Tích Truyện Pháp Cú – Phẩm Hình Phạt: Santati , Quan Đại Thần Của Vua

Tích Truyện Pháp Cú

Phẩm Hình Phạt

Santati , Quan Đại Thần Của Vua

Ai sống tự trang sức…

Thế Tôn đã dạy như thế tại Kỳ Viên, do chuyện quan đại thần tên Santati.

Đi dẹp giặc ở biên giới về, Santati được vua Ba-tự-nặc xứ Kosala giao vương quốc cho ông nhiếp chính trong bảy ngày và một cung nữ để múa hát. Suốt bảy ngày đó, ông miệt mài rượu chè, và ngày cuối ông trang điểm lộng lẫy leo lên bạch tượng để đi đến hồ tắm. Ngang qua cổng thành thấy Thế Tôn đang vào thành khất thực, ông vẫn ngồi trên lưng voi, cúi chào Ngài và đi tiếp.

Thấy Phật mỉm cười, A-nan hỏi và được Phật cho biết:

– A-nan, hãy nhìn quan đại thần của vua trang điểm lộng lẫy, sẽ đến chỗ Ta, và nghe xong cuối bài kệ sẽ chứng A-la-hán. Rồi ông ta ngồi lơ lửng cách mặt đất tám cây thốt nốt và nhập Niết-bàn.

Đám người ở đó nghe được chia ra làm hai phe. Phe tà kiến cho rằng Sa-môn Cồ-đàm ưa gì nói nấy, làm gì có chuyện tên say rượu bí tỉ, trang sức đầy mình, sẽ nghe pháp và nhập Niết-bàn. Quả là dối trá. Phe Phật tử thì tán thán thần lực của Phật thật kỳ diệu, và họ sẽ được đặc ân nhìn thấy sự vẻ vang của Phật và của Santati.

Xuống hồ, Santati bơi lội cả buổi, rồi vào lạc viên uống rượu, có cung nữ biểu diễn. Để có thân hình duyên dáng, cô ta đã nhịn đói bảy ngày và trong khi trổ hết tài khéo của mình, bao tử và trái tim bỗng đau quặn lên như bị dao cắt. Cô chết liền, mắt và miệng còn mở. Santati chỉ kịp lắp bắp:

– Cô nương, coi chừng!

Thì cô ta đã ngừng thở; Santati sầu não quá đỗi. Trong khoảnh khắc, rượu chảy trong máu ông từ cả tuần nay như biến mất, giống như nước để trên than hồng. Ông biết không ai ngoài Thế Tôn có thể dập tắt nỗi buồn của mình, nên đến gặp Phật, đảnh lễ, kể lại và xin được nương tựa. Thế Tôn an ủi ông:

– Ông đã đến đúng người có thể làm tiêu tan sầu khổ cho ông. Biết bao nhiêu lần người đàn bà này đã chết như thế, và ông đã bao phen khóc nàng, nước mắt còn nhiều hơn bốn biển.

Và Ngài đọc kệ sau:

Việc gì đã trôi qua,

Tốt nhất là buông bỏ.

Và ở trước mặt ngươi,

Không có gì ở đó.

Nếu không nắm bắt gì,

Giữa tương lai, quá khứ,

Sẽ bước trong an bình,

Không còn gì khổ sở.

Vừa kết thúc bài kệ, Santati chứng quả A-la-hán cùng các thần thôngQuan sát thọ mạng mình, ông biết chẳng còn sống được bao nhiêu, nên xin Thế Tôn nhập Niết-bàn. Dù đã biết việc làm của ông trong tiền kiếp, Phật vẫn bảo ông kể lại cốt cho nhóm ngoại đạo, đang chờ sự thật sẽ xảy ra khác với tiên đoán của Thế Tôn, và nhóm Phật tử muốn thấy công đức quá khứ của ông, được nghe:

– Vậy thì, Santati, hãy thuật lại chuyện quá khứ, nhưng đừng đứng dưới đất, mà bay lên trời, cao bằng bảy cây thốt nốt.

Santati vâng lời. Ông chào Phật, bay lên trời, đáp xuống chào Phật một lần nữa, rồi bay lên trên, ngồi kiết già kể:

_______________________

Chuyện Quá Khứ

Người Thuyết Pháp Và Nhà Vua

Cách đây chín mươi chín kiếp, thời Phật Tỳ-bà-thi tôi sanh ở Bandhumatì. Băn khoăn không biết làm thế nào để trừ được tham ái và phiền não cho người khác, bỗng gặp các nhà thuyết pháp, tôi quyết định sẽ làm việc đó mà thôi. Tôi khuyến khích mọi người làm việc công đức. Chính tôi cũng vậy, vào ngày Bát quan trai, tôi giữ giớibố thí và nghe pháp. Tôi đi khắp nơi rao giảng: “Không có châu báu nào có thể sánh với Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Hãy cung kính Tam Bảo!”. Vua Bandhumatì, cha của Phật, gọi tôi lại hỏi thăm, và khi biết việc tôi làm Ngài hỏi tôi thường dùng phương tiện gì để đi lại. Nghe tôi thưa thường vẫn đi chân đất, Ngài choàng cho tôi một chuỗi hoa, y như chuỗi ngọc và cho tôi một con ngựa. Sau đó, vua gọi tôi lại lần thứ hai để hỏi thăm. Biết tôi vẫn đi thuyết pháp, vua cho một xe có bốn ngựa thuần chủng Sindh kéo. Hỏi thăm lần thứ ba, vua tặng nguyên tài sản lớn, một bộ châu báu lộng lẫy và cả một con voi. Đeo hết châu báu và ngồi trên lưng voi, suốt tám mươi ngàn năm thuyết pháp khắp nơi, tạo công đức, thân tỏa mùi thơm chiên đàn, miệng mùi lá sen.

_______________________

(Hết Chuyện Quá Khứ)

Kể xong, Santati, vẫn ngồi kiết-già trên trời, nhập Hỏa quang tam-muội, và từ đó nhập Niết-bàn. Lửa thiêu hết thân, xá-lợi rơi từ từ xuống như hoa nhàiThế Tôn cho trải một tấm thảm trắng để hứng và sai cất tháp tại ngã tư đường để thờ. Dân chúng tôn kính xá lợi này sẽ có nhiều công đức.

Các Tỳ-kheo bàn tán về Santati, và không biết nên gọi ông là ẩn sĩ hay Bà-la-môn. Phật nghe được trả lời:

– Các Tỳ-kheo! Đệ tử Ta thật đáng gọi là ẩn sĩ, và cũng đáng gọi là Bà-la-môn.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

(142) Ai sống tự trang sức,

Nhưng an tịnh, nhiếp phục,

Sống kiên trì phạm hạnh,

Không hại mọi sinh linh,

Vị ấy là Phạm Chí,

Hay Sa mônkhất sĩ.

dhp142 b

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app