na-luật bảo:
– Này em, gia đình ta chưa có ai xuất gia làm Sa-môn. Hai anh em mình phải có một người xuất gia theo Phật mới được.
Cậu đáp:
– Từ trước tới giờ em quen sống được chăm sóc chu đáo. Em không thể xuất gia làm Sa-môn được đâu anh.
– Thế thì em coi sóc ruộng vườn đi, anh sẽ xuất gia.
– Coi sóc ruộng vườn là làm sao?
Cậu không biết đến cả chuyện thực phẩm từ đâu có, làm sao biết việc trông nom ruộng vườn?
Có lần ba vương tử A-na-luật, Bạt-đề và Kiếp-tân-na bàn tán về vấn đề: “Cơm từ đâu có?”. Kiếp-tân-na nói trước:
– Cơm lấy từ kho ra.
(Kiếp-tân-na từng thấy người ta đem gạo chất vào kho nên tưởng rằng cơm từ kho mà có).
Bạt-dề bảo Kiếp-tân-na:
– Cậu chẳng biết gì cả. Cơm lấy từ trong nồi cơm. (Một hôm Bạt-đề thấy cơm được bới từ nồi nấu cơm ra nên bảo cơm từ nồi mà có).
A-na-luật bảo hai vương tử:
– Các cậu đều không biết gì. Cơm lấy từ chiếc liễn vàng có quai nạm ngọc kia. (Cậu chưa từng thấy người ta giã gạo hay nấu cơm, chỉ thấy cơm sau khi đã được múc từ nồi nấu ra, đặt trước mặt cậu trong chiếc liễn vàng).
Như vậy, làm sao vị vương tôn có phước báo lớn này lại rành chuyện ruộng vườn?
Vương tử Mahanam bảo:
– Này A-na-luật, anh sẽ cho em hay một gia chủ phải làm gì nhé! Trước hết em cho cày ruộng..
Ông bắt đầu giảng giải cho em nghe các thứ công việc. Nghe anh liệt kê một dọc nhiệm vụ công tác mà một vị chủ nhân phải đảm đương, cậu nói:
– Em chẳng làm xong vai trò chủ nhân ấy đâu.
Em xin phép mẫu thân xuất gia làm Sa-môn. Cùng với năm ông hoàng khác của dòng Thích Ca, cậu từ giã thành Ca-tỳ-la-vệ, trước hết đến vườn xoài Anupiya gặp Phật xin xuất gia. Tôn giả tu hành tinh tấn và sau một thời gian chứng Tam minh. Tôn giả có thể dùng Thiên nhãn thấy suốt ba ngàn đại thiên thế giới dễ dàng như ngắm trái cây trong lòng bàn tay. Ngồi trên đơn, Tôn giả ngâm kệ:
Ta biết hết đời ta những kiếp trước
Ta đã đắc thiên nhãn, đắc thần thông.
Tam thông ta đạt, và ta thấu triệt.
Giáo pháp nhiệm mầu của đức Thế Tôn.
Rồi Tôn giả suy nghĩ: “Ta đã làm những gì để được như vậy?”. Liền khi ấy, Tôn giả biết: “Vào thời Phật Padumuttara, ta đã có lời phát nguyện. Sau thời gian luân hồi qua lại, ta được tái sanh ở Ba-la-nại vào thời nọ và sống bằng nghề làm mướn cho quan chưởng khố Sumana. Tên ta là Annabhàra”.
Tôn giả ngâm kệ tiếp:
Trong một kiếp ta là người cắt cỏ
Tên Annabhàra, kẻ làm mướn nghèo cùng
Ta đã cúng dường bữa cơm thật khiêm nhường
Cho vị Phật Uparittha danh tiếng.
Bỗng Tôn giả chợt nghĩ: “Quan chưởng khố Sumana bây giờ ở đâu? Ông đã tặng ta tiền đổi lấy phần cơm ta cúng dường Phật Uparittha, và nhận phần phước đức cúng dường ấy”. Tôn giả liền thấy được quan chưởng khố ngay: “Nơi rừng Vinjha, tại một chân núi ở thị trấn Munda, có Phật tử tên là Mahà Munda. Con trai lớn của ông tên là Mahà Sumana, còn người con trai thứ tên là Culla Sumana, chính là quan chưởng khố Sumana tái sinh”.
