Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Sân Hận
Không Có Gì Quá Nhiều, Quá Ít.
A-tu-la nên biết …
Câu chuyện này xảy ra khi đức Phật ở tại Kỳ Viên, liên hệ đến nam cư sĩ Atula.
Atula (Tu-lại) là một thiện tín sống ở Xá-vệ, và có một nhóm bạn năm trăm Phật tử. Một ngày nọ ông dắt cả năm trăm người đi đến tinh xá nghe pháp. Đầu tiên họ đến bên Tôn giả Ly-bà-đa (Revata), cung kính đảnh lễ và ngồi một bên. Tôn giả là người ưa độc cư, yêu thích cô độc như một con sư tử yêu thích cô đơn, nên Ngài không nói gì với họ.
Tu-lại nghĩ thầm: “Tôn giả chẳng nói năng chi”. Cả nhóm đứng dậy đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, và cung kính đứng bên. Tôn giả hỏi:
– Các ông đến gặp ta có chuyện gì?
Tu-lại thưa:
– Bạch Tôn giả, con đưa các bạn đi nghe pháp và đã gặp ngài Ly-bà-đa. Nhưng Ngài chẳng nói gì, nên con bất mãn và đến đây. Xin Tôn giả thuyết pháp cho chúng con.
– Tốt lắm. Các ông hãy ngồi xuống.
Và Tôn giả Xá-lợi-phất giảng giải về A-tỳ-đàm tràng giang đại hải.
Tu-lại nghĩ thầm: “A-tỳ-đàm rất khó hiểu, Tôn giả chỉ giảng giải pháp ấy cho ta quá dài, điều ấy đâu có ích lợi gì?” Và ông bực bội dẫn chúng bạn đi đến chỗ Tôn giả A-nan. Tôn giả hỏi:
– Có việc gì thế cư sĩ?
Tu-lại thưa:
– Thưa Tôn giả, chúng con đến chỗ Ngài Ly-bà-đa mong được nghe pháp. Tôn giả chẳng nói lời nào. Chúng con đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, và Ngài dạy quá nhiều về A-tỳ-đàm với tất cả chi tiết. Chúng con chẳng hiểu gì cả và buồn bực Tôn giả ấy, nên đến đây. Xin Tôn giả thuyết pháp cho chúng con.
– Tốt lắm, hãy ngồi xuống và lắng nghe.
Tôn giả nói pháp cho họ, ngắn gọn và dễ hiểu. Nhưng họ cũng bực tức, bỏ đi và đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ rồi lui ngồi một bên. Phật hỏi:
– Vì sao các ông đến đây?
– Bạch Thế Tôn, chúng con nghe pháp.
– Nhưng các ông đã nghe rồi.
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Ly-bà-đa chẳng nói lời nào, Tôn giả Xá-lợi-phất giảng dạy quá nhiều, Tôn giả A-nan lại nói ngắn quá, chúng con không vui nên đến đây.
Phật nghe xong và quở:
– Này Tu-lại, từ xưa đến nay, người ta luôn chê bai. Người không nói, người nói nhiều, người nói ít đều bị chê, không ai hoàn toàn được khen, cũng không ai hoàn toàn bị chê. Ngay cả các bậc Đế vương cũng được người khen kẻ chê. Ngay cả đại địa, mặt trời, mặt trăng, ngay cả một vị Phật, ngồi giữa tứ chúng mà thuyết pháp cũng có người khen kẻ chê. Lời khen chê của người ngu không quan trọng. Nhưng khi người học thức, thông minh khen hay chê, đó mới là đích thực.
Ngài nói kệ:
(227) A-tu-la nên biết,
Xưa vậy, nay cũng vậy,
Ngồi im, bị người chê,
Nói nhiều, bị người chê,
Nói vừa phải bị chê,
Làm người không bị chê
Thật khó tìm ở đời.
(228) Xưa, vị lai và nay,
Đâu có sự kiện này,
Người hoàn toàn bị chê,
Người trọn vẹn được khen.
(229) Sáng sáng, thẩm sát kỹ,
Bậc có trí tán thán,
Bậc trí không tỳ vết,
Đầy đủ giới, định, tuệ.
(230) Danh sáng như vàng ròng,
Ai dám chê vị ấy?
Chư thiên phải khen thưởng,
Phạm thiên cũng tán dương.