Nội Dung Chính
Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Tạp Lục
Cô Gái Đức Hạnh
Người lành dù ở xa…
Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Kỳ Viên, liên quan đến Cullà Subhaddà, con gái ông Cấp Cô Độc.
Thời còn niên thiếu, Cấp Cô Độc có một người bạn thân tên Úc-già, cũng con nhà Trưởng giả, họ cùng học chung một thầy, và cùng hứa hẹn rằng sau này khi thành gia thất, cả hai sẽ gả con cho nhau để kết thêm tình thân ái. Và sau đó Cấp Cô Độc cùng Úc-già đều trở thành trưởng giả tại thành phố của mình.
Trong một chuyến buôn xa, Trưởng giả Úc-già đến thành Xá-vệ với năm trăm cỗ xe. Ông Cấp Cô Độc bèn kêu con gái, cô Cullà Subhaddà, đến dặn dò:
– Này con, cha con – ông Úc-già – đến viếng nhà, con hãy săn sóc ông thật đầy đủ.
– Thưa cha, vâng.
Và khi ông Úc-già đến, cô đích thân sửa soạn thức ăn với đầy đủ hương liệu, chuẩn bị phấn, kem, nước thơm, dầu xức… tất cả tiện nghi cho ông. Sau khi ông dùng bữa, cô chăm sóc phòng tắm một cách chu đáo làm tròn phận sự mình.
Trưởng giả Úc-già nhận thấy cô hoàn toàn, nên hả dạ lắm. Trong một buổi nói chuyện tương đắc, ông nhắc lại với Cấp Cô Độc lời hứa ngày xưa, và xin cưới cô Cullà cho con trai mình. Trưởng giả Úc-già theo ngoại đạo, nên ông Cấp Cô Độc đến hỏi ý kiến Phật. Thế Tôn biết Úc-già có duyên chứng Thánh quả nên khuyên ông nhận lời; và Cấp Cô Độc sau khi bàn với vợ, đã đồng ý với Úc-già, rồi định ngày hôn lễ.
Như Trưởng giả Dhananiaya khi gả cô Visàkha, Trưởng giả Cấp Cô Độc cũng cho con thật nhiều của hồi môn. Ông cũng khuyên con mười điều: “Này con, khi sống trong nhà cha mẹ chồng, chớ đem lửa trong nhà ra ngoài…”. Ông cũng cho tám người theo đỡ đầu cho cô Cullà.
– Nếu con gái ta có lỗi lầm gì với cha mẹ chồng, các ông hãy chỉ dạy nó.
Ngày hôn lễ, ông cúng dường Phật và Tăng chúng trọng thể, và để chứng tỏ những quả báo tốt đẹp của cô trong quá khứ, ông đưa cô về nhà chồng trong nghi lễ hết sức huy hoàng.
Cô Cullà đến thành của Úc-già, gia đình chồng cùng tất cả thân quyến ra đón. Giống như Visàkha, cô ngồi trên chiếc xe ngựa, đi chào khắp thành trong vẻ lộng lẫy của một cô dâu. Cô nhận quà của mọi người và đáp lại tương xứng theo sở thích mỗi người, khiến cho tất cả thành phố ca ngợi vẻ đẹp và công hạnh của cô.
Cha chồng cô thường mời các đạo sĩ lõa thể đến nhà trong các dịp lễ lớn, dịp này các thầy ấy cũng có mặt. Cha chồng cô ra lệnh:
– Hãy đến ra mắt và làm lễ tôn kính với các bậc thầy của ta.
Nhưng cô Subhaddà không thể nhìn vào các đạo sĩ lõa thể, cô từ chối không đến chào. Lần thứ hai, lần thứ ba, cô cũng không đến chào, ông cha chồng của cô nổi giận:
– Hãy đuổi con bé ấy ra khỏi nhà.
Cô trả lời:
– Không thể kết tội con mà không có nguyên nhân.
Cô mời các vị bảo hộ đến, trình bày mọi việc, và họ công nhận cô vô tội.
Ông trưởng giả thuật chuyện với vợ và bảo:
– Con dâu ta từ chối không làm lễ các đạo sĩ vì nó cho rằng các thầy ấy khiếm nhã.
Bà hỏi:
– Tư cách của các thầy nó thế nào mà nó tôn kính đến vậy?
Bà gọi con dâu đến hỏi:
Các thầy con khen ngợi
Tư cách họ ra sao?