Thấy được quan chưởng khố rồi, Tôn giả nghĩ tiếp: “Ta có nên đến đấy không?” Tôn giả quán sát và thấy rằng khi Tôn giả vừa gặp, Culla Sumana tuy mới bảy tuổi cũng sẽ xuất gia và đắc quả A-la-hán rất nhanh. Quán sát xong xuôi, vì mùa mưa sắp đến, Tôn giả dùng thần thông bay đến cổng làng.
_______________________
Chuyện hiện tại:
Sa-Di Sumana Và Long Vương
Trong một kiếp quá khứ, Phật tử Mahà Munda là bạn thân của Tôn giả A-na-luật. Do đó, đến giờ khất thực, thấy Tôn giả đắp y, ông bảo người con trai lớn là Mahà Sumana:
– Này con, Trưởng lão A-na-luật tôn quý của cha đã đến. Nếu thấy chưa có ai cầm bát Ngài, con hãy ra đỡ bát đem vào đây, cha sẽ sửa soạn chỗ ngồi cho Ngài.
Mahà Sumana vâng lời. Phật tử Munda tiếp rước cúng dường hết sức chu đáo, và thỉnh Tôn giả ở lại an cư mùa mưa. Ngài nhã nhặn nhận lời. Suốt ba tháng an cư, vị Phật tử thuần thành chăm sóc Tôn giả cung kính tận tình như chỉ mới một ngày vậy.
Đến buổi đại lễ Pavàranà, ông đem đường mật, dầu ăn, gạo.v.v.. đặt dưới chân Tôn giả, thưa:
– Bạch Ngài, xin Ngài nhận những phẩm vật này.
– Thôi đủ rồi, đạo hữu, tôi chẳng dùng các thứ này mấy.
– Bạch Ngài, đây là phần thường cúng dường cho các vị an cư. Thỉnh Ngài nhận cho con.
– Thôi đủ rồi, đạo hữu ạ.
– Bạch Ngài, sao Ngài không nhận?
– Tôi không có Sa-di thị giả.
– Bạch Ngài, vậy xin cho con trai tôi, Mahà Sumana, làm Sa-di thị giả Ngài.
– Này đạo hữu, Mahà Sumana chắc không được.
– Vậy xin Ngài nhận Culla Sumana vào Tăng đoàn.
– Tốt lắm.
Tôn giả nhận lời rồi, cho Culla Sumana xuất gia. Chưa bao lâu cậu đã đắc quả A-la-hán. Tôn giả ở lại thêm nửa tháng rồi nghĩ: “Ta sẽ về thăm đức Thế Tôn”. Từ biệt gia quyến ông Mahà Munda, Tôn giả bay đến vùng Hy Mã, và đáp xuống ở Arannakutika.
Tôn giả vốn tính rất năng động nên sau một đêm kinh hành vào giấc đầu hôm và giấc khuya, Tôn giả bị chứng khó tiêu. Chú Sa-di để ý thấy thầy tái xanh, hốc hác, bèn thưa hỏi:
– Bạch thầy, thầy bị bệnh sao ạ?
– Ta bị khó tiêu.
– Bạch thầy, có bao giờ thầy bị bệnh này chưa?
– Có.
– Bạch thầy, lấy thuốc gì chữa?
– Này chú, nếu ta uống nước hồ Anotatta thì ổn ngay.
– Vậy con sẽ đi kiếm nước ấy.
– Này Sa-di, chú có làm được không?
– Bạch thầy, được ạ!
– Thế thì long vương Pannaka đang ở hồ Anotatta biết ta. Hãy cho vị ấy biết là chú đến xin một bình nước làm thuốc.
– Vâng ạ.
Chú Sa-di đảnh lễ thầy, bay lên không trung đến hồ Anotatta cách đó năm trăm hải lý.
