Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Hoa
Vua Vidùdabha Trả Thù Họ Thích Ca
Người nhặt các loại hoa …
Thế Tôn dạy câu này ở Xá-vệ do câu chuyện vua Lưu Ly (Vidùdabha) cùng binh lính bị lũ lụt cuốn chết.
Tại Xá-vệ có hoàng tử Ba-tư-nặc con vua Kosala, tại Tỳ-xá-ly có hoàng tử Mahàli thuộc dòng Lệ-xá, tại Câu-thi-na có hoàng tử Bandhuala con vua nước Mallas. Cả ba đều đến một vị thầy lỗi lạc ở thành Hoa Thị để học tập. Tình cờ gặp nhau trong một quán trọ ngoại thành, họ hỏi thăm nhau lý do đến đây, tên tuổi, dòng họ, và sau đó họ kết bạn với nhau. Họ cùng học chung một thấy, chẳng bao lâu sở đắc nhiều học thuật, họ rời thầy cùng lên đường về nhà.
Ông hoàng Ba-tư-nặc đã làm vua cha mãn nguyện với tài nghệ của mình nên được truyền ngôi. Ông hoàng Mahàli thì tận tụy giáo hóa các ông hoàng Lệ-xá đến nỗi mù mắt. Các ông hoàng đồng lòng cấp dưỡng cho ông, và ông tiếp tục dạy năm trăm ông hoàng Lệ-xá nhiều môn học thuật khác nhau. Riêng ông hoàng Bandhuala thì bị các ông hoàng dòng Mallas thách thức bảo chặt những bó tre gồm sáu mươi cây tre, mỗi bó có chèn thêm một thanh sắc vào giữa và được treo lơ lửng trên không. Bandhula nhảy cao tám mươi cubits (khuỷu tay) dùng kiếm chém. Khi chặt đến bó cuối, nghe tiếng sắt lách cách ông không biết tại sao, và khi hiểu tự sự ông quăng kiếm bặt khóc, trách bà con và bạn bè chẳng ai báo cho ông biết, vì nếu biết, ông sẽ có cách chặt mà không làm cho miếng sắt kêu. Xong ông thưa với cha mẹ ông xin giết hết các ông hoàng Mallas, và sẽ thay họ cai trị dân. Cha mẹ ông ngăn cản với lý do là vương quốc phải được cha truyền con nối và dùng mọi cách thuyết phục ông bỏ ý định này. Ông bèn bỏ đi đến Xá-vệ sống với bạn mình.
Vua Ba-tư-nặc nghe tin đón ông vào thành với vinh dự đặc biệt, và tấn phong chức thống lãnh quân đội. Bandhula cho mời cha mẹ đến và ngụ luôn tại Xá-vệ.
Một hôm, vua Ba-tư-nặc đứng trên sân thượng nhìn xuống đường, thấy hàng ngàn Tỳ-kheo đi thọ thực về hướng nhà ông Cấp Cô Độc, tiểu Cấp Cô Độc, Tỳ-xá-khư và Suppavàsà. Vua ngạc nhiên hỏi và khi biết rằng mỗi ngày có hai ngàn Tỳ-kheo đến nhà ông Cấp Cô Độc, năm trăm đến nhà ông Tiểu Cấp Cô Độc và cũng khoảng số đó đến nhà của Tỳ-xá-khư và Suppavàsà để nhận cúng đường thức ăn, thuốc men và nhiều thứ khác, vua cũng muốn cúng đường nên đến tinh-xá thỉnh Phật và một ngàn Tỳ-kheo đến hoàng cung thọ thực. Vua dâng cúng bảy ngày và đến ngày cuối đảnh lễ và thỉnh Phật với năm trăm Tỳ-kheo tiếp tục thường xuyên đến thọ thực. Vì chư Phật không bao giờ đến thọ thực thường xuyên một chỗ, nên Thế Tôn cử trưởng lão A-nan dẫn Tăng Chúng.