Giới luật gì họ giữ?
Tu tập những hạnh nào?
Để trả lời, cô Subhaddà ca tụng ân đức của Phật và các đệ tử Phật:
Căn các thầy thanh tịnh,
Tâm các thầy thanh tịnh.
Thanh tịnh khi thầy đi,
Khi đứng cũng an định.
Mắt thầy luôn nhìn xuống,
Miệng ít khi nói năng,
Các sa-môn thầy con,
Thân khẩu ý tịch lặng,
Như hạt ngọc không tỳ,
Trong lẫn ngoài đều sáng.
Phẩm hạnh luôn xứng đáng
Các thầy con như vậy.
Thế gian buồn khi mất,
Khi được thì vui mừng.
Các thầy con không thế,
Được mất đều dửng dưng.
Vinh danh thế gian vui,
Hổ danh thế gian sầu.
Các thầy con không vậy,
Vinh nhục tâm chẳng màng.
Thế gian mừng được khen
Thế gian buồn bị chê.
Các thầy con không thế,
Điềm nhiên dù khen chê.
Thế gian khóc cười theo,
Khổ vui trong cuộc sống.
Các thầy con thanh thản,
Vui khổ chẳng động lòng.
Với các câu trả lời như thế, Subhaddà làm mẹ chồng hài lòng. Bà hỏi:
– Chúng ta có thể gặp các thầy của con?
– Thưa, được.
– Tốt lắm, hãy sắp đặt để chúng ta được gặp.
Subhaddăa liền chuẩn bị nhiều phẩm vật cho Phật và chúng Tăng. Cô leo lên lầu cao, hướng về phía Thế Tôn, đảnh lễ năm vóc sát đất, tưởng niệm ân đức Phật-đà, tôn kính Phật bằng hương thơm, hoa và nhang trầm, cô tung lên hư không một vốc hoa lài và thốt lên:
– Bạch đức Thế Tôn, con thỉnh Ngài và chư Tăng ngày mai đến nhà con. Xin để cho Ngài biết rằng con đã cung thỉnh.
Hoa lài bay qua hư không, kết lại thành tràng, dừng trước đức Phật, khi Ngài đang giảng pháp cho chúng hội.
Vào lúc ấy, Trưởng giả Cấp Cô Độc cũng thỉnh Phật đến nhà ngày mai. Phật trả lời:
– Này Trưởng giả, Ta đã nhận lời mời của người khác.
– Nhưng, đâu có ai đến trước con, Ngài đã nhận lời ai?
– Cullà Subhaddà mời Ta.
– Con gái con ở cách xa đây hơn một trăm hai mươi dặm, làm sao mời được?
– Đúng thế, nhưng người lành dù ở xa, vẫn hiện rõ như ở gần.
Ngài nói kệ:
(304) Người lành dù ở xa,
Sáng tỏ như núi tuyết.
Người ác dầu ở gần,
Như tên bắn đêm đen.
Vua trời Đế Thích biết đức Phật nhận lời thỉnh của Subhaddà, ra lệnh cho thần Vissakamma:
– Hãy hoá hiện năm trăm ngôi tháp, ngày mai đưa Phật và chúng Tăng đến thành của Úc-già.
Ngày hôm sau, Vissakamma biến đủ năm trăm ngôi tháp và đứng đợi ở cổng Kỳ Viên. Đức Phật đem theo năm trăm vị A-la-hán, và Ngài cùng chúng Tăng ngồi vào tháp, bay đến thành Úc-già. Trưởng giả Úc-già cùng gia quyến theo sự chỉ dẫn của Subhaddà đứng đợi ở con đường Phật sẽ đến. Ông thấy đức Phật và chúng Tăng đi đến trong vẻ trang nghiêm siêu phàm, lòng tràn đầy hoan hỷ. Ông tỏ lòng cung kính rất mực, rước Phật và chúng Tăng vào nhà, tung hương rải hoa, cúng dường long trọng, thỉnh Phật ở lại bảy hôm. Phật thuyết pháp, và sau đó Trưởng giả Úc-già cùng tám mươi bốn ngàn người đều đắc Pháp nhãn. Đặc biệt ban ân cho Subhaddà, Phật chỉ định Tôn giả A-nậu-lâu-đà ở lại. Từ đó, dân thành Úc-già trở nên thần thành, giàu tâm đạo.