Hôm ấy long vương đang định mở hội vui chơi dưới nước, có ca vụ giúp vui. Do đó thấy chú Sa-di đến gần, long vương nổi giận, nói thầm: “Tên Sa-di trọc đầu kia đi lung tung chân bắn cả bụi đất lên đầu ta. Chắc hẳn kiểu này là đi lấy nước ở hồ Anotatta về uống đây. Được, ta sẽ chẳng cho hắn một giọt nào tất”. Long vương bèn nằm xuống, giương vây ra che kín hết cái hồ rộng đến năm mươi hải lý, như ta lấy chiếc dĩa lớn đậy lên cái ấm. Chú Sa-di quan sát thấy cung cách Long Vương, bèn nghĩ: “Ngài đang giận”. Chú nói kệ:
Hãy nghe, hỡi Long vương!
Kẻ sức mạnh phi thường
Và sức nóng kinh khiếp,
Ta vượt bao dặm đường
Đến xin người chút nước
Vì chữa bệnh thầy ta.
Long vương đáp:
– Nơi phía đông có dòng sông hùng mạnh,
Tuôn chảy ra biển cả, gọi sông Hằng,
Đến đấy đi, đến lấy nước mà uống!
Chú Sa-di nghe, nghĩ thầm: “Con rồng này không muốn cho ta nước. Vậy phải dùng vũ lực, hiện đại thần thông lấy nước mới được”. Chú bảo Long vương:
– Đại vương, thầy tôi dạy phải lấy nước hồ Anotatta chứ không lấy ở đâu khác. Giờ tôi phải lấy nước này thôi. Đại vương đi đi, chớ kiếm cách cản trở tôi mãi.
Chú nói kệ:
Chỉ nước hồ này tôi mới lấy
Chỉ nước hồ đây tôi mới cần
Nếu đủ quyền năng và sức mạnh
Tự điều phục đi, hỡi rồng thần!
Long vương đáp:
Sa-di! Lời ngươi ta tán thán.
Nếu ngươi đủ sức, đủ trưởng thành,
Thì nước hồ ta, ngươi cứ lấy,
Trổ tài cho xứng bực hùng anh.
Sumana trả lời:
– Đại vương, vậy thì tôi lấy nước đây.
Long vương thách:
– Ngươi lấy được cứ lấy.
– Được lắm. Quyết định chắc chắn một lời thôi đấy.
Chú buộc long vương phải nói ba lần như trên. Rồi chú tự nghĩ: “Ta cần phải biểu dương sức mạnh giáo pháp Phật-đà ngay trong chuyện lấy nước này”. Chú bay lên trời gặp chư thiên. Chư thiên đảnh lễ chú, thưa:
– Bạch Ngài, Ngài cần gì?
– Sắp có trận chiến xảy ra giữa tôi và long vương Pannaka, ngự ở hồ Anotatta. Mời chư vị đến xem ai thắng bại.
Cứ thế, chú đi mời Tứ Thiên Vương, Đế Thích, Suyyama, Santusita, Paranimmita-Vasavatì, và nói như trên. Rồi chú đi xa hơn, đến tận chín cõi trời Phạm Thiên. Chín vị Phạm thiên đều đến đảnh lễ chú và thưa:
– Bạch Ngài, Ngài cần gì?
Chú lại nói như trên. Như vậy, chú qua hết các thế giới chỉ trong chốc lát, viếng tất cả cõi trời, trừ ra cõi Vô Tưởng và cõi Vô Sắc Đại Phạm, và chú cũng nói những lời ấy. Tất cả chư Thiên tụ hội trên hồ Anotatta, đông kín đặc bầu trời y như khi ta đổ bột chì vào trong đấu vậy. Xong xuôi, chú Sa-di mới đứng trên không bảo long vương:
Hãy nghe, hỡi Long vương!
Kẻ sức mạnh phi thường,
Và sức nóng kinh khiếp,
Ta vượt bao dặm đường
Đến xin ngươi chút nước
Về chữa bệnh thầy ta.
Long vương đáp:
Sa-di! Lời ngươi ta tán thán
Nếu ngươi đủ sức, đủ trưởng thành
Thì nước hồ ta, ngươi cứ lấy,
Trổ tài cho xứng bực hùng anh.
