Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Tỳ Kheo
Người Bà La Môn Cúng Dường Năm Lần Thành Quả Đầu Tiên
Hoàn toàn, đối danh sắc …
Đức Thế Tôn dạy những lời này khi Ngài đang ở tại Kỳ Viên, liên quan đến người Bà-la-môn cúng dường năm lần thành quả đầu tiên.
Khi Phật ở Kỳ Viên, có một người Bà-la-môn làm ruộng. Lúc lúa chín, ông cúng dường những bông lúa cắt đầu tiên ngoài đồng. Lúa đem về đập, ông cúng dường những hạt lúa đập xong trước tiên. Khi cất lúa vào bồ, ông lại cúng dường phần lúa đổ trong bồ đầu tiên. Khi dược nấu thành cơm, ông cúng dường bát cơm đầ tiên bới trong nồi. Khi dọn ra dĩa, ông lại cúng dường những hạt cơm đầu tiên múc ra dĩa. Cúng dường năm lần như vậy cho người nào hiện diện lúc ấy, ông không hề nếm một miếng cho đến lúc cúng xong, do đó được gọi là”người cúng năm ần thành quả đầu tiên”.
Đức Phật quan sát căn cơ biết hai vợ chồng ông có thể chứng A-na-hàm bèn đi đến nhà ông khất thực. Lúc ấy, ông Bà-la-môn ngồi ăn cơm trong nhà, xây lưng ra ngoài cửa, do đó không thấy đức Thế Tôn. Bà vợ ông ta đang dọn ăn cho chồng, thấy đức Phật bèn nghĩ thầm:
– Chồng ta sau khi cúng dường năm lần, bây giờ đang ăn cơm. Nếu thấy Sa-môn Cồ-đàm, ông sẽ cúng hết phần cơm của mình, mà ta thì không thể nấu cơm cho ông được nữa.
Nghĩ vậy bà bèn đứng sau lưng chồng, muốn che hình ảnh đức Phật không cho chồng thấy, tưởng như lấy tay che được mặt trăng tròn. Bà đứng vậy rồi liếc mắt trông chừng Thế Tôn, tự nói thầm: “Ông đã đi hay chưa?” Đức Thế Tôn vẫn đứng yên một chỗ. Bà vợ ráng không thốt thành tiếng: “Ông đi đi chứ”, sợ chồng mình nghe được. Nhưng một lát sau, bà bước lui và nói thật khẽ: “Ông đi đi”.
– Ta không đi.
Đức Phật khởi nghĩ như thế và lắc đầu. Khi đức Phật, bậc Đạo sư của trời người, nghĩ thầm: “Ta không đi” và lắc đầu, bà vợ ông Bà-la-môn không nén nổi, bật cười lớn. Đức Phật liền phóng một đạo hào quang, hiện hình Ngài trong nhà. Người Bà-la-môn đang ngồi quay lưng về phía Phật, vừa nghe tiếng cười của vợ, thì cũng thấy cả đạo hào quang sáu sắc và hình ảnh Phật. Bởi vì chư Phật, dù ở làng mạc hay rừng sâu, không bao giờ đi khỏi khi chưa hiện thân trước những người có cơ duyên đắc đạo. Người Bà-la-môn trông thấy Phật rồi, ông lật đật rầy vợ:
– Bà này hại tôi! Khi Thái tử đứng trước nhà ta, sao bà không báo trước cho tôi biết? Bà có lỗi lớn đa nghe!
Và ông mang đĩa cơm đang ăn dở, đem ra trước Phật nói:
– Thưa Sa-môn Cù-đàm, sau khi cúng dường năm thành quả đầu tiên, tôi dùng bữa trưa. Đây là phần cơm của tôi, tôi chia làm hai, và ăn một nửa, Ngài có thể nhận phần cơm này không?
Thay vì trả lời:
– Ta không nhận cơm ông ăn dư.
Đức Phật nói:
– Này Bà-la-môn, dù là phần còn lại hay đầu tiên cũng được, chúng ta cũng giống như quỷ thần, sống bằng những thức ăn bố thí.
Ngài nói kệ:
Dù phần đầu, phần giữa, phần dư,
Người khất thực đều vui lòng nhận,
Không phiền hà, trách móc dư thừa,
Người khôn ấy chính bậc chánh trí.
Ông Bà-la-môn nghe Phật nói như vậy trong lòng rất vui mừng, liền xưng tụng:
– Thái tử thật kỳ diệu, Ngài ở địa vị vua của thế gian, thay vì nói “Ta không ăn cơm thừa của ông”, lại nói như trên.
Và vẫn đứng ở cửa, ông hỏi tiếp:
– Thưa Ngài, Ngài gọi các đệ tử là “Tỳ-kheo”. Vậy những điều gì làm nên một Tỳ-kheo?
Đức Phật nghĩ thầm: “Ta sẽ giảng cho người này bằng cách nào đây để được lợi ích nhất? Vào thời Phật Ca-diếp, Ngài giảng cho hai ông bà này nghe về Thân và Tâm, nay ta cũng sẽ giảng cho ông như vậy”.
Ngài bảo:
– Này Bà-la-môn, một vị Tỳ-kheo là người không bị ràng buộc, cột trói bởi những gì thuộc về Danh (Tâm) hay Sắc (Thân).
Ngài nói kệ:
(367) Hoàn toàn, đối danh sắc,
Không chấp ta, của ta,
Không chấp, không sầu não,
Thật xứng danh Tỳ-kheo.