Trong bảy ngày, nhà vua đích thân sớt bát cho chúng Tăng, không cho phép ai làm thế. Đến ngày thứ tám vua xao lãng bổn phận. Các Tỳ-kheo đến cung vua thọ trai nghĩ rằng vua không hạ lệnh cho ai làm thế nên không có ai lo chỗ ngồi và phục vụ chúng Tăng. Nhiều vị bỏ đi. Ngày kế tiếp cũng vậy và thêm một số nữa ra đi. Đến hôm sau nữa, các Tỳ-kheo đi hết trừ Trưởng lão A-nan.
Những người thực sự hằng sống với chánh kiến thì làm chủ được mọi tình huống để giữ vững niềm tin cho thí chủ. Thế Tôn có hai đệ tử tăng nòng cốt là Trưởng lão Xá-lợi-Phất và Mục-kiền-liên, hai ni nồng cốt là Khemà và Liên Hoa Sắc, hai nam cư sĩ nồng cốt trưởng giả Citta và Hatthaka Alavaka, hai nữ cư sĩ nồng cốt Velukantakì, mẹ của ngài Nan-đà và Khujjutarà. Tóm lại, tất cả những môn đệ, bắt đầu với tám vị này, những vị nào đã lập nguyện, đã viên mãn Thập độ Ba-la-mật và như thế là những bậc đại công đức. Trưởng lão A-nan cũng vậy, đã lập nguyện, đã viên mãn Thập độ suốt một trăm ngàn kiếp, và đã là một bậc đại công đức. Do đó Ngài không sờn lòng trước bất cứ cảnh nào, và đã ở lại để giữ tín tâm cho nhà vua. Như vậy, chỉ một mình ngài A-nan được dâng chỗ ngồi và cúng đường.
Mãn giờ thọ trai, vua đến và thấy thức ăn còn nguyên chưa đụng đến, bèn hỏi lý do. Được biết các Tỳ-kheo đã về hết, ngoại trừ ngài A-nan, ông giận dữ thấy sự thiệt hại và đến ngay Phật thưa:
– Bạch Thế tôn, con đã chuẩn bị cho năm trăm Tỳ-kheo mà hiện giờ chỉ có một mình ngài A-nan. Thức ăn còn nguyên không ai đụng đến, mà không thấy bóng dáng các Tỳ-kheo tại hoàng cung. Xin Thế tôn cho con biết lý do.
Đức Phật không quy lỗi cho các Tỳ-kheo, chỉ trả lời:
– Đại vương, đệ tử của Ta không tin cậy nơi Đại vương. Đó là lý do họ không đến.
Rồi Phật dạy các Tỳ-kheo trong những điều kiện nào các Tỳ-kheo không bắt buộc phải đến nhà thí chủ, và điều kiện nào thích đáng để các Tỳ-kheo nên đến, trong bài kinh như sau:
– Này các Tỳ-kheo, một gia đình thí chủ nếu có chín điểm không đủ tư cách thì Tỳ-kheo không nên đến viếng. Như vậy Tỳ-kheo không đến viếng gia đình ấy vì họ không có bổn phận phải đến. Nếu họ có đến thăm thì cũng không có bổn phận phải ngồi lại. Chín điểm ấy là gì? Đó là:
1) Người trong gia đình không đứng lên đón các Tỳ-kheo một cách vui vẻ.
2) Họ không chào mời các Tỳ-kheo một cách vui vẻ.
3) Họ không mời ngồi một cách vui vẻ.
4) Họ giấu giếm những gì họ có.
5) Có nhiều, cho ít.
6) Có thức ăn thượng hạng, cho thức ăn tồi tàn.
7) Thay vì cúng dường một cách tôn kính, họ cúng dường một cách vô lễ.
8) Họ không ngồi nghe pháp.
9) Họ không nói chuyện với giọng hoan hỷ.
Ngược lại, một gia đình có chín điểm đủ tư cách thì có quyền nhận sự thăm viếng của các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo chưa đến gia đình ấy thì nên đến, đã đến rồi thì nên ngồi. Chín điểm ấy là gì?
1) Họ đứng lên để gặp các Tỳ-kheo một cách vui vẻ.
2) Họ chào hỏi một cách vui vẻ.
3) Họ mời ngồi một cách vui vẻ.
4) Họ không giấu diếm những gì họ có.
5) Có nhiều, cho nhiều.