Buộc long vương phải nói ba lần như vậy xong, chú Sa-di liền hiện thân thành Phạm thiên cao mười hai hải lý, từ trên không bay xuống đạp lên vây long vương, ép đầu hắn xuống, rồi dùng hết sức bình sinh đè lên người long vương. Giống như người có sức mạnh đạp tấm da ướt, chú Sa-di vừa đạp lên chiếc vây long vương, nó liền cuộn từ khúc cỡ bằng cái muỗng và tuột đi. Từ mỗi chỗ khúc cuộn tuột đi đó, bắn lên những vòi nước cao bằng thân cây thốt nốt. Chú chỉ việc đứng trên không trung đưa bình ra hứng.
Chư thiên trầm trồ tán thán. Quá hổ thẹn và căm giận chú Sa-di, mắt long vương quắc lên, đỏ như dâu chín, lòng tự nghĩ: “Gã này rủ rê chư thiên đến rồi đạp lên vây ta để làm nhục. Ta sẽ tóm hắn, cho tay hắn vào mồm ta và bóp nhừ tim hắn ra. Hoặc ta sẽ túm chân hắn ném xuống sông Hằng”. Long vương giở hết tốc lực đuổi theo chú Sa-di, nhưng vẫn không kịp.
Sumana về đến nơi liền đặt bình nước vào thay thầy chú, thưa:
– Bạch thầy, mời thầy dùng nước.
Lúc ấy, long vương vừa đuổi theo đến nơi, vội thưa Tôn giả:
– Bạch Ngài, vị Sa-di của Ngài đã lấy nước mà tôi không cho. Xin Ngài chớ uống.
– Này Sa-di, đúng như vậy không?
– Bạch thầy, mời thầy cứ việc dùng. Nước này là chính long vương đã cho con đấy ạ.
Tôn giả biết chú Sa-di đắc quả A-la-hán không thể nói lời vọng ngữ nên liền uống. Được vài ngụm, Tôn giả thấy dễ chịu.
Long vương bạch:
– Bạch Ngài, vị Sa-di của Ngài đã gọi chư Thiên đến và làm nhục tôi trước mặt họ. Tôi định xé tim chú ấy ra, hoặc túm chân ném chú xuống sông Hằng.
– Đại vương, vị Sa-di này có đại thần thông, Đại vương không đánh lại đâu. Vậy hãy sám hối mà đi về.
Không cần ai nói long vương cũng biết dư chú Sa-di có đại thần thông, rượt theo chú chẳng qua vì quá mất mặt mà thôi. Do đó long vương vâng lời Tôn giả, sám hối chú Sa-di và kết bạn với chú. Long vương nói:
– Từ rày trở đi khi nào cần nước hồ Anotatta, Ngài khỏi phải nhọc mình đi lại. Xin nhắn một tiếng, tôi sẽ đích thân mang đến.
Rồi long vương từ biệt.
Tôn giả A-na-luật đem chú Sa-di theo về. Đức Thế Tôn biết Tôn giả đang trên đường đến gặp Ngài, bèn ở lại lâu đài Mẹ Migara chờ. Các thầy Tỳ-kheo thấy Tôn giả đến đều ra đón, đỡ y bát cho Tôn giả. Vài thầy xoa đầu, nhéo tai Sumana, đùa:
– Sa-di ơi, chú không thấy tu hành cực khổ sao?
Đức Phật thấy vậy nghĩ: “Các Sa-môn này đùa cợt chú Sa-di thật là lầm lớn. Các ông ấy tự do cầm nắm người chú như ta tóm cổ một con rắn độc, không biết chú có đại thần thông. Hôm nay ta nên cho họ biết tài đức của Sa-di Sumana”.
Trưởng lão A-na-luật đến đảnh lễ Phật và ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn thân mật hỏi Tôn giả, rồi quay sang bảo ngài A-nan:
– Này A-nan, ta muốn lấy nước hồ Anotatta để rửa chân. Ông hãy đưa bình đựng nước cho các Sa-di đi lấy nước!
