Nội Dung Chính
Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Tạp Lục
Sa-Môn Giết Cha Mẹ
Sau khi giết mẹ cha…
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya.
Một thời, đức Thế Tôn đang ở tại Kỳ Viên, có một số Tỳ-kheo đến viếng thăm Ngài. Sau khi đảnh lễ, các thầy kính cẩn lui ngồi một bên. Khi ấy Tôn giả Lakuntaka Bhaddiya đi ngang đấy không xa. Đức Phật biết tâm của các Tỳ-kheo đúng lúc, Ngài nhìn Tôn giả và nói với các Tỳ-kheo.
– Các ông hãy nhìn kia! Đó là Tỳ-kheo đã giết cha, giết mẹ, thoát khổ đau.
– Đức Thế Tôn nói gì thế?
Các Tỳ-kheo kêu lên, nhìn nhau, nghi ngờ, và hỏi Phật:
– Bạch Thế Tôn! Ngài nói gì?
Phật bèn nói kệ:
(294) Sau khi giết mẹ cha,
Giết hai vua Sát-lợi,
Giết vương quốc, quần thần,
Vô ưu, Phạm chí sống.
Nghe xong các thầy chứng A-la-hán.
Câu chuyện liên quan câu kệ sau cũng giống như chuyện trên, Phật cũng nói về Tôn giả Lakuntaka:
(295) Sau khi giết mẹ cha,
Hai vua Bà-la-môn,
Giết hổ tướng thứ năm (nghi)
Vô ưu, Phạm chí sống.
[Theo Chú Giải: “… Mẹ (mata) là ẩn dụ cho lòng tham ái (tanha), và cha (pita) là ẩn dụ của ngã mạn (mana). Chính vì tham ái và ngã mạn mà ta phải tái sinh nhiều đời, nhiều kiếp trong cõi ta bà luân hồi này. Hai vị vua chính là hai biên kiến của vô minh: thường kiến (eternalism) và đoạn kiến (annihilationism), thường tạo ra nhiều tranh cãi vô ích, cần phải được phá bỏ. Vương quốc lãnh thổ kia chính là 6 căn và 6 trần: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, và sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vị Quốc khố đại thần (treasurer) là để chỉ lòng tham đắm dục lạc phát sinh và chất chứa từ 6 căn đó. Sau cùng, hổ tướng thứ năm chính là con quỷ thứ năm làm cản trở sự định tâm, phát tuệ. Đó là “nghi” của 5 triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, và hoài nghi. Sau khi đã đoạn diệt tất cả các chướng ngại nầy thì hành giả mới thong dong, tự tại, đi đến giải thoát …”