6) Có thức ăn thượng hạng, cho thức ăn thượng hạng.
7) Họ không cúng dường một cách vô lễ. Họ cúng dường một cách tôn kính.
8) Họ ngồi nghe pháp.
9) Họ nói chuyện với giọng hoan hỷ.
Phật nói tiếp:
– Đại vương, vì lý do này đệ tử của Ta thiếu lòng tin nơi ông, vì lý do này họ đã không đến. Ngay cả những bậc minh triết thuở xưa ở nhằm một nơi không an vui, tin tưởng, dù được phục vụ đầy đủ vẫn bị khổ sở đến lâm trọng bệnh, phải bỏ đến một nơi lòng họ thấy an vui, tin cậy.
Vua hỏi chuyện xảy ra lúc nào, Thề Tôn kể lại:
_______________________
Chuyện quá khứ:
Kesava, Kappa, Nàrada Và Vua Thành Ba La Nại.
Thuở xưa khi Phạm-ma-đạt cai trị xứ Ba-la-nại có một nhà vua tên Kesava từ bỏ ngai vàng, đi tu cùng với năm trăm tùy tùng sống đời ẩn sĩ. Kappa, người giữ kho báu cho vua cũng đi tu và trở thành đệ tử của vua. Kesava và đoàn tùy tùng ở tám tháng trong xứ Hy-mã-lạp-sơn. Mùa mưa, họ đến thành Ba-la-nại tìm muối, giấm, và vào thành khất thực. Vua Ba-la-nại hân hoan đón họ, được Kesava hứa ở lại suốt bốn tháng mưa. Vua cất nhà trong vườn và sáng chiều lui tới phục vụ.
Những ẩn sĩ đệ tử của Kesava, ở đó được vài ngày thì rất bực mình vì tiếng voi và thú khác nên đến gặp Kesava cằn nhằn và đòi đi về Hy-mã-lạp-sơn. Kesava không thuận vì đã hứa ở lại bốn tháng mưa, nhưng họ vẫn khăng khăng xin đi, viện cớ họ không được thầy họ cho biết trước. Cuối cùng họ xin đến một nơi cách đây không xa, để có thể biết được tin tức vế thầy họ. Rồi họ đảnh lễ Kesava, lên đường, để lại một mình Kesava ở lại trong cung vua. Không bao lâu Kappa cũng bất mãn. Dù vị thầy cố gắng thuyết phục nhiều lần, Kappa cũng bỏ đi và gặp lại những người trước.
Vị thầy nhớ nghĩ liên miên đến các đệ tử của mình. Sau một thời gian, ông nhuốm bệnh vì nội tâm bất an. Vua mời thầy thuốc nhưng không thuyên giảm. Cuối cùng ẩn sĩ Kesava bảo vua nếu muốn cho ông được khỏe thì đưa ông đến các đệ tử. Vua chấp thuận, đặt ẩn sĩ lên giường, sai bốn quan đại thần dẫn đầu bởi Nàrada khiêng ông đến nhóm đệ tử, không quên dặn họ cho vua biết tin ẩn sĩ sống ra sao.
Kappa nghe tin đến gặp ông, và các đệ tử cũng tụ tập lại, dâng thầy nước nóng, nhiều loại trái cây. Ông khỏi bệnh chỉ trong vài ngày, thân thể trở lại màu vàng chói.
Nàrada hỏi ông:
Ngài bỏ vị vua giàu mạnh.
Sẵn lòng đáp đủ nhu cầu.
Đến Kappa, chốn Rừng sâu.
Thiếu thốn, Ngài sao an ổn?
– Cây cối đây xanh tươi, êm ả,
Làm lòng ta khoan khoái vô cùng.
Lời Kappa dịu ngọt, khiêm cung.
Ta mãn nguyện, Nàrada ạ.
– Gạo nàng hương nấu chung thịt ngọt.
Ngài từng quen vị tột đậm đà.
Nay kê cùng gạo lạt rừng già.
Mùi thanh đạm Ngài Kham có nổi?
– Vật thực cho dù ngon dù dở.
Ít oi hay là được phong nhiêu.
Tin tưởng nhau, vui sống thương yêu
Lòng tin tưởng, vị ngon nào sánh nổi?
Thế Tôn kết thúc bài học và hợp nhất.
– Vua lúc đó là Mục-kiền-liên, Nàrada là Xá-lợi-phất, đệ tử Kappa là A-nan và Ẩn sĩ là Ta. Như thế, Đại Vương, thuở xưa người trí cũng phải chịu đựng sự đau đớn và cần đến nơi xứng đáng với lòng tin. Đệ tử của Ta không tin cậy ông, không còn nghi ngờ gì nữa.
_______________________
(Hết chuyện quá khứ)
Nhà vua vì muốn mua chuộc lại lòng tin của Tăng đoàn nên nghĩ cách là cưới một cô gái thân tộc của Thế Tôn. Như thế các Sa-di và những người tập tu sẽ đến cung vua, vì bây giờ là thân tộc với Thế Tôn.
Vua gởi sứ giả đến. Họ Thích bối rối không biết tính sao vì vua là kẻ thù của họ, nếu từ chối sẽ bị vua phá hoại, hơn nữa vua lại không cùng đẳng cấp.
Vua Thích Mahànàma đề nghị gả con gái của mình tên Vàsabhakhattiyà, là một con của một tỳ thiếp. Sứ giả về thuật lại. Vua hân hoan vì biết Thích Mahànàma là anh em chú bác với Thế Tôn. Vua cử sứ giả đi đón cô gái, không quên dặn dò.
– Những ông hoàng thuộc giai cấp chiến sĩ này rất dối trá, ngươi chỉ đưa cô ta về khi chắc chắn cô ta cùng ngồi ăn với cha.
Mọi việc xong xuôi, và sau đó Vàsabhakhattihà được tấn phong hoàng hậu với năm trăm cung nữ theo hầu. Chẳng bao lâu bà sanh một hoàng nam. Vua vui sướng sai người hầu đem tin đến cho Thái Thái hậu, tức là bà nội vua để xin đặt tên. Thái thái hậu thốt lên:
– Trước khi sanh hoàng nam, hoàng hậu đã được lòng mọi người. Bây giờ chắc vua càng phải “sủng ái” hoàng hậu hơn hết.
Nhưng người hầu này lãng tai, do anh ta nghe lầm chữ “Vallbhà” là sũng ái thành “Vidùdabha” (tức lưu ly) nên về tâu với vua.
– Thái thái hậu bảo đặt tên cho hoàng tử là Lưu Ly.
Vua tuân theo, vì nghĩ rằng đó là một tên rất xưa trong hoàng tộc. Dù còn nhỏ, hoàng tử được ban chức cho thống lãnh quân đội vì vua tin rằng như thế sẽ làm vui lòng Thế tôn.
Hoàng tử lúc bảy tuổi thấy các hoàng tử khác được bà ngoại tặng voi, ngựa và nhiều quà khác, thèm thuồng hỏi mẹ sao mình không có. Hoàng hậu đành trả lời là ông bà ngoại thuộc dòng họ Thích ở xa lắm. Lên mười sáu tuổi chàng lại nói với mẹ muốn đi thăm bên ngoại, bà lại thối thác bảo xa lắm đi làm gì, chàng đòi mãi, cuối cùng bà mẹ xiêu lòng cho đi với đoàn tùy tùng đông đảo và một lá thư dặn dò. Dù vậy, họ Thích vẫn đối xử với chàng lạnh nhạt, họ cho các ông hoàng nhỏ về quê hết nên không ai đến chào kính chàng. Họ giới thiệu với chàng cộc lốc:
– Đây là ông ngoại bạn, đây là chú bạn.
Ở lại vài ngày, hoàng tử Lưu ly cùng đoàn tùy tùng lên đường trở về. Một tỳ nữ lau chùi chỗ ngồi của chàng tại nhà nghỉ hoàng gia với nước và sữa, đã nói giọng khinh bỉ:
– Đây là chỗ ngồi của con trai nàng hầu Vàsabhakhattyyà.
Một người lính bỏ quên thanh kiếm trở lại lấy, nghe hết lời cô tỳ nữ. Điều tra và biết rằng Vàsabhakhattyyà là con gái của một tỳ nữ của Thích Mahànàma, anh ta loan tin trong quân đội làm náo động mọi người. Hoàng tử Lưu Ly biết chuyện thề rằng: “Bây giờ họ Thích lau chỗ ngồi của ta bằng sữa với nước, khi ta làm vua trong vương quốc của ta, ta sẽ lau chỗ ngồi của ta bằng máu phun ra từ cổ họng họ.”
Đoàn quân về đến Xá-vệ thì tin tức cũng đến tai vua. Tức giận giòng họ Thích, ông truất phế hoàng hậu và hoàng tử, giáng xuống làm người hầu.
Vài ngày sau, Thế Tôn đến hoàng cung, vua bạch lại tự sự. Thế Tôn khuyên vua:
– Đại vương! họ Thích làm thế không đúng. Muốn gả con cho vua họ phải lựa người cùng đẳng cấp. Nhưng này Đại vương! Ta cần nói thêm cho ông rõ Vàsabhakhattyyà là con gái của vị vua đã nhận lễ phong vương thuộc giai cấp chiến sĩ, và Vidùdabha cũng là con của vua. Có quan trọng gì gia đình người mẹ? Chỉ có gia đình người cha mới thật là thước đo địa vị xã hội. Minh quân thời xưa vẫn phong hoàng hậu cho một cô gái lượm củi nghèo nàn, và hoàng tử con của cô là vua xứ Ba-la-nại, một thành rộng mười hai dặm, tên vua là Katthavàhana.
Rồi Thế Tôn kể chuyện bổn sanh Katthavàhana. Vua nghe pháp sanh tâm hoan hỷ và phục hồi vương tước cho hoàng hậu và hoàng tử.
Tại Câu-thi-na, cô Mallikà con gái của ông Mallikà, và bà vợ của Bandhula vị thống lãnh quân đội, đã từ lâu hiếm muộn không sinh nở. Bandhula đuổi cô về nhà. Trước khi về cô vào kỳ-viên đảnh lễ Thế Tôn và đứng hầu. Thế Tôn hỏi thăm, cô kể lại và được Ngài khuyên hãy trở lại nhà chồng. Bandhula được nàng thuật lời dạy của đấng thập lực, biết rằng Phật có lý do nào đó nên chấp thuận.
Chẳng bao lâu Mallikà mang thai, và chợt thèm được tắm và uống nước trong hồ sen ở Vệ-xá-ly của các ông hoàng Lệ-xá thường dành cho buổi lễ đăng quang. Bandhula chiều ý lấy cây cung mà một ngàn người mới giương nổi, đặt vợ lên xe và đánh xe từ Xá-vệ đến Vệ-xá-ly, vào thành bằng cổng dành cho ông hoàng Lệ-xá Mahàli. Nghe tiếng xe của Bandhula, Mahàli đang ở trong ngôi nhà sát bên cổng, hiểu ngay là các ông hoàng Lệ-xá sắp bị phiền nhiễu.
Hồ sen được canh gác kỹ lưỡng từ trong lẫn ngoài. Bên trên hồ có giăng một lưới sắt, mắt nhỏ đến nỗi chim bay không lọt. Tướng lãnh Bandhula ngang nhiên xuống xe, tấn công lính canh, đuổi họ chạy rồi xé lưới sắt, xuống hồ sen cùng tắm với vợ. Xong ông ra khỏi thành, theo con đường cũ trở về.
Lính canh báo động cho các ông hoàng Lệ-xá. Họ phẫn nộ mang năm trăm xe đuổi theo, quyết bắt cho kỳ được Bandhula và Mallikà. Nhưng Mahàli ngăn lại vì sợ họ bị giết hết. Mặc, họ vẫn ra đi. Mahàli lại cảnh cáo họ, hãy quay lại khi thấy xe của Bandhula lún xuống đất trên trục xe, nếu họ vẫn chạy tiếp sẽ nghe tiếng sét nổ trước mặt, nếu họ không quay lại sẽ thấy một lỗ hổng trên ách xe của họ, khi đó họ chớ nên đi xa hơn. Mặc, họ vẫn đuổi theo không quay lại.
Mallikà trông thấy xe đuổi phía sau, báo với chồng, Bandhula dặn khi tất cả xe xếp thành hàng chữ nhất thì cho biết. Lúc đó ông trao dây cương cho vợ rồi nâng cung lên, bánh xe của ông liền lún xuống đất đến trục xe. Các ông hoàng vẫn đuổi theo. Ông búng dây cung, tiếng nổ vang lên như sét đánh. Họ vẫn không quay lại. Ông bắn một mũi tên thành một lỗ hổng trước mỗi xe, xuyên qua thắt lưng của năm trăm ông hoàng và chui xuống đất. Các ông hoàng Lệ-xá không biết là mình đã bị bắn, lại cố la to:
– Dừng lại! Dừng lại!
Và họ vẫn tiếp tục đuổi theo. Bandhula dừng xe nói:
– Các anh toàn là người chết. Ta không đánh nhau với người chết!
– Chúng ta là người chết sao?
– Hãy nới lỏng thắt lưng của vị chỉ huy trưởng các anh!
Họ nới lỏng thắt lưng ông hoàng kia. Ngay lúc ấy, ông ta ngả xuống chết.
Bandhula nói:
– Tất cả các anh cùng chung cảnh ngộ. Hãy về nhà giải quyết mọi việc cần thiết, dặn dò vợ con lần cuối, sau đó hãy cởi giáp.
Họ làm theo lời, và cuối cùng những ông hoàng ấy ngã ra chết hết.
Bandhula dẫn Mallikà về xá-vệ.
Mallikà sinh đẻ tất cả mười sáu lần, lần nào cũng sinh đôi. Con của bà đều dũng kiện, sức mạnh phi thường thành đạt nhiều học thuật. Mỗi người có một ngàn tùy tùng. Mỗi khi theo cha đến hoàng cung, sân chánh điện chật ních người của họ.
Có lần trong một vụ án lừa đảo, Bandhula xử lại vụ kiện sáng suốt và công bằng, người chủ thật sự được quyền hợp pháp. Dân chúng hoan hô và tán thán ông. Chuyện đến tai vua, các quan tòa bị cách chức, mọi quyền hành được vua giao lại cho Bandhula. Thấy quyền lợi bị thiệt hại, các quan tòa gây chia rẽ trong hoàng tộc bèn loan tin Bandhula muốn chiếm ngai vàng. Vua tin lời họ, muốn trừ khử Bandhula nên mua chuộc một số người, bảo họ nổi loạn ở biên giới và phái Bandhula đi dẹp loạn, đồng thời ngầm sai một nhóm lính hùng mạnh đi theo ông để chặt đầu ông và ba mươi hai người con mang về. Kết quả xảy ra đúng như vua mong muốn.
Ngày hôm ấy, Mallikà mời hai đại đệ tử của Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo đến nhà trai tăng. Bà nhận thư báo hung tin, xem xong thản nhiên cất thư vào túi áo, và tiếp tục thết đãi tăng chúng như không có việc gì xảy ra. Lúc bấy giờ các tỳ nữ đang dâng thức ăn, sẩy tay làm bể hũ mật trước mặt các Trưởng Lão. Ngài xá-lợi-phất khuyên bà đừng quan tâm đến đồ vật vì bản chất của chúng là bể nát. Mallikà rút bức thư trong túi ra thưa:
– Con vừa nhận được tin chồng và các con đều bị chặt đầu, lòng con chẳng hề xao xuyến, huống hồ một cái hũ bể, thưa tôn Giả?
Vị thống soát của niềm tin đọc bài kệ bắt đầu như sau: “Tuổi thọ chúng sanh đây, bao lâu thật khó biết…”.
Thuyết pháp xong ngài đứng dậy trở về tinh xá, Mallikà gọi ba mươi hai nàng dâu đến khuyên nhủ:
– Chồng các con không có tội lỗi gì, chỉ lãnh quả báo nghiệp ác đời trước. Đừng đau buồn, đừng than khóc! Hãy yêu thương, đừng oán giận nhà vua!
Gián điệp của vua nghe được, tâu lại, vua cảm động vô cùng, đến gặp Mallikà xin bà và các con dâu tha thứ, và vua sẽ ban cho bà một ân huệ. Bà nhận lời.. Cúng giỗ cho chồng và các con xong, bà đi tắm rồi đến cung vua xin được ân huệ là trở về quê với các con dâu. Các con dâu về nhà họ, còn bà về nhà mình ở Câu-thi-na. Vua ban chức thống lãnh quân đội cho Dìghakàràyana, một người cháu của Bandhula. Nhưng ông này đi đâu cũng mắng nhiếc vua là đã giết chú của mình.
Kể từ ngày giết oan Bandhula, vua ăn năn đau khổ, lòng bất an và chẳng còn niềm vui nào trong việc an dân trị nước. Thời gian đó đấng Đạo sư đang ngụ gần ngôi làng nhỏ Ulumpa của họ Thích. Vua cắm trại cách đó không xa. Ông đến tinh xá đảnh lễ Thế Tôn với số ít người hầu thân tín. Vua bước vào hương thất một mình, sau khi giao năm thứ biểu trưng vương vị cho Dìghakàràyana (Kinh Dhammacetiya đã kể như vậy).
Ông này nhận năm món ấy xong liền tôn hoàng tử Lưu Ly lên ngôi, trở về Xá-vệ, chỉ để lại một con ngựa và một tỳ nữ.
Vua thăm hỏi Thế Tôn xong trở ra không thấy quân lính, hỏi tỳ nữ biết tự sự, bèn định cùng với cháu bắt Lưu ly. Ông đi Vương-xá, đến cổng thành trời đã tối. Kiệt sức vì phơi mình ngoài nắng gió, vua Ba-tư-nặc nằm nghỉ trong một quán trọ và tắt thở ngay đêm ấy.
Trời hừng sáng, người ta nghe tiếng đàn bà than khóc:
– Vua của xứ Kosala hỡi! Ngài chỉ còn một mình, mất hết người che chở rồi!
Tân vương thành Vương Xá được họ đến báo tin bèn cử hành tang lễ trọng thể.
Nhớ lại thù xưa, vua Lưu Ly dẫn một đoàn quân ra khỏi thành cốt giết cả dòng họ Thích. Thế Tôn quan sát thế gian vào buổi sáng, thấy thân tộc sắp bị tiêu diệt, có ý muốn bảo vệ. Ngài đi khất thực, trở về nằm nghiêng bên phải như sư tử trong hương thất. Chiều, Ngài bay lên trời và ngồi xuống một gốc cây trơ trọi, ít bóng mát, trong vùng lân cận Ca-tỳ-la-vệ. Cách đó không xa, có một cây đa thật to, bóng mát che rợp, nằm ở bên biên giới của vương quốc Lưu Ly. Vua Lưu Ly ngạc nhiên tại sao Thế Tôn không ngồi dưới bóng mát cây đa khi trời quá nóng bức, bèn hỏi Thế Tôn và được Ngài trả lời:
– Đừng lo lắng! Đại vương! Bóng mát của thân bằng quyến thuộc là Ta mát mẻ.
Vua biết ý Thế Tôn muốn che chở dòng họ nên đảnh lễ Ngài, quay về Xá-vệ. Thế Tôn cũng đứng lên bay về Kỳ Viên.
Lòng thù hận học Thích vẫn chưa nguôi ngoai, vua lại ra đi lần thứ hai. Thấy Thế Tôn còn ở chỗ cũ, vua đành quay về. Lần thứ ba cũng vậy. Đến lần thứ tư, Phật quán sát thấy rõ hành động quá khứ của dòng họ Thích là đã ném thuốc độc xuống sông; biết không thể ngăn chặn được quả báo nên Ngài không đi đến gốc cây trơ trọi nữa. Thế là vua Lưu Ly với binh lực hùng hậu mặc tình tiến tới.
Thân tộc của Thế Tôn giữ giới nên không giết hại kẻ thù mình, họ thà chết hơn đoạt mạng sống kẻ khác. Họ mặc giáp lên đường chiến đấu, hy vọng dùng tài ba của mình khiến kẻ địch bỏ chạy. Những xạ thủ tài giỏi họ Thích khéo léo điều khiển mũi tên bắn xuyên qua khiên và kẽ hở lỗ tai, mà không trúng ai cả. Vua Lưu Ly thấy tên bay không tin rằng họ Thích giữ lời hứa không sát hại kẻ thù, nhưng khi đếm lại số người của mình còn nguyên, ông mới hết nghi ngờ. Tuy vậy ông vẫn ra lệnh bộ hạ giết hết họ Thích, trừ những người theo Thích Mahànamà.
Họ Thích đứng trên đất của mình, không còn biết cách xoay sở nào khác nên một nhóm ngậm lá cỏ trong răng, nhóm khác cầm lau sậy chực sẵn. Khi được hỏi có phải họ Thích Sàkiyas không, thì họ trả lời hoặc không phải Sàka (rau) mà là cỏ, hoặc không phải Sàka (rau) mà là sậy. Nhờ vậy, hai nhóm này thoát chết. Sau, những người cầm lau sậy có tên là Thích-lau. Vì chữ sàka (rau) có âm tương tự chữ Sàkiyas (Thích) nên họ nói trớ để khỏi phạm giới vọng ngữ. Vua Lưu Ly chỉ tha những người đi theo Thích Mahànamà, ngoài ra trừ tiệt hết họ Thích không chừa đứa trẻ nằm nôi. Vua Lưu Ly đã gây ra một dòng sông máu, lau chỗ ngồi của mình bằng máu phun từ cổ họ Thích.
Vua trở về, bắt theo Thích Mahànama. Đến giờ ăn sáng, vua muốn cùng ăn với ông ngoại Mahànama. Giai cấp chiến sĩ thà chịu chết hơn cùng ăn với con của nô lệ, vì vậy ông từ chối, nhưng lại sợ vua giết mình, tấn thoái lưỡng nan đành chọn tự kết liễu đời mình. Ông viện cớ tay chân lấm bẩn xin đi tắm. Rồi ông xỏa tóc xuống, thắt gút ở đuôi, thóc ngón chân to lớn của ông vào tóc, lao mình xuống nước. Do công đức của ông, long cung bị nóng lên. Long vương ngạc nhiên bèn đến chỗ ông, đặt ông ngồi trên vây và đưa ông đến long cung.Ông ở lại đó mười hai năm. Vua Lưu Ly đợi mãi không thấy ông, cho lệnh rọi đèn xuống hồ tìm, khám xét trong mớ quần áo của bộ hạ ông nhưng không thấy ông đâu cả. Cho rằng ông đã đi, vua Lưu Ly lên đường. Vua đến sông Aciravatì trong đêm và cắm trại ở lại. Đoàn tùy tùng của vua một số nằm trên bờ trên cát trong lòng sông cạn, một số nằm trên bờ đất cứng. Người nằm trên bờ cát là những người không phạm tội ác đời trước, bị kiến cắn nên lội khỏi bờ cát lên nằm trên bờ đất; còn những người nằm trên bờ đất là những người phạm tội các đời trước, nên khiến lội xuống bờ cát trong lòng sông. Ngay lúc ấy một cơn bão thổi đến, mưa trúc xuống không ngớt. Lũ lụt tràn ngập con sông, cuốn vua Lưu Ly và đoàn tùy tùng xuống biển làm mồi cho cá và rùa.
Dư luận xôn xao về việc họ Thích bị tàn sát và cho đó là bất công. Đức Phật giải thích là không phải bất công nếu biết nghiệp quá khứ, vì kiếp trước họ đã âm mưu ném thuốc độc xuống sông. Các Tỳ-kheo cũng lại bàn tán trong Pháp đường, Phật liền dạy:
– Các Tỳ-kheo! Trong lúc các chúng sanh này lo thỏa mãn tham vọng của họ, Diêm vương cắt ngắn mạng sống của họ và ném họ vào bốn biển phiền não, giống như lũ lụt cuốn trôi ngôi làng đang say ngũ.
Và Ngài nói Pháp Cú:
(47) Người nhặt các loại hoa,
Ý đắm say, tham nhiễm,
Bị thần chết mang đi,
Như lục trôi làng ngũ.