Tôn giả A-nan cho gọi hết năm trăm vị Sa-di của tinh xá, trong đó có Sumana nhỏ tuổi nhất. Tôn giả bảo chú Sa-di lớn nhất:
– Này Sa-di, đức Thế Tôn muốn rửa chân bằng nước hồ Anotatta. Hãy mang bình đi lấy nước nghe.
– Bạch Ngài, con không làm việc ấy được.
Chú Sa-di lớn tuổi nhất không muốn đi liền thưa vậy. Tôn giả lần lượt hỏi các Sa-di khác, chú nào cũng từ chối. Thế không có vị Sa-di nào đắc quả A-la-hán sao? Tất nhiên là có, nhưng sở dĩ các vị từ chối vì biết: “Lẵng hoa này chẳng phải kết dành cho chúng ta. Chính là vì Sa-di Sumana đấy”. Còn những vị chưa đắc quả Tu-đà-hoàn thì từ chối vì họ biết không đủ sức đảm đương công tác ấy.
Cuối cùng đến phiên Sumana. Tôn giả A-nan lặp lại:
– Này Sa-di, đức Thế Tôn muốn rửa chân bằng nước hồ Anotatta, và biểu chú đem bình đi lấy nước.
– Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn muốn con đi lấy nước, con sẽ đi.
Chú đảnh lễ Phật, thưa:
– Bạch Thế Tôn, con được biết Ngài muốn con đi lấy nước hồ Anotatta.
– Đúng thế, Sumana.
Chú chọn trong đám bình hũ bằng vàng của tinh xá do bà Visàkhà đặt làm để cúng dường, một chiếc hũ lớn bằng sáu mươi bình nước thường. Chú tự bảo: “Mình chẳng cần quảy nó lên vai làm chi”. Chú xách hũ lủng lẳng nơi tay, bay vút lên không, nhắm hướng vùng Hy Mã thẳng tiến.
Chú Sa-di còn ở xa, long vương đã thấy vội ra đón, đỡ chiếc hũ đặt lên vai mình và nói:
– Bạch Ngài, chừng nào Ngài còn có con hầu hạ trong cõi giới này, Ngài đâu cần nhọc sức tự mình đi? Nếu cần nước, sao Ngài không tin cho con hay?
Đổ nước đầy hũ rồi tự vác lên vai, long vương thưa:
– Xin Ngài đi trước, con sẽ đích thân mang hũ nước.
– Đại vương đừng đi. Đức Thế Tôn biểu tôi đi đấy.
Chú buộc long vương phải quay lại, và đưa tay cầm miệng hũ, chú bay lên biến mất dạng vào không trung.
Đức Phật thấy chú về, bảo các thầy Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, các ông hãy xem vẻ trang nhã của chú Sa-di. Chú bay trong không trung thanh thoát như một con ngỗng chúa.
Sumana đặt hũ nước xuống, đảnh lễ Phật. Phật hỏi:
– Sumana, con bao nhiêu tuổi?
– Bạch Thế Tôn, con được bảy tuổi.
– Vậy thì Sumana, hôm nay con được thọ giới Tỳ-kheo.
Và đức Phật truyền giới cụ túc cho Sumana. Trong Tăng đoàn tương truyền chỉ có hai vị Sa-di bảy tuổi được thọ cụ túc giới: Sumana và Sopàka.
Sumana được thọ giới Tỳ-kheo rồi, các thầy Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:
– Chư huynh đệ, thật là một việc tốt đẹp biết bao! Vị Sa-di này thần thông thật là siêu việt. Chúng ta chưa từng thấy thần thông cao tuyệt như thế.
Lúc ấy, đức Phật đi đến hỏi:
– Này các Tỳ-kheo, các ông tụ hội ở đây bàn luận việc gì?
Khi nghe các thầy bạch lý do, Ngài bảo:
– Này các Tỳ-kheo, sự chứng đắc ấy ngay cả một Tỳ-kheo nhỏ tuổi vẫn có thể đạt được trong giáo pháp ta, nếu người ấy tinh tấn.
Ngài nói kệ:
(382) Tỳ-kheo tuy nhỏ tuổi,
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây.